Năm đó, tôi
khoảng mười hai tuổi. Vào tuổi ấy, những bạn cùng trang lứa của tôi
vẫn còn đang thích đọc tạp chí Tuổi Hoa của nhà văn Quyên Di. Nhưng
cá nhân tôi, hình như tình cảm lãng mạn phát triển khá sớm, tôi mon
men tìm đọc tạp chí Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh. Chỉ nghe cái tên
Tuổi Ngọc, ai cũng hiểu nó dành cho những cô cậu vừa lớn tuổi teen,
bắt đầu bước vào một giai đoạn đẹp nhất của đời người: Những chàng
trai, cô gái, một hôm nào bỗng thấy hồn mình rung động vì một bóng
hình.
Vì tiếp xúc
với Tuổi Ngọc, nên tôi có dịp đọc những tác phẩm của nhà văn Duyên
Anh. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông, CON THÚY là truyện
tôi đọc đầu tiên. Chính tác phẩm này để lại trong tôi nhiều ấn tượng
nhất.
CON THÚY thật ra cũng chưa phải là một truyện viết về tình yêu
đôi lứa. Bởi những nhân vật chính trong đó cũng ở vào khoảng tuổi
của tôi lúc bấy giờ. Nhưng qua cách phân tích tâm lý tuyệt vời của
Duyên Anh, ông đã cho người đọc hiểu được những thay đổi tâm lý sinh
động của mấy cô, mấy cậu choai choai.
Không gian của
truyện CON THÚY là tỉnh Thái Bình. Thời gian là khoảng đầu thập niên
40, khi người Nhật đảo chính, thay thế người Pháp, nắm quyền cai trị
Đông Dương. Con Thúy và thằng Vũ , hai nhân vật chính của truyện, đã
cho tôi cái cảm giác rung động thật sự, khi thấy hình ảnh chính mình
xuất hiện trong những mẫu đối thoại, những ánh mắt ngại ngùng,
những nhớ mong không đâu vào đâu của nhân vật chính. Có phải tôi cũng
đã ở trong một quá trình thay đổi tâm lý để rồi sẽ từ từ trưởng
thành?
Dĩ nhiên là như
thế, nhưng vào thời gian ấy, với lứa tuổi nhóc tì, làm sao tôi có
thể hiểu được ? Tôi chỉ thấy mình mỗi ngày mỗi lạ, vậy thôi.
Rồi tôi cũng
lớn dần theo ngày tháng. Khi tôi đã thực sự bước vào tuổi teen
với những mơ mộng của một chàng trai mới lớn, truyện CON THÚY vẫn
không phai mờ trong tâm trí của tôi. Chỉ là tâm lý của tôi bây giờ đã
khác, nghe giống như ai đó viết "Nắng ở đây vẫn là nắng ngày
xưa nhưng linh hồn tôi không còn là linh hồn tôi năm trước ".Tôi
không còn giống như thằng Vũ ngày xưa của tỉnh lỵ Thái Bình. Tâm lý
của tôi vào thời gian này được Huy Cận diễn tả rất gọn trong mấy câu
thơ:
Vậy đó,
bỗng nhiên mà họ lớnTuổi hai mươi đến có ai ngờMột hôm trận gió
tình yêu lạiĐứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ.
Tôi đã yêu và
được yêu. Chuyện có từ thời Ông Adam và Bà Eva, chả có gì đáng nói.
Tôi chỉ muốn nói đến một góc cạnh khác của đời mình, có liên quan
đến CON THÚY của nhà văn Duyên Anh, khiến mỗi lần nghĩ đến, tôi đều
cảm thấy một niềm vui nho nhỏ, dễ thương.
Năm tôi học lớp
mười, khoảng niên khóa 74-75, tôi quen một cô gái tên Thúy. Thúy học
cùng lớp với người em họ của tôi, dưới tôi một lớp. Người anh của
Thúy cũng là bạn của tôi. Có lẽ những liên hệ này khiến tôi quen
Thúy. Chứ thật ra tôi và Thúy chẳng có liên hệ gì, gặp nhau cười,
chào nhau thế thôi. Thúy rất xinh. Khuôn mặt rất thanh tú, với mái
tóc chấm ngang vai, và đôi mắt có màu xanh của những người rất thông
minh, pha chút lém lỉnh. Thúy nói giọng Huế nghe ngộ ngộ , hay hay.
Trước 1975, tôi chưa bao giờ đặt chân ra xứ Thần Kinh. Nên có thể nói
giọng nói của Thúy đã cho tôi cái ấn tượng đầu tiên về miền đất
của Hoàng Thành, rất gần về địa lý đối với xứ Quảng quê tôi, nhưng
rất xa xôi đối với cá nhân tôi thuở ấy.
Sau năm 1975, xảy
bao nhiêu dâu biển của một cuộc đổi đời. Trong khoảng hơn một năm sau
đó, tôi vẫn còn thỉnh thoảng gặp Thúy trên đường phố xứ Quảng. Nhưng
rồi bẵng đi một dạo, tôi không còn gặp lại Thúy nữa. Tôi không biết
mà cũng không hề thắc mắc. Bởi vì tôi đối với Thúy như một người
anh đối với cô em gái. Tôi không mơ mộng tình cảm gì với cô bé rất
xinh này, nên cũng chẳng rầu rĩ hát ca khúc Thúy đã đi rồi.
Sau này, khi
tình cờ gặp lại trên email, tôi rất vui khi biết Thúy đã định
cư rất lâu ở Tây Đức. Qua đó, tôi mới biết khoảng thời gian tôi không
còn gặp Thúy ở xứ Quảng, vì Thúy xuôi nam, vào Sài Gòn để học
tiếp ở trong đó. Khi được người thân bảo lãnh qua Tây Đức, Thúy phải
học lại chương trình trung học ở xứ người, rồi hoàn thành chương
trình Đại Học, ra đi làm. Điều đáng nói là tôi rất phục cô bạn nhỏ
này, khi biết Thúy giữ vai trò khá quan trọng trong sở làm của mình.
Đấy là do tôi nghe ai đó truyền tai, chứ Thúy chả bao giờ khoa trương
với tôi. Thúy còn là cây viết mà tôi thực lòng ái mộ. Những đoản
văn, những hồi ức của Thúy về những khoảng đời đầy kỷ niệm ở xứ
Quảng trước 1975, của tuổi học trò nhiều mơ mộng, những khó khăn
chồng chất của cuộc sống gia đình sau cuộc đổi đời, và gần nhất là
những nỗ lực không ngừng để đi học, đi làm ở xứ người. Những vui
buồn của cuộc sống, Thúy đã gom lại trọn vẹn trong tập truyện BÔNG
HOA TRÊN PHÍM, khiến người đọc có cảm tưởng như mình được tác giả dẫn
dắt đi vào từng ngõ ngách của cuộc đời, hạnh phúc , khổ đau đủ cả.
Thúy kể tôi
nghe nỗi buồn vời vợi của mình khi Mẹ Thúy qua đời. Bây giờ, chỉ
còn lại ông cụ thân sinh. Gần đây Thúy rất vui dù phải dời chỗ ở,
đổi công việc, với lý do duy nhất là Thúy muốn được về ở gần ông
cụ, săn sóc, chăm nom cho thân sinh của mình. Mỗi ngày Thúy phải mất
gần bốn tiếng đồng hồ đi, về để đến chỗ làm. Về tới nhà ngoài việc
lo cơm nước, còn phải dành thời gian đưa ông cụ đi dạo một chút, thế
nên Thúy không có thời gian cho FB hay trang mạng gì cả. Tôi thật sự
xúc động khi nghe nỗi lòng của Thúy. Đó cũng là lý do tôi muốn viết
về Thúy hôm nay.
Có thể là một
trùng hợp tình cờ chăng ? Tôi không biết. Chỉ biết là khi tuổi đời
tôi chưa thực sự bước vào giai đoạn rung động của tình yêu, tôi đã yêu
thích CON THÚY của nhà văn Duyên Anh vô cùng. Tôi còn nhớ bức họa CON
THÚY, hình bìa của tác phẩm của Duyên Anh, là cô bé gương mặt bầu
bĩnh, với hai bím tóc dễ thương. Còn cô em gái tên Thúy của tôi thì
tóc chả bao giờ thắt bím, gương mặt trái xoan xinh đẹp, chả bầu bĩnh
gì cả. Thúy của nhà văn Duyên Anh khi sợ đã thốt lên "Eo ôi thấy
mà ghê." Còn em gái tôi, ngầu lắm nghe, ánh mắt ấy cho thấy, dù
có núi chặn trước mặt, thì cũng tìm đường quanh để mà đi. Anh chúc
Thúy luôn an vui Thúy nhé.
TRẦN THẢO
Tháng Chín 2016
RẤT HUẾ
Có phải em, cô gái đất thần kinh
Mà có lần, vô
tình tôi đã gặp
Đường Lê Lợi ,
hàng cây xanh thẳng tắp
Bước em hiền
hoà, nhè nhẹ giòng Hương.
Màu áo tím, làm dịu mát phố phường
Mái tóc đen,
dáng tần phi thuở trước
Trường sư phạm,
chiều nghiêng đôi mắt ngước
Cửa giảng
đường, mở rộng đón chân quen.
Em qua Tràng Tiền, cơn gió vừa lên
Vào Thành Nội,
nắng lênh lang cành trúc
Tàng phượng
vĩ, lửa hạ trời đỏ rực
Hạnh phúc học
trò, tha thiết tình hoa.
Em là Huế, và tôi, người khách lạ
Đến một lần
và mãi mãi không quên
Giòng Hương
Giang, tiếng sóng nước êm đềm
Qua Đông Ba, mưa
chiều bay ướt áo.
Tôi đã trải, bao dặm đời ảnh ảo
Vẫn giữ nguyên,
tình xứ Huế diệu kỳ
Trong vô vàn,
từ buổi ấy phân ly
Có bóng hình
em, ngàn sau rất Huế.
TRẦN THẢO
MAI EM RA
HUẾ?
Khi tóc nàng tôn nữ
Còn thơm hương
bồ kết
Khi câu hò mái
đẩy
Còn vang vọng
giòng Hương
Thì em ơi, đừng
hỏi
Tình yêu anh cho
Huế
Có còn với
thời gian ?
Anh xa Huế đã lâu,
Sáng sớm ấy,
mùa thu
Xa xa là sương
mù
Tàu xuôi nam
vội vã
Rạn lòng anh,
nỗi đau.
Huế trong anh, như mây
Nắng mềm như
mặt lụa
Hoa Sứ vương
trên tóc
Hiên nhà ai, mưa
bay.
Anh vào thăm thành nội
Xanh lá trúc
gió lay
Bóng tần phi
thấp thoáng
Lược ngà chải
tóc mây.
Hồn tôn nữ bao dung
Hiểu lòng
người lữ khách
Nụ cười, tràn
ánh sáng
Hạnh phúc anh,
đong đầy.
Ngày mai, em ra Huế
Nhớ mang theo
tình anh
Ly rượu đời hâm
nóng
Mặc thời gian
trôi nhanh.
TRẦN THẢO