Vào mùa hè, thảm cỏ xanh trong công viên có đôi ba phụ nữ trải khăn, phanh
ngực nằm dang tay dạng chân phơi nắng. Bốn năm đứa nhỏ quây quần gần đó nghịch
đùa cùng trái bóng lăn. Ruồi tụ bầy trên những thùng rác, chúng bay lên khi có
đứa hổn hển chạy bộ vụt qua. Công viên thu cất một bộ mặt không mấy vui, dường
như nó thiếu bóng cây, vẫn rát mặt chẳng khác gì người đi bên ngoài phạm vi nó.
Nói chung, đó là chốn khá vắng tẻ; chẳng trông ra một hấp lực nhằm trì kéo đôi
chân bộ hành muốn vào tìm chỗ ngơi nghỉ.
Mùa thu, diện mạo nó dễ nhìn hơn. Màu vàng kia chẳng do nắng cưỡng chiếm, gió
thổi lá rơi tích tụ để dần dà phủ đè lên bãi cỏ xanh, quét lớp sơn mới đẹp hơn
màu hoàng thổ, đánh lừa cảm nhận để làm quân bình chút se lạnh chợt dấy lên.
Màu sắc vẫn luôn ký gửi về một thứ giá trị, người ta sẽ rùng mình chừng nào bị
vây khổn giữa mênh mang sắc trắng, lạnh. Điều ấy nào lạ gì, trong lãnh vực hội
hoạ đã phân chia sẵn hai nhóm màu: Nóng và lạnh. Mùa thu nằm giữa biên độ kia,
ấm.
Chim chóc trên đường thiên di trốn lạnh có thể mượn công viên nọ làm trạm
trung chuyển. Hai ba loài khác nhau, khác tiếng kêu, khác vóc vạc, khác bộ lông
và giống định luật sinh tồn của đại dương, cá lớn nuốt cá bé; loài chim cũng
thích ỷ mạnh hiếp yếu. Mạnh chậm chạp, yếu nhanh nhẹn, đó cũng là thứ trời sinh
để bảo hoà. Chim to khó bề tấn công chim nhỏ. Vì vậy thoạt nhìn ngỡ rằng chúng
sống trong hoà bình. Cũng tuỳ vào vùng miền, chim chóc ở xứ này rất dạn dĩ, có
vẻ thân thiện cùng loài người với điều kiện giống sinh vật hai chân không có
cánh kia đừng đông đúc chộn rộn. Công viên vắng tẻ lại hợp ý với loài lông vũ.
Tiếng kêu quang quác, tiếng hót giàu cung bậc hoặc chiêm chiếp kiệm lời cũng đủ
truyền âm đi xa, kêu gọi đồng bọn lỡ bay sai đường.
Không biết từ bao giờ, trên chiếc ghế đá lẻ loi mọc lên một hình người. Mùa
Halloween đã gần kề và bộ dạng người đàn ông rách rưới kia tựa như một hình thể
trang trí mà người ta sớm mang ra dựng đặt. Nếu ông ta đứng ngoài cánh đồng bắp
có thể nhát được những cánh chim yếu bóng vía. Nhưng ngồi trong công viên, ông
rõ là một người bạn chân tình. Ông cần cù, trì chí cho chim ăn bằng tất cả
những gì ông có được. Ăn quen bén mùi, thêm thay “thằng chả” y như một tỳ kheo,
Phật tử thuần thành hay sao á, mà lần hồi đã có lắm con dạn dĩ hơn mức quy
định, “lờn mặt” dám đậu xuống trên cái mũ nồi bạc màu của “thiền sư”. Để đánh
đổi, chúng ríu rít hát ca vui nhộn bên tai và ông, chỉ mong được vậy là đã hài
lòng. Những loài chim nhỏ có một hai con thay phiên đậu vào lòng bàn tay ông,
cắn hạt đậu hoặc quẹt mõ. Vì thức ăn, vì tâm người, nên vô tình chim đã “coi
trời bằng vung”, xem sanh mạng nhẹ tựa… lông hồng.
Ông đến thường nhật, có vẻ đúng hẹn và chim như mừng vui khi bắt gặp dáng đổ
ông xiêu lạc bước vào vị trí cũ. Chim có tổ người có tông và ông, dường như
không có mái nhà ổn định. Thứ trang phục diện trên người ông nói rõ một điều:
Kẻ vô gia cư. Ốm gầy, xác xơ, có vẻ đói khổ. Lạ, một hình nhân như vậy lại hào
sảng chia sớt lương thực cho chim. Thực đơn thay đổi, hôm nay chim được ăn bánh
mì. Loại bánh mì đặc sản của Pháp, ốm. dài, dòn, ít ruột. Baguette Francaise.
Hành trang ông mang theo bên người lỏng lẻo, từ cái bị vải èo uột lôi ra chai
nước suối, mày mò một lát lại nắm được cái tô vốn đựng mì trụng ăn liền của
Korea. Ông chế nước vào cái hình thể móp méo dị dạng kia, đặt bên chỗ ngồi và
chim đã hiểu ý. Có con gục đầu vào uống, có con thích thú nhúng thân vào chậu
để tắm táp qua loa, vẫy đuôi hớn hở kêu réo liên tục. Mọi cử động của ông thảy
nhẹ nhàng, cẩn trọng, rụt rè chừng sợ buổi liên hoan của chim hốt hoảng mất
vui. Ông nhìn chúng bằng đôi mắt linh hoạt, sáng trong như con trẻ chú tâm vào
một trò chơi nhiều mê đắm. Hạnh phúc thường không lâu, khi no nê thoả thích
chim vụt bay về cây cành xa khuất, chúng hót lãnh lót như một lời chào gửi lại,
hẹn hò ngày mai.
Cách một lòng đường khá rộng có hai chiều xe xuôi ngược, từ trong cửa hàng
tạp hoá người đàn bà thỉnh thoảng vẫn phóng mắt ra lơ đãng nhìn. Vui mắt khi
chim tụ bầy để có khi phát hiện một ô trời câm lặng đóng khung, mới thấy dáng
ngồi nhẫn nhục đó, lơ đễnh một chốc chỉ còn chiếc ghế đá cứng thân; chẳng rõ
ông ta biến đi đâu? Ông nhắm hướng nào và đâu là đích cuối? Theo sự hiểu biết
của bà, có một cái công viên khác nhưng phải mất cả tiếng mới lội bộ tới. Và
cũng theo phỏng đoán, bà biết ông ấy chẳng còn gì để cho chim ăn. Đứng sau quầy
tính tiền, để tìm chút thư giãn mắt bà luôn đặt để về phía công viên, tuy tầm
nhìn bị giới hạn nhưng cái ghế đá, chỗ ông ấy ngồi cho chim ăn vẫn là phạm vi
nằm trong nhãn tuyến của bà. Ban đầu là sự tò mò, dần dà thứ hình ảnh người
ngồi cho chim ăn ngoài kia, qua những chấn song cửa, đã trở thành một nỗi gì
quen thuộc, quen thuộc cả thời khắc đang trôi, chẳng nhìn đồng hồ cũng hay biết
giờ giấc đang điểm tới ngang đâu. Vắng hình ảnh đó thì nghe trong lòng có chút
gì bất an. Đã nhiều lần bà có ý định sẽ nhờ ai trông coi phần việc của mình chỉ
chừng năm mười phút để vội khoác thân chiếc áo ấm, tay cầm iPhone hối hả chạy
băng qua đường, dẫm chân lên bãi cỏ để chụp bắt đàn chim đang quây quần bên
cạnh ông. Một ông già Noel phát quà cho bọn trẻ con trong mùa lễ chưa chắc đã
mang đủ nét đẹp tựa thế. Một vẻ đẹp chính bà không thể tự mình cắt nghĩa. Quá
đẹp. Chỉ biết có vậy thôi. Đã nhiều lần, cứ lu bu, cứ rối trí nhận tiền thối
tiền… mà chưa rảnh tay để thực hiện. Một khuôn mặt tự bà vẽ ra trong trí mãi
còn nằm đó, thế nào cũng phải có khi mình nhìn ra hoàn chỉnh thứ chân dung bằng
xương bằng thịt kia. Râu tóc rối rắm? Da nhiều nếp nhăn? Chừng khoảng 60 tuổi?
Vì khá lớn tuổi, vì đàn bà, nên người chủ tiệm tạp hoá sắp việc cho bà vào
ca hai, từ 11.30 AM đến 6.30 PM. Ngày có ba ca, chia giờ giấc như vậy là hợp
lý. Quá sớm hoặc quá khuya nên để cho thanh niên trai tráng đảm trách. Mức
lương thấp nhưng người đàn bà chẳng đòi hỏi gì, bởi sức khoẻ của bà trông như thích
hợp với công việc tạm xem như nhàn nhã, chẳng dơ bẩn, chẳng vật lộn tay chân
quá đáng.
5 giờ chiều, trời chóng tối, con đường vắt thân bên ngoài đã thắp sáng hai
hàng cùng lần với đôi ba ngọn tù mù trong công viên vừa bật điện. Cửa tiệm tạp
hoá mở, chút gió lạnh lùa vào theo chân đi hai người cảnh sát mặc sắc phục. Một
người đứng chống nạnh nhìn hờ hững bao đồ vật xanh đỏ chất đầy trong tiệm và
một người tiến lại quầy. Chào buổi chiều, ông ấy có bao giờ lân la tới hỏi
chuyện bà không? Cái ông già hay ngồi ngoài công viên đấy. Xin lỗi. Chuyện gì
ạ? Người cảnh sát lập lại câu hỏi, rồi thêm cho rõ ý: Chúng tôi tìm thấy trong
túi áo ông ấy có cái bao ny-lông in tên cửa hiệu này. Ồ, có thể ông ta vào đây
mua thức ăn cho chim, tôi bắt đầu làm việc lúc 11 giờ 30, thành ra tôi chưa
từng gặp mặt ông ấy. Tôi đang tự hỏi là đã hai hôm, vì sao tôi không thấy cảnh
ông cho chim ăn. Đã có chuyện gì xẩy tới? Người cảnh sát nhặt lấy một phong kẹo
cao su và đếm nạm tiền lẻ vừa đổ xoà trên mặt quầy, giọng tỉnh khô: Ông ta chết
rồi. Chẳng ai phát hiện cả, bị chim chóc rỉa và moi ra cả hai tròng con mắt.
Theo bà thì ông ta vào chỗ này để mua thực phẩm khoảng mấy giờ? Có mua rượu
không? Tôi nghĩ là vào giấc sớm, ngày mai ông có thể hỏi cô Jane, phụ trách ca
đầu tiên. Ừ, cũng chẳng quan trọng. Cám ơn bà.
Sáu rưỡi, người đàn bà vào rửa tay rửa mặt, cởi tạp dề. Bà lựa một cánh bông
hồng, màu trắng. Một hộp đèn cầy dùng thắp hôm sinh nhật, cửa hàng chỉ còn có
loại đó và cuối cùng bà nhặt một cái bánh sừng trâu cho vào bao giấy. Bà đặt
tất cả lên quầy tính tiền trong lúc mặc áo ấm. Ông Henry, người thế chỗ bà để
cày ca cuối, nheo mắt: Một ngày đặc biệt, đúng không? Hơi khiêm nhượng đấy nhé.
Cả thảy là 7 đồng 25 xu. Tôi lấy một bao diêm sinh. Ơ,cái này thì cho không.
Chúc buổi tối vui vẻ.
Người đàn bà đứng đợi đèn chuyển màu ở ngã tư, băng qua đường. Công viên thu
giữ một vũng tối, bóng đêm chừng như khuếch đại tiếng chân bà dẫm lên đám lá,
ngỡ như ngoài mình ra còn có đôi bàn chân nào khác cùng hoà nhịp. Bà tới đứng
bên chiếc ghế đá, nhìn về tiệm tạp hoá, tự hình dung ra chỗ mình từng trông
qua. Hộp đèn cầy chứa 12 cây nhỏ với bốn màu, xanh đỏ vàng trắng. Bà đốt và cắm
hết một tá đốm sáng lên ghế xi măng ẩm lạnh. Một cánh hoa trắng và chiếc bánh
sừng trâu, hay croissant, hay nửa vần nguyệt. Ăn lấy thảo, hẳn không đầy bụng
đâu. Khoảng trống ấy là chỗ ông ta vẫn ngồi. Bà đi bọc quanh thân băng ghế dài
dành cho bốn người, nếu ông ta nằm xuống, hẳn mình sẽ không tài nào trông thấy
bởi sự che choáng của tấm xi măng dùng để tựa lưng.
Chẳng một ai hiếu kỳ bước vào nhìn những đốm sáng không chịu tắt bởi gió hắt
ánh vàng vọt lên khuôn mặt một người phụ nữ châu Á. Hoặc những kẻ bộ hành ngoài
kia thảy đều đã bị mù mắt. Người đàn bà không rõ lắm về lề luật chốn này, họ sẽ
giải quyết hậu sự như thế nào dành cho một kẻ vô gia cư, vô gia đình, chẳng có
ai thân thuộc bên mình. Bà vừa di dân tới đây không lâu, thuê một căn phòng nhỏ
và khu vực quanh đây chỉ riêng bà là kẻ lạ mặt. Họ tên bà mang: Nguyễn Thị
Thương, nhưng giấy tờ tuỳ thân bị đảo ngược và rơi rụng hết dấu. Người ở đây dù
sáng mắt, đủ đầy lưỡng mục cũng chẳng bao giờ gọi đúng tên bà. Ra đón xe buýt,
bà nói thầm: Tiếc là chỗ tôi họ không nhập ba loại hàng lỉnh kỉnh dành cúng cho
người vừa khuất. Ông ơi, tôi hối hận vì đã chẳng thể đứng trộm nhìn vào mắt ông
được một lần và giờ này quá đỗi buồn khi chẳng thắp được cho ông một cây nhang.
Ngày mai nhé. Và tôi nhất quyết sẽ không cho chim ăn.
Lá rơi. Trời chuyển lạnh, lạnh tới độ rùng mình.
Hồ Đình Nghiêm