22 July 2017

NHỮNG ANH THƯ THỜI ĐẠI - Sơn Nghị


Chính bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn thấy trên thế giới.
Mahatma Gandhi


Lịch sử của dân Do-thái thuật lại trân chiến hy hữu giữa một cậu bé và một tên khổng lồ. Chuyện xảy ra vào giữa thế kỷ 11 trước Công nguyên, khi hai đội quân của Philitinh và Do-thái dàn trận hai bên triền núi của thung lũng Elah. Tên khổng lồ tên Gô-li-át, người thành Gát, và cậu bé dáng nhỏ thó tên Đavít.
Gô-li-át to lớn thế nào. Sách Cựu ước tả hắn “…cao cỡ 3 thước đầu đội mũ chiến bằng đồng, mình mặc áo giáp đan kết bằng nhưng mảnh đồng hình vảy cá, nặng năm mươi ký. Chân nó mang tấm che cũng bằng đồng, vai đeo cây lao bằng đồng, bên hông treo thêm thanh kiếm. Cán giáo của nó như trục khung cửi thợ dệt; và mũi giáo của nó bằng sắt, nặng sáu ký…” Đó là đoản giáo của Gô-li-át dùng làm vũ khí để áp đảo địch thủ khi cận chiến. Tính ra áo giáp bao bọc từ đầu xuống chân, thêm lao, kiếm, và giáo nặng nề, Gô-li-át khoác lên người mấy chục ký mỗi đi vào trận chiến. Cây đoản giáo được nhà viết sử Moshe Garsiel diễn tả, “loại giáo với mũi sắt sắc bén nặng chình chịch, đuôi giáo được cột bằng một sợi giây sắt nằm trong tay Gô-li-át trở thành một vũ khí độc đáo. Mỗi khi Gô-li-át vung cánh tay vạm vỡ ném đoản giáo ra, cây giáo có thể xuyên thủng cả thuẫn lẫn áo giáp bằng đồng của địch thủ.” Không một ai dám đối diện với tên khổng lồ Gô-li-át. Toàn dân Do-thái khiếp sợ trước sức mạnh vô song của Gô-li-át là điều dễ hiểu.
Còn hình dáng của Đavít ra sao? Đavít chỉ là một cậu bé đang lớn. Một kẻ chăn chiên, tay cầm gậy xua chó, trên vai treo môt cái ná (sling) bắn đá, một loại đá nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay của cậu. Khi biết ý định Đavít sẵn sàng ra trận đối đầu với Gô-li-át, vua Sa-un trao cho cậu chiếc áo giáp và thanh kiếm của vua. Cậu bảo, “nặng như thế làm sao tôi vác nổi.” Rồi cậu lững thững ra trận với niềm tin sắt đá là sẽ hạ gục địch thủ. Chuyện gì xảy ra sau đó ai cũng biết, và câu chuyện được truyền tụng qua hơn ba nghìn năm, Đavít dùng ná bắn cục đá vào ngay giữa trán của Gô-li-át. Hắn ngã ngữa, chết tốt. Đavít dùng gươm của hắn cắt đứt đầu. Cậu bêu đầu lâu của Gô-li-át về phía hàng ngũ của quân Philitinh và cả đoàn quân bỏ chạy toán loạn. Quân Do-thái đại thắng.
Về sau, câu chuyện tiêu biểu này được dùng để diễn tả một cuộc đối đầu không cân sức, quá chênh lệch về mọi mặt. Trong cuộc chiến với quân thù, một sự chênh lệch chỉ mang lại thất bại. Khi con người đối đầu với nghịch cảnh cũng thế, những khó khăn khiến người ta ngã quỵ. Câu châm ngôn, “cái khó bó cái khôn” khuyến cáo con người khi phải đối phó với hoàn cảnh khắc nghiệt. Thế mà vẫn có người nhìn trừng trừng vào nghịch cảnh, kiên quyết chiến đấu đến cùng. Một cuộc đọ sức xem ra chỉ chuốc lấy thất bại, thế mà kết quả thật không ngờ. Nực cười châu chấu đá xe, Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng. Đavít đã chiến thắng một cuộc chiến không cân sức.
Sự chiến thắng bất ngờ của cậu bé chăn chiên thuở nào đã là niềm cảm hứng cho nhiều người. Mỗi khi đối diện với nghịch cảnh, hình ảnh Đavít tay cầm ná, chân đạp lên ngực của tên Gô-li-át khổng lồ nằm ngửa trên đất, giúp người ta phấn chấn, vượt khó khăn kiên quyết tiến về phía trước. Không gì ngăn cản được họ đứng dậy với quyết tâm phải hành động. Có thể họ sẽ không bao giờ nếm được mùi chiến thắng như Đavít, nhưng ít ra họ đứng dậy để làm một cái gì đó, chứ không chịu thua số phận. Không thành công cũng thành nhân (Nguyễn Thái Học). Họ sống đúng nghĩa một con người. Niềm mơ ước của họ là thay đổi tình thế hiện tại, làm cho nó tốt hơn, hoàn thiện hơn. Tôi hân hạnh biết được hai cô gái với niềm mơ ước thay đổi bộ mặt xã hội, tuổi đời cách nhau không bao nhiêu, nhưng họ đang làm chuyện đội đá vá trời như thế.
Phoenix Hồ Phụng Hoàng sinh ra ở Việtnam nhưng lớn lên ở Hoa kỳ. Cha cô là một giáo sư, hiệu trưởng một trường nổi tiếng ở Đà nẵng. Mẹ cô là nữ sinh và giáo sư Đồng Khánh, Huế. Ngoài thơ phú văn chương, mẹ cô còn là một họa sĩ, nhà điêu khắc. Nhìn chung, Phụng Hoàng hấp thụ được nguồn tri thức dồi dào từ người cha và nét nghệ thuật phong phú từ người mẹ.
Biến cố 75 đổ ập lên gia đình. Dĩ nhiên, ba mẹ đều mất việc phải lam lũ tay chân để nuôi sống gia đình. Phụng Hoàng ra đời trong hoàn cảnh khó khăn đó. Cha cô long đong tìm cách vượt biển suốt mấy năm. Mãi đến năm 1980, cha cô may mắn vượt biển đến được bờ tự do. Và mãi đến năm 1990, lúc cô được 14 tuổi, gia đình cô mới được đoàn tụ với người cha tại Hoa kỳ. Những năm đèn sách ở Hoa kỳ trang bị cho cô một kiến thức vững chãi về ngành Kinh doanh Quốc tế. Thế nhưng cô vẫn thấy chưa bằng lòng với mảnh bằng trong tay. Vài năm sau, cô lấy thêm hai mảnh bằng Cao học (bây giờ gọi là Thạc sĩ) ngành Tư Vấn Hướng Nghiệp, và Lãnh đạo & Quản lý Giáo dục. Với ba mảnh bằng trong tay, giấc mơ của nhiều người, cô vẫn thấy bâng khuâng, trăn trở với nỗi niềm nặng trĩu. Nỗi thao thức lờ mờ chưa rõ nét, mỗi ngày đè nặng trong tim cô, và bóng dáng quê nhà hiện rõ dần trong tâm trí. Phụng Hoàng bâng khuâng nhìn về quê hương thấp thoáng những cánh đồng lúa đơm bông thơm ngát cùng lũy tre làng xanh ngắt, và chợt nhận ra một xã hội đang cần những bàn tay nâng đỡ tương lai cho lớp người trẻ.
Đó là bước ngoặt lớn lao nhất trong cuộc đời của Phụng Hoàng.
Phải gọi là một khúc quanh gắt, một ngã rẽ quan trọng chỉ vì quan niệm của cha cô hoàn toàn khác hẳn. Người đàn ông một thân liều mình vượt tuyến bằng đôi chân năm 1954 vào Nam để xây dựng cuộc sống. Biến cố 75 lại đẩy ông thêm một lần vượt biển để tìm tự do. Ông tìm mọi cách để đưa con cái đến bến bờ bình yên để chúng tự do hấp thụ và phát triển theo khả năng Chúa ban. Hai lần vượt thoát sống chết thì không lý nào đứa con út lại quay trở về mảnh đất ông đã đau xót rời bỏ mấy chục năm trước đây. Ông buồn nhưng vẫn tôn trọng quyết định của đứa con gái út.

Cô ngồi xuống bên người đàn ông hết lòng yêu thương, người mà cô gọi là ba, với lời lẽ trìu mến: “Những ngày gần đây, con có cảm giác cuộc sống mỗi lúc một rõ ràng hơn trong mắt con. Thật trùng hợp là con vừa làm giải phẫu mắt cận, và tương tự vậy, sau mỗi một ngày, mắt con thấy thế giới quanh mình một cách rõ ràng, trung thực, và lung linh màu sắc hơn. Con nhận ra những giá trị sâu thẳm trong trái tim mình, lý tưởng sống của mình, khả năng của mình, niềm đam mê của mình, và con đường mình chọn. Cuộc hành trình phía trước dĩ nhiên con không thể đoan chắc kết quả, nhưng con tin khi mình sống thật với chính bản thân mình, thì cuộc sống luôn tràn đầy bình yên và hạnh phúc. Và điều này cũng mang lại niềm vui cho những người quanh con, mà người quan trọng nhất là Gấu, con trai của con.” Cô tha thiết hơn, “…con chọn dừng chân tại Việt Nam vì nhiều lý do. Hãy nghĩ về môi trường con làm việc như hai miếng bọt biển. Cali là miếng bọt biển đã được thấm đầy một nửa, Việt Nam là miếng bọt biển khô rang, còn con là nước. Ở Việt Nam, với chuyên môn, kinh nghiệm, và tâm huyết của con, con thấy mình làm được rất nhiều việc tốt mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây. Và hiệu quả của việc làm con, con có thể thấy nó ngay lập tức.”

Đúng như cô tâm sự, Việt nam là miếng bọt biển khô rang, cần nước hơn bao giờ. Làm việc tại Đại học RMIT (Royal Melbourne Institute of Technology), tọa lạc tại trung tâm Sàigòn, Phụng Hoàng có cơ hội tiếp xúc với các sinh viên và nhận ra cô đã chọn đúng đường. Có lần cô thư cho tôi, “những sinh viên em gặp hằng ngày toàn là con cái của những người lãnh đạo trong guồng máy nhà nước. Sau nhiều lần tiếp xúc, em nhận ra họ chẳng hiểu gì về ý nghĩa của những danh từ trừu tượng như nhân đạo, bác ái, vị tha, lương tâm… những điều mà em được học dễ dàng từ ba mẹ. Kiến thức khoa học có đủ nhưng họ lại không được trang bị những giá trị tinh thần căn bản trong cuộc sống. Như thế khi vào đời họ sẽ bước khập khiễng. Nếu chỉ cho họ hiểu được ý nghĩa cao đẹp của những giá trị tinh thần như thế, tài và đức giúp họ bước vững vàng trên đường đời, và chắc chắn xã hội sẽ mang bộ mặt nhân bản hơn.” Suốt 3 năm, ngoài công việc tại RMIT, cô bỏ thì giờ ra tận thành phố Vinh, nơi chôn nhau cắt rốn của ba cô, tập họp sinh viên trong “Một Ngày Đồng Hành” để chuyện trò như một người chị. Phụng Hoàng đến nhiều thành phố khác khắp 3 miền để tổ chức những buổi huấn luyện cho học sinh, sinh viên, và ngay cả giáo viên nữa. Nơi chốn cô đến, Phụng Hoàng mang theo trái tim đầy ắp thương yêu và khi từ giã để lại một dấu ấn yêu thương đầy quyến luyến. Tình yêu thương đã nối kết cô với những người chung quanh. Và bây giờ mọi người đều biết đến Phụng Hoàng, một vị giáo sư hiền lành, trẻ trung, và dễ mến. Cô ân cần với sinh viên và mối thân tình nẩy nở như chị em. Họ cởi mở tấm lòng, giải bày những khó khăn và Phụng Hoàng tận tình giúp họ một hướng đi về nghề nghiệp nhưng đồng thời gieo vào lòng họ một giá trị nhân bản để sau này chính họ sẽ là những người làm thay đổi bộ mặt của xã hội Việt nam.
Khi nghe tin Phụng Hoàng về Việt nam với hoài bão đổi mới bộ mặt của xã hội, bắt đầu từ tầng lớp sinh viên, tôi suy nghĩ về nhiệt huyết của một cô gái trẻ và hoài nghi về kết quả mà cô mơ ước. Sau hơn 8 năm miệt mài với lớp người trẻ, cô đã tìm được một chỗ đứng vững vàng trong môi trường giáo dục tại Việt nam. Trên những tờ báo chuyên về lãnh vực giáo dục, người ta nhắc đến cô. Mới đây, cô xuất bản cuốn sách “Mẹ Dắt Con Đi”, trải tâm tình mẫu tử qua những lá thư mẹ gửi cho con trai, thiên hạ lại có dịp nhắc đến tên Phụng Hoàng, nhất là trên các trang mạng. Tôi còn tìm thấy trên trang Facebook cá nhân của cô những lời yêu thương ấm áp của lớp sinh viên đã được cô dìu dắt một thời gian. Lớp người trẻ ngập ngừng ở ngưỡng cửa cuộc đời nhưng tự tin bước vào xã hội, vì họ đã được trang bị với trái tim nồng ấm yêu thương, như Phụng Hoàng, và nhìn tha nhân bằng đôi mắt nhân ái. Họ đã bỏ trường lớp một thời gian nhưng vẫn nhớ đến vị giáo sư khả ái Phoenix Phụng Hoàng.
Hóa ra tôi lầm. Với hoài bão ban đầu khiêm tốn, Phụng Hoàng đã đạt được một kết quả nào đó như cô mơ ước. Tuy nhỏ nhoi, nhưng vẫn là hoa trái đầu mùa mà gần chục năm trước tôi lắc đầu hoài nghi. Giấc mơ của Phụng Hoàng cũng là giấc mơ của nhiều người còn nặng lòng với quê hương dân tộc. Tôi lại biết một cô gái khác, ươm cùng một giấc mơ thay đổi bộ mặt xã hội Việt nam, như Phụng Hoàng, nhưng tìm một con đường khác, gay gắt hơn, mạnh mẽ hơn, và có lẽ chông gai hơn.
Đó là Jocie (Jocelyn) Nguyễn Ngọc Khánh.
Khánh sinh ra trong hoàn cảnh bần cùng khốc liệt của đất nước, và nghiệt ngã của riêng gia đình. Người cha mang cấp bậc Thiếu Tá trong quân đội VNCH, và bị đi tù cải tạo ròng rã hơn 7 năm. Tàn tạ khi trở về, ông vẫn bương chải kiếm sống để nuôi 4 đứa con gái. Và Ngọc Khánh ra đời trong thời gian này. Người ta tin Ngũ Long thường mang lại phúc lộc cho gia đình, nhưng không phải thế, cả miền Nam vẫn còn đắm chìm trong tang tóc của chia ly, của chết chóc vì người cha mất xác từ các trại cải tạo, mẹ vùi thây tại những vùng kinh tế mới rừng thiêng nước độc… thì gia đình nhỏ nhoi 7 người của Khánh cũng hứng chịu những tai ương chung như cả nước. Người miền Nam khoảng thời gian này đói meo, đói như chưa từng đói, và cũng chẳng còn gì bán cho dân miền Bắc để mua lấy miếng ăn. Nghĩ cho cùng, gia đình vẫn có phúc vì người cha còn gượng hơi tàn trở về thấy mặt vợ con sau hơn 7 năm bị hành hạ dã man trong trại cải tạo. Hom hem, ốm yếu, nhưng vẫn còn hình hài và hưởng niềm vui đoàn tụ với vợ con. Nhưng hồng phúc lớn nhất là cả gia đình được ra đi vào đầu năm 1990 theo diện H.O.
Lúc đó, Ngọc Khánh mới 6 tuổi. Không gì hạnh phúc bằng hạnh phúc gia đình, gồm đủ cha mẹ và 4 người chị. Khánh lớn lên như bao cô gái khác, theo đuổi việc học, tốt nghiệp Cử nhân ngành Kinh doanh, có việc làm nhưng cô vẫn ưu tư dằn vặt vì quá nhiều câu hỏi quay cuồng trong tâm trí. Có lẽ thắc mắc đầu tiên từ 7 năm tù của người cha. Tại sao cha cô lại đi tù? Cô là người Việt, cô biết chắc chắn vì cô vẫn nói sõi tiếng Việt, nhưng tại sao gia đình cô lại ở Mỹ trong khi họ hàng thân thuộc lại sống ở Việt nam? Lý do gì khiến cha cô quyết định ra đi? Những câu hỏi ấy cứ lẩn quẩn mãi trong đầu của cô gái vừa ngoài hai mươi. Và cô dứt khoát phải tìm cho được câu trả lời thỏa đáng.
Bắt đầu từ thư viện. Cô mầy mò lục tìm sách vở để hiểu rõ cuộc chiến Việt nam. May mắn là khi cô lớn lên, mạng lưới toàn cầu ngày càng tinh vi, nên việc tham khảo tài liệu dễ dàng hơn, cập nhật kiến thức phong phú hơn. Ngọc Khánh bỏ khá nhiều thì giờ tìm hiểu, vì còn bận rộn qua những chuyến công tác thường xuyên. Một thời gian dài, qua hỏi han người cha, qua chuyện trò với bậc cha chú, và cô hiểu được tại sao một người Việt như cô lại phải sống ở xứ người. Từ khi hiểu được thân phận, Khánh suy nghĩ nhiều về quê nhà, lòng đã bớt khắc khoải nhưng lại bắt đầu băn khoăn về hiện tình đất nước. Cô thả tầm mắt về quê hương, và quyết định bước vào con đường đấu tranh cho một xã hội Việt nam công bằng hơn.
Ngọc Khánh tham gia sinh hoạt chính trị bằng con đường khá chông gai. Cô xả thân bước vào con đường gập ghềnh, khúc khuỷu với trái tim nồng nàn, yêu Mẹ Việt nam, yêu thế hệ trẻ đang chìm trong bất công, mê muội. Những buổi điều trần, những cuộc biểu tình, hoặc bất cứ vấn đề gì làm cho xã hội Việt nam tươi sáng hơn, nhân bản hơn, cô đều có mặt, đôi khi phải đến tận nơi cách xa vài nghìn cây số. Cô tận dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để nối kết với các bạn trẻ trong nước. Số người theo trang facebook của cô lên đến hàng nghìn, và dĩ nhiên trong số đó cũng có những dư luận viên, những kẻ ăn lương của nhà nước để nhục mạ nhân phẩm, chống phá tư tưởng của cô. Chông gai ở chỗ đó.


Một dịp về thăm gia đình, tôi ngồi bên Ngọc Khánh để nghe cô tâm sự về đường đời, về lý tưởng cao cả, và về con đường đấu tranh của cô. Tuổi ngoài 30 của Ngọc Khánh, có thể xem là đàn chị của thế hệ thứ hai. Xin ghi lại đây như là một thông điệp cho thế hệ con cháu chúng ta.
Hỏi. Sự kiện nào đã thúc đẩy cô quan tâm đến hiện tình đất nước VN?
Đáp. Đó là một quãng thời gian dài hun đúc em để yêu mến quê hương. Dĩ nhiên, bắt đầu từ gia đình. Ba mẹ em luôn dạy dỗ em với mẫu mực của một truyền thống Việt, biết quý trọng người già cả, yêu quê hương, yêu dân tộc. Ngay từ lúc 8-9 tuổi, đi sinh hoạt Hướng đạo, cuốn tập của em luôn có hình cờ vàng đặt ở trang đầu. Ở tuổi thiếu niên, em mầy mò đọc lịch sử Việt, và hiểu được truyền thống chống xâm lăng của những vị anh hùng. Mãi sau này khi lớn lên ra đời, em được tiếp xúc với những bậc cha anh, những người đã xả thân vì miền Nam, vì tổ quốc và thấm thía ý nghĩa cao đẹp của thành ngữ “non sông gấm vóc”. Những người trẻ ở hải ngoại ít quan tâm đến hiện tình VN, có lẽ tại vì họ chưa đọc lịch sử Việt. Vì vậy, em khuyên các bậc cha mẹ nên giải thích (một cách nào đó) cho con cái hiểu được nét hào hùng của lịch sử dân tộc Việt nam. Một khi đã biết và hiểu, thế hệ trẻ ở hải ngoại sẽ hãnh diện và quan tâm nhiều hơn đối với tình hình xã hội ở VN.
H. Ngoài việc tham khảo sách vở về lịch sử Việt, cô còn tìm hiểu gì về các lãnh vực khác?
Đ. Em rất thích đọc những sách về chính trị, cũng như theo dõi các phim tài liệu. Gần đây em xem được bộ phim “Thảm Họa Đỏ” và hiểu thêm về lãnh địa, lãnh hải của nước VN. Em rất ủng hộ lập trường của đài phát thanh “Đáp Lời Sông Núi.” Những phương tiện truyền thông này giúp chúng ta hiểu rõ căn tính của người Việt, và nhất là giới trẻ hải ngoại sẽ hiểu được tại sao cha mẹ họ lại có mặt ở đây, tại sao cả gia đình phải lánh nạn cộng sản. Em đang đọc cuốn hồi ký Revolution 2.0 của Wael Ghonim, một giám đốc của Google tại Ai-cập, và Wael đã dùng phương tiện truyền thông để loan tải những bất công của xã hội, giúp dân chúng hiểu rõ mặt trái của chính quyền. Anh cũng là một trong những người hướng dẫn cuộc nổi dậy Ai-cập (Arab Spring) tạo ra cuộc cách mạng nhung trong các nước Hồi giáo năm 2011. Em nghĩ giới trẻ trong nước cũng thế, hãy dùng các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại để loan tải những tin tức lề trái. Hiểu rõ những bất công đang xảy ra trên đất nước mình để thấy hành động của mình tương xứng hơn, giá trị hơn.
H. Khi xả thân vào các phong trào đấu tranh dân chủ để đòi hỏi một xã hội VN công bằng, liệu việc sinh nhai của cô có ảnh hưởng gì không?
Đ. Thật ra rất khó. Làm thế nào để quân bình giữa công việc sinh nhai và thời gian phục vụ cho lý tưởng; nhất là khi lý tưởng và việc làm của em có khoảng cách địa lý hơn nửa vòng trái đất. Ngoài 40 tiếng làm việc mỗi tuần, phải có thì giờ cho gia đình, cho bạn bè, và cần phải ngủ nữa. Thế thì thời giờ đào đâu ra? Em mơ ước có một công việc nào đó để em thỏa mãn được cả hai. Khó là ở chỗ đó. Lúc mới ra trường, em chuyên về marketing nên làm trong ngành advertising. Công việc này đòi hỏi em phải đi đây đi đó nên suốt thời gian đầu em chẳng làm được gì cho lý tưởng. May mắn là gần đây, sau 10 năm tìm kiếm, em kiếm được một diễn đàn và nó vừa giải quyết được chuyện sinh nhai, đồng thời giúp em tăng thêm kiến thức về lãnh vực chính trị. Dĩ nhiên, em không dùng diễn đàn của họ để thực hiện lý tưởng của mình, nhưng nhờ nó mà em thực hiện lý tưởng một cách hiệu quả hơn. Em thật sự may mắn nhưng không hẳn ai cũng được thế. Tùy theo quan niệm sống của mỗi người để hài hòa giữa gia đình, việc làm, và lý tưởng. Sự hy sinh cần phải đặt ra để tìm được sự quân bình, hoặc bỏ bớt vật chất để có thì giờ với gia đình, và theo đuổi lý tưởng, hoặc dành hết thời gian để kiếm tiền và quên đi lý tưởng của đời mình. Như thế, một người khi xả thân vì đại cuộc, sẽ tự tìm ra một ưu tiên nào đó để thích nghi với hoàn cảnh.
H. Theo cô, giới trẻ ở VN hiện thiếu điều gì?
Đ. Họ dư thừa nhiều và cũng thiếu thốn nhiều. Em tiếp xúc được khá nhiều bạn trẻ ở trong nước qua mạng lưới FB và nhận thấy họ thiếu điều kiện để vươn lên. Điều kiện bắt nguồn từ lý lịch. Các bạn trẻ không hiểu tại sao đất nước đã thống nhất sau một thời gian dài mà lý lịch vẫn là điều kiện tiên quyết để định đoạt mọi việc. Nếu lý lịch “xấu” (xin để chữ xấu trong ngoặc kép) thì cho dù thông minh đến mấy vẫn không có cơ hội để vươn lên. Bởi vậy, nhân gian truyền miệng một câu nghe thật đau lòng, “tiền tệ, quan hệ, trí tuệ, mặc kệ.” Trí tuệ đứng khiêm tốn ở hạng 3, và sự chán nản biểu lộ qua hạng 4 là thái độ mặc kệ. Tuổi trẻ VN không thiếu sự thông minh, năng động, và nhiệt huyết, nhưng cơ hội như một cánh cửa khóa chặt, và rất nhiều tài năng bị gạt bỏ sang bên lề xã hội, và rất có nhiều kẻ bất tài nhưng lại có “tiền tệ và quan hệ” nên trở thành những kẻ lãnh đạo. Tuổi trẻ VN không được sử dụng đúng mức và đúng cách và dẫn đến một sự lãng phí về trí lực. Khi hoàn toàn đứng ngoài căn nhà cơ hội, tuổi trẻ VN lại sống bít bùng trong một căn nhà khác lớn hơn, không có cửa sổ, ngột ngạt, đầy thán khí của bất công. Bởi vậy, em thường viết cho họ rằng tương lai của bọn em và của các thế hệ sau này hoàn toàn tùy thuộc vào suy nghĩ và hành động của chính bọn em bây giờ. Tụi chị đứng ngoài này sẽ hết lòng ủng hộ bọn em, nhưng vận mệnh của đất nước phải do chính bọn em định đoạt.
H. Đó là bộ mặt của xã hội bây giờ. Ai cũng biết thế, nhưng làm thế nào để họ thay đổi được đây, theo ý cô?
Đ. Điểm lại tất cả những cuộc cách mạng từ trước đến nay, bất cứ một thay đổi nào đều bắt nguồn từ bên trong, và từ giới trẻ. Muốn thế, trước hết họ phải vượt qua sự sợ hãi. Có nhiều nỗi sợ hãi: sợ bị gắn nhãn hiệu phản động, sợ bắt bớ, sợ tù đày. Phải xác nhận rằng đây là một phản ứng tâm lý bình thường của con người. Trước đàn áp, trước bạo lực, như những người lính lần đầu ra trận, người ta đều sợ hãi. Nhưng nếu cứ tiếp tục sợ hãi mãi thì thế hệ này sẽ có tội với thế hệ cha ông, và có lỗi với thế hệ con cháu, vì khi tổ quốc lâm nguy, cả một thế hệ chẳng làm gì cả.
H. Những người đấu tranh, một khi lâm vào cảnh tù đày, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống không những của chính người đó mà cả những người thân trong gia đình, ý tôi nói đến vấn đề kinh tế vì họ là cột trụ, là người làm ra tiền để nuôi gia đình. Cô có chia sẻ gì về chuyện này?
Đ. Gần giống như câu hỏi làm thế nào để quân bình giữa cuộc sống và lý tưởng. Mỗi người một hoàn cảnh, nên khó có một mẫu mực chung để áp dụng cho mọi trường hợp. Nhưng họ đều có một mẫu số chung, đó là sự hy sinh cho lý tưởng mình đã chọn. Lấy ví dụ, em rất mến mộ Việt Khang, vì anh đã sử dụng tài năng để phục vụ cho lý tưởng, cho dù anh bị bắt bớ và lâm cảnh tù đày. Như những nhà đấu tranh khác, anh còn trách nhiệm với vợ con, thế mà anh vẫn hy sinh ngồi tù, theo đuổi lý tưởng đến cùng. Những lúc khốn khó này, em nghĩ những người đấu tranh cần sự ủng hộ tinh thần trước hết của thân nhân ruột thịt, và cả chúng ta ở bên ngoài nữa. Chắc chắn đường đấu tranh sẽ chông gai, gập ghềnh, đôi khi phải đổi cả tính mạng, vì thế mới cần hy sinh. Còn chúng ta ở hải ngoại, bằng một cách nào đó, giúp đỡ họ, mỗi khi gia đình họ lâm cảnh túng bấn.
H. Con số những người tranh đấu cho tự do dân chủ ngày càng tăng. Rõ ràng ngày càng nhiều người muốn thay đổi bộ mặt của xã hội. Những kẻ đấu tranh rất cần sự ủng hộ tinh thần và vật chất của những người như Jocie ở hải ngoại. Như thế, phải đào luyện giới trẻ ở hải ngoại để họ tiếp nối con đường của chúng ta đang đi bây giờ. Vì tầm quan trọng của giới trẻ hải ngoại trong tương lai, cô có đôi lời nhắn nhủ với thế hệ này không?
Đ. Ồ, chuyện lớn lao quá làm sao em dám khuyên với nhủ, (cười). Em chỉ xin chia sẻ như thế này. Giới trẻ hải ngoại cần tìm hiểu gốc gác của mình. Có lẽ không đòi hỏi giới trẻ hải ngoại phải cầm cờ xuống đường biểu tình, nhưng họ phải ý thức được sự hiện diện của họ trên đất nước này. Tại sao họ hiện diện trên đất nước này? Xa hơn, tại sao cha mẹ họ phải sống ở đây? Điều gì đã xô đẩy bậc cha anh ra khỏi nước Việt nam? Như em, một điều em rất tiếc là chiếc áo dài. Em qua Mỹ từ lúc 6 tuổi, nên lớn lên và đi học không có dịp mặc chiếc áo dài như mẹ em, như chị em thuở cắp sách đến trường. Một tà áo dài bay theo gió chỉ là một mất mát nhỏ, trong muôn vàn mất mát mà em không thể có, chỉ vì em đang sống tại Mỹ. Kỷ niệm của mẹ em, của những người chị rất giống nhau vì họ sinh ra và lớn lên ở Việt nam. Riêng em lại khác, kỷ niệm tuổi thơ của em khác rất nhiều, thiếu con đường rợp bóng cây khi đi học về, thiếu nét hồn nhiên, bước chân tung tăng của một nữ sinh. Em lớn lên thiếu hẳn những hình ảnh đó. Những mất mát đó do đâu? Nếu tuổi trẻ hải ngoại biết đau đớn vì những mất mát đó, thì họ sẽ tìm cách để hiểu rõ căn tính của họ, cho dù họ đang sống ở đâu trên thế giới.
Cuốn phim Roots em rất thích, kể lại hành trình bi tráng của một gia đình gốc Phi châu. Sau gần 200 năm, trải qua bao nhiêu đời, một hậu duệ đi tìm lại nguồn gốc của anh. Người Việt mình mới tỵ nạn hơn 40 năm, vẫn còn kịp thời gian để xác định lại căn tính của mình. Bắt đầu từ gia đình, cha mẹ phải cho con cái biết chỉ vì hai chữ “tự do” mà cả gia đình sống lưu lạc ở xứ người. Cũng như gia đình gốc Phi châu trong phim Roots, chỉ vì hai chữ “nô lệ” mà họ có mặt trên đất nước Hoa kỳ.
H. Lời cuối với tuổi trẻ trong nước.
Đ. Em luôn khuyến khích họ dùng các phương tiện truyền thông chưa bị nhà nước kiểm soát để học hỏi nâng cao kiến thức, và để liên lạc nâng đỡ nhau. Nên nhớ cuộc cách mạng nhung thành công là nhờ các phương tiện truyền thông nằm ngoài luồng kiểm soát của chính phủ. Một cuộc cách mạng rất ít hao tổn xương máu. Hơn nữa, nâng cao kiến thức để không bị lừa, vì kiến thức là sức mạnh. Em không hề kêu gọi tuổi trẻ trong nước bạo động để lật đổ chế độ. Em chỉ kêu gọi họ tranh đấu để có một thay đổi, để bộ mặt xã hội công bằng, tươi sáng hơn với công lý được tôn trọng. Em ủng hộ bất cứ lá cờ nào mang lại lợi ích cho dân tộc. Thể chế nào cũng được, miễn là thể chế đó bảo đảm sự ấm no cho toàn dân.
H. (ngắt lời)… coi chừng lại gặp phải “bình mới nhưng rượu cũ”. Chỉ thay đổi bề ngoài nhưng lõi cốt vẫn như cũ…
Đ. Những người trẻ đủ thông minh để thấy chứ. Sự thay đổi phải đưa đến một kết quả tốt hơn chứ. Nếu không thì không thể nào gọi là thay đổi được.
Tôi ngồi thừ người, nghĩ đến một Phụng Hoàng đang miệt mài bên những sinh viên trẻ, và đây, ngay trước mặt tôi, một Ngọc Khánh cũng đang ưu tư về tương lai của giới trẻ. Như tâm sự của Phụng Hoàng, “…con không biết vì ba đặt tên con theo một loài chim bay cao, bay xa, mà con có những lý tưởng cao vời, hay vì cá tính con là trộn lẫn giữa ba và me, hay vì môi trường lúc nhỏ đã ảnh hưởng đến con, nhưng con biết cuộc đời này mình muốn như ngọn đuốc yêu thương chiếu sáng được lúc nào hay lúc đó. Đó là ước mơ và lẽ sống của con.” Cánh chim đó đã bay suốt một quãng đường dài, vượt biển Thái bình, và xếp đôi cánh đậu lại trên quê hương. Cô soải cánh ôm ấp lấy giới trẻ Việt nam, che chở và dìu dắt họ. Việc làm của Ngọc Khánh, như tiếng ngân nga của chiếc khánh vang lên khi bắt đầu buổi tụng niệm, là lời nguyện tha thiết cho một xã hội Việt nam tươi sáng.
Con đường của Phụng Hoàng như một tiến trình (evolution), cần thời gian để hoàn tất. Con đường của Ngọc Khánh lại như một cuộc cách mạng (revolution), rút ngắn thời gian. Cả hai phụ nữ, khoảng cách địa lý xa hơn nửa vòng trái đất và đi hai con đường khác nhau, đều ươm chung một giấc mơ về một xã hội công bằng hơn, nhân ái hơn và nhờ những bậc anh thư của thời đại như thế, quê hương Việt nam – một ngày không xa – sẽ chói lòa ở trời Đông.


Sơn Nghị