Lần
cuối cùng, tôi gặp Phan Nhật Nam, vào một sáng Chủ nhật, đâu khoảng hơn tháng
trước ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản. Nam đang đứng nói chuyện với nhà văn
Vũ Bằng và nhà văn Mặc Thu trên lề đường trước nhà ông Chu Tử và vợ chồng Đằng
Giao, 104 đường Công Lý. Thấy Nam trẻ trung tươi sáng trong bộ quân phục Nhảy
dù vải kaki vàng thẳng cứng nếp hồ với đầy đủ lon lá, huy chương và sợi giây
Bảo quốc rực rỡ, tôi thoáng ngạc nhiên vì lần gặp gỡ trước Nam đã nói với tôi rằng
vừa giải ngũ. Tôi hỏi đùa:
― Bạn tôi quân cách rềnh ràng đi
lãnh thưởng?
Tôi có ý trêu Nam về số tiền một
triệu ông Chu Tử đề nghị báo Sóng Thần tặng Nam về tác phẩm “Tù Binh Và Hoà
Bình” để bỉ thử giải Văn học Nghệ thuật bần tiện của Thiệu. Nam cười lớn:
― Cái giải thưởng của bố già cậu sài
mẹ nó hết rồi, có cụ Vũ Bằng biết đấy!
Rồi Nam tự giải thích khi thấy tôi
hóm hỉnh nhìn Nam với bộ quân phục:
― Cậu Nam giải ngũ nhưng cậu Nam vẫn
là lính Nhảy dù hợp lệ! Nhưng mà giải ngũ rồi chán quá mi ơi. Buồn cóc biết làm
gì và thèm mặc lại quân phục?
Xong Nam dịu giọng nói như than thở:
― Có lẽ tao lại phải làm đơn xin tái
ngũ. Giải ngũ mà tao có cảm tưởng xấu hổ như một thằng đào ngũ!
Tôi có chuyện cần, vội gặp ông Chu
Tử nên không nán lại góp chuyện với ba người và tìm hiểu chuyện Nam giải ngũ là
đùa hay thật. Tôi chào và leo lên gác. Lúc trở xuống thì Nam đã không còn đấy
nữa, và đó là lần cuối cùng tôi gặp Phan Nhật Nam, cho đến ngày di tản và cho
đến bây giờ là sáu năm chia biệt.
Gặp Nguyên Vũ ở Fort Chaffee, gặp Lê
Văn Mễ và một số bạn trong và ngoài binh chủng Nhẩy dù thân biết Phan Nhật Nam,
tôi đều hỏi thăm và rõ chắc Nam cùng vợ con kẹt lại. Tôi rất buồn và lo lắng
cho Nam cùng các bạn văn không di tản được. Nhưng tôi nghĩ nhớ và lo lắng cho
số phận Phan Nhật Nam nhiều nhất. Là bởi, lần ra Hà Nội quan sát vụ trao trả tù
binh, Nam đã ngông nghênh ôm theo cả một lô sách “Mùa Hè Đỏ Lửa” ký tặng các
văn nghệ sĩ miền Bắc. Đó là tác phẩm để đời của nhà văn chiến trường số Một của
miền Nam viết về cuộc chiến khốc liệt mùa hè 72, đầy rẫy lời thống mạ chủ nghĩa
và tập đoàn lãnh đạo miền Bắc, phơi bầy thực chất phi lý bi thảm của cuộc nội
chiến và toàn vẹn bộ mặt bất lương đốn mạt của “anh Hồ cộng sản” – thứ “nhân
tài chết tiệt của dân tộc” – mà Nam đem đến tận nơi, dí vào mắt chúng. Tôi thật
phục Nam. Tôi vẫn muốn có dịp hỏi thăm Nam về chuyến theo phái đoàn Ủy ban Liên
hiệp Quân sự ra Hà nội và khi trở về, Nam đã viết cuốn “Tù Binh và Hoà Bình” mà
tôi chưa được đọc.
Đối với tôi, Nam đã chiếm giữ một
cảm tình đặc biệt. Tôi yêu cái văn chương bốc lửa của Nam, thích cái con người
tàng tàng ngạo nghễ của Nam. Kỷ niệm tôi có với Phan Nhật Nam không nhiều nhưng
đủ để tôi và Nam coi nhau như bạn thiết. Tôi đọc tác phẩm đầu tay của Nam, cuốn
”Dấu Binh Lửa” nhân một kỳ nghỉ dưỡng sức trên Đà Lạt và đã say mê cuốn hút,
cảm phục văn tài, vô cùng thú vị với những dòng thể hiện sống động mạnh mẽ,
hiên ngang, đậm sũng tình người, chứa chan lòng yêu quê hương đất nước … Phan Nhật
Nam, ngôi sao mới hiện nhưng đã chói lọi trong giới quân nhân cầm bút. Nam hiện
thực đời mình, phổ diễn tâm tình, cảm nghĩ của một người vững chắc lập trường
quốc gia nhân bản, hiện thực tấn thảm kịch đầy bi phẫn đau thương của cả một
thế hệ trong đó có Nam vừa thủ diễn vừa là chứng giả. Nam đã nói lên được tiếng
lòng thầm kín cùng khát vọng chung của những người cầm súng. Nam là gạch nối
giữa những người lính chiến và dân thành thị. Nhờ có tác phẩm của Phan Nhật
Nam, dân thành phố ngụp lặn trong bình yên hưởng thụ mới giật mình biết đến và
biết rõ mức độ thảm khốc của chiến tranh cùng sự hy sinh quá lớn của người
lính. Điều rõ rệt nhất là Nam đã nói lên được cho nhân loại hiểu về cái chính
nghĩa của cuộc đấu tranh để tự tồn. Rằng những người lính Việt Nam Cộng Hoà cầm
súng và chiến đấu không phải vì bản năng hiếu sát hay yêu thích chiến tranh, mà
là chiến đấu để tồn tại. Cho chủ nghĩa Quốc gia tồn tại và nền Tự do Dân chủ
của miền Nam tồn tại.
Trong các thiên bút ký chiến trường,
Phan Nhật Nam đã cực tả được độ cao cùng tột của chiến tranh tàn khốc, hiện
thực được cả một trời đất mênh mang thống hận trong lòng người dân Việt trước
cảnh tương tàn đẫm máu, đã vẽ ra một thiện thân sừng sững của người lính Nhảy
dù chiến đấu hào hùng và chết rất hào hùng. Những đời trai trẻ quên bỏ hạnh
phúc, tình yêu, tương lai, sự nghiệp cùng những vui riêng để bước vào chốn cùng
hung cực hiểm, đầy rẫy gian lao khổ nhọc và bị vô ơn bạc đãi nhưng vẫn lầm lì
chịu đựng và dũng cảm xông pha trận mạc, trực diện kẻ thù, đổ mồ hôi, xương máu
lao thẳng vào đạn lửa, phóng mình vào nỗi chết cho giải đất miền Nam được tồn
tại và người dân miền Nam được sống còn.
Phan Nhật Nam là một nhà văn có chân
tài. Ngôn ngữ xử dụng trong văn chương Phan Nhật Nam là thứ ngôn ngữ hừng hực
như lửa, mạnh mẽ như gió bão, vững chắc như thành đồng, tha thiết, nồng nàn,
chứa chan nhân tính …
Tôi gặp Nam lần đầu do Thế Phong đưa
lại chơi nhà Nam ở đường Trần Nhật Duật, Tân Định. Nhưng biết nhiều về Nam thì
qua bạn cùng khoá với Nam là Võ Ý. Tôi nhớ lần đó Nam nói khoái tôi vì bài bút
ký “Dakseang Gối Mỏi Lưng Đồi” tôi viết trên tuần báo Đời và ký tặng tôi cuốn “Mùa
Hè Đỏ Lửa” với vỏn vẹn mấy chữ Tặng ông, bạn tôi làm Thế Phong cười ngất :
― Nó là nhà văn đang lên, sách bán
có tiền nên hà tiện chữ nghĩa cho bạn bè!
Sau này tôi mới nói cho Nam biết cái
thằng bay chiếc C&C cho tướng Hậu nửa đêm vào Tân Khai trong trận bão
Mannie, giữa mưa đạn phòng không Việt cộng mà Nam nằm dưới đất nhìn thấy khi
theo chiến đoàn trung tá Cần vào giải vây An Lộc rồi viết trong “Mùa Hè Đỏ Lửa”
chính là tôi, Nam có vẻ thống khoái vì sự ngẫu nhiên ấy, cười khà khà và phán
một câu:
― Thấy chiếc máy bay, tao thương
quá. Những thằng Không quân chân hổng giữa trời, chết mà không biết thằng khốn
nạn nào “chơi” mình thì “lỗ” quá! Thực tình tao “rét” mày ạ, chết dưới đất vững
hơn … Ai ngờ lại là mày bay cho ông Hậu! Hà hà! … Mày rơi đêm đó là tao lại có
tí đề tài “viết cho một người nằm xuống”!
Trong những ngày bôn ba chiến trận,
thỉnh thoảng tôi có gặp Nam vác máy hình theo quân Dù đi làm phóng sự. Nhưng
thường là những lúc tôi về Saigon cùng Nam và một vài bạn văn nghệ ghé La
Pagode bù khú. Đó là những lần tôi có dịp thán phục khoa đấu láo của Nam. Cái
giọng oang oang nửa Huế, nửa Quảng Nam, pha tí Bắc kỳ, một khi mở máy là nói
liên miên đủ thứ đề tài … Có thể nói khoa tán phét của Nam vô địch! Nam có khả
năng nói thao thao hàng giờ không ngưng nghỉ và thật lôi cuốn, có duyên, ba hoa
châm biếm bất cần thiên hạ.
Tôi nhớ nhất một lần đang đấu vung
vít với chúng tôi, Nam bất chợt để ý thấy một cô gái ngồi uống nước một mình ở
bàn bên cạnh. Cô gái mặc đồ đầm, có nét đẹp kiêu kỳ sang cả của một thứ kiều nữ
con nhà giàu học trường đầm, châm hút điếu Salem. Thế là Nam kêu lên:
Tại hạ xin có ý kiến: Người đẹp mà
hút Salem là không đúng sách vở!
Thế là Nam bỏ mặc câu chuyện dở dang
với chúng tôi, kéo ghế qua bàn cô gái. Tôi không nhớ Nam hút thuốc gì nhưng
cũng là một thứ thuốc lá đầu lọc và Nam bô bô quảng cáo cho hiệu thuốc của mình
với những lời dẫn chứng theo sách vở, theo kinh nghiệm, theo thống kê, theo lời
“Khổng Tử xổm tọa chi viết” , theo lời khuyên của bác sĩ này, nhà sản xuất nọ
và Nam đem luôn chính trị, kinh tế, quân sự và cả truyện chưởng Kim Dung vào
bài hát nói! Nam nói một cách trơn tru hữu lý. Trong cái hoạt kê quấy nhộn ấy,
tôi thấy khẩu tài của Nam vượt xa miệng lưỡi dẻo kẹo của những anh giang hồ bán
thuốc Sơn Đông. Những tay mãi võ láu cá vặt đó, hay những lời tuyên truyền của
mấy cậu mợ cộng sản nhà quê không thể duyên dáng bay bướm trí thức như Nam
được. Cô gái cuối cùng phải bỏ nét mặt lạnh lùng kênh kiệu, bật cười phì và
nhận điếu thuốc Nam mời. Bài tán láo của Nam dài gần nửa tiếng đồng hồ và hai
tay ăn tục nói phét có hạng trong mấy chúng tôi hôm đó là Thế Phong và Dương
Hùng Cường cũng phải chào thua Nam.
Đó là một vài trong những kỷ niệm
tôi có với Phan Nhật Nam. Tôi yêu và phục Nam không chỉ có văn tài và và khoa
đấu hót. Nam thông minh, hiếu động, tính tình thẳng trực, ngang tàng khí phách,
đôi khi hành động như một thứ “cao bồi văn nghệ” nhưng không nhố nhăng lố bịch.
Cái ngông nghênh tự phụ của Nam, đối với tôi không có gì quá đáng. Tâm hồn Nam
sâu sắc, nhiều tình cảm và rất tốt với bạn bè. Nam bị kẹt lại vì ngày 30-4 dắt
vợ con vào nhà tướng Kỳ nhưng không thấy ông tướng râu kẽm, bèn chạy qua DAO.
Trước cảnh chen lấn cùng ám ảnh một đảo Guam không hơn gì các trại đón dân tị
nạn miền Trung, Nam chán nản đưa vợ con trở về. Cộng sản tiếp thu Saigon, Nam
như con chuột mắc nạn trong bẫy xập, cuống cuồng sợ hãi vì tin cộng sản sẽ lùng
giết. Phan Nhật Nam, đại úy Nhảy Dù, nhà văn chống cộng lẫy lừng tên tuổi,
thành viên đối nghịch to mồm nhất trong Ủy ban Liên hợp Quân sự? phải là thành
phần Ngụy số một “có nợ máu với nhân dân!” Nam hơn ai hết, hiểu rõ bản chất đê
tiện của cộng sản, biết rõ những gì đang chờ đợi mình và Nam tìm chỗ ẩn thân.
Nam bỏ Saigon về Long Khánh làm rẫy trước khi cộng sản có chương trình lùa dân
đi kinh tế mới. Nhưng Nam biết trước sau gì cũng không thể lẩn trốn được cái
mạng lưới công an tinh vi cộng sản một khi chúng cố tình lùng kiếm và vì Phan
Nhật Nam quá nổi. Ngày 22-6-75, Nam ra trình diện học tập và bị giam tại trại
Long Giao. Chính tại đây, Nam đã viết trong bản tự khai, “Trong đời tôi, tôi
chỉ có một điều ân hận là có ông bố hành nghề cộng sản!”
Bố Nam theo kháng chiến từ năm Nam 7
tuổi, hiện là một nhân vật cao cấp trong Chính trị bộ Hà nội, tên Phan Văn
Trình. Mẹ Nam là bà Ngô Thị Phương Dung, chết năm Nam 18, học trường Phan Chu
Trinh, Đà nẵng. Nam sinh ngày 10-9-43 tại Huế nhưng lớn lên tại Quảng nam. Sinh
viên Sĩ quan Võ bị Quốc gia Đà Lạt khoá 18, ra trường năm 1963, tình nguyện đi
binh chủng Nhảy dù. Năm 1968 ra khỏi binh chủng và thời gian sau Hiệp định
Paris, Phan Nhật Nam là thành viên VNCH trong Ủy ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên
cho đến ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản.
Những năm tại ngũ, Phan Nhật Nam
từng tham dự hầu hết các chiến trường sôi bỏng ở quốc nội (1963-1973). Từ những
địa danh nổi tiếng như Khe Sanh, Cồn Tiên, đến những làng nhỏ ở Cửa Việt, Diễm
Hà Trung, Diễm Hà Nam, cho đến nững hóc hiểm hoang vu ở cuối thung lũng sông
Kim Sơn; từ tây vực quận Hoài Ân, Bình Định, tới làng Mã Tây, vv? nơi nào Nam
cũng tới và đã tham chiến, chỉ trừ chiến dịch Hạ Lào. Quãng đời binh nghiệp bôn
ba đã cho Phan Nhật Nam quá nhiều chất liệu phong phú để dựng thành tác phẩm.
Khởi nghiệp viết văn từ 1969 và đã nổi tiếng với tác phẩm đầu tay ” Dấu Binh
Lửa ” .Sau này văn tài Phan Nhật Nam chói sáng hơn với tập bút ký chiến trường
” Mùa Hè Đỏ Lửa ” nói đến cuộc chiến khốc liệt cùng tinh thần chiến đấu hào
hùng tuyệt vời của người lính Việt Nam Cộng Hoà trong những trận đánh rúng động
thế giới ở Quảng Trị, An Lộc … vào mùa hè binh biến 1972.
Ngoài những bài phóng sự, những
truyện ngắn đăng rải rác trên các nhật báo, tuần báo, đặc san Saigon, Phan Nhật
Nam chỉ trong 5 năm từ ngày khởi nghiệp, đã có một số lượng tác phẩm đáng kể
xuất bản và tạo được tên tuổi, chỗ đứng riêng biệt trong làng văn : Dấu Binh
Lửa ( Đại Ngã, 1969, Hiện Đại tái bản 1974 ) – Dọc Đường Số Một ( Đại Ngã, 1970
) – Mùa Hè Đỏ Lửa ( Sáng Tạo, 1972, tái bản 2 lần, 1973, 1974 ) – Ải Trần Gian
( Đại Ngã, 1970 ) – Dựa Lưng Nỗi Chết ( Hiện Đại, 1973 ) – Tù Binh và Hoà Bình
( Hiện Đại, 1974 ).
Những tác phẩm Phan Nhật Nam dự định
xuất bản nhưng không thực hiện được vì biến cố 30-4-75 gồm: “Những Ngày Hè Cuối
Cùng – Đá Nát Vàng Phai – và Mặt Trận Quảng Trị” (còn có tên Trên Giòng Đá Đổ
Mồ Hôi).
Chưa hết, Phan Nhật Nam hiện đang ở
trong trại tù cộng sản nhưng vẫn còn cầm bút. Hơn cả Phùng Quán với “Giấy bút
tôi ai cướp giật đi, tôi vẫn dùng dao viết văn lên đá …” Phùng Quán khi viết
những câu thơ phẫn hận ấy, trên vai vẫn còn mang quân hàm của chế độ, không ở
trong tù, vẫn còn phương tiện để mà viết và còn có được cơ hội phổ biến là tờ
Nhân Văn Giai Phẩm.
Phan Nhật Nam bị đưa ra Bắc từ
22-6-76, qua những trại tù kinh khiếp nằm sâu trong rừng núi thượng du Bắc Việt
nước độc giết người: Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Hoàng Liên Sơn và cuối cùng
hiện ở trại tù số 5 Thanh Hoá thuộc hệ thống Trại Đầm Đùn, hay trại tù Lý Bá Sơ
khủng khiếp bậc nhất trong hệ thống tù cộng sản. Nhưng Phan Nhật Nam vẫn viết.
Viết trong những điều kiện trăm phần khốn cực hơn Phùng Quán. Viết lén lút phập
phồng dưới nắng lửa, mưa dầm, trong tối tăm đói lạnh, vây quanh bởi những cặp
mắt nham hiểm rình mò cú vọ của một bầy lang sói. Suốt năm năm tù tội đọa đầy,
Nam đã dựng khung hai tác phẩm trường thiên ” Đá Nát Vàng Phai ” và ” Luyện
Ngục Rực Lửa ” cùng những trang nhật ký gửi vợ con yêu dấu. Hai tập dàn bài Nam
dấu cất đã bị khám phá và tịch thu. Nam bị chúng đánh đập, cùm xiềng, giam vào
hầm đá biệt lập tối tăm lạnh buốt, chịu đựng đói khát cực khổ suốt ba mươi nhăm
ngày đêm thảm nhục và cuối cùng Nam đã sống còn như một nhiệm mầu. Nam còn hơi
thở nghĩa là còn nghị lực, còn vững vàng ý chí để phấn đấu, để tin yêu và hy
vọng, không quên mình là một Hướng đạo sinh “Vui Vẻ Trong Mọi Khó Khăn”, không
quên mình là lính Nhảy Dù “Cố Gắng” , không quên mình là một chiến sĩ có thêm
nặng trên vai thiên chức Nhà Văn! Nam thể hiện nỗi thảm thương khổ nạn của kiếp
tù đầy nhục nhã của chính mình và chung của hàng trăm ngàn bạn bè chiến hữu
đồng cảnh ngộ vào những trang nhật ký đầm đìa máu lệ gửi cho vợ con, như một
tiếng kêu thương bi thiết gửi cho người thế giới bên ngoài.
Những trang nhật ký này, coi như tác
phẩm mới nhất của nhà văn Phan Nhật Nam viết trong lao tù cộng sản và tôi đang
có trong tay.
Do một người bạn cùng khoá với tôi
và là bạn chung của tôi và Nam gửi cho, khoảng trung tuần tháng 10-80, với lời
nhắn “Nam nhờ tôi trao cho bạn, để làm cách nào vận động cứu Nam, nếu không nó
chết.” Bạn tôi là Đại úy hoa tiêu Không lực, rất thân với Phan Nhật Nam, ra
trình diện cùng ngày, chung chuyến tầu ra Bắc và đôi ba lần cách khoảng bị giam
chung với Nam cùng một trại tù. May mắn cho Nam là Chử Quân Anh trước ngày được
cộng sản phóng thích nhờ bao công lao tốn phí vận động của người vợ có quốc tịch
Pháp, đã vì bạn, mưu mô lén dấu giúp Nam đem ra được tập nhật ký và mang qua
Pháp an toàn. Quân Anh cho tôi biết Nam bị liệt vào thành phần tù chính trị
ngoan cố và chúng đã dành sẵn cho Nam bản án tử hình. Nếu không, nhẹ nhất cũng
khổ sai chung thân vì Phan Nhật Nam cương ngạnh vô phương cải tạo. Quân Anh còn
cho tôi biết thêm rằng tình trạng sức khoẻ của Nam hiện tại rất là thê thảm.
Cái thân hình vốn gầy gò mảnh khảnh của Nam “bây giờ tiều tụy suy nhược, ông
không thể nhận ra đâu …” Lao động quá sức và ăn đói, bệnh tật không thuốc men
đã khiến Nam chân run không đứng vững. Đầu váng, mắt hoa, lúc nào cũng nghe
tiếng ve u u trong óc. Phổi hư, răng mục nguyên hàm, tóc rụng từng mảng vì
nhiều thứ bệnh tù: bệnh thiếu dinh dưỡng, bệnh ghẻ ngứa, bệnh tê thấp, bệnh đau
dạ dày, bệnh trĩ nội xuất huyết hậu môn ngày hàng lít máu … Thế mà vẫn phải khổ
dịch lao tác mỗi ngày. Phá rừng, xẻ núi, còng lưng đập đá, oằn người bấu những
ngón chân bật máu đẩy từng xe đá hay kéo vần khối gỗ nặng trên cả sức người
khoẻ mạnh vượt hai cây số đường đèo trơn trượt … Thế mà vẫn phải chỉ một buổi
sáng cúi xuống, nhấc lên, khuân 670 tảng bùn nước nặng trung bình 10 kilô hay 6
tấn 7 cho một thân tù ốm yếu? Thế mà trời đông hàn vẫn phải trần truồng ngâm
mình dưới dòng sông giá buốt đẩy từng bè củi, lội ngược con nước về trại cách
xa 4 giờ đường bộ trong trong cái lạnh cắt da của 7 độ centigrade!
Tôi mềm nhũn cả lòng. Những dòng chữ
nhỏ kín đầy hai mặt những trang giấy xé ra từ quyển vở học trò tồi tàn phẩm
chất sản xuất từ cái gọi là xã hội chủ nghĩa miền Bắc đúng là nét chữ cứng cỏi
thân quen của Phan Nhật Nam. Cái văn chương ngôn ngữ kết đọng thành khối đau
thương thống hận vô cùng đó đúng là thứ văn chương ngôn ngữ chỉ một Phan Nhật
Nam có được.
Định mệnh nào đã đưa Nam vào con
đường khổ nạn đắng cay nhường ấy ? Định mệnh nào cay nghiệt đã khiến cha con
Nam đối đầu chủ nghĩa, để rồi ngày trùng phùng trong nghịch cảnh, Nam chỉ biết
u oán nhìn cha thinh lặng qua chấn song tù, nước mắt khổ đau tủi hận chan chứa
tuôn rơi?… Ba mươi năm đi làm cách mạng để đổi lấy một ngày “chiến thắn ” trở
về thấy cảnh gia đình ly tán. Để thấy đứa con trai tù tội. Để chứng kiến cái
chết u uất của đứa con gái. Em gái Nam có chồng học tập, tuyệt vọng hủy đời
xuân sắc trước cặp mắt ngỡ ngàng đau đớn của người cha cộng sản.
Còn Nam, Phan Nhật Nam đã như một
anh hùng ngã ngựa, hiên ngang bước vào lò luyện ngục với nụ cười khinh mạn.
Hiên ngang nhận chịu những ngón đòn thù đê tiện và cực cùng độc ác. Để chứng tỏ
đởm lược của một chiến sĩ Nhảy dù, chứng tỏ hào khí của người lính quốc gia,
chứng tỏ phong thái bất khuất của một nhà văn hữu hạng miền Nam, Nam đã chối bỏ
những lời dụ hoặc để làm tờ khai tự thú theo ý muốn cộng sản, chối bỏ đặc ân từ
ảnh hưởng chức vụ người cha và bởi thế, vợ Nam mới bị ngăn cấm liên lạc với
chồng. Những lá thư gửi vào trại tù, vợ Nam phải dùng tên khác, gửi cho người
khác nhờ chuyển đến Nam lén lút. Và bởi thế, bố Nam không thể làm gì cưỡng
chống mệnh lệnh đảng can thiệp cho Nam. Trong suốt 5 năm tù tội, Nam chỉ được
vợ con thăm nuôi một lần duy nhất, nhưng không phải là một cuộc thăm tù chính
thức. Vợ Nam phải chạy vàng hối lộ cho bọn công an bộ đội để có giấy tờ mạo
danh, dắt hai con thơ lặn lội đường trường ra Bắc thăm chồng.
Đó là lần gặp gỡ ngắn ngủi, cực cùng
chua xót và cảm động vào tháng 5-79 mà Nam đã viết trong trang đầu nhật ký.
Những dòng máu lệ đầm đìa thương tủi ấy, tôi đọc mà rúng động. Tôi nhìn thấy
cảnh tủi mừng đau đớn của cuộc trùng phùng thực hư ảo mộng giữa cha con chồng
vợ trên bờ đê lộng gió. Tôi thấy những giọt nước mắt thảm sầu thánh thót rơi
trên những gương mặt khổ đau thống hận. Và nghe, và cảm nhận được tất cả nỗi u
oán uất nghẹn không thốt thành lời trên những đôi môi khô héo, trong những tia
nhìn chĩu nặng tủi hờn. Thật tội thương Nam. Thật hết sức đáng yêu và vô vàn
cảm phục. Quân Anh nói với tôi nhiều chuyện về Nam và khẳng định một điều rằng
trong tù Nam sống không hèn. Tôi biết Phan Nhật Nam vững vàng bản ngã, đầy ắp
tình người, tình yêu thương đồng loại. Cao cả biết bao nhiêu khi nghe Nam nói
đến cái chết của đứa bé gái con “em Lợi” . Nói đến những người tù nữ, đến những
đứa trẻ tuổi măng thơ sinh ra và lớn lên trong đói khổ trại tù, lây lất, bơ vơ
… “Những đứa bé da nhăn như người già vì thiếu dinh dưỡng”!
Đọc những dòng diễn tả trong nhật
ký, tôi nhận ra Nam vẫn nguyên tròn bản chất. Một Phan Nhật Nam vui tếu tàng
tàng. Một Phan Nhật Nam người hùng Mũ đỏ. Một Phan Nhật Nam trọng danh dự và
nhất ngôn. Cái tinh thần Hướng đạo Nam hằng ôm giữ, cái châm ngôn “Vui Vẻ” chỉ
nam cho đời sống, Nam đã tận tụy thi hành ngay cả trong những giây phút Nam
đang ” Dựa Lưng Nỗi Chết ” ! Tôi đã mỉm cười trong nước mắt ngậm ngùi … Thân
xác Nam rũ liệt nhưng tinh thần Nam còn vững thẳng với bao gắng gượng, dưỡng
nuôi nghị lực để sống còn cho hy vọng mãnh liệt có một ngày về mà Nam gọi đó là
sự “Phục Sinh Mầu Nhiệm”, bằng vào niềm tin nơi Thiên chúa, bằng vào tình yêu
vợ thương con quá mạnh. Tôi bồi hồi cảm động khi thấy Nam viết say sưa về cái
mộng ra tù cầm bút viết văn trở lại, kiêu hãnh, nồng nàn khoe với vợ con về tập
bản thảo của hai cuốn trường thiên viết trong tù ngục? Lại còn cái ước ao có
được chiếc khẩu cầm để thổi te te trước giờ lên võng mỗi đêm. Lại còn đỏm đáng
chuốt trau nhân dáng, dù cho tàn tạ cũng là nét tàn tạ rất “hùng” của một Sĩ
quan Cộng Hoà xuất thân Võ Bị, hỏi xin cái nón rộng vành che nắng lửa trời hè
lao động nhưng nhất định không phải là thứ nón tai bèo của mấy chú Vi-Xi ! …
Thật tội thương Nam, dù trong khổ nạn vẫn cố đem vui sống cho đời, dù trong đầy
đọa cũng không đánh rơi nhân phẩm và chịu đồng hoá với bầy ác thú.
Tháng 3-80, vợ con Nam đã vượt biên
bằng đường bộ tới Thái Lan và đến nay khi tôi viết những dòng chữ này (tháng
2-81), ba mẹ con vẫn long đong cơ cực sống trong trại tị nạn Sikew. Phải hiểu
một khi quyết định rời bỏ miền đất quê hương chẳng biết dung người ấy, chị Nam
đau đớn thế nào và Nam ngẩn ngơ rúng động thế nào khi biết vợ con mình từ nay
đã xa cách nghìn trùng, để lại bên trời khổ nhục mình Nam với nỗi cô đơn trầm
thống. Phải mất một thời gian dò tìm liên lạc, tôi mới có địa chỉ viết thư xin
ý kiến chị Phan Nhật Nam về việc phổ biến tập nhật ký. Bởi vì dầu sao những
trang nhật ký này Nam viết riêng cho vợ con và là báu vật thiêng liêng chỉ
riêng vợ con Nam có quyền tư hữu. Hơn thế nữa, việc công bố nhật ký làm sao tôi
dám tự chuyên vì ảnh hưởng rất lớn tới nỗi an nguy của Nam. Tôi nghĩ tới trường
hợp nhà văn Doãn Quốc Sĩ cùng những lời hy vọng của Nam đã viết và ủy thác Chử
Quân Anh trao tập nhật ký cho tôi, việc trước tiên tôi có thể làm được là liên
lạc với anh Trần Tam Tiệp, tổng thư ký Văn Bút Việt nam Hải ngoại nhờ vận động
với Văn Bút Quốc Tế cùng các cơ quan quyền lực quốc tế can thiệp cho Nam được
tự do.
Anh Trần Tam Tiệp đã sốt sắng lo
liệu. Phan Nhật Nam có tên trong danh sách tù nhân văn nghệ sĩ được hội Văn Bút
Quốc tế trực tiếp can thiệp. Hơn thế nữa, Phan Nhật Nam còn được ghi tên dự một
giải văn chương quốc tế với tác phẩm là tập nhật ký này. Ủy ban Ân Xá Quốc Tế
cũng lấy tên và địa chỉ trại tù để gửi quà tặng cho Nam. Tôi báo tin và chị Nam
viết trả lời, ” Nếu anh thấy việc công bố nhật ký của Nam nhất thiết phải làm
thì anh cứ tùy tiện. Cũng như anh, tôi hơi lo không biết việc ấy có lợi hay hại
cho Nam song đành vậy. Tôi rất mừng khi biết Pen Club gửi quà tặng cho Nam.
Những món quà của Pen Club có một giá trị tinh thần đáng kể. Nam sẽ phấn khởi
và hy vọng hơn khi biết có sự chú ý của bên ngoài đối với mình. Nghị lực cũng
giống như vốn liếng, để không ăn dần cũng suy mòn hao hụt đi, rất cần sự tiếp
sức …”
Tôi chỉ chụp một trang nhật ký của
Nam gửi cho chị đọc. Chị đau đớn viết cho tôi, “Những ngày trong trại tị nạn
này cũng là những ngày tôi cảm thấy gần gũi Nam nhất trong suốt mấy năm nay. Có
cái hạn chế của thực phẩm để cảm thông một phần nào cái đói. Có se da vì chăn
Hồng Thập Tự phát quá ngắn không chùm kín đầu để cảm được cái lạnh của người
đốn cây xẻ đá giữa buốt giá của mùa đông miền Bắc … Tôi biết Nam là người yêu
đời sống rất mãnh liệt, thế mà Nam đã ai oán kêu lên Thà rằng ta chết cho xong!
thì đủ biết Nam bi phẫn tuyệt vọng đến nhường nào. Lòng tôi tan nát …”
Tôi không thể chờ đợi lâu hơn để
hoàn tất việc chuyển dịch tập nhật ký sang Anh ngữ phổ biến đồng loạt cùng bản
văn Việt ngữ. Công việc này quả thực quá khả năng tôi vì văn chương ngôn ngữ
Phan Nhật Nam vô cùng khó dịch, dù tôi có bỏ ra hàng ngàn giờ và dốc toàn vốn
liếng cũng không thể chuyển ra ngoại ngữ trung thực và trọn vẹn mức độ bi
thương thảm thiết chứa trong từng lời, từng chữ mà Nam đã viết bằng máu lệ đời
mình. Tôi không thể để lâu hơn. Vì Nam đang quằn quại mỏi mòn ngóng đợi từng
ngày, từng giờ. Vì những điều Quân Anh kể về tình trạng sức khoẻ của Nam và lời
nhắn “làm thế nào vận động cứu Nam, không nó chết” ám ảnh tôi lo lắng bồn chồn.
Tôi xin gửi đến các báo chí Việt ngữ
trên toàn thế giới, kính nhờ quý vị phổ biến rộng rãi trong mọi giới đồng bào tị
nạn. Xin gửi đến các hội đoàn quốc gia tranh đấu chống cộng sản và tranh đấu
cho nhân quyền. Gửi chung những bằng hữu thân biết Phan Nhật Nam, các nhà văn,
nhà báo, các chiến hữu của Nam? với lời khẩn thiết kính xin quý vị tiếp tay phổ
biến tài liệu này và vận dụng mọi phương tiện tranh đấu buộc cộng sản trả tự do
cho nhà văn Phan Nhật Nam. Tiếng kêu thương của Phan Nhật Nam cũng là tiếng kêu
thương đứt ruột của hàng trăm ngàn người Việt Nam của chế độ Tự do đang bị cộng
sản giết dần mòn trong các trại tù cải tạo.
Tập nhật ký này nếu được các vị dịch
giả thừa khả năng ngoại ngữ dịch ra Anh văn và Pháp văn, phổ biến cho nhân loại
toàn cầu biết đến cái thảm trạng kinh hoàng của hệ thống lao tù cộng sản, phải
là một công trình văn hoá lớn lao, không riêng gì Phan Nhật Nam cùng vợ con
mang ơn quý vị, mà tất cả những người chống cộng trên thế giới đều biết ơn.
Đào Vũ Anh Hùng