Rượu là máu của gạo; gạo là nước mắt của người… ấy thế mà lúc này rượu chảy
lênh láng khắp Hà Nội. Gầm cầu, bến xe, góc phố… rượu đổ trong quán rượu, chưa
đủ; rượu tràn sang quán nước, chưa yên; rượu ngấm ngầm rỉ trong từng căn hộ bán
lậu, vẫn khát…
Gạo 10 đồng, người ta uống từ từ; gạo 20 đồng người ta nhăn nhó uống; gạo
40- 50 người ta uống trong điên dại, và lên đến 80 đồng thì cả Hà Nội quay
cuồng trong vũ điệu của men.
Quái lạ, đất ngàn năm văn vật này điên hết cả rồi sao?
Sáng sớm, ông xích lô uể oải nặn túi quần trước cửa quán:
Trưa đến, trước giờ họp “chống tiêu cực”, ông cán bộ:
– Rót cho chén “trắng”… thêm chén nữa thì mới ngủ được (cái thằng thế mà
tỉnh).
Chiều về, dưới gầm mặt trời đỏ ối máu, người Hà Nội nhung nhúc như đàn gián
bò tới quán.
Người già với rượu, như trai với gái, và ngày xưa chỉ có người già mới uống.
Nhưng lúc này người già Hà Nội thèm rượu, thèm cho tới chết vì không còn kiếm
ra tiền.
Trung niên uống rượu, nhưng còn vợ con, không lý trút cả nồi cơm của gia
đình vào bụng mình? Đành chỉ uống ngấp nghé cửa cõi tiên.
Thế thì chỉ còn thanh niên và trẻ con?
Vâng, đúng vậy, kể cả những thằng mới lưng chén đã về gần tới “lăng Bác”.
Bốn giờ chiều, các ông cán bộ mới về hưu đạo mạo bước vào quán. Râu tóc
nghiêm chỉnh, quần áo cũ nhưng được vá cẩn thận và giặt sạch, họ ngồi riêng một
góc như muốn tách mình ra khỏi đám cặn bã xã hội chung quanh. Cái chi bộ đã hết
thời này “họp” trong sự yên lặng. Những khuôn mặt vẫn còn phảng phất “lý tưởng”
và “nghị quyết” im lìm như những pho tượng cũ tróc sơn nham nhở, úp mặt vào
tường mà uống. Chén rượu đặt trước mặt được mua bằng đồng tiền “kiếm bất chính”
của thằng con, các ông đang hồi tưởng lại thuở khói súng leo lét rừng Việt Bắc.
“Ngọt bùi nhớ những lúc đắng cay…”
Năm giờ chiều, đám trung niên và văn nghệ sĩ len lén chui vào. Ăn bớt tiền
chợ của vợ con thì được mấy tí, nhất là bọn nhà báo, nhà văn chỉ ngồi tán láo
và rình người quen để uống chùa. Hôm nào không gặp các “con nai” để đổi một vài
chuyện tiếu lâm thời đại lấy “nước thánh” là lại gãi đầu gãi tai xin ký nợ.
Đúng là tai ương đối với chủ và cặn bã đối với xã hội. Nhưng quán thiếu bọn này
thì không vui, và phần nào còn bất ổn nữa, vì chỉ sau hai giờ đồng hồ cay đắng
trong men, những nhân phẩm bị vợ chà đạp, những gã nhân viên bị cạo gáy trong
cuộc họp, những ông cán bộ lên hụt một bậc lương, những thằng chợ trời bị công
an hốt “cả chì lẫn chài”, những đầu mồ hôi đổ láng đường nhựa mà không ra nổi
ký gạo sẽ gườm gườm nhìn nhau, bắt bẻ từ cung cách xin lửa, chỗ ngồi… và những
lúc đó thì bọn văn nghệ sĩ sẽ chỉnh hướng lại câu chuyện, cho thêm tí dấm, bơm
chút thuốc tê vào những Vết thương tấy mủ bằng những chuyện cười… để rồi cuối
cùng chính họ cũng quay lại châm chọc, phỉ báng lẫn nhau.
Nhưng giờ “nóng” của quán chưa điểm, lúc này cái chuồng thú còn đang nạp
điện và người ta uống lặng lẽ như tự sát, chờ bóng chúa sơn lâm…
– Đây rồi!
Tiếp theo tiếng reo là ba chiếc xích lô loại thồ hàng tấp vào vỉa hè. Trên
mỗi xe chồng chất đến bảy, tám gã thanh niên mặc quần áo bộ đội. Từng đống gậy
gộc, nạng gỗ, chân giả được vất xuống, rồi thằng lành dìu thằng què, chúng kéo
nhau vào quán.
– Cho dăm lít “cực nóng” (1) bà chị!
Thế là chúng quăng bừa mũ cối, nạng gỗ xuống nền nhà, ngồi la liệt dưới đất
và banh áo ngực quạt phành phạch. Đám khách luống tuổi lẵng lặng chuồn.
– “Lặn” sớm thể ông anh? Ngồi làm với nhau vài chén đã!
– …
– Đừng lo, đàn em này trang trải mà… hôm nay “vào câu lửa”. (2)
– Anh giai “zạt ra” (3) cho thằng em lết một cái.
– Bố già cất cái “lườm” (4) vào túi áo hộ cho.
– Em “chết” (5) cái quần bò của ông anh rồi đấy. “Giết” (6) thằng em bao
nhiêu?
– Cởi nhanh ra cho thử một cái, “mướt” (7) quá nhỉ?…
– Ông anh “nghênh” (8) hả? mua đàng hoàng chứ không “chẩn lột” đâu.
– Làm sơ với thằng em mấy quả “đầu đít” (9) đi…
Khách thấp thỏm uống, không biết lúc nào mũ cối sẽ bất chợt giáng xuống đầu
mình.
– Hì hì… đừng sợ, “quả cam” (10) này “điếc” rồi. Hôm nay cũng nhờ nó mà mấy
thằng “vện” (11) giạt té ra quần đấy. Tụi em “về sợi” (12) ngang ga Kép thì đàn
“vận” với “quỉ đỏ” (13) ùa ra. Hơn hai chục thằng tiểu yêu này quì hàng ngang
giữa đường vái giời… Nếu các anh không “zạt” thì ta chia nhau trái này. Mấy
thằng “vận” lặn ngay, còn bọn “quỉ” thì chần chừ… Tầu với Pôn- Pốt lấy bớt một
cẳng rồi, các anh giai có thích thì tụi em xin chiều nốt. Nói xong em đập quả
cam “điếc” này xuống đường… hì hì… đ.mẹ mấy thằng chỉ giỏi ăn cướp của dân, tụi
em tràn vào trạm “nẫng” hết hơn tạ thuốc nó thu của mấy xe trước, chia nhau… Uống
đi ông anh, em kêu dăm lít nữa ta cùng lên tiên. Ấy ấy, em phải “găm” (14) chỗ
tiền này cho bõ” (15) đã… hì hì… đ.mẹ đời, thằng thương binh đánh Tầu ăn cướp
để nuôi thằng thương binh đánh Tây. Hôm nào em không “cõng” rượu về cho “bõ
già” là y như rằng sinh sự, lôi đạo đức cách mạng ra lảm nhảm một mình… Đừng
sợ, trái này “điếc” hẵn rồi mà, những cái “sống” chúng em cho nổ hết sạch,
“tầm” (16) chưa ra. Thời buổi khó khăn, muốn kiếm trăm đồng phải rút dao ra,
muốn kiếm ngàn đồng là phải vung lựu đạn lên…
Và chúng uống, hết can nọ đến can kia, cho tới khi nào cái thùng thuốc súng
đó nạp đủ điện thì tràn ra đường đi kiếm tiền để mai lại uống rượu. Thỉnh
thoảng chúng lại cười ré vào trời đêm Hà Nội đang chết lặng vì giá gạo.
Thế Giang
1. Lẹ, nhanh
2. Trúng mánh lớn
3. Lui ra
4. Nhìn
5. Chịu, thích
6. Bán
7. Đẹp
8. Điếc
9. Một hình thức đánh bạc như bài cào
10. Lựu đạn
11. Công an
12. Buôn lậu thuốc lá sợi Lạng Sơn
13. Quân cảnh
14. Cất bớt
15. Bố, cha