nguyên tác: amundsen (*)
tác giả: Alice Munro
người dịch: Nguyễn Đức Tùng
Tôi ngồi chờ trên băng ghế phía
ngoài nhà ga. Cửa nhà ga mở mỗi khi tàu điện đến, nhưng nay đang đóng lại. Một
người đàn bà ngồi đầu kia ghế, giữa hai đầu gối giữ một cái túi có dây cột, đầy
những gói nhỏ bằng giấy cũ loang loáng mỡ. Thịt – thịt sống. Bạn có thể ngửi
được mùi ấy.
Bên kia đường tàu là chiếc tàu
điện, không khách, đứng chờ.
Không một hành khách nào tới cả, sau
một lúc người trưởng ga thò đầu ra ngoài gọi to “San.” (1) Mới đầu tôi tưởng
ông ta gọi người nào đó tên Sam. Một người đàn ông mặc đồng phục đi tới, vòng
quanh góc tòa nhà. Anh ta băng qua đường xe lửa, lên toa tàu điện. Người đàn bà
với gói giấy đi theo anh ta, tôi cũng làm thế. Có tiếng la gọi từ hai bên đường
và cánh cửa lem luốc của tòa nhà mái bằng bật mở, một vài người đàn ông chạy
ra, đầu đội mũ, xách những cái lon bới thức ăn trưa va đập vào đùi. Nghe tiếng
lao xao cứ tưởng tàu sắp chạy ngay trong vài phút. Nhưng khi họ đã ngồi an vị,
chẳng có gì xảy ra cả. Chiếc tàu điện vẫn đứng yên khi họ đếm số người, xem thử
có ai đó không kịp lên xe, và bảo người tài xế đừng chạy vội. Thế là có người
nhớ lại đó là ngày nghỉ của một người kia, nay không có mặt. Chiếc xe điện bắt
đầu chạy, mặc dù bạn không biết tài xế có nghe họ nói gì không, hay có thèm để
ý không.
Tất cả bọn đàn ông đều xuống tàu ở
chỗ nhà máy cưa gỗ, gần bên bụi rậm – không quá mười phút đi bộ - ngay sau khi
cái hồ hiện ra trước mặt, đầy tuyết phủ. Một dãy nhà bằng gỗ trắng dài phía
trước. Người đàn bà cặm cụi sửa lại túi đựng thịt sống, đứng lên, và tôi đi
theo bà. Người tài xế gọi lần nữa, “San,” những cánh cửa mở ra. Vài người đàn
bà đang đứng phía dưới, chờ lên tàu. Họ chào người đàn bà có gói thịt trên tay,
cô ta bảo họ đó là một ngày ăn thịt sống.
Mọi người tránh nhìn vào mặt
tôi, khi tôi bước xuống sau lưng người đàn bà.
Không ai chờ nữa ở trạm xe
này. Những cánh cửa đóng sập, chiếc tàu điện quay lại đường cũ.
Kế đó là im lặng, bầu không khí lạnh
như nước đá. Những cây bạch dương mỏng mảnh với những vết đen ở trên cành màu
trắng, những bụi cây thường xuân mọc rời rạc như bầy gấu đang ngủ đông. Mặt hồ
băng giá không dâng lên cao mà chỉ vươn xa vào bờ, như thể những làn sóng đã
thành băng trong khi chưa kịp kéo xuống. Và toà nhà phía sau với những cánh cửa
sổ và những cầu làm bằng kính ở cuối đường. Mọi thứ đều xinh đẹp và có dáng vẻ
miền Bắc, đen và trắng ở dưới những vòm mây trời cao vòi vọi.
Nhưng vỏ cây bạch dương không trắng
như bạn tưởng, khi tới gần. Vàng hơi xanh, xanh hơi xám, xám.
Mọi vật yên tĩnh, đứng yên lớn rộng
như khúc nhạc du dương.
“Cô bạn đi đâu?” người đàn bà xách
túi thịt gọi với về phía tôi. “Giờ đến thăm bệnh đã qua lúc ba giờ.”
“Tôi không phải là khách đến thăm,”
tôi nói. “Tôi là cô giáo.”
“Họ không cho cô vào cửa chính, dù
thế nào đi nữa,” người đàn bà nói với vẻ hài lòng. “Cô nên đi theo tôi. Không
mang cả vali à?”
“Người trưởng ga nói rằng anh ta sẽ
mang tới sau.”
“Cô đứng đó nhìn có vẻ như lạc
đường.”
Tôi nói rằng tôi đứng đó vì thấy
cảnh quá đẹp.
“Một vài người cũng nghĩ thế. Nhưng
họ sẽ đổi ý nếu mắc bệnh hoặc quá sức bận rộn.”
Không ai nói gì nữa cho đến khi
chúng tôi bước vào căn bếp ở cuối toà nhà. Tôi bắt đầu thấy lạnh và cần sưởi
ấm. Tôi không có dịp nào để nhìn quanh cả vì đôi ủng của tôi bắt đầu sinh
chuyện.
“Cô nên cởi mấy đôi ủng này ra trước
khi chúng tạo ra vết bẩn trên sàn nhà.”
Tôi loay hoay tháo chúng ra – không
có ghế để ngồi – đặt chúng lên tấm thảm nhỏ nơi người đàn bà cũng để những đôi
ủng của mình.
“Cầm chúng lên và mang theo người,
vì tôi không biết người ta sẽ sắp xếp cô ở đâu, cô nên mang theo áo choàng vì
không có lò sưởi ấm ở phòng giữ mũ áo.”
Không có lò sưởi, không có ánh sáng,
trừ ánh sáng chiếu ra từ một cửa sổ nhỏ cao quãng tầm tay với. Giống như bị
trừng phạt ở nhà trường. Gởi - đến - phòng - giữ - mũ - áo. Đúng vậy. Giống hệt
mùi của áo quần mùa đông không bao giờ được phơi khô, của những đôi ủng ướt đẫm
vì những đôi vớ bẩn, những bàn chân không rửa.
Tôi trèo lên một cái băng ghế nhưng
vẫn không thấy rõ bên ngoài. Trên những kệ gỗ nơi khăn quàng và mũ được ném lên
tôi tìm thấy một cái túi với những trái vả và trái chà là. Một kẻ nào đó đã ăn
cắp mấy thứ này và giấu chúng ở đây trước khi mang về nhà. Bỗng tôi thấy đói.
Chưa ăn gì cả từ sáng, trừ một cái bánh kẹp pho mát. Tôi ngần ngại, suy nghĩ về
việc ăn trộm một vật của một kẻ trộm. Nhưng rồi những trái vả ngọt kia làm tôi
chạnh lòng, phản bội lại nguyên tắc của mình.
Tôi leo xuống vừa đúng lúc, một
người nào đó đang bước vào phòng. Không phải người giúp việc nhà bếp nhưng là
một cô bé học sinh với một cái khăn lông mùa đông dày cộp, khăng quàng trùm lên
tóc. Cô bé bước vào rất vội, ném sách vở lên băng ghế khiến chúng rơi tung tóe
lên sàn, chiếc khăn quàng quấn lung tung mấy lọn tóc, và cùng lúc đôi ủng đá
vào nhau bật ra lăn lông lốc trên sàn nhà. Rõ ràng là không có ai coi chừng con
bé, bảo nó phải đặt giày ủng ở ngay cửa.
“Này tôi không cố ý tông vào cô đâu
nhé,” con bé nói. “Ở đây tối quá, không biết đang làm cái gì. Cô có lạnh không?
Đứng đây chờ ai vậy?”
“Tôi chờ bác sĩ Fox.”
“Thế thì không phải chờ lâu đâu, tôi
mới đi phố về với ông ấy. Cô không bị bệnh chứ? Nếu bị bệnh thì cô không đến
đây được, phải chờ ông ta ở trong phố.”
“Tôi là cô giáo.”
“Thế à? Có phải cô đến từ Toronto?”
“Vâng.”
Dừng lại một lát, có lẽ là sự kính
trọng.
Nhưng không, đang ngắm nghía cái áo
choàng của tôi.
“Đẹp quá. Trên cổ áo là lông con gì
thế?”
“Cừu Ba Tư. Thật ra đây là thứ giả
lông thú.”
“Lầm chết. Em không biết tại sao
người ta để cô đứng đây, lạnh run cả người. Xin lỗi. Cô muốn gặp bác sĩ em có
thể chỉ cho. Em biết mọi nơi mọi góc, em sống ở đây từ hồi mới sinh. Mẹ em quản
lý nhà bếp. Tên em là Mary. Tên cô là gì?”
“Vivi. Vivien.”
“Nếu cô là cô giáo thì có chữ cô ở
đằng trước chứ. Cô gì?”
“Cô giáo Hyde.”
“Hãy phát mông một cái, nó nói (2). “Xin
lỗi, em chợt nghĩ ra thế. Em thích cô là cô giáo của mình nhưng em phải đi học
trong thành phố. Đó là một quy định xuẩn ngốc. Bởi vì em không bị bệnh lao
phổi.”
Trong khi trò chuyện con bé kéo tôi
đi xuyên qua cánh cửa ở cuối phòng mũ áo, rồi đi dọc hành lang của bệnh viện.
Vải bạt phủ bóng. Sơn xanh buồn tẻ, mùi thuốc sát trùng.
“Bây giờ cô ở đây rồi thì Reddy sẽ
cho phép em chuyển đổi.”
“Reddy là ai vậy?”
“Reddy Fox. Từ một cuốn sách. Em và
Anabel bắt đầu gọi ông bác sĩ như thế.”
“Thế Anabel là ai?”
“Không ai biết đâu. Con bé chết
rồi.”
“Ồ, cô xin lỗi.”
“Không phải lỗi của cô. Chuyện ấy
xảy ra quanh đây. Em đang học trung học năm nay. Anabel chưa bao giờ tới trường
cả. Khi em đi học ở trường công lập Reddy khiến cho cô giáo cho phép em ở nhà
rất nhiều lần, nhờ thế em làm quen với nó.”
Cô bé dừng lại trước một cánh cửa mở
hé và thổi sáo.
“Ê. Em mang cô giáo lại đây.”
Giọng một người đàn ông vang lên,
“Được rồi Mary. Một ngày vậy là đủ rồi.”
“Ok. Em đã nghe.”
Nó nhảy lò cò ra khỏi phòng và để
tôi đứng đối diện với một người đàn ông tầm thước trung bình, mái tóc đỏ cắt
rất ngắn và chiếu lấp lánh trong ánh sáng nhân tạo từ hành lang.
“Thế là cô đã gặp Mary,” ông ta bảo.
“Con bé có nhiều chuyện để nói về nó đấy. Nó không học lớp cô nên chuyện ấy sẽ
không xảy ra mỗi ngày. Mọi người hoặc là thích nó hoặc là không.”
Ông ta xuất hiện như một người lớn
hơn mười đến mười lăm tuổi và thoạt đầu cũng nói chuyện với tôi theo kiểu của
một người lớn. Một ông chủ tương lai bận rộn. Ông ta hỏi tôi về chuyến đi, chỗ
để vali của tôi. Ông ta muốn biết làm sao tôi có thể sống trong rừng sau khi đã
sống ở Toronto. Liệu ở đây một thời gian có chán không.
Không phải là nơi đáng chán nhất,
tôi nói thế, và thêm quang cảnh ở đây cũng đẹp.
“Nó giống như – nó giống như là
trong một tiểu thuyết Nga.”
Ông ta nhìn tôi chăm chú lần đầu
tiên.
“Vậy hả? Cô nói cuốn tiểu thuyết Nga
nào?”
Đôi mắt ông ta xanh trong, sáng.
Lông mày nhướn lên một bên, như một cái mũ nhọn be bé.
Không phải là tôi chưa từng đọc tiểu
thuyết Nga. Tôi đã đọc một vài, đọc hết hoặc đọc giữa chừng. Nhưng bởi vì hàng
lông mày của ông ta, cách biểu lộ tuy lý thú nhưng có phần thử thách, làm tôi
chẳng còn nhớ cái nhan đề truyện nào cả ngoài Chiến Tranh và Hòa Bình.
Tôi không muốn nói cái tên ấy vì có vẻ như ai cũng nhớ được thế.
“Chiến Tranh và Hòa Bình.”
“Ồ, vậy thì chỉ có hòa bình ở đây
thôi. Tôi có thể nói thế. Nhưng nếu cô muốn chiến tranh tôi đề nghị cô có thể
tham gia vào một trong những cuộc diễn tập của phụ nữ và có dịp đi đây đó ra
nước ngoài.”
Tôi tức giận và cảm thấy bị tổn
thương vì tôi không hề có ý khoe khoang. Hoặc không chỉ khoe khoang mà thôi.
Tôi muốn nói là khung cảnh xinh đẹp đã ảnh hưởng đến tôi ra sao.
Ông ta rõ ràng là một loại người có
thể đặt những câu hỏi hất cho người ta rơi xuống.
“Tôi tưởng là mình sẽ đón một cô
giáo già vừa thoát được công việc khó khăn,” ông ta nói, hơi có vẻ xin lỗi.
“Như thể bất cứ người nào hơi đứng tuổi và có trình độ có thể đi làm việc trở
lại trong thời buổi này. Cô không phải đi học để làm cô giáo, đúng thế không? Ý
tôi hỏi là cô tính làm gì sau khi học xong cử nhân?”
“Tôi muốn học lên thạc sĩ.” Tôi trả
lời ngắn.
“Vậy thì cái gì đã làm cô đổi ý?”
“Tôi nghĩ tôi cần một ít tiền.”
“Rất đúng. Mặc dù tôi e rằng cô cũng
chẳng kiếm được nhiều tiền ở đây đâu. Xin lỗi vì tôi hơi tọc mạch. Tôi chỉ muốn
biết chắc là cô sẽ không bất ngờ bỏ đi khiến chúng tôi lại phải lao đao. Chưa
tính lập gia đình chứ?”
“Không.”
“Được rồi. Cô được tự do. Tôi không
làm cô chán nản chứ, có đến nỗi thế không?”
Tôi quay đầu đi.
“Không.”
“Đi dọc xuống hành lang tới chỗ văn
phòng của Matron và cô ta sẽ nói thêm với cô nhiều việc cần biết. Cô sẽ dùng
bữa với các cô y tá. Cô ấy sẽ chỉ chỗ ngủ cho cô. Đừng để bị cảm lạnh. Tôi
không nghĩ là cô có kinh nghiệm gì về bệnh lao phổi?”
“Ồ tôi có đọc qua - ”
“Tôi biết. Tôi biết. Chắc là cô đã
đọc Ngọn Núi Thiêng.”
Một cái bẫy giăng ra nữa nhưng rồi
ông ta thu lại. “Mọi việc đã khá lên, tôi hy vọng thế. Đây, tôi có viết một số
bài về trẻ con ở nơi đây và về những điều tôi nghĩ là cô có thể muốn làm với
chúng. Đôi khi tôi cảm thấy tốt nhất là thể hiện ý tưởng của mình bằng cách
viết ra. Matron sẽ nói cho cô nghe những sự thật khó chịu khác.”
Tôi ở đó chưa đến một tuần trước khi
tất cả những sự kiện của ngày đầu tiên trở nên kỳ lạ và khó tin. Căn bếp, phòng
để mũ áo của bếp nơi những công nhân treo áo quần và giấu những đồ ăn cắp, là
cái phòng mà tôi không gặp lại nữa và chắc sẽ không có dịp gặp lại. Văn phòng
của bác sĩ cũng vậy, không có ai tới, phòng của Matron là nơi thích hợp cho mọi
người tới đó thắc mắc, than phiền và cho những thu xếp công việc thường ngày.
Matron là một người đàn bà lùn, mập, mặt đỏ bừng, mang kính không có gọng, thở
nặng nhọc, bất cứ chuyện gì mà bạn hỏi cũng làm cô ta ngạc nhiên và gây ra
những việc khó khăn, nhưng rồi cuối cùng cũng được thu xếp hay được mang lại.
Đôi khi cô ta dùng bữa ở phòng ăn của y tá, ăn một cái bánh kem ngọt có mùi
thơm, tráng một lớp màu. Nhưng hầu hết cô ta chỉ ngồi ở khu vực của mình.
Bên cạnh Matron còn có ba người nữ y
tá, nhưng không ai ở lứa tuổi ba mươi như tôi cả. Họ đã về hưu nhưng vẫn tới
đây làm việc, thực hiện bổn phận trong thời chiến. Rồi có những người hộ lý,
vào cỡ tuổi của tôi hay trẻ hơn, hầu hết đều đã có gia đình hay hứa hôn hay sắp
hứa hôn, đa số có chồng hoặc hôn phu đi lính. Lúc nào họ cũng trò chuyện, nếu
Matron và y tá không có mặt ở đó. Họ không hề để ý đến tôi. Họ chẳng cần biết
Toronto là thành phố thế nào, mặc dù có một số người biết người quen của họ tới
đó để hưởng tuần trăng mật, và họ cũng không quan tâm đến việc dạy học của tôi
hay tôi đã làm gì trước khi đến nhận nhiệm sở ở khu điều dưỡng này. Không phải
vì họ là những người thô lỗ - họ chuyển cho tôi dĩa bơ (được gọi là bơ nhưng
thực ra là một loại dầu thực vật màu vàng, được nhuộm màu ở trong nhà bếp như
là phương pháp hợp pháp thời đó) và họ cũng nhắc nhở tôi rằng cái bánh hạnh
nhân có thể có thịt nhím ở trong ấy. Chẳng qua là vì những việc xảy ra ở những
nơi chốn mà họ không biết, những người mà họ không hay, hay ở những thời gian
mà họ không có mối quan tâm nào cả. Điều đó làm họ bối rối, bực mình. Họ tắt
máy thu thanh mỗi khi gặp chương trình tin tức và chỉ nghe ca nhạc mà thôi.
“Nhảy múa với một con búp bê xinh
đẹp mang vớ có lỗ thủng…”
Cả y tá lẫn những người hộ lý đều
không thích đài phát thanh CBC là chương trình phát thanh mà từ nhỏ đến lớn tôi
vẫn tin tưởng là mang lại nền văn hóa cho những vùng đất sâu hẻo lánh. Họ có vẻ
rất ngưỡng mộ bác sĩ Fox một phần vì ông ta đọc nhiều sách vở.
Họ cũng nói rằng chẳng có người nào
như ông ta có thể lột trần tất cả nếu ông ta muốn.
Tôi không thể hình dung được làm sao
họ lại có được mối liên hệ giữa việc đọc sách vở và việc lột quần áo ra.
Những khái niệm về giáo dục căn bản
không áp dụng được ở đây. Một số đứa trẻ con này sẽ trở lại thế giới với hệ
thống chung nhưng một số sẽ không bao giờ. Tốt nhất là đừng phải lo lắng nhiều
quá. Đó là một chuyện vớ vẩn thử nghiệm ghi nhớ và phân loại.
Hãy quên đi mọi thứ lý thuyết về
trường học. Những người cần học từ chúng sẽ bắt kịp sau này hoặc chúng chẳng
cần học hành chi. Thật ra đó là những kỹ năng vô cùng đơn giản, các yếu tố thực
tế này nọ, vân vân, cần thiết để vào đời. Thế những đứa trẻ thiên tài thì sao?
Chữ đó chẳng có nghĩa gì nếu chúng là những đứa thông minh dựa theo phương pháp
giáo dục còn nhiều hồ nghi thì chúng tất sẽ bắt kịp.
Hãy quên đi những con sông ở Nam Mỹ,
hãy quên Magna Carta.
Những truyện kể có âm nhạc và hình
vẽ được người ta thích thú hơn.
Các trò chơi cũng thích hợp nhưng
hãy để ý cẩn thận đừng để bọn trẻ quá sức hào hứng hay tranh đua quyết liệt
quá.
Hãy cố gắng tạo sự cân bằng giữa một
bên là quá lo âu và một bên là chán chường. Sự chán chường đưa đến bệnh tật.
Nếu Matron không thể giúp bạn một
việc gì đó thì người quét dọn vệ sinh có thể sẽ giúp bạn được.
Thượng lộ bình an.
Số học sinh hiện diện thay đổi mỗi
ngày. Mười lăm đứa, có khi rơi rụng còn sáu bảy đứa. Chỉ học buổi sáng từ chín
giờ đến trưa, kể cả giờ nghỉ ra chơi. Trẻ con không được tới trường nếu chúng
bị sốt hoặc đang trong quá trình xét nghiệm. Nếu có mặt chúng sẽ im lặng và dễ
bảo, nhưng không tỏ ra hào hứng về chuyện gì. Chúng biết ngay rằng đây là một
hình thức nhà trường giả tạo nơi chúng chẳng phải học hành vất vả theo những
tiêu chuẩn nghiêm khắc vì không phải bám theo chương trình học và không phải
học thuộc bài. Niềm tự do này không làm chúng sỗ sàng hay chán nản gì, chỉ là
khiến chúng trở nên dễ bảo và lơ tơ mơ. Bọn học sinh hát theo vòng ngân nga.
Chúng chơi những trò chơi của học sinh. Có một cái bóng của sự thua cuộc, chịu
trận, lơ lửng trong những lớp học ngẫu hứng.
Tôi quyết định nghe theo lời khuyên
của ông bác sĩ, hoặc là một vài lời khuyên. Chẳng hạn lúc ông ta nói về sự chán
chường như một kẻ thù của bạn.
Trong căn phòng nhỏ của người dọn vệ
sinh tôi thấy quả địa cầu. Tôi đề nghị đem nó tới. Tôi bắt đầu giảng bài về địa
lý căn bản. Năm châu, bốn biển, khí hậu. Sao không nói luôn về gió và các dòng
hải lưu? Các quốc gia và các thành phố? Các đường hạ chí tuyến và đông chí
tuyến của đường xích đạo? Thế rồi các con sông của Nam Mỹ nữa?
Một số trẻ con đã từng học qua,
nhưng chúng gần như quên cả. Thế giới phía sau mặt hồ và khu rừng đã bị quên đi
mất. Tôi nghĩ là chúng vui vẻ trở lại, như thể bắt tay làm bạn với nhau lần
nữa, với những gì chúng đã từng trải qua. Tôi không ném tất cả kiến thức vào
chúng một lần, tất nhiên và tôi phải đi từng bước từ dễ đến khó, nhất là với
những đứa chưa từng học những thứ này trước khi chúng không chịu nổi.
Mọi thứ có vẻ tốt ra. Có thể là một
trò chơi. Tôi chia học sinh ra từng đội, bắt chúng trả lời lớn tiếng khi tôi
chỉ chỗ này chỗ kia với một cái thước kẻ. Tôi cẩn thận không để cho sự hào hứng
của bọn trẻ trở nên quá lâu. Nhưng một ngày kia ông bác sĩ đi tới, vừa mới từ
một cuộc mổ ra, và tôi bị bắt gặp. Tôi không thể nào dừng lại trò chơi hào
hứng, nhưng tôi kiềm chế cuộc ganh đua. Ông ta ngồi xuống vẻ hơi mệt mỏi, trầm
lặng. Ông bác sĩ không hề phản đối. Một lúc sau ông ta bắt đầu tham gia vào trò
chơi, nói to những câu trả lời kỳ quặc, những cái tên không phải vì nhầm lẫn
nhưng do tưởng tượng. Rồi ông để cho giọng nói của mình trầm xống nhỏ lại, nhỏ
đi, nhỏ dần, mới đầu như một tiếng lầm bầm, rồi như một tiếng nói thầm, cho đến
một lúc không còn ai nghe được gì nữa. Không nghe gì cả. Bằng cách này với vẻ
quái gở, ông ta điều khiển cả căn phòng. Cả lớp học bỗng nhiên bắt chước ông ta
nói thì thào, lầm bầm, mắt chúng nhìn chằm chặp lên môi của ông bác sĩ.
Bỗng nhiên ông ta gào một tiếng làm
cho bọn trẻ cười ngả nghiêng.
“Tạo sao mọi người cứ nhìn tôi thế?
Cô giáo có dạy các cháu làm thế không? Nhìn chằm chặp vào một người không hề
làm phiền ai cả?”
Hầu hết bọn trẻ đều cười phá lên,
nhưng một số mải mê nhìn ông ta. Bọn chúng thích những trò hề vui vẻ hơn nữa.
“Tiếp tục đi. Chạy ra đây và làm trò
phá phách ở một nơi vào đó.”
Ông ta xin lỗi tôi vì đã chen ngang
vào lớp học. Tôi bắt đầu giải thích cho ông những lý do vì sao tôi phải làm cho
nó giống như một trường học thật.
“Mặc dù tôi đồng ý với bác sĩ về các
xúc cảm lo âu-” Tôi bắt đầu nói hào hứng. “Tôi đồng ý với bác sĩ về những điều
ông viết trong bản hướng dẫn. Tôi chỉ nghĩ rằng - ”
“Bản hướng dẫn nào? Ồ, đó là những
thứ lặt vặt hiện lên trong đầu tôi. Tôi không hề có ý tạc nó vào đá đâu.”
“Tôi muốn nói rằng trong chừng mực
mà chúng không quá bị bệnh-”
“Tôi tin là cô giáo đúng, tôi không
nghĩ là chuyện đó có vấn đề gì.”
“Nếu không chúng sẽ ngồi im như
tượng.”
“Không cần phải viết một bài hát hay
nhảy múa với điều đó đâu,” ông bác sỹ bảo và bỏ đi.
Rồi bỗng quay lại xin lỗi gần như
nửa giả dối nửa chân thành.
“Chúng ta sẽ nói về chuyện ấy một
hôm nào.”
Một hôm nào, tôi nghĩ, tức là không
bao giờ. Ông ta rõ ràng là nghĩ tôi như một kẻ làm phiền và như một con mụ
điên.
Vào buổi ăn trưa hôm đó từ những
người phụ tá, tôi được biết rằng có một người bệnh đã chết trong phòng mổ. Và
nỗi tức giận của tôi có vẻ không hợp lý lắm và vì vậy tôi thấy mình đúng là hơi
điên.
Tất cả những buổi chiều tôi đều tự
do rảnh rỗi. Mắt tôi nhíu lại buồn ngủ và tôi cũng muốn thế. Phòng ở lạnh – tất
cả những phòng của tòa nhà đều lạnh, lạnh hơn nhiều so với căn chung cư ở đại
lộ, nơi ông bà của tôi giữ hệ thống sưởi ấm ở mức thấp nhất, để tiết kiệm trong
thời kỳ đất nước chiến tranh. Và chăn mền thì mỏng – chắc là những người bị
bệnh lao phổi cần thứ gì thoải mái hơn chăng.
Tất nhiên tôi không bị bệnh lao. Có
thể là người ta keo kiệt hay hà tiện đối với những người như tôi.
Tôi thấy chóng mặt nhưng không ngủ
được. Trên đầu có một vài miếng giấy quay vòng để mở thông hơi vào buổi chiều
giá lạnh.
Tòa nhà, cây cối, mặt hồ, không bao
giờ trở lại như ngày đầu tôi mới đến đây, khi tôi ngẩn người vì sức mạnh và sự
thần bí của nó. Vào ngày hôm đó tôi tin rằng tôi là một kẻ vô hình. Dường như
điều này về sau không bao giờ có thật.
Đây là một cô giáo. Cô ta làm gì ở
đó?
Cô ta đứng nhìn mặt hồ.
Để làm gì kia chứ?
Thì đâu có chuyện gì mà làm.
Chà, có người rảnh rỗi quá nhỉ.
Đôi khi tôi bỏ bữa ăn trưa, mặc dù
đó là một phần của tiền lương của tôi. Tôi tới Amundsen nơi tôi có thể ăn trưa
trong một quán cà phê. Cà phê thuộc loại Pustom, một cái bánh mì sandwich cá
hồi, nếu họ có. Một dĩa xà lách với thịt gà trông ngon lành có cả da và sụn. Dù
sao tôi cũng thấy dễ chịu hơn nhiều ở đó. Vì chẳng ai biết tôi là ai.
Nhưng hình như tôi đã nhầm.
Quán cà phê không có phòng vệ sinh
phụ nữ, vì vậy bạn phải tới khách sạn kế bên, đi qua một lần cửa mở của tiệm
bia, lúc nào cũng tối và ồn ào và bốc mùi bia và rượu whisky, nồng nặc khói
thuốc lá và khói xì gà làm bạn muốn xỉu. Mặc dù vậy tôi vẫn cảm thấy thỏa mái ở
đó. Những người thợ cưa, từ nhà máy xẻ gỗ, không bao giờ cười rú lên khi thấy
phụ nữ, như cái cách mà những người lính bộ binh và không quân ở Toronto đã làm
với tôi. Họ ngụp lặn trong thế giới đàn ông với những câu chuyện ồn ào của
mình, không phải tới đây để tìm phụ nữ. Có thể họ thích được một mình ra khỏi
những mối quan hệ nào đó.
Văn phòng của ông bác sĩ ở trên
đường lộ chính chỉ là một tòa nhà nhỏ. Vậy chắc ông ta sống ở một nơi khác.
Những người hộ lý bảo tôi là ông không có vợ. Ở bên đường tôi thấy một căn nhà
có vẻ như của ông ta – một nhà xi măng với cửa sổ ở phía trước, có nhiều sách
dựng lên ở trên khung cửa. Khu nhà có vẻ ảm đạm nhưng ngăn nắp, chỗ ở tối thiểu
nhưng tiện nghi gọn ghẽ, mà một người đàn ông độc thân – một người cô độc, chỉn
chu – có thể nghĩ ra.
Trường học ở cuối khu phố dân cư duy
nhất có hai tầng lầu. Tầng dưới dành cho học sinh từ nhỏ đến lớp tám, tầng trên
cho đến lớp mười hai. Một buổi chiều tôi thấy Mary ở đó tham dự trò chơi ném
bóng tuyết. Dường như một bên là bọn nữ sinh một bên nam sinh. Khi nhìn thấy
tôi, Mary la lớn, “Ơ kìa, cô giáo,” và ném những quả bóng bằng cả hai tay tung
tóe rồi băng thong thả qua đường. “Hẹn gặp cô ngày mai.” Nó nói ngoái lại, để
biết chắc là không có ai đi theo sau nó.
“Cô đang đi về nhà phải không?” nó
hỏi. “Em cũng vậy. Em thường đi xe với Reddy, nhưng hôm nay lại về muộn. Cô làm
gì, đi xe điện hả?”
Tôi trả lời vâng và Mary nói, “Ồ, em
có thể chỉ cho cô cách khác mà cô tiết kiệm được tiền. Đường qua những bụi
rậm.”
Rồi nó dẫn tôi tới một con đường
chật hẹp nhưng đi được dẫn xuống khu phố, chạy xuyên qua rừng và qua nhà máy
cưa.
“Đây là con đường mà Reddy hay đi,”
nó nói. “Con đường này đi lên cao nhưng ngắn hơn khi cô tới nhà thương.”
Chúng tôi đi vượt qua nhà máy cưa,
và bên dưới, hiện ra một vài chỗ cắt xén loang lổ của khu rừng. Một vài nơi có
vẻ là có người ở vì có nhiều đống gỗ, dây phơi quần áo, khói lam chiều bay lên.
Từ khu nhà ấy một con chó thật lớn chạy ra giơ nanh sủa ồn ào.
“Câm mõm đi,” Mary kêu lên. Không
biết từ lúc nào nó có sẵn một quả bóng tuyết vo tròn trong tay ném phụt một cái
trúng ngay giữa hai mắt của con vật. Nó chạy vòng và con bé lại có thêm một cục
tuyết nữa trong tay sẵn sàng ném nó. Một người đàn bà mang tạp dề trước bụng đi
ra và la lên, “Mày giết nó mất.”
“Đuổi nó đi cho khuất mắt.”
“Tao sẽ nói ông già nói chuyện với
mày.”
“Xin mời. Ông già chẳng làm nên trò
trống gì.”
Con chó đi theo chúng tôi một quãng
xa, vẻ đe doạ giả vờ.
“Em có thể trừng trị tất cả các con
chó, cô đừng lo.” Mary bảo. “Em nghĩ là em có thể đối phó được một con gấu nếu
chúng ta lỡ gặp phải nó.”
“Không phải là những con gấu đang
ngủ đông hay sao.”
Tôi hơi sợ hãi con chó nhưng cũng sợ
hãi sự bất cẩn của người khác.
“Đúng vậy nhưng mình chẳng bao giờ
biết. Đã có một con gấu từng thức dậy rất sớm và tới đống rác tới nhà thương
rồi. Mẹ em chỉ cần quay người lại đã thấy một con như thế. Reddy chạy đi lấy
khẩu súng và bắn chết nó.”
“Reddy thường hay mang em và Annabel
tới chỗ xe trượt tuyết, và đôi khi những đứa trẻ khác nữa và ông ta có thể bắt
chước thổi sáo khiến cho những con gấu sợ hãi lánh xa. Nốt của nó cao lắm tai
của người ta không nghe được.”
“Thật à, em có thấy vậy chưa?”
“Không phải thứ đó. Em muốn nói là
thứ ông ta có thể làm với miệng của mình.”
Tôi nghĩ tới buổi diễn tập trong
phòng học.
“Em không biết, có thể là để làm cho
Annabel đừng quá sợ như ông ta bảo thế. Con bé không thể ngồi trên xe vì vậy
ông ta phải kéo nó trên một cái xe trượt tuyết loại nhẹ. Em chạy theo sau nó và
đôi khi lén nhảy lên xe và ông ta sẽ nói quái quỷ gì vậy, nó bỗng nhiên nặng cả
tấn. Thế rồi ông quay thật nhanh để chụp lấy em nhưng chẳng bao giờ làm được.
Ông sẽ hỏi Annabel cái gì làm cho xe trượt tuyết trở nên nặng nề, có phải mày
đã ăn sáng nhiều quá không nhưng con bé không nói gì cả. Nếu có những đứa trẻ
khác em cũng sẽ không làm vậy. Thú vị nhất là chỉ có mình em và Annabel. Nó là
đứa bạn thân nhất của em.”
“Còn những đứa con gái khác ở trường
thì sao? Bọn nó không phải là bạn của em à?”
“Em chỉ chơi với chúng khi không có
ai cả. Bọn chúng toàn là một lũ ngu ngơ.”
“ Annabel và em có chung ngày sinh
nhật trong một tháng. Tháng sáu. Vào ngày sinh thứ mười một của chúng em, Reddy
mang chúng em xuống một cái hồ nước trên một chiếc thuyền. Ông dạy chúng em bơi
lội. Thật ra chỉ có mình em. Lúc nào ông ta cũng phải giữ chặt lấy Annabel. Con
bé không biết cách bơi. Có lần ông bơi một mình ra xa và hai chúng em liền lấy
cát đổ vào giầy của ông ấy. Vào ngày sinh nhật thứ mười hai chúng em không đi
xa đâu được liền tới nhà ôg để ăn bánh. Con bé không ăn được một miếng nào nên
ông ấy dẫn chúng em đến xe hơi và chúng em ném những miếng bánh qua cửa sổ cho
bọn chim hải âu. Chúng giành nhau kêu ầm ĩ. Chúng em cười phá lên khiến ông ta
phải kêu dừng lại và ôm chặt lấy Annabel để cho nó khỏi bị ho ra máu.”
“Và sau đó,” nó nói tiếp, “sau đó
thì em không được phép gặp Annabel lần nào nữa. Mẹ em không bao giờ muốn em đi
chơi với những đứa trẻ bị bệnh lao phổi. Nhưng Reddy nói chuyện đầu đuôi với mẹ
em, ông bảo sẽ ngừng chuyện đó nếu phải thế. Rồi ông ngừng thật và em lấy làm
tức giận. Nhưng Annabel không còn vui vẻ như trước nữa bởi vì nó bệnh quá. Em
sẽ chỉ cho cô ngôi mộ của nó nhưng ở đó chẳng có một tấm bia nào cả. Reddy và
em sẽ làm một cái bia cho nó khi anh ta có thì giờ. Nếu chúng ta đi thẳng chứ
không đi xuống như vừa nãy thì chúng ta đã gặp nghĩa địa của nó rồi. Đó là nơi
dành cho những người không có thân nhân, chẳng ai mang họ về nhà.”
Vào lúc này chúng tôi đã đi xuống
khu vực gần nhà thương.
Nó nói, “Ồ tí nữa em quên
mất,” và lôi ra một nắm những tấm vé.
“Cho ngày lễ tình nhân. Chúng em có
một vở ca nhạc kịch ở nhà trường gọi là Pinafore. Đây là những tấm vé em
mang đi bán và cô sẽ mua cái đầu tiên. Em đóng trò trong vở ca nhạc kịch ấy.”
Như tôi đoán đúng về ngôi nhà ở thị
trấn nơi cư ngụ của ông bác sĩ. Ông ta đã dẫn tôi về nhà ăn tối. Lời mời đưa ra
tự nhiên vào một lúc nào đó hơi ngẫu nhiên khi chúng tôi gặp nhau ở hành lang.
Có lẽ ông ta hơi ái ngại về lời hẹn sẽ nói chuyện với tôi về phương pháp giảng
dạy.
Bữa ăn tối mà ông bác sĩ định mời
trùng với ngày diễn kịch của Mary. Tôi kể cho ông nghe và ông bảo, “Thì tôi
cũng mua như cô. Nhưng không nhất thiết chúng ta phải tới đó đâu.”
“Tôi có cảm giác như thể tôi đã hứa
với nó rồi.”
“Ồ thế à, thế thì cô có thể hủy lời
hứa đó đi. Đó là một thứ gì đó rất khủng khiếp, hãy tin tôi đi.”
Tôi nghe lời ông bác sĩ mặc dù tôi
không gặp lại Mary. Tôi đứng chờ ở nơi mà ông hướng dẫn cho tôi, ở một khoảng
hiên rộng trước cửa ra vào. Tôi mặc một cái đầm đẹp màu xanh dương đậm với
những cúc áo kết bằng ngọc trai, cổ cườm, chân mang giày cao gót bên trong đôi
ủng đi tuyết. Tôi đứng chờ hồi hộp, lo lắng, thoạt tiên bởi vì sợ rằng Matron
sẽ bước ra khỏi văn phòng và nhìn thấy tôi, và kế đó là sợ ông bác sĩ chẳng nhớ
gì chuyện ấy cả.
Nhưng rồi ông đến, cúc áo choàng cài
tận cổ, và xin lỗi.
“Lúc nào cũng có vài chuyện gì đó
phải làm cho xong.” Ông nói, và dẫn tôi đi dưới bầu trời đầy sao sáng vòng
quanh tòa nhà tới chỗ xe hơi. “Cô đi được chứ?” Ông ta bảo và tôi nói vâng –
mặc dù hơi lo lắng về đôi giày của mình – ông ta không hề đưa tay ra đỡ tay
tôi.
Chiếc xe hơi cũ và hơi tồi tàn như
hầu hết xe thời đó. Không có máy sưởi trong xe. Khi ông bảo sẽ đưa tôi về nhà
ông, tôi cảm thấy bớt lo lắng. Tôi không tưởng tượng được với đám đông ở khách
sạn và cũng kỳ vọng là không phải ngồi ăn bánh sandwich ở tiệm cà phê.
Khi đã vào nhà, ông bảo tôi đừng cởi
áo choàng vội để cho ấm một chút đã. Ông bận rộn châm lửa lò sưởi đốt bằng củi.
“Tôi sẽ là người dọn dẹp và đầu bếp
và người chạy bàn cho cô giáo,” ông ta bảo.
“Một lát nữa cô sẽ thấy thoải mái,
bữa ăn tối không lâu đâu. Cô không phải giúp đỡ gì, tôi muốn làm một mình. Cô
giáo muốn ngồi đâu để chờ? Nếu muốn cô có thể ngồi coi sách ở phòng trước. Ở đó
không lạnh lắm nếu cô mặc áo choàng ấm. Nhà này có lò sưởi nhưng tôi không sưởi
những phòng không dùng tới. Đèn ở phía sau cửa. Xin phép cô tôi muốn nghe tin
tức trên đài phát thanh, đó là thói quen.”
Tôi bước tới phòng trước, cảm thấy
như hơi có chút bị lạnh, để cửa bếp mở rộng. Ông ta bước tới khép cửa bếp lại
và nói “để thế cho đến khi nào ấm lên một chút đã,” và quay lại với giọng của
phát thanh viên trên đài CBC, một giọng nói thánh thót, điêu luyện, đầy tính
kịch, đọc bản tin chiến tranh, vào năm cuối cùng. Tôi không nghe được giọng nói
ấy từ khi tôi rời căn hộ của ông bà tôi và tôi ước gì mình cứ đứng trong bếp.
Nhưng rồi có nhiều sách vở để coi. Không phải chỉ trên kệ sách mà cả trên bàn,
trên ghế, trên cửa sổ, chất đầy sàn nhà. Sau khi lướt qua vài cuốn sách tôi có
thể kết luận rằng ông ấy thích mua sách thành từng đợt và chắc là thuộc một câu
lạc bộ đọc sách nào đó. Những cuốn sách cổ điển của Harvard. Cuốn lịch sử của
Will và Ariel Durant – rất giống với những cuốn trên kệ sách của ông nội tôi.
Tiểu thuyết và thơ có vẻ ít hơn, mặc dù có vài cuốn, đáng ngạc nhiên là loại
sách trẻ con.
Những cuốn về nội chiến Mỹ, chiến
tranh Nam Phi, các trận đánh của Napoleon, cuộc chiến tranh Hy Lạp cổ đại, sự
nghiệp của Ceasar. Thám hiểm Amazon và Bắc băng dương. Những cuốn sách
gợi ý về người muốn đọc, muốn nắm kiến thức bao quát nhưng rải rác. Có lẽ không
phải là một người có sở thích chắc chắn và chính xác.
Vì vậy mà ông ta từng hỏi tôi, “Cuốn
tiểu thuyết Nga nào”, lúc hỏi thế có lẽ ông không có một kiến thức cụ thể nào
như tôi đã tưởng.
Khi ông bác sĩ gọi, “sẵn sàng rồi,”
và tôi mở cửa ra, tôi đã có chút tự tin về sự nghi ngờ này.
Tôi nói, “Ông đồng ý với Naphta hay
Settembrini?”
“Xin lỗi?”
“Đó là các nhân vật trong cuốn Ngọn
Núi Thiêng. Ông thích Naphta hay Settembrini hơn?”
“Nói thật, tôi luôn lnghĩ rằng đó là
một cặp túi xách. Còn cô?”
“Settembrini thì có vẻ nhân tính hơn
nhưng Napht thì lý thú hơn.”
“Thế người ta dạy cô ở trường à?”
“Tôi chẳng bao giờ đọc mấy thứ đó ở
trường.” Tôi trả lời lạnh lùng.
Ông ngước nhìn tôi, lông mày nhíu
lại.
“Ồ xin lỗi. Nếu có cuốn sách nào làm
cô thích cứ tự nhiên tới đây đọc khi nào cô rảnh. Có một máy sưởi ấm bằng điện
tôi có thể đặt lại, vì tôi nghĩ là cô không có kinh nghiệm dùng lò sưởi đốt
củi. Chúng ta nghĩ về chuyện đó chứ? Tôi có thể làm cho cô một chìa khoá
riêng.”
“Cám ơn ông.”
Thịt heo cắt lát nhỏ để ăn tối,
khoai tây nghiền, đậu trong hộp. Tráng miệng bằng bánh táo ngọt mua từ lò
nướng, còn ngon hơn nữa nếu ông ta nghĩ đến chuyện hâm nóng lên.
Ông hỏi tôi về đời sống ở Toronto,
chương trình đại học, ông bà tôi. Ông bảo rằng ông tưởng là tôi được nuôi nấng
dạy dỗ theo cách giản dị và giới hạn.
“Ông nội tôi là một mục sư có đầu óc
tự do theo giáo phái Paul Tillich.”
“Còn cô? Có phải là một đứa cháu gái
theo Thiên chúa giáo loại tự do không?”
“Không phải.”
“Touché. Cô có nghĩ là tôi
hơi thô lỗ không?”
“Cái đó tùy. Nếu ông đang hỏi tôi
như một ông chủ, thì không.”
“Thế thì tôi sẽ tiếp tục. Cô có bạn
trai không?”
“Thưa có.”
“Tôi đoán là ở trong quân đội.”
Tôi nói, ở trong hải quân. Đó là một
chọn lựa khôn ngoan, cho phép tôi được nói là tôi chẳng biết anh ra ở đâu và
chẳng nhận được thư từ gì ráo. Tôi có thể nói là bạn trai của tôi không được
lên bờ.
Ông bác sĩ đứng dậy và mang lại bình
trà.
“Anh ta phục vụ trên chiến thuyền
loại gì?”
“Hộ tống hạm.” Lại một sự chọn lựa
khôn ngoan nữa. Sau một lúc tôi nghĩ là có thể cho chiếc thuyền ấy bị bắn ngư
lôi như thường xảy ra với các chiến thuyền loại này.
“Một chiến sĩ dũng cảm. Cô muốn dùng
sữa hay đường?”
“Cám ơn, tôi không dùng thứ nào cả.”
“Cách nào cũng tốt vì tôi chẳng có
thứ nào. Cô biết không, khi cô nói dối mặt cô đỏ lên.”
Nếu tôi chưa bị đỏ mặt trước đó thì
lúc này. Đầu tiên có một luồng nóng chạy từ chân lên, mồ hôi ứa ra trong nách.
Mong sao cho cái áo đầm không bị hỏng mất.
“Tôi lúc nào cũng đỏ mặt lên khi
uống trà.”
“Ồ vậy à.”
Mọi chuyện không thể nào tệ hại hơn
nữa. Vì vậy tôi bình tĩnh lại và tìm cách trả đũa. Tôi đổi đề tài, hỏi ông ta
mổ bệnh nhân như thế nào. Có phải ông ta lấy phổi ra ngoài như tôi nghe?
Ông ta có thể sẽ trả lời với một
chút chế nhạo, một chút tự kiêu – có lẽ là cách để quyến rũ phụ nữ - và tôi tin
rằng nếu ông ta đã làm thế thì tôi sẽ mặc áo choàng lên và bước ra ngoài trong
trời lạnh. Và có lẽ ông ta cũng biết thế. Ông bắt đầu nói về việc tái tạo lồng
ngực, giải thích việc ấy như thế nào, mặc dù thật chẳng dễ dàng gì cho những
bệnh nhân có phổi bị xẹp. Đó là điều thú vị ngay từ thời Hippocrates. Tất nhiên
là việc cắt bỏ phổi ngày càng trở nên phổ biến gần đây.
“Bác sỹ có để mất nhiều bệnh nhân
không?” Tôi nói.
Ông ta nghĩ có lẽ đây là lúc có thể
đùa một chút.
“Tất nhiên bỏ chạy và trốn trong bụi
rậm, không biết chạy tới đâu – nhảy xuống hồ nước – hay là cô nghĩ rằng bệnh
nhân không chết. Có những ca mổ không thành công. Đúng thế.”
Nhưng những tiến bộ y học cũng đang
xảy ra, ông bảo. Loại phẫu thuật mà ông ta đang thực hành sắp trở thành lỗi
thời, cũng tương tự như phép trích máu để chữa bệnh. Một loại kháng sinh mới
sắp được sử dụng có tên là Streptomycin đã được dùng trong một số thử
nghiệm. Có một vài vấn đề, thật ra thuốc nào chẳng có. Sự ngộ độc đối với hệ
thần kinh chẳng hạn. Nhưng cũng có cách để đối phó với các tác dụng phụ này.
“Khiến cho những bác sĩ thế hệ già
như tôi đây bị mất việc.”
Ông rửa bát, tôi lau khô. Ông quàng
một cái khăn lau bát quanh thắt lưng tôi để khỏi ướt áo đầm. Khi mọi chuyện
xong xuôi, ông đặt một bàn tay lên lưng tôi. Một cái đặt tay mạnh mẽ, những
ngón tay xòe ra – như thể đang từ từ bóc tách từng phần cơ thể tôi một cách
chuyên nghiệp. Khi tôi lên giường nằm ngủ vào tối hôm đó tôi vẫn còn cảm nhận được
cái đặt tay mạnh mẽ. Tôi cảm được sức mạnh lan từ ngón út đến ngón cái. Tôi
thích thú nó. Điều ấy còn quan trọng hơn là nụ hôn được đặt lên trán tôi sau đó
vào lúc tôi bước ra khỏi xe hơi của ông bác sĩ. Một nụ hôn với đôi môi khô
lạnh, ngắn, nghiêm trang, được buông xuống với quyền lực chóng vánh.
Chìa khoá nhà ông ta được đặt lên
sàn nhà của phòng tôi, luồn qua khe cửa hẹp khi tôi không ở đó. Nhưng cuối cùng
tôi cũng không cần dùng tới nó. Nếu có một người nào khác cho tôi một cơ hội
như thế tôi sẽ mừng rỡ bắt lấy. Nhất là khi lại có cả một lò sưởi ấm. Nhưng
trong trường hợp này sự có mặt trong quá khứ và tương lai của vị bác sĩ sẽ làm
cho mọi tình huống trở nên không dễ chịu chút nào và làm cho sự thoải mái bình
thường biến mất, thay vào đó làm một niềm vui khác, căng thẳng, mệt mỏi hơn.
Ngay cả khi trời không lạnh tôi vẫn không ngừng run lên, và khi ngồi đó giữa
những cuốn sách kia dường như tôi chẳng đọc được chữ nào.
Tôi sợ Mary một ngày nào sẽ hiện ra
trước mặt, trách móc tôi đã không đi xem vở kịch của nó. Tôi thầm nghĩ sẽ nói
là mình không khỏe. Tôi bị cảm cúm. Nhưng tôi nhớ lại ở nơi đây bệnh cảm là một
bệnh khá nguy hiểm, phải mang khẩu trang và bôi thuốc sát trùng, bị xua đuổi.
Và rồi chỉ một thời gian ngắn tôi hiểu ra rằng không hy vọng gì giấu được
chuyện thăm viếng nhà ông bác sĩ kia. Đó không phải là chuyện bí mật có thể qua
mắt người khác ở đây, ngay cả với những người y tá thường không nói gì, hoặc là
vì họ quá kiêu kỳ và tế nhị hoặc là những chuyện như thế từ lâu đã không làm họ
chú ý. Nhưng mấy cô hộ lý thì trêu ghẹo.
“Cô giáo ăn tối bữa kia có vui
không?”
Giọng nói của họ thân mật, ra vẻ tán
đồng. Hình như vẻ kỳ quặc của tôi cũng phần nào thích hợp với vẻ kỳ quặc nhưng
đã trở nên quen thuộc và được kiêng dè của ông bác sĩ, và chúng là một thứ gì
hay ho. Người khác nhìn tôi với cặp mắt kính nể. Bây giờ thì bất kể tôi là cái
thứ gì, rõ ràng tôi có thể trở thành một người phụ nữ có bạn trai.
Mary biến mất không thấy mặt đâu cả
tuần lễ.
“Thứ bảy tuần tới,” là những chữ ông
ta nói khi đặt nụ hôn lên trán tôi. Như thế, trước cửa, tôi lại đứng chờ lần
nữa, và lần này ông ta tới đúng giờ. Chúng tôi tới nhà và tôi đi thẳng tới
phòng phía trước trong khi ông đốt lò sưởi. Ngồi ở đó tôi nhận ra cái máy sưởi
bằng điện.
“Không phải vậy sao,” ông ta nói.
“Có phải cô đã từng nghĩ rằng tôi chỉ nói cho vui vậy thôi? Tôi bao giờ cũng
định tâm thực hiện điều mình nói.”
Tôi bảo ông tôi không tính đi vào
khu phố vì sợ gặp phải con bé Mary.
“Bởi vì tôi không tới dự buổi ca
kịch của nó.”
“Sẽ là thế nếu cô cứ phải thu xếp
đời mình sao cho phù hợp với con bé Mary,” ông ta nói.
Thực đơn cũng khá giống lần trước.
Thịt heo cắt lát, khoai tây nghiền, bắp thay vì đậu. Lần này ông ta để tôi giúp
việc trong bếp, thậm chí nhờ tôi dọn bàn.
“Cô có thể làm quen với những đồ đạc
đâu đó trong nhà. Thế thì dễ hơn cho chúng ta, tôi nghĩ vậy.”
Nói thế tức là tôi có thể ngắm ông
ta làm việc quanh cái bếp lò. Sự chăm chú một cách thoải mái, những cử động
tiết kiệm, trông đẹp mắt gây cảm giác xen lẫn lạnh lẽo và hưng phấn.
Chúng tôi vừa bắt đầu ăn tối thì có
tiếng gõ cửa. Ông đứng lên xoay nắm cửa và con bé Mary lao ào vào.
Con bé mang một hộp các tông để lên
bàn. Nó ném cái áo khoác của mình và hiện ra trong một bộ đồ hóa trang màu đỏ
và vàng.
“Chúc mừng ngày Valentine hơi trễ,” nó nói. “Các vị không đến xem tôi trong
buổi ca nhạc vì vậy tôi mang buổi ca nhạc lại cho mấy người. Và mang theo một
gói quà trong hộp.”
Nó giữ được sự cân bằng tuyệt vời đứng trên một chân đá cái hộp đi bằng một
chân khác, rồi tiếp tục như thế. Nó hất chúng ra khỏi lối đi của mình và đi
vòng quanh bàn, hát bằng một giọng mộc nhưng mạnh mẽ trẻ trung.
“Gọi tôi là Ly Bơ nhỏ bé,
Ly Bơ nghèo khó,
Dù tôi chẳng bao giờ biết tại sao.
Nhưng tôi vẫn có tên là Ly Bơ
Con bé Ly Bơ nghèo khó
Ly Bơ nhỏ bé yêu dấu ơi là tôi - ”
Ông bác sĩ đứng dậy khi con bé bắt đầu hát. Ông đứng gần bếp, đang bận cạo món
sườn lợn dính chặt trên chảo rang.
Tôi vỗ tay. Tôi nói, “Trang phục của em tuyệt đẹp.”
Mà quả thực thế. Váy đỏ, váy lót vàng sáng, tạp dề trắng rung rinh, vạt áo
thêu.
“Mẹ em may nó đấy.”
“Ngay cả mấy đồ thêu?”
“Đúng vậy. Mẹ thức suốt đêm đến bốn giờ sáng để may.”
Nó đi vòng quanh xoay người qua lại để khoe. Những cái dĩa kêu leng keng trên
kệ. Tôi vỗ tay vài lần nữa . Cả hai chúng tôi chỉ muốn một điều. Chúng tôi muốn
ông bác sĩ quay người lại và đừng tiếp tục bỏ mặc chúng tôi. Sẽ nói một điều
gì, dù là miễn cưỡng, một chữ lịch sự.
“Và nhìn xem có cái khác nữa,” Mary nói. “Cho ngày lễ Valentine.” Nó mở hộp các
tông, những chiếc bánh bích quy Valentine, tất cả được cắt hình trái tim và
được trang trí bằng các món trang điểm màu đỏ lạnh băng.
“Lộng lẫy thế,” tôi nói, và Mary lại tiếp tục nhảy nhót.
“Tôi là thuyền trưởng của Pinafore
Một thuyền trưởng rất tài
Tôi giỏi lắm và mọi người hãy biết
Tôi chỉ huy đoàn thủy thủ tuyệt vời.”
Cuối cùng bác sĩ cũng quay lại và con bé đưa tay chào.
“Được rồi,” ông nói. “Thế là đủ.”
Con bé lờ đi.
“Thế thì xin vỗ tay ba lần, và một lần nữa,
Cho một thuyền trưởng tài ba của Pinafore-”
“Tôi đã nói thế là đủ.”
“Đối với thuyền trưởng dũng cảm của Pinafore-”
"Mary. Chúng ta đang ăn bữa tối. Và em không được mời. Em có biết điều đó
không? Không được mời.”
Con bé cuối cùng cũng im lặng. Nhưng chỉ một lát.
“Quỷ tha ma bắt ông đi. Ông không tử tế chút nào.”
"Và em cũng không cần mấy cái bánh bích quy đó nữa. Em có thể không phải
ăn nữa đâu. Em đang bắt đầu mập ú ra như một con lợn nhỏ.”
Mặt Mary đỏ ửng như sắp khóc
nhưng rồi nó nói: “Coi ai đang nói kìa. Mắt ông đảo qua đảo lại.”
“Thôi đủ rồi.”
“Vâng, ông đủ rồi.”
Ông bác sĩ lấy những chiếc ủng của nó và đặt ngay ngắn trước mặt nó.
“Mang ủng vào.”
Con bé làm theo, chảy nước mắt và nước mũi. Nó khịt mũi liên tục. Ông đưa cho
nó chiếc áo khoác của nó mà cũng chẳng giúp gì khi nó run rẩy rụt tay vào và
lúng túng tìm mấy cái khuy áo.
“Được rồi. Bây giờ, em tới đây bằng cách nào?”
Nó không trả lời.
“Đi bộ, phải không? Mẹ của em đâu?”
“Euchre.”
“Tôi có thể lái xe đưa em về nhà. Như vậy, em sẽ không còn cơ hội để trượt
xuống bờ sông tuyết và mặc cho mình chết cóng vì nỗi tự thương thân.”
Tôi không nói một lời nào. Mary không hề nhìn tôi. Giây phút ấy quá kinh hoàng
để thốt lời tạm biệt.
Khi nghe tiếng xe nổ máy tôi khởi sự dọn dẹp bàn ăn. Chúng tôi không kịp ăn món
tráng miệng, cũng là món bánh táo nữa. Có lẽ ông không biết bất kỳ loại bánh
nào khác, hoặc có lẽ đó là tất cả những gì mà tiệm bánh làm được.
Tôi chọn một cái bánh bích quy có hình trái tim và ăn. Chất màu trét trên bánh
ngọt lạ lùng. Không có mùi dâu tây hay mùi hạnh đào, chỉ có đường và chất nhuộm
đỏ. Tôi ăn hết cái này đến cái khác.
Tôi biết lẽ ra nên nói lời tạm biệt với Mary. Tôi nên nói cảm ơn. Nhưng thứ ấy
chẳng quan trọng gì nữa. Tôi tự nhủ chẳng quan trọng. Câu chuyện không liên
quan tới tôi. Hoặc có lẽ chỉ một phần rất nhỏ.
Ông ta thật thô bạo. Điều làm tôi kinh hoàng là ông ta lại thô bạo thế. Một
người đang cần mình. Nhưng ông đã hành xử lạ lùng với con bé Mary chỉ vì tôi,
hiểu một cách nào đó. Để cho thời gian của chúng tôi không bị lãng phí đi. Ý
tưởng này quyến rũ tôi, tôi thấy thật xấu hổ là nó quyến rũ được mình. Tôi
không biết phải nói gì khi ông ta trở lại.
Ông không muốn tôi nói gì nữa. Ông mang tôi vào giường. Tất cả những điều này
có phải được tính toán trước hay chỉ là bất ngờ, đối với tôi, đối với ông ta?
Sự trinh tiết của tôi ít nhất cũng không bất ngờ - ông ta đưa cho tôi một cái
khăn cùng với một cái bao cao su – và ông ta kiên nhẫn tiếp tục việc ấy dễ
dàng. Sự cuồng nhiệt của tôi làm cho cả hai ngạc nhiên. Sự tưởng tượng, như bạn
có thể thấy, cũng là một chuẩn bị tốt đẹp chẳng kém gì kinh nghiệm.
“Anh muốn lấy em làm vợ,” ông ta nói thế.
Trước khi đưa tôi về nhà, ông ném tất cả những cái bánh, tất cả những trái tim
màu đỏ ra ngoài trời tuyết cho bầy chim mùa đông.
Mọi chuyện ổn thoả. Lễ hứa hôn đột ngột của chúng tôi – ông có phần thận trọng
khi dùng chữ ấy– là một chuyện riêng tư. Tôi không viết một chữ nào cho ông bà
tôi cả. Lễ cưới sẽ được tổ chức khi nào anh ấy có hai ngày nghỉ liên tục. Một
đám cưới đạm bạc, anh bảo. Tôi hiểu ý tưởng ấy về buổi lễ, trước sự hiện diện
của những người khác, mà suy nghĩ của họ về anh không mấy tôn trọng,
những người có thể cười nhạo và khuyên nhủ này khác, là những thứ mà anh không
sẵn sàng nếm trải.
Anh cũng không mê chuyện nhẫn kim cương. Tôi cũng nói với anh rằng tôi chẳng
muốn nhẫn kim cương, đó là sự thật, vì tôi chưa hề nghĩ tới. Anh nói điều đó
càng tốt, vì anh biết rằng tôi không phải thuộc loại con gái ngốc ngếch thông
thường.
Chúng tôi ngừng ăn bữa tối với nhau, không phải vì cuộc nói chuyện nhưng vì
không đủ thịt cá cho hai người với một thẻ khẩu phần thức ăn. Thẻ thức ăn của
tôi đã được giao cho nhà bếp – mẹ của Mary - từ khi tôi bắt đầu ăn ở nhà
thương.
Tốt hơn cả là không làm cho người ta lưu ý đến mình.
Tất nhiên mọi người nghi ngờ. Những người y tá già trở nên thân thiện và ngay
cả Matron cũng mỉm cười với tôi một cách đau khổ. Tôi tự chăm sóc mình một cách
khiêm tốn, gần như chẳng chú ý. Cũng không hẳn, đối với tôi những người phụ nữ
lớn tuổi kia đang nhìn mình dò xét, xem thử sự thân mật sẽ trở thành điều gì và
họ sẽ hành xử thích hợp ra sao nếu lỡ ra ông bác sĩ quyết định bỏ rơi tôi.
Chỉ có những người hộ lý là đứng về phía tôi tận tình, trêu ghẹo tôi rằng họ
nhìn thấy những lá trà trong cốc của tôi giống hình những cái chuông đám cưới.
Tháng ba nghiệt ngã và bận rộn phía sau cánh cửa bệnh viện. Đó là tháng tệ hại
nhất với nhiều rắc rối, các hộ lý nói. Vì một lý do nào đó, người ta muốn mang
hình ảnh của tháng ấy theo họ, khi chết, sau khi đã trải qua hết những gian nan
của mùa đông. Nếu một đứa trẻ không tới lớp học một ngày nọ tôi không thể
biết có phải nó đang gặp một biến cố lớn hay chỉ là cảm lạnh thường. Tôi dùng
một bảng đen di chuyển được và viết tên trẻ em quanh các cạnh của nó. Thậm chí
bây giờ tôi cũng không cần phải lau đi tên của những đứa trẻ vắng mặt lâu.
Những đứa khác làm việc ấy cho tôi, lặng lẽ chẳng nói lời nào. Chúng hiểu những
nghi thức mà tôi còn phải học hỏi.
Tuy thế thời gian rảnh rồi cũng đến, để ông bác sĩ dàn xếp đám cưới. Anh nhét
một miếng giấy nhỏ dưới cánh cửa phòng tôi, nói là sẵn sàng trong tuần lễ
đầu của tháng tư. Trừ khi có một biến cố lớn, thế nào anh cũng có đôi ngày nghỉ
phép.
Chúng tôi tới thành phố Huntsville.
Chúng tôi phải tới nơi ấy để kết
hôn.
Chúng tôi bắt đầu một ngày mà tôi
chắc rằng mình sẽ nhớ mãi suốt đời.
Tôi mang một chiếc áo nhiễu đã giặt
ủi cuộn lại cẩn thận trong chiếc túi. Bà nội tôi đã từng dạy tôi cách cuộn
chúng lại thay vì xếp nếp để tránh những vết nhăn. Tôi nghĩ là tôi phải thay đồ
trong phòng vệ sinh phụ nữ khi có dịp. Tôi tìm nơi có những bụi hoa dại dọc
đường để có thể làm một bó hoa mang theo. Liệu anh ấy có đồng ý để tôi ôm một
bó hoa? Nhưng thời tiết quá sớm ngay cả với cúc vạn thọ đầm lầy. Dọc theo những
con đường hoang vắng ngoằn ngoèo, những cây vân sam gầy guộc, những đầm lầy và
những hòn đảo nhỏ rải rác. Và đột ngột ngang đường lô nhô những tảng đá đã trở
nên quen thuộc với tôi – màu của sắt nhuộm đỏ ửng và đá vân nhạt.
Máy thu thanh trên xe chơi những
điệu nhạc khải hoàn, vì quân đội đồng minh đang tiến gần, ngày càng gần thành
phố Bá Linh. Ông bác sỹ - Alister – bảo rằng họ đang di chuyển chậm lại để cho
người Nga vào thành phố trước. Ông bảo, rồi họ sẽ hối hận vì điều này.
Bây giờ khi chúng tôi đã ở xa thị
trấn Amundsen tôi nghĩ là tôi có thể gọi ông bằng tên riêng, anh Alister. Đó là
một cuộc lái xe dài mà chúng tôi ngồi bên nhau và tôi cảm thấy hứng chí, thậm
chí kích thích bởi tính cách thản nhiên có vẻ không đoái hoài gì đến tôi ở anh
– điều tôi biết rằng có thể đột ngột biến thành ngược lại – và bởi tài lái xe
điệu nghệ của anh. Tôi cảm thấy phấn khởi vì anh là một bác sĩ phẫu thuật dù
rằng tôi chưa bao giờ thú nhận thế. Lúc này tôi tin rằng tôi có thể nằm xuống
vì anh ở bất cứ một đầm lầy hay lỗ hổng nào, hay cảm thấy xương sống của tôi
muốn gãy trên những mặt đường đầy sỏi đá, nếu anh yêu cầu tôi làm thế. Tôi cũng
biết tôi nên giữ cảm giác này cho riêng mình thôi.
Tôi nghĩ chuyện khác, nghĩ về tương
lai. Khi chúng tôi đến thành phố Huntsville chúng tôi sẽ tìm được một mục sư,
sẽ đứng bên nhau trong phòng khách, một nơi có vẻ khiêm tốn dịu dàng như căn hộ
của ông bà tôi, một thứ phòng khách mà tôi từng biết trong đời mình. Tôi nhớ
lại thời gian khi ông nội tôi được mời ăn đám cưới ngay khi ông đã về hưu. Bà
nội tôi tô một chút phấn hồng lên má, mang ra một chiếc áo choàng xanh sẫm, từ
nơi bà thường cất kỹ chờ mặc trong dịp trang trọng thế này.
Nhưng tôi phát hiện ra nhiều cách
khác nữa để lấy chồng, và những cách khác của chàng rể mà tôi chưa biết được.
Anh chẳng muốn dính líu tới mục sư. Ở tòa thị sảnh chúng tôi điền những mẫu
đơn, lập lời thề về tình trạng độc thân của mình, và làm hẹn để kết hôn bởi một
vị thẩm phán dân sự vào cuối ngày.
Thời gian ăn trưa. Alister dừng lại
trước cửa một quán ăn có vẻ bà con với một tiệm cà phê ở Amundsen.
“Tiệm ăn này được không em?” Nhưng
nhìn vào mặt tôi, anh đổi ý.
“Không?” Anh nói. “Được rồi.”
Cuối cùng chúng tôi ăn trưa trong
căn phòng phía trước có phần lạnh lẽo của một tiệm ăn có quảng cáo bữa ăn tối
với thịt gà. Dĩa thức ăn thì quá lạnh, không có thực khách nào khác, không có
âm nhạc trên máy thu thanh, chỉ có tiếng lách cách của dao nĩa của chúng tôi khi
hai người bận rộn vất vả cắt thịt gà. Tôi chắc rằng anh đang nghĩ là chúng tôi
có thể có một bữa ăn tốt hơn ở nơi mà anh đề nghị trước đó.
Dù sao tôi cũng có can đảm để hỏi
phòng vệ sinh đàn bà, và ở đó trong không khí lạnh buốt thậm chí còn hơn cả
phòng ăn phía trước, tôi mở chiếc áo đầm xanh ra và mặc vào, tô son môi và sửa
lại mái tóc.
Khi tôi bước ra Alister đứng đó mỉm
cười chào, bóp chặt bàn tay tôi và bảo, em thật đẹp.
Chúng tôi bước ra xe, người cứng
lại, tay trong tay. Anh mở cửa xe cho tôi, đi vòng quanh và ngồi vào ghế, xoay
chìa khóa xe một vòng cho nổ máy. Rồi tắt.
Xe hơi đậu trước cửa một tiệm bán đồ
khí cụ gia đình. Những cái xẻng xúc tuyết bán giảm giá còn một nửa. Vẫn còn
treo một cái bảng trên cửa sổ quảng cáo dịch vụ mài sắc bánh xe trượt băng.
Ở bên kia đường, một căn nhà gỗ sơn
vàng. Cầu thang phía trước trở nên ọp ẹp và hai tấm ván gỗ đóng lên cửa tạo
thành hình chữ X. Chiếc xe tải đậu phía trước xe của Alister thuộc loại xe
trước thế chiến, với một cái chắn ở phía sau đã rỉ sét. Một người đàn ông bước
ra từ tiệm đồ gia dụng và bước vào xe tải. Sau vài tiếng rú gầm gừ, tiếng lắc
cắc, chiếc xe rung lên từng chặp, rồi cũng chạy đi. Kế đến một chiếc xe tải chở
hàng với tên của cửa tiệm chạy lại cố gắng đậu vào chỗ vừa trống. Nhưng chỗ đậu
không đủ. Người tài xế bước ra, tới gần và gõ lên cửa của Alister. Alister ngạc
nhiên – nếu anh ấy không mải mê trò chuyện thì đã nhận ra sự việc. Anh kéo cửa
sổ xuống và người đàn ông kia hỏi rằng liệu chúng tôi có đậu hẳn ở đây không
nếu muốn mua một món đồ trong tiệm. Nếu không phải thế, làm ơn dời xe có được
không?
“Chúng tôi sắp rời đi.” Alister nói,
người đàn ông ngồi bên cạnh tôi nói, người lẽ ra sắp cưới tôi làm vợ bây giờ sẽ
không cưới tôi nữa, nói. “Chúng tôi sắp đi.”
Chúng tôi. Anh ta nói chữ chúng tôi.
Trong một lúc tôi bị ám ảnh về chữ ấy và rồi tôi nghĩ rằng đó là lần cuối cùng.
Lần cuối cùng tôi được đưa vào hai chữ chúng tôi.
Không phải là chữ chúng tôi có vấn
đề gì, chữ ấy không phải là sự thật. Mà chính là giọng nói giữa cánh đàn ông
với nhau mà anh ta nói với người tài xế kia, lời xin lỗi trầm tĩnh và biết
điều. Tôi ước gì có thể quay lại vào phút đầu tiên khi anh ta bắt đầu nói, khi
anh ta không nhận ra chiếc xe tải đang tìm cách đậu vào. Điều anh ta nói thật
khủng khiếp nhưng hai bàn tay nắm chặt trên vô lăng, cái nắm chặt và ý thức
trừu tượng của anh ta và giọng nói của anh đều biểu lộ đau đớn. Không cần biết
anh nói gì, có ý gì, anh nói từ một nơi chốn sâu xa, đúng là nơi mà anh đã nói
khi chúng tôi nằm bên nhau, làm tình. Nhưng bây giờ thì không phải thế nữa, sau
khi anh đã trò chuyện với người tài xế kia. Anh ta kéo cửa sổ lên và tập trung
vào chiếc xe hơi, tìm cách đưa nó ra khỏi chỗ đậu khá chật hẹp để tránh khỏi va
quẹt vào chếc xe tải kia.
Và chỉ một lát sau tôi đã bắt đầu
vui sướng nếu có dịp quay lại lúc anh rướn cổ lên quay đầu nhìn đằng sau. Tốt
hơn là đang lái xe – anh đang lái xe bây giờ - chạy xuống dọc đường phố chính
của thành phố, vì chẳng còn gì để nói nữa hay để tần ngần xoay xở.
Anh không làm được chuyện ấy, anh ta
nói thế.
Anh nói thế, bảo anh không thể cáng
đáng nổi chuyện này.
Anh cũng không thể giải thích.
Chẳng qua là nhầm lẫn.
Tôi nghĩ tôi chẳng bao giờ có thể
nhìn lên dòng chữ vòng vèo trên tấm bảng hiệu đề tên mài sắc lưỡi trượt băng,
mà không nghe giọng nói của anh ta vang lên trong đầu. Hay những tấm bảng gỗ xù
xì đóng đinh bằng chữ X trước cửa nhà màu vàng đối diện với tiệm kia.
“Anh sẽ chở em tới trạm xe buýt bây
giờ. Anh sẽ mua vé cho em về Toronto. Anh chắc rằng sẽ có xe lửa chạy về
Toronto vào chiều tối nay. Anh sẽ nghĩ ra một câu chuyện rất hợp lý và sẽ nhờ
một người nào đó gói ghém đồ đạc cho em. Em cho anh địa chỉ ở Toronto vì anh
không giữ. Ồ, anh sẽ viết cho em một cái thư giới thiệu. Em đã làm việc rất
tốt. Nhưng em chưa làm xong thời hạn của mình – anh chưa nói cho em nghe nhưng
những đứa trẻ sẽ được rời đi. Rất nhiều thay đổi lớn sắp xảy ra.”
Giọng nói của anh trở nên mới mẻ,
gần như hoạt bát vui vẻ. Làm như một gánh nặng đã được trút đi. Anh ta cố gắng
giữ lại điều ấy không muốn vội vàng để lộ cái thở phào nhẹ nhõm cho đến khi tôi
biến mất tăm.
Tôi nhìn xuống đường phố. Một điều
gì đó như thể có ai chở tôi đến đoạn đầu đài. Chưa. Chỉ gần đến thôi. Cũng chưa
hẳn là lần cuối cùng tôi nghe giọng nói của anh. Chưa.
Anh không cần hỏi đường. Tôi hỏi anh
lớn tiếng, liệu có cô gái nào trước đây đã bị anh chở đến xe lửa như thế này
chăng.
“Đừng nói thế.” Anh bảo.
Mỗi lần rẽ ngoặt đường là một lần xé
rách tươm những mảnh đời còn lại của tôi.
Có xe lửa về Toronto lúc năm giờ
chiều. Anh bảo tôi chờ trong xe hơi trong khi tự mình đi vào nhà ga. Anh đi ra
với tấm vé trên tay và một vật nhỏ mà tôi nghĩ là nắp hộp quẹt. Anh ta nhận ra
điều này vì khi tới gần xe hơi bỗng trở nên lặng lẽ.
“Trời ấm và rất tuyệt ở trong nhà
ga. Có một phòng đợi dành cho phụ nữ rất tốt.”
Anh mở cửa xe cho tôi.
“Hay là anh nghĩ anh sẽ chờ cho đến
khi em lên xe lửa? Có thể có nơi chúng ta ngồi kiếm một cái bánh ngọt ngon
lành. Bữa ăn tối thật là khủng khiếp?”
Câu nói của anh làm tôi tức lên. Tôi
bước ra khỏi xe đi thẳng tới nhà ga. Anh đưa tay chỉ phòng đợi của phụ nữ,
nhướn mày lên nhìn tôi và cố gắng nói đùa một câu cuối cùng. “Có thể ngày nào
đó em sẽ nhận ra rằng đây là một trong những ngày may mắn nhất của cuộc đời
mình.”
Tôi chọn một băng ghế dài trong
phòng đợi nhìn ra trước sân ga. Nhờ thế tôi có thể nhìn thấy anh nếu anh trở
lại. Anh sẽ nói đây là một chuyện đùa, hay là một phép thử, như trong các vở
kịch thời cổ đại.
Hay có thể anh đổi ý. Lái xe dọc
theo đường cao tốc nhìn thấy ánh sáng mặt trời mùa xuân xanh xám lướt qua những
tảng đá mà chúng tôi đã cùng ngồi bên nhau nhìn chúng. Sực tỉnh vì nhận ra sự
điên rồ của mình anh vòng xe lại ngay trên đường và lao vun vút trở lại nhà ga.
Một giờ trôi qua trước khi xe lửa
Toronto tới trạm, nhưng hình như thời gian thật ngắn. Và ngay cả lúc ấy những
giấc mộng hoang đường vẫn cứ lướt qua tâm trí tôi. Tôi bước lên xe mà như gông
xiềng kêu lẻng xẻng trên cổ chân. Tôi áp mặt vào cửa sổ nhìn xuống mặt đường
khi còi tàu vang lên từng chặp chuẩn bị rời đi. Ngay cả bây giờ cũng không quá
trễ nếu tôi muốn nhảy khỏi đoàn xe. Nhảy đại và chạy xuyên qua nhà ga tới đường
nơi anh có thể đang đậu xe lại và chạy ngược lên các bậc tam cấp, thầm nghĩ
không quá trễ, trời ơi, cầu xin không quá trễ.
Tôi cũng chạy về phía anh ta, cũng
không quá trễ.
Và rồi sự chấn động sự la hét ầm ĩ,
không phải một người mà cả một đám người chạy lăng xăng giữa những hàng ghế.
Những nữ sinh trung học, mặc áo quần thể thao, cười rú lên trước sự hoảng loạn.
Người tài xế xe lửa tỏ vẻ bực mình và hối chúng ngồi vào chỗ.
Một trong những đứa ấy, có lẽ to
tiếng nhất, chính là Mary.
Tôi quay đầu đi và không nhìn chúng.
Nhưng nó chẳng tha, kêu tên tôi rõ
to và hỏi cô giáo đi đâu mất biệt thời gian qua.
Đi thăm một người bạn, tôi bảo nó.
Mary nhào tới bên tôi kể chúng vừa
đấu bóng rổ với đội bóng của Hunstville. Hỗn loạn ghê lắm. Chúng bị thua.
"Tụi mình thua, phải
không?" nó la lớn, rõ ràng là vui vẻ, trong khi những đứa khác rên rỉ hoặc
cười khúc khích. Nó bảo tỉ số quá sức đáng xấu hổ.
"Cô giáo mặc đồ diện quá,"
nó nhận xét nhưng thực ra không chú ý lắm, lắng nghe lời giải thích của tôi với
vẻ hững hờ.
Nó cũng không để tâm khi tôi nói
mình đi về Toronto để thăm ông bà. Ngoại trừ nhận xét rằng chắc họ phải già lắm
rồi. Không một chữ nào về Alister. Ngay cả một lời tồi tệ. Chắc nó không quên.
Chỉ là dọn dẹp, thu cất, trong ngăn tủ của một cái tôi khác trong quá khứ. Hoặc
con bé không mấy để tâm những tổn thương kiểu này.
Tôi thầm cảm ơn nó, ngay cả khi tôi
chưa thể làm được thế. Tất cả mọi thứ dồn vào tôi, giờ tôi biết phải làm gì khi
tới Amundsen? Nhảy khỏi đoàn tàu, xông tới nhà anh ta và hỏi cho ra lẽ, tại
sao, tại sao. Thật là nỗi xấu hổ suốt đời. Khi đến ga, thời gian tàu dừng chỉ
vừa đủ để cả đội bóng tập hợp, đập tay ầm ĩ lên cửa sổ ra dấu cho người nhà đến
đón, trong khi người soát vé không ngừng nhắc nếu chúng không mau mau ra khỏi
tàu thì sẽ bị chở thẳng tới Toronto.
Nhiều năm tôi vẫn nghĩ có ngày tôi
bỗng dưng chạm mặt anh ta. Tôi đã về sống và đến nay vẫn sống ở Toronto. Đối
với tôi hình như người nào cũng có lúc về ở Toronto một thời gian. Tất nhiên
điều đó cũng không có nghĩa là bạn sẽ gặp lại người ấy, ngay cả khi bạn muốn
thế.
Rồi cuối cùng dịp ấy cũng đến. Băng
qua một con đường đông đúc nơi bạn không thể nào bước chậm lại. Đi ngược chiều
nhau. Nhìn sững, đầy kinh ngạc, gương mặt đã sạm nắng gió, đã lấm tấm màu thời
gian của nhau.
Anh ta la lớn, em có khỏe không? Và
tôi trả lời tốt lắm. Và thêm, với vẻ tự hào, “Rất hạnh phúc”
Vào lúc ấy điều đó chỉ đúng chung
chung mà thôi, chứ thực ra tôi đang có chuyện bực mình với chồng tôi, vì chuyện
phải trả nợ nần cho một trong những đứa con của anh ấy. Tôi đã đến một chương
trình biểu diễn ở bảo tàng mỹ thuật chiều hôm ấy, để lấy lại thanh thản.
Anh ta gọi lại một lần nữa:
“Mừng cho em.”
Dường như chúng tôi vẫn có thể bằng
cách nào đó dứt khỏi đám đông, và trong một thoáng, bỗng trở lại bên nhau như
những tình nhân cũ. Nhưng cũng chắc chắn không kém là chúng tôi mỗi người sẽ đi
một đường. Và chúng tôi làm thế thật. Không một than khóc nghẹn ngào, không một
bàn tay đặt trên vai níu tôi lại khi tôi đặt chân lên vỉa hè. Chỉ là một chớp
sáng mà tôi thấy trong giây phút ngắn ngủi, khi một mắt của anh mở lớn. Đó là
con mắt trái, lúc nào cũng mắt trái, như tôi hằng nhớ lại. Và lúc nào cũng lạ
lùng, cảnh giác, tự hỏi, như thể một điều gì không thể nào xảy ra đang xảy ra
với anh, một điều gì khiến anh gần như phá lên cười.
Đối với tôi dường như chuyện ấy cũng
xảy ra lúc tôi rời bỏ Amundsen ngày nọ, chuyến xe lửa kéo tôi ra khỏi nơi ấy,
bàng hoàng, ngơ ngác, không tin được câu chuyện của đời mình.
Thực ra chẳng có gì thay đổi, bạn
biết không, bản chất tình yêu của chúng ta.
tác giả: Alice Munro
người dịch: Nguyễn Đức Tùng
Chú thích:
(*) tên một nhà thám hiểm nổi tiếng
người Na Uy, Roald Amundsen. Ở Canada, là tên của các địa danh. Ví dụ phía bắc
Toronto có một thị trấn nhỏ có tên như vậy.
(1) San, cách gọi tắt của
sanatorium, trại điều dưỡng, ngày trước thường là trại cách ly cho bệnh nhân
lao.
(2) chơi chữ, tan your hide. Có sự
đồng âm giữa họ cô giáo Hyde và chữ hide trong câu này