Gã luôn ngồi ở cùng một chỗ, trên
cái ghế đẩu đặt dưới cuối quầy. Đó là khi chưa có ai ngồi, nhưng nó hầu như lúc
nào cũng trống. Quán bar hiếm khi đông khách, chỗ ngồi đặc biệt đó là nơi kín
đáo và ít thoải mái nhất. Cầu thang phía sau khiến trần nghiêng và thấp,
thế nên rất khó để đứng lên mà không bị cộc đầu. Mà gã cao, chẳng hiểu sao lại
ưa cái chỗ hẹp và chật chội ấy.
Kino còn nhớ lần đầu gã tới
quán của anh. Sự xuất hiện của gã khiến Kino lập tức chú ý — mái đầu cạo
hơi xanh, bờ vai mỏng nhưng rộng, ánh mắt sắc lẹm, gò má cao và trán rộng.
Trông gã khoảng đầu ba mươi, mặc một cái áo mưa xám dài dù trời không mưa. Lúc
đầu, Kino nghĩ gã là một tên yakuza nên anh rất cảnh giác với gã. Lúc đó
là bảy rưỡi một buổi tối lạnh giữa tháng Tư, quán thì vắng khách. Gã chọn chỗ
ngồi dưới cuối quầy, cởi áo khoác, gọi một cốc bia bằng chất giọng trầm, rồi
lặng thinh đọc một cuốn sách dày. Nửa tiếng sau, đã hết cốc bia, gã khẽ giơ tay
lên khoảng ba hay năm phân để ra hiệu cho Kino và gọi một cốc whiskey.
“Loại nào?” Kino hỏi, nhưng gã nói gã không thích hẳn loại nào.
“Loại Scotch bình thường nào đấy
thôi. Đúp. Thêm chừng ấy nước và chút đá, nếu được.”
Kino rót một chút White Label vào
cốc, thêm lượng nước tương đương và hai viên đá nhỏ vuông vắn. Gã hớp một ngụm,
chăm chú ngắm cốc rượu và nheo mắt lại. “Cái này được đấy.”
Gã đọc thêm nửa tiếng rồi đứng dậy
và thanh toán bằng tiền mặt. Gã đếm chính xác từng đồng lẻ để không phải nhận
xu tiền thừa nào. Kino khẽ thở phào nhẹ nhõm ngay khi gã vừa ra khỏi cửa.
Nhưng dù gã đã đi, sự hiện diện của gã vẫn còn ở lại. Trong lúc đứng sau quầy,
thỉnh thoảng Kino lại liếc xuống chỗ gã vừa ngồi, nửa lòng hi vọng gã vẫn còn ở
đó, đưa tay lên mấy phân để gọi chút đồ.
Gã bắt đầu thường xuyên tới quán của
Kino. Một, nhiều nhất là hai lần một tuần. Gã luôn gọi một bia trước, sau đó
đến một whiskey. Đôi khi gã lại nghiên cứu thực đơn trong ngày trên tấm bảng
đen và gọi một bữa ăn nhẹ.
Gã hầu như không nói một lời. Gã
luôn đến khá sớm vào buổi tối với một cuốn sách kẹp dưới nách mà gã sẽ đặt lên
quầy. Mỗi khi đọc đã mệt (ít ra là Kino đoán gã đã mệt), gã ngước mắt khỏi
trang sách và nghiên cứu những hàng chai rượu xếp trên các kệ đặt trước mặt gã,
như thể đang xem xét một loạt những con thú bị nhồi xác khác lạ đến từ những
vùng đất xa xôi.
Dù thế, khi đã quen, Kino chưa từng
cảm thấy khó chịu khi ở cạnh gã, ngay cả khi chỉ có hai người. Kino cũng rất
kiệm lời, anh không cảm thấy khó khăn khi phải giữ yên lặng quanh những người
khác. Trong khi gã đọc, Kino làm những việc anh vẫn làm khi ở một mình — rửa
bát đĩa, chuẩn bị nước sốt, chọn nhạc để bật, hoặc lật qua các trang báo.
Kino không biết tên gã. Gã chỉ là
một khách quen thường xuyên tới quán, thưởng thức một bia và một whiskey,
lặng lẽ đọc, trả tiền mặt, rồi đi. Gã không làm phiền ai. Kino còn cần biết gì
thêm về gã?
***
Hồi đại học, Kino là vận động viên
điền kinh chạy tầm trung xuất sắc, nhưng đến năm 3 anh bị đứt gân gót chân nên
phải từ bỏ ý định tham gia một đội chạy tiếp sức. Tốt nghiệp xong, theo lời
huấn luyện viên, anh làm việc cho một công ty thiết bị thời trang và ở lại đó
17 năm. Công việc mà anh đảm trách là thuyết phục các cửa hàng thể thao
niêm yết nhãn giày chạy của anh và các vận động viên hàng đầu thử chúng. Công
ty của anh, một doanh nghiệp tầm trung có trụ sở tại Okayama, còn lâu mới
được nổi tiếng và thiếu sức mạnh tài chính như của Nike hay Adidas để thảo các
hợp đồng độc quyền với những vận động viên điền kinh hàng đầu thế giới. Tuy
vậy, nó vẫn tạo nên nhiều đôi giày thủ công được chế tác cẩn thận và cũng
có một số ít vận động viên tin tưởng vào sản phẩm của nó. “Làm việc lương thiện
rồi sẽ được đền đáp” là khẩu hiệu của người sáng lập công ty, và phương pháp
thầm lặng, phần nào hơi lạc hậu đó lại phù hợp với tính cách của Kino. Ngay cả
một người ít nói, khó gần như Kino cũng có thể bán được hàng. Thực ra, chính vì
tính cách của anh mà các huấn luyện viên mới tin tưởng anh, các vận động viên
mới thích anh. Anh cẩn thận lắng nghe từng nhu cầu của mỗi vận động viên, đảm
bảo người phụ trách bộ phận sản xuất nhận được mọi chi tiết. Lương lậu
không nhiều để nói, nhưng với anh công việc như thế là hấp dẫn và hài lòng. Dù
không thể tự mình chạy được nữa, anh vẫn thích ngắm nhìn những vận động viên
chạy quanh đường đua, hình thức hoàn hảo tuyệt đối của họ.
Kino bỏ việc không phải vì anh đã
hết hài lòng với công việc, mà vì anh phát hiện ra vợ anh có tình cảm với
gã bạn thân nhất của anh ở công ty. Kino dành nhiều thời gian trên đường
hơn ở nhà ở Tokyo. Anh nhét đầy một túi thể thao to bằng những mẫu giày, vòng
vèo khắp các cửa hàng thể thao trên Nhật Bản, đến thăm các trường đại học
và doanh nghiệp tài trợ cho các đội điền kinh. Vợ và gã đồng nghiệp của
anh bắt đầu ngủ với nhau khi anh đi xa. Kino không phải dạng người dễ nhận
ra manh mối. Anh nghĩ cuộc hôn nhân của anh vẫn tốt đẹp, vợ anh cũng không nói
hay làm gì khiến anh nhận ra cô phản bội. Nếu anh không trở về sớm hơn một ngày
từ chuyến đi kinh doanh đó, chắc anh chẳng bao giờ phát hiện được chuyện
gì đang xảy ra.
Khi trở lại Tokyo ngày hôm đó, anh
về thẳng căn hộ của mình ở Kasai chỉ để thấy vợ và gã bạn anh đang trần
truồng quấn quýt nhau trong phòng ngủ của anh, trên chiếc giường mà anh và
vợ anh vẫn ngủ. Vợ anh đang ngồi trên, và khi Kino mở cửa, hai người mặt đối
mặt, bộ ngực đáng yêu của cô nảy lên nảy xuống. Hồi đó anh 39, vợ anh 35. Họ
chưa có con. Kino cúi đầu, đóng cửa phòng ngủ, rời căn hộ, và không bao giờ
quay lại. Hôm sau, anh bỏ việc.
***
Kino có một người bác chưa lập gia
đình, chị gái của mẹ anh. Bà đối xử rất tốt với anh từ khi anh còn nhỏ. Bà có
một ông bạn trai lớn tuổi hơn (chính xác hơn là “người yêu”), ông đã hào phóng
tặng bà một ngôi nhà nhỏ ở Aoyama. Bà sống trên tầng hai và mở quán cà phê
ở tầng dưới. Trước nhà là mảnh vườn nhỏ và một cây liễu ấn tượng có cành thấp
mọc chi chít lá. Ngôi nhà nằm trên một ngõ hẹp đằng sau Bảo
tàng Nezu, không hẳn là vị trí tốt nhất để thu hút khách hàng, nhưng bác
anh có tay buôn bán, nhờ đó mà cửa hàng cà phê đã đem lại lợi nhuận kha khá.
Đến tuổi 60, bà bị đau lưng nên việc
quán xuyến cửa hàng một mình ngày càng khó khăn. Bà quyết định chuyển đến một
căn hộ nghỉ dưỡng ở Cao nguyên Izu Kogen. “Bác không biết cuối cùng cháu
có muốn tiếp quản cửa hàng không?” bà hỏi Kino. Lúc đó là ba tháng trước
khi anh phát hiện ra vợ anh ngoại tình. “Cháu rất cảm kích vì đề nghị của bác,”
anh trả lời bà, “nhưng cháu đang mãn nguyện với cuộc sống hiện giờ.”
Sau khi nộp đơn thôi việc, anh gọi
hỏi bác xem bà đã bán cửa hàng cho ai chưa. Một công ty bất động sản đã kê khai
nó, bà bảo, nhưng chưa có ai đề nghị nghiêm túc. “Cháu định mở một quán ba ở đó
nếu được,” Kino nói. “Cháu trả tiền thuê cho bác theo tháng được không?”
“Nhưng công việc của cháu thì sao?”
“Cháu bỏ mấy hôm rồi.”
“Vợ cháu không ý kiến gì à?”
“Bọn cháu sẽ ly dị sớm thôi.”
Kino không giải thích lí do, bác anh
cũng không hỏi. Đầu dây bên kia im lặng một lúc lâu. Sau đó bác anh đưa ra số
tiền thuê nhà, thấp hơn nhiều so với Kino dự tính. “Cháu nghĩ cháu lo được,”
anh bảo bà.
Anh với bác anh chưa bao giờ nói
chuyện nhiều đến thế (mẹ anh không thích anh gần gũi với bác), nhưng hai người
dường như luôn thấu hiểu lẫn nhau. Bà biết Kino không phải loại người dễ nuốt
lời.
Kino dùng nửa số tiền tiết kiệm của
mình để cải tiến quán cà phê thành quán bar. Anh mua đồ nội thất đơn giản,
xây một cái quầy dài, chắc chắn. Anh thay giấy dán tường mới với một màu
êm dịu, mang bộ sưu tập đĩa nhạc từ nhà đến, xếp một kệ đĩa LP trong quán. Anh
có một dàn âm thanh tốt — bàn xoay Thorens, âm ly Luxman, bộ loa 2
đường tiếng JBL nhỏ — mua từ hồi anh còn độc thân, hơi quá phung phí khi đó.
Nhưng anh luôn muốn nghe những bản nhạc jazz cũ. Đó là sở thích duy nhất của
anh, một sở thích anh không bao giờ chia sẻ với ai anh biết. Hồi đại học, anh
từng làm phục vụ quầy rượu bán thời gian trong một quán rượu ở Roppongi,
thế nên anh rất thạo pha trộn cocktail.
Anh đặt tên quán là Kino. Không nghĩ
được tên gì hay hơn. Tuần đầu mở quán, anh chẳng có mống khách nào, nhưng không
vì thế mà anh hoang mang. Mà nói cho cùng, anh không quảng cáo cho quán, cũng
chẳng đặt một cái biển bắt mắt. Chỉ đơn giản là anh kiên nhẫn chờ đợi những kẻ
tò mò tình cờ vấp qua cái quán nhỏ trong ngõ của anh. Anh vẫn còn chút tiền trợ
cấp thất nghiệp, mà vợ anh cũng không đòi hỏi hỗ trợ tài chính gì. Cô đã đến
sống cùng gã đồng nghiệp cũ của anh, cô và anh đã quyết định bán căn hộ của họ
ở Kasai. Kino sống trên tầng hai ngôi nhà của bác anh, và khi đó, tưởng
như anh đã có thể vượt qua mọi chuyện.
Trong khi chờ đợi khách hàng đầu
tiên, Kino thưởng thức mọi loại âm nhạc anh thích và đọc những cuốn sách anh
vẫn muốn đọc. Như mặt đất khô cằn đón chào cơn mưa, anh để mình đắm chìm trong
cô độc, sự im lặng, nỗi cô đơn. Anh nghe rất nhiều bản nhạc độc tấu dương cầm
của Art Tatum. Chúng phần nào có vẻ phù hợp với tâm trạng của anh.
Anh không chắc tại sao, nhưng anh
không còn cảm thấy giận dữ hay cay đắng về vợ anh hay gã đồng nghiệp mà cô ngủ
cùng. Chắc chắn, sự phản bội là một cú sốc, nhưng qua thời gian, anh bắt đầu
cảm thấy như thể nó là không thể tránh được, như thể ngay từ đầu mọi chuyện đã
là định mệnh của anh. Nói cho cùng, trong cuộc đời mình anh có đạt được gì
đâu, hoàn toàn là thất bại. Anh không thể khiến ai hạnh phúc, và tất nhiên,
cũng không thể khiến chính anh hạnh phúc. Hạnh phúc? Anh còn không chắc nó
nghĩa là gì. Anh cũng không có một giác quan rõ ràng, về những cảm xúc như đau
hay giận, thất vọng hay cam chịu, và chúng nên được cảm nhận thế nào. Phần lớn
điều anh có thể làm là tạo nên một nơi mà trái tim của anh, với chiều sâu và
sức nặng trống rỗng, có thể bị buộc lại, để giữ nó khỏi lang thang vô định.
Quán ba nhỏ này, Kino, giấu trong một con ngõ hẻm, đã trở thành nơi đó. Và dù
không hẳn là được thiết kế, nó cũng đã trở thành một nơi thoải mái đến lạ
thường.
Một con mèo hoang chứ không phải ai
khác đã khám phá ra Kino là nơi dễ chịu đến thế nào đầu tiên. Một con mèo cái
còn bé, lông xám, có cái đuôi dài, đáng yêu. Con mèo ưa cái kệ trưng bày
nằm chìm trong góc quán và thích cuộn tròn ở đó để ngủ. Kino không quá quan tâm
đến con mèo, anh nghĩ chắc nó muốn được ở một mình. Anh cho nó ăn và thay nước
mỗi ngày một lần, nhưng chỉ có thế. Anh cũng đục một cái cửa cho mèo để nó có
thể ra vào quán lúc nào nó muốn.
***
Con mèo có thể mang lại chút may mắn
cùng sự xuất hiện của nó vì sau đó, lác đác mấy vị khách cũng tới. Một số
trong số họ bắt đầu đến thường xuyên, những người thích thú cái quán nhỏ bé
trong ngõ hẻm này với cây liễu cổ kính, ông chủ trầm lặng tuổi trung niên,
những đĩa nhạc cổ điển xoay tròn trên máy phát, và con mèo xám đương ngủ trong
góc nhà. Những người này thi thoảng lại dẫn theo những vị khách mới. Dù còn lâu
mới phát đạt, ít ra quán cũng kiếm lại được tiền thuê nhà. Với Kino, thế là đủ.
Gã đàn ông trẻ có mái đầu cạo bắt
đầu đến sau khi quán mở độ khoảng 2 tháng. Thêm hai tháng nữa trôi qua Kino mới
biết tên gã, Kamita.
Hôm đó trời mưa lất phất, cái kiểu
mưa khiến ta không biết có phải đem ô hay không. Quán chỉ có ba khách, Kamita
và hai gã mặc vét. Lúc đó là bảy rưỡi. Như mọi lần, Kamita ngồi trên chiếc
ghế đặt cuối quầy, nhâm nhi cốc White Label với nước và đọc sách. Hai gã kia
ngồi cạnh một cái bàn, cưa chai Pinot Noir. Họ đem chai rượu theo và hỏi
Kino có phiền không nếu họ uống nó ở đây, với khoản phí mang đồ uống bên ngoài
là 5 ngàn yên. Đây là lần đầu với Kino, mà anh cũng chẳng có lí do gì để từ
chối. Họ mở chai rượu và đặt lên bàn hai chiếc ly cùng một bát hạt đồ nhắm.
Cũng không vấn đề gì. Có điều họ hút thuốc nhiều quá khiến Kino, vốn ghét hút
thuốc, mất thiện cảm với họ. Chẳng còn nhiều việc để làm, Kino ngồi lên một cái
ghế đẩu, lắng nghe đĩa LP Coleman Hawkins với bản “Joshua Fit the Battle
of Jericho.” Anh thấy màn độc tấu bass của Major Holley thật tuyệt.
Lúc đầu hai gã có vẻ hòa thuận, cùng
thưởng thức rượu, nhưng sau đó bất đồng quan điểm nảy sinh về một chủ đề nào đó
mà Kino chẳng biết là gì, hai gã mỗi lúc một nóng máu. Rồi một gã đứng dậy,
dựng cái bàn lên làm một trong hai cái ly và cái gạt tàn đầy tro rơi xuống sàn
vỡ tan. Kino vội chạy tới với cây chổi, quét dọn đống lộn xộn, đặt một cái
gạt tàn và ly sạch khác lên bàn.
Kamita, lúc này Kino chưa biết tên
gã, rõ ràng là thấy khó chịu với hành động của hai gã kia. Nét mặt gã không
đổi, nhưng gã liên tục nhẹ nhàng gõ những ngón tay trái lên mặt quầy, như một
nghệ sĩ dương cầm đang kiểm tra phím đàn. Mình phải giữ mọi chuyện dưới tầm
kiểm soát, Kino nghĩ. Anh đi tới chỗ hai gã. “Xin thứ lỗi,” anh nói lịch sự, “nhưng
phiền hai anh hạ giọng một chút.”
Một gã ngước lên nhìn anh bằng ánh
mắt lạnh lùng rồi vươn dậy khỏi cái bàn. Đến giờ Kino mới nhận ra hắn lớn
không ngờ. Không quá cao nhưng ngực nở, hai cánh tay khổng lồ, khổ người mà ta
vẫn trông đợi ở một đô vật sumo.
Gã còn lại nhỏ hơn nhiều. Gầy và
xanh, có cái nhìn sắc sảo, kiểu người giỏi xúi bẩy người khác. Hắn cũng chậm
rãi đứng dậy, Kino nhận ra anh đang phải đối mặt với cả hai người. Rõ ràng là
hai gã đã quyết định sử dụng cơ hội này để tạm dừng cuộc tranh cãi của họ và
cùng nhau đối đầu với Kino. Cả hai kết hợp một cách hoàn hảo, cứ như thể họ đã
âm thầm chờ tình hình này xảy đến.
“Thế mày nghĩ mày cứ chen vào ngắt
lời bọn tao mà được à?” gã lớn hơn nói, giọng hắn đục và trầm.
Bộ vét họ mặc trông có vẻ đắt tiền,
nhưng nhìn kỹ hơn mới thấy chúng được may rất sơ sài và tồi tàn. Không hẳn
là yakuza, dù bất cứ việc gì hai gã có dính líu chắc chắn đều không
đứng đắn. Gã lớn hơn cắt tóc húi cua, trong khi tóc gã đồng hành cùng hắn được
nhuộm nâu và búi lại theo kiểu đuôi ngựa buộc cao. Kino thu hết can đảm để
đón nhận chuyện xấu sắp xảy ra. Mồ hôi bắt đầu túa ra từ nách anh.
“Xin lỗi,” một giọng khác cất tiếng.
Kino quay lại và nhận ra Kamita
đang đứng đằng sau.
“Đừng đổ lỗi cho nhân
viên,” Kamita nói, chỉ Kino. “Tôi là người bảo anh ta đề nghị hai anh giữ
trật tự. Ồn thế khó tập trung, tôi không đọc sách được.”
Giọng Kamita điềm tĩnh và chậm
rãi hơn so với lúc bình thường. Nhưng có gì đó, vô hình, đã bắt đầu xao động.
“Không đọc sách được,” gã nhỏ hơn
lặp lại, như thể để chắc rằng câu đó không có gì sai ngữ pháp.
“Gì? Mày không có nhà à?” gã lớn hỏi
Kamita.
“Tôi có,” Kamita đáp. “Tôi sống
gần đây.”
“Thế sao mày không về nhà mà đọc?”
“Tôi thích đọc ở đây,” Kamita
nói.
Hai gã kia liếc qua nhìn nhau.
“Mang sách đây coi,” gã nhỏ hơn nói.
“Để tao đọc hộ mày.”
“Tôi thích tự mình đọc, yên
tĩnh,” Kamita đáp. “Vả lại tôi không thích anh phát âm sai một từ nào cả.”
“Thằng rách việc,” gã lớn nói. “Mới
nực cười làm sao.”
“Mà mày tên gì?” Đuôi ngựa hỏi.
“Tên tôi là Kamita,” gã đáp. “Viết
bằng chữ ‘thần’ — kami — và ‘cánh đồng’ — ta — ‘cánh đồng của thần linh.’ Nhưng
nó không đọc là Kanda như anh tưởng. Nó được phát âm là Kamita.”
“Tao sẽ nhớ đấy,” gã lớn hơn nói.
“Tốt. Ký ức có thể hữu ích,” Kamita
nói.
“Này, ra ngoài kia đi?” gã nhỏ hơn
nói. “Ra đó muốn nói gì cũng được.”
“Được thôi,” Kamita đáp. “Nơi nào
tùy anh. Nhưng trước khi đi, anh có thể thanh toán chứ? Anh sẽ không muốn
gây rắc rối cho quán đâu.”
***
Kamita bảo Kino mang hóa đơn thanh
toán của họ ra, gã trả chính xác số tiền cho đồ uống của gã trên quầy. Đuôi
ngựa rút tờ 10 ngàn yên trong ví ra rồi quăng nó lên mặt bàn.
“Tao không cần tiền thừa,” Đuôi ngựa
bảo Kino. “Nhưng sao mày không mua cho mình mấy cái ly tốt hơn nhỉ. Rượu thì
đắt mà mấy cái cốc như này làm nó uống như cứt.”
“Cái quán rẻ tiền,” gã lớn hơn nói,
khinh khỉnh.
“Chính xác. Quán bar rẻ tiền với
khách hàng rẻ tiền,” Kamita nói. “Sao mà xứng với các anh. Phải có chỗ nào xứng
hơn chứ. Mà chỗ nào thì tôi chịu.”
“Giờ thì chẳng phải mày khôn lắm à,”
gã lớn hơn nói. “Mày làm tao chết cười.”
“Sau này cứ nghĩ đi, và cười lâu,
cười đẹp vào,” Kamita nói.
“Mày không định bảo tao nên đi đâu
đấy chứ,” Đuôi ngựa nói. Hắn chậm rãi liếm môi, như con rắn đang định cỡ con
mồi.
Gã lớn hơn mở cửa rồi bước ra ngoài,
Đuôi ngựa theo sau. Có lẽ cảm nhận được bầu không khí căng thẳng, con mèo, dù
trời mưa, nhảy ra ngoài theo họ.
“Anh chắc anh ổn chứ?” Kina hỏi
Kamita.
“Đừng lo,” Kamita đáp, thoáng nở một
nụ cười. “Anh không cần làm gì cả, anh Kino. Cứ ở yên đấy. Chuyện này sẽ qua
nhanh thôi.”
Kamita ra ngoài rồi đóng cửa lại.
Trời vẫn mưa, nặng hạt hơn lúc trước. Kino ngồi lên một cái ghế đẩu và chờ đợi.
Bên ngoài im lắng đến lạ, anh không nghe được gì. Cuốn sách của Kamita vẫn để
mở trên bàn, như con chó được huấn luyện tốt đang nằm chờ chủ. Mười phút sau,
cửa mở, Kamita sải bước vào một mình.
“Anh không phiền cho tôi mượn cái
khăn chứ?” gã hỏi.
Kino đưa Kamita một cái khăn
sạch, gã lấy nó lau đầu. Rồi cổ, mặt, cuối cùng là cả hai tay. “Cảm ơn anh. Mọi
thứ xong xuôi rồi,” gã bảo. “Hai thằng kia sẽ không vác mặt đến đây nữa đâu.”
“Có chuyện gì thế?”
Kamita chỉ lắc đầu, như thể muốn
nói, “Anh không biết thì hơn.” Gã đi xuống chỗ ngồi, nốc cạn chỗ whiskey còn
lại, rồi đọc tiếp trang sách đang dở.
Tối muộn hôm đó, sau khi Kamita về,
Kino ra ngoài đi một vòng quanh khu phố. Căn hẻm hoang vắng và tĩnh lặng. Không
có dấu hiệu nào của một cuộc chiến, không có vết máu. Anh không thể hình dung
chuyện gì đã diễn ra. Anh quay lại quán để chờ thêm vài vị khách, nhưng không
ai đến. Con mèo cũng không thấy về. Anh tự rót cho mình chút White Label, thêm
chừng đó nước và hai viên đá nhỏ, rồi nếm thử. Không có gì đặc biệt. Nhưng đêm
đó, anh cần một liều rượu mạnh trong người.
***
Khoảng một tuần sau sự cố, Kino ngủ
với một khách nữ. Cô là người đầu tiên anh quan hệ từ khi anh bỏ vợ mình. Cô
30, hoặc có lẽ lớn tuổi hơn chút. Anh không chắc cô có thể coi là đẹp được
không, nhưng có điều gì đó độc đáo về cô, điều gì đó đặc biệt.
Cô từng đến quán vài lần trước đó,
luôn đi cùng một gã đeo kính gọng mai rùa có chòm râu dê như mốt thời beatnik
những năm 50, ở trạc tuổi cô. Gã cắt tóc ngổ ngáo và không đeo cà vạt bao giờ,
thế nên Kino đoán hắn không phải dạng nhân viên văn phòng điển hình. Cô
thì luôn mặc váy bó sát tôn hình thể mảnh mai, quyến rũ. Họ ngồi tại quầy,
thỉnh thoảng trao đổi thì thầm một hai từ trong khi nhâm nhi cocktail hay rượu
sherry. Họ không ở lại lâu. Kino tưởng tượng họ thưởng thức chút đồ uống
trước khi làm tình. Hoặc sau. Anh không biết trước hay sau, nhưng cách họ uống
khiến anh nhớ về tình dục. Lâu và mãnh liệt. Hai người họ trông vô cảm lạ
thường, đặc biệt là cô gái, Kino chưa từng thấy cô cười. Đôi lúc cô có nói
chuyện với anh, nhưng chỉ là về những bản nhạc đang phát. Cô thích jazz, cũng
đang tự mình sưu tập đĩa LP. “Bố tôi thường nghe loại nhạc này ở nhà,” cô kể
với anh. “Nó mang lại nhiều kỷ niệm.”
Qua giọng điệu của cô, Kino không
biết những kỷ niệm đó là về cha cô hay là về âm nhạc. Nhưng anh không dám hỏi.
Thực ra Kino đã cố không quá thân
mật với cô. Rõ ràng gã kia không hề vui vẻ gì khi thấy anh gần gũi với cô. Có
lần anh và cô nói chuyện khá lâu, trao đổi mấy mẹo về những cửa hàng đĩa thu âm
cũ ở Tokyo và cách tốt nhất để bảo quản đĩa than, sau đó gã liên tục nhìn
anh bằng ánh mắt lạnh lùng, nghi ngờ. Kino luôn cẩn thận giữ mình tránh khỏi
mọi loại rắc rối. Không gì tệ hơn ghen tuông và hãnh diện, mà Kino cũng từng có
mấy kinh nghiệm khủng khiếp không vì cái này thì vì cái kia. Dường như đôi
lúc có điều gì đó ở anh làm xáo động mặt tối trong những người khác.
Thế nhưng đêm đó, cô đến quán một
mình. Quán không có khách, và khi cô mở cửa, không khí mát mẻ của buổi đêm len
lỏi vào. Cô ngồi tại quầy, gọi một ly rượu mạnh, bảo Kino bật vài bản nhạc
của Billie Holiday. “Thật cũ càng tốt, nếu được.” Kino đặt một đĩa thu âm
của hãng Columbia lên máy phát, nó có bản “Georgia on My Mind.” Cả hai
lặng lẽ lắng nghe. “Anh bật luôn mặt kia được không?” cô hỏi khi đĩa chạy hết,
và anh làm như cô yêu cầu.
Cô chậm rãi nhấp hết ba ly rượu
mạnh, lắng nghe thêm vài đĩa nhạc — “Moonglow” của Erroll Garner, “I Can’t
Get Started” của Buddy DeFranco. Ban đầu Kino còn tưởng cô đợi gã kia,
nhưng cô chẳng liếc đồng hồ lấy một lần. Cô chỉ ngồi đó, nghe nhạc, đắm chìm
trong suy tư, nhâm nhi ly rượu của mình.
“Bạn cô hôm nay không đến à?” Kino
quyết định hỏi khi sắp đến giờ đóng cửa.
“Anh ấy không đến. Anh ấy ở rất xa,”
cô đáp. Cô đứng dậy và bước đến chỗ con mèo đang ngủ. Cô nhẹ nhàng vuốt lưng nó
bằng những đầu ngón tay của mình. Con mèo vẫn bình thản ngủ tiếp.
“Chúng tôi đang nghĩ tới chuyện
không gặp lại nhau nữa,” cô nói.
Kino không biết trả lời sao nên anh
chẳng nói gì, chỉ tiếp tục đứng thẳng người sau quầy.
“Tôi không biết nói thế nào,” cô
bảo. Cô thôi vuốt ve con mèo và bước trở lại quầy, tiếng giầy cao gót lộp cộp.
“Quan hệ giữa chúng tôi không hẳn… bình thường.”
“Không hẳn bình thường.” Kino nhắc
lại lời cô nói mà không thực sự để ý xem thế nghĩa là gì.
Cô uống nốt chút rượu còn sót lại
trong ly. “Tôi có thứ này muốn cho anh thấy, anh Kino,” cô nói.
Dù đó là gì Kino cũng không muốn
thấy. Điều này thì anh chắc chắn. Nhưng anh không thể cất thành lời.
Cô cởi chiếc áo cardigan của mình ra
và đặt nó lên ghế. Cô vòng hai tay ra sau lưng để cởi chiếc váy ra. Cô quay
lưng về phía Kino. Ngay dưới móc áo ngực màu trắng của cô, anh thấy rải rác
những đốm màu than mờ nhạt, như vết bầm tím. Chúng khiến anh nhớ lại những chòm
sao trên bầu trời mùa đông. Một dải mờ nhạt những ngôi sao sắp tắt.
Cô không nói gì, chỉ phô bày tấm
lưng trần về phía Kino. Như những người còn không thể hiểu câu hỏi mình được
hỏi, Kino chỉ nhìn chằm chằm vào những vết đốm. Cuối cùng, cô kéo khóa lên và
quay mặt lại với anh. Cô khoác áo cardigan lên và sửa lại mái tóc.
“Đó là vết bỏng thuốc lá,” cô nói
đơn giản.
Kino không biết phải nói gì, nhưng
anh phải nói gì đó. “Ai làm thế với cô?” anh hỏi, giọng khô khốc.
Cô không trả lời, và Kino nhận ra
anh cũng không mong đợi một câu trả lời.
“Có cả ở những chỗ khác nữa,” cuối
cùng cô nói, giọng trơ lỳ cảm xúc. “Những chỗ… hơi khó để lộ.”
***
Từ đầu Kino đã cảm thấy có điều gì
đó khác thường về người phụ nữ này. Điều gì đó gợi lên một phản ứng bản năng,
cảnh báo anh đừng dính líu đến cô. Nói chung anh là người thận trọng. Nếu thực
sự cần làm tình, anh hoàn toàn có thể tìm đến một cô gái điếm. Mà đó là còn
không phải như thể anh bị cô thu hút.
Nhưng đêm đó cô thực sự khao khát có
một người đàn ông làm tình cùng cô, và có vẻ như anh chính là người đàn ông đó.
Đôi mắt cô mơ màng, hai đồng tử giãn ra một cách lạ lùng, nhưng có ánh cương
quyết trong đó không cho phép được rút lui. Kino không có sức mạnh để chống
lại.
Anh khóa cửa quán, rồi cả hai lên
lầu. Trong phòng ngủ, cô mau chóng cởi bộ váy, tụt quần lót ra và cho anh thấy
những chỗ hơi khó để lộ. Lúc đầu Kino không thể không ngoảnh mặt đi, nhưng rồi
anh cũng chịu nhìn. Anh không thể, cũng không muốn hiểu tâm trí của một gã đàn
ông dám làm những điều độc ác, hay của một người phụ nữ sẵn sàng chịu đựng. Đó
là cảnh tượng hoang dã ở một hành tinh cằn cỗi, cách nơi Kino sống nhiều năm
ánh sáng.
Cô cầm tay anh và đưa nó lần lượt
chạm qua từng vết sẹo. Có những vết sẹo trên ngực cô, cạnh âm đạo cô. Anh lần
theo những đốm sẫm màu, chai sạn, như thể dùng bút chì để nối các dấu chấm.
Chúng tạo nên một hình thù gợi lại trong anh điều gì đó mà anh không thể nhớ
ra.
Họ làm tình trên sàn tatami. Không
nói chuyện, không màn dạo đầu, không có cả thời gian để tắt đèn hay trải futon.
Lưỡi cô lướt xuống cổ họng anh, móng tay cô bấu vào lưng anh. Dưới ánh sáng,
như hai con thú đói, họ ngấu nghiến xác thịt họ khao khát. Khi bình minh bên
ngoài dần lên, họ bò vào futon rồi ngủ, như thể bị kéo vào bóng đêm.
Gần trưa Kino mới dậy, cô gái đã đi.
Anh cảm thấy như thể anh vừa có một giấc mơ rất thực, nhưng tất nhiên đó không
phải là mơ. Lưng anh hằn lên những vết cào cấu, cánh tay anh còn in dấu răng,
dương vật anh hơi nhức với cơn đau âm ỉ. Mấy sợi tóc đen dài vương quanh chiếc
gối trắng của anh, còn tấm nệm đậm mùi hương anh chưa từng gặp khi trước.
Cô đến quán vài lần sau đó, luôn đi
cùng gã râu dê. Họ ngồi tại quầy, nói chuyện bằng giọng nhẹ nhàng trong khi
uống một hoặc hai ly cocktail, rồi đi. Cô với Kino cũng nói chuyện đôi chút,
chủ yếu là về âm nhạc. Giọng cô vẫn như trước đây, như thể cô không hề nhớ
chuyện gì đã xảy ra giữa họ đêm đó. Nhưng Kino có thể nhận ra ánh mắt ham muốn
trong đôi mắt cô, như một tia sáng nhạt mờ sâu dưới đường hầm. Anh chắc chắn
thế. Nó mang mọi thứ sống động trở lại trong anh — vết cấu của móng tay cô trên
lưng anh, cơn nhức nơi dương vật anh, cái lưỡi dài, trơn của cô, mùi hương trên
giường anh.
Trong lúc Kino và cô nói
chuyện, gã đi cùng cô luôn quan sát cẩn thận từng biểu hiện và hành vi của anh.
Kino cảm nhận được điều gì đó nhớp nháp quấn quanh cặp đôi này, như thể có một
bí mật sâu xa mà chỉ hai người họ mới biết.
***
Cuối mùa hè, vụ li hôn của Kino đã
xong, một buổi chiều anh với vợ anh gặp nhau ở quán, trước giờ mở cửa, để bàn
mấy công việc cuối cùng.
Các vấn đề pháp lý nhanh chóng được
giải quyết, cả hai đều đã ký những tài liệu cần thiết. Vợ Kino mặc bộ váy màu
xanh dương mới, cắt tóc ngắn. Trông cô khỏe mạnh và vui vẻ hơn anh từng thấy.
Cô đã bắt đầu cuộc sống mới, mà chắc là rất trọn vẹn. Cô liếc quanh quán bar.
“Quán đẹp thật đấy,” cô nói. “Tĩnh lặng, sạch sẽ, dịu êm — rất giống anh.” Sau
đó là một lúc im lặng. “Nhưng không có gì ở đây thực sự thay đổi anh cả”: Kino
hình dung đó là những lời cô muốn nói.
“Em uống gì không?”
“Chút rượu vang đỏ, nếu anh có.”
Kino lấy ra hai chiếc ly và rót một
chút Napa Zinfandel. Họ uống trong im lặng. Họ không định nâng cốc mừng li
hôn. Con mèo nhẹ nhàng bước đến và bất ngờ nhảy vào lòng Kino. Anh vuốt ve phía
sau tai nó.
“Em phải xin lỗi anh,” cuối cùng vợ
anh cất tiếng.
“Vì cái gì?” Kino hỏi.
“Vì làm tổn thương anh,” cô đáp.
“Anh có tổn thương, một chút, đúng không?”
“Chắc thế,” Kino nói sau một lúc
nghĩ ngợi. “Dù sao anh cũng là người. Anh có tổn thương. Nhưng nhiều hay ít thì
anh không biết.”
“Em muốn gặp anh để nói lời xin
lỗi.”
Kino gật đầu. “Em xin lỗi rồi thì
anh chấp nhận. Đừng nghĩ ngợi gì chuyện đó nữa.”
“Em muốn kể với anh mọi chuyện,
nhưng chỉ là em không biết nói thế nào.”
“Nhưng dù sao không phải là chúng ta
đã đến cùng một chỗ à?”
“Có lẽ thế,” vợ anh đáp,
Kino nhấp một ngụm rượu.
“Đó chẳng phải lỗi của ai,” anh nói.
“Anh không nên về sớm một ngày. Hoặc anh lẽ ra nên báo cho em biết. Thế thì
chúng ta sẽ chẳng phải trải qua những chuyện thế này.”
Vợ anh không nói gì.
“Em gặp gã đó từ bao giờ?” Kino hỏi.
“Em nghĩ mình không nên quan tâm
đến chuyện này.”
“Ý em là tốt hơn thì anh không nên
biết, phải không? Có lẽ em nói đúng đấy,” Kino thừa nhận. Anh vẫn đang
vuốt ve con mèo, nó liên tục kêu gừ rừ. Một lần đầu tiên khác.
“Có thể em không có quyền nói những
lời này,” vợ anh nói, “nhưng em nghĩ sẽ tốt hơn nếu anh quên đi những chuyện
trước đây và tìm một ai đó khác.”
“Chắc thế,” Kino đáp.
“Em biết sẽ có người phù hợp với
anh. Không khó để tìm được đâu. Em không thể là người đó cho anh, em đã làm
những chuyện tồi tệ. Em thấy rất tội lỗi. Nhưng từ đầu đã có gì đó sai lầm
giữa hai ta, giống như cài khuy áo lệch. Em mong anh có được cuộc sống bình
thường, hạnh phúc.”
Cài khuy áo lệch, Kino nghĩ.
Anh nhìn bộ váy mới cô đang mặc. Họ
đang ngồi đối diện nhau nên anh không biết phía sau lưng cô là dây kéo hay
khuy cài. Cơ thể của cô không còn là của anh, vậy nên anh chỉ có thể hình dung
ra nó. Khi nhắm mắt lại, anh thấy vô số vết bỏng màu nâu sậm len lỏi trên khắp
tấm lưng trắng muốt của cô, như một đàn sâu bọ. Anh lắc đầu để xua đi những
hình ảnh đó, nhưng vợ anh dường như lại hiểu nhầm điều này.
Cô nhẹ nhàng đặt tay cô lên tay anh.
“Em xin lỗi. Em thực sự xin lỗi.”
9
Mùa thu đến và con mèo biến mất.
Mất mấy ngày Kino mới nhận ra nó đã
đi. Còn mèo này, vẫn chưa có tên, đến quán bất cứ lúc nào nó muốn và thỉnh
thoảng lại không xuất hiện một thời gian, thế nên nếu Kino có không thấy nó một
tuần hay chục ngày anh cũng không quá lo lắng. Anh rất thích con mèo, nó cũng
có vẻ tin tưởng anh. Nó như lá bùa may mắn của quán. Kino có ấn tượng rõ ràng
là chỉ cần nó vẫn ngủ trong góc thì sẽ không có chuyện gì xấu xảy ra. Nhưng khi
hai tuần trôi qua, anh bắt đầu lo lắng. Sau ba tuần, Kino bụng bảo dạ con mèo
sẽ không quay về.
Trong lúc con mèo biến mất, Kino bắt
đầu để ý tới những con rắn bên ngoài, ở gần ngôi nhà.
Con đầu tiên anh gặp màu nâu xỉn và
dài. Nó ở trong bóng cây liễu trong sân trước, thong thả trườn đi. Khi
phát hiện ra nó, Kino đang mở khóa cửa với một túi đồ tạp phẩm trong tay.
Rất hiếm gặp rắn ở giữa Tokyo này. Anh hơi ngạc nhiên, nhưng không lo lắng.
Đằng sau ngôi nhà là Bảo tàng Nezu có những khu vườn lớn. Một con rắn sống
ở đó thì có gì là bất thường đâu.
Nhưng hai hôm sau, khi gần giữa trưa
anh ra mở cửa để lấy báo, anh thấy con khác ở cùng một chỗ. Nó màu hơi xanh,
nhỏ hơn con hôm nọ, trông hơi lớt nhớt. Khi thấy Kino, con rắn dừng lại, khẽ
ngóc đầu lên, nhìn anh chằm chằm như thể nó quen anh vậy. Kino lưỡng lự, không
biết phải làm gì, rồi con rắn từ từ hạ đầu xuống và biến mất trong bóng râm.
Mọi chuyện khiến Kino rợn người.
Ba hôm sau, anh phát hiện con
rắn thứ ba. Nó cũng nằm dưới tán cây liễu trong sân trước. Con này nhỏ hơn
nhiều so với hai con trước, màu đen. Kino không biết gì về lũ rắn, nhưng anh có
cảm giác con này là nguy hiểm nhất. Nó nhìn như rắn độc. Ngay khi nhận thấy anh
có mặt, nó liền lủi vào đám cỏ. Ba con rắn trong vòng một tuần, bất luận xem
xét thế nào cũng là quá nhiều. Có gì đó khác lạ đang diễn ra.
Kino gọi điện cho bác anh ở Izu. Sau
khi trò chuyện về những người hàng xóm, anh hỏi bà đã bao giờ thấy rắn trong
ngôi nhà ở Aoyama chưa.
“Rắn á?” bác anh hỏi lớn, giọng ngạc
nhiên. “Bác nhớ là sống ở đó lâu lắm rồi mà chưa thấy rắn bao giờ. Hay đó là
dấu hiệu của động đất nhỉ. Lũ động vật cảm nhận được thiên tai sắp đến và hành
động kỳ quái lắm.”
“Nếu thế thật thì có lẽ cháu nên
tích trữ đồ ăn dự phòng,” Kino nói.
“Được đấy. Sẽ có ngày Tokyo phải
chịu động đất lớn thôi.”
“Nhưng lũ rắn nhạy cảm với động đất
thật à bác?”
“Bác còn chẳng biết nó nhạy cảm với
cái gì. Nhưng lũ rắn thông minh lắm. Trong truyền thuyết cổ, nó thường giúp đỡ
mọi người. Nhưng khi có một con rắn dẫn đường, cháu không biết theo hướng đó
tốt hay xấu được đâu. Phần lớn là có cả tốt cả xấu.”
“Mơ hồ thế.”
“Phải đấy. Rắn thực ra là loài sinh
vật rất mơ hồ. Trong truyền thuyết, con rắn lớn nhất, khôn ngoan nhất sẽ giấu
trái tim của nó ở đâu đó ngoài cơ thể, thế nên nó không thể bị giết được. Muốn
giết nó thì phải tìm đến nơi ẩn náu khi nó không có ở đó, xác định chỗ trái tim
đang đập, rồi cắt nó làm đôi. Phải nói là không dễ dàng gì đâu.”
Làm sao bác anh biết được những
chuyện này?
“Có lần bác xem được một chương
trình trên đài NHK so sánh những truyền thuyết khác nhau trên thế giới,” bà
giải thích, “có một ông giáo sư đại học nào đó đã nói chuyện này. TV có thể hữu
ích lắm đấy, có thời gian cháu nên xem nhiều TV vào.”
Kino bắt đầu cảm thấy như thể ngôi
nhà bị lũ rắn bao quanh. Anh cảm nhận được sự hiện diện trong câm lặng của
chúng. Nửa đêm khi anh đóng quán, khu phố tĩnh lặng, không một tiếng động nào
ngoại trừ tiếng còi cấp cứu thỉnh thoảng cất lên. Tĩnh lặng đến nỗi anh gần như
nghe được tiếng rắn trườn. Anh đóng một tấm bảng bịt kín cái cửa ra vào mà hồi
trước anh đục cho con mèo, như thế sẽ không có con rắn nào chui được vào nhà.
***
Một đêm, gần mười giờ, Kamita
xuất hiện. Gã gọi một bia, tiếp đến là một cốc White Label đúp như mọi khi, và
ăn món bắp cải nhồi. Gã đến muộn và ở lại lâu như thế quả là bất thường. Thỉnh
thoảng, gã lại ngước mắt khỏi trang sách để nhìn chăm chăm vào bức tường đối
diện, như thể đang cân nhắc điều gì. Gần đến giờ đóng cửa, gã vẫn ở lại, cho
đến khách chỉ còn mỗi gã.
“Anh Kino,” Kamita nói hơi kiểu
cách, sau khi thanh toán. “Tôi thấy rất tiếc là đã đến lúc.”
“Đã đến lúc?” Kino nhắc lại.
“Anh sẽ phải đóng quán. Dù chỉ là
tạm thời.”
Kino nhìn chằm chằm vào Kamita,
không biết trả lời thế nào. Đóng quán?
Kamita liếc một vòng quanh quán ba
trống vắng, rồi quay lại với Kino. “Anh chưa nắm được hết những gì tôi đang nói
đúng không?”
“Tôi nghĩ thế.”
“Thực sự tôi rất thích quán này,”
Kamita nói, như thể đang tâm sự. “Yên tĩnh, tôi có thể ngồi đọc, có thể nghe
nhạc. Tôi đã rất vui khi anh đến mở quán ở đây. Nhưng tiếc là đang có thứ gì đó
mất tích.”
“Mất tích?” Kino hỏi. Anh hoàn toàn
không biết như thế nghĩa là sao. Tất cả những gì anh có thể hình dung chỉ là
một tách trà có con chíp nhỏ xíu đính trên mép.
“Con mèo xám sẽ không quay lại,”
Kamita nói. “Ít nhất là trong thời gian này.”
“Vì nơi này đang thiếu thứ gì à?”
Kamita không trả lời.
Kino dõi theo ánh mắt của Kamita, cẩn
thận quan sát xung quanh quán ba, nhưng anh chẳng thấy có gì khác thường.
Dù thế, anh có cảm giác nơi đây đang trống trải hơn bao giờ hết, thiếu sức sống
và màu sắc. Thứ gì đó vượt ra khỏi cảm giác chỉ-tạm-đóng-cửa-buổi-đêm thông
thường.
Kamita cất tiếng. “Anh Kino, tôi
biết anh không phải hạng người sẵn sàng làm điều sai trái. Nhưng đôi khi trong
thế giới này, chỉ không làm điều sai trái thôi là chưa đủ. Một số người lợi
dụng khoảng trống đó làm lỗ hổng. Anh hiểu tôi đang nói gì chứ?”
Kino không hiểu.
“Cứ cân nhắc nó cẩn
thận,” Kamita nói, nhìn thẳng vào mắt Kino. “Đó là một vấn đề quan trọng,
đáng được suy nghĩ nghiêm túc. Dù câu trả lời có thể không đến dễ dàng như
thế.”
“Anh đang nói là có rắc rối nghiêm
trọng xảy ra, không phải vì tôi đã làm gì sai mà là vì tôi không làm gì đúng à?
Rắc rối liên quan đến quán bar này, hay đến tôi?”
Kamita gật đầu. “Anh hiểu thế
cũng được. Nhưng tôi không đổ lỗi cho mình anh, anh Kino. Tôi cũng có lỗi vì
không nhận ra nó sớm hơn. Đáng lẽ tôi cần để tâm hơn. Đây là một nơi thoải mái
không chỉ cho tôi mà còn cho bất cứ ai.”
“Vậy giờ tôi phải làm gì?” Kino hỏi.
“Tạm đóng quán lại và đi đâu đó thật
xa. Lúc này anh không làm gì khác được đâu. Tôi nghĩ tốt nhất anh nên đi trước
khi cơn mưa dầm tiếp theo lại tới. Thứ lỗi cho tôi, nhưng anh có đủ tiền cho
một chuyến đi xa chứ?”
“Chắc tôi sẽ trang trải được một
thời gian.”
“Tốt. Đến lúc đó anh có thể nghĩ về
những chuyện sẽ tới sau đó.”
“Nhưng anh là ai?”
“Tôi chỉ là một gã tên Kamita,”
Kamita đáp. “Viết bằng chữ kami, ‘thần,’ và ta, ‘cánh đồng,’ nhưng không đọc là
‘Kanda.’ Tôi sống ở gần đây đã lâu rồi.”
Kino quyết định hỏi tiếp. “Anh
Kamita, tôi có câu hỏi này. Anh thấy rắn quanh đây bao giờ chưa?”
Kamita không trả lời. “Đây là những
gì cần làm. Đi thật xa, và đừng ở lại một nơi quá lâu. Mỗi thứ hai và thứ năm
nhớ gửi bưu thiếp. Như thế tôi có thể biết anh vẫn ổn.”
“Bưu thiếp?”
“Bưu thiếp ảnh ở bất cứ đâu anh
đến.”
“Nhưng tôi nên gửi cho ai?”
“Anh có thể gửi cho bác anh ở Izu.
Đừng viết tên riêng hay lời nhắn nào. Chỉ ghi địa chỉ gửi đến. Điều này rất
quan trọng, đừng quên.”
Kino nhìn gã ngạc nhiên. “Anh biết
bác tôi?”
“Phải, tôi biết bà khá rõ. Thực ra,
bà đã nhờ tôi để mắt tới anh, để đảm bảo không có gì xấu xảy ra. Có vẻ tôi đã
thất bại.”
Gã này là ai thế nhỉ? Kino tự hỏi
mình.
“Anh Kino, khi tôi biết đã đến lúc
anh có thể trở về, tôi sẽ liên lạc với anh. Cho đến lúc đó, hãy tránh xa nơi
này. Anh hiểu chứ?”
***
Đêm đó, Kino gói ghém đồ đạc cho
chuyến đi. Tôi nghĩ tốt nhất anh nên đi trước khi cơn mưa dầm tiếp theo
lại tới. Thông báo tới quá đột ngột, lý lẽ của nó lại quá tầm hiểu
biết của anh. Nhưng lời lẽ của Kamita có sức thuyết phục kỳ lạ vượt qua cả mọi
lý lẽ. Kino không nghi ngờ gã. Anh nhét mấy bộ quần áo cùng đồ dùng vệ sinh cá
nhân vào một cái ba lô cỡ vừa, cái mà anh vẫn dùng trong mấy chuyến đi kinh
doanh. Khi bình minh lên, anh gắn một tờ thông báo lên cửa: “Xin thứ lỗi, quán
tạm đóng một thời gian.”
Đi xa, Kamita bảo anh. Nhưng anh
không biết thực ra nên đi đâu. Có nên đi lên phương Bắc? Hay về phía Nam? Anh
quyết định đi theo một tuyến đường anh thường đi khi còn bán giày chạy. Anh bắt
một chuyến xe buýt tốc hành đến Takamatsu. Anh sẽ đi một vòng
quanh Shikoku, sau đó đến Kyushu.
Anh đặt phòng tại một khách sạn kinh
doanh gần Nhà ga Takamatsu và ở lại đó ba ngày. Anh lang thang khắp thành
phố và đi xem một vài bộ phim. Các rạp đều vắng khách, còn phim thì chán ngắt,
không có ngoại lệ. Khi trời tối, anh trở về phòng và xem TV. Anh nghe theo lời
khuyên của bác và xem mấy chương trình giáo dục, nhưng chúng chẳng đem lại thông
tin gì hữu ích. Ngày thứ hai ở Takamatsu là vào thứ năm nên anh đi
mua một tấm bưu thiếp ở cửa hàng bách hóa, dán tem rồi gửi nó cho bác anh. Như
Kamita hướng dẫn, anh chỉ ghi tên và địa chỉ của bác.
“Cứ cân nhắc nó cẩn
thận,” Kamita đã bảo anh thế. “Đó là một vấn đề quan trọng, đáng được suy
nghĩ nghiêm túc.” Nhưng dù có có xem xét nghiêm túc đến cỡ nào, anh cũng chẳng
ngộ ra được vấn đề.
***
Mấy hôm sau, Kino đặt phòng ở một
khách sạn kinh doanh giá rẻ gần Nhà ga Kumamoto, ở Kyushu. Trần thấp,
giường hẹp, chật chội, TV nhỏ, bồn tắm bé tí, tủ lạnh nhỏ xập xệ. Anh thấy mình
như thể một gã khổng lồ lúng túng, vụng về. Nhưng trừ chuyến đi đến cửa hàng
tạp hóa gần đó, anh giấu mình trong phòng cả ngày. Ở cửa hàng, anh mua một chai
whiskey nhỏ, ít nước khoáng, chút bánh quy để ăn nhẹ. Anh nằm trên giường, đọc
sách. Khi đọc đã mệt, anh xem TV. Khi xem TV đã mệt, anh đọc.
Ngày thứ ba ở Kumamoto. Anh vẫn
còn tiền trong tài khoản tiết kiệm và nếu anh muốn, anh thừa sức thuê phòng ở
một khách sạn tốt hơn nhiều. Nhưng anh cảm thấy với mình, chỗ ở như giờ là đủ.
Nếu ở trong một không gian nhỏ như thế này, anh không phải suy nghĩ điều gì
không cần thiết, mọi thứ anh cần đều nằm trong tầm với. Anh đột nhiên biết ơn
vì điều này. Tất cả những gì anh muốn là chút âm nhạc. Teddy Wilson, Vic
Dickenson, Buck Clayton — đôi lúc anh mong đến tuyệt vọng được nghe những bản
jazz cũ với kỹ thuật ổn định, đáng tin cậy và hợp âm đơn giản của họ. Anh muốn
cảm nhận niềm vui thuần khiết khi biểu diễn, sự lạc quan tuyệt vời của họ.
Nhưng bộ sưu tập đĩa nhạc của anh đang ở rất xa. Anh mường tượng ra quán của
anh, vắng lặng từ khi đóng cửa. Con hẻm, cây liễu lớn. Người ta đọc thông báo
anh dán rồi rời đi. Còn con mèo thì sao? Nếu nó về, nó sẽ thấy cánh
cửa đã bị bịt kít. Lũ rắn có còn lặng lẽ bao vây căn nhà không?
Đối diện cửa sổ phòng trên tầng 8
của anh là cửa sổ của một tòa nhà văn phòng. Từ sáng đến tối, anh dõi theo
những con người làm việc ở đó. Anh không biết họ kinh doanh gì. Những người đàn
ông đeo cà vạt đi ra đi vào, trong khi những người phụ nữ gõ máy tính, trả lời
điện thoại, sắp xếp hồ sơ. Không hẳn là cảnh tượng thu hút được sự chú ý. Ngoại
hình và quần áo của những người làm việc tại đó bình thường, thậm chí là tầm
thường. Kino quan sát họ hàng giờ chỉ vì một nhẽ đơn giản: anh không có việc gì
khác để làm. Và anh bất ngờ, ngạc nhiên phát hiện ra những người đó đôi lúc có
vẻ hạnh phúc đến nhường nào. Một số thỉnh thoảng còn phá lên cười. Tại sao? Làm
việc cả ngày trong một văn phòng ảm đạm với những thứ trông hoàn toàn tẻ nhạt (ít
nhất là đối với Kino) — sao họ có thể làm được và vẫn thấy thật hạnh phúc? Có
phải có những bí mật ở đó mà anh không thể hiểu được?
Đã đến lúc lên đường lần nữa. Đừng ở
lại một nơi quá lâu, Kamita bảo anh như vậy. Nhưng thế nào đó Kino lại không
thể quyết tâm rời khỏi cái khách sạn nhỏ chật hẹp này ở Kumamoto. Anh
không thể nghĩ được nơi nào anh muốn đến. Thế giới là một đại dương bao la
không có điểm mốc, còn chiếc thuyền nhỏ Kino lại mất bản đồ và mỏ neo. Khi trải
tấm bản đồ Kyushu để tìm một nơi đi tiếp, anh cảm thấy buồn nôn, như thể
bị say sóng. Anh nằm xuống giường và đọc sách, thỉnh thoảng lại ngước lên để
ngắm nhìn những người trong văn phòng phía bên kia đường.
Hôm đó là thứ hai, thế nên anh mua
một tấm bưu thiếp ở cửa hàng lưu niệm của khách sạn có hình chụp Lâu đài
Kumamoto, viết tên và địa chỉ của bác anh, rồi dán tem vào. Anh cầm tấm bưu
thiếp một lúc, lơ đãng nhìn chăm chăm tòa lâu đài. Một bức ảnh khuôn sáo, thứ
mà ta thường thấy trên các tấm bưu thiếp: tòa tháp khổng lồ cao vút trước nền trời
xanh với những quầng mây trắng. Dù có nhìn bức ảnh lâu thế nào, anh cũng
không thể tìm ra mối liên hệ giữa anh và tòa lâu đài đó. Rồi trong cơn thôi
thúc, anh lật mặt sau tấm bưu thiếp lại và viết lời nhắn cho bác anh:
Bác khỏe không? Lưng bác mấy hôm nay
sao rồi? Bác thấy đấy, cháu vẫn đang đi du lịch một mình. Đôi lúc cháu thấy như
thể cháu nửa trong suốt. Kiểu như bác có thể nhìn xuyên qua nội tạng của cháu,
như một con mực tươi mới bắt. Còn đâu cháu vẫn ổn. Hi vọng sớm được đến thăm
bác. Kino
Kino không chắc điều gì đã thúc giục
anh viết. Kamita đã cấm làm thế. Nhưng Kino không kiềm chế được bản thân.
Bằng cách nào đó mình phải kết nối lại với thực tế, anh nghĩ, hoặc không mình
sẽ không còn là mình. Mình sẽ trở thành một người không còn tồn tại. Trước khi
anh có thể đổi ý, anh vội vã đi tới một hộp thư gần khách sạn và bỏ tấm bưu
thiếp vào trong.
***
Khi anh tỉnh dậy, đồng hồ đặt cạnh
giường chỉ 2 giờ 15. Có ai đó đang gõ cửa phòng anh. Tiếng gõ không lớn nhưng
chắc, gọn, như tiếng gõ đinh của một tay thợ mộc lành nghề. Tiếng gõ đó kéo
Kino ra khỏi một giấc ngủ sâu cho đến khi ý thức của anh tỉnh táo một cách hoàn
toàn, thậm chí đến tàn nhẫn.
Kino biết tiếng gõ nghĩa là gì. Anh
biết anh phải ra khỏi giường và mở cửa. Dù ai đang gõ cũng không có sức mạnh để
mở nó từ bên ngoài. Nó phải được chính tay Kino mở.
Anh nhận ra chuyến thăm này chính
xác là những gì anh đang mong đợi, nhưng đồng thời cũng là những gì anh lo sợ
trên hết. Đó là sự mơ hồ: níu kéo một khoảng không giữa hai thái cực. “Anh
có tổn thương, một chút, đúng không?” vợ anh từng hỏi. “Dù sao anh cũng là
người. Anh có tổn thương,” anh đáp. Nhưng điều đó không đúng. Ít nhất một nửa
của nó là dối trá. Mình chưa đủ tổn thương khi lẽ ra phải thế, Kino thừa nhận
với chính mình. Khi lẽ ra mình phải cảm thấy đau đớn thực sự, mình lại dập tắt
nó. Mình không muốn giải quyết, nên mình tránh phải đối mặt. Đó là lí do giờ
đây trái tim mình trống rỗng. Lũ rắn đã nắm lấy nơi đó để cố gắng che giấu trái
tim lạnh lùng đang đập của chúng.
“Đây là một nơi thoải mái không chỉ
cho tôi mà còn cho bất cứ ai,” Kamita từng nói. Cuối cùng Kino cũng hiểu ý gã
là gì.
Kino trùm chăn lên, nhắm mắt
lại, lấy hai tay bị tai. Mình sẽ không nhìn, mình sẽ không nghe, anh tự nhủ.
Nhưng anh không thể át đi tiếng gõ. Ngay cả khi anh chạy tới nơi tận cùng trái
đất và nhét đầy đất sét vào tai, chỉ cần anh còn sống, những tiếng gõ sẽ không
ngừng bám theo. Đó không phải là tiếng gõ cửa khách sạn. Đó là tiếng gõ
cửa trái tim anh. Ta không thể thoát khỏi âm thanh đó.
Anh không chắc thời gian đã trôi qua
bao lâu, nhưng nhận ra tiếng gõ đã dừng lại. Căn phòng tĩnh lặng như phía bên
kia mặt trăng. Nhưng Kino vẫn nằm trong chăn. Anh phải cảnh giác. Thứ bên ngoài
cánh cửa của anh sẽ không bỏ cuộc dễ dàng đến thế. Nó không vội vã. Mặt trăng
chưa xuất hiện. Chỉ có những chòm sao cằn cỗi mờ nhạt lốm đốm trên bầu trời.
Trong một khoảng rất lâu, thế giới thuộc về những sinh linh khác. Chúng có
rất nhiều phương pháp. Chúng có thể có được thứ chúng muốn bằng mọi cách.
Gốc rễ của bóng đêm có thể lan khắp mọi nơi dưới lòng đất. Kiên nhẫn qua thời
gian, lần mò những điểm yếu, chúng có thể phá vỡ tảng đá vững chắc nhất.
Cuối cùng, như Kino đoan chắc, tiếng
gõ lại vang lên. Nhưng lần này nó đến từ hướng khác. Gần hơn nhiều so với
trước. Dù ai đang gõ cũng đang đứng ngay ngoài cửa sổ cạnh giường anh. Bám vào
bức tường của tòa nhà, tám tầng trên cao, gõ-gõ-gõ lên tấm kính đầy những vệt
mưa.
Tiếng gõ giữ cùng một nhịp. Hai lần.
Rồi hai lần nữa. Cứ thế cứ thế mà không dừng lại. Như âm thanh của một nhịp tim
có cảm xúc.
Tấm rèm đang mở. Trước khi ngủ thiếp
đi, anh đang xem hình thù những vết mưa đọng trên mặt kính. Kino có thể hình
dung ra anh sẽ thấy gì ngoài kia nếu thò đầu khỏi chăn. Không — anh không
hình dung ra được. Anh phải dập tắt khả năng tưởng tượng ra bất cứ thứ gì. Mình
không nên nhìn nó, anh tự nhủ. Dù có trống rỗng thế nào, nó vẫn là trái tim
mình. Vẫn còn chút hơi ấm con người trong đó. Ký ức, như rong biển cuộn quanh
bãi cọc trên bờ, lặng lẽ chờ thủy triều dâng. Đó là những cảm xúc, nếu bị cắt
sẽ chảy máu. Mình không thể để chúng lang thang đâu đó ngoài tầm hiểu biết của
mình.
“Ký ức có thể hữu ích,” Kamita
từng nói. Một ý nghĩ bất ngờ vụt đến với Kino: Kamita phần nào đã gắn kết
với cây liễu già trước nhà. Anh không nắm được chính xác điều này có ý nghĩa ra
sao, nhưng một khi tư tưởng đã bám chặt lấy anh, mọi thứ trở nên dễ hiểu.
Kino hình dung ra những phiến
lá phủ đầy màu xanh, trĩu nặng võng xuống gần mặt đất. Mùa hè, chúng cho
khoảnh sân bóng mát. Ngày mưa, những giọt vàng lấp lánh trên đám cành mềm mại.
Ngày gió, chúng đung đưa như một trái tim thao thức, và những con chim nhỏ
bay qua, rít lên với nhau, đáp xuống những cành cây mỏng, dẻo dai, chỉ để bay
lên lần nữa.
Dưới tấm chăn, Kino cuộn mình như
một con sâu, nhắm mắt thật chặt và nghĩ về cây liễu. Lần lượt, anh hình dung ra
những đặc tính của nó — màu sắc, hình dạng, chuyển động. Anh cầu nguyện cho
bình minh tới. Tất cả những gì anh có thể làm là chờ đợi như vậy, kiên nhẫn,
cho đến khi những tia sáng ló rạng, lũ chim thức dậy và bắt đầu ngày mới của
chúng. Tất cả những gì anh có thể làm là tin vào lũ chim, vào mọi loài
chim với đôi cánh và cái mỏ của chúng. Cho đến lúc đó, anh không thể để lòng
mình trống rỗng. Khoảng không đó, chân không mà nó tạo ra, sẽ hút chúng vào.
Khi cây liễu không thôi là chưa
đủ, Kino nghĩ về con mèo xám gầy và sở thích rong biển nướng của nó. Anh
nhớ Kamita ngồi tại quầy, đắm chìm trong cuốn sách, những vận động viên
điền kinh trẻ vượt qua các buổi tập luyện lặp đi lặp lại đến kiệt sức trên một
đường đua, bản độc tấu “My Romance” đáng yêu của Ben Webster. Anh nhớ vợ
anh trong bộ váy mới màu xanh dương, mái tóc tỉa ngắn. Anh hi vọng cô đang sống
khỏe mạnh, hạnh phúc trong căn nhà mới. Không có, anh hi vọng, bất kỳ vết
thương nào trên cơ thể cô. Em đã xin lỗi trước mặt mình, và mình chấp nhận lời
xin lỗi đó, anh nghĩ. Mình không cần học cách lãng quên mà là cần học cách tha
thứ.
Nhưng dường như dòng chảy thời gian
không được cố định đúng cách. Sức nặng đẫm máu của lòng ham muốn và mỏ neo han
gỉ của nỗi ăn năn đã chặn dòng chảy bình thường của nó. Cơn mưa triền miên,
những chiếc kim đồng hồ lẫn lộn, những con chim vẫn đương say ngủ, một nhân
viên bưu điện vô danh lặng lẽ xếp chồng bưu thiếp, bộ ngực đáng yêu của vợ anh
nảy mãnh liệt trong không khí, thứ gì đó ngoan cố gõ lên cửa sổ. Như thể nhịp
đập luôn đều đặn này dụ anh xuống sâu hơn trong một mê cung khơi gợi. Thình
thịch, thình thịch — rồi lại lần nữa, thình thịch. “Đừng
nhìn đi đâu, hãy nhìn thẳng vào nó,” ai đó thì thầm vào tai anh. “Trái tim
ngươi trông như thế đấy.”
Những cành liễu đung đưa trong cơn
gió đầu hè. Từ một căn phòng tối nhỏ, đâu đó bên trong Kino, một bàn tay ấm áp
vươn tới anh. Nhắm mắt, anh cảm thấy bàn tay đó đặt trên bàn tay anh, nhẹ nhàng
và rất thật. Anh đã bỏ quên điều này, tách biệt khỏi nó quá lâu. Phải, mình bị
tổn thương. Rất, rất sâu sắc. Anh nói với chính mình. Và khóc.
Trong lúc đó cơn mưa vẫn chưa chịu
buông tha, dìm thế giới trong cơn ớn lạnh. ♦
Haruki Murakami
Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng.
Ghi chú của người dịch:
• Nhân vật chính, Kino (木野), cũng giống Haruki: mở quán rượu và thích nhạc jazz. Về sở
thích này, có thể tìm hiểu thêm qua essay “Jazz Messenger” của ông.
• Tên của Kamita được viết theo lối kanji là 神田, theo lời nhân vật, dạng hiragana là かみた (Kamita) chứ không phải かんだ (Kanda).
• Các từ tiếng Nhật được giữ nguyên trong bản tiếng Anh (do đặc thù văn hóa),
bản tiếng Việt cũng vậy:
1. Yakuza: các tổ chức xã hội đen, băng đảng tội phạm truyền thống ở Nhật.
2. Tatami: nệm lót sàn truyền thống của Nhật.
3. Futon: bộ giường truyền thống của Nhật, gồm có nệm, chăn, gối… Có thể gấp
gọn lại và trải ra (trên nền tatami) khi cần.