21 November 2017

TRƯỚC VỰC. SAU KHE. - Nguyễn Văn Thà

Trước vực 
Sau khe
Thòng lọng tơ gì quấn gót
Tua khăn buông còn buộc búp hoa lan
- Thơ HOÀNG CẦM, bài Cỏ Bồng Thi.

 Có những thiếu nữ đi qua đời để lại những dấu hoa mà các nàng không hay. Màu sắc cùng hương phấn. Người một lần vướng phải, cứ vấn vương hoài, cứ lay lắt mãi trong những hóc hách lòng tình. Không có dấu chân nào hằn sâu như dấu chân thiếu nữ. Chẳng có sắc hương nào trói mộng chắc hơn sắc hương hoa.

Có chàng trai mang trên vai mình những món nợ sinh tử, rướm máu rách vai qua rừng rậm rịt Bỗng một nhành lan hiện ra như từ cõi hỗn mang xanh thẳm, như dành riêng cho chàng giữa những dằng dặc mưu đồ.

Những chàng trai xứ Việt nợ nhiều lắm: nợ non sông, nợ sinh thành, lại còn nợ những đêm trăng, nợ những ngày nắng, những cơn mưa, nợ cả gió hắt hiu... Cả bốn ngàn năm những nợ như thế vẫn trả chưa xong.

Mà nước Việt là đất Mọi, nước Việt là xứ Hời. Điêu tàn và Phiêu tán. Ngay trên đất nước mình. Bởi nó liều lĩnh làm những cuộc chinh phục chính dân tộc mình. Nó cỡi trên những con ngựa điên, những thớt voi cuồng bị những tay phù thủy thuần hoá bằng những cỏ độc, khói ngãi, bằng những tờ kinh, bùa chú cần sa.
Có người nhìn Điêu Tàn, Phiêu Tán mà khóc. Nhưng có kẻ lại vỗ ngực vênh vang những màu huy chương sáng màu mông muội, nhưng thực ra kẻ ấy đang quờ quạng như những bóng ma ơi hời giữa những thành quách đổ nát của mình.

Nhưng may thay còn cỏ cây hoa lá.
Ai từng nghe hương phấn trên rừng, ai nhìn gió muôn màu gởi đi đâu?
Đám thuyền nhân tấp vào hải cảng Trenganu một buổi sáng chủ nhật. Mặt trời mọc bình yên, gió cũng lặng thinh, và nghe như tiếng sóng cũng lặng thinh. Họ sững sờ nhìn quanh một khung cảnh khác hẳn cái đất nước mà họ bỏ đi. Những khuôn mặt ngơ ngác, xơ xác, lem luốc, hôi hám nhìn, lại nhìn, lại nhìn, và trong đôi mắt là địa đàng, là niết bàn. Mấy chị đàn bà loay hoay giòng gàu tát, múc nước biển rửa mặt, có bà dân Sài Gòn còn bôi lại nét son, có cô con gái lôi đôi bông tai ra đeo, có anh lui hui kiếm lại cuốn sách học tiếng Anh...
   Xe cảnh sát Mã Lai đến. Cảnh sát đặc biệt của Mã Lai mặt sắt đen sì, nhưng hay cười. Không biết vì tính tình họ như thế, hay vì trong nhóm có nhiều cô gái, dù còn lem luốc, nhưng vẫn phô ra được cái vẻ mỹ miều. Hoàng Diệp là một trong những mỹ miều ấy. Cái mỹ miều còn co ro trong khoang tối, chưa chịu chui lên.
”Hoàng Diệp đỡ chưa?”
”Chẳng bao giờ đỡ được đâu anh.”
”Tôi hiểu.”
”Anh nói gì, cho em bớt khổ đi anh.”
”Nếu được phép, tôi xin nói: Mọi sự trong trời đất này đều tương đối.”
”Em hiểu không nổi. Em chỉ đau đớn.”
”Tôi không muốn hỗn xược đem những bất hạnh của những cô gái khác bất hạnh hơn cô ra mà so sánh, để mà an ủi cô. Nhưng cái gì xảy ra cho mình, mà mình không làm gì được cả, thì chỉ biết tiếp tục sống. Cô xem, cái bà Tư cũng bị như cô, nhưng bà ấy xem ra không đau khổ nhiều.”
”Em không như bà ấy được.”
”Tôi chỉ biết nói chừng ấy. Và Thời gian sẽ làm công việc nhà nghề của nó.”
Hoàng Diệp có vẻ hơi vui:
”Tempus dolorem lenis.”
”Đúng vậy. Mà này Hoàng Diệp, hay là chút nữa Hoàng Diệp làm thông dịch cho nhóm đi. Lính nào mà chẳng thích con gái. Con gái mà xinh đẹp như cô, sẽ dễ ăn nói hơn.”
”Em van anh đừng nói em xinh đẹp nữa. Cho em quên.”
”Xin lỗi cô. Tôi chỉ nghĩ là tôi dịch được, nhưng nếu cô giúp dịch thì có lẽ hay hơn.”
”Em sợ lắm những khuôn mặt đàn ông ngoại nhân.”
”Thôi thì thế này: Tôi có một việc cần nhờ cô giúp. Chẳng giấu gì cô: Tôi mang theo tập thơ tôi làm. Bạn tôi đi trước có nói là mấy ông Mã Lai cứ sợ mình mang theo tài liệu phá rối trị an vào nước họ, họ tịch thu hết mọi loại sách vở. Tôi chỉ nhờ cô xách giùm. Lỡ họ có bắt gặp, cô cứ coi như của cô, và tìm cách giải thích với họ, họ chắc dễ thông cảm với cô hơn. Cô giúp được, tôi cám ơn cô nhiều lắm!”
Nàng mỏi mệt nhìn Nam:
”Vâng, em sẽ cố.”
Nam ra dấu cho Hoàng Diệp vào khoang trong, mở chiếc xách tay để chỉ cho nàng tập thơ. Nhưng trong đó chẳng có tập thơ nào cả, cũng chẳng có sách vở nào khác, mà chỉ có một cành lan vàng bung ra từ vùng tối tăm của chiếc túi, từ vùng hắc ám của khoang thuyền, lại còn tỏa ra mùi thơm mong manh, mong manh mà xua được hết mùi xăng nhớt, mùi phân người, mùi máu kinh nguyệt trong thuyền. Nam sững người. Mắt Hoàng Diệp ánh chữ vàng kim. Những giây phút như thế mọi ngôn từ, mọi giải thích rơi vào hố thẳm châu báu. ”Innocentia eloquentia est.” Người ta chỉ còn há miệng ra mà uống lấy ân sủng diệu kỳ, người ta chỉ còn phổng mũi cho khí vị thơm tho ùa vào, người ta chỉ còn mở trừng con mắt rước lấy ánh sáng nguồn sinh. Holy Gral Phương Đông Cứu Rỗi.
Ở nước Việt thuở ấy màu đỏ cùng khắp, nhưng ở trong trại tù triều Mông Muội màu đỏ ấy mới máu me thực sự, phun ra từ những con ma cà rồng ngụy trang dưới những lớp áo thiên sứ, và cái màu ấy còn theo đuổi những hình nhân tơi tả sáng, trưa, chiều, tối, và vào cả trong giấc mơ. Rồi bình minh lại đến, vẫn là những rạng đông báo hiệu một ngày đau khổ nhất địa cầu, nó báo hiệu một ngày không thể ngẩng đầu, dù một phút, nó báo hiệu mồ hôi chảy, chảy đến cạn, nó báo hiệu những dùi lửa của những đao phủ xoáy vào tai tù mưng mủ, nó báo hiệu một ngày đỏ chói chang, đỏ cả người, cả thú vật, đỏ cả ngàn cây nội cỏ, không chừa một cây, không tha một cọng. Mà khốn thay, những hình nhân trong trại tù Đông Quan thuở ấy, họ lỡ mang theo vào tù những thu biếc, những mây lơ lửng mấy tầng cao, những sương đầy trời, những thảo mộc hữu bản tâm, những rượu say cầm hoa, những cố viên tùy xứ thổ hoàng hoa, những ẩn lan nhật lạc phi tà dương.
Có một trưa chủ nhật, đám tù cả mấy trăm người mệt lử sau một buổi thi đua dâng cho, họ từng hàng đôi, từng hàng đôi, đi về trại. Trời gió im. Nắng đổ. Họ chửi thầm với nhau về cái toán hình sự ngu thấy mẹ vì mấy ký đường mà xông xáo tựa trâu điên, như thể sắp moi được mỏ vàng. Nhưng rồi càng về gần trại, họ có vẻ vui vẻ, háo hức, vì trước mắt họ, dầu gì cũng còn một nửa ngày tùy nghi, họ chuyển qua những chuyện vui hơn: những tin đồn về đợt phóng thích mới, chuyện vợ con,  người yêu, và những ước mơ... Trung quay qua hỏi Nam:
”Nè anh Nam, cái câu hát: Gió bay từ muôn phía tới đây ngập hồn anh. Thuyền anh một lá ra khơi về em phong kín như mây trời... Tại sao là thuyền ở đây?”
”Vì bầu trời thu là biển chở thuyền lòng chàng trôi về bến cảng mây em.”
”Chà, cái ý thu thật độc đáo! Mùa thu dễ làm người ta nương cánh thu mà bay. Nóng bức mướt mồ hôi như bây giờ, thì chỉ có nước...” Bỗng, nói chưa dứt ý, Trung kéo tay Nam. ”Nè, anh Nam, có con nhỏ Bắc bộ, bộ vó ngon quá trời, đang ngược chiều đi lại.”
”Kệ nó, ông ơi! Lỡ con nhỏ là bồ ông cán bộ nào đó, thì lại mang họa.”
”Thì chỉ rửa mắt, chớ có làm được gì đâu mà anh Nam cứ lo xa!”
Con nhỏ đi tới thật gần. Nam, vốn đạo mạo ít nói, vậy mà miệng bỗng trơn như mỡ:
”Hoa lan nhớ chờ anh dzìa nghe!”
Con nhỏ nhìn quét ngang đường gươm sắc ngọt, cười nụ ngàn cân.
Cái anh vệ binh quát tháo chi đó.
Nam ngoái lại nhìn, hoa nắng chấp chới, có con chim hốt hoảng bay đi. Anh xuýt xoa với Trung:
”Con nhỏ một tay xách xắc, tay kia cầm nhành lan. Đúng là Em trưa nắng đổ tay ngà Cội lan ẩn ngữ lời hoa mấy nhành. Nè, Trung!”
“Hả?”
“Con nhỏ này cầm cành lan giống y cành lan mà con nhỏ thanh nhiên xung phong hay là văn công gì đó toán tôi hồi ấy bắt gặp ở vùng Tam Biên, Trường Sơn.”
“Vậy hả? Có chuyện lạ vậy sao! Anh Nam kể nghe thử!”
“Hôm đó toán biệt kích của tôi đi đến khúc suối có nhiều dấu chân dẫn xuống. Tụi tôi thấy có một đứa con gái đứng trên tảng đá giữa suối. Con nhỏ người thanh mảnh, mềm mại như đâu đó trong Kiều, như đâu đó trong những ca khúc tiền chiến, dù con nhỏ đang mặc đồ trận. Cô ta vừa nhìn cành lan, vừa nhìn vu vơ, như thể đang chờ người tình, hoặc giả người tình đã đi rồi mà vẫn còn đứng lại ngẩn ngơ. Mà cũng có thể chẳng chờ ai cả: Cô nàng ra đó như để nhìn lại mình, nhìn lại những mảnh trinh trắng của những ngày trinh trắng thuở nào đó của Đất Nước. Cô đứng đó như tự hóa đá mình, đứng đó mà hỏi ngọn nguồn. Nghe hoa nhiệm mầu... Trước vực. Sau khe. Ù ù gió thổi. Những sợi sắc hương đong đưa như tơ thòng lọng, những vòng thòng lọng tố ti của những thiên tình sử thiên cổ!”
“Thì những ngày như thế mới đây chứ đâu có xa xôi gì! Nhưng sao anh Nam lại cho là cành lan của con nhỏ Trường Sơn đó giống loại lan cô gái lúc nãy?”
“Thì ở nhà, ba tôi cũng chơi lan mà; tôi nhận ra ngay; đó là lan Kim Điệp với những cánh hoa màu vàng tươi, lắt lay nửa như những cánh bướm muốn bay đi tìm nguồn mật mới, nửa đang múa quanh cội mình, và mỏng manh, mỏng manh thắt cả ruột... Lại còn bóng nắng chập chờn. Có một cái gì đó không thực, cái hôm đó. Nhưng tôi vẫn đếm được cành lan có chín bông. Cành lan của cô gái lúc nãy cũng vậy.”
“Anh thiệt là lãng mạn!”
“Thì cái thời lãng mạn cũng đâu có xa xôi gì, như anh Trung nói.”
 “Khi ra tù, anh Nam đi kiếm lại con nhỏ hoa lan lúc nãy đi anh Nam!”
“Ý kiến nghe hấp dẫn à nghe! Kiếm thì kiếm chớ sợ gì! Nhưng biết cô nàng ở đâu mà kiếm?”
“Chà, cái dân biệt kích gì mà kỳ cục vậy? Bộ lụi nghề rồi sao? Láng cháng tôi ra trước, tôi bợ thì rán mà chịu.”
“Thôi ông Trung ơi, vợ con đùm đề mà còn lộn xộn.”
“Thấy chưa, chưa chi đã giở chứng.”
“Ừ! Chắc con nhỏ, cũng dễ kiếm. Con nhỏ có lẽ là cô giáo: Tôi thoáng thấy trong xắc có mấy cuốn sách, lại có cả cái thước kẻ bảng nữa.”
“Như thế mới xứng mặt dân biệt kích chớ!”
“Cô ta còn có bàn tay trắng và muốt như một nụ ngọc lan.”
“......”
Cổng trại mở ra.
“Dạ báo cáo cán bộ toán 4 xin về trại,” anh toán trưởng hô lớn.
“Cái anh Nam đang nói gì đó? Có giấu mang gì về trại không?”
“Thưa cán bộ, không! Tôi chỉ nói chuyện diễu với bạn cho vui.”
“Thôi, được rồi, cho về trại.”
Trung nói thầm với Nam:
“Ông là chúa cải thiện nên cứ bị mấy ổng đì hoài.”
“Nè, trong bộ Thánh Luật Công giáo có ghi rõ: Khi mình ăn cắp, ăn cướp của cải kẻ bóc lột mình, thì chẳng có tội gì hết. Cái ông lão có tuổi thọ hai ngàn năm đó, kinh nghiệm đầy mình đã phán như thế. Vậy, tội gì mà không cải thiện?”
“Ừ! Mà lần này ông Nam cải thiện cả bị kim cương mà mấy ổng không tài nào bắt được.”
Nam được thả trước anh Trung. Nam đi bộ ra đến bến xe huyện. Chưa có xe về tỉnh quê Nam. Anh đi lại phía ngôi trường cạnh bến xe. Nhìn lén vào vào các lớp, không thấy giai nhân hoa lan nào. Anh đi đại qua khu nhà giáo viên. Chỉ thấy mấy anh giáo viên, kẻ đang nằm dài, người đánh cờ tướng, có kẻ đang thổi cơm. Họ nhìn chiếc áo sơ mi in số tù, nhưng không có vẻ ác cảm như anh tưởng. Có anh lên tiếng:
“Ông anh muốn kiếm ai?”
“Thế này nhé, cánh đàn ông cả, mình nói thật một chuyện, nhờ các bạn giúp.”
“Tụi này sẵn sàng giúp, nếu trong khả năng.”
 “Mình vừa mới được thả. Nhưng cách đây một tháng, khi mình đi lao động với toán về thấy một cô gái thật xinh, có lẽ người miền Bắc như các cậu, đi ngược chiều với bọn tớ, tớ đâm tương tư.”
“Ái chà, chuyện tình Xibia thời đại mới.”
“Cô ấy người dong dỏng cao, lúc mình gặp, tay xách túi sách có cái thước kẻ bảng màu vàng, còn tay kia cầm một cành lan.”
“Mấy cô giáo viên vùng này, chị nào chị nấy nhìn mà phát khiếp, không có ai như ông anh nói đâu!”
Một anh vừa tắm xong ngoài giếng đi vào, góp chuyện:
“Chẳng có chị giáo viên nào như thế. Nhưng có thể cô ta chỉ đi ngang. Thôi, ông anh cứ để lại địa chỉ cho tôi, lỡ có gặp cô ta trên đường tôi sẽ chuyển cái tương tư của anh đến cho cô ta...”
“Anh chịu chơi quá ta! Bộ không ngại tôi là tù?”
“Bố tôi trước cũng phải đi cải tạo ngoài Bắc mà anh! Ông anh cứ yên chí về quê với ông bà cụ. Tôi sẽ cố gắng giúp ông anh.”
Nam về nhà. Tưởng mọi chuyện sẽ dễ thở hơn, nhưng xem ra cũng không khá gì mấy. Chuyện kiếm cái ăn cái mặc cho mình và cho cha mẹ đã già lại hay bệnh cuốn hút sức lực, tâm trí... Lại họp hành, lại phải chịu lụy mấy ông trời con HTX, để còn chén cháo mà húp. Đã thế, thỉnh thoảng có một ghe đi lọt, lại buồn cho thân phận mình. Tên những nơi chốn học hành lừng lẫy nơi xứ người mơ ước từ thủa nhỏ, như những nọc độc, làm tê tái người. Những thùng đồ Mỹ, những se sua, những giai cấp mới. Con chữ co ro ngày càng tội nghiệp. Và cành lan nào đó, tay ngọc nào đâu, rụng rơi xuống vực sâu quên lãng. Không nghe tin tức gì từ anh giáo viên. Có lẽ anh cũng lại bị trói vào chuyện chén cơm manh áo vĩ đại. Hạt thóc, hạt ngô phút chốc hóa xích xiềng. Anh ta có lẽ không còn sức, còn thì giờ nhớ ra được cái tình trai gái lãng đãng hương hoa hay hay trong một thoáng nghe từ cái ông tù cải tạo tà lơ nào đó. Và cũng có thể cô ấy chỉ là một cái vía vất vưởng tầm thường giữa một cuộc thế quá tàn nhẫn, mà ở đó người ta gạt qua những điều thiện, những cái đẹp, những niềm chân thật. Chúng có mặt mới đây thôi, mà tưởng như nằm tận đâu thời thái bình thịnh trị nào đó cách ngàn năm. Những thứ ấy bị giống người mới đuổi ra khỏi vườn địa đàng, nhưng chúng vẫn cứ cố tìm về chốn cũ yêu dấu của mình, vơ vất như những mảnh hồng hoang, cứ tìm mãi tìm hoài quê hương mà vẫn chưa thấy, cứ đinh ninh nơi thanh sạch, tĩnh lặng cội nguồn chắc chắn vẫn còn đâu đây, chỉ nghĩ mình bị đi lạc, và không bao giờ nghĩ, không bao giờ tưởng tượng ra là chốn chôn nhau cắt rốn của mình đã bị vùi sâu, thiệt sâu.
   Rồi cũng có mấy anh bạn tù được thả tù, khi nghe Nam hỏi về cô gái hoa lan, họ cười cho cái ngớ ngẩn của chàng, và nói họ chưa hề thấy một cô gái nào như thế trên đường đi lao động. Có anh còn đưa ảo giác sa mạc ra diễu. “Anh có mát giây không vậy?”
Nam và Hoàng Diệp nhập trại đảo Bidong. Nàng được chuyển ngay vào khu phụ nữ độc thân kín cổng cao tường. Nam vào khu F, ở chung chạ. Anh kiếm được chỗ treo cành lan Kim Điệp. Hành lang dãy nhà tạp nhạp có một góc cho Kim Điệp. Ai cũng thích. Người ta đến nhìn. Người ta cười. Kể cả mấy ông đàn ông suốt đời sống với láng tràm rừng đước, kể cả những bà nhà quê một đời sông nước bãi sình. Có anh cố vấn người Mỹ muốn mua, trả giá cao, anh không bán; có ông cảnh sát Mã, gạ đổi thịt heo, anh từ chối.
Không thấy Hoàng Diệp xuất hiện. Không thấy nàng đi ra khu A, B, khu trung tâm. Không thấy nàng đi dạy học, làm thông dịch. Cũng không thấy đi nhà thờ, đi chùa. Lâu quá, nóng ruột, anh mới qua khu phụ nữ độc thân hỏi. Các bà ở đó cho biết là không có cô nào tên ấy. “Hoặc là cô ấy đổi tên. Có người đã làm như thế để xóa đi một phần đời không nên có. Có người như bà Năm Lúa, lúc nào cũng bô bô ‘tui đây bị 40 thằng mà Trời thương, không sao!’, nhưng cũng có cô cứ muốn tự tử.” Cô Nhung dạy học chung với Nam có bữa nói với Nam như vậy.
Mấy bữa sau cành lan Kim Điệp không cánh mà bay.
Thư của Nam từ California gởi thầy cũ ở Việt Nam:
Con vừa mới in được tập thơ ở California, nơi con đã ở mấy năm nay từ ngày đến Mỹ.
Ở đây có nắng, có biển, và nhiều trời xanh. Ở đây người Việt quần tụ đông nhất, là Little Saigon. Nhưng Tiểu Sài Gòn, hay Đại Sài Gòn đi nữa, người Việt đang bị tan ngấu nhanh chóng giữa nồi xúp Hiệp Chủng Quốc. Cái giống dân mình phải nói là biến thái với tốc độ nhanh nhất. Tại bản sắc văn hoá mình cạn cợt, hay cái máu khỉ trong người mình nhiều hơn cái giống dân khác? Riêng con, con nghĩ là cái máu khỉ ấy là nguồn gốc cho những khốn khổ đã xảy trên chính Đất Nước mình, cũng với cái máu khỉ ấy, chẳng bao lâu nữa, người Việt ở Mỹ sẽ chỉ còn là những zombie ở giữa xã hội Mỹ. Hồn Mỹ quốc, da Lạc Việt.
Và xã hội Mỹ, lâu nay người ta cứ tưởng những gì người Mỹ dựng thành phim chỉ là chuyện bịa, nhưng tới đây mới thấy đó là chuyện thực. Hay nói theo Woody Allen: Ở Mỹ này, người ta không bỏ rác rến của nó - người ta dựng thành phim truyền hình từ những rác rến đó. Có thể nói Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới, một cách lạ lùng, đi từ thời kỳ mọi rợ thẳng tới thời đại băng hoại mà không, như thường lệ, phải trải qua một thời kỳ văn minh trước đã như trường hợp nước La Mã xưa, nước Ai Cập cổ.
Nhưng ở đây người ta vẫn tiếp tục mơ giấc mơ Mỹ quốc. Giấc mơ Mỹ quốc có cái tên khác là nỗ lực chinh phục, chinh phục những thách đố. Và thách đố nhau đến mức tàn nhẫn. Khôn sống mống chết. Cái lối sống đó nhào nặn nhân cách con người ở đây. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Phải như thế! Nhưng thách đố trong tự do. Có phải vì thế, nước Mỹ mãi mãi là thỏi nam châm hấp dẫn người khắp năm châu?
Và thưa thầy, hôm in tập thơ xong, ma đưa lối qủi đưa đường, con lạc vào một quán rượu của dân bặm trợn. Quán tối, nồng nặc nhang Nepal, khói cần sa, thuốc lá, nhạc gì mà nghe như ma qủi đang quần nhau với âm hồn, các hình tượng khỏa thân sấp ngửa dập dờn, mặt nạ Phi châu nhe răng rừng rú, người oằn oại như lên đồng, và thầy biết không, trước quầy rượu, ai đó đặt một chậu lan Kim Điệp vàng chói chang như đèn pha xe vận tải, chín cánh hoa to lớn, dày tựa bàn tay đô vật, và dĩ nhiên không lắt lay mỏng manh như những cánh bướm, mà ngúc ngoắc trơ tráo tựa tai thỏ Playboy. Con toát mồ hôi lạnh. Con về gom hết thơ, đốt. Và từ ấy con cứ bần thần; đêm nào cũng mơ một vết chim bay.

Oslo, 03 III 04
Nguyễn Văn Thà

Chú thích: Trong phần lá thư, có hai câu danh ngôn nói về nước Mỹ, và người Mỹ, trích từ cuốn Den Store Sitatboken (Danh Ngôn), nxb Ex Libris, Na Uy. Ngoài ra trong truyện mượn một số chữ, một số câu thơ của Trương Cửu Linh, Lý Đạo Tái, Nguyễn Khuyến, Hoàng Cầm, Nguyễn Chí Thiện. Và mấy thành ngữ La Tinh: ”Innocentia eloquentia est: Sự ngây thơ thì hùng biện: Thơ ngây mà chứa vạn lời. ”,  ”Tempus dolorem lenis: Thời gian làm giảm đớn đau.”