Thập niên 80, do thời thế, do có điều kiện tự do, ở hải ngoại đã hình thành
ra được một đội ngũ đông đảo người cầm bút. Lắm nhà phê bình lạc quan xem đó là
một tựu thành đầy khởi sắc, đầy hưng phấn khởi đầu cho nền văn học của cộng
đồng người Việt lưu vong. Sau đó chẳng mấy lâu, trên các trang tạp chí thuần về
văn học nghệ thuật có đăng tải một số ý kiến, rằng “e có lúc quý vị chớ nên đào
sâu vào đề tài trại tù cải tạo, thuyền nhân vượt biển hoặc đời sống ở trên
những đảo, những trại tỵ nạn”.
Hằng tháng tôi có gửi bài đến hầu hết các tạp chí và dĩ nhiên tôi hơi bị
choáng váng. Do đâu người ta có lối suy luận trái khuấy và sai lạc đến vậy? Tù
cải tạo. Thuyền Nhân là một vết thương mãi còn đó sự nhức buốt. Là một ám ảnh
khó dứt bỏ riêng cho người Việt từng sống sót qua cơn hồng thuỷ. Nó chẳng khác
gì khi nhìn về ngày 30 tháng Tư, con số ấy tự động kéo trí nhớ bạn trở lui
những tháng ngày tăm tối, rồi bạn tự hỏi: Do đâu mà có hơn 1 triệu người Việt
bỏ nước ra đi, có nửa triệu linh hồn bất hạnh không siêu thoát mãi chịu lạc lối
dật dờ trên biển Đông. Tôi nghĩ thầm, có thể lỗi lầm nằm ở phía người viết,
trong đó có tôi, đã không đủ tài sức để chuyển tải được thảm trạng kia bằng
giấy trắng mực đen, cứ thường thường bậc trung, chả ấn tượng khiến người đọc
“ớn tới tận cổ”? Tìm cái gì vui vui coi, chuyện sang đây mần ăn thành đạt ra
sao. Con mẹ ấy ra toà vì tội uýnh con riêng của chồng. Khai trương phòng mạch
tặng thân chủ trong ngày bao gạo, sang ngày sau thì chai nước mắm. Ừ, nhiều
chuyện xoay quanh vấn đề hội nhập “ngộ” lắm kìa, đọc chuyện buồn mấy ổng kể
xuống tinh thần lắm!
“The Vietnam War” có thể rơi vào vấn nạn y như vậy không? “You don’t remember,
I’ll never forget”. Chiến tranh Việt Nam, nghe tới bốn chữ ấy tự khắc nghĩ về
sự oan khiên nhuộm bi phẫn dưới bầu trời đầy bom rơi đạn lạc, máu me cả trong
những ngộ nhận vì khác chiến tuyến và về cái nhìn bị bưng bít cách nửa quả địa
cầu. Đồng Minh tháo chạy. Họ không chỉ chạy một hai lần. Chạy trên mặt trận và
chạy trên phương tiện truyền thông: Báo chí cũng như phim ảnh.
Những ngày qua, Bắc Hàn đã thử nghiệm thành công khi bắn đi hoả tiển tầm xa
bay qua bầu trời Nhật Bản. Hải quân Trung Cộng luôn lộ ý đồ làm chủ biển Đông,
thong dong đi vào hải phận Việt Nam như kiểu Triệu Tử Long một mình một ngựa
một thương, như cách Quan Công qua ải chém 6 tướng (hai nhân vật tưởng tượng do
họ nặn ra)… thì hôm 17 tháng 9 đài truyền hình PBS cho công chiếu “The Vietnam
War” dài 10 tập với thời lượng là 18 tiếng. Đã im tiếng súng hơn 40 năm và hôm
nay hai “ông anh bà con” Cộng Sản châu Á đang hăm he điệu võ dương oai. Thời
chiến tranh Việt Nam, Trung Cộng đã chí tình giúp đỡ người em phương Nam dành
thắng lợi, vậy em còn nhớ tới tình anh đã trao? Còn nhớ đấy nhỉ? Môi hở răng
lạnh nhỉ? Vậy thì anh xâm phạm chút xíu nào có hề hấn gì đâu nhỉ? Mai nầy có
thêm phim nhiều tập “Vietnam War” do Trương Nghệ Mưu làm đạo diễn không nhỉ?
Khi ấy lãnh đạo Cần Thơ có dõng dạc trước ba quân: “Đánh cho tới rách cái quần
bò cũng đánh. Ngộ tả nị. Có nhất trí không bà con? Thằng Mỹ hoành tráng còn cút
huống hồ thằng Tàu khựa ưa chảnh”. Và người thuyết minh e dè đọc lời thoại,
nhắc lại câu tuyên bố của vị tướng năm nào: Dùng bộ binh đánh trên đất liền thì
chưa rõ ai thắng ai, nhưng phải thú nhận là hải quân Trung quốc thuộc dạng siêu
khủng, hiện đại tối tân hơn ta cả vạn lần.
Theo quảng cáo rầm rộ, tôi vào đường dẫn “pbs.org/vietnamwar” nhưng màn hình
hiện ra dòng chữ: “Rất tiếc, chúng tôi không phát sóng video này tới địa phương
bạn ở được”. Canada sát biên giới mà! Tình hữu nghị đời đời bền vững sao hành
sử kiểu đó? Không xem phim thành ra chẳng biết nói năng chi, viết tản mạn kiểu
này là vin vào những thông tin mượn từ nguồn BBC và VOA. Bạn cho hay, sao ông
không vào youtube mà xem, dài miên man có cả phụ đề Việt ngữ. Nói muộn thế.
Thôi đành viết trước xem sau, bởi sợ xem rồi, ắt phải hậm hực, phải đè nén bất
bình thì khi ấy cái viết sẽ đi lan man lạc hướng.
Đầu tiên phải nên hiểu điều cơ bản, là khi thực hiện một cuốn phim tài liệu
chứa đựng nhiều vấn đề lịch sử, thì nhóm làm phim (thủ lãnh là hai vị Ken Burn
và Lynn Novick) phải cố cung cấp một cái nhìn có tính khách quan, trung thực.
Soi rõ nhiều góc cạnh, đứng ở nhiều vị trí khác nhau. Thu thập nhiều nguồn
thông tin để đối chiếu mới thuyết phục được điều mình trình bày là xác đáng.
Hơn ai cả, người làm phim nhiều kinh nghiệm như ông Ken Burn đã thủ đắc điều ấu
trĩ ấy và dường như ông cũng xem đó là cẩm nang khi hành sự.
Vậy mà hôm 25 tháng 8 có diễn ra buổi trình chiếu phim ở Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ
đặt tại Sài Gòn (có mặt nữ đạo diễn Lynn Novick). Số đông khán thính giả tham
dự đều trẻ tuổi (có thể sinh vào thời điểm 1975 hoặc trở về sau và có thể thông
thạo Anh ngữ). Một đôi người dong tay xin được phát biểu ý kiến sau khi xem
từng trích đoạn quan trọng, đã khiến bà Lynn Novick thực sự bối rối:
– Tại sao xem xong, tôi chỉ thấy những nhân vật được phỏng vấn đến từ miền
Bắc Việt Nam? Như vậy tiếng nói của người miền Nam có được quan tâm trong phim
không?
Khán phòng im lặng.
– Một cuộc chiến luôn được viết và giới thiệu bằng cái nhìn hằn học và rạn
vỡ từ cả hai phe, nơi chúng tôi học trong sách giáo khoa về một miền Nam “bù
nhìn”, dơ dáy, bẩn thỉu, đàng điếm; hoặc đọc trên mạng về một miền Bắc đói kém,
sĩ diện, ngu xuẩn và tàn bạo”.
Khán phòng im lặng.
– Tôi nghĩ bộ phim phải có tên là “American War” mới đúng, chứ sao lại là
“Vietnam War”?
Đại diện đoàn làm phim câm lặng.
Phần được chiếu trong khán phòng Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ có ghi hình ông Bảo
Ninh cùng câu nói: “Chiến tranh không ai thắng ai thua hết. Những ông không bao
giờ đánh nhau mới bàn luận ai thắng ai thua…”
Ông này tình nguyện vào bộ đội năm 17 tuổi, được điều vào chiến trường Tây
nguyên và đã viết được cuốn “Nỗi Buồn Chiến Tranh” dựng đặt nhiều chi tiết sai
lạc nếu không muốn nói là bôi nhọ quân đội miền Nam tàn ác, mang đầy thú tính.
Hung hăng là thế mà giờ đây sao phát ngôn linh tinh kiểu mất lập trường đến
vậy? Mỹ thua ta thắng, trẻ quàng khăn đỏ cũng biết rõ mười mươi chuyện ấu trĩ
ấy. Ta thắng một cách đúng quy trình và hơn 40 năm qua, băng-rôn cùng pa-nô
dựng đầy trên mỗi góc phố vẫn mới một cách cực đoan ca ngợi chiến thắng thần
thánh kia. Cờ búa liềm vẫn bay, cho dù có mưa sa trên mầu cờ đỏ trẻ con vẫn
thuộc nằm lòng: Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Phải ở bên thắng
cuộc anh mới ngông nghênh vậy, chứ anh mà thua hả… Mượn ý thơ Cao Tần nhé: “Lùa
cả nước vào trại cải tạo, học tập thương yêu”.
Thắng hoặc thua, chẳng thể vin vào con số tử vong để luận bàn: Quân đội Hoa
Kỳ có hơn 58.000 bỏ mạng trên đất lạ (từ 1965 tới 1973) trong khi người Việt
chịu hy sinh hơn 3 triệu người (thống kê này chưa tính tới những xác bị chôn
vùi, không tìm thấy hoặc mất tích). Và báo cáo tổn thất ấy chỉ kiểm kê sau khi
kết thúc chiến tranh. Giờ đây cả hai phía đang cố gắng xoá vết thương đau ngày
cũ. Tháng 4 năm 2016, 11 cựu pilot của US Air Force đã bay sang Hà Nội gặp gỡ
địch thủ Cộng sản cuồng tín năm xưa. “Bánh ít trao đi bánh quy trao lại”, ngày
21 tháng 9, 2017 vừa rồi Trung tướng Nguyễn Đức Soát dẫn phái đoàn, cũng 11 cựu
phi công Bắc Việt lòng mở hội sang tới San Diego, bang California để tương
phùng “bạn cố tri”. Đại Tá Lê Thanh Đạo hể hả: “Chỉ mới một năm không gặp thôi
mà đã thấy nhớ rồi!”. Thậm tình cảm kiểu tiểu tư sản, mặn mà có duyên. (Nếu ông
này làm được thơ như Đồng Đức Bốn hẳn đã ngôn: Em bỏ chồng về ở với tôi không?)
Không khí trong khán phòng bảo tàng hàng không mẫu hạm USS Midway hôm ấy coi bộ
vui vẻ gắt. Đại Uý phi công John Cerak chỉ tay về phía Trung Tướng Nguyễn Đức
Soát (nay đã 72 tuổi, người có thành tích bắn rơi 6 máy bay Mỹ), khôi hài:
“Chúng tôi đang bay qua không phận Lào, chuyển hướng về phía Đông, liên tục
dùng radar rà soát thì đột nhiên, ông Nguyễn Đức Soát đây đã phá hỏng một ngày
đẹp trời”.
Đại Tá không quân Bắc Việt Lê Thanh Đạo: “Những người ném bom không có lỗi,
kẻ gây ra chiến tranh mới có lỗi”.
Cựu Đại Uý không lực Hoa Kỳ John Cerak: “Chiến tranh là thứ ngu xuẩn nhất
loài người từng làm”.
Đại Uý Clint Johnson: “Tôi không bao giờ ghét kẻ thù, cả hai đều làm những
điều mà chúng tôi nghĩ là tốt nhất. Người Mỹ muốn ngăn cản sự lan rộng của chủ
nghĩa Cộng sản, còn người Việt chỉ muốn thống nhất đất nước, chẳng thể tranh
cãi gì được với thứ sứ mệnh như thế”.
Đại Uý Hải quân Jack “Fingers” Ensch: “Nhà tù nhỏ nhất thế giới là giữa hai
tai anh. Nếu anh cứ tiếp tục căm thù thì họ cũng vẫn cách xa nửa thế giới. Họ
không biết anh đang nghĩ gì về họ, hận thù họ hay những thứ tựa thế. Họ tiếp
tục với cuộc sống của mình. Nếu anh vẫn hận thù thì anh vẫn bị giam cầm”.
Buổi giao lưu thật rôm rả giữa những quý ông chẳng mấy khi được nói thánh
nói tướng. Không rõ có bao nhiêu người tham dự và có quý ông nào từng chong mắt
xem phim “The Vietnam War” đã công chiếu từ hôm 17 tháng 9 trên kênh đài uy tín
PBS? Lỗi lầm có thể không nằm trong cái nhìn hạn hẹp của họ, người Mỹ chẳng hề
biết tới thứ mấu chốt quan trọng, rằng đối phương chưa bao giờ dám nhìn thẳng
vào sự thật, luôn tìm cách che đậy và dấu diếm, vì thế bàn về chiến tranh Việt
Nam vẫn chỉ là lột truồng được tấm áo khoác ra mà bỏ quên phía sau lưng còn
nguyên một vết thương chưa lành miệng. Họ từng nghe nhạc phản chiến của Bob
Dylan nhưng họ chẳng thông hiểu ca từ “Cần gì tới nhân viên dự báo thời tiết
mới biết được chiều gió”.
Phía Cộng sản Việt Nam thì khác, mọi người phải luôn chấp hành, tuân thủ,
nghe theo “nhân viên đài khí tượng” bảo ban, dạy dỗ. Trong chiến tranh cũng như
thời bình. Khi được hỏi cảm tưởng về bộ phim “The Vietnam War”, bà Lê Thị Thu
Hằng, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay: “Đây là cuộc kháng chiến
chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, mang tính chính nghĩa, phát huy được truyền
thống sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, được bạn bè và nhân dân thế giới hết
sức ủng hộ. Chính vì thế đã đi đến thắng lợi cuối cùng và thống nhất đất nước”.
42 năm trôi qua, lời nói kia “vũ như cẩn”, thứ bài bản đã soạn sẵn từ hồi
“đại thắng mùa Xuân”. Chẳng mong tìm nhặt một thông điệp nào khả dĩ mới cho
xứng tầm thời đại. Cũng nên thông cảm cho bà ta, không riêng bà, “tai to mặt
lớn” Việt Cộng đều có cách phát ngôn na ná nhau cả. Họ không màng tới “một bộ
phận không nhỏ” người Việt vì yêu chuộng tự do đã bị mang bản án “phản bội tổ
quốc” sống rải rác ở năm châu bốn bể. Khúc ruột ngàn dặm ấy hẳn không thích săm
soi lại vết thương ngày cũ, nhất là những cựu quân nhân, những đơn vị thiện
chiến oai hùng ngày nọ, bởi họ nghĩ họ đã bị phản bội khi ngồi xuống chiếu bạc
và được chi trả bằng bạc giả. Những lá bài được đánh dấu sẵn và hệ quả tất yếu
diễn ra, họ đã cháy túi.
Tôi sẽ dọn lòng thanh thảnh để vào youtube xem phim 10 tập “đình đám” nọ. Có
thông tin dạo đầu rằng: Đoàn làm phim đã bỏ ra 10 năm để cốt làm cho ra đầu ra
đũa và “10 năm tình cũ” đã vấp phải nhiều thiếu sót, chưa đạt yêu cầu. Vô tình
họ tô mới lại nước sơn: “Sự can thiệp của người Mỹ là bước đi sai lầm nghiêm
trọng, dẫn tới bao hệ luỵ làm nên nỗi tủi nhục không tài nào gội rửa”.
Tôi yêu Canada. Nơi từng gửi quân tình nguyện qua giúp Việt Nam, và cũng là
nơi trong thập niên 60 đã đón nhận những thanh niên Mỹ hèn nhát, trốn chạy khi
sợ phải cầm súng qua chiến đấu ở “Đồi Thịt Băm”. Tôi yêu Canada, nơi quốc hội
thông báo: Chúng tôi xem ngày 30 tháng 4 của cộng đồng Việt Nam là nỗi đau
thương cần được sự chia sẻ. Cờ vàng ba sọc đỏ từng bay trên thủ đô Ottawa đầy
gió an lành. Ai thắng ai thua? Ở một mặt nào đó, những người từng đánh đổi tất
cả để làm cuộc bỏ phiếu bằng chân đã thắng. Hữu Thỉnh viết thư mời Phan Nhật
Nam về Hà Nội cũng là một trong muôn ngàn lý giải về sự thắng thua vậy.
Hồ Đình Nghiêm
24.9.2017