31 October 2017

NHỚ ĐẾN CỤ PHAN KHẮC SỬU - Nguyễn Văn Sâm

KỶ NIỆM 50 NĂM QUỐC HỘI LẬP HIẾN 1967, NHỚ ĐẾN CỤ PHAN KHẮC SỬU, MỘT NHÂN VẬT KHÔNG THÀNH CÔNG NHƯNG THÀNH NHÂN

Quốc trưởng Phan Khắc Sửu (1905-1970)

Cụ Sửu’ là tiếng thân kính toàn thể 116/117 dân biểu Quốc Hội Lập Hiến (Sàigòn, 1966-1967) gọi cụ Phan Khắc Sửu, những đồng viện trẻ thì không nói làm gì, cả những đồng viện ngang tuổi cụ như DB Huỳnh Thành Vị, đơn vị Sàigòn hay DB Huỳnh Bình Yên đơn vị Vũng Tàu hoặc DB Nguyễn Văn Tho của đơn vị Cần Thơ hay DB Nguyễn Bá Lương đơn vị Phước Long cũng vậy. Tiếng gọi thân kính nầy tôi cũng nghe từ những người bạn tranh đấu với cụ Sửu như DB Trần Văn Văn đơn vị Sàigòn, DB Phan Quang Đán đơn vị Gia Định hay những người có thành tích cách mạng ở miền Trung như DB Trần Điền đơn vị Thừa thiên, DB Phan Thiệp đơn vị Quảng Nam (Ngãi ?)…


Sự thân kính đến từ đâu vậy? Không phải chỉ vì cụ lớn tuổi, không phải vì cụ thân thiện với những đồng viện mà căn bản là vì sự kiên cường trong quá khứ khi tranh đấu với thế lực ngoại bang (thực dân Pháp) hay đối đầu với những người theo phương cách cai trị mà theo cụ sẽ đưa nước nhà đến chỗ tồi tệ, nguy hại. Vì vậy khi cụ bị thực dân Pháp giam ở Khám Lớn trước 1945, mỗi ngày họ dẫn tù đi ngang qua một văn phòng có treo cờ tam tài họ bắt toàn thể tù nghiêm chỉnh cúi đầu chào thì Cụ Sửu phản đối sự kiện nầy và hình như mỗi ngày cụ ‘đều ăn một vài ba-trắc lên đầu, khiến cho đầu tôi u nần không bao giờ lặn’. Cụ Sửu kể lại chuyện nầy với nụ cười hiền nhưng đầy vẻ ngao ngán khi nói chuyện thân tình với các DB trẻ.

Và chữ ký vào bản đề nghị cải cách việc cai trị của nhóm Caravelle khiến cụ bị nhốt chuồng cọp trong một thời gian dài, ‘trên trần thấp của chuồng cọp những giọt nước nhỏ từng phút rớt ngay trên đỉnh đầu mà mình không thể tránh được vì không gian quá nhỏ không thể xê dịch để tránh né’. Nhắc đến sự kiện nầy cụ cũng mỉm cười ngao ngán với cái lắc đầu nhè nhẹ như khi kể về chuyện thực dân Pháp ở trên.

Trong thời gian Miền Nam cần một chánh phủ ổn định mà là dân sự, cụ thất bại khi giữ vai trò Quốc Trưởng đến nỗi phải giao sự điều hành nước nhà lại cho quân đội. Cụ thất bại khi không thuyết phục được Quốc Hội Lập Hiến bất hợp thức liên danh có đa số phiếu bầu Nguyễn Văn Thiệu -Nguyễn Cao Kỳ về những sự gọi là ‘có dấu hiệu của gian lận’.
Cụ Sửu từ chức ngay sau đó với lời than thở trong văn phòng Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến trước khi về vị thế DB bình thường: ‘Quân đội cai trị thường dễ đi đến độc tài quân phiệt. Đất nước mình rồi đây sẽ gặp nhiều nguy hiểm khó lường’.
Lời tiên tri nầy đúng chỉ trong vòng 8 năm sau đó. Tám năm để xụp đổ chánh thể được lòng đân của Việt Nam Cộng Hòa! Một thời gian quá ngắn đối với một quốc gia đương thời lừng lẫy, mạnh và phát triển hơn  vài nước  sau nầy nổi lên trong vùng như Thái Lan, Đại Hàn, Đài Loan, Singapore.
Cụ Sửu về sống và chết trong sự đơn giản đến bình thường (1970) của một người dân trung lưu ở đường Phan Đình Phùng, không xa chợ Vườn Chuối là mấy.
Người dân thời đó không bao nhiêu người biết về quá khứ của một người khí tiết, kiên cường, thanh liêm khi cụ nằm xuống. Người ta còn phải bương chải chạy ăn trong sự lo âu về tiếng súng ầm ì ở ven đô và những trận đánh khủng khiếp đương xảy ra trên đất nước.
Với tôi Cụ Sửu là một thí dụ điển hình của thất bại về sự tranh đấu mà mình theo đuổi, nhưng đã thành nhân cao quý hơn nhiều kẻ được gọi là thành công trên chính trường trong một thế kỷ gần đây. Một tấm gương cho tất cả mọi người.
Sau 50 năm nhìn lại (1967-2017), tiếc một nhân vật can trường, dễ thương, thất bại không phải vì bất tài nhưng vì không gặp thời và vì không chấp nhận lên cầm quyền bằng mưu mô bá đạo. Cũng tiếc quá công trình của Quốc Hội Lập Hiến 1967, trong đó vai trò của cụ Sửu rất đáng kể, thiết lập được Hiến Pháp 1967 rất tân tiến và dân chủ đã bị lạm dụng bởi bên nầy rồi bị bức tử một cách oan uổng bởi bên kia.
Nước Việt Nam của chúng ta quả thật là không may!

Nguyễn Văn Sâm