31 October 2017

VÔ ẢNH CƯỚC - Phan Ni Tấn

Hồi trẻ sôi nổi bao nhiêu về già Võ Đề trầm lặng bấy nhiêu. Đầu tháng Giêng năm nay ông bước vào tuối bảy mươi hai. Râu tóc tuy đã bạc phơ, nhưng sức vóc vẫn còn tráng kiện, vẫn phong độ qua mỗi đường quyền, nhất là ngón cước pháp.

Khi râu bắp sau vườn nhà Võ Đề trổ màu vàng hung ông đều hái… bằng chân. Võ Đề chỉ dùng tay bẻ bắp khi cây bắp bị ông đá gập đầu xuống đất. Cây bắp thuờng cao từ 2.50m tới 3m, mỗi lần ra vườn hái trái ông đều dùng đầu ngón chân cái đá thóc vào gốc bắp, hoặc – cũng bằng đầu ngón chân cái, – ông đá tạt ngang vào giữa thân cây. Đó là chiêu “Vô Ảnh Cước” lợi hại nhất của Võ Đề, nổi danh một thời ở Pleiku.
Thập niên 1960, làng võ Pleiku có một tay võ nghệ lừng danh tên Công Chột, rất giỏi về môn “hầu quyền”. Chỉ cần vận dụng chiêu thức cực kỳ lợi hại này, Công Chột chưa từng bại trước một đối thủ nào nên giới võ lâm phong anh ta là “Hầu vương Độc cô cầu bại”. Cho đến khi Võ Đề, họ Võ tên Trấn Đề, người lấn biển đến từ một hòn đảo ngoài khơi vịnh Rạch Giá, là người duy nhất thủ huề với Hầu vương bằng một cú đá như trời giáng vào mặt đối thủ nên làng võ gọi trại họ Võ thành Vô, tức Vô Ảnh Cước.

Từ đó, Vô Ảnh Cước thường nhận được thư thách đấu từ các lò võ, nhất là vào những mùa võ hội. Không những thư gởi từ Pleiku, Kontum, Phú Yên, Bình Định còn có cả Sài Gòn. Cũng như Công Chột trước kia, gặp phải đối thủ lợi hại Võ Đề mới sử dụng chiêu vô ảnh cước để dứt điểm trận đấu. Là một tay võ nghệ chân truyền từ ông thầy võ lang thang, Vô Ảnh Cước đánh đâu thắng đó. Cho tới một hôm, dính vào một trận đấu ngoài ý muốn khiến cả đời Võ Đề chẳng thể nào quên.
Trước tuần lễ rửa tay từ biệt Phố Bụi về quê ở ẩn, bất ngờ Vô Ảnh Cước nhận được một phong thư màu nâu bầm, do một em bé đánh giày đem tới dúi tận tay xong bỏ chạy ngay. Thư niêm phong bằng một loại keo đặc quẹo, thoảng mùi giấy điều còn mới. Vô nhà mở thư ra xem Võ Đề mới biết đó là thư thách đấu của một người tự xưng là Băng Tâm Song Cước Nữ Bạch Y đời thứ ba, đến từ Thốc Lốc, Bình Định.
Đây là điều mà Võ Đề không thể ngờ được từ trước tới nay. Anh chưa từng nghe danh hiệu nữ nhân này, cũng chưa hề chạm trán với bất cứ nữ đấu thủ nào. Ngạc nhiên hơn là địa điểm thách đấu lại nằm trong đầm lau sậy sau lưng trường Trung học Pleime, cách nhà Võ Đề ở Chợ Mới không xa. Thập niên 1960, quanh trường Pleime chưa có nhà dân, hiếm thấy bóng người lai vãng ngoài những dẫy đồi đất đỏ, những thung lũng cỏ hoang và gió. Phía sau lưng trường, giữa đầm lau bạt ngàn có một cây hoè trơ trụi mọc lên. Đó là điểm hẹn giao đấu.
Buổi sáng hôm sau trời còn mờ sương, gió vi vu thổi luồn vào đám lau sậy ngả nghiêng tạo thành tiếng hu hu ma quái. Khi Võ Đề vừa bước vào đầm lau anh đột ngột khựng lại, ngạc nhiên thấy một người con gái toàn thân mặc bộ đồ trắng khoanh tay đứng trấn trước cây hoè từ lúc nào.
Võ Đề không thể ngờ đối thủ lại là một cô gái đôi mươi, bất giác anh động tính hiếu kỳ chú mục vào thiếu nữ lạ mặt. Toàn thân cô sức sống toát ra một vẻ đẹp trang nghiêm lộng lẫy mà khó có cô gái nào sánh nổi: nước da trắng mịn, ngấn cổ kiêu kỳ, mớ tóc đen tuyền buộc bằng một giải lụa hồng đào phất phơ trong gió. Vẻ đẹp thiên thần đó làm Võ Đề ngẩn ngơ. Nhưng có một điều kỳ lạ là trên gương mặt vô cùng thanh tú đó, đằng sau đôi mắt u buồn kia lại hắt ra một tia nhìn cực kỳ lạnh lẽo. Đó chính là Băng Tâm Song Cước Nữ Bạch Y.
Không đợi Vô Ảnh Cước lên tiếng, Nữ Bạch Y lẳng lặng khua tay một vòng trên không lấy đà nhún mình lao tới. Trước sức tấn công bất ngờ của đối thủ khiến Võ Đề giựt mình tỉnh ngộ. Anh chớp mắt vội lùi lại một bước, rùn người xuống kịp thời tránh được luồng cương khí vừa đánh bạt qua đầu. Nhận thấy thủ pháp của Nữ Bạch Y quả là lợi hại, Võ Đề lấy lại bình tỉnh đứng thẳng người lên, hai cánh tay vung ra, nhanh nhẹn phản kích.
Nhưng Vô Ảnh Cước nhanh, Nữ Bạch Y còn nhanh hơn. Khi tay phải nữ nhân đánh trượt qua đầu đối phương, chớp mắt cô xoay mình dùng thế Hùng kê quyền xoè móng vuốt nhọn lễu quạt vào mặt Vô Ảnh Cước xước một lằn dài rướm máu.
Xưa kia, ông thầy già dạy võ cho Võ Đề là một võ sư lang bạt kỳ hồ đến từ Tam Quan, Bình Định. Lúc nhập môn, tối nào sư phụ cũng bắt Võ Đề tập đứng tấn, tập tiến thoái, tập nhào lộn, tập phi thân. Vừa đi quyền vừa đọc thiệu. Nhất là tập đá. Sư phụ quan niệm cước pháp luôn luôn tạo cho toàn thân chuyển động ở thế công, hơi thở sâu, khí huyết chảy mạnh.
Lúc đầu Võ Đề đá bao cát, sau đá thân cây chuối, cuối cùng là đá cây tre lồ ô. Bị bong gân, trầy da tróc vẫy chảy máu là chuyện thường. Hơn nữa, người luyện võ ngoài tính nhân bản họ còn đươc huấn luyện thành những người gan dạ xem thắng bại là chuyên thường tình, nhất là xem cái chết nhẹ tợ lông hồng, huống hồ là ba giọt máu.
Liếm ngón tay trỏ dính máu trên má, Vô Ảnh Cước thay vì phản kích lại đứng lặng thở dài. Nhận thấy đối thủ có thái độ tiêu cực, Nữ Bạch Y tỏ ra nôn nóng. muốn chinh phục Võ Đề thật nhanh. Cô “hừ” một tiếng, lạnh lùng hươi quyền xông tới, đúng lúc trong đầu Vô Ảnh Cước lóe ra một tia sáng. Vừa chống đở, Vô Ảnh Cước vừa nhanh chân lùi về phía cây hoè. Độ chừng còn ba thước, đột ngột anh xoay mình chạy thật nhanh đến cây hoè, phi thân đạp vào thân cây búng mình ngược ra sau lưng Nữ Bạch Y vừa rượt nà tới vô tình để hở toàn diện phía sau cô.
Đáng lẽ Võ Đề điểm vào yếu huyệt sau gáy Nữ Bạch Y để kết thúc trận đấu, nhừng vì thương tình, nên nhân lúc nữ nhân đang bối rối, Võ Đề vỗ nhẹ vào vai cô xong uốn mình lộn ngược hai vòng trên không nhẹ nhàng hạ mình xuống đất.
Dưới ánh nắng rụt rè của buổi hừng đông, sắc mặt Nữ Bạch Y đỏ bừng, đầy cuồng nộ. Nghĩ đối thủ có ý khinh thường mình. nữ nhân giận dữ vận công xuất chiêu, dùng trảo công trong thế “song thủ ngũ hành” đánh ụp xuống đầu, cùng lúc tay kia chúm lại thọc vào mạng sườn đối thủ. Nhưng đó chỉ là hư chiêu nhử Vô Ảnh Cước lo chống đở không chú ý để hở bụng. Chớp ngay cơ hội Nữ Bạch Y lao cả hai chân đá thốc vào hạ bộ của Vô Ảnh Cước. Ai dính miếng ác hiểm này, không vong mạng cũng bị tàn phế một đời.
Hối hả lùi lại ba bước liền, gương mặt Võ Đề chợt tái đi không ngờ Nữ Bạch Y lại có lối đánh hiểm hóc phi thường như thế. Trông mảnh mai như hoa xuân vừa hé nhưng thân pháp và nội lực của nữ nhân quả là có hỏa hầu đáng nể.
Gió vẫn thổi mang theo cái tinh khiết của buổi sớm mai. Lúc này cả hai người như hai pho tượng đứng lặng giữa đồng lau. Họ đang ở tư thế cầm cự, đảo mắt tìm chỗ sơ hở của đối thủ. Lúc ngọn gió vô tình quẹt ngọn lau bạc đầu vào mắt Võ Đề, đúng lúc Nữ Bạch Y xuất chiêu. Không may cho Võ Đề, lúc anh hấp tấp lùi lại, đưa tay dụi mắt, gót chân vướng phải đám sậy khô nằm ngổn ngang trên mặt đất làm anh mất thăng bằng. Cái thế hạ phong của một võ sĩ là loạng choạng. Chỉ chờ có thế, Nữ Bạch Y, với ý chí quyết thắng vụt lao tới dùng thế chiến lược liên hoàn đánh tới tấp vào ngực Vô Ảnh Cước, bồi thêm cú đấm vào bụng, xong lẹ làng chuyển mình xoay ngang thúc cùi chỏ vào thái dương, cuối cùng cô phóng lên song phi vào mạng sườn. Dính liên tiếp mấy đòn ác liệt, Võ Đề say xẩm mặt mày, loạng choạng gập mình xuống. Không để đối thủ kịp đứng vững, Nữ Bạch Y liền lùi lại hai bước, hét lên một tiếng thị oai phóng tới, bay lên kẹp cổ quật Vô Ảnh Cước ngã sóng soài trên mặt đất. Để kết thúc trận đấu, nữ nhân lẹ làng chồm lên ngồi đè lên ngực Vô Ảnh Cước, một tay chấn ngay ức, năm ngón tay vuốt nhọn kia sẵn sàng thọc sâu vào yết hầu, nếu Vô Ảnh Cước vùng vẫy kháng cự.
Ngót 40 năm đằng đẵng trôi qua, Võ Đề không làm sao quên được trận đấu để đời. Những buổi chiều hôm trên biển, Võ Đề thường ngồi trước biển để nhớ những năm tháng tuổi trẻ ông đã có những khoảnh khắc đáng nhớ khi bại dưới tay một nữ quyền vương Bình Định.
Đến nay, Băng Tâm Song Cước Nữ Bạch Y vẫn bặt vô âm tín. Nhưng vết sẹo lưu lại một lằn mờ trên má trái của ông vẫn mãi mãi là một kỷ niệm. Võ Đề nhớ nhất vẫn là đôi mắt với sức hút ghê gớm của người thiếu nữ. Từ ánh mắt đổ lửa phóng thẳng xuống mặt kẻ chiến bại chuyển dần qua ánh mắt xanh thẩm sáng dịu dàng làm Vô Ảnh Cước phải sững sờ.
Nhiều đêm giựt mình thức giấc, Võ Đề vẫn ngơ ngác như thấy giải lụa hồng đào và mái tóc đen láy vẫn phất phơ bay trong đời ông. Và với đưòng cong mỹ miều mà trời đất ban tặng riêng cho Nữ Bạch Y vẫn mãi mãi ngồi đè lên hồn đời của Vô Ảnh Cước.

Phan Ni Tấn