26 August 2017

NGÀY VỀ KHÔNG NẮNG - Nguyễn Mộng Giác

Cơm nước xong, không khí trong nhà đột nhiên căng thẳng khác thường. Mọi người đều thấy bứt rứt, tuy ai ai cũng cố gắng chứng tỏ mình bình tĩnh, hơn thế nữa, thản nhiên, bất cần. Bà mẹ ngồi bệt trên mặt nền đã bóc mất lớp gạch hoa, bỏm bẻm nhai trầu như mọi bữa. Cô em gái rửa chén ở dưới bếp mải suy nghĩ làm vỡ mất cái dĩa sứ độc nhất còn lại. Đứa cháu lẻn ra sân trước chơi không ngủ trưa mà không bị bà nội la rầy. Còn chàng thì dụi hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, cổ khô, uống liên tiếp nhiều ngụm nước trà vẫn không dằn được cơn ho. Mẹ chàng lo lắng hỏi:

– Con không bị đau phổi đấy chứ? Có mỏi ở hai bả vai không?
Chàng vội đáp:
– Không đâu, mẹ yên tâm. Thuốc điếu bây giờ tệ quá. Hút đắng cả cổ.
Mẹ chàng trách móc:
– Biết thế mà còn hút. Mẹ nghe nói toàn là lá đu đủ.
Rồi sợ không còn cơ hội nào để xóa tan nỗi lo canh cánh, mẹ chàng hỏi đột ngột:
– Con đã viết sẵn đơn xin tạm trú chưa?
Chàng liếc nhìn mẹ. Mẹ chàng chăm chú têm tràu, làm như chưa bao giờ đặt câu hỏi, hoặc nếu có, thì cũng hỏi qua loa cho có chuyện vậy thôi, một câu hỏi không đáng quan tâm.
Chàng cố làm ra vẻ ơ hờ, đáp:
– Con đã viết rồi. Gớm, mọi bữa có nóng như hôm nay không hả mẹ? Bữa nay ăn cơm muộn. Chắc hơn một giờ chiều rồi!
Mẹ chàng nói:
– Ờ, khoảng đó.
Hai mẹ con im lặng. Chàng vừa ho vừa hút thuốc. Mẹ chàng nhìn quanh như định tìm cái lon nhổ bã trầu, rồi se sẽ bước ra sân. Chàng đoán thằng bé bỏ ngủ trưa sắp bị bà nội mắng cho một trận. Nhưng chờ mãi chàng không nghe thấy gì. Đứa con chàng mở cửa ngõ chạy đi đâu mất. Một lúc sau, có tiếng thằng bé nói lớn:
– Chưa tới hai giờ, bà nội.
Chàng giật mình hồi hộp. Theo thói quen từ hơn sáu năm về trước, chàng ngước lên nhìn chiếc đồng hồ Odo. Ở chỗ vách vẫn treo chiếc đồng hồ quả lắc có chuông báo giờ chỉ còn dấu vết một khoảng vôi mới hình tròn chập trên hình chữ nhật đứng. Chàng chợt hiểu vì sao con chàng phải chạy đi hỏi giờ hàng xóm. Hơi thuốc lá đắng chát trong cổ chàng. Cơn ho lại kéo đến, lần này dữ dội hơn lúc nãy. Nhưng mẹ chàng không vào trách móc con. Ngược lại, đằng sau bếp, dường như có tiếng trách mắng và tiếng phân bua. Lắng tai chăm chú hơn, chàng nghe em gái đang nói :
– …mẹ dặn nên con bỏ thư bảo đảm. Trong thành phố, nhất định phải tới tay rồi. Thư thường hai ngày. Thư bảo đảm có chậm cũng không thể quá một tuần. Không. Con nhớ rõ địa chỉ. Vả lại…
Em gái chàng phân bua đến đó rồi im. Chàng nghe mẹ chàng thảng thốt hỏi :
– Vả lại thế nào ? Hay mày có viết thêm cái gì trong thư, nó giận không tới ?
Em gái chàng đáp, giọng pha chút bực bội :
– Thì con đã đọc lại thư cho mẹ nghe trước khi ra bưu điện, mẹ không nhớ sao ? Vả1ại… vả lại… hôm qua con gặp chị ấy, con có nhắc…
Chàng đứng bật dậy lúc nào không hay. Có lẽ mẹ chàng cũng kinh ngạc như chàng. Mẹ chàng hỏi vội :
– Mày gặp nó ở đâu?
– Dạ ở trường thằng Vinh.
– Mày gây chuyện với nó phải không ? Nó đến đó làm gì ?
– Lúc con đến đón cháu thì đã thấy chị ấy đến trước rồi. Chị ấy bồng thằng Vinh từ trong sân trường đi ra. Con định đến nạt bảo thằng Vinh bước xuống đi, nhưng… nhưng thấy mắt chị ấy đỏ hoe, con không nói gì. Con chỉ nhắc buổi hẹn chiều nay.
Mẹ chàng hạ thấp giọng rất khó nghe, gần như thì thào :
– Nó… nó đến một mình hay với…với…
Em gái chàng đáp nhỏ :
– Không đi một mình. Cái thằng cô hồn lắm! Người với ngợm! Mặt mày đăm đăm. Chị ấy vừa ghé ngồi lên yên sau nó đã rú ga phóng đi, làm chị ấy suýt té. Thằng Vinh sợ quá kêu Má! Má!.
Chàng không thể chịu đựng thêm nữa. Chàng ngồi xuống ghế, đưa hai tay bịt tai lại. Tiếng lùng bùng âm u cùng với sức ép lên thái dương phần nào lấn át nỗi đau của chàng. Lúc tĩnh tâm trở lại, chàng nếm thấy vị nước mắt mằn mặn ở đầu lưỡi, và thằng Vinh con chàng đang kêu khóc : “Của Má cho Vinh mà! Trả lại đây. Trả lại đây!”.
Em gái chàng quát lớn :
– Từ đây về sau, cấm không được nhận gì của nó nghe chưa! Nó không xứng là má mày nữa! Không được kêu Má.
Con chàng nín khóc. Có lẽ nét mặt cô nó dữ dằn quá, thằng bé đâm sợ hãi. Lạ một điều là mẹ chàng không nói gì để an ủi cháu. Sau bếp hoàn toàn im lặng. Chàng lắng tai chờ. Chờ. Chờ. Chàng giật thót cả người khi có tiếng xe Honda ngừng nổ ngay trước cổng.
***
Đôi mắt mờ yếu sau sáu năm học tập cải tạo, cộng với nắng loá bên ngoài khiến chàng hoang mang không nhận ra ai. Nhíu mày nhìn kỹ hơn, chàng yên1òng, nhờ bám vào hai điều: thứ nhất, khách mới đến không phải đàn bà, và dù khuôn mặt khách có nhoè đi, chàng vẫn ghi nhận được vệt trắng của một hàm răng cười. Chàng nghĩ nhanh : “Nhất định không phải thằng đó rồi! Nó không dám cười với mình”.
Chàng nghe tiếng cười rổn rảng thật đặc biệt, mang máng nhớ giọng cười của một người bạn thân. Cùng lúc đó, khách hỏi lớn :
– Quên cả bạn bè sao cậu ?
Chàng không lầm được nữa. Đúng là Vui bạn chàng. Chàng mừng rỡ hơn cả nỗi mừng được gặp một người bạn cũ. Như vừa thoát khỏi một tai nạn chết người vào phút chót. Vui, bạn chàng cười hô hố, nhắc :
– Thì mở cửa cho người ta vào! Có phải công an khu vực đâu mà sợ!
Chàng rộn rã cả lòng, lật bật mở cánh cửa sắt mãi không được. Khi đứng qua một bên nhường chỗ cho bạn dắt xe vào sân, chàng hớn hở nói :
– Nghe giọng cười của cậu từ xa một cây số đã nhận ra cậu rồi. Nghe tin mình về hồi nào ? Ai cho biết? Cứ để đó, không cần khoá đâu !
Vui vẫn tiếp tục khoá xe bằng cái xích loại lớn, ngửng lên nói :
– Cậu chỉ cần nói một câu đó thôi, công an cũng đủ biết cậu là dân mới nhập cư trái phép. Ở đây lúc nào cũng phải kè kè theo bên mình một cái khoá. Bài học đầu tiên đấy !
Chàng mỉm cưởi không nói gì, quá quen thuộc với lối phóng đại khôi hài của người bạn cũ. Vui khoá xe xong, hỏi liền :
– Bà xã đâu rồi ?
Chàng giật mình, nhìn bạn ngờ vực. Chàng chuẩn bị để thủ thế. Nhưng hình như Vui chỉ hỏi để mà hỏi, nên không chờ chàng trả lời, bước trước một cách tự nhiên vào phòng khách. Gặp mẹ chàng, Vui liến thoắng ngay :
– Chào bác ạ ! Chắc bác không nhớ cháu ! Cháu là Vui, bạn học cùng lớp với Tịnh hồi còn ở Chu văn An. Một lần cháu có đến xin phép bác cho Tịnh đi học thêm toán, thực ra hai đứa hẹn ra nhà thờ Đức Bà ngắm các cô đi lễ. Bác thấy cháu hiền hậu ít nói, bác tin ngay. Bác còn nhớ không ?
Mẹ chàng biết ông khách chỉ muốn tếu cho vui, nên cười dễ dãi, đáp lại :
– Vâng, tôi nhớ.
Chàng vẫn khâm phục đức tính lạc quan và khả năng có thể biến mọi chỗ mình đến thành nơi ấm cúng, thân mật, cởi mở, ngay từ lúc ban đầu ngỡ ngàng của Vui. Ngồi chưa ấm ghế, Vui lại hỏi :
– Bà xã đâu ? Đem trình diện coi. Mày thật tệ. Cưới vợ mà không thèm gửi cho tao lấy tấm cạt báo hỉ. Hồi 74 tao ở Tổng tham mưu, mày hay về Sài gòn họp chẳng lẽ không nghe ai nhắc đến tên tao ?
Một lần nữa, chàng bỏ thế thủ. Lối chuyển sang xưng hô mày tao chứng tỏ vui hỏi thành thực, không có hậu ý. Chàng liếc nhìn mẹ trước khi đáp :
– Bà xã mình vừa đi đâu đó. Chắc ra chợ.
Vui cười lớn, hỏi liền :
– Lại chợ trời chứ gì ? Đúng là cái nghề thời đại. Hay nói theo cách bây giờ, cái nghề mang tính quần chúng. A ha! Đàn bà lăn lóc ở chợ trời, còn đàn ông thì lui cui nội trợ.
Mẹ chàng thấy vui, chen vào hỏi :
– Cậu có phải đi học tập không ?
– Thưa có chứ ạ.
– Về lúc nào ?
– Cháu may mắn hơn Tịnh. Về từ 78.
– Thế từ đó đến nay làm gì ? Có chỗ nào kiếm đủ tiền mua gạo, cậu rủ thằng Tịnh theo với !
Vui đáp liền :
– Thưa cũng có đấy. Chỉ sợ bác không thích thôi !
Mẹ chàng vui mừng hỏi :
– Nghề gì vậy ?
– Nghề chà đồ nhôm, bác ạ.
– Ờ ! Nghe nói hiện nay ngành làm đồ nhôm khá lắm. Cháu làm ở tổ hợp hay xí nghiệp quốc doanh ?
Vui cười lớn :
– Xin lỗi bác,cháu chỉ đùa thôi. “Chà đồ nhôm ” là “chôm đồ nhà ” . Nghề của cháu là mỗi sáng chờ vợ đi làm xong, đi ra đi vô tính lui tính tới xem nên lén vợ lấy thứ đồ đạc nào bán được giá, mau mắn, mà vợ không dễ nhận ra. Phải có tí tiền còm hút thuốc và uống tách cà phê dỏm chứ bác !
Cả nhà cùng cười. Mẹ chàng yên tâm, bỏ đi ra phía sau. Có lẽ bà nhận thấy khỏi cần phải ở lại để giúp chàng đương đầu với những nỗi khó khăn. Chỉ còn hai người trên phòng khách. Vui thôi đùa cợt, nhìn quanh phòng nói :
– Căn phòng này cũng mang tính thời đại. Trống trơn, đúng là chỗ dành cho những khách qua đường. Nơi tạm trú!
Chàng thấy đau nhói ở tim. Chàng trầm ngâm một lúc, rồi hỏi bạn :
– Hồi cậu về, việc xin giấy tờ có rắc rối như bây giờ không ?
– Giấy tờ gì ?
– Chắc vẫn bấy nhiêu giấy. Như đơn xin tạm trú.
– Tạm trú ở đâu? Hồi 78, tụi này có được về Sài gòn đâu!
– Thế cậu về chỗ nào ?
– Đi thẳng khu kinh tế mới.
– Cậu có đi không ?
– Cậu hỏi gì kỳ ! Người ta lũ lượt kéo nhau về nằm đầy trên sân ga, vỉa hè, mình điên hay sao mà lên.
– Cậu dám ở lì ở Sài gòn à ?
– Còn cách nào khác đâu ! Mình tự cấp giấy phép. Thuộc loại thường trú ? Không. Thuộc loại tạm trú ? Không. Mình thuộc loại đặc biệt: Loại tự trú. Bây giờ hình như khá hơn thì phải.
– Hình như thế. Đầu tiên cho tạm trú ba tháng để tìm việc làm ở ngoài thành phố. Phải làm đơn xin, nộp cho “cơ quan quản lý người đi học tập cải tạo về” ở đường Phan Thanh Giản. Đơn phải có chữ ký chấp thuận của chủ hộ. Thật oái oăm! Phải xin tạm trú ngay trong căn nhà của mình !
– Thế ai đứng tên chủ hộ?
Chàng do dự trước khi đáp :
– Vợ mình !
Vui tưởng chàng giả vờ do dự để khôi hài, phá lên cười :
– Vậy là phải xin phép bà xã cho tạm trú. Phái nữ lên chân quá lắm ! Chuyến cậu có ai quen được về cùng không ?
– Tất cả 78 người, ở rải rác từ Huế trở vào. Đến ga Bình Triệu chỉ còn 9 mạng. Toàn lạ cả. Có thằng Sửu không biết cậu có quen không ?
– Sửu nào ?
– Chắc cậu không biết đâu ! Bên hải quân. Chính nó hôm 2 tháng 5 còn lái tầu từ Singapore đem về nộp cho nhà nước. Tiếp đón linh đình lắm, sau đó…
Vui chợt nhớ, cắt lời chàng :
– À, nghe nói thằng Hiển Gà Tồ cùng học một chỗ với cậu, đã về chưa ?
Chàng ngửng lên nhìn bạn, hơi ngờ vực. “Vui chưa biết tin sao ?”. Chàng e dè trước khi hỏi :
– Cậu không biết gì à ?
– Chuyện gì thế ?
– Nó chết rồi !
– Thật sao ? Không nghe gia đình nó nói gì cả. Hôm kia còn gặp con em gái nó ra chợ Tân Định mua cốm dẹp, mì khô, thuốc lào… để gửi đồ thăm nuôi…
Chàng xác nhận ngay cho Vui khỏi dài dòng :
– Nó ở cùng chỗ với mình. Treo cổ tự vận cách đây một tháng.Vui kinh ngạc kêu lên :
– Việc gì phải thế ?
– Bạn bè cũng nghĩ vậy. Nhưng về sau thấy nó biến đổi khác thường. Nói xuống tinh thần thì không đúng hẳn, hình như đột nhiên nó tìm ra được một chân lý nào đó. Nó ăn, ngủ, nói, cười bình thường, tinh ý lắm mới thấy nó hay bàn về cách chết. Nó chê cách ngậm nòng súng lấy chân đạp cò của Hemingway là yếu. Nó cũng chê cách đứng lên chồng sách đưa đầu vào thòng lọng của Tam Ích là quá “sách vở”. Cả hai còn yếu đuối, sợ sệt, phải tự đặt mình trước sự đã rồi. Đạp vào cò súng hay đu người đẩy ngã chồng sách, chỉ cần tí xíu can đảm trong cái tích tắc. Anh em chán, chê nó lập dị. Không ngờ nó đang dự tính cách chết mạnh cho mình.
Vui hấp tấp hỏi :
– Nó chết cách nào ?
Chàng cố dằn xúc động bằng cách kể thật chậm :
– Nó chọn cách thắt cổ. Nó lén xé quần đùi bện thành dây thòng lọng. Cậu biết đấy, mái láng trong trại thấp lắm. Nó lại phải tự vận ở ngoài láng, nên cột được dây vào đầu kèo, nút thòng lọng thấp đến ngực là cùng. Thế mà nó vẫn tự vận được. Cậu thử tưởng tượng, muốn chết, nó phải dùng bao nhiêu sức mạnh ý chí để co hai chân lên ! Và làm sao sức mạnh ấy, ở chỗ giáp ranh sống chết, có thể thắng được phản xạ tự nhiên của bản năng sinh tồn .
Vui lặng người bần thần, một lúc lâu mới hỏi :
– Chắc họ chửi bới tùm lum ?
– Có, nhưng không nặng nề như các vụ đào thoát. Sau khi chôn Hiển, cả trại nặng trĩu như một nhà mồ. Không khí đột nhiên thê lương u ám hẳn, tuy khoảng đó trời rất đẹp. Ban giám thị cũng nhận ra điều khác thường , nên tập trung toàn trại thuyết cho một hồi. Vẫn bấy nhiêu. Hèn nhát. Trốn trách nhiệm. Kỳ cục nhất là cái tội “tự vẫn để trốn học tập cải tạo ” !
– Thật thế à ? Rồi tụi mình phản ứng ra sao ?
– Nghe đến câu “hèn nhát tự vẫn để trốn học tập cải tạo”, anh em cười ồ. Rừng dội tiếng cười vang xa, giữa đêm tối. Thật vừa bi tráng vừa khôi hài !
Vui lắc đầu, như không muốn dây dưa đến chuyện đau lòng.
Bạn chàng hỏi :
– Sao giọng cậu kể chán chường như của một người cùng cảnh ngộ ? Cậu có chuyện gì không vui? Ban đầu mới về, ai cũng thế. Ở trong đó, mình yên tâm hơn, thế mới ngược đời. Biết gia đình khổ, nhưng chữ KHỔ chung chung, trừu tượng. Về nhà, chữ KHỔ hiện ra cụ thể, chi li, ngay trong mắt vợ con, anh em… Mình cảm thấy hụt hẫng, hơi tiêng tiếc. Cảm thấy hoang mang không biết làm gì với cái tự do mình chờ đợi bao nhiêu năm. Có phải cậu đang ở trong tâm trạng đó không ?
Chàng cảm động, biết Vui có thiện chí an ủi chàng, đem những kinh nghiệm của ba năm được tự do trước chàng ra để ngừa giúp bạn những thất vọng, những tiếc nuối… Đi xa hơn, Vui còn muốn tìm cách hướng câu chuyện sang phía có tiếng cười. Vui nhìn quanh, tìm đề tài. Bắt gặp hình đôi chim vành khuyên rỉa lông cho nhau trên tấm sáo trúc ở cửa ngăn, Vui hớn hở nói :
– Hơn nữa vợ chồng có nhau thì mọi sự êm đẹp hết. Lấy kinh nghiệm vợ chồng mình, mình biết. Có thể nói là ba năm nay, tụi này rất hạnh phúc. Luật bù trừ chăng ? Có thể lắm ! Cậu còn có… nhưng ơ kìa, sao lâu quá bà xã cậu chưa về? Này, hình như cậu có khách thì phải! Hồi mình mới về cũng thế, khách khứa lu bù. Hình như bà ta muốn hỏi thăm gì đấy, vì lúc nãy thấy lấp ló một lúc, ngập ngừng định gõ cửa, rồi lại bỏ đi. Bây giờ bà ta trở lại. Thôi, cho mình về.
Chàng hốt hoảng kéo áo Vui:
– Không, cậu cứ ngồi chơi.
Chàng đoán không sai! Vợ chàng đã đến.
***
Chàng vét hết sức mạnh của ý chí, thu được có thể không thua sức mạnh co đôi chân lên ở biên giới sống chết của Hiển, để trấn tĩnh. Giờ phút nghiêm trọng đã đến ! Chàng nấn ná, không dám ra mở cửa. Em gái chàng, nặng nề, chặm rãi đi từ sau bếp ra cổng trước để mở cửa cho chị dâu.
Vợ chàng vào sân xong, em gái chàng dập thật mạnh cánh cổng sắt. Hình như vợ chàng có nói cảm ơn, nhưng chỉ có tiếng chân bước thình thịch của Bích ở hẻm phụ đáp lại. Không thể trốn tránh được nữa, chàng đứng dậy. Tiếng guốc ngập ngừng, rồi dừng lại ở cửa lớn. Chàng tiến thêm hai bước. Vợ chàng gầy ốm hơn chàng tưởng. Đôi vai so trong chiếc áo dài mầu hoa cà có in hoa trắng trang nhã, quà chàng tặng vợ sau một chuyến đi xa. Da mặt nàng tái xanh, hai bên má phơn phớt hồng. Vợ chàng có thói quen dùng sáp môi xoa một lớp mỏng lên hai bên má thay cho phấn, và ngay từ ban đầu, chàng nhận thấy nàng vẫn còn giữ thói quen cũ.
Có lẽ trước khi đến gặp chàng, nàng điểm trang vội nên một vệt son còn rõ ở má phía trái. Chàng chú ý nhất đến đôi mắt vợ. Đôi mắt hớt hải, ngượng ngùng, chới với, giống y đôi mắt Sonia trong tranh bìa cuốn tiểu thuyết Crime et Chatiment của nhà xuất bản Marabout nàng mua tặng chàng hồi còn học ở Văn khoa. Chàng cảm thấy thương hại, chứ không thù hận nàng, như chàng đã chuẩn bị để thù hận từ buổi sáng.
Vợ chàng dừng lại ở chỗ ngạch cửa, chờ chàng tiến đến. Chàng bước thêm hai bước nữa, chỉ còn cách nàng không đầy một thước. Nàng liếc nhanh nhìn chàng, rồi cúi xuống nhìn chiếc guốc phải đang di di trên nền xi măng loang lở, nói nhỏ trong hơi thở :
– Em xin đến thăm con !
Chàng xúc động đến ngộp thở. Bắt gặp cái nhìn đầy ngỡ ngàng tra hỏi của Vui, chàng vội nói :
– Em vào chào anh Vui đi ! Bạn cũ của anh hồi cùng học ở Chu văn An. Nhà tôi đấy, Vui ạ!
Vui reo lên mừng rỡ :
– Thế à! Té ra chị. Nãy giờ tôi cứ tưởng một cô dâu mới về nhà chồng. Chị tưởng tôi là công an khu vực đến “làm việc” với thằng Tịnh hay sao mà đi thẳng một lúc mới quay lại? Giá cả chợ búa hôm nay ra sao hở chị ?
Vợ chàng ngợ đi một lúc, nhưng ngay sau đó, hiểu rằng người bạn chưa biết cảnh ngộ éo le của hai người. Có thể trước lúc nàng đến, Tịnh đã phải nói dối nhiều điều về mình. Câu chuyện bịa đặt có liên quan đến chợ búa, giá cả. Nhanh trí, nàng lấy giọng tự nhiên đáp :
– Chán lắm, anh ạ. Giá cả cứ lên vùn vụt. Một nải chuối tuần trước 50 đồng, nay lên 80. Nghe nói xăng dầu khan hiếm không có xe chở về. Trên Long Khánh chuối để chín ối mà dưới này đắt như vàng .
Vui tự nhiên như chủ nhà, lên tiếng mời :
– Chị ngồi xuống đây đã. Không. Ngồi bên thằng Tịnh cho bõ những ngày xa cách. Gần hơn nữa. Đấy đấy. Được rồi! Chị có thấy nó được “cách mạng ” cưng chìu quá đáng không? Chỉ lo ăn rồi học tập, nó chậm hiểu, học mãi hơn sáu năm mới thuộc bài! Tệ quá!
Nàng bật cười, quên cả ngại ngùng. Mẹ chàng, có lẽ kinh ngạc vì sự vui nhộn không hợp cảnh, vén tấm sáo nhìn ra phòng khách. Vui không bỏ lỡ cơ hội, nói ngay :
– Cháu vừa bảo Tịnh học bài lâu thuộc quá, một bài ngắn học những hơn sáu năm. Về đây bù khú vợ con, sợ lại quên. Công an khu vực, công an quận, công an sở sẽ đến khảo bài đều đều. Phải thế không bác ?
Thêm một người nữa bị buộc phải đóng kịch! Mẹ chàng cười, hỏi nàng dâu :
– Con mua thứ đó có được không ?
Nàng lễ phép đáp :
– Thưa mẹ, họ đòi giá cao quá. Con hẹn chiều mới trả lời mình có lấy hay không.
Mẹ chàng trề môi :
– Hàng ôi hàng thôi mà cũng làm giá! Đã ngã giá rồi, hẹn hai giờ chiều tới lấy, bây giờ còn nói hàng hai.
Vừa lúc đó, con chàng chạy về. Nó trố mắt nhìn mẹ, rồi phóng đến ôm chầm lấy nàng. Giọng thằng bé thảng thốt :
– Má, má ! Má về luôn hở má ?
Mẹ chàng mắng át :
– Vinh, nhà có khách không được hỗn. Đã vòng tay thưa bác chưa ?
Thằng bé tuân theo lời bà nội như cái máy, rồi lại sà vào lòng mẹ. Nó hỏi dồn:
– Má ở với con luôn nha má ! Cô Bích lấy mất con khỉ nhựa má cho con rồi. Đòi lại cho con nha má !
Vui vuốt má con chàng, nhận xét:
– Cháu nó làm nũng với má quá nhỉ. Gớm, má mới đi một chút đã sướt mướt thế kia.
Chàng liếc nhìn mẹ, e ngại. Vợ chàng tận dụng cơ hội, ôm lấy con hôn lấy hôn để. Vừa hôn, nàng vừa khóc :
– Con tôi hư quá. Để mũi chảy thò lò thế này! Khăn của con đâu? Mất rồi à? Má sẽ mua cho con cái khác. Nhưng con phải nhớ lấy kim băng ghim vào ngực áo nghe chưa. Ừ, làm như lũ bạn con đó. Lúc cần, đưa lên lau mũi như thế này, tiện biết mấy. Chiều về đưa cho má, à quên, đưa cho nội hay cô Bích giặt giùm cho. Nào, hỉ mạnh đi, mạnh nữa. Đấy, được rồi, chùi nhẹ thôi, mạnh quá đỏ cả mũi.
Giọng mẹ chàng nghiêm khắc, dứt khoát hơn :
– Vinh, đứng dậy ra sau bếp rửa mặt mũi cho sạch đi. Đã bảo đứng dậy. Không được mếu! Con thả tay cho nó đi, cưng riết nó hư lắm. Nghe nội nói đây: Con rửa mặt sạch sẽ, rồi nói cô Bích đưa tiền qua bà Tám mua cho nội gói thuốc Hoa Mai. Nhớ thưa gửi đàng hoàng. Thưa bà Tám nhà con có khách, bà Tám bán cho nội con một bao Hoa Mai thứ thiệt.
Con chàng líu ríu vâng lời. Thằng bé đi rồi, vợ chàng chới với không biết phải làm gì, như vừa mất chỗ tựa cuối cùng khiến cuộc đời trở nên chênh vênh. Vui lại nhận xét :
– Trông chị khổ sở quá !
Mẹ chàng vội nói :
– Trời ơi, thật vô ý vô tứ quá chừng! Khách đến từ lâu mà thằng Tịnh không bảo đi pha nước.
Vui can :
– Bác cứ để cháu tự nhiên. Cháu không khát đâu.
Mẹ chàng không trả lời Vui, nghiêm mặt bảo vợ chàng :
– Con xuống xem nước đã sôi chưa. Lấy trà Tam Thai ở trong cái hộp thiếc vuông ấy.
Nàng hiểu ý mẹ chồng, đứng dậy đi xuống bếp. Tấm sáo kêu lách cách một lúc rồi im.
Vui bắt đầu cảm thấy có cái gì không được tự nhiên xảy ra trong gia đình này. Trong cách liếc dò chừng của Tịnh, cách săn đón thái quá hay cứng rắn thái quá của bà nội che giấu một điều bất thường. Vui cảm thấy thừa thãi. Bạn chàng đưa tay nhìn đồng hồ. Ba giờ kém năm. Đoán được ý Vui, chàng khẩn khoản :
– Hãy nán lại ít lâu nữa. Chờ uống nước đã.
Thấy bạn vẫn chưa lấy lại được vẻ thoải mái ban đầu, chàng cố tìm cách phân bua:
– Thằng bé được má nuông chìu, đâm ra yếu đuối. Kể cũng tội. Lúc mình đi trình diện, nó còn nằm trong bụng mẹ. Hôm mình về, nó không cho bồng. Nội đẩy mãi, ép phải hôn ba. Nó sợ hãi, mắt hớt hải như mình là ông kẹ không bằng. Nội khuyến khích “Ba con đấy. Hôn ba đi. Ngoan lên, ngoan nào!’. Nó tiến vài bước, lại dừng. Mình phải tiến gần hơn, ngồi xuống, giơ sẵn má để chờ. Cậu biết không, nó đến sát mình, run lẩy bẩy thật tội nghiệp. Và vào lúc bất ngờ nhất, nó tát cho mình một cái, rồi khóc oà. Dỗ thế nào cũng không nín, kêu mãi “Má ơi, má ơi !”.
Chàng bị chính lời chàng kể cuốn hút. Chàng xúc động, cảm thấy vừa thương hại mình, vừa ghen tức vợ. Khi nàng bưng khay nước trà bốc khói lên mời Vui:
– Anh xơi nước ạ.
rồi bưng tách nước thứ hai đến đưa cho chàng, chàng không đưa tay nhận.
Nàng yên lặng, kiên nhẫn chờ. Chàng ngước lên, và lần đầu tiên, thấy trong cách nàng mỉm cười, trong ánh nhìn mời mọc âu yếm, có cái gì đĩ thõa tráo trở. Lòng chàng sôi lên hận thù. Phải, nàng đã nhìn hắn hằng trăm lần, hằng nghìn lần một cách mơn trớn vuốt ve như thế, có thể còn mơn trớn vuốt ve hơn lúc này nữa. Bây giờ, chàng thấy lối trang điểm vội vàng qua loa là dấu hiệu sự chểnh mảng, xem thường. Đi với hắn, nàng có dám trang điểm cẩu thả thế đâu! Nàng còn cả gan mặc chiếc áo tím hoa cà ngày xưa ! Thêm thái độ tự tung tự tác của người chủ nhà nữa chứ! Không, nói đúng hơn là chủ hộ. Nàng nắm đằng cán. Nắm vận mệnh của đời ta. Không có chữ ký chấp thuận của nàng, chàng thành kẻ vô sở trú, không nhà cửa, không nghề nghiệp, lang thang đầu đường xó chợ. Càng nghĩ, hận thù càng dâng trào.
Bàn tay bưng tách nước của nàng bắt đầu run. Mọi người, kể cả Vui, đều chăm chú quan sát thái độ chàng. Đã đến giờ phút của sự thật. Chàng ngồi im không nhúc nhích. Vợ chàng mất kiên nhẫn, nhưng cố bình tĩnh đặt tách nước xuống bàn, ngay trước mặt chồng. Vui vội đứng dậy nói :
– Mình quên có cái hẹn lúc ba giờ. Bây giờ đã 3 giờ 15 rồi. Thôi xin phép bác cháu về. Hôm nào rảnh đến chơi, nhé Tịnh. Vẫn ở chỗ cũ. Xin phép chị.
Không ai lưu khách lại. Và khi cửa cổng khép, căn nhà chàng trở thành tầng đầu của địa ngục.
***
Chỉ còn hai vợ chồng ở căn trước. Bích đã dẫn cháu đi mua thuốc lá, và theo lời mẹ dặn, cố ý nấn ná đâu đó chờ chị dâu đi ra khỏi mới được trở về. Mẹ chàng lui ra sau bếp sau khi đặt trước mặt hai vợ chồng tờ đơn xin tạm trú viết sẵn và cây bút bi mở nắp. Cả hai hiểu ý nghĩa của hành động đơn giản ấy. Mẹ chàng muốn nói gọn : “Ký vào đây, rồi cút đi cho khuất mắt”.
Ban đầu, chàng cũng mong ước như mẹ, nhưng khi thấy vợ chàng nhìn theo mẹ chồng nước mắt doanh tròng, chàng bùi ngùi thương hại. Chàng không nỡ. Chàng biết đằng sau tấm sáo in hình đôi vành khuyên rỉa lông cho nhau, mẹ chàng không bỏ sót một lời thì thào, một cử chỉ nhỏ nhặt nào của hai người. Nhưng chàng không thể tàn nhẫn. Hận thù lại tan dần, thay thế bằng lòng thương hại. Chàng đẩy tách nước về phía vợ, mời nho nhỏ bằng câu hỏi :
– Em có khát không ?
Nàng ngước lên bỡ ngỡ, và khi nhận ra nét mặt dịu dàng của chàng, nàng vui mừng nói:
– Em không khát.
Nàng trầm thêm giọng :
– Em không dám oán trách ai cả. Em đáng kiếp. Anh hiểu cho em được chút nào, em cảm ơn anh chút ấy. Anh ghét bỏ, hay từ chối như lúc nãy, em cam chịu.
Nàng thút thít khóc. Chàng thấy khó xử, không biết phải làm gì. Nếu bình thường, chàng đã choàng tay ôm lấy vai nàng, ấp cái đầu nhỏ tóc thơm mùi chanh vào ngực và tìm ngay một câu khôi hài. Bây giờ thì… làm thế nào đây? Chàng đâm bực bội, giọng hỏi hơi xẳng:
– Nhưng tại sao các người lại giấu tôi cho tới phút chót? Làm như vậy có ích gì ? Thà cho tôi biết ngay từ hai năm trước, để hôm về, trời không đổ sập lên đầu tôi. Làm như vậy là lừa dối tôi tới hai lần. Phải thương hại tôi một chút chứ!
– Em có định tâm dối anh đâu!
– Thế sao mỗi lần gửi đồ thăm nuôi đều có thư của cô ?
– Em thương con quá. Xa con, em đứt cả ruột.
– Chuyện đó ăn nhập gì đến chuyện này? Nếu nghĩ đến con từ đầu, nếu thương con, cô đã… cô đã…
Chàng nghẹn lời, không dám nhắc đến điều đau lòng. Nàng cũng sợ, vội nói:
– Mẹ cấm em không được gặp con. Về sau, phải đi với cô Bích gửi quà ra cho anh, viết cho anh vài dòng, em mới được dẫn nó đi chơi sở thú vài giờ.
Chàng chua chát :
– Hoá ra những lời lẽ trong thư – tôi còn giữ đủ đem về đây – đều do mẹ tôi cưỡng ép cô viết cả. Tội nghiệp tôi cả tin.
– Không phải thế. Em muốn viết cho anh nhiều hơn, muốn anh mắng chửi em, chà đạp em…
– Không dám.
Nàng khựng lại, nhìn chàng dò dẫm. Thấy khuôn mặt chàng không có gì khác thường, nàng tiếp :
– Em van anh, cho em được đến đây thăm con. Cho em…
Chàng cắt lời nàng :
– Chỉ sợ đến một lúc nó không chịu gặp cô nữa thôi!
Nàng lịm người vì sợ hãi bất chợt. Lần đầu tiên nàng nghĩ đến cảnh huống đau xót ấy. Tưởng nàng không tin vì quá tự tín, chàng nói dỗi :
– Vả lại, cần gì cô phải xin. Cô là chủ hộ. Cô muốn làm gì trong nhà này chẳng được.
Nàng mím môi lại. Không nói năng, nàng chụp lấy cây bút bi, ký vào phần ý kiến của chủ hộ. Cây bút bi để lâu ngày không ra mực, nàng phải di di đầu bút lên lòng bàn tay nhiều lần. Chữ ký của nàng run rẩy. Nét gạch bên dưới không được ngay, trông giống như một chữ ký giả mạo.
Chàng lấy giọng khách sáo :
– Nhờ cô mà tôi được tạm trú trong nhà mình. Cảm ơn cô.
Phần nàng, nàng trở lại van lơn :
– Em van anh, cho em được ở tạm đây với con đến sáng mai. Em ao ước được ôm con ngủ trọn một đêm. Em van anh!
Giọng nàng rạn đi, pha lẫn nước mắt. Chàng cảm động, nhưng vẫn cố cứng cỏi :
– Tại sao lại xin tôi? Xin một người tạm trú để được tạm trú? Có ai xin phép một khách qua đường để ngủ tạm trong cái quán trọ?
Nàng tưởng đó là lời từ chối khéo léo nhưng dứt khoát. Nàng khóc nức nở. Chàng đâm hối hận, muốn ôm lấy vai nàng, muốn nói điều gì đấy để an ủi. Nhưng cổ họng chàng nghẹn. Rụt rè do dự mãi, đến lúc không thể dằn được, chàng run run đưa lưng bàn tay lên gạt nước mắt trên má nàng. Ban đầu, hình như nàng chìm đắm trong nỗi thống khổ da diết, không hay biết gì. Về sau, nàng hiểu thiện chí của chàng. Nàng càng nghẹn ngào hơn, đưa hai bàn tay ôm bàn tay chàng, gượng nhẹ, như e sợ nắm phải một điều gì không thực.
Có tiếng tằng hắng đằng sau tấm sáo. Rồi tiếng trúc va vào nhau lách cách. Mẹ chàng ngơ ngác nhìn hai người. Tấm sáo trúc bị rẽ đôi, đôi vành khuyên đang rỉa lông cho nhau xao động biến dạng không còn hình thù gì nữa…

Nguyễn Mộng Giác