04 November 2017

LƯU BÁ ÔN, CHUYỆN BÊN LỀ - Võ Kỳ Điền

Tôi biết ông Lưu Thành Ý trước khi biết ông Lưu Bá Ôn. Đến khi học Văn Học Sử Trung Hoa thì đọc được công trình danh sĩ Lưu Cơ với nhiều tác phẩm trong đó có bản văn nổi tiếng được truyền tụng “Mại cam giả ngôn” (Lời người bán cam). Lúc đó mới biết Lưu Cơ là Lưu Bá Ôn mà cũng là Lưu Thành Ý. Tuy gọi là ba tên, thiệt ra chỉ là một người.


Lưu Cơ đậu Tiến Sĩ, chức vụ Tể Tướng, là khai quốc công thần đời nhà Minh, giúp Chu Nguyên Chương hoàn thành đại nghiệp. Ông Lưu Cơ nầy tự là Bá Ôn, tước Thành Ý Bá. Khi đọc sử sách ta bắt gặp nhiều nhân vật khi thì tên nầy, khi thì tên kia nhưng coi kỹ lại thì chỉ là một người. Cái khó khi đọc cổ văn Trung Hoa và Việt Nam là phải biết nhiều loại đặt tên của một danh nhân, rồi phải biết phân biệt chức và tước, phẩm hàm ra làm sao và rất nhiều thứ khác biệt chi ly nữa. Rồi mỗi thời đại lại có nhiều cách khác nhau. Như Nguyễn Trãi thi đỗ vào đời nhà Hồ, thời đó chưa có danh xưng Tiến Sĩ, mà phải gọi đúng là Thái Học Sinh.

Tôi chỉ muốn kể cho các bạn nghe một chuyện vui bên lề của danh sĩ Lưu Cơ nầy. Số là hồi nhỏ tôi mê bói. Trong nhà có bộ sách bói cũ vàng ố, xưa thiệt là xưa. Tôi không biết cổ nhân viết gì trong đó cho nên rất tò mò, quyết tâm học chữ nho để đọc cho bằng được.  Đó là cuốn Bốc Phệ Chánh Tông của Lưu Thành Ý. Đến khi đọc được lỏm bỏm thì rán đọc phần lạc khoản, tức là cái trang đầu ghi tên tác giả cùng học vị, chức tước, niên đại… Nhưng hoài công vô ích, chỉ có tên sách và tên tác giả  rồi hết. Tìm hoài chỉ có bấy nhiêu, không thêm bớt một chữ nào.

Cuối lời Tựa (Tự) trang trong có ghi một dòng tên người đề: Năm Kỷ Sửu, đời Khang Hy, Ngô Quận, Trương Cảnh Tùng viết vào mùa đông, tháng mười ở Dung Giang Thảo Đường. Nhưng điều tôi muốn tìm hiểu là người trước tác Lưu Thành Ý, chớ không phải ông Trương Cảnh Tùng, người đề Tựa.
Vì tôi mê nghiên cứu chuyện bói toán nên cố tìm hiểu ông Lưu Thành Ý nầy.  Bốc Phệ Chánh Tông được xuất bản năm Khang Hy đời Thanh. Đó là tác phẩm căn bản khoa bói Dịch Trung Hoa cổ, với công trình tim óc bốn vị đại thánh: Phục Hi, Chu Công, Văn Vương và Khổng Tử. Nó được tìm tòi, nghiên cứu, khám phá thể dụng của bộ Kinh Dịch qua gần mấy ngàn năm và khi đến tay Lưu Bá Ôn, một đại trí thức đời Minh thì trở nên hoàn thiện. Ông Lưu Bá Ôn tiếp tục nghiền ngẫm những cái đúng, cái sai, rồi đúc kết những kinh nghiệm cả đời viết nên “Huỳnh Kim Sách Tổng Đoán Thiên Kim Phú”. Có nghĩa là “Phú Tổng Đoán Ngàn Vàng của Quyển Sách Vàng”.
Bài Phú nầy là tổng kết những định luật căn bản để đoán một quẻ bói Dịch. Những định luật nầy được lý luận chặt chẽ, biện chứng được lập thành hệ thống y như những định luật toán học chúng ta bây giờ. Khoa Bốc Phệ của Lưu Thành Ý không hề giống Mai Hoa Dịch Số của Thiệu Khang Tiết, cũng không hề giống bất cứ khoa bói nào khác như Tử Bình, Tử Vi… Viết đến đây tôi xin được ngừng lại vì vấn đề chuyên môn và không muốn nói nhiều thêm về trò chơi nầy.
Tôi chỉ muốn nói khi viết xong Huỳnh Kim Sách Tổng Đoán Thiên Kim Phú, Lưu Bá Ôn đã cho sao chép ra nhiều bản, cho niêm yết trên các đường thập tự, nhiều kẻ qua người lại trong kinh đô với lời Cáo Thị:
– Bất cứ ai sửa được một chữ, sẽ được thưởng ngàn vàng.
Đó là lý do tại sao gọi bài Phú nầy là bài phú ngàn vàng. Vừa nghĩa đen vừa nghĩa bóng.  Thôi mình cứ hiểu là bài Phú nầy rất quí. quí từng chữ một, quí như vàng ròng.
Quả đúng như vậy, dù được niêm yết qua nhiều năm tháng, bản văn hay đến nổi các danh sĩ đất Thần Kinh không ai sửa được chữ nào. Như vậy bản văn đó quá hay, phải gọi là tuyệt bút , mà cũng phải được gọi là thần bút… Chỉ có thần bút mới không có một ai thấy được lỗi nào. Như kinh của các tôn giáo vậy.  Ông Lưu không phải mất một thỏi, một khối, một cục vàng nào cả. Tôi mê Huỳnh Kim Sách đến độ đi đứng nằm ngồi, lúc nào cũng đọc… như tối nào trước khi đi ngủ cũng đọc Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh của Ngài Huyền Trang vậy.  Đã là kinh rồi thì không dám đọc trật một chữ. Đọc thuộc lòng như cháo, đọc sai là có lỗi đối với tiền nhân.
Đến bây giờ suy nghĩ lại, thấy hình như tất cả mọi người bị gạt. Thuở đó ông Lưu Bá Ôn làm Tể Tướng đương triều, quyền nghiêng thiên hạ, danh sĩ nào dù giỏi cách mấy đi nữa, liệu có dám vổ ngực đứng ra sửa một chữ để lấy được ngàn vàng hay không. Nếu có ngu thì cũng nên ngu vừa vừa chớ, còn có vợ dại, con thơ, tội gì mà sửa mũ mấn quan Tể Tướng, bộ không sợ chết hay sao!  Còn phần tôi đã lỡ thuộc rồi, bây giờ muốn quên cũng không được. Thôi kệ, lỡ rồi cho lỡ luôn.
“Động tĩnh âm dương phản phúc thiên biến, tuy vạn tượng chi phân vân, tu nhất lý nhi dung quán. Phù nhân hữu hiền bất tiếu chi thù, quái hữu quá bất cập chi dị. Thái quá giả tổn chi tư thành, bất cập giả ích chi tắc lợi. Sanh, phù, củng, hợp, thời võ tư miêu, khắc, hại, hình, xung, thu sương sát thảo….” đọc lên âm thanh trầm bổng có ca có kệ nghe êm tai lắm nhưng mà đọc tiếp e rằng các bạn sẽ cười…
Riêng tôi thấy văn mà viết đẹp y như thơ, không mê thì cũng lạ. Văn nhân Trung Hoa cũng đâu có ngu, họ cũng thuộc bài phú nầy còn nhiều hơn tôi nữa và cũng đã truyền tụng qua bao nhiêu thế hệ.  Vậy mới biết, dù như thế nào đi nữa, hễ là ngọc thì đời nào cũng là ngọc, không phải là đá!
Đó là một trong nhiều lý do tại sao tên tuổi Lưu Bá Ôn được người đời truyền tụng, là do ông biết chọn lọc, góp nhặt tinh túy của tiền nhân cộng với bút pháp tài hoa hành vân lưu thủy nầy.

Võ Kỳ Điền
Laval, August 2017