21 October 2017

CÁI BONG BÓNG - Hà Việt Hùng

Ông già Bảy ngồi thu cả hai chân lên chiếc ghế đẩu. Trước mặt ông là ly xây chừng đang bốc khói. Ông cẩn thận xúc ít đường bỏ vào ly, khuấy nhẹ, rồi cẩn thận rót một phần ra cái dĩa nhỏ. Ông Bảy uống cà phê bằng dĩa. Ông uống tới đâu, rót cà phê ra tới đó. Nhờ vậy, cà phê giảm bớt độ nóng, vừa uống. Đó là thói quen của ông già người Nam từ mấy chục năm nay. Ông Bảy đã nghỉ hưu. Sáng nào cũng vậy, ông ra ngồi quán rất sớm. Năm giờ sáng người ta đã thấy ông ngồi ở quán bà Tư, bất kể nắng hay mưa. Ông ngồi nhâm nhi cà phê một mình, trong khi bà Tư còn loay hoay mấy thứ chưa sắp xếp kịp.
Gọi là “quán” cho nó sang, chứ cái chỗ của bà Tư bán cà phê không biết phải gọi là gì. Quán nằm ở đầu con hẻm. Bên trên che sơ sài bằng tấm ni-lông ông Tư lấy ở phường về. Hai bên là vách tường của hai căn nhà xây đầu hẻm. Nhìn từ ngoài đường vào, người ta thấy bên tay phải là khách sạn bốn tầng cao nghệu, còn bên trái là trường mầm non thấp lè tè. Có thể ví đó là một sắp xếp thiếu nghệ thuật.

Cái khách sạn bốn tầng, nghe nói chủ là bà vợ bé của ông Bí Thư Quận Ủy. Ban ngày cái khách sạn có vẻ hiền lành và yên tĩnh, nhưng về đêm nó trở nên náo nhiệt như cái chợ. Đó là nơi ra vô của đủ hạng người, giầu nghèo, lưu manh, dân mánh mung, đại gia thèm của lạ, cả Tây ba-lô cũng có.
Ngôi trường mầm non xem ra có vẻ yếu thế hơn. Nó chỉ có một tầng. Đó là căn nhà của một gia đình vượt biên, Quận chiếm giữ, rồi giao cho Sở Giáo Dục “quản lý” và sử dụng. Trường có tên đàng hoàng: Trường Mầm Non Tiên Tiến. Mặt trước trường có viết những khẩu hiệu như “Vì ích lợi 10 năm: trồng cây. Vì ích lợi trăm năm: trồng người”, “Mầm non là tương lai của đất nước”…
Nằm giữa hai bên là quán cà phê của bà Tư. Nói ngay, bà đã phải “chiến đấu gian khổ” mới có được ngày hôm nay. Năm 1954, ông chồng du kích xã của bà tập kết ra Bắc. Hai năm sau ông theo đơn vị vào Nam, sống trong hầm trong hố để “chống Mỹ cứu nước”. Đến 30 tháng Tư 75 người ta thấy ông đi dép râu, đeo xà cột, dắt khẩu K54, cổ áo mang quân hàm Thượng Úy, với một cánh tay trái bị cưa, công tác ở Ban Quân Quản. Thời gian này trông ông oai lắm, dù chỉ còn một tay phải. Có thể nói là miệng ông hét ra lửa. Ai cũng phải ớn, phải nể. Trong nhà ông, huân chương treo đầy tường, tấm lớn, tấm nhỏ.
Chỉ một năm sau, người ta thấy ông bị đào thải, giống như trái chanh sau khi đã bị vắt kiệt nước, người ta vất vỏ vào thùng rác. Ngày nào ông cũng bị bà Tư đay nghiến. Ai đời, bao nhiêu năm hy sinh, sống chết cho cách mạng. Đến khi cách mạng thành công, ông lại bị cho ra dìa. Chế độ “thương binh liệt sĩ” chỉ làm ông thêm bất mãn. Để “khắc phục khó khăn”, ông phải “tự biên tự diễn”. Sau vài đêm mất ngủ, ông nảy ra “sáng kiến” lập quán bán cà phê. “Sáng kiến” này thoạt đầu bị bà Tư chửi cho một trận tưởng không ngóc đầu lên nổi. Hồi xưa gian khổ chống “Mỹ Ngụy” đã đành, ngày nay ông là Thượng Úy, lại phải bán cà phê nuôi miệng hay sao?
Ỷ vào quyền thế của mình trước đây, và ỷ vào tình trạng thương binh của mình, ông ngang nhiên chiếm cái diện tích đầu hẻm, tuyên bố nó là quán của ông, đứa nào lộn xộn ông bắn chết bỏ. Vậy mà, chẳng ai dám hó hé nói gì. Chẳng ai dám đụng đến chân lông của ông. Thực ra, người dân thông cảm cho vợ chồng ông. Bao nhiêu năm ông đi theo cách mạng, nay được ân thưởng một “cái quán” như thế, đáng gì. “Cách mạng và nhân dân” luôn luôn ghi nhớ công ơn ông, mặc dù cái quán là công trình “sáng kiến vĩ đại” của ông. Lúc đầu bà Tư có “chống đối”, nhưng sau bà nghĩ bà có chỗ bán cà phê, có thể “tăng gia thu nhập để cải thiện kinh tế gia đình”. Bà chịu.
Một bên vách quán, thực ra là vách tường của khách sạn, có hàng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Chữ to, chữ lớn, sơn đỏ, nguệch ngoạc lên xuống, hình như cố che hàng chữ “Đừng tin những gì Cộng Sản nói. Hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm” còn mờ mờ đằng sau.
Bà Tư bán tạp nham đủ mọi thứ. Cà phê, thuốc lá, bánh trái, đồ ăn sáng. Ai cũng biết, điều quan trọng không phải là bà bán những thứ gì, mà chính ở chỗ cái quán của bà là nơi dừng chân hay tụ họp của mọi người. Anh công an khu vực có thể ghé quán của bà uống ly trà đá sau khi xong công tác, và biết đâu, cũng có thể là nơi nghe ngóng tin tức để phục vụ bà con tốt hơn; con Ngọt ghé quán của bà ăn trái ổi hay ca mùi mấy câu vọng cổ sau một đêm “thi đua tay nghề”; thằng Bành, “bảo vệ” của con Ngót, dựng xe đấu hót bất cứ chuyện gì, và với bất cứ ai trong quán; còn có cả ông Bẩy hưu trí, ngồi vắt vẻo trên ghế đẩu, nhâm nhi dĩa cà phê nóng hổi, nhìn người qua kẻ lại.
Ông bà Tư ăn ở với nhau đã mấy chục năm nhưng không có con. Có bữa ông Tư ra phụ vợ. Bằng cánh tay phải còn lại, ông làm đủ thứ chuyện: lau chùi, quét dọn, nấu nước, pha cà phê, pha trà, chặt đá, rửa ly chén. Ông làm những việc này khéo léo, thành thạo. Có bữa ông nằm lì ở nhà trên một cái võng, hết chửi đổng, đọc báo, rồi lại đi ra đi vào. Người ta nói là ông Tư bất mãn chế độ. Nhưng hiển nhiên “bất mãn chế độ” cũng có năm bảy loại. Thằng Hai Phéng con bà Te trong xóm, đi thanh niên xung phong mấy năm, đến khi về, không tìm đâu ra việc làm, đói rách ngày này qua ngày khác, rồi nó bày đặt chửi chế độ, bị công an “gọi lên làm việc”, rồi bỏ vô trại cải tạo mút mùa. Ba năm nay vẫn chưa thấy mặt nó đâu.
Mặc ai nói gì thì nói, cái quán của ông bà Tư vẫn nằm đó như một thách thức. Rõ ràng cái quán làm giảm bớt bề ngang của con hẻm. Hồi trước khi chưa có cái quán, xe ba gác và xích lô còn chạy vào chạy ra được. Bây giờ những loại xe này, phải dẹp bớt mấy cái ghế chiếm đường đi, rồi mới qua được. Tổ dân phố họp bàn rất nhiều lần về cái vụ này, nhưng chẳng đi đến đâu. Sự việc có lúc đã lên đến quận. Cán bộ quận cũng làm ngơ, nghe đâu ông Tư quen biết với tỉnh. Huề.
Con hẻm đã hẹp lại hẹp hơn khi lù lù có một đống rác gần đó. Đống rác không lớn, nhưng có mọi thứ trên đời. Giấy má, đồ ăn, đất cát, miểng thủy tinh, giầy dép, bao ni-lông, bao cao su, kim chích, ống chích…hầm bà lằng. Đống rác là đề tài họp bàn của phường và tổ dân phố trong việc tìm cách “xử lý rác và bảo vệ môi trường”. Người ta tin là không có việc gì mà chế độ “xã hội chủ nghĩa ưu việt” không làm được. Sau khi tổ dân phố đã “nhất trí”, một toán thanh niên xung phong được thành lập, gồm mười người, có nhiệm vụ luân phiên quét dọn và hốt rác mỗi tuần. Tưởng là toán thanh niên có thể “đội đá vá trời”, nhưng rồi cũng đành chịu. Đống rác được dẹp tuần trước, tuần sau lại xuất hiện đống khác. Rồi tổ dân phố lại họp, lại góp ý kiến. Họp đi họp lại không biết bao nhiêu lần. Đống rác vẫn hoàn đống rác.
Nhân dân ghét đống rác, nhưng bọn trẻ con trong hẻm lại khoái nó vô cùng, trong số đó có thằng Men, con bà Chín Tiết. Thỉnh thoảng bọn trẻ tìm thấy trong đống rác có những thứ “quý giá” đối với chúng, chẳng hạn khúc gỗ, miếng thiếc, tấm nhựa, cây đinh đã rỉ sét… Rồi với “óc sáng tạo phong phú” của chúng, những thứ đó sẽ biến thành đồ chơi như xe tăng, tàu ngầm, máy bay…
Trời mỗi lúc một sáng hơn. Ông già Bảy ngồi nhâm nhi sắp hết dĩa cà phê. Lác đác có những người từ con hẻm sâu đi làm ngang qua. Có người đi xe gắn máy, xe đạp, có người đi bộ. Hôm nay ông Tư có mặt ở quán. Ông lầm lì nấu nước pha trà, rồi mang ra bàn ông già Bảy.
– Mấy hôm rày ông có nghe đài hay đọc báo gì không?
Ông già Bảy lắc đầu:
– Có cái mẹ gì đâu mà nghe với đọc. Mà…sao? Có tin gì quan trọng không?
Ông Tư ngồi xuống cái ghế đối diện:
– Thì…Cái vụ hai đảo Hoàng Sa, Trường Sa đó. Tụi Tàu chó má thiệt.
Rồi ông Tư lấy tay vẽ trên mặt bàn, nói tiếp:
– Nước của nó ở tuốt trên này, Hoàng Sa và Trường Sa ở mãi dưới đây. Vậy mà nó dám ngang nhiên chiếm rồi tuyên bố hai đảo này là của nó. Thiệt là tham lam.
Ông Bảy nhấp ngụm trà:
– Tưởng vụ gì. Báo chí có thấy nói mẹ gì đâu, nhưng mà cả nước đều biết. Dân chúng biểu tình ì xèo ở Hà Nội mấy ngày nay. Trung Ương Đảng câm như hến, có làm được mẹ gì đâu. Dân biểu tình chống bọn Trung Cộng cướp đất thì bị công an vây bắt, nhốt tù. Đến bây giờ vẫn có người chưa được thả. Vậy là nghĩa làm sao?
– Chẳng những dân chúng tự phát biểu tình ở Hà Nội, mà ngay ở Sài Gòn này cũng có nè. Hôm qua thanh niên biểu tình ở trước nhà thờ Đức Bà đông lắm, hôm nay cũng có. Họ bị công an bắt bớ, đánh đập. Thấy mà tức.
– Tui thấy có điều kỳ cục, anh Tư. Dân chúng biểu tình chống bọn Tàu Cộng cướp đất, chứ có chống Đảng đâu. Nhưng tại sao công an lại bắt họ?
– Chẳng qua là… há miệng mắc quai, ông Bảy ơi. Trên nói sao, dưới phải làm vậy.
Hai người đang nói chuyện đến đó, anh công an khu vực đi vô quán.
Ông Tư lên tiếng trước:
– Chào chú mày. Ngồi chơi.
Anh công an dễ dãi ngồi xuống, cười cười.
– Làm ly cà phê sữa nghe? Ông Tư miệng hỏi, tay với lon sữa, pha cà phê cho anh công an khu vực.
Ông già Bảy vào đề ngay, hỏi anh công an:
– Chú Tâm, nước mình sắp có luật biểu tình rồi, chú có nghe nói không?
Anh công an khuấy ly cà phê, cười nhẹ:
– Biểu tình mà cũng có luật. Tức cười ghê. Thôi, để ý đến vụ đó làm gì, bác Bảy ơi. Mệt lắm.
Ông già Bảy nghĩ khác, nhưng không nói ra. Anh công an khu vực này chỉ đáng tuổi con út ông. Sau khi học xong lớp 6, anh ta tình nguyện đi công an. Nhưng lương công an phường còn quá khiêm nhường. Anh ta còn phải “khắc phục” chi tiêu. Lâu lâu anh ta lại ghé vô những gia đình có đồ ngoại gửi về. Người biếu cục xà bông, người cho tuýp kem đánh răng, cũng đỡ. Có người hỏi vặn anh ta, chú Tâm ghét Mỹ mà sao lại thích đồ Mỹ vậy. Anh ta đáp tỉnh bơ, ghét Mỹ chứ đâu có ghét đồ Mỹ. Mỗi lần uống trà đá ở quán ông bà Tư, kể cả cà phê, anh ta vẫn luôn quên trả tiền. Ông bà Tư không bao giờ nhắc. Có khi con Ngọt làm sang, nhận trả. Có đi có lại. Anh ta là công an khu vực. Có nhiều chuyện phải nhờ nhau. Kệ.
– Ủa, sao sáng nay chú qua đây sớm vậy? Ông Tư hỏi anh công an khu vực.
– Dạ. Sáng nay phải giải quyết vụ đánh nhau đêm qua…
– Ở đâu?
– Ở khách sạn kế bên nè.
– Sao vậy?
Nghe hỏi, anh ta kể qua vụ đánh nhau. Cũng chẳng có gì quan trọng. Chỉ là chuyện tranh dành mối lái giữa mấy tên dắt mối với nhau. Nghe hoài nhức cả đầu. Từ khi khách sạn kế bên “đưa vào hoạt động”, nói theo kiểu anh công an khu vực, đời sống thường ngày của cái ngõ hẻm cũng phần nào bị ảnh hưởng. Nó có những nghề mới, nào là đĩ điếm, ma cô ma cạo, dân mánh mung, dắt mối, xì ke; có cả những tay gặp thời gặp vận, cán bộ chính quyền nữa. Sang hèn, nghèo giầu đều có thể gặp nhau ở đó.
Đến đây, mọi người thấy con Ngọt từ ngoài bước vô. Bữa nay nó ăn mặc xem như tươm tất. Đầu tóc chải gọn. Mặt còn nét mệt mỏi như mất ngủ và còn lớp phấn dầy chưa rửa. Nó mặc bộ đồ bông xanh đỏ. Mùi nước hoa rẻ tiền bay khắp quán, hăng hắc. Nó kéo ghế ngồi. Lúc này ông già Bảy đã bỏ về. Bà Tư hỏi con Ngọt:
– Ăn uống gì, mày? Đêm qua “đi” khách ngon lành không?
Con Ngọt uể oải:
– Bác cho con ăn sáng đi. Ngon lành mẹ gì. Tức muốn ói máu. Gặp thằng Tây ba-lô. Tưởng nó xộp, ai dè đâu gặp phải thứ co bị. “Hợp đồng” xong xuôi rồi, tới đêm nó còn cà chớn. Nó mở cửa tính cho hai thằng nữa vô.
Bà Tư hỏi:
– Rồi mày có chịu không?
– Tui ngu gì mà chịu. Tui chửi um sùm. Tui đòi tiền. Nó trả có một phần ba. Tức không? Lúc đó, không thấy anh CA Khu Vực Bành đâu để cho nó “một bài học”. Tức muốn ói máu.
Con Ngọt nói sùi bọt mép. Mấy lần nó “tức muốn chết”, “tức muốn ói máu”. Nghe tới đó bà Tư vẫn còn hỏi tiếp:
– Rồi sao nữa?
Con Ngọt trợn mắt:
– Rồi thôi, chứ sao nữa? Nghề nghiệp mà. Lần sau thằng Tây ba-lô này còn gặp tui nữa… là nó tới số.
Bà Tư chiên trứng ốp-la cho con Ngọt ăn sáng. Con nhỏ tuy dốt chữ, mộc mạc, nhưng lại thành thật, đáng thương. Nó nghĩ sao, nói vậy. Nó làm điếm để nuôi bà mẹ đau ốm và mấy đưa em còn nhỏ hiện đang ở tuốt dưới Cà Mau. Nó để dành tiền, gửi về cho mẹ và các em mỗi tháng. Khi nhiều, khi ít. Thấy tội. Chính quyền có giúp được gì đâu. Đã mấy lần nó bị bắt, bị gửi vào trường phục hồi nhân phẩm. Khi được thả ra, nó lại làm “nghề” cũ. Đói rách quá mà nhân phẩm cái nỗi gì. Nó thường nghĩ, mấy thằng cha cán bộ “thượng đội, hạ đạp” có hơn gì nó. Mấy chả tham nhũng, hối lộ, luồn cúi, thủ đoạn, tham lam…không biết đâu mà kể. Mấy chả làm giầu một cách phi pháp trên xương máu của người dân nghèo, tậu nhà lầu, mua xe đẹp, tiêu xài rình rang. Sao không thấy ai bắt mấy chả đi phục hồi nhân phẩm? Những lần nó bị bắt, mẹ và các em nó ở dưới quê đói meo.
Anh công an nói với con Ngọt:
– Thôi lần này kiếm nghề khác làm ăn đi nghe. Cái nghề kia đâu có hay gì.
– Biết làm nghề gì bây giờ?
Không phải là lần đầu anh công an khu vực đề nghị với nó như thế, và cũng không phải đây là lần đầu con Ngọt trả lời như thế. Đã mấy lần nó ra vô trường phục hồi nhân phẩm, nghĩ cũng ngán. Ở đó, những cô gái như nó, nhiều vô số kể. Người ta chỉ tìm cách trị bệnh, chứ không giải quyết được vấn đề gì khác. Nhưng bỏ nghề đó thì làm nghề gì? Có nghề gì “ngon” hơn “nghề” ấy? Riêng anh công an khu vực cũng không biết giải quyết vấn đề này như thế nào. Anh chỉ biết khuyên nó “cố gắng đạp đổ mọi khó khăn để vươn lên”. Mấy lần trước, chính anh đã gửi con Ngọt vào trường phục hồi nhân phẩm. Mấy tháng sau anh lại thấy nó được thả về. Khi mới được thả, lúc đầu nó còn tránh né mỗi khi gặp anh. Sau riết nó đâm lì, không tránh né nữa. Rồi anh cũng chịu. Chẳng lẽ để trường phục hồi nhân phẩm nuôi báo cô nó mãi? Vả lại, nó cũng là đứa biết điều, ít ra là với anh. Đã nhiều lần nó “biếu” anh cái nọ, cái kia. Khi thì bao thuốc ba số có “cán”, khi thì cái hộp quẹt zippo. Có lần nó “biếu” anh cả cặp kiếng mát ngoại nữa. Vì vậy, sao đành anh bắt nó?
– Ai mua vé số đây. Chiều xổ, trúng lớn đây.
Đó là tiếng rao quen thuộc của anh Cơ. Anh đi bán vé số bằng xe lăn. Thấy anh, con Ngọt gọi dựng lại:
– Anh Cơ, bán cho em mấy cái vé số đi. Bán vé nào trúng đó nghe.
Anh Cơ nhanh nhẹn lăn bánh xe lại gần con Ngọt. Anh cười:
– Vé nào tôi bán cũng trúng cả, không có vé nào trật hết. Cô mua vé thành phố nè. Chiều xổ.
Con Ngọt cầm lấy một tập vé số, lật qua vài tờ. Nó lấy đại mười vé, nói:
– Em mua giúp anh, chứ biết vé nào trúng đâu mà lựa.
Nó đưa tiền cho anh Cơ, nói lớn để mọi người cùng nghe:
– Nếu trúng số, em sẽ bỏ cái nghề khốn nạn này. Em sẽ mua cái nhà cho má em và mấy đứa em ở dưới quê nè. Em sẽ đưa má em đi trị bệnh nè. Em sẽ lấy chồng nè…
Anh Cơ đã nhiều lần nghe những người mua vé số nói như vậy hay tương tự như vậy, nhưng lần nào nghe con Ngọt nói, anh cứ thấy rưng rưng trong lòng. Có cái gì nghèn nghẹn, day dứt trong lời nói của một cô gái điếm. Nó phát ra từ một cõi sâu thẳm, mênh mông. “Nếu trúng số, em sẽ bỏ nghề.” Đó là lời hứa hẹn với chính mình, nhưng lại rất chân thực đến xót xa. Làm nghề bán vé số, anh thấy không phải là không có những người trúng số, nhưng những người này chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với số vé in ra. Không lẽ lại nói với con Ngọt, nó còn phải “theo nghề” rất lâu, nếu không nói là “đến chết”. Cũng như anh, đã theo nghề “bán vé số” này hơn 30 năm nay, không dễ gì dứt ra được. Nó như một “nghiệp chướng” mà những con người như anh, như con Ngọt, phải trả.
Năm 1974, anh là Hạ sĩ Quân lực VNCH. Đơn vị của anh đóng ở Chương Thiện. Trong một trận giao chiến với “bên ấy”, anh bị thương nặng ở cả hai chân. Anh được điều trị ở Cần Thơ, sau chuyển về Tổng Y Viện Cộng Hòa nơi các bác sĩ quyết định cưa hai chân anh. Đến tháng Tư 1975, trong lúc vết thương của anh chưa lành, địch quân về tới Sài Gòn, tràn ngập Gò Vấp. Anh và các thương bệnh binh khác của Việt Nam Cộng Hoà bị xua đuổi ra khỏi bệnh viện, để dành thuốc men chữa trị thương binh Cộng Sản. Bộ mặt dã thú của Cộng Sản đã hiện ra rõ ràng. Chúng lại là kẻ thắng trận. Anh lết ra khỏi bệnh viện. May được một anh xích-lô tốt bụng chở về. Thời gian đó anh chưa có gia đình, chỉ có một mẹ già buôn gánh bán bưng ở chợ Bà Chiểu. Khi vết thương lành, anh phải giải quyết ngay chuyện sinh sống, nhưng lại không có chân để đi. May nhờ một người bạn tặng cho chiếc xe lăn và một ít tiền. Anh quyết định đi bán vé số để sinh nhai và nuôi mẹ.
Lúc đó thằng Men con bà Chín Tiết đi ngang qua quán bà Tư. Bà Tư thấy nó:
– Men. Mày đi đâu vậy? Hôm nay không đi học hả?
Thằng Men lắc đầu.
– Dạ, không. Hôm nay cô giáo bệnh. Tụi con tới trường, trường cho nghỉ.
Bà Tư cười:
– Vậy là…tụi mày được nghỉ, “đã” quá he? Được một bữa ở nhà chơi.
Thằng Men không trả lời bà Tư, nó đi thẳng ra ngoài đường, quanh cổ nó có cái khăn quàng đỏ. Thằng Men lên 6 tuổi, đang học lớp một ở một trường Phổ Thông Cơ Sở. Bố mẹ nó làm ở Sở Vệ Sinh Thành Phố, đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Nó ở nhà một mình. Nếu không đi học, nó lại thơ thẩn đi chơi. Nó ra ngoài đường. Nó nhìn thấy ở đó có đủ mọi thứ xe, chạy qua chạy lại như mắc cửi. Có xe lướt lách qua mặt nhau, bóp còi inh ỏi. Khói xe bay mù mịt, cay xè. Nó thấy một ông bán bong bóng trên đường. Ông ta đứng cạnh chiếc xe đạp có đeo theo một bình khí, đằng sau có một cái hộp nhỏ, có ngăn đựng bong bóng, thôi thì đủ màu, đủ cỡ, đủ kiểu. Những cái bong bóng đầu có cột sợi chỉ gai, bay phập phồng trong cơn gió nhẹ. Ông ta còn khéo léo uốn nắn những cái bong bóng thành những con thú khác nhau, như chim, vịt, thỏ, gà…trông rất dễ thương.
Thằng Men mải mê đứng xem bong bóng. Phải chi có tiền, nó sẽ mua mấy cái chơi cho đã. Phải mấy cái mới đã. Ông bán bong bóng gặp may, bơm hết chiếc này đến chiếc khác, không kịp bán. Ông ta đứng bán mà không cần rao. Trẻ con và người lớn đều bu vô. Ông bán bong bong đứng đó khá lâu rồi mới đi chỗ khác.
Thằng Men tần ngần đứng tại chỗ. Chỉ còn một mình nó. Một lát, hình như có cái gì thoáng qua đầu nó. Mắt nó chợt sáng lên. Nó đi qua quán bà Tư, tới bên đống rác, dừng lại. Nó tìm được một khúc cây ngắn chừng hai gang tay, bắt đầu bới đống rác. Một mùi khó chịu từ đống rác tỏa ra. Hôi quá. Nó nín thở. Kệ, cứ bới đi. Cô giáo nó vẫn thường bảo học sinh “phải khắc phục khó khăn” mà. Thế là nó lại bới. Những thứ linh tinh lộ ra, nào là giấy báo, bao ni-lông rách, dây rợ, kim chích…Chợt mắt nó bắt phải một miếng ni-lông, không phải, một cái bao ni-lông mỏng màu trắng đục nằm trong một tờ báo rách. Nó run lên vì sung sướng. Đây rồi. Đây rồi. Nó cầm cái bao lên. Cái bao chưa bị dính đất bẩn. Hình như có chất nước gì bên trong. Không sao. Thế là tốt rồi. Nó nhét vột cái bao vào túi áo, vứt khúc cây trở lại đống rác. Lúc đó không có ai đi ngang. Nó cứ đứng bên cạnh đống rác, rút cái bao ra, nhét đầu bao vào miệng, thổi phì phò. Cái bao mỏng cứ phồng to lên, to lên mãi. Nó phải phùng má thổi đến chín mười lần, cái bao mới lớn bằng một trái bóng nhỏ như ý muốn. Nó nhìn thấy bên trong trái bóng có một thứ chất lỏng đặc sệt, bắt đầu keo lại.
Thằng Men hãnh diện vì “thành quả” của mình. Nó đi nhanh lại quán bà Tư, mục đích khoe trái banh của nó với mọi người. Nó cố ý chìa trái banh về phía trước, mặt câng câng tự phụ. Chỉ có Xã Hội Chủ Nghĩa mới có thể biến giấc mơ của thằng bé 6 tuổi thành hiện thực.
Thấy nó cầm trái banh “tự chế”, con Ngọt la lên trước:
– Trời ơi, mày cầm cái gì đó, thằng quỷ? Bộ mày không biết nó là cái gì à? Mày thổi nó lên hả?
Trong khi thằng Men còn đang ngơ ngác, anh công an khu vực quay lại:
– Thôi chết rồi. Cái này…mày lấy ở đâu vậy?
Thằng Men chỉ tay về phía đống rác:
– Ở đằng kia. Thiếu gì…
Bà Tư nhìn cái bao, ngạc nhiên:
– Ủa, cái gì vậy, Ngọt. Nó cầm cái gì mà mày la lối um sùm vậy?
Ông Tư nhìn thấy cái bao cao su trên tay thằng Men, giải thích:
– Cái bao cao su, bà ơi. Bao cao su dùng để ngừa thai. Hồi đó tui với bà xài hoài.
Bà Tư cười lỏn lẻn, mắng yêu ông Tư:
-Ứ, cái đồ qủy nè…
Tiếng con Ngọt chu chéo bên tai thằng Men:
– Mày có khôn hồn mang cái này giục ngay đi không? Tối nay ba má mày về, tao méc ổng bả oánh cho mày một trận rục xương.

Hà Việt Hùng