“The Vietnam War”, bộ phim tài liệu truyền hình 10 tập, dài
18 giờ của 2 tác giả Ken Burns và Lynn Novick, được công chiếu lần đầu tiên
trên Public Broadcasting Service, Hoa Kỳ, ngày 17.9 vừa qua là bộ phim mới nhất
của Mỹ về chiến tranh Việt Nam.
Được biết, các nhà làm phim đã phải mất 10 năm để thực hiện
bộ phim, phỏng vấn 79 người Mỹ từng chiến đấu hay phản đối cuộc chiến, các chiến
binh VN và thường dân ở cả hai miền Nam Bắc, và đã phải xử lý một khối lượng
hình ảnh, tư liệu khổng lồ mà khi xem chúng ta cũng có thể hình dung được.
Như vậy, 42 năm sau khi cuộc chiến tranh đã kết thúc, người
Mỹ và người Việt lại một lần nữa phải nhìn lại cuộc chiến với những hình ảnh sống
động, tàn bạo, đẫm máu, nhức nhối.
Cảm nhận chung đầu tiên của người viết đây vẫn là một bộ
phim của người Mỹ làm về chiến tranh VN, đã mổ xẻ được những sai lầm và tội ác
của người Mỹ, nhất là của chính phủ Mỹ, khai thác tâm trạng của các vị chính
khách, Tổng thống, cho tới những người Mỹ từng tham gia hay phản đối chiến
tranh, đã phơi bày được sự chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ trong suốt cuộc
chiến cũng như tất cả hậu quả mà cuộc chiến đã gây ra cho nước Mỹ. Nhưng bộ
phim lại chưa làm được như thế về phía Việt Nam, cả với VNCH hay Việt Cộng.
Hình ảnh VNCH được thể hiện mờ nhạt, được đánh giá không
đúng mức, thậm chí bị coi thường, từ lãnh đạo cho tới người lính, trong lúc
hình ảnh Việt Cộng và Bắc Việt (hai từ được sử dụng để chỉ quân đội miền Bắc và
lực lượng Mặt trận GPND trụ ở miền Nam, sau đây sẽ chỉ dùng chung một từ Việt Cộng
cho cả hai) có phần được đề cao nhưng cũng chỉ mới nhìn thấy trên bề mặt, còn
bao nhiêu sự thật về những người cộng sản trong cuộc chiến chưa được khai thác.
Không rõ các thế hệ người Mỹ trước đây hay bây giờ, khi xem
phim có cảm thấy bộ phim đã giải đáp được cho mình những câu hỏi hay giải tỏa
được những tâm tư về cuộc chiến hay không; nhưng với người VN dù thuộc bên thắng
cuộc hay bên thua cuộc và con cháu họ, chắc chắn đều có những có lý do để không
đồng ý với bộ phim.
Với người miền Nam, như vừa nói, là vì hình ảnh của chế độ
VNCH không được đánh giá công bằng.
Trong suốt phần lớn chiều dài của bộ phim, chỉ thấy người Mỹ
chiến đấu đánh Việt Cộng, những trận giao tranh, tâm tư của người lính Mỹ, những
tổn thất…trong khi quân đội VNCH không thấy đâu. Còn giai đoạn sau khi đã bước
vào thời kỳ “Việt Nam hóa chiến tranh”, tức là người Mỹ rút dần đi, trở lại chỉ
còn người Việt đánh người Việt, thì phim lại chuyển qua chủ yếu tập trung khai
thác những mâu thuẫn, những chia rẽ đã trở nên gay gắt trong lòng nước Mỹ. Bộ
phim dành rất nhiều lời khen cho ý chí sắt đá của giới lãnh đạo Hà Nội, tinh thần
kỷ luật, quyết tâm chiến đấu, sự thiện chiến của những người cộng sản, ngược lại,
rất ít khi có những lời khen dành cho chế độ hay quân đội VNCH.
Hiếm hoi lắm mới có những câu như: “Nhiều đơn vị VNCH chiến
đấu giỏi, hồi Mậu Thân họ đánh là chủ yếu, và tính đến giữa năm 1969, đã có 90
000 người tử trận.” Hay công nhận những trận đánh An Lộc, tái chiếm Quảng Trị của
VNCH vào mùa hè đỏ lửa 1972, tinh thần tử thủ trong trận Xuân Lộc vào những
ngày cuối cùng của cuộc chiến v.v…“Người Mỹ ít khi nhìn nhận sự dũng cảm của họ.
Chúng ta khinh thường họ, phóng đại sự yếu kém của họ, vì muốn khoe khoang tài
năng của ta” (trích phỏng vấn Tom Vallery-thủy quân lục chiến).
Nhưng thật ra, việc phóng đại sự yếu kém của chế độ hay quân
đội VNCH còn nhằm để biện minh cho người Mỹ. Chẳng hạn, để biện minh cho lý do
Mỹ đổ quân vào VN là vì Sài Gòn có thể đổ sụp từ những năm 60, hay đánh giá
tiêu cực về Tổng thống Ngô Đình Diệm là để biện minh cho việc Mỹ đã làm lơ, thậm
chí khuyến khích, đảo chính Ngô Đình Diệm.
Không khác gì những người khuynh tả hay phản chiến trước
kia, những mặt yếu kém của chế độ VNCH hay những sai lầm của chính phủ Mỹ được
mổ xẻ, phơi bày nhưng những sự thật, sai lầm hay tội ác của Việt Cộng thì được
cho qua. Cả một vụ thảm sát Mậu Thân cũng chỉ nói qua loa, bao nhiêu vụ ám sát,
đánh bom, khủng bố của Việt Cộng diễn ra tại Sài Gòn, đô thị lớn ở miền Nam cho
tới thôn quê suốt thập niên 60-70 của thế kỷ XX không hề được nhắc đến.
Và có rất nhiều câu chuyện mà sự thật đã được bộc lộ từ lâu,
nhưng bộ phim vẫn không đưa vào. Ví dụ như vì sao tướng Nguyễn Ngọc Loan, tư lệnh
Cảnh sát Quốc gia Nam VN lúc đó, xử tử đặc công Việt Cộng Nguyễn Văn Lém ngay
trên đường phố Sài Gòn (sau này chính tác giả của bức ảnh gây chấn động thế giới,
phóng viên Eddie Adams, đã công khai xin lỗi Nguyễn Ngọc Loan và bày tỏ sự ân hận
vì những tác động của bức hình lên cuộc sống của vị tướng này); hay nhân vật
Kim Phúc trong bức ảnh nổi tiếng “Em bé Napalm” được nhà nước VN sử dụng như một
“nhân chứng chiến tranh” và được đưa sang Cuba học nhưng sau đó lại tìm cách
xin tỵ nạn ở Canada chứ không đơn giản chỉ là rời VN, định cư ở Canada…
Một nửa sự thật thì không phải là sự thật. Trong cuộc chiến
VN, có rất nhiều điều mà thế giới chỉ biết được “một nửa” ấy. Đáng tiếc rằng
sau hơn 40 năm, một bộ phim tài liệu công phu như “The Vietnam War” lại không
làm rõ những điều ấy để chứng tỏ sự khách quan của những người làm phim.
Về phía đảng cộng sản VN, họ cũng có nhiều lý do để không
thích bộ phim. Cho dù những thông tin trong phim đưa ra nhiều người dân đã biết
nhờ vào thời đại internet, Hà Nội vẫn không muốn những gì mà họ tuyên truyền
bao lâu nay, qua bao thế hệ người dân VN bị phơi bày. Từ những vụ thanh trừng của
đảng cộng sản thời kỳ đầu đối với tất cả những cá nhân, tổ chức không cộng sản,
những trận giao tranh với con số thương vong thường cao hơn gấp bội kẻ thù, vụ
thảm sát Mậu Thân, sai lầm và chủ quan trong vụ “tổng tiến công” Mậu Thân làm
chết hàng chục ngàn lính chưa kể dân thường và hai lần tổng tiến công sau đó
cũng thất bại, cho tới những chính sách sai lầm sau chiến tranh…
Đối với những người Việt được tuyên truyền, giáo dục về “cuộc
chiến tranh thần thánh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam” sẽ có thể hiểu
được vì sao người Mỹ thua, VNCH thua và những người cộng sản thắng. Trong một
cuộc chiến, khi một bên luôn băn khoăn, luôn đặt ra quá nhiều câu hỏi, luôn bị
tác động bởi phản ứng của người dân (phong trào phản chiến ở Mỹ hay những cuộc
biểu tình chống Mỹ ở Sài Gòn), còn một bên chỉ có một mục tiêu duy nhất là đánh
tới cùng, chỉ được phép nói đến sự lạc quan, chiến thắng, còn những thất bại,
con số thương vong, số người tử trận không bao giờ công bố…thì bên đó chắc chắn
phải thắng.
Người cộng sản không quan tâm đến cái giá của máu xương hay
thời gian, thời gian thuộc về họ, trong khi đó là những điều mà người dân Mỹ,
dư luận Mỹ không bao giờ cho phép chính phủ của họ. Khi người Mỹ muốn, họ nhảy
vào VN cho bằng được rồi khi phải rút, họ tìm mọi cách, kể cả đi đêm với Bắc Việt,
bắt tay với Trung Cộng, bán đứng đồng minh.
Xem xong bộ phim, tin rằng có lẽ chỉ trừ nhà cầm quyền VN,
những ai còn say sưa với những hào quang chiến thắng trong quá khứ hay còn mê
muội vì thiếu thông tin, hầu hết người VN dù thuộc phe thắng cuộc hay thua cuộc,
dù từng đi qua cuộc chiến tranh hay sinh ra và lớn lên thời hậu chiến, đều cảm
thấy buổn, ngậm ngùi, cay đắng. Cay đắng vì số phận nghiệt ngã của VN. Dân tộc
này đã phải trải qua những năm tháng chiến tranh liên miên, trong đó cuộc chiến
này là một bi kịch không gì bù đắp nổi, không chỉ đã tàn phá đất nước trong suốt
bao nhiêu năm mà còn để lại những vết thương, sự chia rẽ đến tận bây giờ do những
chính sách sai lầm của bên thắng cuộc. Cay đắng hơn nữa là cái giá quá đắt phải
trả ấy để cuối cùng được gì, VN hiện tại đang đứng ở đâu trên bản đồ sắp hạng của
thế giới, từ độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải cho tới tự do, hạnh phúc của
nhân dân đều không đạt được.
Sẽ có nhiều cái “nếu” được đặt ra, nhưng có thể tóm gọn lại,
nếu đảng cộng sản không giành được chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim
năm 1945 thì toàn bộ con đường đi của đất nước này, dân tộc này đã khác. Và cuộc
chiến tranh này cũng như những cuộc chiến với Khơ Me Đỏ, với Trung Cộng đã
không xảy ra.
Nhưng lịch sử thì không bao giờ có chữ “nếu”…
Điều đáng nói hơn đó là nhìn vào hiện tại và tương lai. Người
Mỹ đã mổ xẻ khá đầy đủ về cuộc chiến tranh VN, không che dấu những sai lầm, kể
cả những tội ác, họ cũng đã sám hối-cả những người từng tham gia cuộc chiến cho
tới những người phản đối chiến tranh từng dùng những từ ngữ nặng nề để gọi những
người lính, họ cũng đã dựng cả bức tường khắc đầy đủ tên hơn 58, 000 người lính
Mỹ hy sinh để tưởng nhớ những người đã ngã xuống và răn mình không bao giờ được
phép có một Việt Nam thứ hai nữa.
Còn người VN? Đảng cộng sản chưa bao giờ dám nhìn lại quá khứ,
lịch sử với họ là một thứ lịch sử được viết theo ý họ, bất chấp sự thật. Cho dù
đã hơn 4 thập niên trôi qua.
Không dám nhìn lại quá khứ, không nhìn thẳng vào thực tại
thì không học được gì và không bao giờ thoát khỏi những bóng ma của quá khứ.
Câu hỏi là đảng cộng sản, với quá nhiều sai lầm và tội ác, tất
nhiên không đủ dũng khí và cả sự sáng suốt để sám hối, tỉnh thức đã đành, nhưng
còn người Việt Nam dù thuộc phe nào đi nữa, liệu chúng ta có dám mổ xẻ đến tận
cùng những trang sử đau đớn đã qua và trong hiện tại, để giành lấy quyền quyết
định vận mệnh, tương lai của đất nước vào tay nhân dân?
Song
Chi