Chúng ta chưa tự làm được cái đinh vít! (Nhà
báo Quang Đông, Tiền Phong Online)
Tôi học nhiều, hiểu rộng (trên thông thiên văn, dưới đạt địa lý)
thấu đáo mọi lẽ huyền cơ của hoá công nên có thể giải thích tất
tần tật mọi hiện tượng trong vũ trụ – trừ mỗi chuyện này: chả hiểu
sao tôi rất ít khi có tiền, và nếu có thì cũng khó mà giữ trong
túi được quá ba hôm.
Vợ tôi cũng thế. Tôi cứ nghe người bạn đời của mình than thở rằng
không biết bụi từ đâu đến mà nhà cứ lau chùi hoài vẫn thấy, còn
tiền thì chả biết biến đi mô mà lúc nào cũng thiếu.
Hỏi thăm bà con láng giềng, và bạn bè thân sơ mới biết là (hoá
ra) ai cũng đều thế cả, đều hơi thiếu thốn, hoặc rất cần tiền. Ở
bình diện quốc gia cũng vậy luôn. Gần như nhà nước nào cũng đang
trong tình trạng bội chi, cần cắt giảm ngân sách, và đều vô cùng
lúng túng khi buộc phải giải trình (minh bạch) về việc chi/thu – chỉ
trừ mỗi Bắc Hàn.
Nhân vật lãnh đạo quốc gia này, đồng chí Kim Chính Ân, rất thích xem
hoả tiễn bay. Thú tiêu khiển của ông vô cùng tốn kém nên đất nước
thường xuyên ở vào cảnh cùng quẫn là điều dễ hiểu – ngay cả trẻ con
Triều Tiên cũng hiểu – khỏi phải giải trình hay giải thích lôi thôi
gì ráo, với bất cứ ai.
Nỗi đam mê vũ khí của lãnh tụ Kim Chính Ân còn khiến cho không ít
người lo ngại, và lo sợ. Hôm 28 tháng 07 năm 2017, RFA
lại mới la làng: “Bắc Hàn lại phóng tên lửa.”
Cùng với tin này, còn có nhiều tin và bài liên quan khác:
Cùng lúc, trên trang BBC
cũng có đôi lời bình luận (nghe) rất mỉa mai: “Binh lính đói còn tiền đổ
vào vũ khí hạt nhân.” Đua đòi chế tạo vũ khí trong khi lính đói khát
quả là điều rất đáng phàn nàn. Tuy nhiên, không chế tạo ra được bất
cứ loại vũ khí gì (kể cả con dao cạo) mà quân dân vẫn đói thì e là
chuyện còn đáng mai mỉa và chê trách hơn nhiều.
Trong thời gian qua, mọi cơ quan truyền thông Việt Nam đều loan những
tin sau:
Đó là những cái chết thương tâm mới nhất, chứ không phải là duy
nhất, xẩy ra trên đường phố VN. Tại sao lực lượng cảnh sát giao thông
ở đất nước này lại “thi hành nhiệm vụ” một cách nhiệt tình (quá
mức cần thiết) đến độ phải tử vong đều đều như thế?
Câu trả lời có thể tìm được qua những dòng chữ sau của blogger
Nhân Thế Hoàng, đọc được trên trang Đàn
Chim Việt:
“Các anh cảnh sát và tài xế, họ đều đáng thương hơn đáng trách, tại trên vai
của họ đều là gánh nặng cơm – áo – gạo – tiền và trách nhiệm đối với gia đình
vợ con, cũng như số tiền phải cống nạp lên trên.
Qua trang fb của mình, nhà báo Huy Đức
cũng chia sẻ đôi lời tương tự:
“Trong ly rượu chờ bão tan ở Hà Tĩnh, một đại tá CA nghỉ hưu nói với tôi:
‘Không phải các cháu không biết chỉ cần báo số xe cho trạm kế tiếp bắt những xe
bỏ chạy, nhưng, trạm nào có ‘định mức’ của trạm ấy. Có cháu phải vay tiền ngân
hàng để có một chỗ đứng ngoài đường.”
Thảo nào mà binh sĩ và sĩ quan (kể cả sĩ quan cao cấp) của ngành
cảnh sát giao thông Việt Nam đều buộc phải đứng đường ráo trọi, và
bị xe tông chết dài dài. Công an mà còn đói tới cỡ đó thì quân đội,
tất nhiên, phải đói hơn nhiều!
Ảnh: huffingtonpost
Đến Bắc Hàn, du khách đều bàng hoàng vì cảnh tượng “nhìn bẩy
tưởng ba.” Con nít của xứ sở này, tuy đã bẩy tuổi nhưng phần lớn
trông cứ nhỏ tí như những đứa bé vừa mới … lên ba vì quá đói!
Ở Việt Nam, nhiều nơi, cũng thế – theo lời của T. S. Trần
Đăng Tuấn: “Khi bạn lên vùng cao, bế các cháu bé lên, sẽ thấy chúng nhẹ
bỗng.” Bà Phạm
Thái Hà (Tổng Giám Đốc Hệ Thống Lập Trình Viên Quốc Tế Bachkhoa-Aptech)
cũng cùng chung nhận xét: “Nhìn cảnh một học sinh chẳng khác nào những đứa
trẻ lớp 1 ở vùng quê nhưng hỏi ra mới biết em đã 11 – 12 tuổi mà lòng tôi quặn
thắt.”
Nói nào ngay thì chuyện đói khát không phải chỉ dành riêng cho trẻ
con ở vùng cao, vùng thấp cũng có đứa đói vàng mắt, và đói chết
luôn – theo như tin loan của VTC.VN:
“Quá đói bụng, bé gái lớp 3 chết khi đi học về … Xóm giềng đến giúp làm đám
tang cho em thấy gia đình không còn gạo nấu cơm cúng, bát đũa cũng không đủ bộ
sáu cái. Thầy, cô giáo và người dân đã mua bộ quần áo mới và đồ để quàn cho
Nhung. Chị Lê Thị Quý, mẹ Nhung, nói trong nước mắt: “Nhà không đủ ăn. Chúng
tôi cố gắng đi làm thuê nuôi con nhưng cũng đói lắm. Nhung bị bệnh tim bẩm
sinh, vừa đưa cháu đi mổ tim về nên gia đình khánh kiệt.” Ngày 26/9, lãnh đạo
Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cùng các ban ngành huyện, xã đã đến thắp hương, động
viên, trao tiền hỗ trợ cho vợ chồng anh Vân, chị Quý.”
Năm ngoái, tôi nghe phóng viên Hồng Vân – báo VN
Express – đặt câu hỏi (“Triều Tiên lấy tiền ở đâu để phát triển vũ khí
hạt nhân?”) rồi cho luôn lời giải:
“Tuy nghèo và chịu nhiều trừng phạt quốc tế, Triều Tiên vẫn có thể phát
triển vũ khí hạt nhân bằng cách sử dụng công nghệ trong nước và kiếm nguồn
ngoại tệ qua xuất khẩu linh kiện và nhân công. Mặc dù các chuyên gia cho rằng
rất khó để tính toán được chi phí chính xác mà Triều Tiên dành cho chương trình
vũ khí hạt nhân nhưng theo phân tích của chính phủ Hàn Quốc, Triều Tiên đã chi
tổng cộng khoảng 1,1-3,2 tỷ USD cho chương trình này.”
Ôi! Tưởng bao nhiêu chớ chừng đó thì có thấm tháp gì, nếu so với
rất nhiều tỉ Mỹ Kim chi cho những quả đấm thép như Vinashin hay
Vinaline (gì đó) mà “thành tựu” chỉ là những đống thép vụn khổng
lồ. Với số tiền này mà nhà nước Việt Nam cũng chế tạo được vài
cái hoả tiễn thì đã không đến nỗi bị “người đồng chí cùng chung ý
thức hệ” bắt nạt, và buộc phải “lùi bước triền miên như lâu nay để mong
yên thân!”
Trước khi hạ cánh, Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng đã không quên để lại cho
quốc dân đôi lời an ủi: “Chúng ta đã sản xuất được ốc vít, phải
khẳng định như thế.”
Thiệt là phước đức nhưng từ chiếc đanh vít (vặn
không trờn ren) đến cái hoả tiễn là một khoảng cách muôn trùng,
và rất mịt mùng. Bởi vậy, nếu buộc phải lựa giữa Việt Nam và Bắc
Hàn thì tôi (e) rằng mình đành chọn làm công dân của nước thứ hai.
Đằng nào thì cũng là nạn nhân của cái thứ chế độ toàn trị, sắt
máu, đói khát, và cũng phải sống cùng với bọn đầu trâu mặt ngựa
thì thà ở chung với những đứa không hèn – cho nó đỡ …tủi thân!
Tưởng Năng Tiến