31 August 2017

VẪN LUÔN CUỐN HÚT HỒN NGƯỜI - Nguyễn Hoàng Quý

1. Từ thứ 5 tuần trước (22/6), người yêu nhạc Bolero không còn cái nao nức chờ đến 20h30 để coi chương trình “Thần tượng Bolero” (mùa 3) phát trên VTV3 nữa. Chương trình đã chọn được quán quân. Tôi không có ý kiến về việc người đoạt giải xứng đáng hay không như sự không đồng tình trên báo chí sau khi chương trình khép lại. Với tôi, cả bốn người vào chung kết đều là quán quân, đều là “thần tượng”. Các bạn ấy và nhiều bạn trước mà tôi được nghe hát (chưa đến 10 đêm các thứ 5 hàng tuần) đều là những người tôi quý mến. Trước hết, vì họ thích nhạc Bolero, hát được và truyền tải được phần nào cái hồn cốt của thể loại nhạc này mà ngày xưa tôi cho là “sến”, “cải lương”, “nhảm” . . . nhưng họ đã giữ được cái giòng chảy của âm nhạc miền Nam trước 1975, đến nay.

Năm năm trước. tôi đọc được “Nhạc tình miền Nam và những nhạc sĩ tôi yêu” trên Rose Pham’s blog. Cô không nói nhiều đến nhạc lính, nhạc bolero nhưng với tôi, rất đáng trân trọng. Một người chỉ mười tuổi khi sự kiện 30/4 xãy ra mà cảm nhận, diễn đạt tình cảm của mình với nhạc vàng đến thế thì khi đọc, không thể không vui, niềm vui y hệt như bây giờ. Tôi đã viết ý kiến riêng của mình và gửi email cho cô ấy. Bài viết này cô ấy đăng lên blog của mình sau đó.

2. Ngày nay, có rất nhiều cách để nghe lại tất cả nhạc xưa nếu mình muốn. Tôi cũng có thể chọn những bản mình thích, tải về điện thoại hoặc laptop và nghe lại bất cứ lúc nào nhưng theo dõi “Thần tượng Bolero” như tôi đã viết trước đây (1) có thú vị là được nghe các HLV (giám khảo) là những ca sĩ, nhạc sĩ nổi danh nhận xét và giành giật thí sinh về với đội mình bằng những cách dụ dỗ rất dễ thương và tài tình.
Qua những bài hát trong chương trình này, những kỷ niệm thời thơ ấu và sinh viên lần lượt hiện về. Ngày ấy, những năm 1955 – 62, gia đình tôi sống thanh bình ở làng quê với bà con, họ tộc, láng giềng sau thời kỳ Việt minh đầy khó khăn ngột ngạt và nghi kỵ lẫn nhau do chính sách cô lập địa chủ trước đó. Anh chị tôi đều chơi mandoline giỏi và nhà tôi cũng có radio sớm nhất xã. Từ các anh chị, tôi được nghe những bản Chuyến đò vĩ tuyến, Bức tâm thư (Lam Phương), Hướng về miền Nam (Trọng Khương). Sau đó được nghe Chiều mưa biên giới, Sắc hoa màu nhớ (Nguyễn Văn Đông), Mấy độ thu về, Biệt kinh kỳ, Nếu một mai anh biệt kinh kỳ (Minh Kỳ & Hoài Linh), Nhớ một người (Mạnh Phát & Hoài Linh), Cánh buồm chuyển bến (Hoài Linh), Các anh về (Hoàng Thi Thơ). . . và hàng trăm bản nhạc khác mà cả ca từ lẫn nhạc điệu đều cuốn hút người nghe bởi sự dặt dìu của âm điệu và dễ thương, nhân ái trong lời ca.

3. Khi tuổi đã về chiều, mỗi lần nghe hoặc hát lại, tôi thường ngẫm nghĩ về ý nghĩa lời ca và chợt giật mình tự hỏi những nhạc sĩ sáng tác những bản nhạc nói trên có viết theo “đơn đặt hàng” của bộ Thông Tin, Tổng cục Chiến Tranh Chính trị hay bộ Dân Vận Chiêu hồi sau này? Lý do dễ hiểu là nội dung (có bài) đề cao tinh thần phục vụ tổ quốc của người lính, biết xếp tình riêng để lo việc nước non và tuyên truyền cho cuộc sống no ấm của miền Nam.
Đến bây giờ, câu trả lời của tôi vẫn là: KHÔNG. Họ sáng tác theo cảm hứng và sự rung động tự nhiên của con tim mình. Có hai lý do giải thích điều này: Ở miền Nam, trong những năm 1955 – 75, người nghệ sĩ hoàn toàn tự do trong sáng tác VHNT, không bị ràng buộc bởi bất cứ tổ chức, chỉ thị, nghị định nào vì nghệ thuật miền Nam tự do hoàn toàn. . . vị nghệ thuật!.
Những phần sau, mời các bạn tham khảo những trích đoạn nhạc của các tác giả dẫn thượng để rõ vấn đề:
Tâm tình người lính của Nguyễn Văn Đông trong “Chiều mưa biên giới” là:

“Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gởi ra sa trường
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi”

Cũng thế, trong “Sắc hoa màu nhớ”, người lính ấy nói về mình:

“Đời tôi quân nhân, chút tình duyên gởi núi sông
Yêu màu gợi niềm thủy chung
Nhung rồi vẫn nhớ một trời vẫn nhớ đời đời
Phượng rơi, rơi trong lòng tôi “.

Trong “Chuyến đò vĩ tuyến”, nhạc sĩ Lam Phương hóa thân vào một cô lái đò đưa người qua sông Bến Hải để vào miền Nam, nơi ấy “sống thanh bình”, nơi ấy “tình ngát hương nồng thắm”:

“Vượt rừng vượt núi đến đầu làng
Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến
Phương Nam ta sống trong thanh bình
Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng”

Miền Nam ấy, với nhạc sĩ Trọng Khương là giàu có, bao dung và đầy ắp tình người:

“Đi về miền Nam
Miền thân yêu hương lúa tràn ngập đầy đồng
Đi về miền Nam
Miền thân yêu đất rộng cùng chung đời sống”.

Với hàng trăm bài hát viết về người lính tôi được nghe, hầu như chưa có bài nào kích động giết chóc, hận thù mà chỉ là:

“Rồi ngày mai ra đi
Chốn biên thùy anh sá chi gian nguy
Có bao giờ anh nhớ chăng
Đêm nào nằm gần nhau
Hồn xây mộng ước mai sau” (Tình anh lính chiến – Lam Phương) (2)

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trong nhạc phẩm “Các anh về” khi kể niềm vui của xóm làng đón mừng những người lính chiến thắng trở về cũng không hề có lời nào mô tả lòng tự mãn của người “bên thắng cuộc” mà là:

“Anh ơi anh ơi! Biết rằng đời là tranh đấu
Xóm làng hận thù khắc sâu bao câu
Nhưng đôi mắt ai, mỗi lần nhìn nắng Thu buồn
Nỗi sầu về chiếm tâm hồn bơ vơ”

Trừ nhạc sĩ Hoài Linh sinh năm 1920, (người được đánh giá là có lời ca đơn sơ bay bướm, văn hoa, có vần có điệu. “Mỗi lần soạn nhạc, ông viết ra giấy cả một lô danh từ hay tính từ cùng vần với câu trên để ông để lựa chọn. Hoài Linh thích sử dụng từ Hán Việt. Nhiều nhạc sĩ đã nhờ ông viết lời nhạc của mình như Minh Kỳ, Tuấn Khanh, Tấn An, Song Ngọc, Mạnh Phát, Văn Phụng, Nguyễn Hiền…”) (3), các nhạc sĩ nói trên đều sinh trong những năm từ 1926 – 1937 độ tuổi phải đi quân dịch, việc họ trở thành sĩ quan, giữ cấp bậc và chức vụ cao là thường tình, nhất là khi họ có tài. Lam Phương nhập ngũ từ 1958, về lại dân sự một thời gian rồi trở lại quân ngũ. “Ông gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An. Sau khi đoàn này giải tán, ông tham gia ban văn nghệ Hoa Tình Thương và sau cùng là Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương cho đến ngày 30/4/75” (4). Nguyễn Văn Đông đi lính từ thời Pháp, qua QLVNCH năm 1955 và “sau ngày Đảo chính 1/11/1963, ông được thăng cấp Thiếu tá và được chuyển về Bộ Tổng Tham mưu phục vụ ở Khối Lãnh thổ. Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1968, ông được thăng cấp Trung tá phụ trách một Phòng trong Khối Lãnh thổ. Ngày Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1972, ông được thăng cấp Đại tá chuyển sang làm Chánh Văn phòng cho Tổng Tham mưu Phó. Ông đã ở chức vụ này cho đến cuối tháng 4 năm 1975” (5). Hoàng Thi Thơ “là người duy nhất được Bộ Thông tin và Tổng cục Chiến tranh Chính trị Việt Nam Cộng hòa nhiều lần cử thành lập và dẫn các đoàn văn nghệ Việt Nam sang Châu Âu trình diễn. Sau năm 1975, tại Việt Nam, ông cùng với nhạc sĩ Phạm Duy là hai người bị cấm về nhân thân (cấm toàn bộ tác phẩm)[2], đến đầu năm 2009, một số bài hát của ông mới được Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép phổ biến trở lại” (6).
Việc một nhạc sĩ viết nhạc và ký thác tâm tình về những gì liên quan đến công việc như họ đã viết về đời lính cũng là chuyện thường. Trong thực tế ngày ấy, lương sĩ quan, tác quyền âm nhạc, mở các hãng đĩa nhạc đã làm cho họ quá giàu có để không cần phải sáng tác theo đơn đặt hàng.

4. Sau đó vài năm, khi chiến tranh Việt Nam sôi động dần, tôi nghe “Tâm sự của em” – Anh Bằng & Huy Cường, phần điệp khúc có tâm sự của người vợ khi chồng ra trận – khi người chồng trách là “xa anh nhiều rồi em quên nụ cười”, là “phai lạt màu phấn hoa đào”, là “nét môi thắm đượm sầu đau” – cũng rất nũng nịu, dịu hiền và dễ thương rất mực để không làm “nãn lòng chiến sĩ”:

“Không không trăm lần không ngàn lân không
Không không trăm lần không vạn lần không
Anh cứ vui tranh đấu cho quê hương hoà bình
xây đắp cho tương lai đời mình
đó là ước nguyện của em và của anh”

Bản nhạc “Giấc ngủ cô đơn” của Anh Bằng & Hoài Linh có hai câu có hơi hướng chiêu hồi nhưng cũng không hẵn:

“Anh, người bên vĩ tuyến, xin nhớ quay về..
khung trời miền Nam sống trong tình thương”

Trong “Cánh buồm chuyển bến” nhạc sĩ Hoài Linh nói về những người lầm đường lạc lối theo cộng sản, quay về với Quốc Gia như những “cánh buồm”. Ở lời 2 ông viết:

Có những cánh buồm chuyển bến quay về, về với quê hương
Phương Nam mong chờ giờ đã neo bờ mừng hoen đôi mi”.

Còn có thể dẫn ra nhiều chỗ trong nhiều sáng tác của các nhạc sĩ giai đoạn 1956-62 mà tôi yêu mến để làm chứng rằng yêu cầu tư tưởng (nếu có) trong tác phẩm là do tự thân tác giả hơn là theo đơn đặt hàng. Ngược lại thì quả là họ quá tài tình để không trơ trẽn, lộ liễu mà lời ca thật sự đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng thanh thoát. Bởi đó, nó tồn tại với thời gian và vẫn mãi cuốn hút hồn người, đến nay, sau hơn sáu mươi năm.

Nguyễn Hoàng Quý
(1) https://www.facebook.com/quy.nguyenhoang/posts/1481730591846796
(2) https://tuongtri.com/2016/02/22/tinh-anh-linh-chien/
(3), (4), (5), (6) theo Wikipedia