16 November 2017

HỒN VIỆT - NGƯƠI Ở ĐÂU? - Vũ Khuê


– Bây giờ còn cái gì là Việt nữa ông ơi! Trung Quốc cả rồi!
– Tuổi trẻ bây giờ xài hàng Tây, hàng Tàu không! Việt Nam mình có mấy …
     Hồn Việt! Ngươi ở đâu?
   Tôi không tin hắn, tay đàn ông thấp lùn, nói giọng Bắc, chủ cái cửa hàng thực phẩm tươi sống ấy. Càng không tin lời nói vừa thoát ra từ miệng con mẹ mập ú ngồi sau cái bàn lớn, vây quanh là những tủ kính, treo đầy những bộ quần áo của những hãng thời trang lớn trên thế giới: Gucci, Burberry, Armani, Versace …. Tôi chỉ tin vào trực giác của tôi, của một người đàn ông đã sống ở đất nước này năm mươi năm. Nhất là khi tôi bước ra đường, lẫn vào dòng người đông đúc đi mua sắm, hòa nhập vào một cộng đồng đang láo nháo một ngôn ngữ chung. Thứ ngôn ngữ mà tôi quá quen thuộc. Tiếng mẹ đẻ…. Nhất định nó phải có! Nó phải hiện diện quanh đây… Nhưng ở đâu?
    Con phố chạy dài, sầm uất và hào nhoáng. Những siêu thị, cửa hàng_ Nơi hơi lạnh tỏa ra mát dịu. Những dãy đèn xanh đỏ đầy ma lực và của cả dòng người trẻ tuổi đang cuồn cuộn chen lấn. Sự náo nhiệt, tiếng bass của dàn nhạc đập thình thình. Tiếng còi ô tô ré lên; càng lúc, càng đẩy sự cô độc của tôi ra phía góc đường, chổ mấy gã xe ôm đang ngồi co ro. Một tràng cười sặc sụa từ một đám thanh niên xa lạ, đuổi theo phía sau, bết vào lưng những dấu ấn nóng bừng….


  – Quanh đây có cái gì đặc biệt không ông?

  Gã xe ôm trong trạng thái mềm oặt của cái bánh xe xịt lốp, chợt bung dậy, như vừa được tống một luồng sinh khí mạnh quá mức cần thiết. Vươn cái cổ dài ngoẵng về phía tôi, gã chờn vờn như con cú đánh hơi con mồi. Đôi mắt sáng xanh trong đêm.
   – Ông hỏi gì? Ăn nhậu hay gái gú? …. Cà phê ôm nghe anh Hai?
   – Không, cái gì truyền thống một tí.
   – Quảng trường, đường biển, chợ hoa…. hay chùa chiền… Tâm linh. Gã ướm thêm.- Dịp Tết thiện nam ,tín nữ đông lắm! Vẻ bề ngoài của tôi được chuyên gia tâm lý nắm bắt.
  Không suy nghĩ lâu la gì lắm, tôi trả lời ngay: – Tâm linh đi! 
   Gã xe ôm ngoác miệng cười, cảm thấy thích thú với cái từ “độc” mà gã đưa ra đã câu được con mồi. – Lên xe…Lên xe đi, anh Hai! Rẻ mà….
   Tôi không tiếc số tiền bị chặt đẹp bởi “con cú” đã đưa tôi tới đây, nhưng tôi cảm thấy thất vọng về nơi mà gã đưa tôi đến. Đó không phải là nơi tôi cần tìm hay nói đúng hơn cái tôi cần tìm không có nơi đó. Đó là nơi hoặc quá tôn nghiêm hoặc quá đặc thù cho tính phổ quát. Khác đi mà nói, trong diện mạo mới mẻ, những kiến trúc tinh vi của kỹ thuật tân tiến, càng khiến nó không phải là nơi ẩn thân cho cái “linh vật” mà tôi đang tìm. Sự khôn ngoan của “Con cú”_ Kiến thức và sự nhạy cảm cần có, để hắn có thể sống được với cái nghề của hắn, trong trường hợp này là hoàn toàn sai lầm. Nhưng đó là chuyện của hắn.

Với tôi, tôi vẫn không từ bỏ!
*****
Tôi là con người của những cái mới. Rất có thể có nhiều bạn sẽ cười mỉm khi nghe đến câu nói này. Nhất là khi biết gã vừa nói là một gã đầu đã hai thứ tóc. Với những người ở lứa tuổi tôi, khi nghe đám bằng tuổi em út của mình đang bàn tán một chuyện gì đó, về các đề tài mà thế hệ chúng đang gặp phải từ chuyện chính trị, kinh tế, xã hội, thế giới….hoặc sẽ nảy sinh những cuộc tranh luận không có chỗ cho giao thoa, giữa nền tảng của hai luồng suy nghĩ, xuất phát từ hai thế hệ khác nhau…; hoặc lẳng lặng bỏ đi nơi khác, vì cho rằng mình không có chỗ đứng trong thời đại của chúng. Nhưng với tôi lại khác, tôi thấu hiểu bọn chúng hơn ai hết. Thế!…. Bởi vì hàng ngày tôi vẫn làm việc chung với bọn nó mà! Đồng đẳng, ngang hàng, không đặc quyền, đặc lợi… và được hưởng đồng lương như nhau. Trong những cuộc tranh cãi nảy lửa đơn thuần thuộc phạm trù công việc, đầy phần không kiêng nể, phần nhiều tôi vẫn bị những cú knock-out đến tái người…và khi hồi tỉnh, tôi mới đau đớn nhận ra rằng – Chúng quá thông minh và sự sáng tạo của thế giới tự nhiên này là vô hạn! Nếu không kiêng dè vì tuổi tác hoặc tối thiểu trong đạo đức cư xử giữa con người ở xã hội văn minh, chắc tôi cũng không có cơ hội kiếm được một công việc để nuôi sống gia đình.
Một vấn đề logic tiếp tục được đặt ra “Tại sao?”….Và cũng sẽ được chính tôi trả lời- Do tôi học khá muộn! Tôi còn nhớ khi làm luận án tốt nghiệp ở lứa tuổi bốn mươi hai, ông thầy của tôi – Một vị Tiến sĩ có nói – Bằng tuổi mấy anh bây giờ, người ta đã làm trưởng phòng, giám đốc rồi! Giờ mấy anh mới tốt nghiệp đại học.”  Nghe thực chua xót! Nhưng quay nhìn ngang những gã đồng môn đứng xếp hàng bên cạnh. Những khuôn mặt già nua, chưa thoát khỏi cái trạng thái đờ đẫn như còn lạc đâu đâu trong một mớ rối nùi của kiến thức chưa tiêu hóa nổi, tôi cũng tự cảm thấy an ủi. Bọn tôi là một thành phần rơi rớt còn sót lại, do muôn ngàn lí do, trong hành trình cố gắng bắt kịp. Chúng tôi là một thứ phức hợp: Lính tráng, thanh niên xung phong, lý lịch xấu, hoàn cảnh gia đình…. Một mớ tạp nham, giẻ vụn dôi ra trong buổi giao thời. Một thành phần bất trị được đẻ ra bởi thời đại cũ, mà chỉ có con đường đi học, nếu không, nó sẽ là một thứ tệ nạn khá tệ hại cho cộng đồng, khi hoà nhập với một thời đại mới. Không riêng gì bọn tôi bên này, bên kia đại dương cộng đồng nói tiếng mẹ đẻ, dù với những mục đích khác nhau, nhưng tôi biết cũng có một lực lượng tái trang bị đang cố gắng vượt qua sự khập khiễng, để hòa nhập với cuộc sống xa lạ. Trong tia hy vọng còn sót lại, Mẹ Việt đang cố khoác cho đám con râu ria, rách rưới những chiếc áo mới, để đón kỷ nguyên mới, dù chúng ở đâu, mang ý thức hệ là gì, một cách khá trễ tràng…. Biết rằng chúng phải đau đớn chấp nhận sự kỳ thị không tránh khỏi của quy luật tự nhiên. Những thế hệ đàn em đã thành đạt luôn nhận diện những chân dung già cỗi đi sau, với ánh mắt không ưu ái cho lắm!
 Đôi lúc chúng tôi cũng ưu tư, tự hỏi chính mình, với gần nửa đời người phế hoại, liệu có ai lột xác nổi chúng tôi một cách hoàn toàn không? Mẹ Việt luôn lãng tránh những câu hỏi như thế…. Điều này lý giải cho những khoảng khắc mông lung, sự níu kéo quay về với những gì mà chúng tôi đã từng gắn bó trong một khoảng thời gian khá dài và sự xuất hiện của một nhân vật nữ, mà tôi gọi là em- Đang đại diện cho một thế hệ!
****

– “ Chợ họp ở địa phận làng Ó, xã Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. Tương truyền ngày xưa đó là bãi chiến trận và đã có rất nhiều người chết trong các cuộc giao tranh. Là chợ đặc biệt nên chợ Âm Dương chỉ họp duy nhất mỗi năm một lần vào đêm mùng 4 rạng mùng 5 Tết Nguyên Đán (tức mùng 4, mùng 5 tháng Giêng âm Lịch).

Theo quan niệm của mọi người dân trong vùng, thì chợ họp là cơ hội hiếm có cho người chết và người sống được gặp nhau. Chợ bắt đầu họp vào lúc “lên đèn” trên một bãi đất trống, cạnh một ngôi miếu có tiếng linh thiêng trong vùng. Đây là chợ mà không có lều quán, không sử dụng đèn nến để thắp sáng. Nhiều người đi chợ thường mang theo một con gà đen được chăm sóc cẩn thận trước đó để làm vật tế thần. Tuy không có lều quán nhưng trong chợ cũng có nhiều hàng mã, hương, nến, cau, trầu…
Hàng hóa: Chợ không phải là nơi mua may bán rủi như nhiều chợ nơi khác. Trong chợ người mua không ai mặc cả, người bán không đếm lại tiền người mua trả. Trong bóng đêm chỉ thấy bóng người đi lại và tiếng thì thào to nhỏ. Người ta hầu như không quan tâm nhiều đến việc “mua may bán rủi” như ở một số chợ khác. Chợ họp là dịp để người cõi trần gặp người cõi âm. Ở đầu chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm hay tiền dương. Sáng hôm sau, có người xem trong túi đựng tiền của mình chỉ toàn là vỏ hến, lá dong… thậm chí có cả mẩu yếm sồi.
Ý nghĩa: Những ai đi chợ đều vui vẻ, thoải mái, họ quan niệm rằng đó là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã chết. Cuộc sống tâm linh của họ sẽ thanh thản hơn.
  Chợ tan khi còn đêm. Sau khi tan chợ, những người đi chợ lại mời nhau uống nước ăn trầu và hát quan họ Bắc Ninh.
Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian rất đặc trưng của vùng Kinh Bắc. Người ta quan niệm rằng, có như vậy thì việc làm ăn hay mùa vụ năm đó mới được thuận lợi.” – Nguồn Wikipedia.
….
Má tôi- Một người đàn bà mà cả cuộc đời gắn bó với cái chợ, kể “- Tao ngồi ở chợ cả đời nên tao biết, chỉ có cái chợ họp vào sáng hai mươi chín Tết là linh nhứt. Tao nhớ năm 78,79 gì đó .Bữa đó tao dọn hàng sớm. Trời tối om. Mấy sạp gần bên chưa ai dọn. Có ông thương phế binh chống nạng tới hỏi mua cái mũ. Tao tưởng ăn xin, vì ổng mặc đồ rằn ri mà lúc đó giải phóng lâu rồi. Thấy tội nghiệp nên tao nên tao cho luôn cái mũ. Ổng cứ nằng nặc đòi trả tiền. Cực quá tao mới nhận. Lúc sáng rỡ, tao dỡ ra mới thấy giấy nhựt trình không ! Còn cái mũ nằm chõng chơ dưới đất. Người ở dưới ,họ cũng đi sắm Tết như mình!” Bọn tôi lúc đó còn là những đứa nhóc, tin răm rắp lời bà và cũng từ đó, hiếm đứa nào đòi theo má đi dọn hàng vào những ngày giáp Tết nữa. 
  Chừng như với cái không khí âm lạnh, sắc nhập nhoạng của âm dương hòa trộn, sự mong mỏi thống thiết và tiếng thở dài đến quặn lòng của những người đàn bà suốt đời ngồi chợ, trong một sự di truyền từ đời này qua kiếp khác, trên một đất nước luôn đau quặn vì khói lửa, đã kéo không gian quá vãng và thực tại vào một ranh giới khó phân định, nơi họ hy vọng sẽ tìm lại những gì đã đánh mất ở quá khứ, mơ tưởng được toàn vẹn nó trong thực tại ,với cái khung không gian nhỏ bé là cái chợ…….Và niềm tin ấy quá lớn lao đến thiêng liêng.
   Theo tôi nhé em!

****

 Chợ đã nhóm họp từ nửa đêm, trong cái tiết mưa xuân. Mưa đâu từ hôm qua và cũng vào đêm. Những hạt mưa nhỏ, chừng như không trọng lượng, vần vũ như bụi, bám vào bất cứ nơi đâu có thể bám- Những chiếc lá, thân cây, cánh hoa, những bàn tay đen đúa, gân guốc…. Chúng đi tìm nơi trú ngụ, kết thúc đời phiêu lưu ngắn ngủi của mình, vỡ ra như không còn vỡ được nữa, hòa nhập thành những dòng chảy nhỏ, len lỏi vào những kẽ nứt, bào mòn những vết thương sâu hoắm trên những khuôn diện lồi lõm, bị ăn thủng bởi bóng tối, trong cố gắng dung hòa, tụ lại thành những giọt lớn hơn, rỏ tong tong xuống nền đất. Đất lầy nhầy, khoét rãnh răng cưa theo dấu chân người. Con đường chao nghiêng về một phía. Ngọn đèn đường phả màu vàng của nẫu chín, của thâm kim xuống thân hình gầy gò của những người đàn bà đang bày biện quang ghánh, thúng mủng…. dát lên một dáng vẻ trì trệ_ sự níu kéo của giấc ngủ chưa đẫy, trạng thái mù lòa của ý thức, của cái gì đó còn đang được dắt díu bởi mông muội. Âm thanh lép nhép tiếng chân người, vết bánh xe, bùn … Những lời thoại thầm thì…lúc có, lúc không…lúc văng vẳng rất xa…của thực, của ảo thanh. Mùi thoáng đãng của gió xuân đâu đó tràn về, ngai ngái của lá dập, tanh tao của bùn ….mùi chiếu gối chưa loãng trên thân thể của những người đàn bà. Đậu bên kia đường là dăm gã xích lô với khuôn mặt đã hóa đá.

 Những phiến hoa tươi, những đống trái cây màu mã não trên sắc tối, những con gà trống thiến với cái cổ dài như đóng đinh, những búi rơm vàng ruộm của đồng lúa co mình, đống vỏ khoai tươm nhựa, chiếc bóng của mẹ đổ xuống vỉa hè…….và màu trắng lòa của chiếc nón lá, ai đó vô tình bỏ quên bên góc đường.
 Một cộng đồng với những hoạt động thầm lặng như bị thôi miên trong sắc tối nhòe nhòe_ Ma mị!

***
  Bỏ dép ra đi em! Tôi nhắc khẽ với người con gái. Đi chân trần và cảm nhận được bùn. Tự dưng thấy thương tà áo dài trắng lấm tấm màu bùn. Thương em, vụng về…. Thương cái màu son của gót chân trên màu thẫm của bùn. Thương cái ướm chân run rẫy, khe khẽ. Thấu cái cảm giác gây lạnh và nhơm nhớp ban đầu; cái đường đột của gan bàn chân như tê cóng lại. Bùn tràn vào khe hở những đầu ngón chân, lan đến làn da đeo quai dép. Khứa những đường rãnh tế vi trên nền da trắng….Để em biết thương bàn chân sứt sẹo của Mẹ, những dặm đường dài thời gian, mòn mỏi trên bùn; để em còn biết thương đôi bàn chân nứt nẻ của chị, nơi bùn ăn lậm như một phần cơ thể, theo suốt cuộc đời _ lặn lội chợ búa, ruộng đồng…..
  Để em biết thương người! 

……

  Lại đây em! Lại thăm người đàn bà bán trầu cau trước cổng chợ.

   Mẹ! Mẹ cười móm mém. Tay thỉnh thoảng vén ống quần đưa lên quẹt nước bã trầu đỏ tươi, trào ra trên miệng. Trên tấm nilon tạm bợ là dăm chục lá trầu, mấy buồng cau, mớ sắc vún, ống vôi tươi…Mái tóc bạc trắng, xe chỉ. Tấm lưng còng, gẫy gập của một đời tần tảo chồng con. Mẹ ngồi thu người trên cái đồ ngồi, lọt thỏm. Những ngón chân có móng chân dài, thò ra ngoài đôi dép nhựa trắng, đầy cáu ghét và….. bùn. Thời gian bám rễ, đánh những nếp gấp sâu hoắm trên phận người, trên khung diện. Một đôi mắt đục lờ- Đôi mắt của người khiếm thị. Một bức màn trắng nhờ kéo ngang đôi mắt, khuất lấp những tia nhìn yếu ớt, nhưng cũng không khó cho người đối diện nhận thấy sự từ tâm, một quá khứ mỏi mòn, đầy nước mắt …Có biết bao người mẹ Việt như thế trên đất nước này, hở em?

– Má bán thu nhập có khá không má?
Mẹ cười, nghễnh ngãng. Đôi bàn tay với những khớp xương khô cứng, khum lại, đặt lên lỗ tai để nghe rõ hơn. Khung người nghiêng về phía trước.
– Tụi bây mua trầu cau làm đám cưới hả?
– Dạ không….câu nói ngắt quãng.
Em cười, ngượng nghịu….
Đột dưng, thâm tâm khẽ bảo:

– Mẹ ta đó em… Lạy mẹ đi em!
****

    Những nải chuối sứ căng mình trong lớp vỏ màu lục bảo. Những trái đu đủ ươm vàng , còn dính những vệt đất, chắc vừa hái vội vàng từ vườn đem xuống. Đống vú sữa tròn, tím mọng…..Những cánh hồng đỏ nhưng nhức. Nụ lay ơn lơi lả, bên trong những đường gân xanh là cả một cố gắng kìm chế sự khoả bung. Góc kia những bông hoa vạn thọ hâm nhiệt cho cả không gian bằng màu vàng của nắng đọng giọt còn sót lại cuối mùa, cháy lên trong màn đêm. Những trái dưa ung nẫu thẫm màu trên nền rơm vàng…..thẫm hơn nữa trong góc tối….. 

  Những con gà trói chân, nằm sắp lớp, cái đầu lúc lắc nhìn chân người qua lại. Người đàn bà đội chiếc nón lá sùm sụp, gật gù trong mơ màng. Một con heo, eng éc bên cạnh, quẫy lộn trong cái sọt…Mùi phân lậm trong không khí, làm em thoáng cau mày….
  Chị đon đả cười. Cả mùa xuân chừng như tiềm ẩn trong nụ cười, khuôn mặt của người đàn bà bán hoa. Chính sự rạng rỡ ấy đã tạo nên một dấu ấn tin cậy ,dù rằng một phần khuôn mặt vẫn còn nằm trong cái bóng mà chiếc nón tạo ra. Thô mộc phô diễn vẻ đẹp riêng của nó!
   – Mua mai đi em! Qua lấy rẻ cho!
 Chị dắt qua những chậu mai, giới thiệu từng loài. Hoàng mai- Quân tử , Bạch mai- Chinh phụ…Chiếu thủy- Thiền sư…Những chậu cây được tạo hình mang bóng dáng của những câu chuyên cổ tích xa xôi, gợi nhớ những khoảng khắc êm đềm thuở niên thiếu. Những ngày Tết quây quần bên nồi bánh tét, nghe bà ngoại kể chuyện… Trầu cau_ câu chuyện tình bi thảm nhưng trong sáng tình vợ chồng, nghĩa anh em… Hai bà trưng _ Những liệt nữ Việt đã trầm mình dưới dòng sông Hát, trong cái vận không may của kẻ khôi phục cơ đồ, để lại cho ngàn đời sau tấm gương quật khởi của một giống nòi,…của Thạch Phụ, người phụ nữ hóa đá bồng con, mòn mỏi đứng trông chồng, làm đau đáu nỗi lòng bao thế hệ hậu sinh về thủy chung……của Kiều_ cho cái nhìn thương cảm về những cung bậc thăng trầm của người kỹ nữ…. của Bích câu, Trinh thử, của Từ Thứ_ Gã vứt áo từ quan để tìm thú vui với đời lãng tử…. Của nguồn cội? 
 Nhớ không em!

 Này em -Người con gái Giao chỉ!
****

  Với những gì nguyên sơ nhất, thô thiển nhất, đại diện cho những công cụ gắn liền với sự sinh hoạt của một cộng đồng, trên thực tế có thể đã biến mất từ lâu, ta cũng có thể tìm kiếm được nơi đây. Từ chiếc sọt tre, cái nồi đất, những dãy dài chum chõe bằng đất nung của những người Chăm bày biện dọc đường. Những sắc áo truyền thống lạ mắt của một cộng đồng anh em cùng chia sẻ mảnh đất hình chữ S -Gia tài của Mẹ để lại…đến đôi guốc gỗ mòn vẹt, dưới chân con bé bán vé số sớm, tạo nên những tiếng khua lộp cộp khi gõ xuống mặt đường, đánh động không gian của cả con hẻm. Chiếc áo bà ba nâu bó thân người đàn bà, đâu đó còn sót lại, thấp thoáng trong bóng tối. Một hàm răng nhuộm đen xứ Bắc kỳ, trong cái cười chào hàng, lẫn vào muôn khuôn mặt lòe nhòe, liêu trai. Tiếng kẽo kẹt của đôi quang gánh bằng tre mật trĩu nặng, lướt qua, phả lên da mặt sự nhọc nhoài, chát mặn vị mồ hôi. Tiếng gõ khô khốc từ hai mảnh gỗ, ba nhịp một lượt, của thằng bé bán hủ tiếu gõ- người Tiều, khuấy lên cơn đói….

    Tiếng chuông leng keng xin đường.  Một chiếc xích lô trườn qua trước mặt, câm lặng và chậm rãi….
    Anh ta đó em! Ngất ngưỡng và những cử động vụng về. Những động tác như chưa bao giờ thuần thục được suốt cả cuộc đời. Những guồng quay ruộng rã đánh dấu cho một sự vận động ngõ cụt, nơi không còn tiến hóa. Sự rơi rớt còn sót lại của những sản phẩm thô thiển trong thời đại tiền cơ khí, khi sự tiến bộ của nhân loại đã vượt qua, quá xa .Khuôn mặt trơ đá dưới quầng sáng lập lòe của điếu thuốc. Nhịp môi bất động. Cái áo lính bạc màu, vá vai cho một thời trai trẻ cống hiến. Chiếc quần túm ống trong sợi dây chun, quét những vòng tròn – Gợi quỹ tích của một đời người thua thiệt. ….Tiếng súng, những trận đánh sống mái trong quá khứ bám riết lấy cuộc sống, cho đôi mắt cái nhìn cháy rực, lac loài. Thoát ra bên ngoài, nhưng bên trong chất liệu ấy cũng vô tình đốt cháy đến nham nhở một tâm hồn. Bóng người hằn trong bóng tối, ngạo nghễ….Tâm thức mê tỉnh trong hành trình vô định để tìm lại quá khứ, trên khung chiếc xích lô xiêu vẹo. Sự bẵng quên hai bên đường, những đổi thay đã mang những khuôn diện mới mẻ, những thế hệ trẻ hơn theo quy luật tự nhiên đang giành lấy cuộc sống của chính mình.

   Bóng người khuất sau con đường, lầm lũi, cô độc. Mặt hướng về phía trước, một khối nham thạch, biến dạng. Đôi mắt cháy….đốt về một nơi, có lẽ chúng ta không hề biết đến hoặc đã vô tình lãng quên.
****

   Người đàn bà thất thiểu , đội trên đầu vòng hoa, miệng gặp ai cũng hỏi “ Sao năm nay chim én không về hả bác?”,-” Sao năm nay chim én không về vậy em?” ….Sự náo nhiệt của cái chợ trong khoảng khắc, tự dưng chùng hẳn xuống . Một dòng điện vô thức lan truyền rất nhanh, đánh quỵ cả một cộng đồng, xuất phát từ một câu hỏi trống rỗng của một người đàn bà tâm thần. Đồng loạt như nhận được một tín hiệu bí ẩn, đầy ma thuật – Tất cả những người đàn bà bỗng đóng băng trong những hoạt động của mình. Đôi tay đang gọt trái khóm của người chị dừng lại- Nửa trái khóm theo quán tính vẫn còn lăn. Sự bất động của cái vòi sen đang tưới hoa tạo một góc độ không cân xứng với thân người, như chực ngã nhào. Một sức nhấn bị tiêu tán nội lực, khiến vòng quay hụt hẫng, dẫn đến một quỹ tích rối loạn với gã xích lô…..Bất giác, mọi đôi mắt đều hướng lên trời. 

 Mà thật! Khung trời trên đầu trống vắng đến lạ lùng. Ánh đèn bên dưới hắt lên mang theo khuôn mặt vàng vọt trong cái nhìn vô vọng, để kiếm tìm những chấm nhỏ chấp chới, chao liệng báo hiệu mùa xuân.

“-Năm nay chim én không về thật rồi!”  Người đàn bà điên lẩm bẩm, bỏ đi. Những người đàn bà quay lại với công việc, nhưng thỉnh thoảng đôi mắt vẫn hướng lên trời, kiếm tìm…

 Tôi vẫn nhớ những năm chiến tranh, khu chợ thỉnh thoảng lại xuất hiện một vài người thiếu nữ, cũng tóc tai rũ rượi, những nhành hoa trắng cài trên đầu chưa úa, đôi mắt dài dại như chiếc lá chết non. Người thiếu nữ đi qua cái chợ, thật chậm, chậm như một bóng ma, cũng mang thứ sức mạnh bùa chú làm chết lặng cả một khu chợ đang nhộn nhịp…. Và khi người thiếu nữ đi qua, một khoảng thời gian lắng im khá lâu, đủ để những khuôn mặt đờ đẫn dần trở nên tỉnh táo, những người đàn bà mới quay ra thì thầm “- Tội nghiệp con nhỏ, thằng chồng mới cưới của nó chết trận đâu tuần trước!”
  Đã một thời gian khá dài, đất nước không còn tiếng súng. Nhưng những lời ca của Trịnh công Sơn “ Tôi có người yêu chết trận Ba Gia. Tôi có người yêu vừa chết đêm qua .Chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò, không hận thù, nằm chết như mơ….” Hoặc của Trần Tiến “ Một ngày tiếng súng ngưng….một người lính trở về….tìm người con gái trong mùa chim én bay…” vẫn còn làm não lòng người những lúc vô tình nghe lạị.
   Xin với tôi, có lời chúc nguyện thật tâm cho những cánh én quay về, trong sự mong mỏi nhỏ nhoi của những người đàn bà, sự mãn nguyện cho một đòi hỏi từ con người đã thuộc về thế giới vô thức, số phận thiệt thòi của những người thiếu nữ Việt, trên một đất nước đã chịu quá nhiều khói lửa …. Nhớ em!

***
 …..  

   Trời sáng tỏ mặt người. Cái chợ trở nên huyên náo, rộn rịp hơn bao giờ hết. Sự hoạt động đã lên đến đỉnh điểm của nó. Dòng người đủ mọi sắc áo từ khắp nơi cuồn cuộn đổ về, lũ lượt đi mua sắm. Âm thanh thực tại át dần những suy tưởng mơ hồ. Người thiếu nữ bên cạnh đã lạc mất đâu đó trong dòng người. Tôi không đi tìm nàng. Tôi biết em cũng đủ sự trưởng thành để tìm đường về….

  Tôi bắt gặp “Con cú” trên lề đường, trước cổng chợ. Cũng cái cười ngoác rộng, gã đon đả trước “-Tui biết thế nào cũng gặp anh trong này. Lên xe đi anh Hai. Tui chở về nhà, không lấy tiền đâu!”
  Tôi giỡn “– Sao ông biết! ….Tâm linh hả?”
   Hắn cười, gật gù : “ – Tâm linh…ừ tâm linh”
  Tôi nghĩ “ Gã biết! …..Ai sống trên đất nước này lại không biết!”
……..




   Trên dặm đường mưu sinh, tôi đã gặp nhiều cái chợ. Cái chợ nhỏ ven rừng cao su ở Bầu Bàng, Bình Dương; Cái chợ ở khu công nghệ cao Q.9 Thủ Đức; Náu mình giữa chốn náo nhiệt, phồn hoa Sài Gòn; Quốc lộ 22- Củ Chi; Chợ Biên giới- Tây Ninh; Trà Ôn -Cần thơ; Sóc Trăng; Long xuyên…. Dù không mua gì, nhưng tôi vẫn ghé lại, chỉ để ngó. Để nhận diện khuôn mặt của những người đàn bà cả cuộc đời, với đức tính cần mẫn di truyền trong một sự gắn kết và để tìm kiếm một linh vật mà trãi qua thời gian, khói lửa, những cuộc chính biến trên đất nước này….vẫn không phế truất được nó; bởi phần nào trong đó, là sự ẩn chứa của một bề dày lịch sử, văn hóa…. sự tử tế, lòng bao dung, tính nhân văn của một giống nòi.

Tặng những thế hệ phía sau
Vũ Khuê