07 October 2017

CÁO RỪNG RÔ TRUNG - Nguyễn Trí

X gọi Trung là cáo rừng. Thuở còn là lâm tặc thợ rừng cho chí bảo vệ nể Trung lắm. Bảo vệ khi truy quét để bắt gỗ khai thác lậu chưa khi nào Trung bị thộp. Hắn tinh như một con cáo. Thực ra có thành hồ ly như Đắc Kỷ một khi bảo vệ đã bắt thì có chạy lên trời. Nhưng, đã là lâm tặc thì phải biết đường mua cán bộ bằng mồi bén và rượu ngon. Lâm tặc thì chục thằng rượu đúng mười. Bảo vệ cũng chả kém cạnh chi. Thử hỏi ôm súng đi miết trong rừng ai chả buồn. Buồn thấy ông bà cố tổ luôn chứ thấy mẹ thì nghĩa địa chi. Đang đi hốt nhiên lù lù trên đường be một toán thợ săn người sắc tộc đang tạc thù bên một con gà rừng hay cheo chồn chi đó, không ghé là ta không phải đạo. Trong bàn nhậu ấy ắt phải có một hai lâm tặc người kinh. Bọn khốn nầy cù rủ người sắc tộc anh em lấy gỗ cho chúng. Chỉ cần rượu nếp cái, một ít tiền và biết nói chuyện bằng tiếng sắc tộc là xong ráo. Gì chứ vụ nầy Rô Trung số dzách. Hắn ta nói với ba quân:

  • Cứ ở với họ chừng ba tháng là sành điệu ngay.
Vậy nên ở rừng Rô Trung được anh em sắc tộc coi như con trong sóc. Trung lại lấy gỗ kiểu dã chiến chứ không xe thồ như thiên hạ. Một phách bề mặt năm mươi,  dày hai mươi phân nằm yên trong một bao tải, gùi lên vai Trung băng rừng lội suối về xuôi. Một cục vậy mà Cẩm Lai hay Gõ Đỏ thì cây vàng là ít. Rô Trung chung lại cho anh em trong Sóc cả rượu cả tiền hai chỉ vàng là hết phép. Lâm tặc mà. Họ ăn trọc rừng trọc núi thì lòng anh em sắc tộc họ ăn luôn đâu có chi lạ.
Rô Trung đúng là con cáo rừng.
Nhưng vậy thì có chi mà không bắt được? Rừng của toàn dân mà bảo vệ là đại diện. Người sắc tộc sành chứ bảo vệ không sành à? Rô Trung mua sao cho hết? Mà bảo vệ chỉ là thứ lính lác. Trên họ còn có tiểu khu phó và trưởng. Trên tiểu  khu là đủ thứ râu ria chứ đâu phải trò trẻ con. Mua ư? Còn khuya.
Lý do gì chưa khi nào Rô Trung bị thộp?
Lời tục truyền rằng… riêng cái vụ ăn tục nói phét và diễn chuyện thì – xin thưa – chả có ông nhà văn nào trên toàn thế giới nầy qua nỗi bọn lâm tặc. Không tin nghe chúng nói về Rô Trung là ngã ra kinh ngạc liền một  khi. Rằng thì là ba giờ sáng hôm đó chuồng heo nhà tiểu khu trưởng tiểu khu Y bị tanh banh vì bộc phá. Máu của hai con heo áng chừng ba mươi ký chảy thành dòng xuống con sông sau lưng nhà.
Rõ ràng vụ việc có tính toán. Nếu nổ lúc hai giờ thì tôi chết rồi – tiểu khu trưởng nói – lúc đó tôi đi tiểu. Còn nếu bốn giờ thì vợ tôi là nạn nhân vì đó là giờ cô ấy cho heo ăn. Thiên hạ xứ X đổ xô đến xem sự việc và họ lần ra một đường dây điện kéo đến tận mí và vắt qua luôn bên kia sông. Một chiếc xuống được triệu đến đưa cán bộ đi mục sở thị. Lúc về họ thu được một đường dây điện mới toanh còn có hai cái kẹp bình accu. Không khó để đoán ra kẻ khủng bố đã nhồi bộc phá cùng kíp nổ, bơi qua sông rồi treo lên chuồng heo. Sau đó bơi lại qua sông và cho “Oành”. Thiệt là đáng sợ.
Ai?
Một ngẩu nhiên là ngày hôm trước Rô Trung bị thộp cổ về tiểu khu. Chả biết gã ngang bướng chi đó bị tiểu khu trưởng cho mấy cú đấm. Vậy rồi một mất mười ngờ. Khi vụ nổ xảy ra ai cũng nghĩ Trung là thủ phạm. Tiểu khu trưởng trong lúc hoảng loạn cũng xuất kỳ bất ý nói rằng:
-Thằng Trung chứ không ai vô.
Nhưng cái gì cũng phải có bằng chứng, nói bậy là vu khống đa nghe. Không bằng chứng ai dám động đến ai? Bọn lâm tặc bên chén rượu cứ kháo với nhau về sự kiện. Chúng thêm thắt bịa đặt đủ chuyện từ có đến không… ô là là… kể từ đó ai cũng nhìn Trung với đôi mắt bất thường. Đại khái vừa nể vừa sợ. Dám cự lại tiểu khu trưởng để ăn đòn là dễ nể rồi. Dám oành là quá xá đáng sợ.
Một thằng lâm tặc có đọc sách phán rằng:
-Thằng Trung không thua con cáo sa mạc Rô-meo
-Rô- meo là thằng nào?
Rô-meo là – thằng đọc sách nói – tướng của độc tài phát xít Hitler. Ông ta chỉ huy một binh đoàn thiết giáp chuyên đánh trong sa mạc. Tướng lĩnh phe đồng minh thất điên bát đảo nên gọi ông ta là con  cáo sa mạc. Thằng Trung phải gọi là cáo rừng mới đúng. Cáo rừng Rô Trung.
Cái tên được gọi đầu đuôi như vậy đấy.
Bảo vệ rừng cũng e Rô Trung lắm. Họ không mạnh tay vì… sợ. Bắt, nó oành thêm phát nữa – mình chết – vợ thiên hạ xài con mình thiên hạ sai mệt lắm. Nhờ vậy nên Rô Trung cứ lẩm đẩm gùi gỗ về xuôi. Ăn nên lắm và làm ra lắm. Rô Trung mua đất cất nhà lấy vợ.
Trung bỏ nghề lấy gỗ và mở một hiệu tạp hoá cho vợ điều hành. Còn anh ta thì ngồi xem bóng đá qua ti vi.
Lúc ấy X chỉ được bốn cái ti vi màu. Giang hồ X là dân 39 tỉnh thành họp mặt nên khoái bóng đá lắm.
Và con cáo rừng Rô Trung dược dịp làm ăn.
***
Tứ đổ tường chắc chắn chả giang hồ nào qua được mặt lâm tặc. Cũng tình thiệt mà nói xem trời bằng vung chả ai qua họ. Trời không ra chi thì tiền bạc chả là cái cóc khô gì. Quan trọng là chơi hết mình. Mùa bóng đá từ quốc tế đến quốc nội chúng ghé Rô Trung vừa lai rai vừa hét hò cùng bóng đá. Lâm tặc tuy coi tiền không ra chi nhưng không tiền thì lấy đếch gì tồn tại. Chúng nói thế. Và bóng đá mà không độ điệc thì không vui.
– Tao bắt rớt-ma-nỳ chấp tây bán nhà nửa trái.
–  Một trái thì tao theo.
–  Một trái thì mười ăn bảy.
–  ô kê… chơi luôn.
Cả hai sẽ giao cái phần tiền cá độ cho Rô Trung giữ dùm. Tàn trận Trung sẽ có năm phần trăm lợi tức. Mẹ cha ơi. Một trận cả chục kèo cá độ thì Rô Trung ấm như cái nốp. Lúc nầy mới thấy cái khôn ngoan của con cáo rừng. Sự khôn ngoan này chẳng qua thua quá mà ra chứ chả phải bẩm sinh bẩm siếc chi. Trung biết bóng đá từ thời Espana 82. Bóng đá và độ điệc đã làm Rô Trung thất điên bát đảo. Kinh nghiệm dạy Trung rằng đừng có dại mà cá độ. Bao nhiêu tiền nhà cái ăn sạch. Tay chơi cuối cùng chỉ là con thiêu thân. Cứ trước mắt thì bao nhiêu lợi tức thuộc và quán Rô Trung. Tay chơi gọi:
-Cho dĩa mồi và ba xị bà chủ.
-Cho tô mì gói với ca trà đá bà chủ ơi.
Một giờ ba mươi sáng mà hầu hạ các anh thì giá cả phải khác à. Gấp đôi thì thắt họng chứ gấp rưởi là hợp lý. Với lâm tặc thua bạc triệu còn chưa lớn thì dăm ba xu lẽ đúng nghĩa đồ bỏ. Thắng sẽ chung cho thua độ chầu ăn khuya có đáng là bao. Quơn-cúp kép dài cả tháng không lâm tặc nào chịu xiết. Cuối cùng chừng như thằng nào cũng thua. Đồng bạc chúng làm ra từ rừng đi đâu hết vậy kìa? Càng về cuối tính hấp dẫn càng cao. Tứ kết bán kết rồi chung kết không góp mặt là không phải dân chơi. Vòng loại ta thua thì phải gỡ lại ở những vòng nầy. Đặc biệt là những trận bán kết. Năm ăn năm thua chứ không còn chấp chiếc chi nữa. Phải gỡ. Nhưng cờ bạc thì muốn chơi phải quăng tiền ra chiếu. Cả tháng bỏ rừng ôm ti vi thì tiền đâu nữa? Tiền ở đâu bây giờ hỡi bóng đá?
Thằng có tiền xúi thằng không tiền:
-Thì mày vay Rô Trung.
-Chừng nào trả? – Trung hỏi.
Thằng có tiền nói:
–  Nếu nó thắng thì nó trả còn tui thắng tui sẽ trả cho anh. Xem như nó thiếu tui chứ không thiếu anh. Nó mà không trả thì tui cho bà nội nó đi âm phủ luôn.
Đúng là dân chơi không hề sợ mưa rơi. Có tiền mà đối phương không có tao bao luôn mới gọi là hảo bằng hữu. Trận chiến tàn nếu được bạc là thằng vay sẽ phải chung Rô Trung năm phần trăm lãi. Sư cha nó. Khi con ma cờ bạc đã lậm vô người thì vợ chúng còn đợ được nói chi có kẻ cho vay. Rô Trung là cáo thành tinh. Ai mê đắm mặc kệ họ cứ cửa giữa Trung ăn năm phần trăm chứ tuyệt đối không dính vô ăn thua. Cứ tàn tàn vợ chồng Trung nhặt hoa rơi. Mùa bóng đá hoa rụng quét muốn khùng luôn chứ rơi sao được mà rơi?
Nói vậy chứ can ke cho kỹ lưỡng Rô Trung cũng làm một phát.
Đến ngày nay X vẫn còn kể về một trận chung kết mà Rô Trung thắng lớn. Hầu như bọn cá độ suốt một mùa bóng đã hai tay dâng sạch cho cáo rừng. Trận đấu giữa Brazin và chủ nhà Pháp. Cả thế giới nghiêng về xứ Samba. Ai cũng tin rằng gã răng thỏ Ronaldo sẽ theo chân đàn anh Romario giữ chiếc cup danh giá ở lại trên đất Nam mỹ. Dân X cũng vậy luôn. Không ai theo Pháp. Có điên mới theo.
Kèo đưa ra mười ăn bảy ăn sáu ăn năm. Cũng chả thằng liều nào dám rớ.
Cuối cùng là một triệu ăn hai trăm ngàn.
Ngẩm nghĩ một hồi Rô Trung quyết định:
-Tao bắt Pháp.
Thua lớn nhất là tiểu khu trưởng tiểu khu Y – người có cái chuồng heo bị tanh banh bởi bộc phá – phải công nhận là bóng đá đã níu kéo con người lại với nhau. Bao nhiêu mâu thuẫn trước đó của cả hai được hoá giải. Ngài trưởng tiểu khu quăng mười triệu. Những tưởng được hai triệu từ con cáo rừng. Ngờ đâu Brazin thua ba bàn không gỡ.
Kể từ đó X mệnh danh Rô Trung là ông trùm của cá độ. Đúng là trùm nhưng chả ông chính quyền nào sờ được gáy của Trung. Anh ta chỉ giữ giúp tiền thôi mà. Và cứ thế Trung tới luôn. Các loại giải từ C1. C2. Xuyên lục địa vân vân và vân vân các thứ.
Rô Trung nói với con trai:
–  Cờ bạc là bác thằng bần cửa nhà bán hết tra chân vào cùm. Dính vô cá độ thì chỉ có chết hiểu không?
Thằng con gật gù.
***
Cuộc đời nầy cứ thuận theo tự nhiên mà sống thì dễ vô cùng. Rô Trung nghĩ vậy. Sau thời gian năng nhặt nên cái bị của cáo rừng phình to ra. Và với cái đầu giảo hoạt Trung cho bầy con của mình vào thế giới của chữ nghĩa một cách đầy khoa học. Con trai và con gái Rô Trung vào đại học nhẹ như bông gòn bay trong gió chiều. Muốn giỏi theo Trung thì – cha mẹ – phải học cùng con cái. Ở tiểu học Rô Trung ngồi tỉ mẫn cùng con. Lên trung học Trung thuê thầy về kèm. Một khi không bị mất gốc thì cái học chả bao giờ là khô khan. Bầy con Rô Trung giỏi là nhờ vậy.
Con trai lớn Rô Trung tên Hùng. Học giỏi đẹp trai lại con nhà giàu nên sành điệu lắm. Một con nhỏ cùng một khoa đem lòng đắm đuối Hùng. Nàng tên tiếng việt là Hoàng Chi Mai ở nhà gọi là Woòng Sám Múi. Nàng dân chợ lớn. Cha là người Minh Hương sang Việt Nam làm ăn từ khi cái gọi là Phản Thanh Phục Minh bị truy cho toé khói. Mời Hùng về nhà chơi chủ yếu khoe của, nàng tin rằng ngữ các tỉnh về phố thằng cu nào cũng mơ đến chảy bỏng ruột gan được là cư dân phố bự. Giàu có và xinh xinh như Sám Múi cả chục thằng xin theo xách dép hầu hạ nhưng nàng không hề là dưa gang mà bở. Chi Mai Sám Múi thích duy nhất  một anh Hùng.
Kẹt cái anh Hùng không thích Múi. Chả là Hùng vốn xuất thân từ núi rừng. Cái nơi chôn rau cắn rốn ấy tuy cục mịch nhưng vụ xả láng sáng về sớm chỉ dành cho đàn ông. Sám Múi thì phố thị từ trong trứng nên thoáng lắm chuyện ăn chơi hoa lá cành. Trước khi chọn Hùng làm người mộng nàng đã yêu rất là thiệt thọ qua hai mối tình. Hùng thì tình yêu là một cái gì đó thiêng liêng và cao quý kiểu “chưa gặp em anh đã nghĩ rằng, có người thiếu nữ đẹp như trăng…” Sám Múi rất chi táo tợn còn gia đình nàng thì ô kê cái rụp làm Hùng hãi. Thật sự hãi. Đến nhà nàng chơi Hùng chỉ rúc xuống xưởng sản xuất đồng hồ treo tường xem chơi cho biết. Được ba lần Hùng chủ động chia tay bằng cách cặp kè với một em khác. Vậy đi cho khỏi rách việc.
Nhưng Chi Mai yêu Hùng rất chi thiệt thà. Đừng tưởng từng trãi mà con ma tình nó không vật. Chi Mai cũng thất vọng đến não nùng khi người mình yêu thân ái với nữ nhân khác. Thất vọng vì tình thì nam nhân chưa chắc qua phái yếu cái vụ uống rượu cho quên sầu. Một mình Chi Mai chơi cả nửa chai Chivas. Mười hai giờ đêm nàng phóng xe ra cầu sài gòn. Dưới chân cầu nàng  bị giao thông xỉa gậy tấp vô lề. Chạy xe quá tốc độ và có rượu nên xe bị tạm giữ. Buồn tình Chi Mai đi bộ lên cầu. Rồi trên thành cầu nàng nhảy một phát xuống dòng nước đen ngòm ngòm bên dưới.
Chi Mai không hay rằng cô đi đến đâu cũng có một thằng si tình bám theo đến đó. Gã trai này cũng là sinh viên cùng khoá với cô. Không biết nó yêu cô thiệt hay vì cô là con ba tàu chợ lớn. Thấy cô nhảy cầu tự vận thằng cu liền nhảy theo. Như con rái cá nó chụp được nàng rồi lôi vào bờ. Bị cái lạnh giá và nước sông toàn rác rưởi thối hoắc làm Chi Mai tỉnh hồn. Nàng gục đầu lên vai thằng sinh viên bạn rồi khóc như mưa.
-Vậy là chúng nó lấy nhau. – Hùng kể với cha Trung như vậy.
-Nhà con nhỏ đó sản xuất đồng hồ treo tường hả?

-Nhà mình cũng có bán nè ba. Ba biết giá vốn của nó là bao nhiêu không?
-Nhiêu?
-Chỉ tám ngàn đồng.
Rô Trung kinh ngạc:
-Tao lấy mối hai mươi bốn bán ra ba chục… mẹ cha ơi… dân chợ lớn giàu là phải quá.
-Ba biết không họ làm khung bằng gỗ thông. Ba cái hình vẽ trên nền thì thợ vẽ ăn theo cái. Có thằng vẽ ngày trăm cái luôn.
-Còn đồng hồ?
-Ba cái thứ quỷ nầy muốn bao nhiêu mà chả có. Toàn là hàng tàu nhập lậu qua biên giới ba ơi. Quan trọng là làm sao để có đầu ra. Nhà con Sám Múi bỏ hàng ra tận các tỉnh miền trung. Nhà mình mà có một mặt bằng ở Sài gòn làm mặt hàng nầy là giàu chắc luôn.
Cầu được ước thấy. Bạn gái của Hùng ở Bình Chánh. Ngoại trừ nhà còn có vườn. Cha nàng nghe Hùng nói bèn cho thằng trai có thể sẽ là rể thuê một trăm mét đất. Vậy là xưởng sản xuất đồng hồ treo tường dã chiến của Hùng ra đời. Gỗ làm khung được sản xuất từ mấy cái nhà máy cưa ở X. Chả Đà lạt lạc đà chi cho xa xôi. Có năm công đoạn để xong một cái đồng hồ. Dùng keo để dán thành khung. Vẽ một con cò hay con hạc chi đó trên tấm ván có chiều ngang hai mươi dài bốn mươi phân đã  xịt một lớp sơn. Gắn lên miếng ván ấy cái đồng hồ và một bóng điện hạt mít. Một tấm mica để làm mặt. Công nhân làm ăn theo sản phảm. Nhiều ăn nhiều ít ăn ít. Tất cả đều bình đẳng chả chủ tớ chi sất. Đầu ra đã có chú hiệu tạp hoá Rô Trung lo. Hai mươi năm trong nghiệp bán buôn Rô Trung đã dựng được cho mình một lượng khách hàng ở ngoài tỉnh không hề ít. Gì chứ  nhận hàng của Rô Trung để bán lẻ là chuyện thường thôi.
Vừa học vừa làm như Hùng là có một không hai. Xưởng sản xuất đồng hồ của nó đã tạo công ăn việc làm cho ba mươi nhân mạng. Một tháng Hùng xuất một nghìn chiếc đồng hồ. Mỗi chiếc trừ chi phí chỉ cần lãi mười nghìn. Một nghìn nhân mười nghìn thì ra bao nhiêu hả ba quân?
Nhưng.
Chuyện đời không hề đơn giản?
***
Trong sáu tháng. Vâng. Đúng sáu tháng Hùng tậu được một chiếc Dream Thái cáu cạnh những một chục cây vàng. Cơ sở sản xuất đã được xây tô mang tính chất lâu dài. Một kho chứa hàng thành phẩm và một kho khác chứa hàng thô. Những nhà máy cưa ở X chạy hết công suất vẫn không giao kịp gỗ lạt cho xưởng sản xuất. Cứ thế nầy mà tới thì Hùng trở thành ông bự trước khi xong đại học là chắc nụi.
Nhưng mối hàng các tỉnh điện cho Rô Trung rằng họ lỗ chỏng gọng khi bốn phương chung quanh chỗ họ mua bán mặt hàng nầy hạ những năm giá. Từ ba mươi nghìn giá bán lẻ chỉ còn lại hai mươi lăm. Hàng họ đang ứ. Nếu Trung không giảm giá thì em lấy mối khác – họ nói vậy -. Và Trung chấp nhận giảm. Hàng hoá tay em đang ứ Trung giảm luôn. Nhưng hôm sau lại điện báo rằng thị trường chỉ còn lại hai mươi nghìn một chiếc. Rô Trung buộc phải giảm thêm. Đến ngày thứ ba là mười lăm nghìn. Rõ ràng đang có một tay nào đó cố tình chơi Rô Trung.
Xưởng sản xuất của Hùng phải tạm dừng thi công theo lệnh của cáo rừng. Nhíu trán. Rô Trung quyết tìm cho ra kẻ phá bỉnh. Nếp nhăn trên trán chưa kịp giãn thì Hùng trở về từ phố lớn và báo cáo sự thể:
-Không lại dân Chợ Lớn rồi ba.
-Đầu đuôi sao nói tao nghe.
-Mặt hàng nầy họ có chân rết từ Nam chí Bắc. Giá cả bị họ khống chế họ từ bấy lâu nay. Mình xen vô nên bị triệt. Họ sẵn sàng giảm giá cho đến khi nào mình chịu không nổi phải buông.
-Bây giờ mày tính sao?
-Con chả biết tính sao. Hàng tồn trong kho cả chục ngàn, không tháo kịp buộc phải đốt để trả lại mặt bằng cho chủ đất. Chưa kể gỗ cưa ra đang ở tại các nhà máy cưa… phải bỏ thôi ba ơi.
Rô Trung vỗ vai con trai nửa đùa nửa thật:
-Chơi sao lại tụi chợ lớn mà không bỏ. Nếu trước đây mày lấy con Sám Múi Chi Mai thì không đến nỗi. Đúng không?
-Tao đùa thôi. Chơi với dân Minh Hương Chợ Lớn thì an nam mít như mình chỉ một đường là chấp nhận bị sai vặt. Là cu ly suốt kiếp thôi con…
Cáo rừng Rô Trung ngước mặt nhìn trời.
Biết chuyện thiên hạ ở X bình rằng: Hồ ly chín đuôi như Tô Đắc Kỷ còn chết vì gươm Lục Yểm. Cáo rừng Rô Trung thì được mấy cà ram.

Nguyễn Trí