17 August 2017

KHÓI VÀ TRĂNG - Trần Mộng Tú

Ngày tháng Hạ, nắng ngất ngư, cây và người cùng cong xuống, tin tức nói có đám cháy tận Canada, ngửa mặt lên trời mắt như sương phủ, bên kia hồ cả một vòm trời đục khói. Khói từ Canada bay sang Washington, bay tới khu xóm này. Buổi chiều không ai dám đi bộ trong xóm như mọi chiều vì trong không khí có pha mùi khói.
Khí hậu hôm nay 92.F, nóng nhoài người. Hơn 8 giờ tối mới ra ngoài sân tưới nước cho những bụi cây, những chậu hoa trước và sau nhà. Những chậu hoa ủ rũ như những thiếu nữ vừa xa người yêu, những bụi cây khô, xơ xác như những người đàn ông bị tình phụ.

Chỉ những sợi khói mong manh kết vào nhau của một đám cháy rừng ở xa lắc xa lơ nơi nào đó có thể gây ra những buồn phiền tai họa cho kẻ ở nơi này. Đừng vội nghĩ những thao tác xa xôi không ảnh hưởng đến mình mà nhầm. Xấu hay tốt, ở nơi xa lắm, dù muốn hay không cũng chia đều thiên hạ lãnh nhận. Chỉ một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây nên cơn lốc xoáy ở Texas (*). Rõ hơn nữa như một con Sóng Thần Mồ Côi (The Orphan Tsunami) vào năm 1700 chính là hậu duệ của cơn địa chấn ở tận Bắc Mỹ. Người ta đã tìm ra quê quán và cha mẹ của con sóng thần mồ côi này. (*)
HÌNH “Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil 
có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas.”

 Buổi tối, người đàn ông gọi vợ.
   - Em ra xem mặt trăng màu đỏ cam.
 Một mặt trăng chưa rằm, trông như một chiếc đĩa bị vỡ mất một mảnh to có màu cam rất đậm và sáng treo trên bầu trời âm u khói. Đẹp đến bất ngờ! Hóa ra tro bụi, khói từ một đám cháy rừng ở nơi xa xăm đó đã làm mặt trăng đỏ sẫm hơn. Những hạt bụi trong khí quyển đã làm mặt trăng thay màu. Cái màu vàng nhạt của trăng non được thay bằng màu đỏ cam quyến rũ.  Đó là kết quả của vầng trăng bị che khuất bởi bụi khói. Phải chăng: trong tàn phá cũng có mầm ân sủng!
Người vợ nhớ lại những lần về quê chồng, hai người lái xe đi qua những cánh rừng thông mùa Hạ ở Helena, Montana. Thỉnh thoảng có một cánh rừng cháy từ mấy năm trước, trên mặt đất còn phủ tro màu xám nhạt, đã nhô lên những cây thông xanh mướt cao bằng đứa trẻ lên năm. Quang cảnh đó gieo vào lòng người biết bao êm ả và hy vọng vào một điều gì vừa mơ hồ vừa ngọt ngào đầy hứa hẹn Một ngọn nến Phục Sinh như được đốt lên giữa mùa Hè. Rừng đã cháy và rừng hồi sinh. 
 HÌNH-Mặt Trăng Đỏ-Seattle
Nàng ngửa mặt nhìn vầng trăng màu cam đậm đang ửng lên trên bầu trời mù mịt khói, bất giác quặn lòng nghĩ tới quê nhà. Bao nhiêu bươm bướm đã đập cánh đến xác xơ liệu có tạo nên một cơn lốc xoáy cuốn đi những oan khiên trên mặt đất ngay tại chỗ hay không?
Và bao giờ một vầng trăng đẹp có thể xuất hiện trong những đám khói đen đặc đang phủ kín bầu trời quê hương.

Trần Mộng Tú
Aug.1st.2017
(nguồn: tranmongtu.blogspot.com)
(*) Edward Norton Lorenz-1917-2008 - Cha đẻ của hiệu ứng cánh bướm
(*) The Orphan Tsunami of 1700
United States Geological Survey Reston, Virginia in association with University of Washington Press Seattle and London.