29 August 2017

CHƠI VƠI - Hồ Đình Nghiêm

“Đời không Facebook, đời nghe chơi vơi!” Một cô gái trẻ đẹp đã viết thế. Đăng kèm bức ảnh chụp nửa người ngó mát mắt, thông thoáng. Cô có gần 500 người bạn, không rõ có bao nhiêu kẻ thù mà bên dưới hiển thị lắm lời bàn, theo đúng thuật ngữ phổ thông của tín đồ facebook: “Sự thặc là em thít lộ hàng, phại hông?” “Em đang ở đâu vại? Hăm mún gặp nhao sao?” “Kiếm chiện hen. Òi, thì thoy!”…

Tôi rất chơi vơi, lòng nghe hụt hơi, những muốn ra khơi, bơi vào facebook. Muốn thiền đạo tu tập cũng bị rớt mạng, mất sóng. Ngày qua rất chóng, dù thời tiết đang nóng, lắm chuyện để hóng. Chẳng giàu kinh nghiệm gì, nhưng tôi mang nhận xét là ở thế giới facebook, bạn chớ mất công theo dõi những gì mà các ông bà cụ tuổi trên 50 đưa lên, chán lắm, tẻ nhạt lắm, chả học hỏi được gì mới lạ cả! Từ 50 trở xuống, cách suy nghĩ, tầm nhìn, lối viết bộc trực của họ khiến mình “đã”, chưa kể họ biết lấy nguồn hình từ đâu đó về minh hoạ thêm. Vui đáo để! Một người nữ tuổi 35, có nghĩa là sanh sau 1975 đăng dòng tâm trạng, chữ trắng trên khung hình đen:

“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam nhớ bác nổi da gà!”

Cô ta chua thêm hàng chữ bên dưới: “Bổn cô nương không mang hậu ý gì to lớn đâu, chỉ nhắn gửi mấy em nên lưu tâm chớ viết sai chính tả. Nỗi nhớ nhà khác với nổi da gà”. Có 320 like. Qua hôm sau, đọc thấy đôi dòng vấn đáp cũng chính nhân vật ấy treo lên (triết lý đầy mình):

-Tại sao phụ nữ xem phim khiêu dâm thường theo dõi cho tới hồi kết thúc? – Bởi vì họ luôn muốn nhìn thấy một cái đám cưới sẽ diễn ra.
Thanh niên khác thanh nữ. Thanh niên ưa cập nhật thời sự hơn. Một cậu đăng tin: “Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Ngành sư phạm phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an và quân đội…” Người mang nick name Sung Rụng ở Hà Nội trải tâm tư: “Không cứ là ở lãnh vực giáo dục, mọi ngành nghề khác nên nhập chung vào hai bộ phận không nhỏ ấy (Công An & Quân Đội). Có thế bọn bành trướng phương Bắc mới hãi sợ. Chết òi! Chúng làm éo gì mà tập trung nhân lực đông vãi. Hăm mún gặp nhao đâu! Kính nhi viễn chi thoy”.
Một cậu trẻ khác mang tên Thik Bia Ôm ngụ ở Sài gòn chụp lại hình ở báo Tiền Phong: “Phạm Trọng Luật- Cục trưởng cục chống tham nhũng tuyên bố: Nói đến tham nhũng là ta nghĩ tới những người có chức vụ và quyền hạn. Như thế, chống lại họ có khi chúng tôi phải chết trước!” Bạn Thích Bia Ôm viết: Một Like cho ông quan sáng suốt này. Chế độ ta không mấy ai có tầm hiểu biết sâu rộng và “sai qui trình” như thế cả!
Lại thêm anh bạn trẻ người Huế đăng đàn: “Nhắc tới Huế thì nghĩ ngay tới sông Hương núi Ngự, tới nón bài thơ và tà áo dài, tới bún bò và con đò, tới lăng tẩm đền đài miếu mạo chùa chiền… Như thế e còn thiếu sót lắm thứ, bởi thời bi chừ nói về Huế thì buộc phải nói tới nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân. Bà con xứ Thần Kinh sinh từ năm 1968 đều phải khắc dạ tên ôn. Sau 75, gia đình ôn ở bên Đập Đá đã xảy ra lắm chuyện cười ra nước mắt, vì có tính riêng tư nên tôn trọng chớ kể ra “làm gì cho tốn giấy”, chỉ nhắc lại chút gì dính dáng tới “Huế học”. Một người sinh viên nhảy núi năm 1966. Hai năm sau, về “ăn Tết” ở Huế xuân Mậu Thân, ôm AK-47 bắn vung vãi thay đốt pháo mừng giải phóng bà con ra khỏi sự kềm kẹp ác ôn của bọn Mỹ Nguỵ. Phải đợi tới 1975 mộng ước mới tựu thành. Một kẻ theo phong trào “đấu tranh đô thị”, nói theo phương ngữ người miền Nam: “Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” đã sớm lộ rõ hành vi tráo trở bằng động thái vào nhà người thầy khả kính Phan Văn Dật để soán đoạt tủ sách quý của thầy. Nón tai bèo cùng đôi dép râu chưa cởi xong ôn đã chóng mang được chức vị: Nhà Huế học. Thủ lợi một tủ sách đồ sộ bên lưng vậy mà ôn tuồng như đã phụ rẫy văn hoá. Mới đây ôn viết trên facebook: “Từ năm 1945 tới 1954, ở Huế không thấy bóng dáng sách của Tự Lực văn đoàn đâu cả!”. Sông Hương học, núi Ngự học, Đồng Khánh học, chợ Đông Ba học e phải nên tìm gặp nhà Huế học một phen để giao lưu tình cảm xem thử ôn noái như rứa thì có phải ôn quen “nói vậy mà hổng phải vậy”? Ôn nớ năm nay nghe đâu đã 81 tuổi rồi, chưa đếm từng ngày như ôn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhưng xem chừng đã bị “ma đưa lối quỉ dẫn đường” để phải phát ngôn linh tinh. Một nhà Huế học, sao khi về già chẳng ngồi bình tâm viết hồi ký kể lại chiến dịch trận chiếm đóng 30 ngày đêm ở Phú Xuân? Như thế có phải hách xì xằng hơn không, để lưu danh thiên cổ”.
Tôi rất chơi vơi. Và thú thật tôi hơi bị cao huyết áp. Vì vậy trước sau tôi đành làm đứa lạc hậu không dám mở cho tôi một khoảnh đất Facebook. Tổn hại sức khoẻ và thời giờ đã đành, mở ra thì biết lấy gì mà treo lên? Trời sinh chân tôi thuộc loại thiếu thước tấc, không được dài miên man. Lẽ nào ăn gian lấy hình nữ giới làm ảnh đại diện, photoshop cho thành điện nước đầy đủ xong rồi câu like: Được tới 500 “em” sẽ cởi áo nịch dzú. Mún vại hông? Hehehe.
Hoặc có thể nghĩ ra trường hợp hai: Tôi sẽ bị chúng hack. Cho mày chết, thằng phổi bò. Sao mày đã thôi ăn cơm quốc gia mà còn ưa chửi con ma cộng sản thế? Đao thì lỡ bị đoạn lìa mà cứ đòi rút đao tương trợ. Bạn bè mày sinh hoạt vào ra chốn nọ vẫn tịnh khẩu như bình, tự xem đó là chốn vui chơi thoải mái tha hồ khoe ảnh dĩ hoà vi quý kính lão đắc thọ. Sao mày chứng nào tật nấy, cứ ưa lo bò trắng răng?
Nếu có facebook đời tôi chơi vơi, tôi sẽ bỏ bút. Bịt tai nhắm mắt, dại khờ như Bùi Giáng bảo, đời một giấc chiêm bao!

Hồ Đình Nghiêm