30 September 2017

LẤY CHỒNG XA XỨ - Hà Việt Hùng

Má ơi, đừng gả con xa
Chim kêu, vượn hú, biết nhà má đâu…
Ca dao VN

1.
Gió biển từng chập thổi vào mặt Nhan mát lạnh. Biển ở trước mặt. Nhan ngửi thấy mùi mằn mặn của nước biển. Dưới chân Nhan là cát. Cát ẩm nước, pha trộn với nhiều thứ vỏ sò, vỏ ốc xào xạo dưới chân, mỗi khi Nhan đạp lên. Mặt trăng trên trời đang tỏa sáng, tròn trịa.

Đêm nay Nhan chờ Thạnh. Hai người đã để ý và thương nhau mấy tháng rồi. Năm nay Thạnh hai mươi, Nhan mười tám. Sang năm hai người sẽ làm đám cưới, ra mắt họ hàng, bà con cô bác.
Thạnh đã học xong lớp 8 phổ thông cơ sở. Gia đình Thạnh nghèo. Mỗi ngày từ sáng sớm đến chiều tối, Thạnh theo cha đi biển đánh cá. Có khi 2- 3 ngày liên tiếp không về đất liền. Hai cha con đi đánh cá mướn cho ông Tư Râu. Công việc rất cực nhọc, vất vả. Gia đình Nhan đông em, nghèo khổ, phải sống bám vào mảnh ruộng khô cằn trong thôn. Nhan là chị lớn trong nhà. Dưới Nhan còn bốn đứa em, toàn là gái, đứa này hơn đứa kia một hai tuổi. Mẹ Nhan còn sanh được đứa con trai út, năm nay 7 tuổi. Cha Nhan nói nó là đứa nối dõi tông đường.

Thôn của Nhan toàn là những người nghèo. Thường con trai chỉ học xong lớp 6 hay lớp 7, rồi nghỉ học, theo cha hay người lớn đi giăng câu hay đánh cá ngoài biển. Đàn bà con gái sức yếu không theo nghề biển được, phải làm ruộng, chân lấm tay bùn. Nói chung, nghề biển hay làm ruộng đều khổ cực cả, phải đội mưa đội nắng mới có cái mà ăn.
– Nì, đợi lâu chưa?
Thạnh ra đến nơi, vỗ vai Nhàn.
– Răng không lâu? Đợi mỏi rã người nì.
– Tội chưa? Để tui thường.
– Thường cái chi rứa?
– Cái nì.
Rất nhanh, Thạnh cúi xuống, hôn vào má Nhan. Cả hai muốn nghẹt thở. Thạnh cảm thấy má Nhan thơm thơm, pha mùi nắng cháy. Nhan nhắm mắt mắc cở. Có mùi nước biển phảng phất trên tóc và trong hơi thở của Thạnh.
Thạnh móc túi áo, rút ra điếu thuốc, châm lửa, hút phì phèo.
Nhan vừa bịt mũi, vừa cười:
– Bữa ni bầy đặt. Rứa mà lâu ni tui không biết.
Thạnh mỉm cười. Thạnh muốn ôm hôn Nhan nữa, nhưng lại ngại. Nhan đứng yên. Một lúc Nhan hỏi:
– Bữa ni đi biển có chi hay?
– Chút nữa thì chết.
Nhan nhìn Thạnh, ngạc nhiên hỏi:
– Vì răng?
– Bị bọn Trung Quốc đuổi.
Nhan có nghe cha mình và mấy người bạn đánh cá của ông nói chuyện với nhau về Hoàng Sa và Trường Sa. Nhờ đó Nhan mới biết. Những năm sau này bọn Trung Quốc ngang ngược chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Chúng bất chấp quốc tế, vẽ đường “lưỡi bò”, rồi tuyên bố vùng biển nằm trong phạm vi này thuộc quyền kiểm soát của chúng “không thể tranh cãi”. Mấy lần cha con Thạnh theo chủ tầu ra biển đánh cá, đi chưa được bao xa, gặp tầu Trung Quốc, nó chĩa súng đuổi về ngay trên phần biển của mình. Có tầu đánh cá bị nó kéo đi, có tầu ngư dân bị đánh đập dã man, hay bị bắt nộp tiền chuộc đến 11 ngàn đô một người. Nhiều lần như thế khiến cho ngư dân lo sợ. Sinh mạng của họ bị đe dọa, và họ mất phương tiện sinh sống. Trong khi đó, chính quyền Việt Nam lại loay hoay, không biết giải quyết vấn đề ra sao. Họ tỏ ra hèn kém, nhu nhược đối với các đồng chí Trung Quốc, nhưng lại tỏ ra “hồ hởi phấn khởi” trong việc bắt bớ, đánh đập và giam cầm những người biểu tình.
– Anh Thạnh nì, chừ tui muốn nói với anh một chuyện…
Hình như Nhan có chuyện gì quan trọng định nói với Thạnh, nhưng còn do dự.
Thạnh lấy làm lạ. Mọi khi Nhan vẫn bộc trực, có chuyện gì là nói ngay, không úp mở bao giờ.
– Cái chi rứa, Nhan?
Nhan ngập ngừng, định mở miệng, rồi lại im lặng.
Thạnh khẩn khoản:
– Nhan cứ nói đi. Tui nghe đây.
Nhan vẫn không nói.
2.
Sáng hôm sau Nhan đi xe đò xuống Nha Trang. Lúc ngồi trên xe, đã mấy lần Nhan muốn khóc khi nghĩ đến Thạnh. Chiều nay đi biển về, biết tin Nhan đã khăn gói bỏ đi, chắc Thạnh buồn lắm. Chưa đầy năm nữa hai người sẽ thành vợ chồng, vậy mà Nhan lại ra đi.

Cách đây mấy tháng có một người đàn bà trạc 50 tuổi đến làm quen với gia đình Nhan. Sau vài câu chuyện đắn đo, bà ta đi ngay vào đề. Bà tự giới thiệu tên là Bẩy Hương. Bà Hương quan sát Nhan, rồi nói với cha mẹ cô, bà là chuyên gia mai mối của một tổ chức nọ. Thời nay ai muốn làm giầu nhanh chóng, phải lấy chồng “ngoại”. Lấy chồng “ngoại” là làm một cuộc đổi đời, làm một cuộc cách mạng. Chỉ cần một hai năm sẽ bằng chị bằng em, sẽ có nhiều tiền giúp cho cha mẹ, kể cả bà con. Nghe bà Hương nói, Nhan thấy thích quá, nhưng chưa có cơ hội. Chính mắt Nhan đã thấy chị Tấm ở thôn Vĩnh Lại lấy chồng Ma Cao. Chị Tấm gửi tiền về giúp cha mẹ xây nhà mới; chị Soan ở thôn Vĩnh Lộc lấy chồng Đài Loan, gửi tiền về cho mấy đứa em ăn học, nghe đâu cũng sắp thành tài. Rồi tới con Ngà ở thôn Lại An lấy chồng ở Hàn Quốc, chụp bao nhiêu hình gửi về, thấy ngồi trong xe hơi, mặt tươi rói, thấy ham quá. Thỉnh thoảng người ta lại thấy có phụ nữ ăn mặc diêm dúa, mặt trét phấn, kẻ mắt, môi thoa son, mang giầy cao gót, lượn lờ trong những thôn xóm nghèo. Người ta kháo nhau đó là “Việt kiều” lấy chồng Trung Quốc, Ma Cao hay Nam Hàn về thăm nhà.
Gia đình Nhan hiện tại quá nghèo. Cha Nhan cũng như cha Thạnh chỉ biết trông cậy vào những con cá ở ngoài biển. Những người còn lại “bám trụ” vào mảnh ruộng khô cằn “cầy lên sỏi đá”, vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Mấy đứa em Nhan học chỉ đủ biết đọc, biết viết. Có khi Nhan nghĩ đến Thạnh, người chồng tương lai của mình, lòng buồn vô hạn. Sau này khi hai người lấy nhau, lại phải sống trong cảnh nghèo đói, nợ nần chồng chất từng ngày. Cảnh “chồng đi giăng câu, vợ làm ruộng” sẽ lại tiếp diễn từng ngày, biết đến bao giờ mới thay đổi được. Nhan muốn thoát ra khỏi cảnh nghèo đói đó, không thể sống cúi mặt mãi được.
Trong huyện có gần hai mươi xã. Phần lớn tên các xã đều có chữ đầu là Phú và Vinh, nhưng trớ trêu, hầu như không có xã nào “giầu có”, “vinh quang” hay “vinh hiển” cả.
Bà Hương hứa sẽ tìm cho Nhan một người chồng giầu có, một thứ “lão pản” (đại gia giầu sụ) để cho nở mày nở mặt với chúng bạn. Sau này Nhan chỉ lo trả khoản tiền chi cho thủ tục xuất ngoại, còn tiền “dịch vụ môi giới” đừng lo, bà ta chỉ làm phước. Bà Hương nói sao, Nhan chỉ biết vậy. Dễ gì có người làm phước trong chuyện này.
Bà Hương hẹn Nhan xuống Nha Trang hôm nay. Nhan không ngờ chuyến đi gấp quá. Đêm qua Nhan hẹn gặp Thạnh ở bờ biển, định nói cho Thạnh biết chuyện, nhưng rồi Nhan lại do dự không nói được. Có cái gì đó nghèn nghẹn ở cổ. Thôi, cứ để rồi Thạnh sẽ tìm hiểu sau.
Theo địa chỉ ghi trong giấy, Nhan vào một khách sạn. Nhan được kín đáo đưa lên một căn phòng  ở tầng chót. Nhan không đếm, nhưng thấy đông lắm. Toàn là phụ nữ, sồn sồn có, trẻ có; đẹp có, vừa vừa có. Nhan hỏi nhỏ mấy người đứng gần. Có người từ miền Bắc và miền Trung vào đã mấy ngày, cũng có người từ miền Nam ra.
Nhan thấy bà Hương đang đứng trước đám phụ nữ. Tay bà cầm một cây viết và một cuốn sổ. Bà ghi tên và đọc tên từng người một, kể cả ngày sinh. Nhan thấy có hai người đàn ông khác phụ giúp bà.
Thủ tục “phân hàng” được xúc tiến trước tiên theo tuổi tác. Ai từ 16- 17 đến 25 tuổi được xếp vào “hàng phây”, từ 30 trở lên được xếp vào “hàng cỗi”. Lẽ dĩ nhiên, Nhan được xếp vào danh sách “hàng phây”.
Thủ tục này tương đối nhanh chóng. Xong xuôi, bà Hương có hai danh sách rõ ràng trong cuốn sổ. Sau đó tới giai đoạn kiểm soát. Bà đến từng người một, tự tay kéo áo họ lên, nhìn xem có vết thẹo hay không. Bà ghi chép tỉ mỉ vào sổ. Bà nói với mọi người:
– Tụi tôi không muốn làm khó dễ các em đâu. Tụi tôi phải kiểm tra xem các em có thẹo hay không. Tùy theo kích thước thẹo. Thẹo nhỏ có thể chấp nhận được. Thẹo lớn và dài là coi như “thua”. Đàn ông Trung Quốc rất kén vợ. Họ lấy vợ là để đẻ con cho họ. Họ cẩn thận lựa người không có thẹo ở bụng. Người nào có thẹo ở bụng, họ cứ sợ là người đó đã bị cắt dạ con, không sinh đẻ được nữa, nên họ từ chối.
May quá, Nhan không có một cái thẹo nào ở bụng cả.
Buổi chiều, Nhan và ba phụ nữ khác chung nhau mướn một phòng ngủ ở gần đó cho tiện công việc vào những ngày kế tiếp.
Sáng hôm sau, các phụ nữ lại được đưa lên tầng chót của khách sạn. Nhan thấy số này chỉ còn lại chưa đến một phần ba. Bà Hương chào những người “trúng tuyển” đợt đầu. Bà nói đến giá cả. Cha mẹ người trúng tuyển sẽ nhận được một số tiền sơ khởi từ một vài trăm đến vài ngàn đô trong nay mai. Số tiền này sẽ do các ông chồng “Chai Nờ” trả, và giá cả “giao động” tùy theo chất lượng “hàng”.
Bà Hương cho biết, những người đã được lựa, bắt đầu từ ngày mai sẽ có thầy đến dậy tiếng Tầu hoặc tiếng Anh.
Nhan và các cô gái vừa vui mừng, vừa lo sợ. Vui vì mình đã giúp được ít nhiều cho gia đình, cải thiện được đời sống tối tăm, nghèo hèn, kéo dài bao năm nay; nhưng cũng lo vì không biết đời mình rồi sẽ ra sao, trôi giạt về đâu.
Trong lớp “ngoại ngữ”, các cô gái được học một chút ít tiếng Anh và tiếng Quan Thoại, mục đích để giao dịch thường ngày.
Các cô lại còn được học chút đỉnh về văn hóa, lễ nghi, phong tục, tập quán của Trung Quốc, và quan trọng hơn cả là nghệ thuật chiều chồng. Ngoài ra, bà Hương còn cho người đến chỉ dậy các cô cách ăn mặc, trang điểm, đi đứng, để được các ông chồng hài lòng. Các cô gái được may một bộ đồ Thượng Hải giống như các cô gái Tầu vẫn mặc. Đây là lần đầu tiên Nhan có bộ đồ đẹp, được trang điểm phấn son, rồi lại được sức dầu thơm.
Qua ngày thứ ba, bà Hương cho Nhan biết “chồng” của Nhan sẽ “ra mắt” hôm nay. Ông ta từ Đài Loan tới. Nhan hồi hộp, chờ ông chồng tương lai của mình. Đến trưa ông ta đến khách sạn. Thoạt đầu, Nhan hơi bị thất vọng khi thấy ông ta thấp bé, đứng thấp hơn Nhan gần nửa cái đầu. Qua lời bà Hương giới thiệu, ông ta tên Wang, 48 tuổi, goá vợ, có 3 con đã trưởng thành, hiện cư ngụ và làm ăn tại Đài Bắc.
Ngay lần đầu gặp Nhan, ông Wang tỏ vẻ bằng lòng ngay. Nhan xinh tươi, da dẻ dắn chắc, khỏe mạnh, nhất là tuổi tác chỉ bằng các con ông ấy. Nhan và ông Wang nói chuyện với nhau khá vất vả. Nhan phải khó khăn diễn tả bằng tay, nói cho ông ta biết mình mới học lõm bõm được vài câu tiếng Anh. Ông Wang luôn miệng cười híp cả mắt, xua tay rối rít “no problem, no problem”.
Theo sự sắp xếp của bà Hương, ông Wang sẽ đi chào gia đình và họ hàng bên vợ ngoài miền Trung, rồi tổ chức đám cưới với Nhan ở đó. Nhưng ông Wang nghĩ như vậy thì không “an toàn”, nhất là ông không có thời giờ, cần phải về Đài Loan gấp để lo công việc.
Bà Hương vội cho người liên lạc và mời cha mẹ Nhan ra gấp Nha Trang, trước là dự đám cưới, sau nhận tiền “đền ơn” của “con rể”.
Hai hôm sau cha mẹ Nhan có mặt tại khách sạn. Đám cưới diễn ra thật giản dị, có đúng mười người: cô dâu, chú rể, cha mẹ Nhan, bà Hương, ba người trong ban tổ chức, và hai cô bạn của Nhan đang đợi “chồng” đến đón.
Khi tiệc cưới xong, bà Hương đưa cho cha mẹ Nhan một cọc tiền, bỏ trong phong bì. Mắt mẹ Nhan đỏ hoe. Cha Nhan đứng chết lặng. Nhan thấy thương cha mẹ đứt ruột, và bỗng nhiên Nhan nhớ đến Thạnh, Nhan khóc. Những giọt nước mắt lăn xuống má, buồn tênh.
Ngày hôm sau, ông Wang mua vé máy bay đưa cô vợ trẻ về Đài Loan.
3.
Mười năm sau, Nhan xin phép chồng về thăm quê hương. Nhan nói mãi, ông Wang đồng ý, nhưng chỉ cho vợ đi nửa tháng.

Biết tin Nhan về, gần như cả thôn ra đón. Những người lớn tuổi biết Nhan từ hồi Nhan còn bé, nói với nhau:
– Con Nhan, con gái lớn anh chị Năm Lạc ni. Nó đi lấy chồng Đài Loan, chừ mới về.
– Có phải cái con vẫn gửi tiền về giúp anh chị ấy xây nhà mới?
– Nó chớ ai. Nhà răng có phúc có đức.
Những người nhỏ tuổi hơn hoặc trí nhớ kém, chỉ biết nhìn người thiếu phụ xinh đẹp, vàng vòng đeo đầy tay, đầy cổ; tóc chải ngắn, da mặt trắng, mịn màng trong bộ đồ may kiểu lạ, từ trên xe bước xuống trước cửa căn nhà mới xây. Chòm xóm hiếu kỳ, đứng bu kín mít. Mẹ Nhan từ trong nhà chạy ra ôm con. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau, khóc rưng rức. Hình như đâu đó có bóng Thạnh. Anh đứng nhìn, cam phận không nói gì.
Các em Nhan lớn bộn. Hồi Nhan đi, thằng em trai út mới 7 tuổi, nay đang học lớp 12 trường trung học phổ thông.
Cả ngày hôm đó, các em quấn quýt bên Nhan, giành nhau kể hết chuyện này đến chuyện khác.
Mẹ Nhan đi chợ, nấu các món “quê hương” cho Nhan. Nhìn nhà cửa khang trang, Nhan thấy hài lòng.
Nhan may mắn làm vợ ông Wang. Tuy tuổi ông Wang hơn gấp đôi tuổi Nhan, nhưng ông là người đàng hoàng, khá giả. Ông là Kỹ sư Điện tại thủ đô Đài Bắc. Nhờ đó Nhan mới có khả năng gửi tiền về giúp gia đình. Nhan nghe nói nhiều cô gái lấy chồng Tầu hay Hàn Quốc cũng khổ lắm. Chẳng may lấy phải anh chồng mê cờ bạc hay rượu chè, bị bắt làm nô lệ tình dục, bị đánh đập tàn nhẫn, hay bị bắt làm nô tì, không cho đi đâu. Có người đã tự tử, hay bị giết chết chỉ sau một thời gian ngắn lấy chồng.
Ở nhà được mấy ngày, đi lòng vòng, Nhan thấy đời sống của bà con phần nhiều vẫn không có gì thay đổi so với trước đây. Người dân vẫn nghèo đói xơ xác. Trẻ con vẫn thất học. Cuộc sống vẫn khổ cực. Nhan bàn với cha mẹ mời ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Xã và công an khu vực đến, hỏi ý kiến, gọi thợ đóng một cái giếng khoan cho toàn thôn. Nghe như vậy, ông Chủ tịch xã mừng ra mặt. Ngay hôm sau ông cho gọi thợ kinh nghiệm đến làm liền. Họ làm ngày đêm, và chỉ hai ngày sau, đã có giếng nước ngọt cho toàn thôn. Cái giếng làm xong, bà con trong thôn ai cũng nể phục và nói tốt về Nhan.
Từ ngày về thăm gia đình, Nhan cứ ngóng gặp Thạnh nhưng chưa có dịp. Nhan biết Thạnh cố tình tránh mặt mình. Nghe mẹ nói Thạnh đã có vợ và 3 con còn nhỏ. Cảnh nhà nghèo và nheo nhóc. Thạnh vẫn đi biển đánh cá và vợ của Thạnh làm nghề nông.
Một buổi chiều, Nhan gặp Thạnh trên đường từ biển về. Tay Thạnh cầm một xâu cá nhỏ, có lẽ chủ tầu cho. Nhìn thấy Nhan từ đằng xa, Thạnh muốn né tránh, nhưng không kịp. Nhan lên tiếng trước:
– Anh Thạnh, có mạnh không?
Thạnh nhẹ gật đầu:
– Dạ, tui vẫn thường.
Rồi Thạnh im lặng. Nhan nghe tiếng gió đang thổi, và sóng đang vỗ từ ngoài xa.
– Anh Thạnh nì, rứa mà 10 năm rồi. Chừ tui muốn xin lỗi anh.
– Vì răng Nhan xin lỗi tui?
– Vì hồi đó tui đã bỏ ra đi.
– Chuyện lâu rồi, Nhan nhắc lại làm chi?
– Có lâu tui cũng phải nhắc. Tui biết lỗi của tui mà.
Thạnh vẫn hiền lành, chất phác. Anh cúi nhìn xâu cá đang cầm trên tay.
– Nhan về thăm nhà bao lâu?
– Hai tuần.
Nhan nhét vào túi áo của Thạnh một cái phong bì:
– Cho tui gởi chút quà cho các cháu.
Thạnh định từ chối, nhưng khi thấy mắt Nhan long lanh hai giọt nước, anh lại đứng yên, không nói được tiếng nào. Hình như biển đang gọi anh ngoài kia.
Lát sau Nhan nói:
– Mấy năm nữa tui lại về thăm nhà.
Thạnh nhẹ gật đầu. Nhan nói thế, nhưng không bao giờ Nhan có dịp trở về nữa, không bao giờ.

Hà Việt Hùng