Qua khỏi Cầu Sơn, Thị Nghè (Hàng Xanh), gã để chiếc xe đạp từ
từ trôi xuống dốc, rồi quẹo vào xóm trên con đường gập ghềnh những mô đất
và những vũng nước dơ bẩn. Gã lắc chiếc chuông đồng nhỏ treo tòn teng dưới ghi
đông xe để báo hiệu cho mọi người biết, ra mua kẹo kéo, mua vé số hoặc dò số.
Đôi khi, theo thói quen, đang đạp xe trên đường vắng, gã cũng thò ngón tay út
xuống cái chuông, khều cho nó kêu leng keng, chẳng vì mục đích nào cả. Gã
chuyên bán kẹo kéo và vé số.
Phía sau xe là một thùng có cục kẹo lớn, khi bán kẹo,
gã kéo ra một khúc nhỏ, bẻ gãy và trao cho khách. Cục kẹo lớn đó, gã bán cả
ngày cũng chưa hết. Phía trước xe gã treo một mớ đồ chơi trẻ con bằng nhựa. Những
con thú, chiếc kèn, cây súng... đủ màu sắc. Khi có người mua, gã mở hộp kẹo ra.
Phần nắp có một cái khung để một trái banh nhỏ. Ai mua kẹo cũng được bắn một
phát súng hơi, nhắm vào trái banh, nếu bắn rớt trái banh thì ngoài khúc kẹo còn
trúng thưởng một món đồ chơi. Trẻ con và cả người lớn đều thích trò chơi nầy.
Ít người bắn trúng vì viên đạn là một nút điên điển nhẹ, khi rời nòng súng là
đi chệch hướng ngay. Gã còn bán vé số, số đề nữa. Mỗi ngày có đến năm bảy tỉnh
mở số, kết quả được gã chép vào một miếng giấy nhỏ, treo trước xe cho người ta
tiện dò số. Khoảng bốn, năm giờ chiều, sau khi các đài phát thanh công bố các
lô trúng, gã đến huyện đề nhận tiền trúng giao cho người may mắn.
Người gã cao lớn, râu ria mọc chơm chởm trên khuông mặt lầm
lì. Khi nói, cả hàm râu quanh miệng gã chuyển động giống mấy con sâu róm
khổng lồ cựa quậy. Hai vai rộng, chân tay dài lòng khòng, người hơi gập về phía
trước. Đôi mắt vừa u uẩn vừa vô hồn, như không thấy gì ngay cả khi đối đáp với
ai. Chỉ với bọn trẻ nít, gã mới trở nên linh động, vui vẻ. Gã rất tử tế với
chúng, có khi tặng kẹo cho những đứa không có tiền. Buổi sáng và giờ tan trường,
gã bán kẹo trước cổng các trường học. Gã thường móc trong túi áo ra hình chụp một
đứa bé khoảng năm, sáu tuổi và hỏi bọn trẻ "Các em có thấy đứa nào giống
như thằng nhỏ nầy không?" Bọn trẻ tò mò nhìn hình đứa bé và lắc đầu. Có đứa
hỏi "Nó là con của chú hả?" Gã gật đầu "Con chú nhưng bị thất lạc
mấy năm nay rồi. Bây giờ chắc nó lớn lắm, cỡ các cháu. Mấy cháu đây, có cháu
nào là con nuôi của gia đình nào không?" Bọn trẻ nhìn nhau lắc đầu.
Buổi chiều gã hành nghề trong mấy xóm lao động, có khi vào
các chợ, rồi đưa tấm hình thằng nhỏ ra hỏi hết người nầy đến người kia "Có
thấy thằng nhỏ nầy không? Nó là con tôi, bị thất lạc... Tôi tìm nó." Lúc đầu
ai cũng ái ngại, lắc đầu và an ủi gã "Không thấy! Khi nào gặp nó, tôi sẽ
báo cho chú." Không rõ gã quên hay vẫn hi vọng, chỉ vài hôm sau, gã lại hỏi
câu đó ngay với người hôm trước. Riết rồi, thấy gã từ xa, người ta đã nói thay
gã "Có thấy thằng nhỏ nầy không? Nó là con tôi..."
Gã đi tù cải tạo, mười năm sau mới về. Mấy năm đầu trong tù,
không được thư trả lời của vợ, gã biết vợ gã đã bỏ gã. Gã không bận tâm, nhưng
thằng con của gã, "Không biết bây giờ ra sao?" Gã viết thư cho người
hàng xóm, hỏi thăm tình hình gia đình mình, người ta trả lời rằng, vợ gã đã bán
nhà đi đâu không rõ. Người ta không muốn nói sự thật. Khi ra tù, về Sài Gòn, gã
ở nhờ nhà một người bạn tù, hành nghề bán kẹo kéo, đi khắp nơi trong thành phố,
la cà vào cả những nơi đĩ điếm, xì ke, ma túy, cướp giật, kinh tế mới... tìm
con. Gã cũng có vào xóm nhà cũ, hỏi thăm.
- Có phải nhà nầy, trước đây có thằng nhỏ tên Mạnh không? Biết
bây giờ nó ở đâu không? Có người nhờ tôi tìm nó giùm.
Người ta không nhận ra gã nên vô tình trả lời.
- Ôi, thứ đàn bà thối thây. Nó rước thằng ăn cướp về, đuổi
thằng nhỏ đi. Sau bán nhà đi mất tiêu, không thấy lai vãng. Cha nó chắc ở
tù đã về rồi, nhưng không thấy về đây.
Trước kia gã cao to, đẹp đẽ, bây giờ tiều tụy, thêm râu ria
khiến gã thành lạ hoắc. Có lẽ con gã cũng vậy, mười năm rồi, thằng bé đã lớn,
chắc gì nhận ra nhau, nhưng gã tin chắc là sẽ tìm được nó. Gã tìm vài cậu trẻ,
hỏi tuổi, để nhớ dáng dấp những đứa cùng tuổi con gã, đứa cao lớn nhất và đứa gầy
còm nhất. Khi thấy đứa nào khoảng đó, gã đi sau lưng và gọi lớn "Mạnh!"
Nếu cậu ta quay lại, tim gã như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, người run lập cập,
thở không ra hơi "Có phải cháu tên Mạnh không?", rồi gã hỏi tiếp những
câu hỏi về cha mẹ, nơi ở của cậu ta. Khi biết không phải gã rối rít xin lỗi.
Một ý nghĩ khiến gã bủn rủn tay chân "Con ta đã chết rồi?"
Thế là gã lang thang vào các nghĩa địa, đi tìm tên Mạnh ở các mộ bia. Gã cầu
mong vợ gã còn chút lương tâm, cho con gã một tấm bia có khắc tên nó.
Thời bấy giờ, khoảng giữa thập niên 1980, trong các nghĩa địa,
người sống thường ở chung với người chết. Họ từ vùng kinh tế mới bỏ về thành phố.
Vài miếng tôn cũ gối trên tấm bia ở các mộ xây xi măng, che quanh bằng những miếng
cạt tông, những miếng ni lông... là thành một nơi trú ngụ tạm ổn vì người chết
không phàn nàn hay đuổi người sống đi.
Thế rồi ở nghĩa trang Ông Tạ, gã tìm thấy một ngôi mộ đất,
có một tấm bia, đúng hơn, một miếng gỗ, cắm trước mộ, chỉ ghi một chữ Mạnh bằng
dầu hắc. Gã đi hỏi những người sống quanh đó, và được trả lời.
- Ở đây đã có lệnh dời mộ nên họ chôn lén. Nghe nói đó là thằng
nhỏ bụi đời, bịnh hoạn gì không biết, nằm chết trước chùa, người ta khiêng ra,
tìm mộ nào đã được đào lên, dời đi, họ bỏ đại xuống, lấp đất rồi bỏ đi. Nghe mấy
người chôn nó nói nó tên Mạnh nên ông làm đường lấy dầu hắc viết tên nó vào miếng
ván, cắm ở đó, hi vọng thân nhân sẽ tìm ra mà lo dời đi. Cả năm rồi mà chẳng ai
hỏi han, săn sóc gì đến.
- Tôi có thằng con bị thất lạc. Nó cũng tên Mạnh. Chắc là nó
rồi.
Gã đi mượn một cái cuốc về làm cỏ, đắp đất thêm cho ngôi mộ.
Rồi gã đi mua đồ cúng. Một gói thịt quay, mấy ổ bánh mì, một bó hoa, nhang đèn,
một xị rượu và mấy cái li, chén nhỏ. Gã dùng cái chén, đổ đất vào, làm chỗ cắm
nhang, hai chiếc li lật úp thành chân đèn, cắm hai cây đèn sáp lên. Gã đặt tất
cả trước mộ, thắp nhang đèn, quì xuống lầm thầm khấn.
- Ba đang cúng lạy con đây. Con có biết không? Con thương
yêu của ba!
Khấn đến đấy, gã nghẹn lời, cố tự kìm chế nhưng nước mắt vẫn
ứa ra. Gã cứ quì như thế, trông giống một tượng đá. Những gia đình kinh tế mới
sống rải rác trên các ngôi mộ gần đó chẳng quan tâm. Họ đã chai đá với đói khổ,
bịnh hoạn, tử biệt sanh li. Gia đình đi kinh tế mới nào mà không có người chết
vì bịnh, vì đói khổ. Chính họ cũng muốn chết quách cho rảnh nợ đời.
Đến gần tối, gã rót rượu ra hai chiếc li.
- Con uống với ba cho vui. Không sao đâu! Ba cho phép con uống
mừng ngày ba và con gặp nhau. Con say với ba một bữa. Con kể cho ba nghe. Con sống
như thế nào khi con chỉ mới sáu bảy tuổi mà không có ba bên cạnh? Tuổi đó con
phải được ba đặt trên vai, công kênh đưa đi chơi. Đi ăn quà rong, đi mua đồ
chơi, chứ đâu phải để lăn vào đời. Con làm sao để sống? Sống đói, sống khổ, bị
người ta đánh đuổi như con chó hoang cho đến khi con kiệt sức và gục ngã...
Gã ngồi lầm bầm một mình, rồi rót rượu uống tiếp. Cho đến
khi say khước, gã lấy cái áo đi mưa sau yên xe đạp mặc vào rồi nằm lăn ra ngủ.
Người ta phải đem chiếc xe đạp vào "nhà", giữ giùm cho gã.
Từ đó, mỗi chiều gã thường ra mộ với một ít thức ăn và rượu.
Gã trải tờ báo ra, để đồ ăn lên, thắp nhang và gọi vong linh thằng con cùng nhậu
nhẹt với gã.
Nhưng một buổi chiều, đi bán kẹo về, gã thấy có mấy người lạ
hoắc đứng chung quanh mộ con gã bàn tán. Gã băng tới .
- Mấy ông bà biết người nằm dưới nầy sao?
- Vâng. Nó là con tôi. Tôi la nó có mấy câu mà nó bỏ nhà lên
Sài Gòn, làm thằng bụi đời. Bây giờ đang tính chuyện bốc mộ nó về quê, nhưng mộ
mới quá, không tiện. Cũng không biết khi nào nghĩa trang nầy mới bị cào bằng
đây? Vài năm nữa thì hay quá!
- Nó tên gì?
- Tên Mạnh.
- Tôi lại tưởng con tôi. Tôi cũng có thằng con tên Mạnh đi bụi
đời, tìm cả năm nay mà không thấy đâu! Nhưng sao anh biết chắc nó là con anh?
- Thì nhà chùa còn giữ đôi dép của nó. Tôi nhận ra ngay. Người
ta tả lại áo quần nó mặc khi nó chết, đúng là nó rồi.
Gã chỉ kịp nói hai tiếng cám ơn rồi đạp xe đi thẳng. Vậy là
con gã chưa chết, gã còn hi vọng.
Gã bắt đầu lại chương trình tìm con như trước đây. Một hôm
gã tâm sự chuyện tìm con với một ông già sửa giày ở đầu hẽm Cô Bắc trên đường
Võ Di Nguy.
- Tôi lạc thằng con, không biết cách nào tìm nó. Tôi đi nát
cả Sài Gòn nầy, cả năm trời mà vẫn không gặp.
- Vì sao ông lạc mất con? Mấy năm nay rồi?
- Tôi đi tù lúc nó mới sáu tuổi. Mười năm sau, đi tù về, tìm
không ra! Nghe nói nó bị đuổi ra khỏi nhà lúc nó sáu bảy tuổi.
- Mười năm thì nó đã mười mấy tuổi rồi. Có gặp nó, cha con
cũng không nhận ra nhau đâu.
- Ông có cách nào chỉ tôi tìm gặp nó không?
Ông già cười.
- Ông vừa đi vừa kêu tên nó, như mấy bà mẹ lạc con trong chợ
vậy.
- Tôi hỏi từng đứa nhỏ mà vẫn không thấy!
- Nó tên gì?
- Lê Mạnh.
- Thường ở nhà gọi nó là gì?
- Cu Tí.
- Nó đi bụi đời lúc sáu, bảy tuổi, làm sao nó biết tên nó là
Mạnh? Ông có gặp nó, nói tên Mạnh, nó cũng không biết đâu. Ông phải tìm thằng
Tí hoặc Cu Tí.
Gã vỡ lẽ, gãi đầu cười.
- Tôi ngu quá! Ông không nói, biết khi nào tôi mới tìm ra
nó. Cám ơn ông nhiều lắm. Chào ông.
- Khoan đã! Đi đâu mà vội. Ngồi đó tôi chỉ cách cho. Nhà ông
ở vùng nào?
- Vùng nầy. Đa kao, Tân Định...
- Nếu còn sống, chắc chắn thằng nhỏ làm gì cũng lai vãng
vùng nầy. Có thể nó tấp vô với xóm kinh tế mới đường Hai Bà Trưng. Ban ngày đi
kiếm sống, ban đêm về đó ngủ. Tôi chỉ ông cách nầy. Ông kiếm một miếng bìa nhỏ,
ghi lên đó mấy chữ "Tí, ba đi tù cải tạo đã về. Ngày...tháng...lúc 7 giờ
sáng con đến đây gặp ba." Ông để ngày lơi ra một chút, khoảng tháng sau,
thì nó mới biết được. Ông đưa cái bảng đó cho tôi, mỗi buổi đi làm, tôi treo nó
ở đây. Nếu còn sống, làm gì nó cũng tìm đến.
- Tôi sợ nó không biết chữ, làm sao đọc cái bảng đó.
- Trong xóm kinh tế mới ai cũng biết chữ cả. Họ sẽ bảo nó.
Mà dù nó có ở ngoài Sài Gòn hay trong Chợ Lớn, người khác cũng sẽ cho nó biết.
Ông yên tâm đi. Nó ra đời sớm, gì nó cũng cần phải biết để xoay xở, đối phó mà
sống còn. Ông có học, con ông nó không ngu khờ đâu. Biết đâu chỉ mấy hôm là nó
đến hỏi tôi về cha nó cũng nên.
Đến ngày hẹn, gã đến hẽm Cô Bắc rất sớm, nhưng dựng xe đạp
phía đối diện, ngồi nhìn qua bên kia đường. Lúc đó khoảng hơn năm giờ sáng, đường
phố còn vắng, chỉ mấy hàng cà phê vỉa hè đã bày bàn ghế ra cho khách đi làm sớm
tấp vô, uống li cà phê, hút điếu thuốc rồi vội vã lên xe. Gã thấy trên hiên nhà
đầu hẻm có mấy người nằm ngủ. Dân kinh tế mới đụng đâu ngủ đó nên gã không quan
tâm, chỉ chờ đến giờ hẹn, hi vọng con gã sẽ đến.
Trời sáng dần, có một cậu đi xe gắn máy, dừng lại nhìn giáo
giác một lúc rồi bỏ đi. Tướng nó cao lớn, mặt vuông, lầm lì. Gã hi vọng thằng
nhỏ đó là con gã. Nó đi xe gắn máy ắt không đến nỗi khổ. Nếu gã biết đúng đó là
con mình, có thể gã sẽ không nhận nó là con, nếu nó muốn, để cuộc sống yên bình
của nó không bị phiền nhiễu.
Gần đến bảy giờ, thằng nhỏ lại đến, dừng xe. Gã định nhỏm
lên, đến gặp nó thì nó nhìn đồng hồ rồi lại bỏ đi. Mấy người ngủ vỉa hè kia
cũng lồm cồm ngồi dậy. Hóa ra đó là những cậu trẻ khoảng mười lăm, mười sáu, có
cả đứa độ hai mươi tuổi. Đứa nào cũng dơ dáy, ốm nhom, đen thùi, mặt mũi vừa
láu cá vừa gian xảo. Có đứa còn ngủ, bị đứa khác kêu dậy. Rồi thì cả bọn bảy
tám đứa ngồi một dãy trên thềm nhà người ta, chúng bắt đầu trò chuyện, cười nói
và dòm chừng hai bên đường. Gã vẫn ngồi yên bên nầy đường, chờ thằng bé đi xe gắn
máy.
Ông già sửa giày từ trong hẽm đi ra với chiếc xe đạp chở lỉnh
kỉnh đồ nghề. Bọn trẻ ùa đến. Chúng vây quanh ông già hỏi gì đấy. Ông già giơ
hai tay lên trời và lắc đầu...
Đột nhiên gã hiểu hết mọi chuyện. Những đứa trẻ đó đều tên
Tí, đều có cha đi tù cải tạo và mẹ chúng đã để chúng đi bụi đời. Đa số những bé
trai Việt Nam đều được cha mẹ gọi là Tí, Cu Tí khi còn bé, dù tên chúng trong
giấy khai sinh khác nhau.
Gã đứng dậy, băng qua đường và kêu lên.
- Ba đây Tí ơi! Đứa nào cũng là con ba cả. Ba đây nè, các
con về với ba...
Phạm
Thành Châu