02 November 2017

PHAN KIM KHÁNH - Tưởng Năng Tiến

Con yêu bố mẹ – những người quan trọng nhất trong cuộc đời này. Có lỡ sau này con gặp điều gì trắc trở, bố mẹ hãy vững tin vào con nhé. (Phan Kim Khánh)
Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe người này gọi người kia là cái thứ “đầu bò” hay đầu “bã đậu.” Mới đây, lại học thêm được một từ ngữ nữa – “đầu gỗ” – qua trang FB của luật sư Lê Luân:

“Khi nghe đến hàng trăm nghìn những sinh viên trẻ Hồng Kông, rồi hàng chục vạn người trẻ Hàn Quốc xuống đường biểu tình phản đối lãnh đạo cao nhất của chính quyền nước họ phải từ chức và chịu điều tra độc lập, phải trao trả quyền lực độc lập về cho nhân dân, tôi thấy đau đớn cho sự im lặng trong thân phận bé mọn của giới trẻ và sinh viên Việt Nam mình.
Hôm nay, sinh viên luật ở Mỹ lại có một hành vi chính trị được coi là quyền đương nhiên đến mức bình thường của một con người mà bất kỳ một công dân Hoa Kỳ nào cũng đều có thể hực hiện – họ chung tay đâm đơn kiện tân Tổng thống Donald Trump ra Toà án bảo hiến để chống lại sắc lệnh vừa mới ban hành của ông ấy khi họ cho rằng nó có dấu hiệu vi phạm vào Hiến pháp nước này…

Tuổi trẻ và thế hệ trẻ của chúng ta đang ở đâu và làm gì? Họ học gì và nói gì với nhau trên Tổ quốc đầy thương tổn và ngày càng khánh kiệt này?
Họ chỉ lo mưu cầu đời mình mà không tính dựng xây đất nước. Họ không hiểu giá trị của họ nên thành ra trở nên như những công dân đầu gỗ trên mảnh đất quê hương dung dưỡng chúng.”
Nói thế, dường như, vẫn chưa bớt giận. Tuần rồi, chính xác là vào hôm 17 tháng 10 năm 2017 – cũng trên trang fb của luật sư Luân Lê – tác giả còn viết thêm đôi dòng (cũng) không kém phần cay đắng:
“Theo thống kê, 80% số cử nhân tốt nghiệp (thất nghiệp) đi làm xe ôm hoặc công việc phổ thông khác. Thế là chúng ta đào tạo ra một lũ vô dụng và đất nước thì không cần nguyên khí để phát triển nên mới để lực lượng hùng hậu đó đi làm công việc chân tay.
Tôi vẫn gọi những con người đó là những đứa trẻ và những công dân đầu gỗ. Bởi họ rất an phận thủ thường, chỉ cốt tìm việc lương ba cọc ba đồng hoặc bạ việc gì làm việc đó, không biết đến tình hình xã hội và đấu tranh để giành cơ hội sống tốt cho mình và tương lai con cháu mình.”
Những đứa trẻ đầu gỗ quả là có hơi nhiều nên tôi tận tình chia sẻ nỗi phẫn nộ, và đắng cay, của luật sư Lê Luân về hiện tượng đáng buồn này. Tuy nhiên – tưởng cũng cần phải nói cho rõ lẽ – Việt Nam không phải là Hồng Kông, Hàn Quốc, hay Mỹ Quốc. Thanh niên ở xứ sở này nếu không chịu sống “im lặng trong thân phận bé mọn,” không chịu “an phận thủ thường,” và lại quan tâm “đến tình hình xã hội” thì e là họ sẽ gặp phải không ít chuyện phiền hà – lôi thôi lắm, lôi thôi lâu, và (dám) lôi thôi lớn.


Xin đan cử một thí dụ. Trường hợp của sinh viên Phan Kim Khánh:
“Tôi sinh ra ở làng quê nghèo, nơi mà những người thân của tôi phải dạy từ sớm trước cả tiếng gà gáy, để rồi ra đồng cấy cày, những người như bố tôi thì đi xây, đi sửa những ngôi nhà nhỏ…! Họ là những người vất vả nhất mà tôi từng thấy thế nhưng tôi cũng thấy họ là những người nghèo nhất mà tôi từng gặp.
Tôi sinh ra ở nơi mà mỗi người trẻ như tôi được đi học Đại học là niềm vinh dự cho cả gia đình dòng họ, Làng tôi nhiều người học giỏi, thanh niên học từ trường danh giá cho tới những đại học bình thường, từ những nghành học Hot cho tới những nghành học mà nghe tới đã không muốn học…! Họ học giỏi và ra được trường, nhưng họ chẳng xin được việc.
Tôi đi học, được chơi với những người bạn mới, họ đưa tôi đi tới những nơi sang trọng mà ở quê tôi chỉ nghĩ nó tồn tại trong phim, họ đưa tôi đi ăn những món ăn đắt tiền nếu quy giá cũng bẳng cả đàn gà bà tôi nuôi mỗi năm. Họ cho tôi những lọ nước hoa mà tôi vừa dung vừa thấy tiếc mùi hương giá cả cân gạo. Tôi thường cau mày mỗi khi ngồi lại và nghĩ, giá như người dân quê tôi được hưởng thụ những thứ đó, chỉ 10% thôi thì có thỏa cái công họ làm lụng vất vả không?
Tôi yêu chính trị, bạn bè tôi nói tôi là chính trị gia, là người có ước mơ vĩ đại này nọ…! Nhưng với tôi, làm chính trị không phải để đạt được cái gì to tát như Đại biểu Quốc hội, bộ trưởng, chủ tịch này nọ…! Với tôi làm chính trị là đơn giản là san cho con đường của các em nhỏ tới trường được dễ dàng, cho đất cày của Bà con Nông dân quê tôi được mền lúa cấy lên tươi tốt. Đơn giản là cho người với người sống yêu thương nhau..!”
Chỉ “đơn giản” thế thôi nhưng với chế độ hiện hành ở VN thì sinh viên Phan Kim Khánh là kẻ có vấn đề. Vấn đề là em sở hữu đầu người (thay vì đầu gỗ) nên đã bị bắt giữ “về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam – theo như tin loan của báo Nhân Dân, số ra ngày 23 tháng 3 năm 2017.

Ông Phan Văn Dung, thân phụ sinh viên Phan Kim Khánh.

Nhà văn Nguyễn Tường Thụy vừa cho biết thêm:
“Ông Phan Văn Dung, bố của Phan Kim Khánh vừa cho tôi biết qua điện thoại, sáng nay, 12/10, tòa án Thái Nguyên gọi điện cho ông. Họ thông báo ngày 25/10 tới đây sẽ xử sơ thẩm và hẹn chiều nay sẽ đến nhà đưa giấy.
Phan Kim Khánh sinh năm 1993, bị bắt ngày 21/3/2017, khi chỉ còn mấy tháng nữa là xong chương trình 5 năm đại học. Anh là Chủ tịch Hội sinh viên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên. Anh bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước (điều 88). Hiện Phan Kim Khánh bị giam ở trại giam Cẩm Sơn 1 Thái Nguyên.”
Không cần phải là thầy bói người ta cũng có thể đoán biết được bản án mà Hà Nội sẽ dành cho Phan Kim Khánh. Đã có hằng trăm thanh niên Việt Nam khác bị giam cầm cũng chỉ vì họ bầy tỏ sự quan tâm đến vận mệnh của đất nước này. Đây là nơi, theo lời của facebooker Trịnh Kim Tiến: “Chống tham nhũng, tuổi trẻ có tài, ôn hoà thì bị bắt khẩn cấp. Còn những thằng côn đồ như Phan Hùng xông vào nhà đánh đàn bà, hay tội phạm ấu dâm, lạm dụng tình dục trẻ em trong trường học thì đến giờ vẫn nhởn nhơ.”
Theo bản tin của HRW: “Vụ bắt giữ Phan Kim Khánh là một phần trong đợt đàn áp đang tiếp diễn nhằm vào các blogger và các nhà hoạt động. Trong vòng 12 tháng qua, công an đã bắt ít nhất là 28 người và cáo buộc họ các tội danh an ninh quốc gia được diễn giải một cách mơ hồ. Vụ bắt giữ gần đây nhất xảy ra vào ngày 17 tháng Mười, khi công an bắt giữ nhà hoạt động vì môi trường Trần Thị Xuân ở Hà Tĩnh và khởi tố cô với cáo buộc là có các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”
Những người lãnh đạo đảng cộng sản tại Việt Nam không chỉ bao che và dung dưỡng cho cái ác mà còn tìm mọi cách triệt tiêu mầm thiện hay điều thiện. Họ có thể được tha thứ và bao dung, tại những phiên toà sắp tới (trong tương lai gần) về nhiều tội danh khác nhưng với tội trạng hủy hoại đạo đức và tính thiện của cả dân tộc thì không.

Tưởng Năng Tiến