07 December 2017

BÁO GIẤY - Hồ Đình Nghiêm


Maitre Imprimeur là tờ báo in trên giấy láng offset 4 màu xuất bản hàng tháng phát hành ở Montréal. Số tháng 11 năm 1991 giới thiệu những cơ sở in ấn già tuổi nhất trong thành phố, một sáng giá lạnh phóng viên cùng phó nhòm xô cửa vào thương hiệu Lovell Litho khởi nghiệp từ năm 1835 lưu truyền tới 3 đời hăm hở làm bài tường thuật. Và như vậy, bất ngờ có hai anh chàng công nhân Việt Nam được đưa lên mặt báo chu du khắp tỉnh bang Québec, tờ magazine ấy ghi giá chỉ 2$ dành cho bọn tây tà trong nghề xem. Không một ai hay biết về hai chàng gốc người Huế đang cực chẳng đã lao động không vinh quang kia vốn là nhà thơ nhà văn lạc thần hồn đến bến bờ mộng lệ. Lệ đẹp hay nước mắt tràn? Diễm tuyệt chẳng thấy đôi hàng khoé cay. Khi bất bình bọn chủ gốc Ái Nhĩ Lan, giận lẫy cuộc đời lưu vong cả hai đã từng to tiếng cùng đám thợ thuyền: Một ngày đẹp trời nào đó chúng mày phải cặm cụi in sách cho bọn tớ đấy! Giựt le cho vui rứa thôi bởi hỏi giá thành một cuốn sách dày chừng 200 trang chúng cho hay tiêu tốn khoảng 15 đồng, vì là công nhân trong hãng nên khấu trừ đi 15%, vị chi là… Rõ là thiên lôi ưa hét giá trên trời, chúng ông từng in sách, giá vốn mỗi cuốn chỉ mất gần 3 đô chứ mấy!
Chúng ông ngoài tay làm hàm nhai còn kiêm luôn chức năng lao động trí óc, nên chi đối với chúng mầy thì rõ là “thoại bất đồng tâm bán cú đa”. Nước đổ đầu vịt, đàn khảy tai trâu, nửa lời cũng là nhiều, vì rứa chỉ có Huế này thủ thỉ rù rì cho Huế kia nghe. Hai con cá nước ngọt sông Hương khi không mà chịu bơi trong bể muối, mặn chát và lạnh cóng thân, không trầy vi tróc vảy cũng uổng! Muốn qua cơn hạn phải tự học lấy bí pháp phân thân. Anh để cái xác chôn chân bên máy cho bọn chúng an tâm, kỳ dư anh vác đầu óc đi ngao du tới một cõi miền êm ả khác. Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn tâm sự: Ngó thì có vẻ tối mắt tắt mũi nhưng thực ra mình làm được nhiều thơ trong lúc lao động. Tin không? Tin quá đi chứ. Nào ai xa lạ tui từng là chứng nhân sống đây nì. Có thể viết thành truyện ngắn lấy tựa là “Chuyện bây giờ mới kể”. Chẳng biết nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng “đi trên mây” ra sao chứ anh thì mãi quen đằng vân giá vũ do cái tội quyến luyến nàng thơ, xớn xác đun xe vô nơi xét thấy thuận tiện gần chỗ làm nên khi tan ca thì y như rằng mười lần hết chục đều bị dính giấy phạt. Chơi chi lạ rứa bây? Dòm trước trông sau rõ kỹ, mụ cô cái bụi cỏ um tùm che choáng cái con cu đỏ phòng cháy chữa cháy. Thà mà hắn rình sau bụi môn cho cam, chán mới gớm! Trần Quốc Toản bóp nát trái cam, riêng ôn không nỡ bóp tan giấy nhàu. Hãng xưởng nằm trong phố cổ, khúc ni kiếm nơi đậu xe thiệt khó hung! Than thì than vậy chớ hai bài thơ làm trong buổi nhiễu nhương thế sự kia đã chễm chệ dàn trang trên tạp chí Văn Học. Đã không hưởng được một xu nhuận bút mà nghiệt phải chi cả nạm tiền mãi lộ cho thành phố Mộng Lệ. Chúng có giàu sụ thì phải nên biết ơn tới những chàng thi sĩ mãi lạc thần hồn. Suy ra muốn giỡn trăng ghẹo hoa thì quả có tốn kém vậy!


thưa em chiều đã mỏi nhừ
bàn tay khái niệm tu mi chán chường
bây giờ mình biểu tình suông
thì ma vẫn quỷ thì buồn vẫn dưng

Anh vẫn cho mình đi nhờ xe, thồ một đứa chẳng rành xem bảng cấm thành ra chiếc Toyota màu xám cứ bị lọt mắt xanh, cái gạt nước vẫn thỉnh thoảng kẹp vào một lời hẹn hò xài toàn chữ Đan Mạch. Tuy là nạn nhân, nhưng thứ ngôn ngữ khó nhai ấy tuyệt không ẩn hiện trong thơ anh mặc dù theo trào lưu “đương đại” có lắm kẻ rinh cả cức đái cu dái cửa mình lủng lẳng “vô tư” gọi là làm mới thi ca. Chẳng có ai quyền thế ghi giấy phạt, tại ba cái trò “bức xúc” nớ không hợp tạng anh, mà hình như người Huế nói chung vẫn biết đến chữ thể diện hay sao á? Không ba de, chẳng ba lơn, không ba trợn, chẳng đếm lộn số như Bùi Giáng: “Một hôm đếm một ra ba, một lần đếm hột mà ra bốn lù”.
Bốn lù bù lốn bốn lu? Bày vẽ chi cho mệt rứa không biết. Chị cho tụi này hai tô bún bò giò heo, lựa cái nghéo nhiều thịt chút hí, càng cay càng tốt. Thôi việc chiều đã rêm mình, tấp vô quán nhỏ mà rình bụng to. Ba vạn cũng bỏ, lâu lâu hai anh em cũng giả bộ nhớ Huế giống thiên hạ chút đỉnh. Kéo ghế rậm rật, nghe loa góc quán thở than: “Chiều nay mưa trên xứ Huế”. Về nhà có bị vợ gạn hỏi thì cứ danh chính ngôn thuận: Ai đi ăn phở hồi mô mà vu oan giá hoạ rứa hè. Có ngửi ra mùi ruốc không?
Cái hay trong thơ anh Hoàng Xuân Sơn, theo cảm nhận riêng mình, là dù cho anh dùng từ chuẩn mực gốc Bắc khéo léo tới đâu đi nữa, mình vẫn thấy thấp thoáng trong đó một diện mạo trầm mặc của chốn xưa, chút u ẩn của vùng đất chịu nhiều tai ương trầm uất. Những cảnh sắc mà phải từng sống qua cố thổ mới đâm chồi nở nụ trong chữ viết. Nhiều người đã từng có chung một nhận định, Trịnh Công Sơn phải là người Huế lời nhạc mới được rứa.
Không nhớ chính xác là bao niên “lá đổ muôn chiều” có lúc nhà thơ đã bỏ mình ở lại quay như vụ với trăm dâu đổ đầu tằm nơi nhà in xưa hơn một điệu hò Nam Ai. Từ nay lẻ bóng, thôi còn Toyota, trâu ra đồng ban sớm đành dùng phương tiện giao thông: Bus, Métro, Walk. Ưa giựt le thì bảo tớ đang chạy xe BMW mà suốt tháng năm dài chả dính một cái giấy phạt. “Thà ngồi khóc trong xe hàng hiệu còn hơn tươi cười với mỏi gối chồn chân”. Ai đã thốt nên lời dễ bắt viết kiểm điểm quá. Khóc vì nhớ một người mới là chính đáng, cười do bởi đón nhận một tin vui thì nghe êm tai hơn. Tác giả thi tập “Huế Buồn Chi” giờ đây lại sáng tác mạnh hơn khi anh đổi cảnh quang môi trường lao động: Làm việc trong cửa hàng Duty Free ở phi trường độc nhất Montréal. Vét-tông cà-vạt đường bệ sạch sẽ, thôi nói tiếng nước Huệ để chuyển tông sang Anh-Pháp ngữ. Vu-lê-vu-ăn-bún-bò-a-vếch-moả? Nông, mẹt-xì, bị ở đây ví như đầu sông Tương ngươi cuối sông, mềnh đành gặp nhau trên những trang báo giấy gói không đầy những kỷ niệm lỡ úa màu.

hồng hoang rộ chín ân cần
nghe trong phủ dụ điều lân tưởng còn
mưa mù. hệ trắng đầu non
niềm vui hội tụ cỏn con xin về

Đi làm, mình bới theo mấy số tạp chí để đọc trên tàu điện ngầm. Tới hãng, tình cờ báo bổ nọ lọt vào mắt chủ. Ngoài bìa in tên lứa đôi không “sắc cầm hoà hợp”. Wow! Báo gì đây? Sao có tên của hai nhân công hãng ta nhỉ? Dạ thưa, nói xa nói gần chẳng bằng nói thiệt, ảnh và tui là người dầm thân trong hạnh của văn chương. Thật sao? Vinh hạnh cho bọn này quá, có ai mà dè ở sơn cùng thuỷ tận lại chứa được những hai vì sao! Từ dạo em sang ngang thì có người trông trăng trăng lặn ngó sao sao mờ, nhưng từ độ chủ táy máy để phát hiện “nhân tài tỉnh lẻ” thì chủ đổi thái độ, chủ tự động tăng lương và chủ bỏ tật làm đày làm láo. Ôi, văn chương hạ giới quả không rẻ như bèo đâu nhỉ? Dù Tây tà không đọc được chữ lạ nhưng chí ít “thực dân” cũng biểu tỏ đôi phần lễ độ. Thế ảnh giờ này mần chi? Họ hỏi nhà thơ giũ tà huy bay. Mình phách tấu, ảnh sắp viết xong cuốn hồi ký dày ngàn trang. Có nhắc nhớ chi về địa danh chốn này? Yên tâm, lòng bọn tớ hải hà như sông St-Laurent, bao dung độ lượng thứ tha tất thảy những lỗi lầm chúng sinh từng tạo nghiệp. Cuốn sách của ảnh mang tên “Cũng Cần Có Nhau” là một ví dụ. Mình muốn đọc lên vài bài thơ nhưng lại nghĩ tới chuyện nước đổ lá môn nên đành câm như thóc. Bọn chúng không cách gì thẩm thấu, chỉ mình ên ngất ngây:

hình như em sống trong tôi
hình như em vẫn nói cười như nhiên
xui tôi viết một chương buồn
một câu độc thoại 1 tuồng hoa bay
một lần thương nhớ lắt lay
một đời lủi thủi bóng mây dương cầm
một cung đàn. giọt lệ tranh
đường muôn thu gọi khúc quành lăng nghiêm

Báo giấy ngoi ngóp một thời gian lây lất rồi cáo chung. Mình cũng lao động trật vuột chỗ nọ đôi ba tháng thì guốc bay. Chia tay, bọn chúng trao gửi đôi ba số báo có in hình hai nhân công tha phương lao động để giữ làm kỷ niệm, xú-vơ-nia, chúng ngôn thế. Lật ra xem, lòng luống những ngậm ngùi mê-mô-ri: Miệng đắng khi ngó ra tấm giấy phạt, miệng phỏng khi húp bát bún bò cay. Mình chẳng rõ nhà thơ Hoàng Xuân Sơn có vui không khi nhìn lại “chúng ta đã có một thời chung lưng đấu cật như thế”. Chỉ là kỷ niệm cũ thôi, anh nhé. Bá tánh lỡ xem có nói gì thì mặc họ. Mình chỉ nhớ riêng với nhau, về tháng ngày trần ai khoai củ, về một thủ phạm duy nhất đã rút đi của ta biết bao nhựa sống, đồng thời chúng ta đã toát mồ hôi khi đóng góp cho văn học hải ngoại những sáng tác thành hình trong mê muội. Đó là thứ bước tới đèo Ngang bóng xế tà. Không hoa chen lá cũng là cuộc chơi. Ngang trái rồi cũng qua đi, qua như một nửa đêm im bệnh tình.

Hồ Đình Nghiêm
Những dòng chữ xiêu là thơ của Hoàng Xuân Sơn, phiêu