30 November 2017

HỌC GÌ Ở MỸ? - Khanh Phan

Cái học của người Việt Nam được nâng cao từ xưa nhưng hoàn cảnh đất nước không cho phép toàn dân có cơ hội học hành nhiều như thời hiện đại. Tuy nhiên, phương châm “Trăm sự tại nhân thành sự tại Thiên” và “Học lắm tắm cũng ở truồng” vẫn cần lưu tâm cho việc chọn học ngành gì. Những người Việt ở Mỹ còn gặp khó khăn hơn vì cái phong tục vẫn còn đè nặng trên vai, nhất là phụ nữ.

Mỹ là xứ tự do không có học tài thi lý lịch. Nhưng có khối người học xong chẳng làm gì với mảnh bằng của mình. Thuở thập niên 1980, tôi có đi làm việc cho cộng đồng ở San Francisco (thành phố ở phía Bắc tiểu bang California). Tôi đi phỏng vấn những người vô gia cư để tìm cách cho họ lập lại cuộc đời. Trong nhóm dân vô gia cư đó có nhiều người có bằng PhD. Lúc Mỹ đang rầm rộ xây phi thuyền không gian, nhiều sinh viên theo học ngành không gian để làm việc cho NASA vì được lương khá cao. Tôi có một người bạn đang làm cho NASA bỗng xin đổi việc. Tôi không tin lý do anh ấy nói cho đến khi tôi đối diện với một PhD trong nhóm dân vô gia cư nầy. Cơ sở phi thuyền xây xong thế là phải sa thải những người tạo dựng ra cơ sở.

Cũng thời gian đó ngành điện toán bắt đầu ra công chúng. Khoảng thập niên 1970 thì người Việt theo học kỹ sư điện khá đông nhưng bước sang thập niên 1980 người Việt lại ồ ạt học điện toán (computer). Một trong những cha đẻ của ngành điện toán là Bill Gate. Ông học hành dở dang thế mà trở thành triệu phú và tiếng tăm lừng danh đến bây giờ.

Khi thế giới bước sang thiên niên kỷ mới thì người Việt ở Mỹ ồ ạt học y khoa để trở thành bác sĩ, dược sĩ hay nha sĩ. Cách đây độ 10 năm, thành phố tôi ở có đăng tin cần một dược sĩ, thế mà có hơn 800 đơn xin trong đó có cả Mỹ lẫn Việt. Dĩ nhiên, người Mỹ sẽ dễ được việc hơn vì tiếng Anh là ngôn ngữ của họ. Ngoài ra còn nhiều luật lệ để chọn người làm việc trong y khoa. Cũng thời gian đó, tôi có người bạn Mỹ đang làm bác sĩ cho bệnh viện bỏ việc về mở nhà hàng. Lý do: vì không chịu nổi cái đau thương trên gương mặt của bệnh nhân. Anh ta có kiến thức trong y khoa, anh ta chọn nấu những món tốt cho dinh dưỡng sức khỏe nên nhà hàng của anh rất đông khách. Cái hay khác là anh ta không phải đi lấy bằng quản lý kinh doanh vì trong thời gian học y khoa anh ta đã học những lớp gián tiếp tạo cho mình một cá tính quản lý.

Nói đến chuyện quản lý làm tôi chợt nhớ chuyện lúc tôi mới qua Mỹ, tôi xin được làm việc cho nhà trẻ nhưng có lương tối thiểu. Mẹ tôi phàn nàn sao không biết học khôn như người khác. Từ Việt Nam bà viết thơ qua Mỹ, lúc đó mất sáu tháng mới tới tay tôi. Bà kể rằng có ông Việt Nam khoe là con tui giỏi hơn con bà vì khi qua Mỹ nó được làm viên quản lý. Tôi tưởng thật, tìm kiếm “người khôn” ấy. Té ra, chị ta qua Mỹ trước tôi vài năm và xin được việc làm ở Mc Donald, bán bánh mì với lương tối thiểu. Qua nhiều năm, họ cần phụ tá quản lý nên chị ta được tuyển. Lương phụ tá chỉ thêm có 2 đô một giờ nhưng phải làm ca ba khi họ cần. Về tới Việt Nam thì chữ “phụ tá quản lý” còn “quản lý”. Oai vệ làm sao! Tôi biết rằng Việt Kiều và thân nhân Việt Kiều có thể “nổ” to từ dạo ấy. Ai mở tiệm (như anh bạn Mỹ mở nhà hàng kể trên) đều có thể cho mình cái chức vị “quản lý” hay “giám đốc”. Đó là chức vị của trường đời.

Cái bằng học làm viên quản lý thật sự theo ý nghĩa của trường học là người đó phải học ít nhất cử nhân. Nhưng cái bằng cử nhân quản lý thì khó kiếm việc hơn bằng cao học. Thông thường người ta lấy bằng MBA (Master of Business Administration). Ông xã tôi cũng có bằng MBA nhưng không bao giờ làm gì với mảnh bằng nầy. Sau khi tốt nghiệp bằng cao học ở MIT trong kỹ sư cơ khí anh được nhận làm kỹ sư kỹ nghệ cho đến bây giờ. Vì theo lời khuyên của một cô bạn gái (trước tôi) nên anh đi lấy bằng MBA. Sắp tốt nghiệp thì quen tôi. Khi có bằng MBA trong tay anh cân nhắc sự lợi hại phải đổi nghề. Kết quả anh ấy vẫn là viên kỹ sư cho hãng. Vì thế tôi thường trêu anh là lấy MBA để quản lý vợ. 

Gần nhà tôi có một gia đình người Đại Hàn. Chị ta đi nấu cho một nhà hàng Nhật kiếm được khoảng 15,000 đô mỗi tháng. Làm được khoảng 15 năm chị bỗng mê cái mộng làm viên quản lý nên chị ta bỏ việc và lấy hết tiền của mình dành dụm ra mở một nhà hàng riêng. Chỉ có sáu tháng sau cái nhà hàng và nhà ở đều bị tịch thu vì khai phá sản. Bây giờ đang ở nhà chung cư nhỏ bằng ¼ nhà cũ.

Tôi cũng vậy, tôi có bằng cử nhân y khoa ở Mỹ và cũng làm ở bệnh viện một thời gian. Khi tôi học mùa cuối cùng, thầy tôi nói tôi đã chọn sai ngành vì tôi bị chuột cắn lia chia. Năm đó tôi đang học lớp dị ứng và tôi dùng chuột sống để chích các độc tố vào mấy chú chuột để xem bao lâu thì chú chuột chết. Tôi chích trùng gây bệnh lao vào chuột, chuột quay lại cắn tôi, thầy tôi phải đưa tôi đi khẩn cấp. Tôi chưa chích cyanide vào chuột, chuột đã cắn tôi. Nếu tôi nhanh tay hơn chuột thì chắc tôi cũng chết theo chú chuột rồi. Đó là chưa kể những lúc tánh thiện của tôi dầy xé tâm can của tôi: sao mình ác quá, các chú chuột cũng muốn sống như mình!

Cuộc đời đưa đẩy khiến tôi chẳng làm gì với cử nhân y khoa đó. Sau ba thập niên tôi mới nhận ra rằng nhờ kiến thức y khoa tôi hiểu về bệnh rất nhanh và chăm sóc sức khỏe cho gia đình qua nội trợ của tôi chu đáo hơn. Cũng nhờ nó mà cách đây vài năm tôi thi lấy bằng để kê toa thuốc ở tiệm thuốc Tây dễ dàng hơn. Tôi thường nghĩ số phận của tôi đã được Thượng Đế an bày.

Tôi không thể tiếp tục làm việc cho bệnh viện nữa vì biến chứng sợ máu đột xuất phát hiện trong tôi. Ông xã tôi khuyến khích học kỹ sư. Tôi chọn kỹ sư hóa học vì trong thời gian học y khoa tôi đã học rất nhiều lớp hóa học. Tôi học được một năm rưỡi (và chỉ còn nửa năm là tôi có thể có cử nhân kỹ sư hóa học) thì chánh phủ Mỹ thay đổi luật lệ là tất cả các kỹ sư hóa học phải có quốc tịch Mỹ. Tôi chưa có quốc tịch và lúc đó phải đợi ít nhất một năm. Thế là tôi đổi qua học kỹ sư kỹ nghệ. Học chỉ có một mùa là tôi có việc làm ngay và làm cho hãng xe hơi lớn. Khi tôi sắp tốt nghiệp cử nhân kỹ sư kỹ nghệ (chỉ cần một năm học) thì bao nhiên hãng chiếu cố. Trong đó có bộ quốc phòng xe tăng thiết giáp cho tôi vào làm việc với cấp bậc Trung Úy. Tôi mê làm việc trong quân đội từ lâu nên định nhận lời. Và tôi khám phá tôi có bầu thế là tôi từ chối. Một hãng máy bay cũng nhận tôi vào làm để thiết kế chương trình bay cho có hiệu quả hơn vì tôi lấy 2 lớp học về thiết kế nầy mà bài thi nào cũng được 100%. Và còn nhiều hãng khác nữa. Tôi cảm thấy rất sung sướng. Tôi cảm thấy đời mình lên hương. Nhưng cái niềm vui sẽ trở thành mẹ lại hân hoan hơn. Vì lo việc bảo lãnh gia đình hai bên mà chúng tôi trì hoãn việc có con mấy năm trường. Dằn co mãi với sự nghiệp và gia đình, cuối cùng tôi chọn hy sinh sự nghiệp của mình ở nhà nuôi con.

Sinh một con rồi tôi nghĩ sinh thêm một đứa nữa để cho hai đứa có bạn. Trong thời gian ở nhà tôi cũng dự thi lấy bằng cấp tốc nầy nọ để trau dồi thêm kiến thức. Một trong những bằng tôi không ngờ tôi đậu được là bằng viết văn. Từ thuở trung học tôi chỉ gắn liền với ban toán. Sau khi đậu được bằng viết văn tôi cũng cho ra đời một quyển sách. Sách ấy xuất bản từ năm 2000 mà đến bây giờ nhiều sinh viên vẫn còn dùng để hiểu đạo Cao Đài. Cách đây vài tháng, chính con tôi vào thư viện ở tiểu bang Ohio, thấy sách của mẹ mình có một sinh viên đang cầm đọc ở bàn đối diện. Lần đầu tiên cháu thấy quyển sách đó. Tôi tưởng nó đã bị vùi chôn theo thời gian. Con tôi gọi tôi ngay và cháu tỏ lòng ngưỡng mộ mẹ mình. Niềm hạnh phúc là đây.

Cũng thời gian đó, tôi trở lại lấy bằng cao học để đi dạy toán cho trường trung học ở Mỹ. Dạy chưa đầy ba năm tôi bị học trò đánh. Ôi! Phũ phàng làm sao cái sự nghiệp của tôi. Nhưng tôi chợt nhận ra hai đứa con của tôi được tôi sát cánh dìu dắt trong sự học hành. Chúng thành công trong trung học rất vẻ vang. Trường chúng đã có hơn trăm năm và cũng đã có học sinh Á Đông vào học kể từ trước 1975. Mỗi năm trường chọn ra một trong gần 200 học sinh sắp tốt nghiệp để trao bằng vừa có học và vừa có hạnh. Hai đứa đều được và tên của chúng cũng được khắc vào tường trong trường. Hai đứa là người Việt Nam đầu tiên nói riêng và Á Đông nói chung được danh dự nầy. Hãnh diện thay!

Gia đình chúng tôi thuộc dạng nửa chừng xuân có nghĩa là không nghèo cũng không giàu. Nghèo thì được chánh phủ giúp tiền học, còn giàu thì lo gì chi phí học hành. Thế là việc xin vào đại học không phải là chuyện dễ cho hai đứa con của tôi. Chúng nó rất may là hai vợ chồng chúng tôi không ép chúng phải học theo ý cha mẹ mong muốn như nhiều gia đình Việt Nam khác ở Mỹ.  Sự học ở Mỹ ngày nay không còn dựa vào học lực (điểm GPA) cao nữa mà còn dựa vào nhiều yếu tố khác. Đứa lớn chưa biết phải chọn ngành gì thì có một ông chủ đội football ở tiểu bang Texas gởi thơ mời gia đình chúng tôi đi dự buổi cơm chiều ở ngay thành phố chúng tôi đang sống (tiểu bang Kentucky). Hằng năm ông chọn 32 trong 400 học sinh xuất sắc nhất của nước Mỹ để cho học bổng. Qua ba đợt tuyển chọn vừa phỏng vấn từng học sinh vừa xem lý lịch và con tôi được chọn cho học bổng gần 100,000 đô để học kỹ sư cơ khí. Ước mơ của cháu trở thành giảng sư đại học dạy về nhạc lý hoặc kỹ sư hàng không. Chúng tôi khuyên cháu học thử một năm xem sao. Không ngờ cháu thích và tiếp tục theo ngành. Cháu tốt nghiệp Hè qua. Một năm trước khi tốt nghiệp cháu đã được hai hãng chiếu cố: hãng hàng không và hãng điện tử. Cuối cùng cháu chọn hãng điện tử vì có thể làm việc ở tỉnh nhà. “Mưu sự tại thiên, thành sự tại nhân” là đây.

Cháu thứ hai có các thầy cô khuyến khích cháu học y khoa vì cháu giỏi môn sinh vật cực kỳ. Cháu cũng trầy da tróc vẩy chọn ngành. Thế rồi cũng như cháu lớn, cháu được ông cựu quản lý hãng Kellogg (hảng làm cốm ăn sáng) cho học bổng gần 100,000 để học kinh doanh quốc tế. Nhờ lúc ở trung học cháu đã lấy nhiều lớp bậc đại học nên cháu có thể học được hai ngành trong 5 năm. Ước vọng của cháu là trở thành chuyên gia thiết kế thời trang. Và ước mơ nầy có vẻ hơi xa tầm tay. Nhưng không ngờ nhờ có năng khiếu trong điện toán cháu thiết kế rất nhiều thứ; ngay cả được làm việc cho báo College Fashion (Thời Trang Cho Sinh Viên).

Như vậy qua việc học của hai đứa con tôi, tôi thấy tài chánh gia đình quyết định số mệnh của hai cháu. Tôi cũng cảm thấy cái luật bù trừ mà Thượng Đế đã ban cho giữa hai vợ chồng tôi và các con của tôi. Ngày trước chúng tôi phải vay mượn tiền để đi học. Tôi mang nợ nhiều nhất. Chúng tôi cũng vừa đi làm vừa đi học.

Theo phong tục Việt Nam thì cha mẹ nuôi con ăn học thành tài nên ít có khuyến khích con cái đi làm trong lúc còn đi học. Hơn nữa con cái còn phải giúp cha mẹ trong công việc nhà hoặc việc kiếm sống cho gia đình như việc đồng áng hay buôn bán. Khi chúng tôi được việc mới biết là nhờ mình đi làm nên có kinh nghiệm đi làm mặc dù nó chẳng liên hệ gì với ngành của mình học. Cái kinh nghiệm đi làm ở đây là kinh nghiệm giao tế, quản lý thời gian, v.v.

Những sinh viên Việt Nam không có giấy phép đi làm thường đi làm lậu có nghĩa là làm lãnh tiền mặt và trốn thuế. Đây là trò đùa với lửa. Ở Mỹ nhiều kẻ giết người còn được tha bổng nhưng trốn thuế thì khó mà trốn khỏi bàn tay nha thuế vụ. Nếu mình muốn trở thành công dân Mỹ thì phải tập làm “công dân” trước. “Có làm mới có ăn” là đây. Ông tổng thống đầu tiên của Mỹ, George Washigton (1732-1799) chết từ lâu nhưng cái nợ thiếu sách thư viện mới được con cháu trả vào năm 2010. Thiếu sách họ sẽ đổi giá tiền sách thành tiền nợ kèm theo tiền lời hằng năm. Chưa kể tiền phạt gấp ba lần. Tôi bị một lần nên sợ lắm vì trong thơ đòi nợ có câu dọa nếu không trả thì bị tịch thu bằng lái. Cũng may thư viện cho tôi biết chỉ trong vòng vài tháng khi không thấy sách trả về thư viện. Cuốn sách bị rớt dưới gầm giường nên tôi quên. Nếu mình theo thuyết nhân quả thì đây là bài học trả quả “mau thì mình chịu, lâu truyền cháu con”.

Xứ Mỹ tự do, ai muốn chọn học gì cũng được. Tuy nhiên chuyện xin vào trường mình muốn thì không phải dễ. Mỗi trường họ chỉ chọn một con số tối đa sinh viên mới theo số phòng và số giảng sư có sẵn. Ngoài ra theo luật về không kỳ thị sắc tộc, con số nhận dân da màu cũng bị ảnh hưởng. Những trường tư ít cho học bổng hoặc cho ít nên thường các sinh viên có khả năng tự cung cấp tài chánh dễ được nhận hơn. Đây là chuyện con nhà giàu học giỏi!

Những trẻ em nhà nghèo chánh phủ sẽ trợ cấp tiền học mà tiếng Mỹ gọi là Financial Aids hay Federal Grant, State Grant. Tuy nhiên phải có giấy chứng minh thường trú mà người Việt mình gọi là Thẻ Xanh hoặc có quốc tịch Mỹ thì mới được. Càng nghèo thì càng dễ hưởng tối đa. Người Việt mình sợ mang tiếng nhà nghèo nên gọi nó là học bổng chánh phủ cho. Thật ra nó là trợ cấp học phí cho sinh viên nghèo. Nếu điểm học bạ từ D trở lên đều có thể được loại tiền nầy. Còn tiền học bổng như hai con tôi nhận được phải là học sinh xuất sắc thì người cho học bổng mới để ý tới. Và trường hợp nầy không cần giàu hay nghèo vẫn có cơ hội được. Ngoài ra nếu không đủ chi tiêu thì chánh phủ cho vay tiền với mức tiền lời thấp. Vì phải thật nghèo nên nhiều người Việt tìm cách “sống nghèo” để được ngân khoảng nầy. Tôi không hài lòng cái lối sống giả tạo là trong thời gian xin trợ cấp chánh phủ mà mua xe chiến, áo quần nhung lụa cao sang, trang sức lộng lẫy và ăn cao lương mỹ vị. Tiền chánh phủ ở đâu ra? Nó là tiền của dân đóng thuế. Nó là hành động lấy của người giàu cho người nghèo. Trong đám nầy nhiều người có theo một tôn giáo nào đó.

Chi phí cho bằng đại học (hệ bốn năm trở lên-university) ở Mỹ rất đắt. Tính trung bình nếu là dân thường trú thì đóng khoảng 27,000-30,000 mỗi năm. Trường tư thì độ 54,000-60,000. Đó là chưa kể tiền nội trú hay tiền ăn ở. Ngoài ra còn tiền sách và vật dụng khác. Tiền sách rất đắt; ít sách nào giá dưới 50 đô. Lớp học càng cao thì sách càng mắc. Nếu học toàn thời gian thì ít nhất là 4 lớp học. Mỗi lớp thường phải mua ít nhất một quyển. Trường tư không tính ngân khoản không có giấy thường trú nhân. Trường công thì nhân ba lần nếu không có giấy thường trú nhân. Chính vì thế nhiều học sinh Việt Nam muốn du học ở Mỹ thường chọn trường tư. Hơn nữa những trường tư nổi tiếng như Harvard, MIT dễ làm cha mẹ Việt hỉnh mũi cho cao. Để rồi con số sinh viên du học từ Việt Nam chiếu cố vào các trường nầy quá nhiều và làm chuyện được vào trường như chuyện bắt được thỏi vàng ở sa mạc.

Một cái hay ở Mỹ là sau khi học college (cao đẳng -trường theo hệ 2 năm) có thể chuyển lên đại học (university) để học hai năm cử nhân còn lại hoặc học cao hơn. Học phí ở college thì rẻ hơn ở university nhiều. Nhiều sinh viên Mỹ cũng như Việt tự nuôi thân trong lúc đi học nên cũng chọn vào college trước. Tôi cũng vậy.

Một mặc khác, vì khí hậu và đời sống ở mỗi tiểu bang khác nhau, các sinh viên Việt Nam thích chọn những nơi có đông người Việt như Texas, California, New York, Lousiana, Florida và Georgia. California là nơi có khí hậu tương đối dễ chịu cho người Việt và đông dân Việt nhất. Tình trạng kiếm cớ qua du học rồi trở thành di dân bất hợp pháp tăng nhanh chóng ở California. Kết quả, có người bảo lãnh cho qua du học ở California trở thành việc mò kim đáy biển. Cái nạn “ai sao mình vậy” khó trừ trong cộng đồng Việt. Nó cũng là “con sâu làm rầu nồi canh” vì có những trẻ em thật sự có tài không có cơ hội đi du học. Nó làm tôi nhớ lại thời trước 1975, Miền Nam có những cảnh hối lộ để con trốn lính hoặc đi du học. Thời nào cũng thế! Cái giá trị của sự học vấn không còn nghiêm túc như xưa nữa mà trở thành cái “tệ nạn” xã hội; không những ở Việt Nam mà còn ngay ở nước Mỹ. Không chỉ dân Việt Nam mà còn các dân khác như Ấn Độ, Tàu, Mễ, v.v.

Ở Mỹ có rất nhiều trường dạy nghề. Thuở 1975-1995 thì người Việt mình thường theo học cấp tốc ngành điện hoặc may mặc. Có chương trình kéo dài vài tuần, vài tháng và có chương trình kéo dài độ hai năm. Khi ngành điện toán lên thì điện tử xuống. Khi ngành may mặc biến mất ở Mỹ thì ngành làm móng tay chân thịnh hành. Ngành làm móng tay chân trong cộng đồng người Việt mọc lên như nấm khoảng 1995-2005. Bên California có cả trường dạy ngành nầy do người Việt sáng lập. Bây giờ ở tiểu bang tôi cũng có trường nữa. Trước thì trường do Mỹ sáng lập. Đây là cách kiếm sống nhanh nhất cho người Việt. Có những chỗ có thi bằng tiếng Việt. Có chỗ cho mướn người đi thi dùm vì không thông thạo tiếng Mỹ. Khoảng 1980s có người mướn tôi đi thi dùm và trả 300 đô cho ngày tôi đi thi. Tôi không dám nhận. Người Việt làm nghề móng nhiều đến nỗi người Mỹ cho người Việt có cái ba lô làm móng treo sau lưng. Thỉnh thoảng có bạn Mỹ nhờ tôi làm móng dùm. Tôi trả lời “cuộc đời tôi làm móng duy nhất một lần trong ngày cưới và bạn tôi làm cho tôi.” 

Trong thời gian đi học, nhiều trường có yêu cầu học sinh đi thực tập (co-op hoặc intern). Những trường đông dân như California thì họ đòi đi thực tập có một lần hoặc có thể lấy lớp học bù vào. Có nhiều trường lo không xuể chuyện thực tập cho sinh viên thì học sinh tự nguyện đi thực tập không cần được trả lương. Nhiều học sinh chỉ cần ba năm thì có thể có bằng cử nhân. Hầu hết trong nhóm nầy không phải đi làm và không đi thực tập. Trường hợp nầy có lợi ở chỗ là nếu tốt nghiệp may mắn được việc thì sự nghiệp đến sớm. Chương trình thực tập cần ít nhất 12 tuần. Có trường bắt học sinh bắt đầu thực tập vào cuối năm thứ hai. Vì thế mùa thực tập đầu tiên thường vào mùa hè. Rồi đi học mùa Thu, đi thực tập mùa Xuân, đi học mùa Hè, cuối cùng đi thực tập mùa Thu, đi học mùa Xuân và tốt nghiệp. Những sinh viên y khoa thì thực tập và đi học cùng một lúc sau khi tốt nghiệp cử nhân. Và chương trình thực tập cho sinh viên y khoa ít nhất là ba năm. Những sinh viên học chuyên khoa hay học mổ thì học lâu hơn. Có nhiều trường nhất là học về kinh doanh thì có lúc họ không đòi hỏi phải cần 12 tuần thực tập mỗi lần. Tuy nhiên, trong trường hợp nầy họ đòi ít nhất đi thực tập 5 lần trong lúc học cử nhân và sinh viên có thể vừa học vừa thực tập trong mỗi mùa học.

Thời gian tôi đi học kỹ sư kỹ nghệ có lấy lớp kỹ nghệ hiện đại trong đó có chương học về đầu tư học vấn. Thầy tôi cho một luận án dùng máy điện toán để thiết kế chương trình so sánh hai loại sinh viên: kỹ sư và y khoa. Lúc đó lương kỹ sư mới ra trường khoản 36,000 đô mỗi năm và bác sĩ khoản 90,000. Tôi đặt điều kiện là hai sinh viên nầy học cùng trường cùng lúc, không ai vay tiền, kỹ sư học 4 năm và bác sĩ học 7 năm. Lương lên theo vật giá là 2% mỗi năm. Sinh viên kỹ sư trong lúc học đi thực tập 3 lần kiếm khoảng 15,000 đô trong khi sinh viên bác sĩ chưa kiếm ra tiền. Sau 7 năm thì kỹ sư kiếm được 125,000 đô. Mất khoảng 3 năm (sau 10 năm hai người đi học) thì số tiền kiếm được của kỹ sư bắt đầu thua bác sĩ. Tuy nhiên, trên thực tế thì mất ít nhất 10 năm (chứ không phải 3 năm) vì vị bác sĩ bị đánh thuế nhiều hơn và vị bác sĩ không được hưởng tiền phụ trội nếu làm giỏi. Nhiều kỹ sư được lên lương hằng năm không phải chỉ có 2% mà hơn vì làm giỏi và còn hưởng nhiều lợi tức khác như tiền hưu trí và tiền đầu tư cổ phần của hãng. Bác sĩ bị bắc buộc phải đóng tiền bảo hiểm hành nghề (malpractice insurance) cho việc lỡ làm chết hay gây thương tích cho bệnh nhân. Tiền bảo hiểm nầy rất mắc. Phần nhiều sinh viên y khoa Mỹ vay tiền học rất nhiều đến nỗi trả nợ cả đời. Nhiều gia đình Việt Nam để con gánh nợ hoặc tự mình cày hai ba việc lo nuôi con học thành bác sĩ. Sau khi làm bác sĩ khoảng năm năm thì bác sĩ có thể mở phòng mạch riêng. Đó mới là thời gian bác sĩ làm giàu nhanh chóng nếu đông khách. Nhiều bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ Việt Nam tìm cách lấy khách nên gian lận chi tế bảo hiểm sức khỏe.

Vì chương trình học của Mỹ không gò bó trong khuôn khổ thời gian nên có người vừa học vừa đi làm sáu năm mới có bằng cử nhân. Nhiều người học có ba năm xong bằng cử nhân vì hoàn cảnh cho phép chứ không phải vì học giỏi hay dở. Nhiều người khi đỗ bằng cử nhân được hãng cho tiền đi học cao học. Nếu là sinh viên chỉ lo đi học thì có thể trong 1 năm có thể lấy bằng Master và hai năm có thể lấy bằng PhD. Nhưng nếu vừa học vừa làm thì thời gian tốt nghiệp cao học sẽ lâu hơn. Để khuyến khích việc học cao học cho nhóm người nầy, trường mở lớp tối và cuối tuần. Trường cũng không phân biệt tuổi tác vì thế có nhiều người tuổi 90 mới lấy được bằng cử nhân hay PhD. Đây là nét đẹp văn hóa của Mỹ: già trẻ cùng học chung.

Sau khi học xong thì chuyện kiếm công ăn việc làm cũng gặp khó khăn cũng như chuyện chọn ngành học. Tiểu bang của tôi (KY) chỉ có vài hãng lớn (GE, UPS và Ford) là hảng sản xuất còn lại là hãng dịch vụ (bán bảo hiểm, xây dựng nhà hàng, cơ sở mua bán, bệnh viện, v.v.). Vì thế nhiều sinh viên Mỹ cũng như Việt học xong phải đi tiểu bang khác làm việc. Nhiều bạn học điện toán chưa chắc xin được việc ở California dù tiểu bang nầy nổi tiếng về ngành điện toán. Thường người vợ, nhất là người Việt, phải hy sinh theo sự nghiệp của chồng. Có nghĩa là nếu đấng ông chồng đã có việc làm vững thì bà vợ tùy cơ ứng biến mà tạo nghề của mình. Thời nay, những hãng lớn thường có khuynh hướng nhận 50% dân trong tiểu bang và 50% dân từ bên ngoài. Nhiều hãng không nhận mình vào làm theo ngành mình học. Như ông xã của tôi học kỹ sư cơ khí mà làm việc kỹ sư kỹ nghệ. Con tôi học kỹ sư cơ khí lại làm kỹ sư thiết kế. Cái hay của trường ở Mỹ là đào tạo cho mình cái chiều rộng của kiến thức chứ không phải chiều sâu. Cái chiều sâu thường thu được qua những năm kinh nghiệm trong việc làm. Những người học chuyên khoa như sinh viên y hoặc môn học để dạy thì mới hành nghề theo cái mình đã học.  

Dù sao đi nữa, “Học lắm tắm cũng ở truồng”. Người có học chỉ khác với người không có học ở chỗ cách khoác áo lên người. Người có nhiều bằng chưa chắc có hạnh như người không có bằng trong tay. Người có học nhưng không có biết hay không có cơ hội để thực hành thì cũng tợ như người không học. Có lúc cái học chữ vẫn không bằng cái học ở trường đời và ngược lại. Tuy nhiên, cái học chữ vẫn là cái căn bản cho tìm kế sinh nhai dễ dàng ở nước Mỹ. Chính vì lẽ đó chánh phủ Mỹ mới ra luật trẻ em phải tốt nghiệp trung học và giúp đỡ những học sinh nghèo. Đi làm thì chánh phủ mới thu thuế được.

Chung quy, học sinh nên chọn ngành nào với khả năng (chứ không phải sở thích cá nhân) của mình và túi tiền của cha mẹ. Thí dụ lúc ở trung học nếu có khiếu về toán thì nên học y khoa hoặc kỹ sư. Nếu có khiếu về toán và sinh vật thì chắc chắn nên chọn kỹ sư y khoa (medical Engineering) hoặc Biochem Engineering vì kỹ thuật y khoa càng ngày càng phát triển. Tất cả môn học đều có thể tạo cho mình trở thành nhà giáo. Thường chọn ngành theo sở thích thì khó kiếm việc. Thí dụ tôi có một người bạn Mỹ học ở Harvard về ngành cổ học. Tốt nghiệp cao học đã mấy năm vẫn còn rửa chén cho nhà hàng. Nếu cô sẵn sàng đi xa nhà thì có thể dễ kiếm hơn. Vì ông xã cô đã có việc vững vàng nên cô đành theo chồng mà sống thay vì theo sự nghiệp. Trong chuyện nầy tôi cũng nhận thấy đừng đánh giá học vấn con người qua công việc họ làm. Cũng như đừng đánh giá thấp người vô gia cư như chuyện ông có bằng PhD ở NASA kể trên. Đừng ép con mình học theo thị hiếu của mình. Để nó quyết định vì đó là tương lai của nó chứ không phải là tương lai của mình. Tương lai của nó còn dài trong khi tương lai của mình ngắn hạn. Và phụ nữ có học cao dễ kiếm chồng xứng đáng hơn; không phải trèo cao hay học làm cao. Ngày xưa các cụ hay nói con gái học cao khó lấy chồng. Thời nầy đã khác. Các cụ nói lại rằng “cho con gái mình đi học thì cái thằng dở hơi đâu dám rớ, đỡ mất công mình kiếm gia đình có môn đăng hộ đối”. Ngày nay trai anh hùng không còn gặp gái thuyền quyên và cái sắc không còn cầm cái tài nữa.

Một điều rất quan trọng cho sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ là học tiếng Anh và biết xử dụng máy tính. Máy tính ở Mỹ trở thành “món ăn” hằng ngày cho mọi người. Những người học chuyên khoa về máy tính thì họ có thể thiết kế chương trình đòi hỏi theo nhu cầu đời sống hằng ngày của nhân loại trên toàn thế giới. Nếu không có biết xử dụng máy tính thì như người mù sờ voi mà thôi. Một điều quan trọng thứ hai là đừng chạy theo thời, thấy ai học gì mình theo gót là khó tranh việc. Điều quan trọng thứ ba là phải tự tôi luyện cho mình một tánh dễ gia nhập vào đời sống ở nước Mỹ. Nếu được nhận vào học ở trường xa cộng đồng người Việt mà cứ khăng khăng giữ lấy canh chua cá kho tộ thì chỉ khổ thân mà thôi. Cũng đừng vì “đặt chữ hiếu” trên đầu thương cha mẹ dầy công cho tiền đi du học mà nhịn ăn để hao mòn sức khỏe. Cũng đừng chạy theo lối sống hưởng thụ của Mỹ mà quên việc học hành.

Xứ Mỹ tự do, việc học trông dễ dàng cho mọi người nhưng “chui vào chăn mới biết chăn có rận”, nhất là những người Việt Nam. Tốt hơn hết là hiểu mình trước rồi tự chọn cho mình môn học ở đại học. Và chuẩn bị trước khi chọn đi du học. Học sinh ở Mỹ cũng như ở Việt Nam đều có khó khăn riêng. Biết chụp cơ hội và đầu tư cho việc học vấn của mình rất quan trọng.

Khanh Phan
Viết xong ngày 8-11-2017