Con gái út của tôi sinh ngày 14/2/1975. Đây là một ngày
tương đối đặc biệt nếu vào thời buổi này vì nhằm ngày Lễ Tình nhân Valentine.
Bây giờ vào ngày này, những người trẻ tuổi yêu nhau thường tặng nhau hoa hồng
hay kẹo chocolate có hình trái tim. Ngày con gái út ra đời, Sài Gòn chưa biết đến
Valentine nên 14/2 chỉ một ngày bình thường như bao ngày khác tại miền Nam đang
ngày một leo thang chiến cuộc.
Điều quan trọng mà mãi mấy tháng sau tôi mới biết, cháu sinh ra chỉ cách ngày
Sài Gòn đổi chủ hơn 2 tháng. Khi đó người Sài Gòn đã cảm thấy chiến tranh đang
tiến gần đến cửa nhà mình. Những người “có máu mặt” đang rục rịch tìm đường “di
tản” bằng nhiều cách, miễn là thoát khỏi Sài Gòn mà mọi người biết là vòng vây
ngày càng thắt chặt.
Tôi chỉ là một Trung úy quèn, làm giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội, lại vừa
mới đi tu nghiệp lần thứ 2 tại Hoa Kỳ trở về. Tôi không tìm đường đi Mỹ vì một
điều dễ hiểu là mới từ bên đó trở về. Nói chung, cuộc sống ở đâu cũng khó khăn
về vật chất nhưng về tinh thần thì sống tại nước Mỹ giữa những người khác màu
da thì làm sao thấy thoải mái bằng ở Việt Nam, nơi ta sinh ra và lớn lên. Ý
nghĩ đó theo tôi mãi cho đến ngày… bước vào trại học tập cải tạo.
Ngay từ khi Ban Mê Thuột thất thủ ngày 10/3/1975 (1) tin tức chiến sự ngày một
xấu đi. Các bản tin luôn nhắc đến “di tản” rồi “di tản chiến thuật” bắt đầu từ
cao nguyên rồi đến miền Trung. Mọi người chạy loạn đều cố về gần Sài Gòn, phòng
tuyến cuối cùng của miền Nam.
Ngày đó, người ta nghe đài VOA, BBC vào sáng sớm cũng như mỗi tối để cập nhật
tin chiến sự. Sau này có người còn nói chính đài BBC đã góp phần khai tử Sài
Gòn sớm hơn bằng những bản tin chiến sự nóng hổi đến độ còn đang đánh nhau đã
đưa tin thua trận!
Những ngày cuối tháng 4 tại Bến Bạch Đằng, Sài Gòn
Trở lại với Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4/1975. Chiều ngày 28/4/1975, phi
trường Tân Sơn Nhất bị oanh kích. Mãi sau này tôi mới biết người dẫn đầu phi đội
5 chiếc A-37 từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) cất cánh về hướng Sài Gòn và thả
bom sân bay Tân Sơn Nhất là Trung úy phi công quân lực VNCH Nguyễn Thành Trung
(2).
Nguyễn Thành Trung chính thức xuất hiện như một người thuộc “phía bên kia” từ
ngày 8/4/1975. Vào lúc 8 giờ 30 phút sáng, Nguyễn Thành Trung xuất phát từ sân
bay Biên Hòa đã lái chiếc F5E ném bom dinh Độc Lập. Lần đầu ném 2 quả bom rơi
không trúng mục tiêu, lần cắt bom thứ hai có trúng đích nhưng chỉ có một quả nổ
(!).
Trung tiếp tục dùng súng 20 ly bắn vào kho xăng Nhà Bè, rồi lái máy bay đáp an
toàn trên đường băng dã chiến 1.000m ở sân bay tỉnh Phước Long (nay là tỉnh
Bình Phước) trong khi F5E cần một đường băng hạ cánh đến 3000m. Phước Long khi
đó đã thất thủ vào tay VC.
Trong chiến tranh, những trường hợp “hai mang” như Nguyễn Thành Trung không phải
là hiếm. Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Trịnh Xuân Ẩn… (3) là những gián điệp “nằm
vùng” hoạt động trước Nguyễn Thành Trung. Vai trò của họ đã và sẽ được dư luận
đánh giá “có công” hay “có tội”.
Có điều tất cả họ sẽ vấp phải những nghi kỵ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ của
một cán bộ “nằm vùng”. Lê Thành Chơn trong “Phút cô đơn và phẩm chất của người
anh hùng” trên báo Sài Gòn Giải Phóng viết về Nguyễn Thành Trung như sau:
“… Đời người sĩ quan tình báo đã dấn thân tự nguyện phụng sự cho Tổ quốc thì
coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Còn bây giờ, anh đang sống trong lòng đồng đội.
Nhưng, một buổi chiều, Trung được yêu cầu phải báo cáo một số vấn đề thuộc về
lý lịch của mình... Chẳng ai nói với anh nguyên nhân! Nhưng với giác quan của
người sĩ quan tình báo lâu năm, anh hiểu đó là việc làm bình thường. Gần đây đã
có một số phi công xấu lợi dụng sơ hở, cướp máy bay chạy trốn...”
Trung Úy phi công Nguyễn Thành Trung trong vòng tay của những
người “phía bên kia”
Nhà tôi ở rất gần Lăng Cha Cả. Ngày 28/4, từ căn gác trên đường Bùi Thị Xuân
tôi có thể nghe tiếng bom nổ ở phi trường Tân Sơn Nhất và sau đó cột khói đen bốc
lên cao. Chiến tranh đã thực sự đến thật gần. Sáng hôm sau, 29/4/1975, tôi quyết
định chở gia đình vào tá túc tại Bệnh viện Sài Gòn, nơi bà xã đang làm việc.
Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu làm thế nào một gia đình gồm 6 người trong đó có
một đứa trẻ sơ sinh còn ẵm ngửa có thể ngồi hết trên chiếc Honda SS50 chạy một
mạch từ Lăng Cha Cả về Chợ Bến Thành. Tôi vẫn còn nhớ đường tại khu vực quận 1
khi ấy rất nhộn nhịp khác thường. Có cả phóng viên ảnh người nước ngoài đang cố
gắng ghi lại những hình ảnh cuối cùng của Hòn ngọc Viễn Đông.
Đưa vợ con vào tá túc trong Bệnh viện Sài Gòn tạm ổn tôi mới tính đến bản thân
mình. Lúc đó tôi đang được trường sinh ngữ biệt phái về Tổng cục Quân huấn để
thành lập ban Tu thư Dịch thuật. Tổng cục Quân huấn nằm trong Bộ Tổng tham mưu
nên cuối cùng tôi quyết định vào đó “ứng chiến”.
Sáng ngày 30/4/1975 tôi rời khỏi Bộ Tổng tham mưu trong bộ đồ dân sự. Lúc đó
khoảng 10g sáng, trời mưa lất phất. Ngoài đường vắng vẻ hơn ngày thường, một
cơn mưa trái mùa khiến tôi có cảm tưởng như trời đang khóc cho Sài Gòn vào ngày
“đổi chủ” và sau đó người Sài Gòn “đổi đời”!
Tờ lịch ngày Thứ Tư, 30/4/1975
Bây giờ ngồi viết lại tản mạn những suy nghĩ sau một thời kỳ kéo dài 38 năm tôi
hoàn toàn không có ý tả lại những cảnh khổ. Điều này đã có quá nhiều bài viết
và người viết đã làm. Mỗi người một cảnh, mỗi người một suy nghĩ khi nhìn lại
quãng thời gian 38 năm.
Ông Võ Văn Kiệt khi nói về ngày 30/4/1975 đã cho rằng: “Một sự kiện liên quan đến
chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người
buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục
làm cho nó thêm rỉ máu”.
Nói như thế, sự kiện 30/4 được đón nhận theo cảm tính trái ngược nhau của những
người sống tại miền Bắc và miền Nam vào thời điểm đó. Cũng là lẽ thường tình vì
chúng ta nằm trong guồng máy chiến tranh, hoặc “bên này” hoặc “bên kia”.
Dĩ nhiên, người dân sống tại miền Bắc thấy cảm thấy “hồ hởi” trong số “hàng triệu
người vui”. Có những gia đình vui vì chồng cha, anh em sẽ không còn chịu cảnh
“sinh Bắc, tử Nam”. Có những người vui vì đất nước thống nhất, nói theo kiểu Trịnh
Công Sơn, “khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm…”.
Hay nói như “chú nhỏ 13 tuổi” Huy Đức trong Bên Thắng Cuộc: “Trong cái thời khắc
lịch sử ấy, trong đầu tôi, một sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, xuất
hiện ý nghĩ: phải nhanh chóng vào Nam để giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường
lạc lối”.
Đó chỉ là ý nghĩ nông cạn của một chú bé đã lớn lên dưới mái trường xã hội chủ
nghĩa. Cảm nghĩ của Huy Đức sẽ thay đổi như thế nào khi đối diện với thực tế ở
miền Nam những năm sau đó? Sự vui mừng đó có còn trọn vẹn sau 38 năm đối với những
người miền Bắc? Hỏi tức là đã trả lời.
Cảm xúc của Dương Thu Huơng lại khác. Ngày mới đặt chân đến Sài Gòn khi vừa được
“giải phóng”, tác giả đã bị choáng ngợp trước cuộc sống tiện nghi ở miền Nam,
khác rất xa với cuộc sống khó khăn ở miền Bắc: “Tôi đã ngồi phệt xuống vỉa hè
Sài Gòn khóc, tôi biết miền Nam đã giải phóng miền Bắc chứ không phải ngược lại...”.
Như vậy là những người từ miền Bắc vào Nam như Dương Thu Hương lại có một nỗi
buồn chứ không phải nỗi vui khi nhìn tận mắt sự khác biệt giữ hai miền ngay từ
năm 1975. Nói chung, đó chỉ là những cảm nghĩ “vui – buồn” tức thời của nguời
miền Bắc khi nghe tin “Sài Gòn được giải phóng”, cái mà người ta quan tâm là những
thay đổi trong “tư duy” sau 38 năm.
“Bên Thắng Cuộc” trước dinh Độc Lập
Hàng triệu người miền Nam còn ở lại trong nước hay đã ra đi chắc chắn cũng
không vui trong ngày 30/4/1975. Có thể ai đó cũng vui khi Sài Gòn không bị “tắm
máu” như lời đồn đãi. Có thể người Sài Gòn bình thường cũng vui khi biết rằng đất
nước sẽ qua đi thời chinh chiến để cùng nhau xây dựng lại quê hương theo như di
chúc của ông Hồ Chí Minh:
“Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”
Thực tế nhìn lại sau 38 năm thật phũ phàng. Thời điêu linh (4) kéo dài hơn 10
năm với các chính sách cải tạo “ngụy quân, ngụy quyền”, cải tạo công thương
nghiệp, kinh tế mới, đổi tiền, đốt sách… đã khiến hằng triệu người phải bỏ nước
ra đi trên những chiếc thuyền mong manh giữa sóng biển.
Những người trong hình có đến được bến bờ tự do?
Trở lại với chuyện cô con út của tôi khi Sài Gòn sụp đổ mới chỉ chưa đầy ba
tháng, hãy còn ẵm ngửa. Cô con gái này sau có biệt danh “xúi quẩy”. Cả nhà vẫn
thường gọi đùa là vậy. “Xúi quẩy” vì đồ đạc trong nhà cứ thay nhau ra chợ trời
để lấy tiền mua gạo. “Xúi quẩy” vì bố đi học tập mút chỉ. Nói chung, “xúi quẩy”
vì cả miền Nam đang trong thờ kỳ… “xúi quẩy”!
Tội nghiệp cho con bé hãy còn ẵm ngửa, nào có tội tình gì mà lại phải mang cái
tên “xúi quẩy”. Sau này khi biết nói, cháu bé còn giải thích vanh vách khi có
người hỏi tại sao lại có tên “xúi quẩy”:
“Xúi quẩy là bán đồ đạc để lấy gạo ăn!”.
Từ đó, đối với tôi, hai chữ “xúi quẩy” vừa nghe buồn buồn của một thời điêu
linh nhưng cũng lại mang ý khôi hài khi phát ra từ miệng trẻ thơ.
Cô con gái út còn ẵm ngửa ngày nào nay đã là mẹ của hai đứa trẻ. 38 năm nhìn lại
tôi bỗng rùng mình như vừa qua một cơn ác mộng. Mộng và thực cứ như quyện lấy
nhau đến độ không biết đâu là mộng, đâu là thực.
Trong sách Trang Tử có đoạn về Mộng hồ điệp được nhà văn Nguyễn Hiến Lê dịch
như sau: “Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà
không biết mình là Chu nữa, rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu.
Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa
Chu”.
Chúng ta không phải là Trang Chu nhưng cơn ác mộng kéo dài 38 năm tựa như những
ám ảnh trong tiếng đàn của Thúy Kiều:
“Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là Hồ điệp hay là Trang sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên”.
Nguyễn Ngọc Chinh
(Viết vào năm 2013)