Tình thế “trần trụi trước miệng sói” của Việt Nam đã khiến những chuyến
thăm qua, viếng lại của các viên chức Việt Nam và Hoa Kỳ nảy lên mầm hy vọng
trong lòng công chúng Việt Nam. Những tuyên bố hợp tác, đặc biệt là về quốc
phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, những tin kiểu như năm tới, lần đầu tiên, một
hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ sẽ ghé thăm Việt Nam có tác dụng “an thần,” chúng
không trị “căn,” không giúp Việt Nam có một đối trọng đủ thực lực để kiểm chế
Trung Quốc. (G.Đ – Người Việt Online)
Mãi tới xế chiều tôi mới chợt nhận ra là mình có chút máu giang
hồ (vặt). Cứ hễ vợ con sểnh mắt ra chút xíu là tôi lại vội vã
khoác ba lô, chạy vù ra phi trường, hối hả bay ngay đi đâu đó. Bởi cứ
đi hoài nên có lúc tôi bị lạc.
Tôi lạc tới một huyện lỵ nhỏ bé, sống bằng nghề nông, giữa miền
Trung nước Thái. Nơi đây có con sông Chao Phraya hiền hoà, đậm sắc phù
sa, chầm chậm trôi qua. Dòng nước đỏ luôn cuốn theo những đám lục
bình, cùng mấy cọng hoa bèo tim tím.
Chiều ở chốn này cũng tím, và tím nhạt nhoà đến tận chân trời. Duy
chỉ cây cỏ cùng đồng lúa là bát ngát xanh, và luôn lượn quanh bởi
mấy cánh cò trăng trắng.
Tôi sinh trưởng ở cao nguyên nên nhìn thấy sông ngòi, đồng ruộng là
đâm ra mê mẩn, cứ như kẻ bị hớp hồn. Sông nước và ruộng đồng có sức
quyến rũ lạ lùng khiến tôi chỉ muốn ở luôn, quên bẵng đi rằng mình
đã đến đây chỉ vì lạc bước!
Cảnh vật yên bình, tĩnh lặng tựa một bức tranh mà tôi lại còn
lọt vô một khu resort ế khách và vắng tanh (như chùa Bà Đanh)
nằm giữa đồng không mông quạnh. Chả có chi xung quanh ngoài côn trùng,
ếch nhái, sáo cò, và loài chim cu gáy.
Qua đến tuần lễ thứ hai tôi mới bắt đầu cảm thấy hơi (hơi) trống
vắng, và chợt thèm nghe lại tiếng người nên bèn mở TV coi chơi chút
xíu. Hoá ra chương trình truyền hình của tất cả mọi đài ở Thái,
theo luật định, đều phải dành hẳn mươi mười lăm phút (hằng đêm) để
trình chiếu về sinh hoạt của Hoàng Gia.
Đại khái là bữa qua nhà vua vừa thăm chỗ này, bữa nay công chúa
đã ghé qua chỗ nọ, ngày mai hoàng hậu sẽ viếng chỗ kia … Đến đâu
thì cũng chừng đó chuyện: khai từ, thắp hương, dâng hoa, qùi lậy… Ngó
(hoài) chán muốn chết luôn!
Thảo nào mà Hoàng Tử Harry, người đứng vị trí thứ 5 trong danh sách
thừa kế ngôi vị của Nữ hoàng Elizabeth, đã nói trong một cuộc phỏng vấn (hồi tháng 6 năm nay) rằng: “Không ai trong Hoàng Gia Anh
muốn lên ngôi cả,” và “Thỉnh thoảng, tôi vẫn có cảm giác mình sống trong một
hồ cá vàng.”
Nghe thiệt … ớn chè đậu!
Thái Tử Vajiralongkorn lại ở vào một cảnh khác, muốn hay không thì
cũng phải nối ngôi thôi. Bởi vậy dù hoàn toàn không thiết tha gì ráo
với ngai vàng, và dư luận thì rõ ràng cũng chả đồng thuận gì cho
lắm, ông vẫn trở thành vị vua thứ 10 (Rama X) của vương triều Chakri.
Hoàng tộc Thái, tất nhiên, cần phải có một vị quốc vương. Đám
tướng lĩnh Thái Lan cũng thế. Chế độ quân phiệt ở đất nước này vốn
hơi nhiều tai tiếng nên cần một liên minh, có truyền thống lịch sử,
đứng liền một bên … cho nó đỡ khó coi!
Thảo nào mà ở Thái tôi nhìn đâu cũng thấy chân dung đức vua Bhumibol
Adulyadej, Rama IX. Nay mới hiểu ra là không phải vô cớ mà ngân quĩ
quốc gia dành một số tiền không nhỏ cho việc quảng bá những hình
ảnh nhân từ và khả ái của ông. Đây là việc “an dân,” chứ không phải
là chuyện tình cờ – theo như cách nghĩ ngây thơ, trước giờ, của một
anh thường dân (dấm dớ) như tôi.
Tuy biết không nhiều về nội tình nước Thái, và chỉ bằng cảm quan
của một tên lãng tử, tôi vẫn tin rằng chế độ quân phiệt Thái (tương
đối) khả kham – nếu so với tình hình kinh tế và chính trị của những
nước láng giềng.
Ở Thái dễ thở hơn ở Tầu là cái chắc. Dân Thái sống khoẻ hơn dân
Miên, dân Miến, dân Lào, và dân Phi xa lắc. Đám tướng lãnh Thái biết
giới hạn lòng tham, và trọng pháp. Họ không vội vã, tựa những tên
cướp giựt trên một con tầu vét (tốc hành) như đám lãnh đạo – hiện
nay – ở Việt Nam.
Sự chênh lệch giữa giàu/nghèo ở Thái không đến nỗi nào. Mức sống
giữa thôn quê và thành thị cũng chả khác là bao. Người dân nơi đâu
trông cũng no đủ, tươm tất, và đều có vẻ an bình.
Chim trời cá nước cũng thế. Chúng bay rợp trời hay chen chúc lúc
nhúc khắp nẻo sông hồ. Nhà nước Thái Lan không theo đuổi chính sách
tận thu nên dân chúng không buộc phải tận diệt, theo kiểu chích cá
điện, như ở Việt Nam. Dân Thái còn có niềm tin vào tương lai. Dân Việt
thì không. Chúng ta sống như thể là ngày mai sẽ không bao giờ đến.
Theo số
liệu, tính đến năm 2016, tổng sản phẩm nội địa của Thái Lan là 390.592 USD
(đứng thứ 28 thế giới, đứng thứ 9 châu Á và đứng thứ 2 Đông Nam Á sau
Indonesia). Chỉ bằng vào mấy con số này cũng đủ để thấy sự khác
biệt lớn lao giữa chế độ quân phiệt Thái Lan và đảng phiệt Việt Nam.
Vấn đề e chưa dừng ở đó. Vừa qua, trên mảnh đất Đồng Tâm và sân
bay Tân Sơn Nhất, đám tướng lĩnh Việt đã không chỉ xuất hiện như một
nhóm lợi ích mà còn là một thế lực quân phiệt hẳn hòi.
Nói cho nó công bằng thì chủ nghĩa quân phiệt (đúng nghĩa) với
chủ trương “hiếu chiến và trang bị đến tận răng” vẫn có thể được xem
là thể chế khả dụng khi đất nước đang bị đe dọa vì họa ngoại xâm.
Cái kẹt là đám quân phiệt ở Việt Nam lại không hiếu chiến xíu. Biên
cương bị xâm lấn, biển đảo bị xâm chiếm mà họ chỉ bám bờ, để mặc
dân bám biểm.
Không chỉ hiếu hoà, họ lại còn vô cùng hiếu hỉ nữa. Từ Đài Bắc,
ký giả Wendell Minnick có bài tường thuật (“Can the US get a foot in Vietnam’s door?”) đọc được vào
hôm 25 tháng 7 như sau:
“Một cuộc họp giữa các quan chức Bộ Quốc Phòng CSVN và giới kỹ nghệ vũ khí
Hoa Kỳ đã chấm dứt đột ngột khi những quan chức trong Bộ Quốc Phòng cộng sản
cho biết tất cả mọi buôn bán vũ khí cho Việt Nam phải được cắt ra 25% tổng số
tiền để cho vào túi riêng của các quan chức CSVN.” (“an arms sale would require
25% off the top”, bản dịch Dân Làm Báo).
Theo cách nói của tác giả Tô Văn Trường thì đây là cách hành xử “ngu và tham.”
Không chỉ tham và ngu mà họ còn sẵn sàng qụy lụy (“bent the knee”)
nữa, như nguyên văn cách dùng chữ của nhà báo Bill Hayton, đọc được
trên trang Foreign Policy Magazine, vào hôm 31 tháng 7 năm 2017:
Vietnam’s history is full of heroic tales of resistance to China. But
this month Hanoi bent the knee to Beijing, humiliated in a contest over who
controls the South China Sea, the most disputed waterway in the world.
(“Việt Nam đầy những câu chuyện anh hùng về cuộc kháng chiến chống Tàu. Nhưng
tháng này Hà Nội đã quì gối, bị làm nhục trong cuộc cạnh tranh về việc ai
kiểm soát Biển Đông, vùng biển có nhiều quốc gia tranh chấp nhất thế giới.”
translated by Phạm Nguyên Trường).
Hai kẻ bị chỉ đích danh “qùi gối” trước Tầu không ai khác hơn là
Bí Thư Quân Ủy Trung Ương Nguyễn Phú Trọng và Bộ Trưởng Quốc Phòng
Ngô Xuân Lịch. Ấy vậy mà mấy hôm sau chính ông bộ trưởng lại là kẻ
đi Tây cầu viện.
Với tâm thế tráo trở và qụi lụy của bọn quân phiệt Việt Nam hiện
nay thì Ngô Xuân Lịch phải lên đến Giời (cầu cứu) mới có chút hy
vọng, chứ sang Mỹ thì cũng chả nước mẹ gì. Phen này, chúng mày
chắc chết – chết chắc. Còn dân Việt thì không cách chi thoát Tầu,
nếu chưa thoát Cộng.
Tưởng Năng Tiến