04 November 2017

NỢ NGƯỜI… NAM PHƯƠNG! - Vũ Khuê

“Hòa bình ơi! Hòa bình ơi! Bao giờ mi mới trở lại cho thôn quê miền Nam lấy lại vẻ mặt vui tươi, niềm nở của một dân tộc hiền hòa, hiếu khách; coi tiền tài như phấn thổ, nhơn nghĩa tự thiên kim! Miền thôn quê yêu dấu, trãi qua bao cơn biến đổi tang thương vẫn gìn giữ nguyên vẹn kho tàng đạo nghĩa của một dân tộc hết sức hiền lành; nhưng có một tinh thần thượng võ, ý chí  bất khuất , bền gan chiến đấu làm kinh tâm cả Thế giới”
Gò Công_ Xưa và nay (Huỳnh Minh) 1968 

Tôi về Gò Công vào những ngày đầu mùa mưa. Tháng năm mang đến những cơn mưa chiều nặng hạt và cả Sài Gòn như thể được gột rửa_ sáng láng và tươi tỉnh hơn trong việc sửa soạn cho một ngày lao lực thường nhật. Tầm khoảng 7h 30 sáng, Quốc lộ 50 cắt ngang đại lộ Nguyễn văn Linh đông nghẹt những người. Con đường hẹp, không tốt cho lắm. Sự chen chúc làm bắn lên những mảng nước bẩn đọng lại từ các ổ gà. Những biển quảng cáo, quán hàng hai bên đường náo động.
Những màu sắc hỗn mang. Tiếng càu nhàu , chửi đổng xen lẫn tiếng động cơ xe máy, xe hơi.. …Dù  đã suy hao một phần áp lực từ trận mưa đêm hôm trước, Sài Gòn vẫn với những đặc trưng của nó tham lam lấn mãi ra tận vùng ngoại vi trong một sự cưỡng chế ưu thắng . Trong tầm mắt  tôi, không gian bên thất thủ cứ lùi dần, lùi dần…. xa ngút phía sau dòng xe cộ nườm nượp chuyển động. Tự dưng con người cảm thấy ngợp và mong mỏi một khoảng khí trời. …
Theo quốc lộ 50, qua cầu Ông Thìn bắc ngang sông Cần Giuộc đi thêm một đoạn nữa bước qua địa giới  tỉnh Long An.  Nằm nép bên trái dãy nhà quản lý khu công nghiệp Tân Kim,  là di tích lịch sử Đình Chánh , Tân Kim. Nơi đây có mộ và điền thờ Tiền hiền Mai Văn Giã, thủy tổ mai tộc xã Tân kim. Ông nguyên quán ở thôn An Quới, huyện Phù Ly, Phủ Quy Nhơn ( nay là xã An Quới, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) . Cuối thế kỷ  XVII, ông theo dòng người Nam tiến từ miền Trung vào khai khẩn đất hoang tại khu vực ngã ba Rạch Cát Hạ ( nay là ấp Tân Phước, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc). Từ đó, lưu dân quy tụ ngày một đông, ra công khai khẩn biến rừng hoang thành ruộng đồng trù phú như ngày  nay. Đình được thành lập vào năm 1860 để thờ ông  và được phục dựng vào năm 2002.
Từ Bình Định vào đây khai phá
Bao gian lao vất vả chi sờn
Tân Kim là đất dừng chơn
Đời đời con cháu ghi ơn kính thờ

Tôi có hỏi ông Từ giữ đền về tính nguyên trạng của di tích, thì ông bảo vẫn còn y như cũ, chỉ mới xây thêm phần phía sau điện thờ. Nhưng thoáng nhìn quanh , tôi có cảm nhận có cái gì đó không được ổn . Có thể là do sự áy náy  về một định dạng quá tân thời đang tạo áp lực cho  một khối thời gian đang cần bảo tồn một cách nguyên bản, tối thiểu hóa sự xáo trộn ….và ở đây, sự phục dựng không chuyên nghiệp đã lấy đi phần hồn của một nguyên tác  đã thách thức thời gian đến gần hai thế kỷ, sau bao biến cố.

Di tích đình chánh Tân Kim _ Tân Kim/Long an ( Ảnh tác giá)
      Huyện Cần Giuộc còn hai di tích đáng lưu ý  nữa là công viên Nguyễn Thái Bình và tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc. Công viên tượng đài liệt sĩ Nguyễn Thái Bình tọa lạc tại ngã ba giữa quốc lộ 50 và đường tránh trị trấn Trí Yên. Công viên có quy mô không lớn nhưng kiến trúc khá đẹp. Nền được lát đá hoa sạch sẽ, phía trên có tượng đài người sinh viên trẻ tay cầm sách, đứng vươn trên đám lá dừa nước, mặt hướng về phía Bắc, phía thành phố. Nguyễn Thái Bình sinh ngày 14-01-1948,  tại xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long an. Ông là sinh viên du học tại trường cao đẳng Fresno ( California), tham gia phong trào sinh viên phản đối cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ông bị bắn ngày 02/07/1972,  trên chiếc  Boeing 747 của hãng Pan America, tại phi trường  Tân Sơn Nhất, với  việc khống chế tổ lái_  đòi đáp máy bay xuống sân bay Hà Nội.
Nằm ngay giữa trung tâm hành chánh của thị trấn, Tượng đài nghĩa sĩ Cần Giuộc bằng đá hoa cương mô tả một nhóm người nông dân tay nắm những thứ vũ khí thô sơ như liềm, phảng….trong tư thế xốc tới mạnh mẽ. Hình ảnh gợi lại cuộc tập kích ngày 16/02/1861 của nông dân Cần Giuộc  dưới sự chỉ huy của Thống binh Bùi Quang Là và Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định vào một đồn lính Pháp. Cuộc tập kích bất thành, do quân Pháp được viên trợ kịp thời. Nghĩa quân rút lui để bảo toàn lực lượng và bị thiệt hại khoảng vài trăm người  . Sự hy sinh kể trên tạo cảm hứng cho nhà nho yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) viết nên bài văn Tế bi hùng, được xem như một trong những áng văn chương tiêu biểu cho phong trào chống Pháp nhân dân Nam bộ vào những ngày đầu tiên nước Việt ghánh chịu thảm họa xâm lăng. Trong góc nhìn hiện đại hơn , bài văn Văn Tế Nghĩa dân chết trận Cần Giuộc (1861) đã nêu lên nguyên nhân sâu xa của một cuộc chiến được nhen nhúm, âm ỉ lắm lúc tưởng chừng đã tắt và rồi bùng lên, kéo dài trong suốt 117 năm ( 1858-1975) ở miệt Nam bộ.
Cũng là dân chú trọng lịch sử, một lần trong buổi tham quan khu bảo tàng chứng tích chiến tranh ( War Remnants Museum), tôi có làm quen với một du khách Úc ( Australia) đứng tuổi. Tôi có hỏi ông ta về nghĩ sao về nguồn gốc của cuộc chiến mà đất nước ông ta đã từng gửi quân tham gia, với tư cách là một đồng minh. Sau bốn mươi năm ngày im tiếng súng, ông ta trả lời rất ngắn gọn “_ Mọi thứ bắt đầu từ người Pháp”. Tôi nói “ Ông đúng!”…..
Trở lại với bài văn Tế của Nguyễn đình Chiểu
“   … Nhớ linh xưa
Côi cút làm ăn
Riêng lo nghèo khổ
Chưa quen cung ngựa, đưa tới trường nhung
Chỉ biết ruộng trâu ở theo làng hộ;
……
Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, ở dòng lính diễn binh;
Chẳng qua là dân ấp, dân làng, mến nghĩa làm quân chiêu mộ
……..
Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân
Cây hương nghĩa sĩ thắp nên thơm, cám bởi một câu vương thổ….”
….
Tôi mất một thời gian khá lâu, đứng trước ngân hàng Vietcombank, ngóng qua tượng đài  nhưng người nông dân chân đất với lòng ngùi ngùi.
***
Quốc lộ 50 được biết như ngày xưa, chỉ là tỉnh lộ lót đá dăm và khá hẹp, nhưng là con đường huyết mạch từ Gia Định đi về Gò Công, Chợ Gạo, Mỹ Tho, Bến Tre … Thời thực dân và trước nữa, nó đã hiện diện nhưng với quy mô nhỏ và sơ sài hơn. Cái tên phổ thông là đường ngựa trạm bắt nguồn từ việc chuyển công văn, thư từ …từ những nơi trú đóng xa xôi của những đồn binh địa phương tới các thành lũy trung ương thời Chúa Nguyễn . Những trạm dừng chân, thay ngựa cho những người phu trạm  được rãi dọc theo con đường  và  địa danh Chợ Trạm còn được gọi ở hiện tại , cũng nhắc cho ta về một thời xưa cũ vang bóng.  Từ Ngã tư đến cầu chợ Trạm, Cần Đước ,Long An là quãng đường khoảng  nửa cây số nhà cửa san sát, chợ búa tấp nập. Đủ loại hải sản vùng sông nước như cá lóc, cá tra, cá rô. Trái cây cũng góp phần tô thêm sắc màu cho khu chợ quê sặc sỡ hẳn lên. Màu vàng của đu đủ, chuối, khóm. Mùi thơm của mít, sầu riêng đa dạng hóa khứu giác. Những tủ kính trưng bày những chiếc điện thoại bằng bàn tay đủ màu sắc, sáng ánh kền đủ các hãng Sam sung, Oppo, Apple, Philips…như sự mỉa mai của thời đại, quấy rối suy nghĩ của tôi về hình ảnh của những người lính trạm trú đóng nơi này cách đây đã vài thế kỷ. Với một khí cụ thông tin be bé như vậy, ngày nay người ta có thể bắt liên lạc được với cả Hà Nội, Sài gòn hoặc một thành phố nào đó trên thế giới Paris, New York, Moscow….Không gian dường như không là vấn đề. Nhưng bất khả thi là vấn đề thời gian. Khoa học bị chặn lại….. Óc tưởng tượng, kiến thức, những chùm rễ liên kết manh động được phát huy. Thực ra trong khung ảnh hiện tại, cũng khó mà hình dung khuôn hình nhòa nhạt của những người lính thú ngày xưa và cuộc sống sinh hoạt chắc cũng khá hẩm hiu của họ , dù trong một khoảng khắc ngắn ngủi.  Những câu thơ tôi thuộc nằm lòng, lúc đi học, còn văng vẳng bên tai
Ngang lưng thì thắt bao vàng
Đầu đội nón dấu , vai mang súng dài
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa

Và…..Thời gian qua lâu lắm rồi, người lính thú ơi!
Qua cầu, tôi có gặp một ông lão tóc bạc, đang gò lưng trên chiếc xe đạp: _ Đường này về Gò Công hả Bác?
_ Ừ thẳng đường, tới một ngã Ba rẽ trái. Hỏi người ta là biết!. Ông trả lời. Không hiểu ở lứa tuổi đó, sao giọng người còn trong và êm như ca một câu vọng cổ.
***
Gò Công theo tiếng Khmer Aih Amrak ( Con công), nơi này nguyên sơ là vùng đồi núi có nhiều chim công ( Wikipedia). Phía đông giáp huyện Gò công Đông. Phía Tây giáp huyện Gò công Tây. Phía Nam giáp hai huyện này. Bắc giáp Long An.  Thị xã có diện tích vào khoảng 102.358 km2. Dân số: 107.600 người. Một thị xã nhỏ , dân số khá khiêm tốn, nhưng lại có một bề dày lịch sử đáng nể và những danh nhân Việt đứng song hành tiêu biểu cho từng thời kỳ, làm mảnh đất này chừng như không phai mờ được trong dòng lịch sử cận đại đến tận gần đây. Khởi nguồn từ những lưu dân từ vùng Thuận Hóa, Quãng Ngãi theo cuộc nam tiến của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ( 1650-1700) vào khai khẩn đất đai, cộng với một số người Hoa tị nạn trong phong trào “Bài Thanh, Phục Minh” ( thế kỷ 17) sống một cách rãi rác. Đến năm 1862, Gò Công đã có những công trình xây cất vững chắc và sự quy hoạch đô thị sơ khởi. Là một trong những vùng đất bị người Pháp xâm chiếm đầu tiên và áp đặt quyền cai trị. Hiện tại thị xã còn lưu giữ rất nhiều công trình kiến trúc thời phong kiến và Thuộc Pháp rất độc đáo.  Bên cạnh đó Gò Công còn là tâm điểm cho những tấm gương quật khởi Võ Tánh, Trương  Định….., những văn thi nhân, nghệ sĩ tài hoa của đất nước : Hồ Biểu Chánh, , Hoàng Phương…., những người phụ nữ tài sắc, thuần hậu với một tâm hồn Việt như Thái hậu Từ Dũ, Nam Phương ….

Tôi đứng trước cửa ngõ vào Gò Công_ Sông Vàm Cỏ.  Sông Vàm cỏ_ tài liệu của Pháp gọi là Vaico. Vaico bắt nguồn từ tiếng Khmer ”Piăm Vaico” nghĩa là Vàm (Pi ăm) ,đánh/lùa ( Vai); bò (co). Điều này cho thấy sông Vàm cỏ Đông và Vàm cỏ Tây chính là con đường lùa bò ngày xưa của người Khmer. Sông Vàm Cỏ là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Tiền Giang và Long An. Sông chảy theo hình W, dài khoảng 35,5 cây số có đến ba tên gọi. Đoạn Vàm cỏ Đông hợp nhất với Vàm cỏ Tây cho đến khúc sông Tra, được gọi là sông Hương Xá. Đoạn chảy qua khúc phà Mỹ Lợi hay cầu Mỹ Lợi ngày nay, gọi sông Vàm Cỏ. Phía hạ lưu đổ ra sông Soài Rạp chảy ra biển, ngược lên , còn được gọi là Vàm Bao Ngược. Dân sông nước Nam Bộ thường nói _ Thứ nhất Vàm Nao , thứ nhì Bao Ngược , để nói lên tính thất thường và  nguy hiểm của đoạn sông này. Do Vàm là danh  từ dùng để chỉ nơi những nhánh sông hợp nhất lại thành một nên dòng chảy  thường xiết, nước xoáy và sâu. Ngày thường đã thế, khi thời tiết trở trời sóng to, gió cả trở thành mối đe dọa tiềm tàng cho những phương tiện đường thủy, nhất là những phương tiện thô sơ ngày trước nhe ghe bầu, xuồng , xáng….
      Cầu Mỹ Lợi Km 33+650, vừa mới hoàn thành  và đưa vào sử dụng vào năm 2015.  Cầu  có chiều dài toàn tuyến khoảng 2.691 met, phần cầu chính 1.422 met ( nguồn Wiki), nối liền Gò Công với  Cần Đước trên quốc lộ 50. Chiếc cầu rút ngắn khoảng cách từ Sài Gòn đi Gò Công ( trước kia phải đi phà), là cái gạch nối quan trọng cho thị xã không chỉ trên lĩnh vực giao thông, mà còn ở nhiều mặt khác như kinh tế, văn hóa, du lịch …với Sài Gòn và các tỉnh thành phía Bắc. Trong nhận định khách quan , có thể nói tương lai của vùng đất trước mặt phụ thuộc rất nhiều ở chiếc cầu này.
Tôi đứng trên cầu Mỹ Lợi ngó xuống Bến phà cũ ngày xưa. Con sông Vàm Cỏ mênh mang với mặt nước đùng đục màu phù sa. Những con tàu kéo và xà lan như những chấm nhỏ  ì ạch rẽ nước, để lại phía sau những hai làn sóng dài, thật lâu mới tan. Những đám lục bình gấp gáp trong con nước với sự vô định.  Hướng lên thượng lưu, ngút tầm mắt một viền xanh lờ mờ của cây cối chạy dài như sự chuyển động tiệm tiến của bầu trời trời xuống mặt đất.  Trước mặt, chếch phía Gò Công một bình nguyên  với thảm thực vật xanh ngắt mở ra, tít tắp phía xa có thể nhìn thấy dăm ngọn núi ẩn hiện  bên Vũng Tàu.. Nghe bảo ngày trước, tất cả các phương tiện giao thông đều phải phụ thuộc vào Bắc Mỹ Lợi, gây khá nhiều trở ngại , tốn thời gian và  nhiều nguy hiểm…..
Qua dốc cầu, tôi vẫn còn loang quanh với suy nghĩ . Rồi đây những thế hệ sau chắc sẽ không còn nghe câu hò thảm của những  góa phụ ven sông, trong ánh chiều nhập nhoạng.
Anh đi ghe gạo Gò Công
Về qua Bao Ngược bị dông rách buồm
Thuyền anh cao nhưng sóng cả nhận chìm
Em trông sông bao nhiêu khúc, nỗi niềm ruột đau…

`Vàm bao ngược_ Mỹ lợi/ Gò Công ( Ảnh tác giả)

***
Trên con đường đến cầu Sơn Quy để vào Gò Công, tôi có đi qua làng làm tủ thờ Gò Công. Hai bên đường là những gian trưng bày những chiếc tủ thờ được chạm trổ rất công phu và tinh tế.
Tủ thờ Gò Công, xa lông Sông Bé
Chắc ai ai miệt Nam bộ này cũng đều biết tiếng……Bụng định ghé vào tham quan, nhưng thấy đường còn dài, lại thôi. Hẹn một cơ hội khác.
Chợ  Tân Trung là ngôi chợ nhỏ nép bên quốc lộ 50.  Cô gái khoảng hai mấy, đon đả chào: “_ Bánh Tét chuối Gò Công đi anh. Bánh mới nấu hồi sáng ngon lắm!” . Bụng đã đói, nhưng tôi giả tảng _” Có bánh giá thì mua, không ăn bánh tét đâu!” . Một chị sồn sồn  bán trái cây bên cạnh , vọng qua “_  Bánh giá tuốt trên Hòa Đồng chớ dưới này đâu có. Mà bánh tét cũng ngon lắm!” Tôi thêm _” Bánh giá có ca dao, bánh tét đâu có ca dao”  Người đàn bà ngẩn ra, rồi như chợt nhớ  “ _ Có…có chớ….tối nay nó về  nó làm….Mua cho nó mấy đòn đi anh”.  Hai người đàn bà quay người lại, cười ngất. Tôi cũng không nhịn được cười. Phải công nhận dân xứ Gò cũng khá hài hước và có duyên. Tôi mua hai đòn, treo lung lẳng ở đầu xe.
Bánh tét khá ngon, đáng đồng tiền. Nếp déo, mềm không pha gạo lợn cợn, cũng không dính nháp vào chân răng. Nhân quả chuối đỏ thẩm, tạo nên một sắc tương phản trên nền xanh lá  khá đẹp. Nhân ngọt đậm, lớp thịt bánh láng lẫy, chút vị mằn mặn thoang thoáng. Chỉ như hơi gió biển….trên đầu lưỡi….
Lăng Hoàng Gia nằm trong một con đường nhỏ cùng tên, nếu không để ý, dễ chạy luộc qua. Tôi cũng vậy. Phải lộn trở lại sau khi hỏi thăm đường. Lăng nằm sâu trong con hẻm, cách lộ khoảng 50m. Từ bên ngoài nhìn vào, cũng khó đoán được quy mô của nó nhưng bước vào trong mới nhận thấy khá rộng. Lăng được xây trên một địa thế cao ráo, được gọi là Giồng Sơn qui ( có nghĩa gò đất hình mai rùa). Một hồ cá bên trái , có lầu bát giác thưởng ngoạn. Mặt nước trơ lạnh, không thấy bông sen, bông súng gì. Cây cối không mang vẻ nguyên sơ, cổ thụ ,có lẽ tuổi đời trẻ hơn nhiều so với  cái di tích mà quần thể thực vật ở đây được tạo ra để tôn vinh.  Nhưng để bù vào những khiếm thuyết , màu xanh của đám cỏ mọc tràn lan, ướt sương sau cơn mưa và vòm tối do những tán cây tạo thành  cũng tạo được một cảm nhận nể nang cho những kẻ hậu sinh trước cái mình sắp phải đối diện.. Lần cổng thứ hai kiến trúc giống kiểu thành quách phong kiến nhưng kích thước khá khiêm tốn. Hai cánh cổng gỗ màu đen được chạm trổ khá công phu đầy họa tiết sinh động. Một con đường lát gạch dẫn vào nơi điện thờ. Bên trong điện thờ chia làm năm gian rõ rệt.
Bên trái có dòng chữ quốc ngữ_ Thành Thái quơn ( ngươn) niên / Kỷ sửu kiến tạo 1888
Chính giữa_  Đức quốc công từ.
Bên phải là dòng chữ: _ Khải Định lục niên/ Tân dậu trùng tu 1921.
Hai hàng câu đối bằng chữ Hán nơi gian chính  nơi có lối đi vào. Không gian thấp, tối, chật hẹp  với  những bài vị bằng tiếng Hán_ Nôm được đặt trên năm hương án ( Ngũ Đại) chia đều hai bên. Trên tường treo đầy những bài biểu bằng chữ quốc ngữ, nói về thanh thế và công lao của người được thờ tự. Khói nhang nghi ngút và hàng cột gỗ lim màu đen , thâm trầm làm lắng tụ những xáo động đời thường, khiến lòng người trong phút chốc bị lôi cuốn vào tâm niệm hoài cổ, nguồn cội…..
Lăng thờ Đức Quốc Công- Lễ Bộ thượng Thư_ Phạm Đăng Hưng. Ông sinh năm 1764 tại Giồng Sơn Quy , thôn Tân Niên Đông, xã Định tường, huyện Kiến Hòa. Ông là cha ruột của Thái Hậu Từ Dũ ( vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức , nổi tiếng về lòng nhân hậu và dưỡng nhục, nhà hộ sinh tại Sài Gòn mang tên bà vẫn còn hoạt động đến ngày nay). Năm 1796 ông thi đỗ Tam Trường, được Chúa Nguyễn Phúc Ánh bổ dụng làm Lễ sinh ở phủ, sung Cống sĩ viện, rồi thăng Tham luận. Năm 1813, ông giữ chức Thượng Thư bộ lễ. Năm 1821, được sung làm phó tổng tài của Quốc Sử quán. Ông nổi tiếng là một hiền nhân và là một trung thần nhà Nguyễn.
Khu lăng mộ Hoàng gia _ Gò Công ( Ảnh tác giá)
Khuôn viên khu mộ khá rộng và bề thế. Dù đã đọc nhiều bài viết về những sai sót của việc trùng tu nhưng nó cũng tạo được một phần hồn cho cái nhìn của khách thập phương về một thời đại vàng son đã khuất bóng. Hai tấm bia đá được dựng hai bên, náu dưới mái hai kim tĩnh và những dòng chữ đã nhòa nhạt vì thời gian. Tấm bia bên trái ( hướng người viếng) có khắc hình cây thập giá  và một vài dòng chữ Pháp loáng thoáng. Nghe đồn đây là tấm bia của triều đình Huế ban tặng cho ngài, nhưng đã bị Pháp lấy, làm tấm bia cho đại úy Barbé  (Viên sĩ quan Pháp tử trận trong một cuộc phục kích của nghĩa quân Trương Định). Một sự lưu lạc kéo dài gần cả hai thế kỷ,  sau đó mới tìm lại được chủ nhân dích thực của mình. Mộ xây theo hình cánh dơi. Ba cung tròn ngoại tiếp trong một tam giác cân. Nền móng phía ngoài lát gạch tàu, phía trong không biết vật liệu gì nhưng cảm thấy khá chắc chắn. Họa tiết trang trí quá tỉ mỉ nhưng cũng quá rườm rà , nên khó lòng tìm được điểm nhấn. Giữa nấm mộ chính được xây một hình bát giác , có đỉnh là một núm tròn, trông như một cái ấn ( triện) của vua chúa ngày xưa. Tương truyền ông được chôn ngồi…. Phía trên  cây phượng cổ thụ vẻ cung khiêm như một người hầu, thả những cánh hoa màu đỏ thẩm xuống nền gạch rêu phong từng cánh…từng cánh một….làm thời gian theo suy tưởng của vãng khách dường như cũng chậm đi.
Cũng trên con đường Lăng Hoàng gia, phía sau Lăng tẩm Cụ Phạm Đăng Hưng, tôi tình cờ bắt gặp một quần thể những ngôi mộ xưa( sau này mới rõ đây là những họ hàng , thân thích họ Đặng). Một ngôi mộ được chôn phía bên tay trái con đường. Khuôn viên khá rộng rãi, chữ nhật, có tường bao bọc, nhưng lâu ngày không có bàn tay chăm sóc , nên phủ đầy xác lá. Mộ chính vun cao , hình lưng một con thú, có khắc hoa văn , đang phủ phục. Mộ còn khá nguyên vẹn. Bia đá phía trước khá to và dày . Dòng chữ Hán khắc trên bia theo thời gian đã phai lạt. Tường được xây bằng những viên gạch vồ, to hơn viên gạch bình thường, bề ngang khá lớn đến 15cm, bề dài khoảng 30cm. Trên mỗi viên gạch có một kí hiệu giống như một chữ Hán hay nôm gì đó, có thể thương hiệu của nơi sản xuất.  Những viên gạch long ra_ ẩm, đầy rêu, nhưng không thấy dấu hiệu mục nát. Thời gian đã hơn hai thế kỷ ẩn chứa trong những thứ vật liệu xây dựng thô sơ của tiền nhân, giờ lộ thiên, trơ gan dưới ánh mặt trời làm kẻ hậu sinh như tôi phải cúi đầu khâm phục….Phía bên phải con đường, chếch qua tí, cũng có một ngôi mộ lớn, nhưng đã bị hủy hoại khá nhiều. Chỉ còn lại bức tường viền hình vòng cung sụt lở. Dây leo và cây bụi phủ đầy.
Những viên gạch xưa_ Cụm khu lăng mộ Hoàng gia ( Ảnh tác giả)
Đền thờ của người anh hùng dân tộc Trương Định nằm chếch bên trái của chợ Gò Công. Quần thể này có thể mới được duy tu nên nhìn rất nổi bật và tinh khôi, thiên về suy tưởng lịch sử hơn về cơ cấu kiến trúc. Quần thể cũng được chia làm hai phần riêng biệt khu mộ phần và điện thờ. Khu mộ phần quay về hướng Bắc ( hướng thành phố) gồm một cụm những chi tiết mang tính Lễ, có trang trí hoa văn, được xây cất sắc sảo, sơn màu tiệp với với màu đá xanh . Tất cả trông sạch sẽ và rất mới. Có hai tấm bia , một trước, một sau mộ đều khắc bằng chữ hán. Một tấm có thể ghi thân thế của ông, còn tấm kia chữ khắc hai chữ, bằng màu sơn đỏ. Tôi nghĩ có thể đó là họ tên. Do sự quy tụ khá nhiều những chi tiết trên một chu vi hẹp nên thật khó nắm bắt cho trọn vẹn. Mộ ông hình mai rùa, tròn vạnh, trên có khắc hoa văn. Trước mộ có trồng hai cây sứ trắng . Một chậu sen có bông hoa trắng độc nhất, khoe mình dưới cái nắng. Bên hai cánh cổng của cửa vào có ghi hai câu đối bằng chữ quốc ngữ:
Hận nước cất cao đầu sóng bạc, chuyển rung Vàm Bao Ngược
Thương dân đành mất mạng, máu hồng tô thắm đất Gò Công.

Trước khi vào đây, tôi có gặp một chị bán vé số. Chị nói thời ông cố kể lại, sau khi ông tự sát, người Pháp  bêu xác ông giữa chợ Gò Công để thị uy. Thây  ông phơi ba ngày ba đêm , giữa trời nắng gắt mà không sình thúi cũng như không có con ruồi nào dám bâu đậu….Câu chuyện không mang tính thuyết phục điều tin hay không tin, nhưng nó nói lên, hình ảnh của con người này nằm trong sự kính trọng của những người dân địa phương bình thường ở đây, sâu sắc đến độ nào!
Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định _ Gò Công ( Ánh tác giả)
Ông sinh năm 1820 tại Bình Sơn, Quãng Ngãi, theo cha vào Nam, lấy vợ ở Tân An ( thời vua Tự Đức), chiêu mộ dân chúng khai hoang, khẩn hóa lập ấp trại tại Tân Hòa ( thuộc Gò Công). Ông thông binh thư, võ nghệ, thi đậu cử nhân võ, nên được phong làm quản cơ. Khi người Pháp hạ thành Gia Định (2-1859), ông đưa quân tham gia nhiều trận đánh, được phong làm Chánh quản cơ, phòng thủ đại đồn Chí Hòa ( Chợ Lớn). Sau khi đại đồn thất thủ, ông cùng số binh sĩ còn lại rút về Tân Hòa cố thủ. Trong thời gian đó, ông chỉ huy nhiều trận phục kích, làm thực dân Pháp với thiệt hại đáng kể, phải nể mặt. Với hòa ước mà triều đình Huế kí kết vào tháng 6 năm 1882, cắt ba tỉnh miền Đông cho Pháp, ông không chấp nhận. Cho rằng  triều đình phản bội nhân dân, ông tự xưng là Bình Tây Đại Nguyên soái, tiếp tục chiêu mộ nghĩa quân kháng chiến. Ông nói “_ Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc của chúng ta…” Với chiến thuật du kích chiến và phòng ngự tốt, ông đã gây không ít khó khăn cho người Pháp trong cuộc bình định vùng đất mới chiếm đóng….Mãi đến tháng 8 năm 1864, người Pháp dùng Đội Tấn ( một tướng lãnh của ông phản bội) lập mưu, vây hãm tại xã Phước Lộc. Ông bị trọng thương và rút gươm tự sát ngày 20 tháng 8 năm 1864, hưởng thọ 44 tuổi. Người Pháp bêu xác ông tại chợ để răn đe trong ba ngày đêm. Sau đó người vợ bé của ông , một đại điền chủ giàu có đất Gò Công, đã xin xác ông và an táng tại đây.
Đền thờ được xây dựng tân kỳ, không gian cao, khá thoáng đãng. Hương án và dung ảnh ông đặt giữa. Hai bên có hai  hàng giá đặt những thứ binh khí cổ. Hai bàn thờ tả, hữu  với những dòng chữ Hán Một tượng đồng bán thân được thờ phía sau, cao cỡ tầm người. Và phía sau cùng, sát vách  là chân dung của một vị võ tướng đang cưỡi con ngựa trắng. Nét vẽ lại hao hao giống chân dung của vua Quang Trung tôi đã từng thấy , hơn là ông. ( Thực ra đây là chân dung của Đại đô đốc Phạm Công Trị, người giả vua Quang Trung, đi chầu nhà Thanh_ Bức ảnh nguyên thủy do họa sĩ nhà Thanh vẽ, sau đó được phổ biến lại tại Việt Nam, gây nhiều ngộ nhận). Trong trường hợp này, nếu đó là chân dung Nguyễn Huệ, tôi cũng không hiểu tại sao  người ta lại thờ cả hai con người ở hai thời đại khác nhau, ở hai đẳng cấp khác nhau, mang những tư tưởng khác nhau để quy vào một nơi. Phải chăng có một sự nhầm lẫn nào đó?….Trên cao nơi có dung ảnh vị võ tướng có treo một biển sơn đỏ và hàng chữ  bằng chữ quốc ngữ “ Anh hùng dân tộc Trương Định”…Hai bên tường có treo những bảng  nói về cuộc đời và những câu nói nổi tiếng của ông. Đặc biệt có một bảng in bằng ronéo, bản lớn, bọc kính , trên đó có ghi “ Di tượng 30 anh hùng liệt sĩ Việt Nam thời cận đại” như Phan Thanh Giản, Tống Duy Tân, Kỳ ngoại Hầu Cường Để, …. và bên dưới là đôi  dòng giới thiệu thân thế và sự nghiệp. Những dòng chữ tuy ngắn ngủi nhưng thật đầy đủ và ấn tượng. Tôi lướt mắt qua những con chữ, nét phác họa của những bức chân dung được thu nhỏ , không dấu được lòng cảm thán. Lịch sử tranh đấu của dân tộc gan góc này trong suốt một thế kỷ  như được trãi ra trong khung hình . Bi tráng và mãnh liệt. Gương những anh hùng , chí sĩ bị bức hại như những vì sao anh khôi lóe sáng trên bầu trời đen tối kéo dài một trăm năm trong ách nô dịch thực dân.
****
Chợ Gò Công được xây dựng vào năm 1916, theo như cái năm được lưu trên mặt tiền của khu chợ chính. Vào thời điểm tôi đang đứng là năm 2017, tức là tôi đang đối diện với một công trình có tuổi đời đã lên đến một thế kỷ. Ngoài ra còn có một khu chợ mới được xây dựng, cũng trên một trục đường, nằm cách khu chợ cũ khoảng vài trăm met. Thực tế, theo một tư liệu hình ảnh của Báo Ấp Bắc điện tử, có đăng hình khu chợ Gò công cổ và chú thích, ngôi chợ này được xây dựng vào năm 1898. Lấy 1916 trừ cho 1898, tức ngôi chợ tiền thân chỉ tồn tại trong 16 năm. Điều này có vẻ hơi phi lí. Với những công trình xây dựng thời Pháp thuộc, nếu không bị những biến cố bất khả kháng như chiến tranh, hỏa hoạn, thiên tai….nó có thể tồn tại đến cả thế kỷ.  Vả lại , công trình  của chợ Gò công ( cũ) hiện tại đã có khá nhiều sự thay đổi,  nhiều hình thái kiến trúc khá hiện đại như hạ thấp chiều cao. Những đường lam trang trí. Mặt tiền từ kiến trúc gothic chuyển sang block hiện đại….Theo suy nghĩ của tôi, vậy trên trục thời gian, có đến 3 ngôi chợ trên một địa điểm. 1898 một cái. 1916 một cái. Hiện tại (2017) một cái….Thật là rối rắm!
Chợ Gò Công ngày nay ( Ảnh tác giả)
Chợ chia làm ba gian. Một gian chính và hai phụ. Có thể mới được trùng tu nước nước sơn còn khá mới. Tôi không vào chợ, chỉ chạy xe vòng quanh. Dọc bên hông chợ , người ta bày bán trái cây, tôm cá, rau củ ….nhưng thứ theo mùa vụ, không mang tính nhu yếu phẩm. Tôi tấp vào một gánh chè, do hai vợ chồng vừa bày ra. Chè được đựng trong một xoong to, còn bốc khói. Những lát mít vàng ruộm thật bắt mắt, chen với những quả táo tầu đỏ thẩm . Một điều phải công nhận ẩm thực Nam Bộ có thể không quá cầu kỳ khi nấu nướng nhưng về phần trang trí và sắc màu, nó vượt trội trên cả ba miền. Từ cái bánh bò, ly chè….cho đến những thứ đồ ăn, thức uống khác. Tôi lại gần ,hỏi người đàn bà “_ Chè này gọi chè gì vậy chị?”
“_ Chè Tàu Thưng !” Người đàn bà lúi cúi xoắn cọng dây thun cho một bịch chè, ngẩng lên trả lời.
Cái tên lạ hoắc, làm tôi phải hỏi lại lần nữa cho chắc ăn.
“_ Chè Tàu Thưng, anh à!” Lần này thì anh chồng, mặc chiếc quần cộc, đang phụ vợ ,ngồi bên trả lời.
Tôi đón lấy hai bịch chè nóng hổi, không  hỏi vặn thêm về nguồn gốc , vì thấy hai vợ chồng đang bận tay, đưa mắt tìm kiếm một chỗ khuất nằm bên kia đường. Chè Tàu Thưng, hay được gọi là chè Thưng, chè Bà Ba Nam Bộ( theo tra cứu sau này). Chè nấu bằng nếp, khoai lang, đậu phụng, đậu đỏ, có bỏ thêm trái cây là mít và táo tầu. Nước cốt dừa béo, mằn mặn như trung hòa  cái vị bùi bùi khá chìm của ngũ cốc trước khi chuyển sang vị ngọt tự nhiên, giòn giòn nổi trội của cây trái…Tôi ngạc nghiên, tự hỏi sao trong cái món ẩm thực quê mùa ( gần như vô danh) lại gợi lên những suy nghĩ mang tính học thuật khá độc đáo về bản ngã của vùng đất ruộng nước, về những sản vật mà thiên nhiên ban tặng, Chỉ đơn giản trong bịch chè, cảm tính thưởng thức của con người đã nâng đến tầm triết lý…và đặc biệt, một dư vị đậm chất quê hương. Không quên được!
Người Gò Công I Mộc mạc và chân chất. Rất gần gũi và dễ bắt chuyện. Điều này khỏi nói rồi. Ở chợ , tôi có đến trước một khay bánh bò của một chị khá đứng tuổi. Trên khay chỉ còn lại hai cái bánh cuối cùng. Thấy tôi hỏi mua bánh, chị hơi ngần ngừ , nói “ _  Bánh này từ hồi sáng rồi. Anh có lấy tôi qua bên kia lấy bánh mới cho!” .Trước chút tình người chỗ chợ búa , tôi phẩy tay: “ _ Thôi chị ơi! Phiền phức. Em lấy bánh này cũng được”. Khi trao cho tôi, chị dặn thêm “ _ Ăn đi chớ để trong bịch nilon hầm hơi. Nó thiu!”….Tại nhà Đốc Phủ hải, một căn nhà cổ của một Bá hộ giàu có, tương truyền là cháu ngoại của bà Trần Thị Sanh ( Người vợ bé nặng tình của vị thủ lĩnh nghĩa quân Trương Định). Vào tầm trưa, người bảo vệ đã  khóa cổng đi ăn cơm, nên tôi đi quanh quẩn trong khuôn viên phía trước. Ngôi nhà được xây vào cuối thế kỷ 19, trệt, lợp ngói. Mặt tiền gồm những cụm cửa hình vòm của lối kiến trúc Roman kết hợp với hai bên cánh là hai kiến trúc phụ mang hình thức Tân cổ điển_ những khối chữ nhật có tác dụng nâng chiều cao của tổng thể cấu trúc, đến một tầm mà  định nghĩa về nó hoàn toàn nằm trong phạm vi một kiến trúc sinh hoạt, vượt qua sự hà khắc tôn giáo và bên dưới tầm với một công sở. Hơn nữa, có thể chủ nhân rất tinh ý khi mang điểm nhấn là những cung tròn Á đông đặt vào trọng tâm, trong khi sự cách tân vuông vức Tây phương , dù quan trọng nhưng chỉ là tính phụ trợ. Vấn đề này giải quyết cho việc mang toàn bộ khối kiến trúc thoát khỏi sự lạc lõng với cảnh quan xung quanh, nhất là ở khung cảnh tiền đô thị An Nam vào thời kỳ đó. (Cây cau, giàn trầu, những dãy phố lụp xụp….). Những họa tiết trang trí bên ngoài hoàn toàn Âu Tây mềm mại, uyển chuyển…cầu kỳ nhưng không bị phô ( chõi). Tôi đi vòng quanh quan sát khu nhà, thì có gặp một nhóm thợ hồ đang nghỉ tay uống nước. Họ đang xây dựng căn nhà bên cạnh. Thấy tôi có vẻ là người ở xa tới, nên nhóm người cũng vui vẻ hỏi han, bắt chuyện. Câu chuyện lan man về những địa danh ở miền Trung và Nam bộ, nơi những người thợ hồ đã từng đến làm việc, chuyển sang cái nhìn về thị xã Gò Công cảnh quan, con người…. trước, sau giải phóng và tương lai…. Ngồi nghe chuyện , tôi mới nhận ra một đặc điểm khá lí thú ở những hậu duệ của văn hào họ Hồ ( Hồ Biểu Chánh) này, là khả năng nói chuyện khá lưu loát và những lời nhận xét tinh tế, đáng ghi nhận. Tỉ dụ khi nói đến ngày ba mươi tháng tư, một anh thợ hồ lớn tuổi có nói :”_ Cũng mừng là nó kết thúc để dân chúng làm ăn. Dây dưa hoài ….Sức người, sức của ….quốc gia nào chịu nổi!”. Nói thật, cũng hiếm mà tìm được một cái nhìn như anh, trong những thế hệ đi trước. Người Gò Công cũng rất có khiếu về thi ca. Với tôi đó là một khám phá thật mới mẻ và cũng thật ấn tượng ở giữa thời đại này, tại một thị xã chỉ cách Thành phố trong bán kính năm mươi cây số. Khi cơn bão của lối sống hiện đại đã tàn phá không thương tiếc đời sống tinh thần con người Việt, từ Nam chí Bắc, đến một câu nói tử tế cũng không ra hồn, thì ở đây , người ta sẵn sàng chia sẻ những bài thơ mộc mạc nói về quê hương của họ với những người lần đầu quen biết…. Trưa nắng, tôi ngồi nhấp nháp ly cà phê đắng, lắng nghe những câu lục bát từ những người phu hồ.…Thật cảm động!
Ù ơ….Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh
Thương anh….cũng muốn theo anh
Ngặt cha với mẹ , không đành….thời sao?

Dinh tỉnh trưởng Gò Công_ Một phế tích đáng tham quan ( Ảnh tác giả)
Về nhân chủng học hình thể ( Physical anthropology) qua tiếp xúc, người Gò Công đều có một cái gì na ná giống nhau. Vóc người cao lớn hơn dân Việt bình thường ở những vùng miền khác. Khuôn mặt dài, sống mũi cao và thẳng. Cánh mũi nhỏ. Mắt không to, môi không quá dày. Vành tai dài, chảy. Khuôn mặt đầy, đẹp ….và không thực linh hoạt. Dù rất hiếu khách nhưng nụ cười cũng khá hạn chế. Lúc bình thường, nhìn kỹ, lại có nét hướng nội.
Gò Công có  những con đường nhỏ, hàng cây sò đo với những bông hoa đỏ thẫm, chạy dài, trông khá lạ mắt. Mật độ xe cộ thưa thớt. Đường phố sạch. Không khí trong lành. Dân không mấy ai ra đường mang khẩu trang kín mít như ở Sài Gòn. Một vài cảnh quan trong thị xã thấy khá vắng, thậm chí mơ màng như  Nhà thờ Chánh Tòa, Dinh tỉnh trưởng ….Những công trình kiến trúc kể trên đã có tuổi đời hơn cả thế kỷ. Một số còn trưng dụng. Số xuống cấp, đóng cửa. Thật không dễ kìm nén dòng cảm xúc khi phải đối diện với cấu trúc khổng lồ, suy kiệt sau bao năm tận tụy, phục vụ giờ nằm phủ phục, im lìm với những mảng tường nứt vỡ hoen màu gạch đỏ, những ban công bám đầy rêu và dây leo….
Điều đáng nói là các di tích ở Gò Công đều chưa có quy mô , trên thực tế chỉ để tưởng niệm, cúng bái, tham quan trên cơ sở vùng miền lân cận…chứ chưa mở rộng sang ranh giới của những địa điểm du lịch thật sự, với những vệ tinh và cơ sở hậu cần hưởng lợi đi kèm. Sự khai thác có lẽ trông chờ vào tương lai gần, vì tiềm năng sẵn có là điều không thể bàn cãi.
****
Vào khoảng thập niên 90 , trên sân khấu âm nhạc Việt, bỗng xuất hiện một vài sáng tác lạ được trình bày bởi nữ ca sĩ nổi danh hồi ấy, Bảo Yến, làm xôn xao dư luận, nhất là đối với giới trẻ. Những ca khúc như “ Chuyện tình hoa muống biển”, “ Ánh mắt quê hương”, “ Thương một người ở xa”…. cùng với  dòng nhạc Gò Công, đã làm nên tên tuổi một người nhạc sĩ xứ Gò ,có tên Hoàng Phương. Nhưng thật ra, ông là một nhạc sĩ đã thành danh với nhạc phẩm “ Hoa sứ nhà nàng” từ trước năm 1975. Nhạc sĩ Hoàng Phương tên thật là Nguyễn Kim Hoàng, sinh năm 1943, tại  xã Tân Thành huyện Gò Công. Năm 1968, khi 25 tuổi, ông lên Sài Gòn tham gia ban nhạc cùng Vinh Sử, Quốc Dũng , Lê Hựu Hà…Trong năm này, ông viết bản nhạc đầu tay “ Hoa sứ nhà nàng” . Nhạc phẩm này ngay lập tức đã khẳng định tên tuổi của ông. Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông quay về Gò công mở tiệm sửa đồng hồ, sau đó  hành nghề thợ bạc. Năm 1986, trong chính sách đổi mới, ông cho ra đời dòng nhạc Gò Công, với các bài hát trữ tình ca ngợi tình yêu , ca ngợi quê hương, danh thắng Gò Công. Album  “ Băng nhạc Gò Công”  vừa ra đời đã được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng yêu âm nhạc khắp cả nước và được xem như một hiện tượng. Ông được vinh danh như “ Ông hoàng nhạc Gò Công”. Năm 1989, ông cưới người vợ hai tên Mộng Vân. Hai người xây dựng một căn nhà nhỏ trên bãi biển Tân Thành. Vào những năm cuối đời, ông trở nên suy sụp. Ông mất vào năm 2002, vì bị bệnh ung thư gan. Ông để lại cho đời  khoảng 20 tác phẩm hoàn chỉnh và một số khác còn đang viết dở dang…..
Cũng không hiểu biển Tân Thành trong suy tưởng của người nhạc sĩ ngày đó như thế nào, hoặc khoảng thời gian hai mươi năm,  con người đã làm thay đổi hoàn toàn những cảnh quan mà trước đây nó từng có. Được quảng bá khá nhiều trên các phương tiện truyền thông về một bãi biển cát đen đặc biệt, một khu du lịch khá lý tưởng….nhưng trước mắt tôi, bãi biển Tân thành ngày nay, như một minh chứng cho sự độc ác của con người ,trong hành động triệt phá đến tận cùng các nguồn lực còn sót lại của tự nhiên, mà không có sự bù đắp và sự  vô cảm tính đến lạnh lùng trong liên kết sinh hoạt đời thường giữa con người với môi trường  xung quanh. Bãi biển rách rưới , nằm rũ chết. Những công trình ngắn hạn, gãy đổ, dập vùi trong sóng biển mà thời gian và sự thô thiển của cấu trúc không đọng nổi chút giá trị của chữ phế tích. Bãi biển tràn ngập rác. Những cây phi lao mới trồi lên từ cát nay phải khó nhọc oằn mình dưới một lớp bao ni lon xanh đỏ dày cộm, quấn riết. Những vuông đất mới bị đào xới làm những vuông tôm, đất sình như vết loét nằm cận kề  bên bãi tắm… cho một khái niệm dễ lẫn lộn giữa một nông trường nuôi tôm và một khu du lịch. Những nhà hàng được cất như những cái chòi vươn ra biển, nơi khi hưởng thụ người ta thật vô tâm với những thứ mình xả ra .Phía dưới, những bè rác thải, trôi nổi, dập dềnh trong con sóng….Thực ra bãi biển , còn là nơi thu hoạch nghêu khá lớn của người dân địa phương, nhưng vào thời điểm tôi đứng, thủy triều đang lên và những con sóng mấp mé ven đường.
Bãi biển Tân Thành, Gò Công Đông_  Cảnh  tiều tụy của tự nhiên trước việc vắt kiệt của con người ( Ảnh tác giả)

Thất vọng  trong cố gắng tìm đến một nơi đã  trở thành nguồn cảm tác, của một nhạc sĩ nổi tiếng ,nhưng trên đường quay ra, tôi lại tìm được nguồn vui nho nhỏ ở khu chợ Gò Công Đông. Trong một quán giải khát,  tôi tình cờ ghé vào….Cô gái Gò Công Đông xinh xắn mang ra ly nước mía xanh ngắt. Những ngón tay  tay nhỏ nhắn của cô gái  xoay xoay chiếc volume của cái amply trong góc nhà và giọng ca quen thuộc  của cô  ca sĩ ngày nào, vang lên
“ …Có phải chăng cát giận, cát hờn. Chẳng muốn nhận dấu chân em làm kỉ niệm. Để cát bay , cát tạo thành hình của sóng. Để ven bờ cát mãi đùa vui…”
Tôi bị đẩy vào trong một tâm trạng thật ngổn ngang.
Chợ Gò công Đông   ( Ảnh tác giả)
****
Khác với Gò Công Đông, Gò Công Tây là một khu vực thuần túy nông nghiệp. Quốc lộ 50 chạy về thị trấn Chợ Gạo, có lẽ là xương sống của huyện lị. Trên thực tế, khi di chuyển trên quốc lộ, ta cũng khó tìm được màu xanh của ruộng lúa hay những mảnh vườn đặc trưng trồng cây ăn trái. Những dãy nhà mọc dọc theo con đường đã che chắn một phần nào tầm mắt. Chỉ để những lối rẽ, những con hẻm nhỏ, đang mong đợi một sự tìm tòi phía sau….
Anh ơi về tới Hòa Đồng
Nhớ mua bánh giá chợ Giồng tặng em.

Ngã ba Hòa Đồng có một lối rẽ như vậy. “ _ Chợ Vĩnh Bình chớ! Bây giờ đâu ai kêu chợ Giồng nữa đâu. Đi thẳng là tới!” . Theo tay anh xe ôm chỉ, tôi phóng xe trên con đường rãi nhựa nhưng khá ọp ẹp để vào trung tâm thị trấn. Xét trên các khía cạnh , vùng này có vẻ không trù mật bằng dưới Gò Công Đông. Những ngôi nhà cũ kỹ với diện tích khá hẹp, nằm chen lẫn với những ngôi nhà cao tầng, các cơ quan công sở. Một lớp bụi đỏ mờ phủ trên các cấu trúc sinh hoạt và việc nhận diện con người cũng không mấy sáng sủa. Nhưng càng vào sâu, đường xá càng dễ đi , cảnh quan có vẻ sáng láng, nhiều kiến trúc tôn giáo hơn. Qua cầu Vĩnh Binh bắc qua một con kinh nhỏ, ngôi chợ hiện ra trong tầm mắt. Chợ Vĩnh Bình , tức chợ Vĩnh Lợi hay còn gọi là chợ Giồng Ông Huê. Chợ được xây dựng vào năm 1895, do ông Trần văn Huê, một đại điền chủ , bỏ tiền xây cất. Tương truyền, ông Huê ngày trước quê tận Quãng Ngãi, theo Chúa Nguyễn di dân vào Nam , nhờ khai phá đất đai mà trở nên giàu có. Nhưng tôi không ghé vào chợ. Tôi theo đường Nguyễn văn Côn xuôi một đoạn khá xa đến một địa danh gọi là Phước Hựu. Có thể trong mắt, tôi chưa chạm đến cái mà tôi muốn tìm…
“ _ Bánh giá bây giờ hết ngon rồi. “ Má chậm rãi nói    “_ Mấy người hồi xưa làm ngon hơn! Nhưng muốn mua cũng phải đi buổi sáng , chứ giờ này đâu còn chỗ nào bán.”
Người đàn bà lại cúi xuống làm công việc của mình, sắp xếp những tệp giấy vàng bạc, rồi bó nó lại bằng những sợi dây thun.  Chiếc khăn rằn Nam Bộ  trên đầu, đôi lúc lại buông thõng một tua xuống vai gây vướng víu, nên thỉnh thoảng, bà lại ngưng việc, lấy tay nhét nó lại vào những nếp gấp. Khuôn mặt dài, sống mũi hơi khoằm, dái tai chảy dài có đeo đôi mặt cẩm thạch nhạt màu….Cái hình ảnh gợi cho tôi vài kỷ niệm về bà ngoại tôi, ngày trước…..Những nếp nhăn đánh dày trên khuôn diện như gân một chiếc lá rụng.
_ Ruộng nhà mình đây hả Má?
_Ừa …cũng được hai sào. Mỗi năm hai vụ. Nhưng bây giờ đâu có người mần. Tụi nhỏ nó đi mần xí nghiệp hết rồi!
_ Sao ít vậy Má. Mấy chỗ khác  thấy họ làm được đến ba bốn vụ ? Thắc mắc tôi hỏi.
_  Ở đây đất phèn, chỉ mần được vậy. Nhà nước cũng khuyến khích trồng xen canh như dưa , khoai, khổ qua…Nhà không có người mần, nên cho người ta mướn.
Loáng thoáng một người đàn ông lớn tuổi, đang vun đống rơm ở sau nhà, nên tôi hỏi:
_  Ba hồi trước làm gì Má?
_  Ổng đi lính….nghĩa quân, đóng loang quanh đây.
_ Đất này ông bà để lại hả Má?
_  Đâu có…ông bà hồi trước cũng chỉ tá điền thôi. Lúc tụi tui ra riêng …cũng đi mần ruộng mướn. Sau này có chính sách gì đó….Chính sách gì đó thời ông Thiệu….
Thấy bà cứ ngắc ngứ mãi, nên tôi thêm vào:
_ Người cày có ruộng….
_ Ờ…. “ Người cày có ruộng”  nên mới được mấy sào. Sau này giải phóng vô, ruộng đất sung vô Hợp tác xã hết,  nhái cũng hoàn nhái, về lại kiếp làm mướn…
_ Ủa , hợp tác xã mà làm mướn gì má?
_ Thì mầm mướn cho nhà nước, lấy công điểm. Đói sặc gạch. ..Mần ra hột lúa mà chỉ nhai khoai mì, khoai lang trừ cơm.
Bà bật cười. Tuổi tác và cái miệng móm xọm, đầy trầu  đã xua đi cái vị chua chát của câu nói,  đồng hóa nó trong cái cười của nhân tâm.
_  Sau này thấy dân đói quá…kéo nhau đi hết, nên mấy ổng mới chia lại ruộng. Giờ được hai sào non đó!
Tôi ngồi bên Má, nhìn ra vuông ruộng tít tắp, xanh ngắt của lúa đang thời con gái. Những ngọn  gió thỉnh thoảng tràn qua cánh đồng  làm gợn lên những con sóng, nổi cồn, lan mãi… chạy ruổi về phía những rặng cây ăn trái nổi lờ mờ phía chân trời. Mùi hăng hăng quen thuộc của bùn đất , mùi của hoai hóa từ con  rạch nhỏ trước nhà làm không khí đang thở đậm lại. Bên trái , mấy cái mộ cổ của mấy ông Bá hộ ngày trước, kiến trúc cầu kỳ nằm khuất trong đám lau lách, cho cái nhìn ám lại về một thời đại tối tăm địa chủ, tá điền và những thời kỳ khác đã đi qua.
Trong thoáng trầm tư, ký ức hằn những nếp nhăn trên trán người Mẹ Việt!
 Chợ Vĩnh Binh ( Tên ngày xưa chợ Giồng)_ Gò Công Tây ( Ảnh tác giả)
…..
Nằm tựa lưng vào bờ kinh Vĩnh Bình, chợ Vĩnh Bình có cấu trúc của một khối chữ nhật, chạy dài. Chợ đã được xây dựng mới, cao ráo, sạch sẽ. Chênh chếch phía mặt tiền, còn giữ lại vài ngôi nhà cổ lợp ngói, với kiến trúc thấp, những cổng vòm được trang trí bằng phù điêu và hoa văn. Rêu mốc và sự cũ kỹ chừng như cô lập hẳn quần thể này trước những ngôi nhà cao tầng hiện đại mọc đầy xung quanh. Trong bối cảnh chung, chúng hiện diện như những chiếc bóng ma mị, đầy tự kỷ , tồn tại bằng những ký ức, biến cố vốn chất chứa quá nhiều trong chúng. Điều này lý giải, không phải tự dưng, ánh mắt tôi khi quét qua đó, đột nhiên chùng xuống.
Trời đã xế chiều, ngôi chợ không còn sự tấp nập, ồn ào. Lác đác, vài gian hàng đang dọn…
_ “ Bánh giá hả em? Giờ này đâu ai còn bán nữa….Chạy xuống cuối chợ coi sao?” Một chị phụ nữ mau mắn nói.
Buổi chợ đông , con cá đồng cũng chê lạt
Lúc chợ  chiều, con tép bạc cũng khen ngon

Có lẽ đây là hàng bánh cuối cùng và chủ sạp, một phụ nữ trẻ khuôn mặt ủ ê, đang gói mấy chiếc bánh bằng miếng lá chuối cho một người khách. Cạnh đó, một cái chảo đầy dầu chiên đang sôi sùng sục bắc trên một cái lò đun bằng củi. Một thau bột vẫn còn lưng lửng, bên kia là một cái thúng to đựng  lủng củng đủ thứ: giá sống, gan heo, tôm sống.….Cái quạt trên tay cô nàng làm việc liên tục, nhưng vẫn không xua nổi đám ruồi nhặng lì lợm, cứ chờ chực lao vào. Giả tảng như không biết gì, tôi hỏi: _ Đây chợ Giồng phải không em?
_ Chợ Vĩnh biệt anh à!…Câu trả lời làm tôi suýt phì cười _  Buôn bán ế quá, mai mốt không còn ai bán nữa, chắc phải kêu chợ Vĩnh biệt. Cô nói như trãi lòng mình…._Mua  giùm em vài cái bánh đi anh!
Thực ra thứ bánh giá nổi tiếng này, cũng gần giống món bánh xèo ở miền Trung. Bột gạo xay pha loãng với đậu nành, đổ lên một dụng cụ khá đặc biệt, giống cái khuôn đúc bánh xèo nhưng nhỏ hơn, trong này gọi bằng cái vá. Tiếp theo người ta cho giá sống, gan heo lên trên, rồi đổ một lớp bột mỏng phủ đều. Trên cùng cho hai con tôm và ít hạt đậu phụng cho bắt mắt. Hoàn tất , tất cả cho qua chảo dầu, chiên vàng. Sau đó vớt lên, để ráo dầu là có thể ăn được…. Bánh giá ăn không với nước mắm, nước tương kèm rau sống. Một số người lại thích ăn với bún.
Tôi định lấy hai cái ăn lấy thảo, nhưng khi nhìn khuôn mặt chân phác của cô bán hàng chẳng thấy vui lên tí nào, đành lấy thêm hai cái nữa.
Nhận mấy cái bánh, tôi có gửi lời chào và câu chúc buôn may, bán đắt….chỉ thấy nàng cười thẹn và câu trả lời, nho nhỏ…._ Cám ơn!
Rồi mai em gái theo chồng/ Ai đem bánh giá chợ Giồng mời anh ( Ảnh tác giả)

****
Tháng năm mùa của những cơn giông chiều ở mảnh đất miền Tây . Vừa thoáng thấy những đụn mây đen ùn lên ở chân trời, thoắt cái , nó đã bắt kịp tôi, khi bánh xe vừa chạm ngưỡng Gò Công. Mưa mù mịt. Hạt mưa to, nặng như những mảnh kính vỡ vung vãi , đâm nhói vào da thịt. Ướt như chuột lột, tôi đâm xe vào mái hiên của một nhà ven đường để tránh mưa. Mưa đổ  từng đợt ào ạt, xói cả mặt đường nhựa. Con phố trước mặt như ai đổ lên một lớp sơn bạc, nhòa nhạt, vắng ngắt…..
Trong lúc đợi mưa tạnh, tôi chợt nhớ cuốn sổ ghi chép để trong túi áo sơmi lúc sáng. Cái túi ướt nhẹp, nhưng cũng may, bên trong cuốn sổ vẫn khô ráo. Dưới ánh sáng lờ mờ còn sót lại của ban ngày, tôi đọc lại dòng chữ do chính tôi ghi lại, theo nguồn khảo cứu.
“ Tuy vậy, Nam Phương hoàng hậu được nhiều người đánh giá là người thiết tha với đất nước. Theo tài liệu của sử gia Pháp Jean Renaud do nhà xuất bản Guy Boussac ấn hành năm 1949:
Sau khi quân Pháp dựa vào thế lực của quân Anh quốc để gây hấn ở miền Nam với ý đồ tái chiếm thuộc địa Việt Nam. Lúc đó vua Bảo Đại đã thoái vị, bà Nam Phương đang ở tại An Định cung bên bờ sông An Cựu. Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang trực tiếp gánh chịu, cựu Hoàng hậu Nam Phương đã gửi một thông điệp cho bạn bè ở Á châu yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp với lời lẽ như sau:
“Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.
Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi”…”
……..
Biết rằng sau cơn mưa trời lại sáng, nhưng sao trên con đường về, hòa mình vào dòng người xứ Gò đang vội vã,  tôi  lại cảm thấy nặng lòng. Thời gian và bao sự thay đổi dâu bể, tất cả đâu cưỡng lại được vận trời. Cũng  xin đành nợ Người…. Nam Phương!

Sài Gòn, ngày 7 tháng 7 năm 2017
Vũ Khuê
Tài liệu tham khảo:
_ Nguồn Wilkipedia.
_  Gò công_ Xưa và nay ( Tác giả Hoàng Minh)
Và một số tư liệu khác.