17 August 2017

VŨNG LẦY - Thế Giang

The Queue of Desperation
Trine Meyer Vogsland

“Bắt quần đùi, phải quần đùi,
Cho may-ô mới được phần may-ô.”
(Kiều hiện đại)

Tôi lượn lờ đạp hai ba vòng trước tòa nhà cổ mà chưa quyết định dừng xe. Lúc này là 9 giờ, giờ làm việc bắt đầu từ 8 giờ, nhưng các bà nhân viên có thói quen tranh thủ ghé vào cửa hàng rau mậu dịch vào giấc này nên chưa chắc đã làm việc.
Chưa cà phê, chưa nước trà, mới luyện suông mấy chưởng thuốc lào nên tay lái bồng bềnh như đi trong mộng, tôi tặc lưỡi dấn người đạp thêm một vòng nữa. Âu cũng là bài tập thể dục buổi sáng!

Khuya hôm qua, thấy chồng đã chập chờn ngủ, vợ tôi lẳng lặng lột ví lấy lại số tiền nàng đã phát cho tôi từ đầu tuần để tiêu vặt. Cuối kỳ lương nào chả vậy. Tôi lờ như không biết, xoay mặt vào tường rồi mừng thầm là đã kịp phân tán mỏng mấy đồng bạc ra cái túi để tránh cuộc “kiểm tra hành chính” thành thông lệ này. Nhưng gần 10 năm “nâng khăn” cho chồng, nàng đã lành nghề “sửa túi,” đồng bạc ốm o tội nghiệp để dành cho chén nước trà cũng bị sung công nốt. Thật chả còn chỗ nào mà bàn tay thân yêu mềm mại này không mò tới.

Đó chính là lý do khiến tôi vật vờ lượn quanh tòa nhà này. Trong sân lác đác đã có mấy chiếc xe đạp dựng. Tôi hoảng hồn khi nhác thấy đặc điểm dị biệt trên mấy chiếc xe của đồng nghiệp. Phải vào ngay không thì “chúng nó” vét hết tiền. Hấp tấp lao xe lên vỉa hè, tôi xồng xộc đâm đầu qua cổng sắt.

– Giấy tờ đâu? Làm gì mà hùng hổ như đi ăn cướp thế hả?
Ông thường trực già thò đầu ra khỏi trạm gác quát giật giọng. Tôi dựng vội xe vào tường rồi lật đật chạy lại, miệng cười giả lả:
– Thưa bác, tại cái xe của cháu không có phanh nên bị lỡ đà…
Nheo mắt đọc tấm thẻ hội viên hội nhà văn của tôi thay cho chứng minh nhân dân, ông già cự nự:
– Cán bộ văn hóa gì mà lại tác phong thiếu văn hóa, không biết tôn trọng qui tắc gì cả!
Tôi cười xí xóa, tay chìa sẵn đợi ông trả lại tấm thẻ. Nhà xuất bản Phụ Nữ ăn nên làm ra chắc? Tòa nhà cổ, xây kiểu pháo đài vuông chằn chặn, cửa sổ nhỏ không có chỗ bám để leo lên, Tây xây từ hồi mới bình định xong Bắc kỳ, đã được quét vôi lại ở mặt trước. Có hy vọng lắm chứ chả chơi! Tôi sốt ruột đợi ông già giải phóng cho để còn chạy lên gác.
– Lê gì đây… Văn Cuôm à? Nhà văn nhà báo gì mà đặt tên như dân mò cua bắt ốc thế này?
Không đế mất thì giờ cho chuyện tự ái vặt, tôi trả lời, miệng vẫn cười tươi:
– Cha mẹ đặt sao thì con chịu vậy bố à…
Nắm tấm thẻ trong tay ông già, tôi chì chực kéo lại. Nhưng ông vẫn chưa chịu nhả nó, còn đảo mắt nhìn khắp người khách một lượt để tìm kiếm. Có điều gì cần dạy dỗ nữa chăng? Bị con cháu bỏ rơi, xã hội chen bắn ra bên lề, suốt ngày ngồi ngủ gật ngoài trạm gác, đây là dịp may hiếm có để các cụ chứng tỏ uy quyền, sự tồn tại của mình. Thời buổi này ai cũng có quyền giáo dục ai. Tôi sốt ruột thở dài, tay khư khư nắm một nửa tấm thẻ.
– Anh đến cơ quan có việc gì?
– Thưa bác cháu đòi… – Tôi vội thay đổi – Thưa bố con đến để liên hệ công tác ạ…
– À… Thế anh muốn gặp ai?
Tôi bịa bừa là cần gặp ông Giám đốc Nhà xuất bản. Ông già mắc mưu, vội buông tấm thẻ rồi ân cần chỉ dẫn:
– Thế này nhé… Anh vào cửa chính, lên cầu thang rồi rẽ vào dãy phòng bên trái. Bỏ qua bốn phòng đầu, đi gần hết hành lang thì đến phòng thư ký xin gặp Giám đốc. Cái phòng của cô đẹp đẹp người ấy, phòng bên cạnh của bà già kế toán, không phải đâu. Nhớ gõ cửa rồi hãy mở nhé…
Biết rồi, khổ lắm. Tôi bắt đầu ân hận vì trò mánh mung của mình. Không có tấm thẻ thì không làm ăn gì được. Ông già vừa lơi tay, tôi liền rút nhanh nó về, cắm đầu bước.
– Này này, sai đường rồi anh kia ơi…
Tôi tảng lờ như không biết, vẫn đi thẳng. Ông già rời trạm gác, đuổi theo nắm lấy tay tôi kéo lại:
– Đây cơ mà… Tôi đã chỉ đi cổng chính rồi, còn xăm xăm đâm đầu vào đây.
Ông sốt sắng lôi tôi ngược trở lại.
– Cháu cháu… con còn đi tiểu một cái đã ạ.
Tôi chỉ tay về phía cầu tiêu nằm ở góc sân. Ông già vỡ lẽ, gật gật đầu.
– Tiểu xong nhớ dội nước nhé… trời mùa hè…
Không đợi ông nói hết câu, tôi trốn ngay vào đó cho xong chuyện. Lại phải đợi nồi cháo ám quay lưng đi rồi mới lẻn ra ngoài được. Đã khốn khổ khốn nạn bao nhiêu lần rồi mà không chừa, tôi nguyền rủa thói quen dối trá ngấm đến tận xương của mình.
Phòng kế toán nhuận bút nằm ở trên gác, phía sau tòa nhà, lối đi lên bằng cầu thang phụ, ngày xưa dành cho con sen, đầu bếp, lái xe cho mấy ông Tây ra vào. Cái cầu thang bằng gỗ, ọp ẹp, lâu ngày không được sửa này tôi đã thuộc lòng nên bước trong bóng tối mà không hề e ngại. Bậc thứ 17 bị long đinh, cẩn thận! Tôi chưa bị ngã lần nào, nhưng nó đã kiếm khá nhiều mồ hôi gáy của tôi. Bậc cuối cùng cao hơn các bậc khác một chút. Nhiều ông chủ nợ đã hăm hở bước hụt, ngã văng cả răng giả, kính cận, điếu cầy “dã chiến” ở đây. Vừa đặt chân lên hành lang thì tôi sực nhớ mình chưa khóa xe đạp. Trời hỡi, làm sao lại có thể đãng trí đến như vậy nhỉ? Cái việc làm gần như phản xạ vô điều kiện này từ lúc mới biết đi xe đạp tôi chưa hề quên một lần, thậm chí bất chợt gặp bạn bè giữa đường, ngồi lù lù trên yên nói chuyện cũng thò tay nhấn cái khóa càng cua để đến lúc đạp đi bị ngã đánh rầm một cái.
Lại phải xuống khoá xe. Thêm một lần đụng độ với ông già lẩm cẩm. Rách mất việc. Bỏ cái xe không khóa giữa cơ quan lạ? Bất trắc không kém gì thả đứa trẻ mới chập chững biết đi ở giữa chợ một mình. Không thể liều lĩnh được. Mất xe đạp là cái chuyện quá sức chịu đựng với mọi người. Kẻ yếu tim thường bình tĩnh nở nụ cười ngạc nhiên rồi từ từ đổ người xuống đất ngất xỉu ngay tại chỗ. Người cứng bóng vía hơn thì vò đầu bứt tai “Tôi vừa đứng ở đây chưa đầy một phút để mua điếu thuốc…. Tôi vừa thay đổi lốp mới cho nó… Chết cha tôi rồi, của nhà có mỗi chiếc xe đạp…” rồi quăng cả dép, đi chân đất chạy tất tả ra giữa ngã tư đường. Nghe người này nói “Hình như nó chạy thẳng…” liền đâm bổ tới. “Không, nó rẽ đây cơ…” Vội chạy ngược lại như con rối, rồi nhìn ai cũng ra thằng ăn cắp xe của mình. “Tổn thất này vô cùng lớn lao, đau thương này thật là vô hạn… ” Chỉ có lời ai điếu của đồng chí Lê Duẩn về cái chết của Hồ chủ tịch mới nói lên được nỗi thống khổ vô bờ này. Mất chiếc xe, mất một món tiền… như cuộc đời đã mất bao nhiêu cái, người võ sĩ bị đo ván rồi thì đáng kể gì mấy đòn đánh hôi? Cái đáng sợ nhất là phản ứng của con người khi mất của. Tôi đã cần mẫn ghi chép hành động bộc phát đáng thương của đủ loại người để làm chất liệu sống cho nghề nghiệp, giờ chắc đến lượt mình? Trời đất ơi, tôi cũng không biết mình sẽ xử sự ra sao khi đối mặt với tai họa này.
Tôi lao người xuống cầu thang, gần như ba bậc một. Tạ ơn trời, nó vẫn nằm chình ình ở sát tường, ngây thơ phơi mình dưới nắng. Ông thường trực già đã chúi mũi vào tờ báo. Tôi nhẹ nhàng lại gần, cúi xuống làm mấy thao tác kỹ thuật. Khóa vậy cũng chỉ phòng người ngay thôi, đối với kẻ gian thì khác nào một lá bùa dán bằng nước bọt. Vợ tôi ngày nào cũng rên rĩ chồng vì tính đãng trí. Nàng khoác lên chiếc xe không ra hình thù của tôi đủ các thứ khóa của Tiệp Khắc, Trung Cộng, Liên Xô, tôi lại lặng lẽ tháo ra vứt một đống ở xó nhà. Nàng trù ẻo rằng thế nào cũng có ngày đi bộ về nhà, tôi cười, yêu cầu mua hộ chiếc còng số 8 của công an xích liền cả người lẫn xe lại mới chắc ăn, vì bao nhiêu thằng khoá trước khóa sau, khóa trên khóa dưới mà mất vẫn cứ mất, còn biếu thêm kẻ gian mấy cái khóa để uống rượu ăn mừng. Thế mà hôm nay tôi bỏ quên người bạn đời, bạn tù của mình. Bỗng dưng thấy thương nó hơn, tôi lùi hai bước để ngắm nghía. Để nó côi cút một mình như mời gọi lòng tham là không nên. Vẫn nguyên cả khóa, tôi lại lễ mễ khuân nó đặt cạnh mấy chiếc xe sáng giá khác. Thằng ngu nhất cũng biết nên thu hoạch chiếc nào cho xứng đáng với tội vạ phải chịu. Xong việc rồi tôi mới thấy mình thật gian ác. Nhưng biết làm thế nào hơn, xin thú thật với các bạn. Nếu phải hy sinh cả Trung ương Đảng lẫn đồng chí Tổng thư ký Hội Nhà Văn cho chiếc xe tôi cũng sẵn lòng.

– A… chào mày !
Vừa thấy mặt tôi, thằng Nghiêm Đa Văn đã hét tướng lên, ngón tay quay tít chùm chìa khóa.
– Sao đi đâu cũng gặp mày thế này ?
Không mất lòng với câu nói móc, hắn nhe răng cười hì hì. Cây bút Đa Văn mà không Nghiêm này đang độ sung sức, hắn viết như vịt đẻ, về đủ các đề tài rồi thả câu cầu may ở tất cả các nhà xuất bản. Đúng như tôi dự đoán, “các bà” vẫn chửa bắt đầu làm việc. Gần chục các ông chủ nợ ngồi trầm lặng trên hai dãy ghế băng dài kê sát tường hành lang chật hẹp, hút thuốc lào vặt hoặc xem báo. Một vài người giơ tay chào tôi, đầu không ngẩng lên. Tôi chào tập thể cả hai dãy, cũng chả buồn nhìn họ. Đưa tấm thẻ của mình vào để xếp hàng xong, tôi cũng ra ngồi nhập bọn. Từ cầu thang lại vang lên tiếng thở khò khè của người mới tới. Chúng tôi cùng dỏng tai nghe ngóng.
– “Bỉ Vỏ” đấy…
Thằng Nghiêm Đa Văn thì thào:
– Chưa chắc… Già rồi, leo cầu thang không nổi đâu.
– “Hổ nhớ rừng.”
– Nghe nói tuần vừa rồi say rượu ngã sái tay phải nằm nhà thương…
Tiếng ho khù khụ nổi lên, tiếng hỉ mũi, rồi tiếng guốc lê loẹt quẹt đến gần.
– Tao đoán có sai đâu, đúng “Bỉ vỏ.”
Thằng phổi bò đắc chí vỗ vai tôi. Nó luôn có sức cho những suy đoán vớ vẩn, chả để làm gì. Đám chủ nợ cúi xuống đọc báo tiếp, hoặc úp mặt vào bàn tay ngồi chờ. Họ không lạ gì tiếng guốc này. Tác giả “Bỉ vỏ” dùng nó như chiếc cầu câu cơm. Mỗi khi đi đòi nhuận bút, ông khua ầm đôi guốc mộc từ cửa nhà xuất bản rồi rêu rao rằng lê đã mòn cả gót rồi mà chửa lấy được tiền. Các ông cai văn nghệ không dám dây dưa với “Chí Phèo” trong làng, vội dấm dúi cho ít tiền bịt mõm để cụ ra về. Như vậy lại càng khổ hơn, “Bỉ vỏ” phải đi lên đi xuống nhiều lần cho số tiền còm của cuốn sách. Tôi vội nhích ra nhường chỗ cho bậc đàn anh lận đận. “Bỉ vỏ” khò khè cảm ơn, giọng lẫn đàm, rồi rút khăn ra lau mồ hôi gáy. Tôi nhắc cụ đưa thẻ để xếp hàng. Cụ lại nổi cơn ho, nhưng vẫn cố gật đầu, tỏ ý đã hiểu. “Bỉ vỏ” rệu rạo lắm rồi, từ mấy năm trước đã than thở với bạn bè rằng “Không biết có qua được mùa đông này,” thế mà vẫn sống lây lất với cái bệnh thời khí cảm cúm. Ngồi cạnh ông, ngoài vẻ tiêu điều của nhà văn bạc nhược sức sống, tôi còn ngửi thấy cả mùi người già. Quanh năm tứ thời chỉ một cái áo lính vải dầy bọc lấy thân thể gầy còm như mình con chim chào mào, với đủ các mùi thuốc uống, dầu gió, thuốc lào, bã rượu quệnh lẫn trong mồ hôi của người lâu ngày không tắm gây cảm giác tanh tanh, lợm giọng.
– Đất nước mình bây giờ lấy bến xe với cửa hàng gạo làm chuẩn, chỗ nào cũng bắt chước nhau cái trò đăng ký với xếp hàng…
Chưa dứt lời cụ đã bưng lấy miệng, ho rũ rượi.
– Chưa chen lấn đập đầu nhau ở đây cũng là may lắm rồi… Tôi đỡ lời, nhanh tay đưa cho cụ cái khăn mùi xoa vo tròn trên ghế. Mang mặc cảm của người già bệnh tật, cụ xoè hai bàn tay trước mặt mọi người để chứng minh rằng chưa thổ ra đờm, rồi thả cái khăn xuống ghế trở lại.
– Lỡ việc thì thôi chứ dứt khoát không bao giờ tôi chịu xếp hàng!
Dứ dứ nắm đấm trơ xương trên không, “Bỉ vỏ” xác quyết lập trường của mình. A, thì ra đánh vỡ mặt chế độ không được, ông cụ bày tỏ thái độ chống đối của mình bằng hành động tiêu cực như vậy. Để rồi xem. Một vài người xì xào cười khẽ với nhau. Cho dù là nhà văn, về già rồi vẫn dở chứng gàn như thường.
– Bên Văn Học năm nay mất mùa hay sao mà kéo hết về đây nhỉ?
Cụ thả lửng câu hỏi trước mọi người.
– Có lẽ vậy… Ông Trường Chinh hô hào mãi, chả thấy tác phẩm nào xứng đáng với tầm vóc của lịch sử ra đời, nên quyết định trừng phạt đấy ạ.
Tôi rụt rè đưa ra nhận định của mình. Mọi người khó chịu quay sang nhìn con người thông thái không đúng chỗ. Ông cụ nhặt cái mùi xoa đưa lên hỉ mũi.
– Hử… Cả nước bám vào gấu váy đàn bà mà sống. Cánh mình báo cô nhà xuất bản chị em đến bao giờ đây?
Một cây bút lớn tuổi, đã cạn mực, ngồi đối diện bị chạnh lòng bèn lên tiếng:
– Váy đàn bà còn thơm chán so với tã trẻ con…
“Bỉ vỏ” lâu nay cải bút hiệu để viết cho nhà xuất bản Kim Đồng, biết ông bạn chửi xỏ mình bèn rút cái đồng hồ quả quít trong túi quần dí sát vào mắt, đủng đỉnh đáp lời:
– Tôi hẹn thằng xích lô 11 giờ hãy trở lại đón mà nó đã mò lên đây rồi…
Cả hai dãy ghế cùng rộ lên tiếng cười. Ông bạn ngứa miệng nọ tái mặt, nhưng cũng cố cười theo rồi cau mày nghĩ cách chơi lại. Dứt tràng cười, mọi người trầm lặng, chờ đợi cuộc khẩu chiến. Tôi thấy ngột ngạt, bèn tháo ngòi nổ:
– Nghe nói từ quí tới, tiêu chuẩn thuốc lá của anh em mình được tăng?
– Phải đấy, phải đấy! Mỗi tháng được chín bao thuốc lá, ba gói thuốc lào.
Một cây bút trẻ ăn mặc lôi thôi, tóc phủ lòa xòa trước trán nhanh nhảu xác nhận.
– Có thế chứ! Ai đời tiền nhuận bút không đủ để hút thuốc lá ngoài thì viết với lách cái gì?
Một cái đầu bù xù, nổi tiếng khắp Hà Nội về tài uống rượu chịu đang gục mặt ngủ vội hớn hở lên tiếng.
– Khi nào cầm được nó trong tay hẵng nói, mừng sớm làm gì với những dự định của Nhà nước?
Thi sĩ lớn tuổi, một thời được ưu ái trong phong trào cổ động hợp tác hoá nông nghiệp, nay đã thất sủng, đai giọng dội nước lạnh vào tin mừng. Mọi người bực mình quay lại nhìn vị ca sĩ lạc giọng trong ban đồng ca. Ông ta đã phạm một lỗi lầm lớn, đánh đúng vào điểm dễ xúc động nhất của con người thời nay vốn chỉ sống bằng hy vọng! Thái độ hầm hè của họ cho tôi biết sắp sửa có một vụ “bề hội đồng” kẻ đã vi phạm kỷ luật sống. Ngồi chung thuyền với các thầy đời thật là mệt. Lúc vui vẻ no cơm ấm cật thì không sao, những lúc mất mùa đói kém như thế này ngần đó bộ não thông minh, nhưng thiếu sáng suốt, cương lên, sẵn sàng hiểu lầm một câu nói không chứa ẩn ý của người khác để nhảy xổ vào tụt quần, xé áo nhau.
– Hút thuốc lá cũng tỉ như húp nước suýt, không có thuốc người ta cho mình húp nước sáo vịt cũng được rồi…
Một cụ già tóc bạc trắng như cước, da đỏ, râu xén tỉa viền quanh mép đủng đình chữa lửa bằng lối nói hàng hai.
– Cái anh T. kia nói cũng đúng. Đây này… — Ông chậm rãi nhấm nước bọt vào ngón tay, lật trang báo Nhân Dân — “Sự độc hại của chất Ni-cô-tin… ” Khi nào thiếu gạo để bán cho dân thì người ta dậm dạp trước trên báo rằng ngô, khoai, sắn, bobo… ấy xin lỗi, “cao lương” bổ hơn gạo. Muốn cắt tiêu chuẩn thuốc lá thì “Ni-cô-tin – kẻ giết người.”
Mép nhếch lên cười hóm hỉnh, ngón tay vê vê mấy sợi râu ông chìa tờ báo cho mọi người xem. Cả hành lang trầm lặng để tung tin mừng yểu mệnh. Một người ngáp, hai người, ba người… Không ngăn được nữa, tiếng ngáp như phản ứng dây chuyền nổi lên suốt hai dãy ghế. Khi độc khí của cái tin vịt đã trút hết ra khỏi người, cả bọn chợt nhìn nhau rồi phá lên cười, vẫn cái giọng khề khà cắt nghĩa, vẻ mặt tinh quái của con người biết cách cưỡi lên lưng cuộc sống, ông cụ nói tiếp:
– Các anh cứ cậy mình là nhà văn, không thèm đọc báo. Báo cũng bổ ích lắm chứ, không những cho cách mạng mà đối với mình cũng lắm cái hay. Tờ Nhân Dân này nó như cái nha dự báo thời tiết về đời sống, có điều đáng buồn là toàn thời tiết xấu thôi…
Khuôn mặt “Vang bóng một thời” này đủ tư cách để dạy dỗ đám lau nhau tụi tôi. Không ai dám xù lông giơ cựa ra với ông ta, ngay kể cả chính quyền thỉnh thoảng bị ông tiểu bậy một bài trên báo cũng im thin thít như gái ngồi phải cọc, rồi về nhà trùm chăn đánh mấy thằng chủ bút dại dột của mình…
– Đời cứ lừa quanh quẩn lẫn nhau. Mình lừa đời những cái lớn trong tư tưởng để đổi lấy điếu thuốc, chén rượu, rồi chén rượu điếu thuốc nó cũng học cách lừa lại mình.
“Bỉ Vỏ” rút chân lên ghế cười khẩy, lẩm bẩm một mình. Thằng Nghiêm Đa Văn trườn người tới, thò chân khều đôi guốc của cụ. Nháy mắt với tôi, nó đá nhẹ chiếc “cần câu cơm” vào gầm ghế rồi thu mình lại như cũ, mặt thản nhiên như không. Cái thằng trẻ không tha già không thương này không từ một việc gì. Mấy năm trước, rình lúc tối trời nó lẻn vào trụ sở Hội Nhà Văn viết một cái thông cáo giả lên tấm bảng lớn dựng sát ngoài đường “Bàn viết giá cung cấp. Mỗi hội viên được mua một chiếc giá 65đ. Ghi danh, đóng tiền cho chị L. thủ quĩ!” Một người đọc được, rỉ tai cho người khác, cái tin sốt dẻo chạy nóng cả Hà nội, bà con cuống cuồng đi vay tiền rồi lũ lượt kéo đến xếp hàng, sợ hết. Ban chấp hành Hội giải thích thế nào họ cũng không thông, còn đổ oan cho cơ quan thấy lời, tuồn bán ra ngoài. Bao nhiêu tội vạ trút lên đầu bác lao công của Hội, đến nỗi ông già phải tổ chức một vụ tự tử giả để minh oan. Cánh công an đánh hơi được liền đem chó săn tới truy tìm kẻ phản động ném đá giấu tay. Thấy trò đùa đã bị qui kết thành chính trị, hoảng quá nó bèn đứng ra tự thú để lãnh hình phạt treo bút một năm.
– Trời nực thế này mà được một chầu tiết canh lòng lợn thì chết cũng sướng nhỉ?
Cái đầu bù xù chuyên uống rượu chịu chợt thốt lên trong tiếng ngáp. Thế là cả bọn nhao nhao hưởng ứng. Người này mách một hiệu mới mở ở đầu Lò Đúc, đang câu khách nên bán rẻ, kẻ khác gạt đi, rằng con mẹ Đông “nái” đã tái xuất giang hồ ở Hàng sắt còn ngon hơn mà vẫn rẻ. Mỗi người một quán, một cách ăn, một thời điểm ăn, ngậu xị hết cả lên, chỉ thiếu mỗi một điểm trong đạo ăn của cụ Tản Đà là bạn ăn.
– Mày ve vẩy như cái đuôi con lợn, cũng chỉ dừng lại ở phần đuôi, biết gì đến lòng ruột tiết canh mà đòi dậy dỗ người khác?
Đấy, lại muốn đập vào đầu nhau rồi. Cây bút trẻ đang tạo vẻ sành đời, người đã viết được mươi truyện ngắn cho báo Văn Nghệ, thường phơi mình trong các quán cà phê với hình hài bôi bẩn đến thái quá cho giống các nghệ sĩ cỡ lớn, đỏ bừng mặt nhìn địch thủ. Vành môi trên mỏng, lưa thưa một túm râu tơ hoe đỏ, dài luộm thuộm, doe ra run rẩy chọn chữ trong cơn giận.
– Còn mày, thằng “cây nhà lá vườn,” tháng nào chả đóng cửa ăn tiết canh cuối kỳ của vợ.
Đám “thực khách” dại mặt nhìn người tuổi trẻ tài cao. Thi sĩ thất sủng há hốc miệng như gái bị lột quần, ấm ứ trong bụng. Xã hội vô trật tự thì văn chương cũng không có kỷ cương. Một vài cây bút choai choai múa gậy trên đám bèo thời sự của cách mạng, võ vẽ dăm ba miếng dắt lưng quần, được nâng lên bởi mấy bài phê bình văn học lấy tiêu chuẩn chính trị làm đầu, đã nhìn đời bằng nửa con mắt, cho phép mình đù mẹ tất cả. Đùa với chó thì chó liếm mặt, tôi lẩn tránh cái nhìn ác ý của anh bạn trẻ, sợ sẽ đến lượt mình được cho ăn tiết canh.
– Lòng biết làm thì vừa dòn vừa thơm, vụng tay dao để nó toé cứt ra thì… Các anh định tung xú uế đãi cả làng đấy à?
“Vang bóng một thời” ngậm ngùi chửi đểu cả đôi bên, mặt đầy bẽ bàng. Hai con gà đá buông tha nhau, nhưng ánh mắt vẫn đầy hằn học. Oán cừu này sẽ được trả tại quán rượu suông ở phố Tạ Hiền vào chiều nay, nếu không đòi được nhuận bút, còn ngược lại, thì oán trở thành ân, họ sẽ bá cổ nhau đi làm chầu thịt chó để làm lành. Đầu óc đang ngổn ngang như cái sọt rác, tôi không muốn rước thêm mấy chuyện lôi thôi vào mình, bèn vơ tờ báo rúc đầu đọc để được yên thân. Người ta nói các nhà văn như trẻ thơ kể cũng đúng. Họ dễ giận nhau, khi giận thì chửi nhau động mồ động mả, có thể hộc máu mồm ra mà chết nếu là người kém tiếng chửi, nhưng biết đau khi bị chửi, rồi họ cũng dễ làm lành với nhau hơn hai bà hàng chợ sau cơn xích mích. Hồng phúc đó một phần bởi chợ chiều Hà Nội lèo tèo có vài quán rượu (uống chịu được) ra vào đụng mặt nhau hàng ngày như vợ chồng dưới một mái nhà thì giận nhau lâu làm sao được. Phần lớn có lẽ nhờ Đảng không dư giấy mực cho những trò chửi bới gây mất đoàn kết trên báo, nên các danh dự bị xúc phạm không mất thể diện với người đọc, không phải gồng mình cõng một đám cổ động viên đánh trống thổi kèn trên lưng để xông vào húc nhau.
Tờ báo chẳng có gì để đọc. Ngoài tin hỏa hoạn, thiên tai, lạm phát, thất nghiệp ở các nước tư bản. “Cách mạng Grê-na-đa nhất định thắng!”. Rồi; lại tiêu đời một cuộc cách mạng. “Tình hữu nghị Việt Xô đời đời bền vững.” Không biết đã có hục hặc gì chưa mà vợ chồng phải nặng lời thề thốt thế này. Tôi cố gắng nhai cho hết bài xã luận. Vấn đề trời ơi đất hỡi này lại liên quan mật thiết đến nguồn giấy mực viện trợ, nguồn súng đạn để nuôi chiến tranh, đề tài vô tận chúng tôi đã khai thác một cách an toàn. Không sợ bị chụp mũ đi sai hướng, mất lập trường. Lời lẽ thống thiết lắm, đất nước đã ôm hôn nhau thì tại sao không cho con người yêu đương nhỉ? Tôi chợt nảy ý định viết một truyện ngắn, nhân vật chính là một chuyên gia Liên Xô sang giúp ta xây dựng chủ nghĩa xã hội. Anh ta làm việc tận tình, không giấu nghề, hòa mình với công nhân nước bạn (dĩ nhiên rồi). Thông qua lao động, tình yêu chợt nảy nở giữa anh ta với cô kỹ sư trẻ Việt Nam. Mang cả tình cảm của hai dân tộc, hai đảng anh em vào cuộc tình của mình, họ yêu nhau càng thắm thiết hơn, cùng chung lưng đấu cật xây dựng đất nước… Tuyệt! Xác thịt hóa một thứ tình trừu tượng, khô khan của chính trị trong cái lãng mạn của văn học, thổi bùng sức sống vào những bài xã luận, diễn văn công thức đến đông đá. Tình hữu nghị (kèm theo viện trợ) với Liên Xô đang là vấn đề thời sự số 1 của đảng, nếu tung ra sẽ là quả bom nguyên tử nổ trong làng viết lách. “Trung ương ” sẽ ngạc nhiên hỏi thằng Lê Văn Cuôm này là ai, giới lãnh đạo văn nghệ sẽ hoảng hồn đứng nép qua một bên nhường lối cho ta lừng lững bước vào. Ta sẽ đi xe tam mã, ăn sổ Tôn Đản, nói giọng phán truyền trong các hội nghị văn hóa. Ta sẽ bỏ rượu, cai thuốc lào (có thể cả thịt chó) sáng sáng tập thể dục giữ gìn sức khỏe để phục vụ nhân dân. Ta sẽ mất đi một số bạn bè thân thuộc, vợ con sẽ lánh xa một chút, không dám nhìn ta bằng con mắt khinh nhờn, nhưng bù lại ta đã có cả “Trung ương” để giao du mạn đàm… Ơ thật vậy sao? Các Tố-Hữu Tố-nịnh chả đội đít các quan tài đi lên, xây dựng sự nghiệp bằng nghề hát thuê khóc mướn đấy là gì?
Nhưng hãy khoan, vành nguyệt quế đó để dành đến tối về nhà có thì giờ nhâm nhi cho kỹ càng, ta tính chuyện trước mắt đã. Loại sáng tác văn học giàu tính chính trị này bám sát tình hình thời sự nóng hổi của đất nước, thể hiện những nét lớn lao của Cách Mạng, nó chứng tỏ tác giả đã vũ trang cho mình một cách đầy đủ về lập trường tư tưởng để theo kịp sự biến chuyển của cách mạng trong giai đoạn mới. Xếp loại sáng tác I (ba- rem nhuận bút 18đ một trang sáng tác khổ 25x40cm). Các báo, đài phát thanh, nhà xuất bản phải ưu tiên phổ biến một cách nhanh chóng nhất đến đồng bào và chiến sĩ trong cả nước. Kèm theo đấy là ghi chú nhỏ đề nghị các cơ sở phát hành cố gắng thanh toán nhuận bút sớm cho tác giả bằng tiền mặt. Ta sẽ không phải xếp hàng chầu chực xin xỏ, dối trá quanh quẩn để ôm một tấm séc (tiền âm phủ) qua Hội Nhà Văn nộp cống 15% lệ phí và trà thuốc (bôi trơn dầu máy) cho các thư lại, xin rút tiền mặt. Không được, phải kéo nó ra thành tiểu thuyết, hay ít nhất cũng truyện dài chứ truyện ngắn thì uổng quá!
Ngợp lòng với viễn ảnh mà tác phẩm dự định của mình sẽ mang lại, tôi thầm cảm ơn “Vang bóng một thời” đã gợi ý cách đánh hơi, đón gió trên báo cho anh em. Rà lại dàn bài một lượt, tạm yên tâm với ý đồ chủ quan của mình, tôi tìm kiếm những chi tiết, phong cách lạ để bồi da đắp thịt cho tác phẩm. Đề tài này hơi khó gặm một chút. Từ bé đến giờ tôi đã được phép tiếp xúc với người ngoại quốc nào đâu để viết về họ. Trừ một lần vì mải chơi bi, nhỡ dẫm bẩn mất cái mũi giầy của “bác” Liên Xô liền được “chú” công an chìm sốt sắng cho ăn một cái tát nổ đom đóm mắt. Không được, phải dẹp ngay mối “hằn thù cá nhân” này lại, để nó lợn cợn trong đầu khi dựng nhân vật “chính diện,” thế nào mình cũng cho ông ta một cái mũi cà chua, thói keo kiệt cũng như sưu tầm các đồ lẩm cẩm rẻ tiền của xứ Á đông. Được rồi, tôi sẽ về nhà đọc kỹ lại các cuốn sách về “Người Xô Viết chân chính,” cóp nhặt sao chép lại trong đó vậy. Thằng mù vẽ bậy trong thế giới mù thì chả ai biết được đâu. Bây giờ đến chuyện yêu. Cũng khó khăn đấy. Tôi chưa hề yêu một phần lớn những con người lý tưởng, họ không vướng bận thứ tình cảm ủy mị, thừa thãi, không thích hợp với tình hình khẩn trương của đất nước. Nếu phải hương hoa một chút tôi đã vội xúi dại họ động viên nhau lên đường nhập ngũ, chui vào rừng, ra hải đảo rồi bắt họ cười hơn hớn “yêu nước em càng yêu anh đi…” trong những buổi chia ly đôi lứa. Dùng kinh nghiệm bản thân càng khó khăn hơn. Tôi là một thằng “đụt” trong lãnh vực này. Hai mươi tuổi rưỡi, vừa tập tò cất tiếng gáy đã chết ngay từ loạt đạn đầu, để vợ con quàng cái ách vào cổ, cắm đầu như con trâu đi vòng quanh cái máy xay mía làm đường. Sau đó chiều nào cũng tương tư, cũng hò hẹn, nhưng chỉ tựa cửa chờ thằng bạn trúng mánh bất chợt đến rủ đi uống rượu. Có lẽ đành phải về nhà lục tấm ảnh hồi chưa cưới của vợ, đặt trước mặt, lấy bông nhét kín hai lỗ tai để khỏi phải nghe những lời cằn nhằn của nàng rồi tưởng tượng lại thuở e ấp ban đầu mà viết vậy. Cũng kể như xong, giờ đến đoạn kết, sẽ “xử lý” mối tình này ra sao đây. Cứ để cho họ dan díu với nhau mà không trình báo cho tổ chức biết thì thành “quan hệ bất chính,” “tác phong suy đồi tiểu tư sản,” gặp nhà phê bình thối mồm còn gán cho cái tội phụ nữ đi làm điếm thì bỏ mẹ. Cho họ cưới nhau chăng? Lại phải thêm mấy nhân vật phụ là công an đi điều tra lý lịch ba đời của cô gái. Thôi thì đám cưới nào chả lắm gian truân, cố gắng tống tiễn họ lên xe hoa xong, còn phải lo tương lai sau này nữa. Ông bạn chuyên gia nọ chắc chắn không chịu ở lại Việt Nam rồi, hoàn thành nghĩa vụ xa xứ ba năm, có được món tiền để dành, về nước lại được tấm phiếu mua xe hơi ưu tiên không phải xếp hàng thì ở lại đất khỉ ho cò gáy này làm gì? Cho cô gái về nhà chồng luôn! Chả may cái thằng bỏ mẹ ấy liễu chán hoa chê, vứt lăn lóc ở rừng Tây-bá-lợi-á thì cũng mặc. Nhiệm vụ cách mạng nào chả khó khăn, đòi hỏi sự hy sinh của cá nhân con người, so với các chiến sĩ đang làm nghĩa vụ quốc tế bên Căm-pu-chia thì cô gái của tôi còn thơm chán. Giải quyết như vậy là an toàn, đồng chí khe khắt với các me Tây, me Mỹ thôi, me Liên Xô thì “có lợi cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc.”
Tôi thớ phào, khoan khoái rời mắt khỏi bài xã luận. Loáng một cái đã 10 giờ. Gập tờ báo làm tư, tôi phe phẩy quạt cho đỡ nóng. Mấy cây bút già đang sôi nổi bàn cãi về cuốn Thiền Luận do Trúc Thiên và Tuệ Sỹ dịch, không hay biết kẻ ngồi bên cạnh vừa chế xong quả bom nguyên tử. “Bỉ Vỏ” cam đoan rằng nếu ứng dụng vào đời sống hàng ngày sẽ có nhiều điểm lợi, ví dụ phải ngồi chờ lãnh nhuận bút chẳng hạn. Chả biết quái gì về Phật học, tôi ngồi im nghe họ cãi nhau. Cây bút trung niên cũng chán chuyện thiền tụng, uể oải hỏi tôi:
– Cậu đọc cái gì mà say sưa thế?
– À… “Cách mạng Grê-na-đa nhất định thắng!”
– Ôi dào… Tưởng có thêm thịt thà bán cho dân chứ quần đùi đã không đủ mặc mà báo chí lúc nào cũng la hoảng lên, sợ đế quốc Mỹ bóp chết cách mạng Ni- ca- ra- gua rồi sụt sùi than khóc cho nhân quyền không được tôn trọng ở Nam Phi…
Anh ta nhăn mặt phẩy tay như bị ăn phải đồ chua. Tôi cười thầm trong bụng, tự khen mình khéo đánh trống lảng. Cây bút ương gàn này đã được “góp ý” nhiều lần rồi mà vẫn không chừa. Năm ngoái, trong giờ giải lao của hội nghị văn nghệ toàn quốc, ông Hà Xuân Trường bỗng nổi thi hứng, chỉ đám anh em đang đứng lố nhố ngoài hành lang “Những khuôn mặt đẹp nhất của lịch sử đang tề tựu ở đây!” Anh ta liền ứng khẩu tiếp lời “Thưa vâng, đây là những mẫu người đẹp xã- hội- chủ- nghĩa: Dáng người thanh tú vì thiếu ăn, áo may ô cháo lòng vì thiếu xà phòng giặt, má tóp môi thâm vì hút thuốc lào, miệng hôi, răng mầu chuối ngự vì thiếu kem đánh răng.” Nói xong anh xoè hàm răng xỉn khói thuốc cười với anh em. Anh giám thị của giới văn nghệ tái mặt quay đít bỏ đi.
– Cho tớ mượn một chút.
Anh ta chợt lên tiếng, tay chìa ra để đón tờ báo.
– Cậu mà cũng đọc báo Nhân Dân à?
Không trả lời, anh chỉ vào đồng hồ ra ý trám thời gian chờ đợi mới được có năm phút, cái mặt bướng bỉnh ấy đã tìm ra điều gì khôi hài, ngậm miệng cười một mình. Báo Nhân Dân dành riêng cho công nông binh, những con người đơn giản, tiến bộ luôn tìm cái hay cái đẹp trong “tiếng nói của Đảng,” không phải cho bọn trí thức có thói quen đặt lại vấn đề, chỉ đọc những lúc “nhàn cư vi bất thiện” để xoi mói lột truồng bùa ngải.
– Này, đây không phải chỗ tự do ngôn luận đâu nhé!
Sợ bị liên lụy, tôi lên tiếng cảnh cáo trước. Tờ báo rung rinh trong tay người đọc vì tiếng cười bị nén lại, che khuất mặt anh ta, tôi càng thắc mắc hơn, vội chồm người tới để nhìn.
– Thấm đòn thằng Tầu rồi! Người cách mạng bị đánh mãi cũng phải khai thôi.
Anh chỉ cho tôi mẩu tin ngắn nằm trốn ở góc cuối trang tư tờ báo. “Chúng ta sẵn sàng thương lượng với Bắc Kinh ở bất cứ cấp bậc, thời gian, địa điểm nào để giải quyết những vấn đề liên quan giữa hai bên.” Bỏ mẹ rồi! Trang một thì thề thốt chung thủy với Liên Xô, trang tư lại vén váy khêu gợi thằng Tầu. Liệu cuốn truyện vừa nghĩ của mình có đi sai hướng “Trung ương” không? Tôi hoang mang giật lại tờ báo để đọc. Nguyễn Cơ Thạch đã tuyên bố rành rành như thế này còn nghi ngờ gì nữa.
Chính trị đúng là trò đánh đĩ, không biết đâu mà lần. Người ta vừa muốn chiếm đóng Căm-pu-chia, tranh thủ viện trợ của Nga, vừa muốn hòa hoãn với Tầu. Kêu gọi phương Tây nhảy vào đầu tư, viện trợ, nhưng lại sợ văn hóa, lối sống tự do xâm nhập vào xứ mình. Một con điếm tham lam, đã phải vào nhà thổ kiếm ăn rồi mà còn đòi giữ tiếng thì cổ kim chưa từng có. Làm ma cô cho chị gái tráo trở này có ngày bị đánh vỡ đầu như bỡn. “Nghề chơi cũng lắm công phu, nâng bi đã dễ mấy người biết nâng”. Nghề “liếm” nhà mình không phát mả thì nên vâng lời Tố Như tiên sinh. Thôi, đành dẹp giấc mộng vinh hoa lại, kẻo làm khổ lây đến vợ con.
Buông rơi tờ báo xuống đất, tôi ngáp đến sái cả quai hàm.
– Tiên sư cha đời. Không thể chen chân được với lũ trâu chó. Cây bút ba bửa ngồi trước mặt ngạc nhiên, lườm hứ tôi.
– Mới chờ có một tí mà đã mọc thêm hai chân rồi. Giỏi thì vào chửi mấy con mẹ trong kia kìa, đừng ngồi đây mà rủa nhau là súc vật!
Đang cay cú vì mưu toan bị hỏng ăn, tôi hất hàm mắng lại:
– Này người anh em, khi nào tớ gọi đến tên thì hãy sủa nhé!
– Á à… Đớp nhầm phải món gì mà hôm nay đổi giọng thế hả?
Anh bạn nẩy người trên ghế, sừng sộ nhìn tôi. Biết mình đã lỡ lời, lại khòng thể giải thích lý do được, tôi đành im lặng. Đám già đang cãi nhau về tác dụng của việc ăn chay bị chúng tôi làm gián đoạn, sôi nổi bàn cãi trở lại.
– Đấy, cụ thấy không, tôi đã bảo ăn chay không diệt dục là đúng — “Vang bóng một thời” chỉ tôi, cười cợt rồi nói tiếp — Xem mấy anh em trẻ này thì biết, cả tháng trời không có nổi miếng thịt, đời “mặn” có chút nước mắm loại ba pha nước lã mà lúc nào cũng sẵn sàng đánh nhau. Ăn như tu ở như tù, đói thịt cá nhất thế giới mà hiếu chiến thì không ai bằng.
“Bỉ Vỏ” thấp họng hơn ông bạn già, đành nín lặng chịu thua. Tôi ngượng quá, quay mặt nhìn lảng ra chỗ khác. Con người không bao giờ kiểm soát được hành động của chính mình. Tôi đã chê cười anh em về những trò chửi bới nhau, cố gắng tu thân để đừng vướng vào tai vạ này mà vẫn cứ sảy bước. Hiểu lầm thái độ trầm lặng của kẻ bị giễu, mọi người nhìn trộm tôi rồi che miệng cười, sợ bị chửi lây. Tôi ngứa ngáy khó chịu, nhưng không biết làm gì để thoát khỏi tình cảnh quê kệch này.
– Cụ có mang theo cơm nắm không?
“Bỉ vỏ” hỏi khẽ “Vang bóng một thời.”
– Không, tôi hết từ khuya hôm qua, chưa kịp mua.
Ông già ngồi kế bên, khi nãy đã lỡ cho “Bỉ vỏ” hít tã trẻ con, lẳng lặng móc trong túi ra gói thuốc lào Thống Nhất, chìa bâng quơ trước mặt. Lưỡng lự một chút, “Bỉ vỏ” cũng tặc lưỡi đỡ gói thuốc, nhờ người bên cạnh chuyển giúp cái điếu công cộng đặt ở giữa lối đi. Vê một viên thuốc nhỏ thả vào lỗ, ông kẹp cái điếu giữa hai đầu gối, hai tay hấp tấp lục túi quần. Một đống đồ lặt vặt được lôi ra nào bút, lọ dầu gió, chiếc lược nhỏ, gói tăm xỉa răng… vẫn không thấy vật cần tìm, “Bỉ vỏ” đứng thẳng dậy kéo hẳn cái khăn mùi xoa ra khỏi túi. Mấy đồng xu bị cuốn theo, rơi ra ngoài nhảy loong toong trên mặt đất rồi ngoằn ngoèo chạy trốn vào gầm ghế. Tôi tung cả hai chân đạp chặn mà không kịp, ông lật đật buông điếu, vén áo rúc đầu vào gầm ghế để tìm. Việc hút được bắt đầu lại. Lựa ba cây tăm tre có cật xanh, chụm làm một, cầm ở tay phải, tay trái ông bật lửa. Hết xăng, đá tóe lửa xanh lè mà đầu bấc đen xì vẫn trơ ra, không hưởng ứng. Người ngồi đối diện nhanh nhẩu chìa cái bật lửa của mình xòe lửa giúp. Nhúm tăm bốc cháy trong vài giây rồi tỏa vài sợi khói đen, tắt ngấm. “Bỉ vỏ” lại thở dài, hạ điếu xuống.
– Hút bằng đóm ngon hơn tăm…
Một người đưa ra nhận xét:
– Hút bằng diêm là tiện nhất, lại không hôi mùi xăng…
Người khác bác bỏ:
– Bốn đồng một bao, bằng tiền mớ rau muống, chơi diêm không nổi!
Không để tâm đến những lời bình phẩm, “Bỉ vỏ” sửa lại thế ngồi, khoan thai nâng điếu lên. Cái bật lửa trước mặt lại chìa ra. Lần này thì cháy ngon lành nhờ năm cây tăm chung lửa nhau. “Rụt… rịt… rụt… rịt…” Nhấp nhấp mấy hơi thăm dò, khi sợi thuốc đã bật lửa đều, ông vứt mấy đầu tăm, ngửa điếu kéo một hai dài cho tiếng rít réo sôi khắp hành lang.
– Ngon…! Say mà êm quá…
“Bỉ vỏ” buông điếu, quệt nước dãi ở miệng, nói trong hơi thở gấp gáp. Ông chỉ gói thuốc đợi cơn say ngấm dại mắt bạn mới thẽ thọt bên tai:
– Thuốc của “xích lô” cũng ngọt lắm nhỉ…?
“Bỉ vỏ” im lặng, chống hai tay lên ghế sửa lại thế ngồi, lưng ngã vào tường, lim dim mắt cười hiền hòa. Con người ấy xưa nay vẫn thế, thời gian đã phá hủy tất cả, từ tác phẩm, gia đình, sự nghiệp, thân thế, nhưng không làm héo được nụ cười hây hẩy gió nồm của ông. Như người chị dâu cả trong nhà, ông quan tâm đến hết thảy mọi người, chịu đựng những cá tính gồ ghề gai góc của họ, thỉnh thoảng cũng la rầy chút ít, cũng giận dỗi hờn tủi để kẻ có lỗi ngay mờ sáng hôm sau đã đến gõ cửa, thành khẩn như học trò “mời bố” đi uống cà phê để tạ tội.
– Bố cho một điếu hút thử….
Cây bút “tiết canh” chìa tay xin, hàm râu dài, lưa thưa như đuôi chuột xòe ngay theo vành môi đang vẩu lên chờ đợi.
– Hút đi… Ăn tiết canh “cuối kỳ” xong, không có thuốc lào trong miệng thì đến chửi cha bố vạ lên nhỉ…!
“Xích lô” tủm tỉm cười, trao gói thuốc cho anh bạn trẻ. Anh chàng đỏ mặt, lắc nhẹ đầu cho mớ tóc dài phủ lấp mặt, xoạc hai chân đi đôi giầy lính được cắt gọt nham nhở thành dép lê với ngón cái thò ra, chăm chú hút để giấu sự lúng túng. Sau anh ta còn nhiều người muốn nếm, đầu ngỏng lên như bầy cò ngóng mưa. ông chủ thuốc liếc nhanh số đầu người rồi thở dài tiễn biệt gói thuốc. Trong phút chốc cái hành lang biến thành sòng thuốc phiện. Chiếc điếu cầy được truyền tay nhau nóng ấm hơi người. Mỗi người một kiểu hút. Trẻ thì sùng sục như con lợn dũi mõm trong máng để xì bã rồi kéo hơi rồ rồ như xe lam bể ống bô. Già thì đủng đỉnh khoan thai như vị linh mục sửa soạn hành lễ, nào sửa lại gọng kính, cổ áo, nào lắc thử bình nước thánh (trong điếu) nào “e hèm” lấy giọng trước micrô rồi ngẩng đầu nhìn bao quát các con chiên trong hành lang một lượt. Tiếng rít của họ cũng kéo dài, ngân nga bay lượn trên vòm trần nhà thờ rồi ngấm vào các con chiên đang há miệng đợi đến lượt hút như lời đấng Thiên Chúa. Hút thuốc lào đã được nâng lên thành đạo ở mảnh đất vô thần này.
– Ngon thật. Thuốc của mình cũng Thống Nhất mà hút sốc quá. Bố có pha chế gì thêm không?
Cây bút “ba bửa” hỏi, mắt lờ đờ.
– Mậu dịch nó bán sao thì hút vậy chứ công đâu mà pha với phách!
– Con cũng hút thuốc mậu dịch mà?
– Thuốc giả rồi…
– Mua ở căng tin cơ quan làm sao giả được, đây này…
Anh ta chìa gói thuốc nhòe nhoẹt của mình cho mọi người để làm chứng. Ông cụ không thèm nhìn, buông thõng lời xác quyết.
– Nó giả từ trong trứng. Nhân viên mậu dịch tuồn thuốc thật ra ngoài, tráo thuốc giả vào rồi giao cho căng tin các cơ quan, con cháu tôi bán hàng nên biết rõ.
Một vài người móc thuốc của mình ra so sánh. Gói nào cũng như nhau, từ mầu giấy, mực in cho đến sợi thuốc.
– Giấy gói thì thật, của nhân viên nhà máy thuốc lá ăn cắp cho bọn làm giả. Sợi hồ cũng như nhau, nhưng không đúng đất trồng thuốc, lại thiếu gió Lào lúc phơi nên hút bị sốc!
– “Chợ trời thật giả đâu chân lý. Hàng hóa, lương tâm cũng thiếu thừa.”
Thằng Nghiên Đa Văn rên ư ử hai câu thơ theo khói thuốc rỉ từ trong miệng, tay vẫn nắm cái điếu. Tôi sốt ruột chờ. Nó còn cố đấm ăn xôi thêm một lần nữa. Đến lượt mình, tôi cũng làm liều hai chưởng, còn véo thêm một cục thuốc, gói giấy báo đút vào túi làm cơm nắm cho buổi chiều. Được lên tinh thần nhờ gói thuốc “chùa,” bà con lại sôi nổi cãi nhau. Hết chuyện thuốc giả, họ kéo nhau sang những cái giả khác, cũng ồn ào như mổ bò. Có một điều lạ, không ai đả động đến tác phẩm của mình hoặc đồng nghiệp. Dân đào tường khoét vách thường kín miệng về ngón nghề của mình; khi gặp gỡ hội ngộ thì họ cũng ngậm tăm với nhau về cách kiếm cơm chả mấy vui này. Anh hoa của mỗi người chì toát ra trong những câu chuyện phiếm, tiếu lâm thời đại, bên cạnh chén rượu và để chửi nhau. Nếu một hôm đẹp trời nào đấy, bạn cao hứng thổ lộ dự định sáng tác của mình sẽ bị người nghe nhìn nhận như một kẻ đang trên đà mất trí, nó ngớ ngẩn chả khác gì anh công nhân không ăn cắp của công đi diễn giảng về đạo đức cách mạng, lối sống lương thiện cho người khác.
Cãi nhau mãi rồi cũng chán, bà con đã thấm đòn chờ đợi, người thở dài, kẻ ngáp vặt, ngổn ngang ngồi trong 36 kiểu chờ. Gói thuốc lào thật đã hết sạch, mảnh giấy vàng ve vẩy đập cánh dưới đất. Mọi người cúi đầu trầm lặng trong khói thuốc mờ mịt, trông giống như đám nghi phạm ngồi đợi đến lượt thẩm vấn ở hành lang sở công an Hà Nội.
Ngoài cầu thang lại thêm một ma mới đang hùng hục đi lên. Nghe tiếng chân mạnh bạo tự tin, người ta biết ngay của một ông cán bộ cỡ từ phó giám đốc trở lên, không phải là giới viết lách lúc nào cũng e ngại, rụt rè sợ đi sai hướng, gõ nhầm cửa, ăn mày ăn xin không đúng chỗ. Nhưng tôi lầm. Một vài người mỏi mệt gục đầu hé mắt nhìn bỗng nhoảng người dậy. Họ cũng lầm. Người đang lừng lững bước tới là một thi sĩ “cỡ lớn.” Một thoáng lúng túng hiện trên mặt khi đụng phải tụi tôi, song ông ta lấy ngay lại thái độ đường hoàng, giơ tay vẫy chào theo nhịp chân bước.
– Mạnh khỏe cả chứ? Có dự định sáng tác gì mới không anh em?
Miệng cười tươi như hoa nở, giọng ân cần, ông thăm hỏi chung mọi người, chân vẫn bước.
– Đội ơn trời, anh em cũng cố gắng theo kịp sự chuyển mình của đất nước.
“Vang bóng một thời” thay mặt mọi người trả lời nước đôi.
– Ơ… Tốt lắm! Tình hình chung còn khó khăn mà giữ vững tinh thần được như vậy thì thật đáng khen.
Vỗ về một cách chung chung, chả chú tâm vào điều mình nói, ông ta lướt êm qua đám anh em đang nhấp nhô ngồi, miệng vẫn cười gió. Cái đất nước kỳ quái này, từ vị chủ tịch xã, trưởng ban sinh đẻ có kế hoạch huyện cho đến đồng chí tổng bí thư, đồng chí nào cũng có một ông Hồ con trong người, nói giọng phán truyền, tác phong phủ dụ khi được gặp quần chúng.
– Người ăn sổ Tôn Đản có khác, vóc dáng lồng lộng như Phù Đổng Thiên Vương…
“Bỉ Vỏ” cúi xuống nhặt mảnh giấy gói thuốc lào, vê tròn nó trong tay, chép miệng nói:
– Đấy là sổ loại ba Tôn Đản, chứ loại hai, loại một hoặc hưởng chế độ “cộng sản chủ nghĩa” muốn gì được nấy như Thường vụ Bộ Chính Trị thì có thua gì các tiên ông…? Được hôn vào bàn tay các Phật sống này một cái dám tuổi thọ kéo dài được mươi năm…
“Vang bóng một thời” dẩu mỏ nói, con mắt long lanh tinh quái như chú tiểu đang đứng khấn trước đĩa hoa quả cúng.
Cây bút “ba bửa” nhún vai.
– Sống như vậy thì sợ gì chiến tranh, đói kém. Tôi mà làm lãnh đạo dám xua dân đánh nhau với cả thế giới chứ Đông Dương này thì ăn thua gì…
– Ôi dào… Đói ăn, chết chóc thì thằng dân thằng lính chịu chứ các bậc thánh hiền có ngửi mùi đâu mà trách móc họ. Điều đáng nói là các vị sống cho mình thì phè phỡn, nhưng mở cửa bước xuống xe lại bắt chước bác Hồ khuyên răn quần chúng cần cù tiết kiệm rồi quảng bá sự khiêm tốn của mình…
Cụ “xích lô” nói chưa dứt lời, “ba bửa” đã đốp chát:
– Ông hiểu thế nào về sự khiêm tốn? Bán rao khắp hang cùng ngõ hẻm đến nỗi thần dân và cả thế giới đều biết về đức khiêm tốn của mình. Nhặt lại mẩu bút chì, mảnh giấy vụn để dùng rồi rỉ tai cho báo chí biết, ấn hành hàng triệu bản, sách viết cả chục cuốn về tính tiết kiệm của mình thì ông hiểu “Người” đây là giống người gì?
Cụ “xích lô” gật đầu cười:
– À… Thỉnh thoảng “hiện tuợng” và “bản chất” nó cũng chưa nhất quán với nhau lắm… Chú đã đọc “Sự mâu thuẫn giữa hiện tượng và bản chất” chưa? Cũng chính tay “Người” viết đấy?
Tôi thấy chiều hướng câu chuyện trở nên nguy hiểm, vội nhìn đồng hồ người bên cạnh rồi nói lớn:
– Này, lãnh đạo văn nghệ không phải xếp hàng hả? Ừ, chui vào trong phòng từ nãy đến giờ không thấy ra thì đúng là đòi nhuận bút rồi!
“Tiết canh” ngây thơ xác nhận lại:
– Lâu lắm rồi có cho ra tập thơ nào đâu mà đòi tiền?
Thằng Nghiêm Đa Văn ngạc nhiên hỏi.
– Phê bình văn học! Khổ lắm, con gà mái già hết trứng này không đẻ đái được nữa thì cầm gậy bới ổ người khác kiếm tiền chơi. Các anh vớ vẩn để nó thù, quậy tung hết cả lên thì hết đất kiếm ăn đấy!
“Vang bóng một thời” khuyên răn mọi người, giọng bỡn cợt. Vừa lúc đó thì cửa bật mở. Thi sĩ vẫn chưa ra, còn đứng động viên chị em đôi lời theo thói quen. Thêm chút muối vào nụ cười thừa từ trong phòng, ông bước qua tụi tôi, tay vẫy theo nhịp chân bước:
– Trung ương trông chờ nhiều anh em đấy, cố gắng đừng phụ tấm lòng của Đảng!
“Ba bửa” đứng bật dậy, bắt chước Nguyễn Đình Thi trong đại hội văn nghệ, giọng báo cáo:
– Cố gắng hết sức mình để xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng! Xin đồng chí chuyển lời hứa của anh em chúng tôi tới Trung ương Đảng kính yêu.
Nụ cười đứng ngang miệng, thi sĩ ngờ ngợ nhìn kẻ ăn mặc lôi thôi đang chắp tay cung kính nói. Rồi bản năng lãnh đạo vụt trở lại, không để mất thì giờ phân vân về đồ giả hay thật, ông nối ngay nụ cười đứt đoạn, ngoái đầu vẫy tay chào mọi người. “Ba bửa” vẫn đứng, chiếc quần bộ đội rộng thùng thình chảy trễ dưới rốn, đôi dép lê rách thò ra mấy ngón chân cáu ghét, tay vỗ theo nhịp chân bước của vị thứ trưởng bộ văn hóa.
– Ai là Trần Trùng Trục ?
Tiếng phụ nữ từ trong phòng nói vọng ra, tiếp theo là một tràng cười rúc rích của mấy chị em.
– Thưa, Trần Trung Trực chứ không phải là…
Ông cụ “xích lô” rụt rè sửa lại.
– Chữ đánh máy không có dấu, không tự sửa còn thắc mắc cái gì?
– Ấy, chớ có xui dại nhau… Cạo sửa giấy tờ là ba năm tù ngồi đấy…
Quay lại nháy mắt với anh em, miệng cười như chữa thẹn, ông kẹp nách chiếc mũ lá, hấp tấp đẩy cửa bước vào phòng.
– Xin mời… Dang-Cung-Du…ong !
Chị nhân viên vừa đánh vần một cách khó khăn như đọc tên người Tầu được phiên âm qua Anh ngữ, vừa cười xìn xịt trong mũi.
– Cúng Dường hay Cường Dương?
Thằng Nghiêm Đa Văn hỏi lại, giọng nghiêm túc.
– Đặng Cung Dương là tôi đây !
Cây bút trung niên đang hút dở điếu thuốc lào vội quăng điếu, lên tiếng. Cũng giống như công an, các quan nhà nước không làm việc với bút hiệu tác giả, mà dùng tên cúng cơm ghi kèm bên cạnh trong tấm thẻ. Ở đây họ biết rõ bút hiệu cũng như thói hư tật xấu của từng người, nhưng vẫn thích réo tên thật ra để kiếm chuyện tiêu sầu chơi.
“Tiết canh,” rồi “Ba bửa” lần lượt được gọi vào. Ngông nghênh khắp 36 phố phường Hà nội, chả coi ai ra gì, nhưng bước vào phòng nhuận bút họ nhũn nhặn như con rắn mồng năm. Cả hai đều bỏ lại mũ ngoài hành lang, vuốt lại đầu tóc, gõ đủ ba tiếng rồi mới nhẹ nhàng đẩy cửa. Kể ra họ làm việc cũng nhanh, không bằng một phần ba thời gian chờ đợi. Nhưng tốc độ “thiên lý mã” này quả đáng ngại. Kinh nghiệm cho biết nếu đụng đến vấn đề tiền bạc với nhà nước công việc tiến hành sẽ rất lề mề, phải trải qua bao nhiêu thủ tục chữ ký, lo lắng đến thót ruột, trình bày vã bọt mép, hồi hộp thắt cả tim rồi mới cầm được tấm séc chuyển tiền trong tay. Đằng này vừa vào một cái đã ra ngay, anh nào anh nấy mặt dài như cái bơm, lê bước lẹp xẹp ngoài hành lang, không buồn chào tạm biệt kẻ ở lại. Hỏng kiểu rồi. Nếu có tiền thì dáng đi đã hùng hổ, cười nói oang oang, tíu tít hẹn gặp lại nhau ở hàng lòng lợn, thịt chó. Những nghi ngờ của tôi càng trở nên xác đáng khi “Vang bóng một thời” đẩy cửa bước ra. Con người biết cách cười với cả cái chết này cũng không giấu được sự đau khổ. Chân lảo đảo bước, tay xốc lại cổ áo, vuốt lại mớ tóc bạc như vừa chen nhau mua bia hơi mậu dịch, ông than thở:
– Nghe “nó” khoe nhắng nhít trên báo đã hoàn thành kế hoạch trước thời hạn, lững thững thả bộ qua nghe ngóng, thấy nhà cửa sơn phết lại đàng hoàng đã tưởng bở… Mất toi buổi sáng!
– Cụ cũng “dự đoán thời tiết” sai nữa rồi! Đúng ra thì phải hiểu ngược lại.
Tôi nhạo lại con người ưa xạo đời. Ông vểnh râu cười, lắc đầu nói:
– Vẫn biết thế, nhưng chuyện tiền bạc mấy ai tự tin ở mình? Cứ cầu may thử, nhỡ đâu…
“Bỉ vỏ” tiếp lời ông bạn, miệng cười tủm tỉm:
– Được mấy con bà-cô-nó xoa đầu…
– Ấy đấy, thằng giám đốc thì sợ mình, còn mình thì sợ lại con nhân viên của nó.
Chụp cái mũ phát nổi tiếng lên đầu, kéo lệch nó về một bên để nhấn mạnh cá tính trên mặt mình, ông già đỏm dáng ấy cậm cạch bước đi. Ngoài hành lang chỉ còn lại hai người. Tên tôi sắp sửa được réo. Giây phút chờ đợi từ sáng đã đến mà lòng dạ tôi vữa ra như nồi mẻ. “Bỉ vỏ” không thèm đăng ký xếp hàng, đủng đình rút chân lên ghế ngồi xỉa răng như kiểu mấy bà hàng xóm ngoài chợ đếm tiền lẻ vào buổi vãn chợ. Không biết ông đã được ăn sáng chưa. Chúng tôi đã cạn sức, hết hứng để hỏi chuyện nhau.
– Lại cái nhà anh này !
Chị nhân viên bụng chửa khoanh chân trên ghế ngồi chễm chệ như ông địa, ngoa ngoắt nói phủ đầu.
– Thưa vâng, vẫn tôi đây…
Tôi đứng sớ rớ bên cạnh bàn làm việc, không biết đã nên kéo ghé ngồi hay chưa.
– Đã hẹn anh cuối năm rồi cơ mà?
– Vâng, vâng… nhưng…
Chị ta liếc xéo tôi một cái, rồi lại cắm cúi đan cái áo len, giọng uể oải:
– Các anh cứ hay tự làm mất thì giờ của mình và của người khác. Nếu có tiền thì chúng tôi đã viết thư mời lĩnh rồi!
Bị chận đầu, khóa đuôi, tôi không biết cựa quậy vào đâu nữa, bèn đổi chiến thuật:
– Chị đan áo cho cháu sắp sinh? Vẫn còn đang mùa hè… Mấy đứa trẻ được mẹ chiều thế này…
Bị dính ngay phải bùa, bà mẹ tương lai ngừng đan, ngẩng đầu cười rạng rỡ, giơ cái áo lên để khoe:
– Anh thấy có được không? Len Mông Cổ “thật” đấy. Của bác cháu là thứ trưởng mua hộ trong cửa hàng giao tế.
Xuất xứ của món hàng làm thơm thêm giá trị cho nó. Tôi lướt ngay mấy đường quyền…
– Ồ… Đẹp quá! Len đã tốt rồi lại gặp người khéo tay. Chị chắc chắn phải qua mấy khóa học đan rồi…?
Chị ta nhìn tôi, cười ngượng nghịu:
– Em á….? Có học hành gì đâu, nghe mấy người chỉ sơ sơ rồi tự đan lấy anh ạ.
Mấy bà ngồi trong phòng sưng mặt nhìn cô đồng nghiệp trẻ. Tôi lì mặt với vẻ khó chịu của họ, tiếp tục thả những lời có cánh:
– Tạo hóa thiên vị thật. Đã đẹp người rồi còn phú cho khéo tay. Chả bù cho…
Tôi kịp ngừng ở ranh giới thằng chồng hèn đi hạ thấp vợ trước người phụ nữ khác. Chị nhân viên trẻ há miệng chớp chớp mắt chờ đợi.
– … Chả bù cho cô em gái tôi, lên gấu cái quần cũng phải nhờ người khác.
Dãy nảy lên như đỉa phải vôi trước những lời khen, song cặp mắt thì long lanh sung sướng nhìn tôi như hỏi “thật vậy sao?”, chị ta quay sang cười với mấy bà đồng nghiệp.
– Nghe mấy ông này nói thì về đổ thóc giống ra mà ăn…
Niềm hãnh diện của chị vấp phải sự lạnh lùng của mọi người. Rồi để “có đi có lại” với những lời ga-lăng còn hiếm hơn cả bột ngọt ở đất này, chị hỏi thăm về vợ con tôi. Vừa trả lời, tôi vừa liếc mắt nhìn chiếc đồng hồ báo thức để trên bàn, sợ gần đến giờ nghỉ ăn cơm trưa. Hết gia đình, lại đến văn chương, tôi được bà “thần giữ của” khen lầm về cuốn truyện của người khác đang gây dư luận. Chiến thuật “đi sát quần chúng” đã hại ngược lại tôi. Ở cái đất “ra ngõ gặp anh hùng” này, mỗi con người bình thường cũng là một nhà phê bình văn học. Chị ta thao thao bất tuyệt những lời tôi đã nghe ở đâu rồi thì phải, và không phải để cho tác giả (giả) nghe, mà cho đồng nghiệp trong phòng biết khả năng thẩm định văn học của mình. Không biết làm cách nào để phanh cái xe đạp tuột dốc lại, tôi sốt ruột gõ ngón tay trên mặt bàn, dạ vâng cho xong chuyện rồi liếc nhìn đồng hò nhắc nhở khéo.
– Thôi chết, mải chuyện quá để mất thì giờ của anh…
– Không, không sao. Tôi cũng rảnh rỗi mà…
Tôi vội đỡ lời.
– Thế việc của anh chờ đến cuối năm có kẹt lắm không?
Tôi vồ ngay lấy lời gợi ý, miệng nở non nụ cười tái:
– Cho rau cỏ hàng ngày thì không đến nỗi, nhưng khổ một điều cuối tuần này phải làm đám giỗ 49 ngày cho ông cụ. Tôi là con trưởng, không biết xoay sở vào đâu…
– Cụ nhà ta mới mất ạ…?
Chị ái ngại nhìn tôi, hỏi.
– Thưa vâng, ông thân sinh ra tôi kém phúc, bỏ con bỏ cháu đi sớm quá…
Thở dài đánh sượt một cái, bà chúa trẻ của tôi xếp cuộn len với đồ nghề, đóng ngăn kéo rồi chìa tay:
– Anh đưa tôi bản hợp đồng phụ để tìm hồ sơ. May ra có thể ứng trước được chút nào chăng…
Tôi nghe như có điện chạy trong người, vội móc ví để tìm. Bản hợp đồng gấp tư, nằm trong đó đã ba năm nên góc gấp bị mồ hôi, cọ sát làm mòn, khi mở ra có một lỗ thủng lớn ở giữa. Thật hú vía, bà “thần vệ nữ” không bắt bẻ gì, sốt sắng khua chân dưới gầm bàn tìm guốc, rồi đi đến tủ đựng hồ sơ.
– Anh chờ cho một lát nhé.
Con người tử tế còn chu đáo nói vọng lại. Đến lúc này tôi mới dám thả người xuống ghế. “Bỉ vỏ” bị chờ lâu không biết đã ngủ gật ngoài đó chưa. Nếu cầm được tấm séc trong tay, chủ quán có thể cho ăn chịu, tôi sẽ đãi ông một chầu tiết canh để đền bù. Nhưng không nên lạc quan sớm quá. Đường vào két bạc của nhà nước quanh co như mả Tào Tháo, 72 cửa ta mới mở được có một, hãy còn nhiều gian truân bất ngờ. Nhân viên trong phòng vẫn cặm cụi với công việc của mình. Ngồi bệt giữa hai cái tủ dựng sát tường, một bà đứng tuổi đeo kính trắng, dáng sồ sề, đang phân loại đống báo cũ, giấy lộn, vuốt cho phẵng phiu rồi cột lại. Chịu khó nhặt nhạnh như vậy để bán ký lô mỗi tháng cũng được nửa số tiền lương chứ ít đâu. Trong góc phòng, nơi có thể nhìn bao quát cả mấy dãy bàn làm việc và đám khách chờ ngoài hành lang, một anh thanh niên trẻ, nước da mai mái xanh, đang ôm cuốn chưởng để đọc. Các cơ quan hành chánh nào cũng nuôi một vài nhân vật khó hiểu này. Phần lớn họ đều trẻ trung, hoạt bát, dáng vẻ thanh tao của con người làm việc về tinh thần, nhưng chỉ lo những công việc lặt vặt như rửa chén, pha trà mời khách, nhận công văn đến, chuyển công văn đi, v.v… Tuy chỉ làm công việc của một anh loong toong, song anh ta có tư thế độc lập với mọi người, kể cả giám đốc. Cỡ trưởng phó phòng thường chủ động đặt quan hệ ngoại giao với anh ta, nhưng thận trọng thủ thân, còn đám nhân viên lau nhau ngoài mặt thì suồng sã thân mật, trong lòng thì nhờn nhợn như đi bên cạnh một con thú mới được thuần hóa.
Tôi giật mình khi nhác thấy một làn tóc mây óng ả phủ gần hết tấm lưng thon mềm mại. Đó là người đẹp của nhà xuất bản. Năm ngoái, vào một ngày đẹp trời, tôi kéo sụp chiếc mũ cối, với cái kính đen che mặt, đứng ngoài chợ trời để “cải thiện” thêm cho vợ con. Quá trưa, lúc chợ đã tạm vắng thì một cô gái cứ lượn qua lượn lại, mắt liếc như tống tình tôi. Đến vòng thứ ba, thứ tư gì đó, nàng mới lại gần, rụt rè hỏi tôi có mua quần cũ không. Tôi gật đầu. Nàng liền trao cho tôi chiếc túi xách đựng cái quần rồi quay mặt ra hướng khác, làm như không dính dáng gì đến chuyện mua bán. Mới tập tò chạy chợ, tôi chưa có được kinh nghiệm “trông mặt bắt hình dong” để bắt nọn khách như dân chuyên nghiệp nên chỉ chúi mũi vào món đồ cho khỏi bị hớ. Kẹp chiếc túi giữa hai đầu gối, lom khom đứng như mấy thư sinh cột gà bán ngoài chợ, tôi ngửa mũ, tháo kính, giơ đũng quần lên soi ngược sáng mặt trời để định độ mòn. Khi đũng quần vừa hạ xuống thì mặt ngọc của nàng hiện ra với lời rao giá lắp bắp thiếu tự tin. Nhận ra người quen, cả hai chúng tôi cùng kinh ngạc há hốc miệng nhìn nhau, không nói nên lời. Theo phản xạ tự nhiên, tôi quay ngoắt mặt đi chỗ khác, đến lúc sực tỉnh nhìn lại thì nàng đã bỏ đi mất, để lại chiếc quần trên tay tôi.
Sau cái tai nạn bẽ bàng đó, chúng tôi hết sức ngượng khi đụng mặt nhau ở đây. Tôi không biết làm cách nào để trả lại nàng cái quần, còn nàng mỗi lần gặp cái nhìn của tôi vội quay đi chỗ khác như chối bỏ chuyện đã xảy ra. Từ xấu hổ, chuyển sang giận dữ, rồi căm thù, người đẹp thường chửi bóng chửi gió mỗi lúc tôi đến gặp đồng nghiệp bên cạnh của nàng. “Trai anh hùng, gái thuyền quyên” đụng cháy mặt nhau ngoài chợ trời thì cũng hòa, nàng làm như tôi đã leo cửa dòm lúc mình đang thay đồ để tắm không bằng. Tôi giận lại, không thèm nhìn nàng, những lúc phải dẫn xác đến đây chỉ ước sao nàng đã chuyển cơ quan hoặc nghỉ ốm ở nhà. Chắc nàng cũng cầu mong cho tôi bị xe chẹt chết ngoài đường để phi tang câu chuyện. Đời thật oái oăm! Nàng đẹp, chưa chồng, hay ăn diện nên mọi người hay nhìn nàng. Kể từ lúc đó nàng hiểu lầm sự ngưỡng mộ, thèm khát của họ thành nhạo báng, cười cợt. Nàng nghĩ rằng tôi đã đi kể cho bạn văn và đồng nghiệp của nàng về vụ bán quần cũ. Tôi bỏ luôn nghề chạy chợ từ đó.
Không muốn để chuyện cũ đầu độc hy vọng đang kề cận, tôi nghĩ đến bữa rượu tiết canh lòng lợn vào trưa nay. Ăn nhậu phủ phê cho mình rồi, tôi sẽ mua về cho cả nhà một đùm lớn. Vợ tôi sẽ ngạc nhiên, không hiểu tôi đào đâu ra tiền. Mấy đứa con cũng sẽ ngạc nhiên. Chúng biết rất rõ ngày lĩnh lương trong tháng và đã chuẩn bị tinh thần để “trường kỳ kháng chiến,” cho đến đầu kỳ lương mới. Bác Hồ kính yêu được Quốc hội tặng huy chương Sao vàng cũng không mừng bằng chúng nó được gói lòng lợn để tranh nhau ăn trong những ngày hạn hán này đâu.
Đây rồi! “Thần vệ nữ” của tôi đã tìm ra hồ sơ. Ưỡn cái bụng chửa ra phía trước, hai tay ve vẩy để giữ thăng bằng, “nàng” lại lê trở lại bàn làm việc.
– À… trong hợp đồng ký kết có nói đến số tiền tạm ứng để tác giả viết đây này…
Chị nói lớn cho đồng nghiệp nghe để bầy tỏ sự vô tư khi làm việc của mình.
– Vâng vâng… 30% đã ký trong giao kèo với ông trưởng phòng kế hoạch rồi, tôi chưa được lĩnh một xu nào…
Tôi vội vã xác nhận, mắt đảo nhìn các phán quan không có quyền, nhưng thích hành người khác. Bà đứng tuổi vẫn cắm cúi phân loại giấy lộn, thình thoảng đưa tay lên miệng nhấm nước bọt. Con người này hết sức để “phấn đấu” rồi, công danh cuộc đời tạm vừa lòng với mấy ký lô báo cũ đủ tiền ăn bát bún riêu mỗi sáng, sẽ không ngáng chân mình. Phiếu trắng đầu tiên nắm trong tay!
– Tôi chi đỡ cho anh một nghìn nhé…?
“Nàng” hỏi lơ lửng, không để ý đến tôi, mà nhìn thăm dò các đồng nghiệp của mình. Bị nhập vai trong màn kịch đóng chung với “nàng,” tôi cũng quên trả lời, buốt tim nghe ngóng phản ứng xung quanh. Chàng thanh niên ngẩng đầu, với cốc nước trà loãng để trên bàn, làm một hớp, rồi lại cúi xuống cuốn chưởng. Công việc của anh ta là để ý xem trong đầu người khác có cái gì, chứ không phải trong túi. Thêm một phiếu trắng nữa là hai!
– Một nghìn liệu có đủ không?
“Nàng” nhìn thẳng vào mắt tôi, miệng cười đầy ngụ ý, khuyến khích.
– Ôi dào ôi… mỏi mệt! Giờ mà được bát chè đậu đen có đá ăn thì làm tiếp ca ba cũng được…
Chị nhân viên hơi đẫy người buông con dao xuống rổ rau muống đang chẻ dở để trong lòng, vươn vai ao ước trong tiếng ngáp. Phiếu trắng thứ ba! “Bồi thẩm đoàn” hôm nay vô tư quá, tôi chụp ngay lấy cơ hội, thừa thắng xông lên:
– Chị cố gắng cho tôi độ ba nghìn được không? Sinh hoạt bây giờ đắt đỏ lắm, một nghìn chỉ làm được vài mâm cỗ đậu phụ với bát canh bí thôi…
– Quá hai nghìn thì không được đâu. Anh cố gắng gói ghém trong khoảng đó vậy!
“Nàng” mìm cười, dứ ngón tay ngầm cảnh cáo tính tham lam của tôi. Tôi cười xòa như thằng cháu yêu nhận lỗi với bà ngoại:
– Thôi thì làm giỗ chay cũng được. Chắc cụ nhà tôi cũng thông cảm với hoàn cảnh khó khăn hiện nay…
Thế là xong phần thủ tục, rào đón. “Nàng” khoan thai mở ngăn kéo rút ra tấm séc mầu xanh nhạt. Tôi không ngăn được tiếng nuốt nước bọt khi nhìn thấy “tấm thẻ Đảng” này.
– Hôm nay là ngày mấy nhỉ…?
“Nàng” nhíu mày hỏi, rồi quay lại nhìn tấm lịch treo trên tường. Công sở bị tê liệt nên lịch “chết” cả tuần, không ai buồn xé.
– Hai mươi bẩy dương, mười bốn âm…
Người đẹp chủ nhân cái quần cũ đáp chỏng lỏn. Phiếu trắng thứ tư! Quốc hội đã đồng tâm nhất trí chi tiền. Tôi mừng thiếu điều nhảy cỡn lên như lúc xem đá bóng, hai tay không ngớt xoa đùi. “Nàng” bắt được thái độ hồ hởi của tôi, lắc đầu cười.
– Đưa giấy tờ cho tôi để làm phiếu.
Tôi hấp tấp đẩy tấm thẻ hội viên nằm sẵn trên bàn đến trước mặt “nàng.” Gạt nó sang một bên, “nàng” nói:
– Không. Chứng minh nhân dân cơ. Lĩnh tiền bao nhiêu lần rồi mà còn quên!
Thế có chết không. Mừng quá hóa lú, ký nhận tiền bạc với nhà nước có bao giờ người ta dùng tấm thẻ “vàng mã” này. Tôi lật đật móc ví. May quá, sáng sớm say thuốc lào mà vẫn còn nhớ để găm tờ chứng minh trong người. Nàng thận trọng viết họ tên tôi bằng chữ hoa lên tấm séc. Ngón tay mềm mại, thuôn nhỏ (bây giờ tôi mới nhận thấy) chậm rãi lần đếm hàng số của tờ chứng minh. Chỉ còn một chữ ký nhỏ nữa là “nàng” vẽ xong đĩa tiết canh lòng lợn, lũ trẻ sẽ chấm dứt ăn chay, đời sẽ lên hương. “Mùng năm, mười bốn, hăm ba, đi chơi cũng lỗ nữa là…” Hôm nay mười bốn âm lịch, trò duy tâm bậy bạ thật. Nhậu nhẹt no say rồi, có hứng ta viết một bài “Chống mê tín dị đoan” gửi cho báo Nhân Dân mới được. Nhạc nổi rộn rã trong lòng, tôi bật cười khi tưởng tượng cô con gái út dẩu cái mỏ lên mà nhai miếng gan luộc, buông đũa thò ngón tay vạch ranh giới trong đĩa thức ăn để dành phần với mấy thằng anh.
– Chị đã hỏi ý kiến giám đốc chưa mà tự tiện quyết định thế?
Tiếng nói thỏ thẻ, chậm rãi, lạnh buốt như lưỡi lê đâm xuyên qua lưng tôi. “Thần vệ nữ” giật mình ngẩng đầu nhìn.
– Đây là trường hợp “đặc biệt,” phải được sự chuẩn chi của ban giám đốc và trưởng phòng tài vụ mới được xuất tiền…
“Chiếc quần cũ!” Tôi chết đứng người nhận thêm một nhát dao đâm lén nữa.
– Sao lại “đặc biệt?” Sách của người ta in xong, phát hành gần hết rồi, có phải dự định sáng tác đâu mà xếp loại “đặc biệt?”
“Nàng” xù lông dựng cổ như con gà mái mẹ xoè cánh che chở cho bầy con, bắt bẻ lại.
– Tôi chưa đếm chữ xong, chưa xác định được số tiền, nếu trả trước thì vẫn là trường hợp “đặc biệt.”
Trời hỡi, thù hận làm sao đến mức này. Tôi ngay đơ người như con nhái ngấm nọc độc, để mặc cho con rắn nuốt dần vào bụng.
– Ban nãy ông Huy Cận đòi lĩnh “đặc biệt” đấy, sao không bắt tôi lên xin ý kiến giám đốc?
“Nàng” sửng cồ hỏi. Người đẹp vẫn trơ như đũng quần cũ, giọng lạnh như quan tòa đọc điều luật:
– Người ta là lãnh đạo, sáng tác được xếp loại nhuận bút một. Cần phải ưu tiên giải quyết!
– Chị ăn lương của nhà nước để làm gì? Việc đếm chữ phải hoàn tất cho người ta trước khi sách lên khuôn, để dây dưa hơn nửa năm trời không hoàn thành mà kỳ bình bầu “lao động tiên tiến” nào cũng đòi có mình?
“Nàng”, mở rộng mặt trận, “mượn gió bẻ măng” đánh luôn vào điều hậm hực bấy lâu nay của mình. Bị cú đá móc bất ngờ, người đẹp ngóc đầu bạnh mang như con rắn hổ:
– Đấy là việc của tôi. Tôi chịu trách nhiệm trước giám đốc, không phải với chị. Còn những người hay mang chuyện nhà đến cơ quan để làm, hết đan áo cho chồng con, lại đan thuê cho thiên hạ kiếm tiền, thì đừng có phê bình người khác!
Chị nhân viên đẫy người đang chẻ rau muống dằn mạnh cái rổ lên mặt bàn, chống nạnh nhìn người đẹp. Bà già ngừng gói báo cũ, ngẩng đầu đanh mặt chì chiết như mẹ chồng dạy dỗ nàng dâu:
– Các em ơi, có chuyện gì thì đóng cửa bảo nhau. Trước mặt khách — bà liếc nhìn tôi — đi rũ chấy bới rận ra làm gì… — Hít hơi lấy sức, bà rin rít giọng như đang nắm tóc ai để kéo — Còn gái nào muốn “góp ý” với chị thì cứ chửi thẳng, đừng có bóng gió xa xôi mà chị không biết đường ăn nói cho phải phép.
Hỏng ăn rồi. Người đẹp lỡ miệng chọc đúng tổ ong vò vẽ, cách mạng lan ra cả thế giới thì còn gì là bữa nhậu nữa. Mọi người thủ thế nhìn nhau. Một thoáng im lặng để lau chùi, chuẩn bị vũ khí. Gã trai gấp cuốn chưởng, đặt ngay ngắn trên bàn, gỡ kính trắng lau lại bằng vạt áo rồi khoanh tay ngồi chờ, miệng cười tủm tỉm như muốn nói “Tụi bay đánh nhau đi, tao gõ trống cho.” Những mâu thuẫn ngầm sẽ nổ tóe ra trong những trận cãi nhau, gã tha hồ thu hoạch, cất riêng vào hồ sơ từng người. Chiến tranh chỉ làm béo cho bầy quạ chuyên bới xác chết. Tôi nhặt tấm thẻ trên bàn quay lưng thất thểu đi ra cửa.
– Hượm đã nào !
“Nàng” giật giọng ngăn tôi lại.
– Tôi sẽ ký séc cho anh!
Không còn tin ở tai mình nữa, tôi đứng sững giữa cửa. Nặng nhọc vác cái bầu đến gần, “nàng” giật lại tờ chứng minh với tấm thẻ hội viên trên tay tôi rồi nhìn người đẹp như thách đố. Điên hết cả rồi. Chỉ vì chút sĩ diện với “kẻ biết đến ta,” “nàng” đã dẫm lên bộ luật “cửa quyền” bất thành văn ở xứ này. Cũng vì sĩ diện, người đẹp kia đã nhẫn tâm trù ém tôi, dập tắt lửa dưới nồi cơm đang sôi dở của tôi. Ngọt như đường mà bị giằng co, dày xéo nhiều thì cũng chua, tôi lắc đầu nhìn “nàng,” tay chìa ra để xin lại giấy tờ.
– Không! Tôi ký ngay cho anh đây này!
Để chấm dứt sự đau khổ cho khách, “nàng” cương quyết đi lại bàn, cầm bút ngoáy đánh vèo vào tấm séc.
– Anh ký nhận vào cuốn sổ này cho tôi!
“Nàng” nói, giọng cố tạo bình thản, tay lật nhanh cuốn sổ thanh toán nhuận bút. Mọi người bị hành động “quá khích” gây chú ý, quên cả giận dữ, chăm chú nhìn kẻ bất thường. Im lặng, chỉ có tiếng giấy cọ nhau sột soạt. Tôi liếc con số 2000, kèm thêm hàng chữ trên tấm séc, nuốt nước bọt. Bàn tay cầm bút run run như lần đầu được cầm tác phẩm của mình được in thành sách.
– Đây. Mời anh.
“Nàng” chỉ tay vào dưới cột ghi tên họ và tác phẩm của tôi.
– Không, ký cao lên một chút. Cột dưới của người khác… Được rồi. Làm ơn viết rõ tên họ dưới chữ ký.
Xong! Tôi thở phào, không biết đã nên cầm tấm séc chưa. Một vài người húng hắng ho. “Nàng” bình thản gập lại cuốn sổ, cất nó vào ngăn kéo rồi cẩn thận lấy viên lăn cho khô mực tên ký của mình trên tấm séc.
– Không có chúng tôi trong việc này đâu đấy. Một mình chị chịu trách nhiệm…
Tôi đang chìa tay để nhận tấm séc “nàng” đưa, thì gã trai lên tiếng, cả hai chúng tôi cùng lặng người, tay vẫn giơ ra phía trước. Nàng đổi sắc mặt, lắp bắp nói:
– Tôi tưởng là…
– Không, chỉ một mình chị!
Gã lạnh lùng ngắt lời, cảm thấy đã đủ, bèn cúi xuống mở cuốn chưởng để đọc. Nàng rụt bàn tay cầm tấm séc lại, mặt ngơ ngác khó hiểu. Tôi đứng chưng hửng giữa nhà, không còn sức để theo dõi câu chuyện. Trách nhiệm. Gã đã điểm đúng hiểm huyệt của cơ chế nhà nước. Chỉ vì sợ trách nhiệm nên không ai dám làm gì, chủ nghĩa xã hội chỉ ăn mòn và phá hủy những cái cũ thừa hưởng. Chúa Giê-su, đấng sáng tạo ra mọi vật nếu có tái thế làm việc ở đây cũng đến đùn cho “tập thể” quyết định thay cho mình.
– Anh đợi một chút. Tôi chạy ù lên phòng phó giám đốc xin ý kiến.
Lên cơn đồng bóng mất rồi. “Nàng” nhìn tôi, mắt long lanh một cách bất bình thường, rồi ì ạch lắc mông, ve vẩy tay đi ra cửa. Tôi ngồi phịch xuống ghế, người vỡ ra từng mảnh, nhắm mắt chờ. Chưa cà phê, chưa nước trà, đến giờ rượu mất rồi. “Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm,” chờ không biết đến bao giờ đây? Tiếng chân nặng nề vừa mất ngoài hành lang thì người đẹp nói nhỏ với chị chẻ rau, vừa đủ cho tôi nghe thấy, miệng cười khúc khích:
– Phó giám đốc đi nghỉ mát ở Đồ Sơn rồi, tuần sau mới về…
Tôi đứng bật dậy như hồn ma nhập xác người, bỏ chạy ra cửa, quên cả giấy chứng minh nhân dân lẫn thẻ hội viên Hội Nhà Văn trong phòng.
“Bỉ Vỏ” vẫn ngồi chờ, hai chân khoanh tròn trên ghế băng nhỏ. Dáng tĩnh tại, mắt nhắm nghiền, con người của Thiền đạo này đã thoát tục, bay lên miền lạc phúc.

Thế Giang