
Nhặt lá vàng xưa!
Sau nhiều năm tha hương, tôi thường băn khoăn với ý tưởng:
Những vầng trăng cũ đã thực sự chết rồi chăng? Phải chăng người Việt chúng ta
đã bắt đầu quên cái thú ngắm trăng vì tiêm nhiễm đầu óc thực tế máy móc của Tây
phương nên khó mà cảm nhận cái biểu tượng sâu sắc của vầng trăng nói chung và vầng
trăng thu nói riêng như tổ tiên dân Á Đông cổ truyền trong đó có ta vốn theo nền
văn hóa Âm lịch.
Cách đây 35 năm, vào tháng 7 năm 1969, phi hành gia Mỹ Neil
Armstrong đã đặt chân lên nguyệt- cầu và khám phá ra trên đó chỉ toàn là núi đá
và những bình nguyên mênh mông mà nhìn từ trái đất lên cứ nghĩ là biển, nhiệt độ
thay đổi từ – 180 độ C đến + 110 độ C. Tản Đà (1889 – 1939) nếu thọ thêm
30 năm, chắc không còn thi hứng “Muốn làm Thằng Cuội” nữa:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần giới em nay chán nữa rồi.
Cung Quế đã ai ngồi đó chửa?Cành đa xin chị nhắc lên
chơi...
Tôi nghĩ rằng không! Con người Việt Nam hiện đại chấp nhận
Dương lịch làm lịch chính thức, nhưng trong thâm tâm huyền bí, người
ta vẫn theo Âm lịch như ăn Tết, cúng bái, kỵ giỗ, kiêng cữ , bói toán tử
vi ... và nhất là còn ngắm trăng, mừng trăng và làm thơ cùng triết lý về
trăng.
Ai đâu trở lại mùa thu trước,
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng.
Những chiếc lá vàng mà chúng ta tìm nhặt lại khi trở về quá
khứ chính là những mảnh trăng xưa mà tôi kể dưới đây.
Vầng trăng âm lịch
Vầng trăng rất quan hệ đến sinh hoạt, tính khí và sinh lý của
vạn vật trên mặt đất qua hiện tượng thủy triều và ảnh hưởng huyền
bí trên mùa màng cây cỏ.
Về hình dáng và thời điểm xuất hiện của vầng trăng trong
tháng được nhà nông kể thuộc lòng theo vần theo điệu như sau: Mồng một lá trai,
Mồng hai lá lúa, Mồng ba câu liêm, Mồng bốn lưỡi liềm, Mồng năm liềm giật, Mồng
sáu thật trăng, Mười rằm trăng náu, Mười sáu trăng treo, Mười bảy sảy giường
chiếu, Mười tám trăng lẹm, Mười chín dụn dịn, Hai mươi giấc tốt, Hăm mốt nửa
đêm, Hăm hai bằng tai, Hăm ba bằng đầu, Hăm bốn bằng râu, Hăm lăm bằng cầm, Hăm
sáu đã vậy, Hăm bảy làm sao, Hăm tám thế nào, Hăm chín thế ấy, Ba mươi không
trăng.
Nông gia còn có những câu sau để tiên đoán việc nông tang:
Muốn ăn lúa ré, xem trăng rằm tháng giêng,
Muốn ăn lúa tháng năm, xem trăng rằm tháng tám
Muốn ăn lúa tháng mười, xem trăng mồng tám tháng tư
Ở Việt Nam, các vị túc-nho trước đây cũng quan sát thiên văn
trong sự ngắm trăng thu: Trăng sáng tỏ là điềm được mùa lúa sắp tới, trăng vàng
đẹp là tằm sản xuất nhiều tơ. Màu sắc Trăng xen hơi lục hay xanh là triệu chứng
đói rét. Trăng vằng vặc ửng sắc da cam là dấu chỉ thái bình thịnh trị. Trăng lấm
tấm chấm đỏ là điềm giới lãnh đạo quốc gia bất lương u muội. Trăng lợn cợn nhiều
hình nanh vút là điềm binh hỏa.
Vầng trăng mở hội liên hoan
Ngày rằm Trung thu rơi vào tiết Thu phân nên khí Âm và Dương
điều hòa với đêm ngày bằng nhau. Bầu trời quang đãng, khí hậu ôn hòa nên người
ta cảm thấy dễ chịu nhất trong năm. Hơn nữa, thu là mùa lúa chín, nên việc đồng
áng rảnh rỗi. Đây là dịp “ăn mừng vầng trăng tập thể “một cách cụ thể của tục lệ
xã hội trong cảnh liên hoan náo nhiệt với tục rước đèn, múa lân, trong vị ngọt
hương trà của tục ăn Nguyệt bính. Do đó, cá nhân không hẳn đã lấy con mắt
và tâm hồn mà “ ngắm trăng” đúng nghĩa.
Vầng trăng của tâm thức
Người xưa đã ngắm trăng ra sao? Tại sao tôi nói “người xưa”?
Vì “người thời nay” đã thị-thành hóa, cơ khí hóa, tự động hóa... đã không còn dịp
sống với vầng trăng. Thời khóa biểu làm việc chật vật, những ngõ hẻm chật
chội, những cao ốc hộp diêm, những đèn đường sáng trưng... đã làm người ta quên
mất trăng! Còn người xưa Á Đông sống theo văn hóa âm lịch thì vầng trăng hiện
diện theo từng lớp tuổi:
* Với nhi đồng là vầng trăng của bài ca “Ông giẳng,
Ông giăng ...”, của những chuyện kể thần thoại về “Thằng cuội,” “Hằng
Nga,” “Thiềm thừ,” “Cung Quảng”; của những trò chơi “Thả đỉa ba ba,” “Rồng rắn
Ông thầy,” Phụ đồng chổi... thổi lổi mà lên” dưới ánh trăng vàng vằng vặc.
* Với lứa tuổi nam nữ yêu đương là những vầng trăng thề,
trăng chia phôi, trăng nhớ nhung, trăng khắc khoải... Cuốn Kiều 3522 câu lục
bát chỉ nhắc đến hai ba chữ “nắng” nhưng đã nhắc đến 38 chữ “trăng” với bao
nhiêu sắc vẻ trữ tình như trăng bạc, trăng già, trăng gió, trăng hoa, trăng
khuyết, trăng mới, trăng tà, trăng tàn, trăng thâu, trăng thề, trăng tròn...
Nếu trong Kiều, câu tha thiết nhất là: Trăng thề còn đó
trơ trơ, Dám xa xôi mặt, mà thưa thớt lòng thì trong Chinh Phụ ngâm,
có những câu “Trăng khuya nương gối, bơ phờ tóc mai,” “ Nguyệt
hoa, hoa nguyệt trùng trùng, Trước hoa, dưới nguyệt trong lòng xiết đâu,” ”Xông
pha gió bãi trăng ngàn, Gươm treo đầu ngựa, giáo lan mặt thành” và “Hồn tử sĩ
gió ù ù thổi, Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi” đã làm cho tơ lòng ta
chùng hẳn lại vì thương cảm.
Vầng trăng thiên cổ của người xưa
Riêng về lớp tao nhân mặc khách Á Đông thì “vầng trăng
thiên cổ” là cả một nguồn thi hứng để cảm hoài sáng tác. Họ đã ca tụng
trăng khi nghe đờn hát của đám ca nhi, khi tiệc tùng chè chén, khi ngắm hoa,
khi lên núi cao, khi dong thuyền trên sông nước.... Nhiều áng văn nổi tiếng của
các thi hào Trung Quốc đã được sáng tác dưới trăng :
- Trong bài Tương tiến tửu, thi bá Lý Bạch khuyến
khích người ta: Nhân sinh khi đắc ý nên càng, Khôn nỡ để chén vàng
trơ dưới nguyệt.
- Trong Tỳ bà hành (mùa thu năm 816 CN), Bạch Cư Dị đã tả: Thuyền
không đậu bến mặc ai, Quanh thuyền trăng giãi, nước trôi lạnh lùng.
- Tô Đông Pha trong hai bài Tiền Xích bích phú và Hậu
Xích bích bất hủ sáng tác vào mùa thu năm Nhâm Tuất (năm 1082) đã tạo một ảnh
hưởng sâu đậm trên những thi sĩ của Việt Nam thời trước với tinh thần khinh
khoái của tư tưởng Lão Trang mà chúng ta có thể coi như một thứ triết lý hiện
sinh cổ thời. Trên cảnh sông nước Trường giang dưới ánh trăng thu, Tô Đông Pha
đã luận về thân phận phù du của con người trong vũ trụ mênh mang bất diệt để kết
luận với cái triết lý hưởng lạc trước mắt trong kho tàng thiên nhiên vô tận :
Nước kia vẫn xuôi giòng chẩy xiết,
Mà chưa từng đi hết chút nao!
Trăng kia có lúc đầy hao,
Mà ta chưa thấy khi nào bớt thêm
Cứ lúc biến mà xem trời đất,
Thì chẳng qua chớp mắt mà thôi.
Cứ khi không biến mà coi,
Thì ai ai cũng lâu dài như nhau
...
(Tiền Xích Bích Phú dịch nôm của Đào Nguyên Phổ)
Đọc lại cổ thi Việt, hậu sinh gặp những bài ca trù ngâm
phong vịnh nguyệt hàm chứa cái quan niệm triết lý nhân sinh Lão Trang của Trung
Hoa như:
- ...Thảnh thơi gió mát trăng trong, Bức tranh sơn thủy một
vùng cỏ hoa. Thú này ai dễ hơn ta (trích Của kho vô tận - Nguyễn Quí Tân)
- ...Rượu một bầy, thơ ngâm một túi; Góp gió trăng làm bạn
với non sông; Núi kia tạc để chữ đồng, Trăng kia nhớ mặt anh hùng này chăng? (Núi
cao trăng sáng của Cao Bá Quát)
- ...Sẵn non sông kia với gió trăng, Mượn cảnh trí thung
thăng là sở thích (Chữ Nhàn của Nguyễn Công Trứ)
Vầng trăng trữ tình trong thơ mới
Vầng trăng thiên cổ của cổ nhân là “vầng trăng ước lệ”
với từ ngữ cô đọng theo khuôn sáo. Cho đến khi phong trào thơ mới nở rộ ở Việt
Nam thời tiền chiến, thì “vầng trăng trở nên trữ tình” bắt đầu len lỏi
trong tâm hồn và dàn trải ra theo từng giai điệu của mỗi thi nhân.
Còn lưu luyến với tứ thơ cổ điển, Quách Tấn viết: Một luồng
sương bạc bỗng từ mô, Lẻn cuốn vầng trăng cuốn mặt hồ (Đà Lạt đêm sương) .
Đến Lưu Trọng Lư thì trăng vẫn là trăng cổ điển mộng mơ một trời kỷ niệm: Vầng
trăng từ độ lên ngôi, Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ... (Vần thơ sầu rụng).
Nhưng đối với Xuân Diệu thì trăng lên đến đỉnh cao và lộ ra nhiều sắc vẻ
hơn cả:
- Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá
Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ (Trăng - Thơ
Thơ)
- Sương nương theo trăng ngừng lưng trời,
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi (Nhị hồ - Thơ Thơ)
- Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần (Nguyệt cầm -
Thơ Thơ)
Cuối cùng, đến với Hàn Mặc tử thì Trăng trong hồn thơ bệnh
lý điên loạn của ông hoàn toàn không còn là ánh sáng nguyệt cầu của phàm nhân nữa
mà là một thực thể để ông ôm, ngủ, ngậm hớp, cắn, sờ sẫm:
- Bóng nguyệt leo song sờ soạng gối (Đêm không ngủ)
- Hôm nay có một nửa trăng thôi, Một nửa trăng ai cắn vỡ
rồi (Một nửa trăng)
-Trăng nằm sõng soãi trên cành liễu
... Trần truồng tắm, Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.
(Bẽn lẽn)
- Cả miệng ta, trăng là trăng (Một miệng trăng)
Tìm đâu lại ánh trăng xưa?
Sống vào đầu thế kỷ 21 trong một xã hội hiện đại, chúng ta
có thể tìm lại trăng không? Tôi nghĩ vầng trăng tâm thức vẫn còn nếu ta biết
cách tìm lại. Cách đó là tìm học lại chữ Nhàn trong triết lý Á Đông qua lời thơ
ca trù của Nguyễn Công Trứ.
Thị tại môn tiền náo,
Nguyệt lai môn thị nhàn *
So lao tâm, lao lực một đoàn
Người nhân thế muốn nhàn sao được?
Nên phải lấy chữ Nhàn làm trước,
Dẫu trời cho có tiếc cũng xin nài!
Chợ họp trước cửa thì huyên náo, Trăng soi trước cửa thì
thanh nhàn.
Chiết tự chữ Nho thì chữ Thị là chợ viết trong chữ Môn là cửa
đọc thành chữ Náo; Chữ Nguyệt ở trong chữ Môn là chữ Nhàn. Đúng thế, nói bóng bẩy,
nếu chúng ta biết tạm dẹp “cái chợ lý trí” trong đầu óc chúng ta đầy rẫy
với bao cơ mưu toan tính sau những giờ làm việc để cố mở lại “cõi lòng thảnh
thơi” thì vầng trăng sẽ soi rọi lại thôi. Ai ơi, hãy mở cửa sổ tâm hồn ra để
đón lại nguồn trăng.
Lê
Văn Lân