Tôi gặp phạmnhãdự thiếu một
năm nữa là đúng năm mươi năm. Một nửa thế kỷ nói sao mà nghe quá dài, thật là
dài.
Dạo đó, tôi phục vụ vùng Gia Định.
Hậu cứ đóng quân nằm ở đường Ngô Tùng Châu, Bà Chiểu. Cuối tuần tôi thỉnh thoảng
ra Sàigòn chơi, thường uống càphê, ăn sáng tại nhà hàng Kim Sơn, nằm góc đường
Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực. Cũng góc đường nầy có Kiosk bán sách báo và tạp
chí của cô Nga, người đẹp dáng vóc nhỏ nhắn rất hiếu khách. Quán nầy là nơi tụ
tập của anh em văn nghệ trẻ ở nhiều nơi. Nào Tô Đình Sự, Ngô Nguyên Nghiễm, Yên
Bằng, Trăng Thệ Hải, Phan Chấn Thanh, Lâm Chương, Lưu Nhữ Thụy, Phạm Nhã Dự,
Nguyễn Lệ Tuân, Thuy Miên, Nguyễn Lê La Sơn, Lưu Vân, Nguyễn Thành Xuân, Hà
Thúc Sinh, Trần Văn Sơn, Trần Hoài Thư, Nguyễn Tôn Nhan, Trần Phù Thế... Ở đây
tôi quen với phạmnhãdự. Từ khi biết nhau, tôi và Dự hể rãnh là cùng các bạn kể
trên bày cuộc rượu. Thời đó chiến tranh, chết sống gần kề nên gặp nhau không nhậu
mới là chuyện lạ.
Những dạo đóng quân ở ven đô,
nhứt là vùng Hóc Môn, tôi hay qua nhà PND ở Bà Điểm thù tạc với nhau. Lúc ấy Dự
cũng thỉnh thoảng ghé qua nơi tôi dừng chân (Dự phục vụ ở Trung Tâm Huấn Luyện
Quang Trung). Dự thường nhắc chuyện một Bà Mẹ tình nguyện theo nấu cơm (nuôi)
cho ba đứa con trai đang phục vụ trong đơn vị của tôi. Dự luôn nhắc với giọng
xúc động và cảm phục.
Nhà Dự ở trong vườn trầu, toàn
trầu với cau. Xanh mướt và thẳng tắp. Nơi đây cũng còn được gọi là ‘Quán Văn’,
nơi trước cũng như sau cơn-khủng-hoảng bảy-lăm là chỗ quy tụ anh em văn nghệ ‘xả
láng sáng về sớm’.
Một lần, khoảng vào năm 1969,
tình cờ sáu tên gặp mặt. PND rũ rê cùng nhau kéo về nhà hắn, mười-tám-thôn-vườn-trầu.
Nhậu một trận đã đời. Sáu thằng cởi trần từ trưa tới chiều làm láng năm lít đế
Bà Điểm, có tiếng là rượu ngon nhứt vùng Hóc Môn, Gia Định.
Hình ảnh đó vẫn lưu giữ mãi
trong ký-ức tôi. Cho đến không biết bao lâu, khi định cư ở Hoa Kỳ, một hôm tôi
viết một hơi về kỷ-niệm, về những khuôn mặt thân ái miên hằng:
UỐNG RƯỢU Ở VƯỜN TRẦU BÀ ĐIỂM
Tô đình Sự
Này Sự, rượu tới phiên mày
Uống say một trận cho đầy cơn
mê
Tuổi thanh niên cũng chẳng hề
Thằng ra chiến trận thằng về
áo quan
Lâm Chương
Này Chương, sao sớm tan hàng
Ngất ngư uống nữa cho tàn cuộc
đau
Tội gì mầy nghĩ mai sau
Chiến tranh có mặt như tao với
mày
Yên Bằng
Này Bằng, uống chút mà say
Chúa hay giả bộ kéo dài cuộc
chơi
Mày đi lính vác dùi cui
Lính như lính cậu rong chơi
Sàigòn
Phạm Nhã Dự
Này Dự, rượu hết hay còn
Đừng chơi tao nhé! Tiếng đồn đế
ngon
Nể mày mời lắm nghe con
Bửa nay quyết đấu mất còn sá
chi
Lưu Vân
Lưu Vấn, mày uống kiểu gì
Uống sao kê tán đáy ly còn chừa
Bây giờ trời mới giữa trưa
Nắng chui nách lá, trầu thưa
chỗ ngồi
Sáu thằng cởi áo uống khơi
Hết năm lít đế coi trời bằng
vung
(trích “giởn bóng chiêm bao”, tpt)
Phạmnhãdự rất mạnh rượu. Trong
đám bạn chỉ có Lâm Chương và Tô Đình Sự là địch thủ của hắn mà thôi.
Và hắn cũng thường hay vui miệng
chửi thề. Chẵng thế, chửi thề luôn cả trong văn chương thi phú! Tôi gọi hắn là
‘kẻ văngtục vănchương’.
Thật ra, trong văn chương, tiếng
chửi thề thỉnh thoảng cũng được nhà văn dùng đối thoại trong tác phẩm của mình,
nhứt là những nhà văn quân đội. Nhưng, trong lãnh vực thơ, thật hiếm thấy những
bài thơ chửi thề, mà sau này tôi biết cũng chỉ dăm người, cũng toàn những tay mặc
áo kaki. Trước đó, rất lâu, tôi chỉ thấy có thi hào Cao Bá Quát, trước khi ra
pháp trường, mới có thơ ‘chửi thề’: “Ba hồi
trống giục đù cha kiếp/ Một nhát gươm
đưa đéo mẹ đời”. Cho đến khi (1971) nghe PND đọc bài thơ “Buổi Chiều Ở
Nghĩa Trang Cà Đú” (mà Dự viết ‘gởi linh
hồn mày, Tôđìnhsự’) với tôi là lần đầu tiên, DỰ dám xử dụng tiếng chửi thề
vào trong bài thơ thực sự, mà lại nhiều lần! Bài thơ khóc bạn với những tiếng
chửi thề này gây tôi cảm xúc sâu xa khôn tả!
Trở lại Phan Rang lần nầy nữa
Thăm mày không biết ngắn hay
lâu
Thăm mày, đù má, mày đã chết
Hay chỉ thăm cỏ mọc xanh mồ.
Chiều nay sao gió nhiều mày nhỉ
Gió nổi trong tao đến lạnh
mình
Đù má, nhang mày sao chẳng
cháy
Đốt mãi que diêm đến cạn cùng.
Ngay khi nghe đọc, tôi lặng
người vì tiếng chửi (đù má) rất dân dã nầy. Nếu nói thiệt, nó rất ư là thô tục.
Vậy mà PND lại ‘ném’ hai tiếng chửi thề vào vị trí rất đắc địa. Tôi không thể
tưởng tượng có mấy “thi gia” dám dùng nó trong thơ như một ngôn ngữ văn chương,
nhứt là rất nhiều lần trong một bài thơ, mà lại gây xúc động như vậy! Chắc trước
sau chỉ có Phạm Nhã Dự mà thôi!
Tôi đã vô cùng ngạc nhiên xen
lẫn thích thú. Dự dùng hai chữ “đù má” khi
đứng trước mộ người bạn vừa nằm xuống, người bạn thân của chúng tôi, Tô Đình Sự.
Chửi thề đi Dự cho bớt lòng đau:
Bên kia dãy núi trơ thân chó
Cỏ dưới chân tao lại sụt sùi
Mẹ kiếp, vợ mày đang khóc mướt
Con mày, trời hởi, nó cười
vui!
Còn tao, tao chẳng cười chẳng
khóc
Chẳng ngậm ngùi chi lũ kiếp
người
Đù má, tao chửi thề đây Sự
Chửi suốt trăm năm chửi hết đời.
“Mẹ kiếp” cũng gần như tiếng chửi thề. “Vợ mày đang khóc nmướt/ Con mày trời hởi nó cười vui”: thật là trớ trêu nghịch cảnh. Chồng chết đương nhiên
là vợ quá đau lòng, nhưng mấy đứa con còn quá nhỏ có biết gì đâu nên vẫn cười vẫn
hồn nhiên!
“Đù má, tao chửi thề đây Sự / Chửi suốt trăm năm chửi hết đời”: đúng là rất độc và lạ.
Bài thơ “Buổi Chiều Ở Nghĩa
Trang Cà Đú” tôi đếm đưoc tất cả là sáu lần tiếng chửi thề mà tác giả đã lập đi
lâp lại (tưởng như là cố ý). Để nói lên tình bạn sậu đâm đối với người nằm
trong mộ, cái câu “Chửi sưốt trăm năm chửi
hết đời” đã thể hiện rõ cái tình bạn thâm sâu của PND dành cho Tôđìnhsự. Đó
chính là tình bạn tri âm tri kỷ, trăm năm khó gặp.
Theo lời kể phạmnhãdự, cũng đồng
cảnh gần như tất cả bạn bè chiến hữu, Dự đã theo học “Đại Học Máu” * (tù cải tạo)
gần bảy năm. Ra tù, trong nhà không còn gì để bán, PND làm đủ nghề để sống. Bửa
đói bửa no. Từ dạy Anh văn, làm phân bón, mở xưởng muối, rồi lập quán cốc độ nhựt
qua ngày. Một thời gian dài nửa tỉnh nửa mê!
Phạm Nhã Dự nổi tiếng hào sảng,
thích kết giao bằng hữu, nhứt là những cuộc rươu trong giới lưu linh văn nghê
văn gừng Sài gòn. PND kể, khoảng năm 1987, có lần vào buổi chiều hắn và Cung
Tích Biến đến quán Chín Thái (bạn thân của PND) ở trên kinh Nhiêu Lộc, gần Lăng
Cha Cả, giữa khu Bảy Hiền và phi trường Tân Sơn Nhứt. Trước khi nhậu PND chợt
nhớ nhà thơ Phù Hư cũng ở gần quanh đó nên gọi Phù Hư qua nhậu cho rậm đám. Bữa
rượu kéo dài tới gần một gìờ sáng. Phù Hư về trước. PND chở CTB ra trước đường
Hoàng văn Thụ, kêu xích-lô. Biền ngất ngưỡng, không đồng ý, bắt PND phải chở về
nhà ở đường Nguyễn Huệ, Sài gòn. PND phân trần, năn nỉ Biền về bằng xích-lô vì
Ngã Tư Bảy Hiền nằm ở giữa Bà Điểm và Sài gòn. Nếu chở Biền về Nguyễn Huệ rồi về
Bà Điểm thì quá xa. Tới sáng mất đi!
Nhưng CTB nhứt định không chịu,
bảo đích thân PND phải chở về. Dự cương quyết không chở. Hai ông thần men ngồi
bệt xuống vệ đường cự cải nhau tiếp diễn. Đến nổi ông xích lô lên tiếng giảng
hòa. Rồi, CTB đứng vụt dậy, tụt quần xuống, chửi, “đù má, Dự đếch chơi ngon, c.
tao hè”. Đêm đó, theo lời kể của CTB, anh bảo ông xích-lô chở nhầm vào trụ sở
công an phường gần nhà, lẫn quẫn gần bốn/năm giờ sáng mới về chung cư (Nguyễn
Huệ) .
Cuộc chơi bạt mạng đó còn được
Dự ghi lại mấy câu thơ:
Ông đứng dậy tụt quần, Đù Mẹ
Chửi thằng nhã- dự đếch chơi
ngon
Giữa khuya thanh vắng còn hai
kẻ
Uống rượu và quên chuyện mất
còn!
Bài thơ trên có cái tựa “Cung
Tích Biền”, đó là tên của một nhà văn nổi tiếng trước năm bảy-lăm ở Sàigòn,
cũng là người bạn lâu năm của PND từ khi cả hai còn độc thân, lúc mà CTB còn
đóng ở hậu cứ Ngã Tư An Sương, thường ghé qua mười-tám-thôn- vườn- trầu nhậu nhẹt
đình đám.
Và bài thơ trên cũng là bài
thơ thứ hai hiếm hoi mà nhà thơ phạmnhãdự đã dùng tiếng chửi thề trong tập thơ
của mình.
Đọc hai câu “Giữa khuya thanh vắng còn hai kẻ/ Uống rượu
và quên chuyện mất còn” của bài thơ tứ tuyệt trên tôi cảm thông sâu xa tâm
tư của PND. Đi tù về, tâm trạng của kẻ gãy súng tháng tư lúc nào cũng mơ hồ tự
trách mình, dù đó là cộng nghiệp, là vận mệnh chung của cả một dân tộc, một quốc
gia!
Trong bài “Xuân Tha Hương Nhớ
Bạn” có năm bài thơ ngắn tứ tuyệt. Mỗi bài là tên của một người. Tất cả đều là
bạn rượu văn nghệ thân thiết của PND. Phần trên tôi đã điểm danh nhà văn CTB. Vậy
bây giờ xin điểm tiếp coi nhà thơ chúng ta đã viết gì cho mỗi bạn rượu:
Nguyễn Đạt
Quán vắng chun bàn ông ngủ tỉnh
Còn quanh dăm đứa gật gù say
Đơn Dương có lạnh, ông còn lạnh?
Gió tuyết mưa phùn đây trắng
bay!
Đọc lên thấy ngay hình ảnh Đạt
của Đơn Dương xứ lạnh, của tính cách những tay hảo hán chơi bất cần đời, nhậu xỉn
chun xuống bàn ngủ tỉnh bơ!
Lê Triều Điển
Ông mang tranh tặng, ta mang nặng
Bằng hữu chi giao, ông vẽ sao?
Châu thổ bây giờ sông nước lụt
Bao nhiêu thảm cảnh vẽ nên
màu!
Dương Trữ La
Đưa ta đi Mỹ, ông chết giấc
Đò đời còn lại ở lòng nhau
Rượu chìm rượu nổi dăm thằng
ngất
Đời đã muộn màng chuyện bể
dâu!
Thơ Dự đề tặng bạn, không giống
như thường thấy ở các nhà thơ khác, ở đây đọc lên sẽ thấy ngay con người mà PND
có ý đề tặng. Đọc Lê Triều Điển ai cũng nhận ra một họa-sĩ vùng sông nước Cửu
Long, chân tình cùng bạn bè khi rời xa quê hương!
Điểm thú vị nữa là cách chơi
chữ trong câu đầu: “mang tranh” đối với
“mang nặng” (điệp ngữ với hàm ý vật
chất đối với tinh thần). Độc đáo hơn, tác giả còn ‘đẩy’ họa sĩ nhà ta vào thế
khó “phải vẽ tình bằng hữu” vốn xưa nay hình như chưa có họa sĩ nào nghĩ tới!
Đến Dương Trữ La thì nói về
thâm sâu đời sống hơn. Một Dương Trữ La chơi “xả láng” đúng nghĩa nhứt trong những
tay “xả láng” văn nghệ Sài gòn đã cuối đời “ngồi ôn lại chuyện bể dâu”. DTL
chia tay với người phối ngẫu tuyệt vời, về sống buồn thiu dưới vùng Duyên Hải
xa xăm. Khi hay tin PND mời gặp mặt trước khi rời quê hương, anh tức tốc theo
đò lên Cầu Chữ Y ngay chiều hôm đó. Uống đến hai ba giờ sáng, anh lại xuống đò
xuôi về Duyên Hải. Sau này anh kể lại anh đã ói vật vã suốt đường về. PND quá cảm
động, viết gởi anh mấy vần thơ này. Khi nhận được, anh bảo anh ngồi ngơ ngẫn,
thẫn thờ suốt cả buổi chiều hôm đó “thấm thía đời mình”!
Sau cùng của các tứ tuyệt là
nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm. Nghiễm là cầu nối giữa các anh em văn nghệ miền Nam
thời bấy giờ và cả bây giờ.
Ngô Nguyên Nghiễm
Ông thiền mấy bậc tu thành đạo
Đã chán chường chưa cuộc tỉnh
say
La Hán bao giờ về núi Thất
Hay nợ văn chương vẫn lụy
hoài?!
Bạn ta Ngô Nguyên Nghiễm. Đọc
qua thấy ngay một Ngô Nguyên Nghiễm đam mê văn chương, đạo mạo như thiền sư /A
La Hán xuất thân vùng địa linh Thất Sơn huyền bí. Tuy nhiên, tinh ý sẽ thấy tác
giả đã dùng ẩn dụ và nói lái thật tuyệt và thú vị ngay câu đầu: “Ông thiền mấy bậc tu thành đạo”. Câu rất
dễ hiểu, diễn rất đạt chân thân Nghiễm. Nhìn sâu, phân tích chữ sẽ thấy ‘Thiền’
là phương pháp tĩnh tọa, mà ‘Thiền’ cũng là tên thật của nhà thơ Ngô Nguyên
Nghiễm. Riêng ba chữ cuối của câu đọc ngược lại đã tạo thành giai thoại trong bạn
bè thâm giao!
***
Ngoài cái độc đáo của ‘kẻ
văngtục vănchương’ với tiếng chửi thề nhẹ nhàng và tự nhiên khi khóc bạn làm ngỡ
ngàng và khuấy động mối cảm xúc thật sự người đọc, tôi còn rất “chịu” thơ tứ
tuyệt của phạmnhãdự. Lời thơ khinh bạt bất cần đời. Ý thơ thâm trầm xoáy vào
lòng người đọc nỗi niềm u hoài không nguôi. Đùa với bạn bằng những ngôn ngữ đời
thường nhưng khi đọc lên vẫn để lại dư âm hoài hoài bất tận!
Tuyệt vời bạn hiền, một đời
thơ, một hồn thơ, cho tuổi “thất thập cổ lai hy”.
South Carolina, Sept. 11, 2017
Trần Phù Thế
*Tác phẩm của Hà Thúc Sinh, Ký, Nhân Văn, Hoa Kỳ 1985.