Như mọi lần, khi chiều tắt nắng, Gia vẫn ra ngồi ở chỗ ấy,
bên sông. Như mọi lúc, tôi đi băng qua khoảng sân đất cất dấu nhiều bóng tối, để
cuối cùng hình ảnh quen thuộc kia lại hiện ra. Chiếc ghế thấp như bất di bất dịch,
sự dời đổi không hề xảy tới. Ngay cả dáng vẻ của Gia cũng thế, tựa hình khối một
bức tượng. Cứng ngắt, vô hồn và cũ kỹ. Một sự chung thủy ngó nao lòng.
Dòng sông không bao giờ là một tấm gương óng ả. Nếu có, đó
là một bề mặt luôn vỡ vụn. Nó không ngừng xao động và nó bẻ gãy cái thoi thóp của
ráng chiều đang rải đều xuống thân nó. Một hai con đò lặng lẽ trôi ngang, bếp lửa
đỏ nhóm sau mui như con mắt vừa mở trừng, giây lát, rồi vội đóng kín, khuất lấp.
Khói vướng víu trôi lui, một vệt xám cắt ngang tầm mắt, nơi mà đằng sau, phố thị
bên sông đang lần lượt thắp sáng đèn. Nước mấp mé bờ, chỗ Gia ngồi, nó thì thầm
mãi hoài một đơn điệu. Tẻ nhạt nhưng không nhàm chán. Như vỗ về, như nhắn nhủ.
Gia từng kể, có khi thức giấc, sáng mai nhìn ra thấy nó hao mòn xuống thấp.
Cũng có đôi khi nó âm thầm leo lên tới tuốt bậc thềm và nếu ta ngồi đây, ta phải
chịu ngâm chân tới đầu gối. Gia có vẻ yêu dòng sông này. Cái dòng sông tuôn ra
cửa biển và mang đi hết những người thân thuộc trong gia đình rong ruổi tới một
bến bờ khác. Sao Gia còn ở lại? Đó là câu hỏi tôi từng nêu và chưa khi nào Gia
đưa ra một câu trả lời hợp lý. Tôi thắc mắc bởi lẽ tôi nuôi hy vọng: Tôi chính
là nguyên nhân khiến Gia khó giũ áo ra đi.
Chính quyền thì luôn có một bản án dành cho những kẻ
trốn chạy kiểu ấy: "Phản bội tổ quốc". Họ không hay biết đôi
khi người ta ở lại chỉ vì những kẻ không may ấy lỡ bị cột trói bởi một thứ tình
tầm thường nhỏ bé hơn. Tình yêu giữa tôi với Gia chẳng hạn. Và trong nhãn quan
của hai kẻ yêu nhau, tổ quốc là thứ gì xa vời, trừu tượng; nằm ngoài những thao
thức của hai kẻ đang bận lòng chia ngọt xẻ bùi. Tẳn mẳn, vụn vặt, nhưng khó có
gì so sánh được.
- Bữa ni có
chi lạ không?
Gia hỏi. Mỗi
khi tôi tới Gia đều mở đầu bằng lời nói đó. Tựa tiếng sóng vỗ, nghe quen
tai. Gia như luôn hoài nghi về cuộc sống này, về cái cách biến đổi không ngừng
của nó. Dĩ nhiên quá trình của biến đổi sẽ sản sinh ra sau đó những chuyện lạ.
Tôi thì không. Tôi thấy thời gian trôi chậm, trì trệ và mọi thứ tuồng như đứng
yên. Hiểu ở một nghĩa nào đó thì tất cả đều đã tụt hậu, đã lùi về phiá sau.
Nhưng mà cổ tích thì luôn ẩn chứa chuyện lạ. Thêu dệt, đặt điều cho nhiều vào,
để lấp đầy khoảng trống.
- Thầy Huy đau nặng. Trong lớp phải sáng tạo ra một buổi
lao động ngoài trời để điền thế tiết học.
Tôi nói, đồng thời ngó lên cái trang thờ bắt trên một
thân cây. Cây nhiều lá và lá lan tràn như muốn bôi đen cái hộp gỗ vuông vắn kỳ
dị ấy, vì thế trông nó tựa một cái chuồng bồ câu mà chim đã bỏ đi hoang. Cả Gia
cũng không hay biết gia đình dựng nó lên để thờ phượng ai? Nhưng bao giờ, khi
tôi tới, tôi cũng muốn thắp vào đó một vài cây hương. Một trang thờ không lạnh
lẽo, điều đó cũng có nghĩa là kẻ ngồi bên dưới nó sẽ cảm nhận ít nhiều nỗi bình
an trong tâm hồn. Tôi luôn bất an, tôi linh cảm một điều gì đó xấu xa đang chờ
chực. Mơ hồ, không tượng hình, nhưng luôn ám ảnh. Tôi nghĩ tới khuôn mặt của thầy
Huy, nét khắc khổ, sự cam chịu tỏa đầy trên con người thầy. Thầy ốm nặng và
trong trường, mọi người thầm hiểu, đó là dấu hiệu khởi đầu về một cái chết. Thầy
sẽ thực sự vắng mặt, sẽ bỏ đi. Không hôm nay thì hôm sau.
Hương không thơm, khói tỏa ra chẳng xua đuổi được đàn
muỗi khát máu.
- Gia thì sao?
- Gia đan gần xong chiếc áo ấm. Chỉ có năm búp len, chắc
phải chịu chật một tí.
Mùa hè vẫn còn dùng dằng nán lại. Chưa khi nào tôi
mong là thời tiết sẽ chóng lạnh như bây giờ. Hãy bỏ băng qua mùa thu để đông trở
về với gió mưa, với rét buốt. Tôi sẽ mặc chiếc áo Gia đan và giã từ nỗi cơ hàn
luôn quấy phá hằng năm. Ôi, ấm áp biết chừng nào nếu người ta được mặc
chiếc áo do tình nhân đan cho!
Tôi nắm đôi bàn tay Gia với ý nghĩ mười ngón mát lạnh
ấy chẳng khác mấy đôi tay của những người nghệ sĩ tạo hình. Lá trong vườn giao
động, như những giác quan trong người tôi đồng loạt tỉnh thức. Bồi hồi, xao xuyến.
Chúng tôi hôn nhau và môi rời ra khi những con dơi đập cánh ngang qua làm rạn vỡ
cái thời khắc cô đọng niềm hạnh phúc. Ba cây hương đã tắt. Trời không có trăng.
Chiếc áo trắng Gia mặc cơ hồ như có tráng lân tinh, như cả triệu con đom đóm vừa
quây quần tụ lại. Một thứ sắc màu rất hoang đường.
- Răng không thử đề nghị chở Gia đi chơi?
Gia nói. Nhỏ nhẹ, gió thoảng. Khuôn mặt nửa khuất lấp
sau tóc phủ rối, nửa bày ra nét đẹp trắng xanh của một nhan sắc mà suốt ngày
tôi vọng tưởng không nguôi.
- Đi những đâu?
- Chỗ mô cũng được, bị cấm cung cả ngày rồi!
Tôi tới lấy xe đạp dựng bên cây sầu đông, ý thức rõ rệt
về nỗi buồn của một kẻ không tiền. Chưa bao giờ tôi mời Gia ăn một ly chè, uống
được một cốc cà phê như bao cặp tình nhân khác thường bày tỏ cho nhau. Thầy Huy
có lần mượn câu ngạn ngữ của Tây-ban-nha để nói với tôi: "Ngay cả khi
trong túi hết tiền, cái mũ trên đầu anh cũng phải đội cho ngay ngắn". Câu
nói đơn sơ, chẳng rắc rối nhưng lắm lúc tôi không hiểu được. Nó nói tới nhân
cách, có phải không? Và nhân cách, đó là điều mà tôi chưa từng thấy một ai có
được ở thời điểm này. Người cha đi theo Cách mạng, ngày hòa bình trở về nhà hiếp
dâm đứa con gái mười sáu tuổi của mình. Người mẹ vị thành niên chưa điên loạn ấy
mang đứa con vừa lọt lòng đặt trước cổng chùa và cô không hề biết chùa chiền đã
bị giải tỏa, lạnh vắng tiếng chuông...
Có tiếng chó sủa vu vơ trong bóng đêm. Tôi chở Gia
thoát khỏi con đường kiệt hai bên trồng chè tàu như trường thành thẳng tắp. Gia
nhẹ tựa một kẻ thiếu ăn, và đứa ăn không mấy no như tôi bao giờ cũng lấy gạo
cơm để làm đơn vị so sánh. Thật thấp hèn, khốn khó và đáng nguyền rủa. Mối tình
của chúng tôi sẽ thơ mộng biết chừng nào nếu được trưởng thành ở một nơi chốn
khác. Tôi chia xẻ cùng Gia cái ý nghĩ ấy.
- Một nơi khác? Nơi đó biết có còn đủ đầy hai đứa
không?
- Là sao?
- Là khi mình đạt được điều này cũng có nghĩa là mình
sẽ chịu mất đi một điều khác.
- Anh sẽ đánh đổi hết mọi thứ để xin chỉ được có mỗi
mình Gia.
- Anh nói như một kẻ tư bản chính hiệu. Anh hiện đang
có những gì?
- Ừ, anh vô sản, anh trắng tay, anh tham sân si. Một tấm
lòng vàng thì chẳng làm nên cơm cháo gì!
Tôi thở gấp khi đạp xe lên triền dốc. Mệt mỏi, già
nua, cực lòng. Tuy vậy tôi muốn chở Gia đi tới một nơi xa xôi, quạnh quẽ. Tôi sẽ
rã rời đôi chân, sẽ kiệt quệ sức lực tuổi xanh và rồi tôi sẽ ngã người xuống một
bãi cỏ hoang liêu, ngửa mặt nhìn lên trời cao hấp hối ánh sao. Ba tôi kể, đêm
Trường sơn bầu trời đẹp lạ lùng. Sao lấp lánh, sáng không đồng đều như số phận
của mỗi một con người. "Bố mừng vì con còn đeo đuổi việc học mà không đi
lính cầm súng cho Ngụy..." Và sau đó, sau đó là tiếng khóc tức tưởi không
nguôi của em tôi. Tôi chẳng rõ bây giờ nó ở đâu? Hôm chia tay nó đóng bộ tịch cứng
rắn: Em đi giang hồ, em xuôi Nam. Đừng lo cho em, con gái thời nào cũng lợi thế
hơn bọn đàn ông con trai. Em bán bia ôm, em làm thợ mát-xa đấm bóp, em làm vũ nữ
thoát y, em làm đĩ, em đi khách cho bọn Việt kiều hồi hộp...
Mặt nó lạnh căm, trâng tráo; trong khi tôi không cầm
được nước mắt. Chưa bao giờ trong tôi nổi cộm sự hận thù bằng lúc đó. Tôi muốn
có được lòng can đảm, tôi muốn hóa thân thành một đứa vô học, nắm con dao trong
tay run và chém vung vãi lên người bố tôi. Chiếc xe đò rời bến An Cựu, mang em
tôi đi trong thinh lặng nhạt nhòa. Tôi đứng chết sững với một niềm tủi hổ dâng
lên, vô bờ. Tôi chửi tôi: Địt mẹ mày, thằng khốn nạn! Bố mẹ mày! Thằng không đủ
tư cách làm anh...
Người ta gọi đây là đồi Từ Hiếu, hay đồi Vọng Cảnh?
Tôi cũng không nhớ rõ. Hay là đồi Thiên An? Núi Ngự Bình? Phương hướng, địa
hình địa vật, tôi mù mờ khuấy quên. Sương muối ở đâu tới, dồn tụ trên hàng
thông luôn đứng dáng mặc niệm, để phả xuống người chút gai lạnh, ẩm ướt. Chiếc
áo Gia mặc lẫn vào dòng sữa đang trôi ấy và nó cho tôi cái ảo giác chúng tôi
không hề là của nhau. Hoặc nó ngụy tạo ra, đây là một trò chơi trốn tìm, cố đào
xới sự thật đang ẩn khuất. Tôi buông chiếc xe đạp và ngã cùng nó xuống bãi cỏ rậm.
Những bụi mắc cỡ rùng mình đồng loạt khép lại tất cả mọi cánh lá. Nếu em tôi chết
đi, kiếp sau em không thể hoá thân thành loài hoa trinh nữ bé dại này. Tội nghiệp
em, mà cũng tội nghiệp cho cái ý tưởng của tôi. Tôi mở trừng mắt cố tìm kiếm một
vì sao. Đất trời giao thoa liền lạc trong vũng mờ không biên giới, đậm đặc. Một
bóng trắng hiện ra, án che, để sau cùng võng mô tôi đóng kín lại. Tôi ngửi mùi
tóc Gia, hôn hít. Tôi ôm siết cơ thể Gia đang phủ lấp người tôi. Tôi lặng chìm
trong thứ cảm xúc mình được chìu chuộng, được săn sóc, được vuốt ve, được
thương yêu. Một dòng nước ấm, trơn nhờn vụt bắn ra khỏi cơ thể. Tôi rên lên, mường
tượng tới tấm lưng trần của bố tôi, tới bàn tay thô bạo bịt kín miệng mồm em
tôi và sau đó tinh dịch cũng như nước mắt đồng loạt chảy. Cả hai dòng cùng một
cội nguồn tuôn lai láng...
Đám tang thầy Huy đơn sơ, lặng lẽ. Trước ngày thầy chết
ít hôm, tôi có đến thăm, nhìn mặt lần cuối người đàn ông luôn đặt nặng vấn đề
sĩ diện, nhân cách lên trên hết mọi thứ. Thầy hỏi: Bạn coi mình là con người
hay thú vật? Tôi cúi đầu, nhìn cái bô mạ kền móp méo trốn dưới chân giường xiêu
vẹo. Tôi là chiếc giường tre hay cái bô dơ bẩn kia? Tôi tự hỏi. Nếu tôi thú vật
và thầy yếu lòng đánh mất sĩ diện, có thể tôi đã dìu thầy qua được cửa ải của
thần chết. Chỉ cần tôi năn nỉ bố tôi, lạy lục cả tơi lẫn nón ông đảng viên thâm
niên ấy, họa may ông sẽ khoan hồng giúp thầy Huy nhập viện, diện cán bộ. Mà
cũng không chắc, đôi khi cái chết nó giúp người ta nhiều điều, nếu người ta
quan niệm sự vắng mặt ở đời sống này là chuyện cần thiết chẳng hạn.
Thầy ngó lên tôi, vầng trán nhăn nhàu, giọng yếu đuối:
- Bạn cũng đang nhuốm bệnh đó, có biết không?
- Khám ở phường họ bảo suy dinh dưỡng, chẳng có gì phải
bận tâm.
- Bạn như người trút hết sinh lực vào một chuyện bí ẩn
nào đó. Hoặc không thì bạn là kẻ vướng tật thủ dâm... Trầm kha, nhợt nhạt...
Tôi cười:
- Được dạo chơi cùng lần với thầy thì thú biết mấy!
- Đừng đùa. Bạn tin tới thế giới siêu hình không? Bạn
có bao giờ biết thắp hương cúi đầu khấn nguyện người khuất mặt? Hay bạn là đứa
duy vật?
Buổi nói chuyện cuối cùng đó không diễn ra lâu. Gia
đình thầy muốn tái lập sự lặng yên trong gian nhà nhỏ bé ngột ngạt ấy. Tôi đi về,
suy nghĩ những điều thầy nói và nghiệm ra đôi khi người ta chẳng nên tạo cho
mình cái sĩ diện hão. Chẳng ích gì. Vì thế tôi làm mặt dày mày dạn, đội mũ
không ngay trên đầu, mạnh bạo nện gót đến tìm bố tôi. Tôi đói khổ triền miên và
tôi muốn có chút tiền lận lưng, bồi dưỡng cái thân thể nhợt nhạt túng thiếu trầm
kha.
Bố không mấy vui khi thấy tôi. Ghẻ lạnh là đằng khác.
Bên bờ sông, những đứa con riêng của ông đang câu cá, bọn nó tuồng như có một
ngôn ngữ dị biệt để mang ra cợt đùa, những lời nghe lạ tai. Hai ba đứa thảy đều
chửi thề không ngượng mồm và những mái đầu xanh ấy chẳng thể hình dung ra đứa
ăn mặc rách rưới đứng ngó láo liên kia là anh cùng cha khác mẹ với chúng. Đây
là lần đầu tôi đến tìm ông, nhưng sao cảnh vật ở nơi nầy trông quen thuộc quá.
Lý ra chỗ kia có đặt để chiếc ghế thấp, lý ra nơi nọ phải có một lùm cây bao phủ
cái trang thờ màu đỏ. Sao lại đốn chặt, khai quang tới độ trống trải lạ lùng?
- Mày không nên đến đây với một điệu bộ khẩn trương kiểu
quái gỡ như vậy. Cầm chút tiền này và lần sau gặp chuyện hệ trọng nào thì hẳn
tìm tao ở cơ quan.
Bố tôi nói. Ông bước sát vào người tôi như ngầm xua
đuổi. Có thể ông đã thay tên đổi họ và thú thật tôi không tài nào nhớ nổi cái
bí danh của ông ta. Chức tước ông khá lớn, ở ủy ban quân quản thành phố hay bí
thư quái quỉ gì đấy tôi chẳng bận tâm. Cầm nắm tiền trong những ngón rịn đổ mồ
hôi, tôi hiểu rõ buổi nhờ vã hôm nay là lần duy nhất và sau cùng.
Tôi cúi đầu bước vội khỏi vuông sân như đang mất dần
sức hút, trọng lực. Vẫn là hàng rào hai dãy thẳng thớm chạy dài ra đường nhựa.
Vẫn là quán bán chè nằm đầu ngõ với đám hoa dâm bụt đang đỏ thắm một cách riêng
tư.
- Anh ăn chè hay uống nước chanh?
Đứa con
gái chào đón. Nó khoảng tuổi mười hai. Nhỏ nhắn, dễ nhìn, nhanh miệng lẹ mồm.
Nó biết phụ giúp gia đình để lao động kiếm ra đồng tiền. Nó hơn đứa lớn sầm đầu
này mọi mặt. Tôi ngơ ngáo, bó tay quẫn trí không biết cách kiếm bạc và luôn dật
dờ như một kẻ mộng du.
-
Cho anh ly nước chanh.
Bóng nắng ghim xuống thân tôi lỗ chỗ những đốm tròn.
Mái tôn che chắn phiá trên như từng mang thân ra hứng đạn. Tôi ngồi đếm những tờ
giấy nhàu nát, chẳng mấy thơm tho. Có phải là đồng tiền nào cũng đều dơ bẩn?
Tôi chẳng biết. Tôi đưa hết cho đứa con gái. Nó kẹp tóc đuôi ngựa, mặt có vẻ
già so với vóc vạc nhỏ nhít.
- Mô có nhiều như ri. Chỉ là ly chanh đá thôi mà.
- Em hãy cầm hết đi, để rồi nói cho anh nghe một chuyện.
Đứa con
gái ngập ngừng. Nó nhìn tôi như nhìn một cải tạo viên ngày đầu được phóng thích
khỏi trại tù vĩ đại. Nửa thương hại, nửa nghi ngờ. Tọc mạch, khó hiểu.
-
Anh muốn biết chuyện chi? Chị Hoa của em thì đi lấy chồng đã hơn ba tháng rồi.
Ly nước chanh hà tiện đường làm tôi nhăn mặt. Nó chua
chát tới độ đáng ngờ vực vị giác mình.
- Em biết căn nhà mang số 33 ở trong xóm không?
- Có phải là cái nhà đã bị cách mạng chiếm đoạt tịch
thu không?
- Đúng là em có biết. Em thử nhớ trước đây, trong căn
nhà ấy có một người con gái tên là Công tằng Tôn nữ Hoàng Gia...
- Lạ lùng chi. Họ lần lượt kẻ trước người sau vượt biển
hết rồi. Nghe đồn...
- Đồn đãi chuyện chi?
- Chuyến cuối, chiếc ghe chở họ bị đắm chìm...
- Em tin lời đồn nhảm ấy không?
- Tin. Có nhiều đêm mắc đái mà không dám ngồi dậy.
Nghe có tiếng ai khóc thút thít thật gần, nghe bụi chè tàu ngoài nớ run lẩy bẩy
như có ai lướt chạy ở trên.
Tôi nhìn những ngón tay đè lên tim của đứa con gái.
Ngó nét mặt vừa biến đổi của nó để rồi cảm nhận rõ ràng ly chanh đá đã đông cứng
trong buồng ngực tôi, như thanh đao lạnh lẽo vừa đâm thốc vào.
- Anh cũng sợ ma phải không?
- Đời nào. Tại vì em kể chuyện có duyên, hơi bất ngờ.
Cám ơn em.
Tôi đi bơ vơ giữa trưa, trơ trụi dưới nắng. Không còn
ai thân, tôi tìm tới ngôi mộ mới tinh màu sỏi đá ôm choàng lên thân xác thầy
Huy. Tôi gục đầu trước tấm bia xi-măng đang rịn ứa mồ hôi. Tôi nhớ hai câu cổ
thi Gia từng đọc lên để đố tôi, mà sau đó tôi đã phải cầu cứu tới thầy Huy, nhờ
giảng giải:
"Các trung đế tử kim hà tại?
Hạm ngoại trường giang không tự lưu".
Hai câu này của Vương Bột, dịch thoáng ra: "Đế
vương giờ ở nơi đâu? Ngoài hiên sông lớn vẫn sầu lặng trôi".
Tôi chảy nước mắt. Tôi đau buồn cho Gia đã không có
được một nấm mồ. Hoàng Gia ơi, Em đang ở đâu? Đời sống này vẫn sầu lặng cuốn
chìm lấy anh.
Hồ Đình Nghiêm