Tôi không chắc lắm yếu tố nào khiến mấy cụ cho tôi nhập vào bộ ba của các cụ
để trở thành bộ tứ dưới mắt của đám “Yamaha” trẻ. Yamaha, cái tên của nhóm
thành lập đầu tiên tự phong cho mình, vui vẻ tự gọi mình là “Già mà ham”. Nhưng
cái ham này không phải là ham hư mà ham lành mạnh. Ham hư là cuối tuần họp lại
sát phạt nhau, không mạt chược cũng xì phé, một số nhỏ lại dính thêm vào casino
nên xào xáo gia đình là chuyện không thể không xảy ra. Và từ lúc có phong trào
hát “karaoke”, có người bỗng chốc khám phá ra mình có giọng ca thiên phú từ lâu
mà không biết; có người thì không ngờ hát dễ đến thế, chỉ cần nhìn chữ và cất
tiếng là thành ca sĩ.
Cái ham lành mạnh này kéo dài được chừng năm năm thì chạm phải một thử thách
lớn: đó là sự đột xuất của một phong trào hát khác, trình độ hơn, phong
trào hát với “key board”. Phong trào này đòi hỏi phải có người đệm
đàn, đòi hỏi người hát, chưa nói hay dở, phải hát đúng “tông”, đúng nhịp. Phong
trào hát “karaoke” mất dần thế đứng vì những trói buộc phiền toái như mỗi lần
đi hát phải mang theo cả một va- li đĩa hát và phải mất thì giờ thay đĩa sau
một vài bài hát. Nhưng lý do chính nhất khiến karaoke lịm dần là ai cũng muốn
chuyển sang hát với keyboard để được xem là có trình độ hơn. Tuy thế lúc ban
đầu không phải ai hát karaoke là hát được với keyboard. Hát với keyboard mà
không đúng nhịp là “gãy”.
Phong trào keyboard khởi nghiệp với hai tay đệm đàn và chừng mười lăm giọng
hát. Hai nhạc sĩ đệm đàn mệt nghỉ và ca sĩ mỗi người phải cân hai bài là
tối thiểu mới gói kín được chương trình một đêm văn nghệ dạ vũ tại gia. Nhưng
rồi, không biết từ đâu và lúc nào, ráp thêm vào đám Yamaha già, một nhóm thứ
hai gọi là nhóm Yamaha trẻ. Gọi là trẻ nhưng tuổi đời của họ cũng phải từ bốn
mươi đến năm mươi lăm. Còn đám Yamaha già, người trẻ nhất cũng ngoài sáu mươi
và người cao niên nhất đến tám mươi. Thành phần trẻ tham gia làm thay đổi sinh
hoạt của nhóm. Nhạc sĩ đàn keyboard đang từ hai nhảy lên mười; ca sĩ nam nữ từ
mười lăm nhảy lên năm mươi; địa điểm tổ chức từ tại gia ra nhà hàng; sinh hoạt
từ mùa sang tháng rồi có lúc gần như là hàng tuần.
Tôi thuộc thành phần trẻ nhất của nhóm Yamaha trẻ vì tôi vừa chẵn bốn mươi
khi gia nhập nhóm. Tôi biết đọc nốt nhạc, biết chơi guitare và có giọng hát
được các cụ khen là mạnh mà ấm. Chẳng mấy chốc các cụ liệt tôi vào hạng “giọng
ca nam vững”, nhất là cụ Quý, một trong hai tay đệm đàn kỳ cựu. Cụ Quý đệm đàn
rất nhuyễn, “chơi bằng tai” chứ không cần bản nhạc. Cụ Quý lại chơi thân với cụ
Lý và cụ Thi. Cụ Lý là giọng ca “tê no” cừ khôi còn giọng ca của cụ Thi
là giọng ca “mùi” nhưng không “sến”. Tước hiệu này ba cụ đã được phong
trước khi tôi vào nhóm. Lý do tôi thích ba cụ là máu tếu của họ. Nhân một buổi
văn nghệ bỏ túi tại gia, tôi tình cờ (mà phải nói là may mắn) ngồi chung “ca
rê” với ba cụ. Tính tôi bẩm sinh hay kính lão đắc thọ nên tôi tự động đi
lục bia của chủ nhà ra mời ba cụ. Thấy thằng nhỏ, có “tài mà không kiêu”, sốt
sắng phục vụ các cụ nên có lẽ các cụ không cần cho điểm mà chấm tôi đậu, cho
nhập bọn.
Trông ba cụ, thể chất một chín một mười, không biết ai lớn tuổi hơn ai, tôi
bèn lễ phép hỏi:
– Thưa trong ba anh, ai lớn tuổi nhất và ai trẻ tuổi nhất?
Cụ Lý, tay tếu số một trong ba cụ, hất hàm chỉ về phía ba chai bia tôi mang
lại mời các cụ ban nãy, cười nói:
– Chai ở ngoài của ngài Thi, chai ở giữa của ngài Quý, còn chai ở trong của
bần tăng. Cậu cứ nhìn mà đoán tuổi.
Cụ Lý người Nam, có vợ gốc Huế. Vợ mất và làm như quen mùi “sông Hương núi
Ngự”nên bà vợ tiếp của cụ cũng là người Huế. Cụ Lý lây cách xưng hô của nhà vợ
nên ngôn ngữ lúc nào cũng trịnh trọng, vua chúa. Cụ Lý lại thường hay lên chùa
thuyết pháp nên người ở chùa gọi cụ là đạo hữu. Những lúc vui cụ tự xưng là bần
tăng.
Thấy tôi luống cuống chưa tìm ra cách nhìn tuổi của các cụ qua chai bia cụ
Lý cười ha hả rồi giải thích:
– Có gì đâu, bọn nầy không phải là dân rượu nên càng già thì càng uống ít.
Cậu thấy chai bia của ngài Thi còn đầy gần tới cổ chai, tức là nãy giờ ngài chắc
chỉ hớp chừng một hớp nên ngài Thi già nhất, bảy mươi tư; chai bia của ngài Quý
hết một phần ba, già vừa, bảy mươi hai; còn bần tăng tu được gần một nửa, trẻ
nhất, bảy mươi chẵn!
Cụ Lý nói xong, cả hai cụ Thi và Quý gật gù rồi cụ Quí vỗ vai tôi nói:
– Đúng, đúng, ông Lý lấy bia đoán tuổi rất khoa học thực nghiệm cậu Hải ạ!
Làm quen với ba cụ được vài tháng tôi biết rõ thêm về gia thế của ba cụ. Cụ
Thi thì hiện sống với bà vợ thứ hai được hai mươi năm, sau khi ly dị bà thứ
nhất chừng hơn một năm. Nghề nghiệp vững chắc, đẹp trai, con tim của cụ không
bỏ trống được lâu. Bà thứ hai nghe nói quáng xuyến mọi việc khiến cụ sống khoẻ
re. Ai cũng nói cụ ở hiền gặp lành. Mà chắc cụ ở hiền thiệt vì tôi cũng nghe
nói thời bên Mỹ bị bão Katrina hoành hành cụ Thi chơi một màn táo bạo mà ngoạn
mục: Cụ kêu bán cái “chalet” của cụ rồi gởi trọn số tiền bán được sang giúp nạn
nhân bão lụt. Ai hỏi cụ hồn nhiên trả lời:
– Người ta mất hết nhà cửa, mình lại thừa một cái, bán đi để san sẽ chút
tình…
Còn cụ Lý, sau khi cụ bà mất vì bạo bệnh, cụ chọn người kế vị đúng theo ý
nguyện của cụ bà trước khi mất. Riêng cụ Quý, cụ mới độc thân chừng một năm nay
một cách bất ngờ. Nhiều người và ngay cả chính cụ đều nghĩ người sẽ ra đi trước
là cụ chứ không phải cụ bà vì cụ Quý cách đây mấy năm bị tai biến mạch não được
cấp cứu kịp thời. Cụ bà lúc sinh thời rất tin tuởng vào số sống thọ của mình.
Có một lần, trong một cuộc thăm viếng tại nhà quàn một thân hữu trong
nhóm Yamaha già đột ngột ra đi, cụ bà lạc quan tuyên bố với các bà bạn:
– Các bà đừng lo cho tôi, tuổi tôi thọ lắm. Tôi sẽ là người đi “chôn” các bà
cho mà xem.
Không dè một tháng sau, cụ bà bất ngờ ra đi. Lại tai biến mạch não!
Phải có một biến cố nho nhỏ xảy ra cho tôi, tôi mới biết con đường ca hát,
đệm đàn của các cụ cũng nhiêu khê, lận đận vô cùng. Số là trong đám ca nữ có
một nàng thích giọng hát của tôi, thích một cách ngây thơ nhưng hơi quá đà.
Nàng muốn tôi song ca hay hát bè với nàng. Khổ nỗi nhịp của nàng không vững lắm
nên tôi ngại hát chung sẽ “gãy”. Cho đến khi chính nàng tổ chức, nàng nhờ tôi
hát một bài. Khi tôi đưa bài hát nàng nói nàng sẽ hát bè bài đó với tôi và đặc
biệt sẽ để tôi hát riêng một bài khác. Tự ái được vuốt ve tôi dại dột nhận lời.
Nhưng may mắn bài song ca với nàng được kết thúc suông sẻ. Vì suông sẻ nên
tiếng vỗ tay, tiếng bis, tiếng “I love you” vang dội. Ngờ đâu thành công của
nàng lại là tai họa giáng xuống đầu tôi sau đó. Hôm ấy trên đường về vợ tôi
lạnh lùng chỉ thị:
– Lần sau anh không được hát với con nhỏ đó nữa. Nó hát chẳng ra gì mà điệu
bộ còn lẳng lơ.
Tôi chưng hửng. Thiệt tình, khi hát với nàng, tôi chỉ lo canh sao cho hai
giọng đừng so le, ngoài ra không còn để ý gì khác. Tôi thuộc loại đàn ông trót
sinh không bao giờ cãi vợ nên chỉ nhỏ nhẹ trả lời nàng:
– Vậy lần sau cô nào mời anh hát chung anh sẽ từ chối và nói vợ tôi không
muốn.
Cho câu trả lời của tôi có vẻ nói khích, vợ tôi thẳng thừng:
– Sợ gì mà không nhận là ghen. Thà nói ghen còn hơn làm ra vẻ ta đây không
sợ ai để có khi mất…chồng!
Nhân một buổi văn nghệ dạ vũ bỏ túi tại tư gia khác tôi đem nỗi oan của mình
ra than thở với ba cụ. Cụ Lý cười khắc khắc rồi cất giọng:
– Rồi, rồi, cậu bắt đầu đoạn đường chúng tôi đã đi qua. Cái trò đàn ca
nghiệp dư này vất vả, lận đận lắm nghe cậu. Ai cũng phải một thời đi qua. Như
tôi đây, cũng một lần tình cờ hát đôi với một người đẹp, nổi tiếng ở chỗ có
chồng nhưng đi hát chỉ đi một mình, nên trở thành cây đinh lẫn cái gai dưới
nhiều cặp mắt. Sau lần hát đó tôi bị trừng phạt nặng lắm: chung thân không được
hát đôi và đồng thời những bài hát nào có anh anh em em đều bị kiểm duyệt. Tôi
chỉ được hát nhạc quê hương thôi!
Tôi buột miệng chen vào:
– Như Giòng Sông Xanh của Strauss?
– Cũng không được! Vì lời Việt trong đó có những câu như “những cô em ngồi
giặt yếm bên bờ…ôi! tóc em xanh như đêm dài v.v…”. Tôi chỉ được hát: “Giòng An
Giang sông sâu, nước biếc… hay Đây Bạch đằng Giang, sông hùng dũng của nòi
giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, Nam Bắc Trung…” mà thôi!
Cụ Lý ngừng lại ho mấy tiếng, lấy tay vuốt ngực rồi tiếp:
– Chưa hết! Sau này bà đi thêm một chiêu mới, độc lắm. Bà đòi hát bè với
tôi.
– Thế anh có chịu không?
– Làm sao mà nói không được! Giữa cái phải hát bè với bà mới được hát và
không chịu hát bè thì không được hát, cậu bảo tôi chọn cái nào? Tôi phải chọn
cái vừa được hát vừa yên cửa yên nhà chứ. Sau thành công đó bà đi truyền nghề
lại cho các bà bạn khác. Bà nói hát bè dễ òm à, chỉ cần bỏ dấu trên các chữ có
dấu của lời hát là tự nhiên thành giọng hai liền! Như “Que nha tôi chiêu khi
năng êm đêm, chay dai trên….”
Tôi muốn tắt thở vì phải nín cười. Bây giờ cụ Thi mới thủng thỉnh tham gia:
– Cậu Hải chắc biết bài Có Tin Vui Trong Giờ Tuyệt Vọng của Trầm Tử Thiêng
chứ gì.
– Dạ, em biết.
– Trường hợp của tôi, có tin vui nhưng không phải trong giờ tuyệt vọng mà
khi tình đã đậu. Mà phải đợi tới hai mươi năm sau tình mới đậu cậu ạ! Tôi thích
bài hát “Biết nói gì đây” của Huỳnh Anh. Hát bài này tôi thấy “phê” lắm. Thế
nhưng, thuở mới quen biết nhau, sau khi nghe tôi hát bài này bà nhà của tôi bĩu
môi chê không hay bảo tôi kiếm bài khác. Tôi thắc mắc sao bạn bè ai cũng bảo
tôi “diễn đạt” bài nầy rất “tới” mà sao bà lại chê. Cho đến một lúc tôi chợt
hiểu ra rằng hình như lời hát gợi lại chuyện cũ, người cũ: “mà một hình bóng
chưa nhòa trong nhớ…”. Phải đợi đến hai mươi năm sau, thấy hình bóng cũ đã nhòa
trong nhớ thật, một hôm bà phán:
– Buổi văn nghệ sắp tới có nhiều khách lạ, anh hát bài ruột của anh đi, bài
“Biết nói gì đây”, anh hát bài đó rất truyền cảm!
Nghe hai cụ tâm sự tôi đâm ra ngại ngùng cho tương lai ca hát lành mạnh của
mình. Không biết bà vợ tôi sẽ hướng dẫn sự nghiệp tay trái của tôi ra sao. Cụ
Quý nãy giờ vui vẻ ngồi nghe với tất cả cảm thông cái thời lận đận của hai ông
bạn già. Tôi nghĩ cụ Quý, dù chỉ đệm đàn chứ hiếm khi hát, nhưng chắc cũng có
đôi điều tâm sự muốn giải bày. Tôi mở lời ướm thử:
– Còn anh Quý, với nghề đệm đàn nhiều hơn hát, chắc anh không có vấn đề gì
phải lận đận?
Cụ Quý trợn mắt:
– Giỡn hoài cậu! đời tôi còn khổ hơn hai ông bạn già của tôi. Cậu mới nhập
bọn nên chưa biết chứ hai ông bạn già của tôi thì biết rõ bà xã tôi quá! Bà
muốn hát bài gì là bà hát, muốn độc quyền bài hát nào là bà độc quyền vì tôi
đệm đàn mà. Hát là chính còn tông với nhịp là chuyện nhỏ đối với bà, tôi có bổn
phận phải thích nghi theo! Có hai kỷ niệm mà mỗi lần nhớ lại tôi còn run. Một
lần Montréal tổ chức đại hội thể thao Bắc Mỹ của người Việt mình. Trong buổi
văn nghệ dạ vũ bế mạc có cả mấy chục khách ở Mỹ tham dự, bà đăng đàn hát bài
Titanic, bài hát đang thịnh hành với tiếng hát Céline Dion, hát trong phim cùng
tên. Bài hát nào càng mới, càng khó bà xã tôi càng muốn hát. Bà có cái thú
thích đối diện với thử thách. Tôi đệm đàn cho bà tập cả chục lần, chưa một lần
nào suông sẻ. Ngoài sai nhịp, sai tông, còn cái khó lên cao là đứt hơi. Tập
hoài không được cuối cùng tôi hơi gắt:
– Em hát bài nầy không được, đổi bài khác đi.
Bà giận lẫy bỏ vào phòng đóng sầm cửa. Một lúc tôi lấy lại bình tỉnh gọi bà
ra tập lại. Bà nằm trong phòng nói vọng ra:
– Mất hứng rồi, không tập nữa.
Tôi buộc miệng hỏi:
– Thế rồi chị có đổi bài hát không ?
– Sức mấy! đêm đó bà vẫn chơi bài Titanic như thường. Kết quả ra sao thì hai
ông bạn già của tôi đều biết.
Cụ Lý hai tay ôm đầu, nói như rên với tôi:
– Cậu Hải ơi! Hôm đó nghe chị nhà hát Titanic cả đám khán thính giả bên Mỹ
bị chìm tàu hết!
Cụ Quý trầm ngâm cả phút rồi tiếp:
– Kỷ niệm thứ hai nầy không làm phiền nhiều người nghe nhưng thương cho mấy
đứa trẻ. Hễ có đám cưới mà tôi đệm đàn, lúc cô dâu chú rể cắt bánh cưới, là bà
độc quyền hát bài “Oui, devant Dieu, devant les hommes….”. Bà dặn cô dâu chú rể
khi nào nghe bà vô chữ Oui mới được phập dao cắt bánh. Có một lần bà vô chữ Oui
ba lần vẫn không đúng tông, đúng nhịp. Cũng may cô dâu chú rể biết bà hát sai
nên không cắt bánh. Sang lần thứ tư tôi sốt ruột dạo “mêlô đi” rồi dồn
trống báo hiệu cho bà vô. Cô dâu chú rể nghe trống dồn tưởng tôi báo hiệu cắt
bánh liền phập dao xuống, cả mấy giây nặng nề sau mới nghe tiếng Oui của bà
vang lên. Tối hôm đó tôi bị “nạo” dữ dội vì dồn trống không nằm trong chương
trình tập dượt!
Nghe tâm sự của ba cụ tôi mới thấy hát hay đàn đều có những khó khăn, ràng
buộc của nó. Các cụ đã từng qua một thời lận đận. Riêng với hai cụ Lý và Thi,
tôi thấy đã qua không có nghĩa là đã hết, khi sau lưng hai cụ vẫn có một bóng
hồng canh giữ. Mà đã gọi là bóng thì phải hiểu nó khi tỏ khi mờ, khi ẩn khi
hiện, biết đâu mà lường! Phần tôi may mắn hiện nay vợ tôi chỉ nghe chứ không
hát. Nhưng biết đâu, một ngày xấu trời nào đó, bà cũng nổi cơn đòi hát bè với
tôi. Lúc ấy, nếu tôi không muốn bỏ nghề ca hát, tôi cũng sẽ chẳng còn chọn lựa
nào khác là theo chân cụ Lý!
Chừng một tháng sau gặp lại ba cụ trong một buổi văn nghệ dạ vũ tại nhà
hàng. Cụ Quý với vẻ mặt nghiêm trọng lôi hai cụ Lý, Thi và tôi ra một góc, thì
thầm:
– Bà xã tôi linh quá! lần trước nói chuyện với mấy ông, tôi vui miệng kể vài
cái tội đáng yêu của bà, không ngờ vừa rồi bà hiện về mấy ông ạ!
Cụ Thi có vẻ lo lắng:
– Thế chị có trách móc gì ông không?
– Không, thế mới lạ chứ. Ngược lại bà còn xin lỗi tôi. Bà xin lỗi vì bao
nhiêu năm hát sai tông, sai nhịp làm tôi ngượng với bạn bè. Rồi bà hứa sẽ
phù hộ tôi gặp một bà hát rất đúng tông, đúng nhịp.
Cụ Lý bổng dưng thắc mắc:
– Mà chị có hứa thêm sẽ phù hộ ông gặp một bà vừa trẻ vừa đẹp không?
Cụ Quý nét mặt đang tươi bổng hơi biến sắc:
– Ừ nhỉ, không nghe bà nói trẻ hay đẹp gì cả. Nguy hiểm thật!
Trang Châu