17 June 2017

TÁC GIẢ “KIẾP NÀO CÓ YÊU NHAU” QUA ĐỜI - Phan Ni Tấn

Nhớ nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh

Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh (1930-2017)

Hồi mới tới Canada định cư khoảng nửa năm tôi có nghe qua băng cassette bài Ai Trở Về Xứ Việt của nhạc sĩ Phan Văn Hưng mà lòng bồi hồi. Thập niên 1980, không riêng gì những cựu tù cải tạo mới đặt chân lên xứ sở tự do, khi nghe bài hát này qua giọng hát Khánh Ly, tôi nghĩ rằng ai cũng phải cúi đầu ngậm ngùi mà nhớ lại quãng đời đày đọa u uất trong lao tù Cộng sản. Cả lời ca lẫn tiếng nhạc đều gợi lên một nỗi trầm buồn thê thiết – nó quyện lại, nhắn nhủ, gởi gắm, trôi đi. Nó trôi qua không gian mênh mông trở về tận bên kia bờ đất nước để ân cần hỏi thăm những người bạn tù ở trong tù:

Ai trở về xứ Việt. Nhắn giùm ta người ấy ở trong tù. Nghe đâu đây vang giọng hờn rên xiết. Dài lắm không đằng đẵng mấy mùa thu.

Ai trở về xứ Việt. Thăm giùm ta người ấy ở trong tù. Cho ta gởi một mảnh trời xanh biếc. Thay giùm ai màu trời ngục âm u…

Sau này tôi mới biết bản nhạc này được Phan Văn Hưng phổ từ thơ Minh Đức Hoài Trinh, một nhà thơ đầy nhân bản của đất Thần Kinh trầm mặc, cổ kính, sáng tác tại Paris năm 1962.

Trước 1975, nhạc sĩ Phạm Duy có hai bản nhạc Kiếp Nào Có Yêu Nhau và Đừng Bỏ Em Một Mình phổ từ thơ Minh Đức Hoài Trinh trở thành bất tử trong nền âm nhạc Việt Nam. (Tôi vẫn còn nhớ năm 1970 tại Ban Mê Thuột, ông Tô Phùng Nghiệp, cựu giáo sư trung học Banmêthuột có soạn riêng cho Tây ban cầm những bản tình ca của các nhạc sĩ miền Nam trong đó có bản nhạc Kiếp Nào Có Yêu Nhau của Phạm Duy. Thuở đó, ở Ban Mê Thuột rộ lên “phong trào” chơi đàn Tây ban cầm cổ điển do giáo sư Tô Phùng Nghiệp hướng dẫn. Về sau, giáo sư xin đổi về quê quán Cần Thơ tiếp tục dạy học và đã bị phía Cộng sản thủ tiêu lúc con của giáo sư vừa tròn 1 tuổi).
Ngưỡng mộ nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh từ những ngày ở trong nước trước 1975 đến mãi mùa hè năm 1983 tôi mới gặp nữ sĩ tại tư gia giáo sư Nguyễn Tăng Chương nhân dịp bà ghé qua thăm Toronto. Có tiếp xúc mới cảm nhận ở bà một tâm hồn bình dị và thanh thoát trong chiếc áo dài đậm màu nâu đất. Chữ nghĩa trong văn chương cũng như giữa cuộc sống của bà đều toát ra sự hiền hòa, chân thực. Quê hương miền Trung và mảnh đất nhỏ hẹp của sông Hương núi Ngự như lênh đênh trôi nổi qua từng lời nói nhỏ nhẹ, cử chỉ từ tốn vốn có của người phụ nữ đất Thần Kinh. Từ đó đến năm 2011, nhân thực hiện bộ Chân Dung Bạn Văn online tôi có gọi điện thoại qua Mỹ trò chuyện hỏi thăm nữ sĩ và phu quân Nguyễn Huy Quang. Rồi thôi, cho đến khi hay tin bà qua đời.
Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh, sinh ngày 15-10-1930 tại Huế, Sống ở Pháp từ năm 1953 đến năm 1964. Đến định cư tại quận Cam, Hoa Kỳ năm 1982. Bà mất ngày 9-6-2017 tại Nam California, Hoa Kỳ.
Suốt quãng đời hoạt động văn học nghệ thuật, bà đã có nhiều thành tựu trên những lãnh vực văn học, xã hội và đời sống. Bà cũng tận dụng khả năng qua ngòi bút để tranh đấu cho các văn nghệ sĩ bị cộng sản giam cầm. Bà đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và vận động để được công nhận hội viên Văn Bút Quốc Tế tại Rio de Janeiro, Brazil năm 1979. Ngoài những bài báo, bà đã xuất bản các tác phẩm giá trị qua các thể loại truyện, thơ: Lang Thang (1960), Thư Sinh (1962), Bơ Vơ (1964), Hắn (1964), Mơ (1964), Thiên Nga (1965), Hai Gốc Cây (1966), Sám Hối (1967), Tử Địa (1973), Trà Thất (1974), Bài Thơ Cho Ai (1974), Dòng Mưa Trích Lịch (Thanh Long Bruxelles, 1976), Bài Thơ Cho Quê Hương (Nguyễn Quang Paris, 1076), This Side The Other Side )Occidental Press USA, 1980), Bên Ni Bên Tê (truyện dài Nguyễn Quang USA, 1985), Niệm Thư 1 (tái bản 1987), Biển Nghiệp (Nguyễn Quang USA,1990).
Danh nhân của nền văn học miền Nam Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy và nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh đã lần lượt đi vào thiên cổ, nhưng các tác phẩm của họ vẫn bất tử trong lòng người Việt.

Phan Ni Tấn