Hương Hải là tên của một ngôi thiền tự do đại đức Thích Thông Trí trụ trì.
Tuy còn trong thời kỳ phát triển nhưng Thiền tự Hương Hải có một lịch sử đáng
kinh ngạc khiến cho nhiều người phải suy nghĩ và kính phục trước ý chí quyết
tâm tu đạo của một bậc đại giác.
Được biết khi song thân của thầy Thích Thông Trí lần lượt qua đời, Thầy rời
xa thế tục vào chùa quy y tam bảo. Sau một thời gian tu tập Thầy nảy ra ý định
muốn vào rừng ẩn tu. Không biết có phải duyên nhà Phật đưa đẩy hay không, đã
dẫn dắt Thầy lặn lội vào tận khu rừng hoang dã thuộc quận Tweed, gần Bellville,
Ontario. Lúc nghỉ chân trước một căn chòi xiêu vẹo tình cờ Thầy gặp một người
thợ săn đúng lúc giải nghệ muốn bán đất. Sau khi ngã giá và qua các thủ tục
hành chánh, Thầy đã sở hữu được mảnh đất rộng 25 mẫu. Hồi đó đường vào đất Thầy
không có đường xe, chỉ có một con đường mòn len lỏi giữa những cây rừng bạt
ngàn. Miếng đất, miếng rừng mênh mông không một bóng người, cách một hai cây số
mới có một căn nhà của dân, vậy mà một mình Thầy vẫn quyết tâm tu hành ở đây.
Câu chuyện bắt đầu như vậy, như một huyền thoại được truyền tụng rất nhanh. Và
qua mỗi con đường đất, mỗi cụm rừng u tịch, câu chuyện được thêu dệt thêm vẻ
đẹp của chốn thiền môn.
Từ đó, trong cánh rừng hoang vu Thiền tự Hương Hải được Thầy khai sơn năm
1995 trên một ngọn đồi ở Tweed City, cách thành phố Toronto 216km về hướng Đông
Nam.
Thầy đã dựng một cái thất nhỏ như thảo am giữa rừng để tu thiền định. Ban
ngày Thầy cuốc đất, trồng cà, trồng khoai, dựng dàn bầu, đào hồ, khoét ao,… một
tay Thầy ra sức làm nên. Điện, nước lúc bây giờ chưa đươc kéo tới nên ban đêm
dưới ngọn đèn dầu, Thầy an nhiên tụng kinh niệm Phật, ngồi thiền. Nhà Phật nói
muốn tìm được đạo, phải tự đi bằng đôi chân của mình, phải biết độc hành, độc
bộ. Một mình một bóng dốc lòng tu đạo trong cánh rừng hoang vu không phải ai
cũng làm được. Con người đó phải có lòng nhân ái, có cái tâm bồ tát và ý chí
mạnh mẽ đến dường nào. Đường của Phật quả là gian nan khôn cùng.
Thầy Thích Thông Trí
Rừng ở đây không có sơn lam chướng khí, cũng chẳng có ma chướng nào, hay
loài ngạ quỷ súc sinh nào chạm được tới Thầy. Nhưng mùa đông Thầy phải về chùa
trong phố tá túc chờ cho qua cơn tuyết giá mới trở lại thảo am tiếp tục con
đường giải thoát. Sau này điện nước được dẫn tới suốt bốn mùa Thầy đều yên vị
tu hành tại thiền tự.
Giao lộ 37 North và Hw7 dẫn đến thiền tự Hương Hải, vào mùa hè khách thập
phương chạy xe có dịp băng qua những khu rừng xanh lá, những mái nhà xinh xinh,
những nông trại, những cánh đồng mênh mông và những con phố nhỏ hiền hòa của
quận Tweed nằm dọc theo nhánh sông Marl óng ánh, trong lành xuôi về hướng Nam.
Năm năm trước hương lộ 37 North vẫn là một con lộ đất, gần đây mới được trải
nhựa phẳng phiêu. Nhưng đến naỵ, những người hành hương vãn cảnh khi quẹo mặt
đường Brigewater để vào đất chùa vẫn phải đi trên con đường gồ ghề bụi đất, hai
bên mọc đầy gai góc, cỏ dại và cây rừng. Về sau có một nữ bác sĩ phát tâm mua
sõi rải dài theo con lộ ngoằn ngoèo dẫn vào thiền tự để việc đi lại dễ dàng
hơn. Cũng từ dó có nhiều Phật tử, cá nhân đến làm công quả, chỉnh tu giúp ngôi
thiền tự ngày một tiện nghi, khang trang hơn. Nhờ vậy ngày nay Thiền tự Hương
Hải tương đối có một quang cảnh cổ kính và trang nghiêm, gần gũi với đất của
nhà Phật. Trên gò đất cao dưới bóng mát của cây rừng quanh thiền tự có tháp cổ
u tịch, có tượng Phật Di Lặc, tượng Quán Tự Tại, tượng Phật Thế Tôn và đặc biệt
tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn trong thế nằm an nhiên, tự tại.
Phải công nhận Thiền tự Hương Hải là chốn thanh tu đạt lý, xa lìa nền văn
minh hiện đại. Bước vào mảnh đất của Thiền tự như bước về thời cổ xưa u nhã,
bình lặng và cô tịch. Đây cũng là quê hương của bậc tu hành an vị trên
một mảnh đất bao la với rừng thông bạt ngàn mọc giữa rừng phong đầy hoa thơm cỏ
lạ.
Từ chân đồi, ta có thể nhìn bao quát khắp cánh rừng và quang cảnh xung
quanh. Không khí thật trong lành, phảng phất chút hương thơm của cỏ dại, lá
rừng. Rừng thông ở đây thân đủ người ôm, lừng lững vươn lên đội mây trắng trên
đầu. Đặc biệt muì thông dễ làm khách thập phuơng hoài niệm về quê nhà. Nhưng
con chuồn chuồn kim từ đâu bay lại hồn nhiên đậu trên cánh tay tôi mới thực sự
làm tôi xúc động. Tự nhiên những kỷ niệm của tuổi thơ mà tôi không thể nào quên
được lại rưng rưng kéo nhau trở về. Trên gộp đá rêu xanh có một con cào cào màu
lá khô vừa phóng xuống bụi hoa cẩm tú cầu (hydraneas) màu trắng phớt hồng.
Bên cạnh thiền tự, dưới chân đồi có thác nước nhỏ và hồ nước nhân tạo do
Thầy và các Phật tử phụ tay làm lấy. Trên hồ có căn chòi gỗ nhỏ và chiếc cầu
ván cong cong sơn đỏ bắt ngang. Dưới làn nước trong, giữa đám lá súng hình tròn
xanh tươi nhô lên, xoè ra những bông súng cánh trắng viền hồng thanh khiết. Hồ
cũng là nơi sinh sống của loài ếch nhái da trơn màu xanh lá, nhìn đời bằng đôi
mắt to. Ngoài ra, còn có một hồ nước thiên nhiên nằm sâu trong cánh rừng cách
thiền tự không xa là nơi lui tới của các động vật hoang dã như hươu, nai, chồn,
sóc, chim muông.
Cảnh giới ở đây, từ thiên nhiên đến động vật, thực vật và con người như hòa
trộn thành một. Có lẽ vì vậy nên tôi đã để lại tất cả tục lụy ở ngoài cổng chùa
để bước vào chánh điện.
Chánh điện là một căn phòng nhỏ nhắn, vuông vức và vô cùng đơn sơ, chỉ chứa
được vài chục Phật tử cùng tụng kinh hành lễ. Cũng như các ngôi chùa khác, giữa
chánh đìện là tượng Phật Thích Ca bằng thạch cao tay cầm bông sen ngồi tòa sư
tử, hai bên thờ ngài Phổ Hiền và Địa Tạng. Trong góc nhà, treo trên giá gỗ một
cái chuông đại hồng chung nhưng nhỏ bằng một người ôm. Chầy vồ dựng một bên.
Không thấy trống bát nhã, cũng không thấy tranh ảnh Phật giáo. Kệ sách đơn sơ
với vài cuốn kinh nhật tụng, kinh thư và sách Phật giáo. Ngoài chánh điện còn
có phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp, nhà ăn, nhà kho…
Một trong những điểm nỗi bậc khác là hàng năm các lễ hội Phật giáo có tính
chất văn hóa được tổ chức tại Thiền tự này. Tuy đường xá xa xôi nhưng vào những
ngày lễ Tết, lễ Phật Đản Sanh, Phật Thích Ca thành đạo, vía Phật Bà Quán Thế
Âm, lễ Vu Lan, lễ Xá tội vong nhân, lễ An cư kiết hạ v.v…, ngoài các tăng, ni
thuộc hàng trí thức đến từ các chùa khác còn có Phật tử khắp nơi về tham dự rất
đông.
Đặc biệt mùa thu là thời điểm ảo diệu nhất trong bốn mùa. Khi lá rừng chuyển
sang vàng, cam, đỏ, khách thập phương có thể chiêm ngưỡng rừng thu Hương Hải
với sắc màu rực rỡ đẹp thoát trần.
Có thể nói Thiền tự Hương Hải là một biểu tượng Phật giáo tâm linh, hiền
hòa, bình dị và thanh thoát như cỏ cây, như khí trời.
Cũng có thể nói Thiền lâm Hương Hải giống như một cuốn kinh thư đồ sộ mà mỗi
một trang đều khắc nổi về bề dầy của lịch sử tôn giáo, văn hóa, triết học và
văn học Phật giáo, trong một ngày tươi sáng không xa.
Gặp gỡ đại đức Thích Thông Trí không đầy nửa buổi, nhưng đủ để lại trong ký
ức tôi một tấm gương sáng, một bậc thầy có tri thức, nghiêm nghị nhưng hòa
đồng, dung dị, tự nhiên và đôn hậu.
Trong tôi, rừng Hương Hải là tâm cảnh của Thiền tự, tôi sẽ trở lại.
Phan Ni Tấn