Không bao giờ tôi hình dung ra, sẽ có ngày cùng chị Diên Hồng
sánh đôi đi trên con đường này. Con đường mà chính tôi cảm thấy xa lạ, cảm tưởng
như cuối lối đi luôn chực sẵn nỗi phiền muộn vây đón. Tôi ít khi đi về hướng
này, hướng mặt trời lặn. Buổi sáng, nắng đổ sau lưng như rượt đuổi và cánh đồng
luá mạ phía xa xanh xao, lay động như một tấm thảm trong truyện cổ tích. Sự lặng
yên của vùng ngoại ô như biết đè xuống hàng cây, tạo tiếng lao xao trên vòm lá
có chúng tôi đạp xe bên dưới. Đôi khi bóng cây già tuổi ven đường bất thần ôm
chầm lấy mình, mát mẻ. Đôi khi nghe tiếng trở mình của bụi tre, như có ai khuất
mặt vừa nghiến răng, giỡn đùa. Một thế giới tĩnh, mà tiếng thì thầm cố lắng tai
nghe đều không phải phát xuất từ con người.
Chúng tôi chẳng nói với nhau từ khi bước ra khỏi quán
cà-phê. Chị Diên Hồng về đây đã hai hôm, và giờ này, tuồng như trong chị chẳng
còn chuyện gì để tuôn ra. Khánh tận, nghèo nàn, như dòng sông nhỏ uốn lượn bên
đường đang tới đoạn cạn thấp mực nước. Một người khom lưng ngâm thân dưới bùn
dùng lưới cố vớt lên thứ gì đó. Cá, cua, nghêu sò ốc hến? Bà đội nón lá, và lá
chẳng phải là thứ bất tử. Bà ngẩng mặt ngó lên chúng tôi, đôi mắt vô hồn lộ rõ
dưới vành nón tơi tả, rã mục.
“Bao lâu nữa thì tới?” Chị Diên Hồng hỏi.
“Cỡ mười phút nữa. Chị không quen cỡi xe đạp phải không?”
Chị tôi làm thinh, chị bận thở. Tôi nhìn ngọn đồi trọc nằm
cuối tầm nhìn. Ngọn đồi ấy vẫn thế, loang lổ những vạt đất khai hoang, lởm chởm
những vạt cây cỏ xỉn màu còi cọc. Ở xa, trông nó như cái đầu người bị ghẻ, rụng
tóc. Dầu sao thì thiên nhiên có vẻ chung tình, để sáng hôm nay nó đón chào
chúng tôi bằng cái diện mạo đầy buồn bã ấy. Nó cũ kỹ tới độ đáng ngờ vực. Sách
Quốc văn giáo khoa thư ngày xưa có chuyện kể: “Một người có tiếng là đi nhiều,
một hôm trở về làng cũ dõng dạc tuyên bố: Không nơi nào đẹp bằng chốn này.” Tôi
luôn nghi ngờ sự thật thà có trong câu nói ấy, ngay từ tấm bé, thuở đầu đời cắp
sách đến trường. Vì thế, giờ đây, tôi chẳng hề hỏi han chị tôi về chuyện cảnh vật
biến hoá, xứ Tây phương cực lạc cũng như quê cha đất tổ chó ăn đá gà ăn muối.
Tôi đủ trí khôn để tránh né, không muốn chị phải cực lòng để làm một cuộc so
sánh.
“Xa xôi quá.”
“Chị nói sao?”
“Thử mường tượng ra cảnh đưa đám. Thật khó nhọc cho em. Sao
mình không chọn một chỗ gần hơn?”
“Nhà nước chỉ định hết chị ạ. Mọi thứ đều có giai cấp, có lớp
lang. Không phải sự bình đẳng là điều mình được nhìn thấy khi chết đi.”
“Chôn trên đồi cao?”
“Dạ. Đất ở đó nhiều đá, cuốc mẻ lưỡi. Huyệt hơi nông, nhưng
người ta an ủi, lụt lội khó tới quấy rầy. Cao bao giờ cũng hơn thấp, họ nói vậy.”
“Tiền chị gửi về xây mộ có giúp em bớt chật vật không?”
Tôi tránh vội một ổ gà chứa đầy nước ngầu đục. Tôi ngậm câm.
Tôi không hiểu chữ bớt chật vật mà chị dùng. Tôi là một lỗ trũng chẳng bao giờ
hứng đọng được nước mưa. Luôn khô ráo, luôn hạn hán. Ba trăm đô-la. Ừ, nó to
tát quá chừng. Đồng thời nó chẳng là cái gì hết nếu một người trong gia đình bạn
đột nhiên nhắm mắt xây lưng lại với đời sống khó hiểu này. Dầu sao muốn sống
còn bạn phải luôn nằm lòng câu: “Có còn hơn không.” Sáng hôm nay tôi đã điểm
tâm dĩa bánh cuốn, uống cốc cà-phê sữa nóng, hút một điếu thuốc thơm. Và tôi
vênh váo mặt mày bởi có được một người chị Việt kiều xịn. Bạn thấy đó, những thằng
gầm đầu đếm bước là những thằng vô sản chuyên chính thứ thiệt. Bọn nó ra đời dưới
những vì sao xấu. Và triết lý của tụi ấy là gì, nếu như không muốn nói: “Thà đốt
lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối.” Vài ba hôm nữa chị Diên Hồng
lại ra đi. Tôi tiễn chị, đồng nghĩa với nhìn ánh sáng vụt tắt trên đầu một que
diêm quá đỗi nhỏ bé, hao gầy.
Ngọn đồi không mấy dốc nhưng chị Diên Hồng chẳng thể đạp xe
tiếp. Chúng tôi xuống xe, đi theo cái lối mòn dẫn dắt quanh co một cách vô lối.
Chị Diên Hồng là chị kế, hơn tôi bốn tuổi, tôi là con trai út trong một gia
đình có cả thảy ba người chị. Và tôi thực tâm chẳng nhớ rõ là ngày xưa mình có
được cưng chìu không? Một đứa con trai, điều ấy thực ra cũng cần thiết, ít nhất
ở trong cái định nghĩa: Nó là đứa kế thừa và tiếp tục gieo mầm phát sinh cho dòng
họ khỏi bị chôn vùi, tuyệt tự. Hôm chị Diên Hồng về, câu đầu tiên chị hỏi:
“Nghị đã có người yêu chưa, bao giờ thì lấy vợ?”
Người yêu? Ai lại phải lòng một thằng khố rách áo ôm bao giờ?
Không biết viện dẫn lý do, tôi đành lắc đầu. Chị bảo:
“Như thế mà hơn. Cực một mình chứ đừng bắt kẻ khác phải cực
theo. Tóc Nghị bạc đã nhiều, thôi cứ ở vậy cho sướng.”
Những luận cứ chị đưa ra không phải là vô căn cứ. Những gì
đúng thì mình phải nghe theo. Và như thế, theo cái đà ấy, mai hậu biết có còn họ
Hồ tồn tại? Điều đó chẳng phải là cái mà chị bận tâm. Chị có khối chuyện để lo
toan, chia tiền Mỹ ra hai ba phần đồng đều để đem san sẻ chia sớt cho bà con
thân thích. Chị ra chợ mua hương đèn vàng bạc hoa quả, nóng lòng hối thúc tôi dắt
chị đi nhìn chỗ an nghỉ của Ba.
Chỗ Ba tôi nằm trước đây cô quạnh, hiu hắt. Có thể do trận
thiên tai lụt bão xẩy ra vừa rồi khiến ông có thêm nhiều láng giềng, bạn mới.
Những ngôi mộ không theo một quy luật nào cả khi đào xới, xây cất. Nó khác với
đồ án, công trình xây dựng nhà cửa ở thành phố. Sự lộn xộn và tùy tiện đó khiến
tôi phải tốn khá nhiều hơi sức khi nhận diện ra “căn hộ” của ông. Chúng tôi dựng
xe bên một cây thông con. Gió len lỏi tới từ bên kia ngọn đồi để gửi theo tiếng
vi vu nhột nhạt ngoài vành tai. Trong gió có mang theo hương thơm, mùi ngây ngất
dễ chịu. Tôi thầm đoán, nhưng sau cùng mới vỡ lẽ đấy là mùi nước hoa tỏa ngát
trên người chị Diên Hồng. Chị đã sanh được một cháu gái, hai tuổi. Nó và ông chồng
chị thì đang bận thăm thú gia đình bên nội ở Sài-Gòn. Nó mệt vì phải đi xa,
cách tốt nhất là nên dưỡng sức ở trong đó đợi ngày trở lại Mỹ. Chị nói vậy. Một
đứa con, sách vở đã từng nhận xét: “Gái một con trông mòn con mắt.” Chị tôi đẹp,
khách quan mà nói vậy. Chị có những đường nét mà tôi không có được. Nói cho
đúng đắn là hai chị em mà chẳng có chút gì giống nhau. Ra đường, tôi đã đón nhận
nhiều ánh mắt ganh tị của những thằng đàn ông bắn tới tôi, cũng có loạn xạ những
tròng con mắt dán chặt vào ngực vào mông chị. Chị tròn đầy, trắng trẻo, thơm
tho. Tôi dơ xương, đen đúa, nhớp nhúa và xấu xa; từ cơ thể cho tới đầu óc. Đêm
đầu tiên chị ghé thăm, trò chuyện không lâu chị vội vàng ôm đồ đoàn đi. Chị
nói: Về ngủ ở khách sạn... Chị sợ hãi một điều gì? Căn nhà tồi tàn dơ bẩn? Thằn
lằn, ruồi muỗi, rệp gián? Hay chị sợ... Tôi cố gắng để không dám nghĩ tiếp. Đêm
đó tôi ngủ muộn, một giấc ngủ đầy mộng mị, quái đản và loạn luân. Tôi chờ ngày
hôm nay, tôi sẽ nguôi ngoai những mặc cảm tội lỗi khi đứng cúi đầu khấn nguyện
bên mộ Ba tôi. Nghe đồn Ba tôi trước đây là một kẻ đào hoa. Những nơi ông dừng
chân trong khi đi công tác đều có để lại ở đấy những mối tình vụng trộm. Cha ăn
mặn, con khát nước. Điều đó có đúng không?
Chị Diên Hồng bày lễ vật ra đặt dưới chân tấm bia. Bia
xi-măng sần sùi, ở giữa có nhận chìm một tấm ảnh đen trắng. Khuôn mặt người đàn
ông sáng sủa, cương nghị, tóc láng ướt chải lui sau, mắt nhìn chăm vô dáng đứng
gục đầu của chị Diên Hồng. Chị lẩm bẩm khấn vái. Chị sụt sùi kể lể. Tôi nhìn
khói ùn lên từ đầu bó hương. Xanh xám, cay mắt. Khói nghi ngút cháy với một thứ
mùi không lấy gì làm thơm. Nó bắt đầu óc phải bần thần, nó dẫn người ta tới những
suy diễn chẳng mấy đẹp. Về cái chết chẳng hạn. Tôi ngó tấm chân dung ăn gian của
Ba tôi, chụp hồi ông còn là trung niên tráng kiện. Tôi đọc những hàng chữ khắc
vụng về trên bia, tên tôi nằm cuối cùng trên chữ “đồng phụng lập”. Và tôi phát
hiện tất cả những chữ ấy đều viết sai chính tả. Sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng nằm
không đúng với vị trí chính đáng của nó. Ba tôi hẳn phải bực mình vô hạn? Hơn
ai cả ông là người luôn khinh thị ra mặt những kẻ vô học. Chị Diên Hồng sáng dạ
học giỏi nhất nhà và chị đã trở thành niềm hãnh diện của ông, đi đâu cũng khoe
khoan. Ông luôn nhại câu nói của văn hào Victor Hugo: “Trí tuệ giàu lên nhờ cái
nó nhận vào. Con tim giàu lên nhờ cái nó cho đi.” Một câu khác cũng thường được
ông nhắc nhở: “Sách vở là người bạn thiết không hề biết phản bội mình.” Ông bỏ
công nhồi sọ chúng tôi những lời vàng ngọc của thánh hiền. Và oan uổng cho ông,
ông không thể tưởng được, một đôi khi, giai cấp bần cố nông, bọn vô học, cũng
có lúc ngoi đầu lên làm chủ được vận mệnh một đất nước. Cái đất nước mà khi ông
chết, người đến phúng điếu tươi cười vỗ vai tôi: Ba mi chết rứa là hạnh phúc
đó. Sống như tao còn khổ hơn một con chó!
“Trước khi chết Ba có trối trăn điều gì không?” Chị Diên Hồng
quay đầu hỏi.
“Không.” Tôi trả lời. Nhìn sâu vào đôi mắt ướt át đen láy của
chị. Sao chị chẳng hề hỏi tôi: Em muốn qua Mỹ sống gần chị không? Chị làm đơn bảo
lãnh.
“Ba không thổ lộ cho Nghị nghe một nỗi niềm riêng tư nào cả?”
“Hoàn toàn không. Ông chỉ nói một câu, cái câu mà em từng viết
trong thư gửi chị: Diên Hồng đâu? Tự dưng Ba ưa nhìn mặt chị của con.”
Chị Diên Hồng chảy nước mắt. Tôi muốn ôm chị vỗ về nhưng sợ
hãi một điều gì vô cớ.
“Chị cảm thấy có lỗi với Nghị...”
Chị nói nhỏ, cố nén tiếng khóc òa vỡ ra. Giọt nước mắt rơi
khỏi cằm. Nó mặn không nếu tôi được nếm thử? Tôi ngó vết rạn nứt trên bề mặt
ngôi mộ đắp xi-măng. Người nằm dưới hẳn sẽ chẳng bao giờ nghe hiểu tiếng nhân
gian đang lao xao.
“Chị có khấn nguyện với Ba, hãy cho chị thế mặt Ba nói với
Nghị một điều hệ trọng. Chị sợ về Mỹ rồi sẽ hết còn cơ hội để nói ra.”
Tôi nhìn chữ Guess in sơn trắng trên áo thun đen chị mặc.
Nhìn những nhịp đập rối loạn không ngừng lên xuống đang xẩy ra mơ hồ ở đằng
sau. Hôm trước, chị có trao quà cho tôi một chiếc áo tựa thế, tuy vậy điểm khác
biệt là chữ CK in có hơi lớn, hơi phô trương. Chị hỏi, Nghị biết hiệu Calvin
Klein không? Tôi bông lơn, nghĩa là gì? Coi bộ mặc nó không thích hợp, bởi em
chẳng có gì để phải Cần Kiệm cả. Hay là tròng nó vào người rồi đi rêu rao giữa
phố phường: Cho Không. Chọn Kiểu...?
“Chị sẽ ân hận nếu mãi giữ kín trong lòng... Nếu có gì, xin
Nghị thứ lỗi cho chị...”
“Chị không có lỗi gì cả, hoặc nếu có, em thề không đời nào
đem lòng oán trách. Chị về thăm là cả một niềm vui lớn, chị tin không?”
Tôi muốn lau nước mắt cho chị nhưng không đủ can đảm. Mới
nghĩ qua, tay đã run lên, đành cúi đầu nhìn những cọng cỏ đang mềm ướt. Chị
mang dép da, những ngón trắng hồng sạch sẽ nằm thứ lớp trên một bàn chân đầy đặn.
Ở người chị, mọi thứ như đều hoàn hảo. Có đêm tôi nằm mộng thấy chị hiền hậu,
mang đầy vẻ đẹp sáng ngời như Phật Bà Quan Âm: “Nghị đang ôm ấp một điều ước
gì? Nói ra chị sẽ biến nó thành hiện thực.” Tôi tỉnh giấc và lòng rối bời những
ham muốn không thành lời, tiếc nuối.
“Nếu Nghị không trách cứ thì chị xin được nói ra. Nghị là
nghị lực, phải không? Phút giây này, bên mộ Ba, có lẽ điều đó giúp cho chị thêm
can đảm.”
“Chị khó hiểu hơn Nghị tưởng. Không phải là người Tây phương
họ đều thẳng thắn và sòng phẳng sao? Ở bên đó đã lâu sao chị còn Việt-Nam rặt vậy?
Quanh co, úp mở là điều mình cần tránh, nó làm Nghị hoài nghi về tình chị em ruột
thịt.”
Tôi nói, giọng hơi khan. Tôi nhìn vào mặt chị Diên Hồng, cố
tìm ở đấy một vài nét từa tựa như khuôn mặt tôi, kẻ mà Ba Má đã nặn ra lần sau
chót.
“Được, chị nói. Thời gian làm việc ở Tuy-Hòa Ba có một bà
nhân tình. Do lòng ham muốn có được một đứa con trai, nên Ba... nên rốt cuộc bà
ấy đã mang thai với Ba...”
Chị ngập ngừng. Chị có lối thuật chuyện không hay, chẳng hấp
dẫn, thiếu nghệ thuật; bởi chưa gì tôi đã đánh hơi ra cái đoạn kết rất cải
lương của nó. Tôi chẳng xâm xoàng chóng mặt gì ráo. Lòng tôi sao dửng dưng một
cách kỳ lạ.
“Nghị là đứa con trai cùng cha khác mẹ ấy, có phải không?”
“Chuyện này Ba kể cho chị nghe đã lâu... Con phải thương yêu
nó, con phải rán chỉ thêm bài vở cho nó để sau này thành người hữu dụng... Nghị,
thật ra bọn chị rất xấu hổ, rất bất hiếu khi để một mình Nghị xoay xở đối đầu với
trăm thứ. Chôn cất Ba tử tế chẳng hạn... Nghị có muốn đi dò la tin tức người mẹ
ruột của mình không?”
“Không.”
“Tại sao? Chị đưa tiền cho Nghị trang trải mọi việc.”
“Bây giờ chị vứt con chị trong Sài-Gòn và ở đây với Nghị suốt
những ngày còn lại thì chị có an lòng không? Nếu an lòng, thì sau này khó nhìn
mặt đứa bé ấy. Đúng không? Khó xử lắm, phải không?”
Tôi hỏi. Tôi lay vai chị và tôi ngửi ra từ cơ thể chị xông
lên hương mùi u mê. Tôi dụi mặt mình vào mái tóc mượt mà chảy lượn nơi bờ vai
tròn. Chị Diên Hồng đẩy giạt ra khiến tôi té ngồi trên mả Ba tôi đầy cỏ dại mọc
quanh. Chị thốt lên một tiếng ngoại ngữ sắc lạnh mà tôi đoán nghĩa chữ ấy hẳn rất
tàn tệ. Khốn nạn chẳng hạn. Địt mẹ chẳng hạn. Cứt đái chẳng hạn...
Có tiếng động cơ xe gắn máy vọng lên từ dưới chân đồi, nổ hục
hặc, khuất lấp. Tôi nhìn xuống, bóng dáng chị Diên Hồng nhòe ra giữa nắng, mỗi
lúc một xa trong mắt cay. Buổi trưa ở đây lặng lờ, bát ngát buồn hơn cả một bãi
tha ma.
Hồ
Ðình Nghiêm
dec. 02.01