02 September 2017

NGHĨ VỀ MẸ - Võ Hồng


Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ.
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

Tựa cửa hôm mai là lời của mẹ Vương Tôn Giả. Mẹ bảo Vương: “Nhữ chiêu xuất nhi vãng lai” mày sáng đi mà chiều về, “tắc ngô ỷ môn nhi vọng” thì ta tựa cửa mà trông. “Mộ xuất nhi bất hoàn” chiều đi mà không về, “tắc ngô ỷ lư nhi vọng” thì ta tựa cổng làng mà ngóng. Hai câu mô tả lòng mẹ thương con khi con đã lớn. Trích dẫn nguyên bản để đọc lên ta xúc cảm rằng bà mẹ đó có thật.

Truyện dân gian mô tả lòng mẹ thương con thì rất nhiều. Thử lấy một. Người mẹ bị rắn độc cắn. Biết mình sắp chết bỏ con, vội vã chạy về nhà, đổ lúa vào cối mà xay, đổ thóc vào cối mà giã, gấp gáp sao cho có gạo để lại cho con ăn sau khi mình chết. Không ngờ điều huyền diệu đã xãy ra: dồn cả sức lực, bắp thịt đến rã rời, truyện kể rằng chất độc toát ra theo mồ hôi, thoát ra theo hơi thở… và người mẹ được cứu sống.
Còn nhớ truyện vua Salomon xử kiện? Hai người đàn bà tranh nhau một đứa nhỏ, ai cũng nói mình là mẹ của nó. Dùng đủ mọi lý lẽ mà không giải quyết yên, cuối cùng vua phán: “Ðem đứa nhỏ ra xẻ hai, mỗi người lãnh một nửa.” Một người đàn bà nói: “Dạ, thà như vậy cho công bằng.” Người đàn bà kia: “Thôi, tôi xin nhường.” Ðó, lời nói của mẹ bạn đó, hỡi người bạn nhỏ đang lắng nghe tôi. Mẹ bạn cũng sẽ xử sự như vậy nếu bị đặt vào hoàn cảnh nêu trên.
Trường hợp này thì còn đáng phục hơn: Chàng Côdắc hỏi tiên nữ Ôcxana rằng đến khi nào nàng mới yêu chàng? Nàng trả lời rằng nàng sẽ yêu người nào đem tặng mình trái tim người mẹ… Chàng Côdắc im lặng, lòng đượm buồn và chẳng thiết gì ăn uống nữa. Nhưng rồi cuối cùng chàng cũng mang đến cho Ôcxana trái tim mẹ mình.

Ðường dài chân mỏi, mắt hoa,
Vừa lên thềm cửa, chân xa ngã nhào.
Tim mẹ đập ứa máu đào,
Mà còn hỏi nhỏ “Nơi nào đau con?”

Hỡi ơi, chỉ có trái tim người mẹ mới vị tha tới mức vẫn cứ thương đứa con bội bạc dường kia!
Tưởng cũng nên nhìn qua vài gương mẹ hiền, dạy con nên người xả thân vì nghĩa. Mẹ Mạnh Tử chọn láng giềng tốt, cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung để làm bài học dạy con. Mẹ Vương Lăng với bài thơ tiễn sứ giả, mẹ Từ Thứ, mẹ… Vài gương thôi vì ai cũng muốn được xúc động bởi tình thương hồn nhiên, tự nhiên, ít muốn thán phục lý trí nhiều khi chỉ là trò tính toán, hư thực khó phân.
Lòng mẹ đối với con như vậy, còn lòng con dành cho mẹ thì sao? Trong bốn câu thơ Ðoạn Trường Tân Thanh nêu trên, một câu đầu nói nỗi lòng người mẹ thì hai câu sau là nỗi lòng của con. Câu trước dành cho đứa con nhỏ tuổi là Hoàng Hưng, câu sau chọn tả nhân vật hiếu tử già nhất lịch sử: Lão Lai. Suốt cuốn Nhị Thập Tứ Hiếu là 24 gương con hiếu. Nhiều gương ngang tầm với người thường, người thường làm được. Truyện Quách Cự chôn con, được chum vàng. Trời chu đáo chôn sẵn để thưởng Quách Cự, hơi khó tin đối với chúng ta hôm nay. Có vẻ như do một thi sĩ của cung đình sắp đặt dựng lên nhằm ca tụng vương khí của triều đại. Riêng truyện Vương Thôi có khí vị đặc biệt. Mẹ Vương Thôi sợ sấm. Ngày thường Thôi ra đồng làm việc, mà hễ trời nỗi cơn sấm sét là lật đật chạy về nhà cho mẹ bớt sợ. Khi mẹ chết rồi, mỗi lần sấm sét là Thôi lại vội vàng chạy ra ôm mộ mẹ mà nói: “Có con đây, mẹ đừng sợ.” Tâm hồn Vương Thôi có cái gì chất phác đơn giản của một người nông thôn quê mùa, khiến ta tin là hoàn toàn có thật. Và không cần cố gắng, khỏi phải lý giải, hễ đọc lên là lòng mỗi chúng ta đều xúc động rưng rưng.
Trong câu truyện cổ của ta có chuyện Bát Canh Hẹ. Một tù nhân một hôm nhìn vào mâm cơm thấy có bát canh hẹ liền khóc òa bảo người cai ngục: “Tôi biết mẹ tôi vừa tới thăm tôi, nhờ ông chuyền cho bát canh hẹ này. Vì hồi ở nhà mẹ tôi thường nấu canh hẹ cho tôi ăn.”
Truyện kể một vị hiền giả nọ (Hán Bá Chu), một hôm phạm lỗi bị mẹ đánh. Ông khóc tức tưởi nhiều hơn mọi lần. Mẹ hỏi: “Lần này mẹ đánh ít, sao con khóc nhiều?” Thưa: “Những lần trước mẹ đánh nhiều, ngọn roi mạnh, con khóc vì đau. Lần này mẹ đánh ít, ngọn roi nhẹ, con thấy ít đau, nhưng con biết sức mẹ đã yếu, mẹ đã già, nghĩ vậy mà con khóc.” Sách vở ghi biết bao nhiêu gương hiếu.
Mà nào phải lục tìm trong cổ văn mới thấy gương mẹ hiền biết cách thương con. Mẹ của người bạn cùng quê với tôi, anh Phạm Ngọc Ân, vốn không biết chữ quốc ngữ như mọi bà mẹ thời đó. Khi Ân học vỡ lòng, anh lẫn lộn M với N, P với Q… rồi sang vần ngược thì càng tha hồ lẫn lộn. Cha giận vừa nạt nộ, vừa vụt roi. Mẹ thương con, lén đứng dòm, lẩm nhẩm nhớ để rồi bày lại cho con. Kết quả là bà đọc được Quốc ngữ và sau đó Ân học hành giỏi, làm tới chức thanh tra giáo dục. Ân nay đã đông vầy con cháu và mẹ già đã nằm yên dưới ngôi mộ bên sườn núi Ngân Sơn.
Chỉ không lưu ý đó thôi, chứ hình ảnh mẹ con diễn ra quanh ta đầy đẫy, vạn trạng thiên hình kể sao cho siết! Mẹ ẵm con đi chợ, mẹ bồng con đi nhà thương, mẹ dắt con tới trường… Trên sân: gà mẹ dẫn gà con bươi rác. Trên đồng cỏ: trâu mẹ đứng yên cho trâu con sục mõm vào bầu vú, mắt nhìn hiền từ, thỉnh thoảng âu yếm liếm vai liếm lưng. Con cò luộm thuộm, vụng về, cái cổ dài ngoẵng, cặp chân lêu khêu vậy mà từ lưng chừng trời khéo xếp đôi cánh đáp xuống nhẹ nhàng cạnh bầy con, dùng cái mõm nhọn hoắt để sú mồi, để rỉa lông âu yếm… Tình mẹ con quả là thứ tình cảm thiêng liêng khó giải khi ta nhìn cặp mắt vàng lợt đó như thiếu vắng sự thông minh, cái cổ quá mảnh quá dài làm khó khăn biết bao cho sự dẫn truyền tình cảm.

Cho chí cỏ mộc vô tình cũng gợi xúc cảm mẹ con. Cây chuối mẹ và bầy chuối con xúm xít. Cây ổi mẹ và lũ ổi con ngơ ngác vây quanh. Lũ cây con như rất cần mẫn nhìn mẹ mà bắt chước, mà nhại theo hình dáng mẹ.
Trên đời không ai yêu thương ta bằng mẹ. Người tình dẫu thủy chung cũng chỉ yêu ta với điều kiện: Hoặc là ta đẹp, hoặc ta có tài. Mẹ thì không, xấu xí cũng thương, xấu xí càng thương như nhằm bù lại những thiệt thòi cho con, như ngầm nhận sự xấu xí là do lỗi mẹ.

Không đến nỗi quá lời nếu nói rằng với mẹ, con là tất cả. Khi có con, mẹ bình tâm vạch vú cho con bú, áo xống xốc xếch, quần xăn quá đùi cũng không còn thấy ngượng. Có con là như đã đủ rồi. Không như những bạn lấy chồng năm mười năm mà chưa con, vẫn cứ thẹn thùng kín đáo.
Ðúng, đã có đủ rồi. Vì có con, mẹ mới yên tâm, mẹ vừa hãnh diện. Con là tác phẩm tuyệt hảo của mẹ, là vật báu thiêng liêng mà mẹ vẫn không hiểu làm sao mà mình có đủ khả năng tạo thành. Cái sinh vật nhỏ đó dần dần lớn lên, có trí thông minh, thân thể phát triển vẹn toàn để có thể trở thành danh nhân, trở thành vĩ nhân. Càng thêm hãnh diện, càng được đền bù bởi mẹ mang thân phận đàn bà, từ mới sinh ra đã chịu mọi thiệt thòi. Làm con gái đâu được cha mẹ nuông chiều bằng con trai. Lớn lên phải phụ tay trong bếp, dọn dẹp trong nhà. Sự thiệt thòi đeo đẳng suốt đời chỉ vì là thân phụ nữ. Luân lý thời xưa khắc nghiệt bắt người đàn bà không được bước đi bước nữa, phải ở vậy thờ chồng nuôi con. Trải bao cuộc chiến tranh, bao nhiêu góa phụ chôn vùi tuổi thanh xuân, đến khi nhắm mắt xuôi tay là coi như xóa sạch cuộc đời, vĩnh viễn không còn dấu vết. Cho dẫu có được sắc chỉ “Tiết hạnh khả phong” hoặc dãy vòng hoa và bài ai điếu.
Rốt cuộc dường như niềm vui lớn nhất trên đời là khi sinh được đứa con. Tình yêu chồng dần dần sớt qua con và nếu gặp trường hợp đớn đau phải hy sinh đời mình để cho con sống thì hầu như mọi người mẹ đều nuốt nước mắt nhận cái chết về mình, ít cần lưỡng lự.
Nước ta có hai bậc quần thoa xuất chúng Bà Trưng và Bà Triệu, được ca ngợi là cân quắc anh hùng, hào quang xuyên suốt lịch sử. Nhưng không thấy sử ghi là hai bà có được đứa con. Khiến có hôm xúc cảm nhìn cảnh mẹ con vui vầy của những bà mẹ, “mẹ của Quỳnh Chi, Thanh Hải, Nhật Thành…” Tôi chợt ngậm ngùi nghĩ đến hai bà:

Tôi chợt nhớ về Bà Trưng, Bà Triệu,
Chưa một lần được gọi tiếng “con ơi!”
Vì nghĩa lớn, xả thân mình lo liệu,
Phần ấm êm: xin nhường hết cho người.

Phần ấm êm là đứa con, là tình mẹ con, dẫu rằng thế tục tầm thường nhưng không phải dễ mà có được.
Tôi, thuở ấu thơ không được sống gần mẹ, đã vậy mới mười một tuổi mẹ đã từ trần. Theo cha đến chùa một lần là nhân lễ mãn tang mẹ. Lớn lên mới biết lễ Vu Lan báo hiếu nên cứ mỗi lần xé tờ lịch nhìn thấy ghi tháng bảy âm lịch là lòng u hoài nghĩ đến mẹ. Có một thôi thúc nhẹ nhàng, một háo hức tiềm ẩn muốn được làm một cử chỉ báo ân. Nhưng mẹ còn đâu? Ðành tìm trong chỗ bạn quen thân có ba người còn mẹ già, ngày Vu Lan tự tay đem một tặng vật nhỏ, gọi là góp lời cầu nguyện cùng bạn. Rồi âm thầm nghĩ đến tích Mục Liên Thanh Ðề, nhớ đến quê hương xa cách, ngôi chùa làng vắng vẻ tịch liêu. Ðến ngôi mộ của mẹ tôi, của bác tôi, của ông bà tôi nằm rải rác quạnh hiu nơi sườn núi cuối thôn. Ðến những vị xuất gia đã cát ái từ thân, giờ này đang trì chú hộ niệm. Nhưng cát ái từ thân đâu có nghĩa là không nghĩ đến mẹ? Ðại đức ơi, thầy nghĩ đến mẹ tha thiết như thế nào? Hòa thượng ơi, thầy nghĩ đến mẹ bồi hồi như thế nào?
Hiện rõ cái đầu bạc phơ của hòa thượng, chân mày sợi dài trắng sóa, dáng đứng như chỏm núi cao. Như đỉnh Hy Mã Lạp Sơn tuyết phủ. Ðỉnh núi tuyết uy nghi có biết báo ân mẹ không? Những bụi sim quây quần dưới chân núi rì rào nhớ mẹ. Mẹ là hột sim do con chim bay qua thả rơi xuống đất. Cây bồ đề cổ thụ thân lớn mấy người ôm, tàn lớn phủ sườn núi cũng xào xạc nhớ mẹ. Mẹ là hột bồ đề rất nhỏ ngẫu nhiên ngọn gió bay mang tới. Nhưng hùng vĩ như Hy Mã Lạp Sơn thì mẹ là ai? Tôi đành âm thầm lắc đầu vừa tưởng như nghe ầm ầm những chuyển động tạo sơn quăn quại dựng nên dãy núi. Thành ra núi cô đơn.
Ở nhiều nước văn minh trên thế giới, người ta thỏa thuận lấy một ngày trong năm đặt là ngày lễ mẹ (Mother’s Day.) Vào ngày đó, các con dẫu ở xa cũng cố gắng tụ hội về quanh mẹ, dâng hoa tặng quà, đọc lời chúc tụng và vui vầy tiệc tùng. Trên ngực áo mỗi người còn rực rỡ một đóa cẩm chướng màu đỏ. Những người con nào mà mẹ đã qua đời thì lạnh lẽo nơi ngực áo một đóa hoa cẩm chướng màu trắng.
Ở ta, từ thập niên 50 nhiều địa phương nhân ngày lễ Vu Lan đã tổ chức nghi thức bông hồng cài áo: ai còn mẹ thì được gắn một hoa hồng đỏ, ai mất mẹ thì một đóa hồng trắng. Một cách để nhớ mẹ, để tôn vinh mẹ, để mừng mẹ còn tại thế, để xót xa nghĩ đến mẹ đã qua đời.
Bản thân người mẹ Việtnam không đòi hỏi được tôn vinh. Vào thế hệ tôi, người mẹ gần như chỉ lúc thúc ở nhà dưới, nhà ngang, lăng xăng xuốt ngày và hạnh phúc với muối dưa, với con cháu. Cha già được thong dong ngồi hút thuốc, được thưởng thức tách trà sớm, được nhấm nháp ly rượu buổi hoàng hôn, chớ mẹ thì hầu như không biết hưởng thụ là gì. Cả ngay khi số tuổi chồng chất, đóng vai bà nội, bà ngoại. Có một thời gian, láng giềng tôi là một gia đình giàu. Khi người vợ sinh đứa con lên bốn tháng, người ta nhắn về quê nhờ bà kế mẫu già, nghèo, tới coi sóc giùm nhà. Một hôm qua khung cửa tôi thấy bà ngồi vá quần cho đứa nhỏ. Tôi ngạc nhiên bồi hồi đứng nhìn. Trẻ con dưới một tuổi lớn mau, quần áo vải mới, mặc không vừa nữa thì bỏ một chỗ, quần áo vải cũ, rách thì ném làm giẻ lau, ai hơi đâu nheo mắt ngồi vá? Thôi, hiểu rồi, tâm lý người mẹ, người mẹ quê, người mẹ nghèo, tần tảo, quên mình, người mẹ của thế hệ tôi đó. Thời nay có khá hơn, có biết vị kỷ hơn, nhưng có được bao nhiêu người con, dẫu đã thành đạt, nhớ đến Ngày lễ Mẹ? Nhiều bà mẹ tổ chức kỷ niệm sinh nhật cho con hằng năm, có tiệc, có cắm nến trên cái bánh to, có chụp hình… Nhưng này các con, sao sinh nhật mẹ, các con không gom một bó hoa — ngắt hoa dại trong vườn, ngoài rào cũng được — sáng sớm trao tay mẹ? Nếu mắc cỡ không nói được thì có thể viết trên mảnh giấy nhỏ: “Con mừng sinh nhật mẹ” chẳng hạn. Ðó, vì đa số các con vô tâm mà phải mượn lễ Vu Lan để cài một đóa hồng.
Nhưng rằm tháng Bảy không chỉ là ngày nhớ mẹ, báo ân không chỉ có báo ân mẹ. Còn có phần hiếu thảo dành cho cha. Rộng hơn, dân tộc ta còn nhận ngày này là ngày xá tội vong nhân, chú nguyện cho thập loại chúng sinh vừa mở rộng lòng bố thí cho người nghèo khó nơi dương thế. Lòng nhân ái tựa biển, tràn khắp bao la trong tiếng chuông ngân vang ngày lễ.
Hãy thương yêu mẹ hết lòng, săn sóc ân cần, hầu hạ trìu mến, nhất là khi mẹ già yếu, bệnh hoạn xấu xí bẩn thỉu. Hãy nhớ lại thuở mình còn nhỏ, mặt mũi chưa được trơn láng như hiện giờ, ỉa đái ngay trên mình mẹ, và khi lên năm lên mười mẹ phải nhịn phần mẹ để mua món ăn ngon, sắm cái áo đẹp cho mình. Hãy xúc động sụt sùi mà cầm tay mẹ, nhìn mặt mẹ, theo dõi bước đi dáng ngồi của mẹ. Không như tấm lịch đẹp treo tường, tấm năm sau sẽ thay tấm năm trước, không như cái bàn gỗ mộc sẽ đứng mãi đó nếu ta không tự ý phế bỏ. Mẹ thì không, dẫu ngó vững chắc nhưng sự sống vốn rất dễ rung rinh, chẳng chóng thì chầy, rồi cũng tới một ngày — thậm chí có thể chỉ trong khoảng chốc — ta sẽ chỉ còn thấy được mẹ trong trí nhớ.

Võ Hồng