Milkmaid
Johannes Vermeer
Phòng tranh mang tên “Giao Mùa” mở cửa hơn hai ngày thì bị đóng. Mưa đang
về, bay nghiêng hạt xuống một địa phận sẵn lòng đón nhận sự dầm thân trong rét
mướt. Tấm bích chương mềm nhũn, hoen màu, chịu thử thách ban đầu cái tác hại
của nước ngấm. Hàng chữ “từ ngày 7 đến ngày 14” đã bị mưa cào đến thủng giấy,
hết còn đọc ra. Đây là cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Văn Xê, 30
bức tranh sơn dầu hiện hữu sau 10 năm mài miệt vẽ. Xin được giấy phép đúng một
tuần, chỉ bán được một bức “Thiếu Nữ Cởi Áo Lụa Bên Hồ” thì… giông bão tới.
Đột ngột. Khách muốn thưởng ngoạn ngác ngơ trước cánh cửa có bắt cái khoá rõ
to. Những kẻ muốn lợi dụng một không gian nồng ấm để trú mưa cũng bị dội ra.
Nghệ thuật mà làm gì mấy cha! Nghe đâu bão lớn ngoài biển Đông đang đe nẹt đòi
thổi vào. Hai ba người đứng luận chuyện trước cửa đóng then cài. Thì ít ra phải
có mặt tay hoạ sĩ đứng đó phân bua giải thích. Đóng bất ngờ kiểu này coi bộ
không êm. Ừ, quả có đột xuất thật! Tay ấy bị xe điên đụng phải chăng?
Nguyễn Văn Xê, 32 tuổi. Chẳng được đào tạo từ trường ốc chính quy. Do khéo
tay cộng với niềm đam mê chẳng ngơi nghỉ nên trì chí tự mày mò để bước vào con
đường nghệ thuật tạo hình. Quá trình đã từng góp tranh trong những cuộc triển
lãm “12 khuôn mặt trẻ”, hoặc “Sức sống và cuộc đột phá của những cây cọ miền
Trung”. Nguyễn Văn Xê, chưa vợ con. Tóc để dài, trang phục bụi bặm, quần jean
thủng rách lấm lem màu dầu, và như đa số bọn “tác nghiệp” thứ nghề tự do vô bổ
ấy, hắn nghèo rớt mồng tơi. Nhưng chớ nên áp đặt Xê là dân vô sản chuyên chính,
hắn giàu có ở mặt khác, hắn sở hữu những thứ vô giá.
Nguyễn Văn Xê ngồi một mình trong căn phòng nhỏ, đóng kín. Một ngọn đèn
vàng, một chiếc bàn gỗ và hai cái ghế. Phòng có trổ một ô cửa sổ, tấm kính mờ
đục ở đó không bưng bít được vuông màu xám nát nhừ những giọt mưa mãi cào cấu
bên ngoài. Một cốc cà phê, một điếu thuốc. Yêu cầu của Xê chẳng được đáp ứng,
người ta chỉ vứt xuống mặt bàn tờ giấy vở học trò cùng cây viết từng bị những
dấu răng gặm nhắm qua. Thật thà khai báo, có thể đó là đầu đề mà Xê phải trả
bài, không nhất thiết phải đúng niêm luật vần điệu câu cú. Khi anh tự nhận mình
vô tội thì chữ thật thà kia đã nhảy sang dối gạt. Tìm cách tạo dựng ra tình
huống. Bằng không thì anh bó tay, để sự trinh nguyên cho trang giấy vở khỏi lấm
màu. Anh sẽ bị bợp tai? Anh sẽ bị mắng chửi? Bị lên lớp? Bị nguyền rủa? Nguyễn
Văn Xê cúi mặt xuống. Bài làm bao giờ cũng khởi đi bằng khúc dạo đầu: Cộng Hoà
Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc…
Cửa mở, một “anh” cán bộ bước vào. Anh này không giống anh ban trưa dù áo
quần của hai anh tựa hai giọt nước. Anh đứng ngọ dữ dằn, anh chiều tà bớt dằn
dữ. Coi bộ tử tế vì ảnh có cầm theo ly cà phê, đặt xuống bàn, trước mặt Xê.
Quen vẽ vời chứ không quen viết lách à? Anh ta vừa hỏi vừa kéo chiếc ghế trống,
bốn chân gỗ lê thứ âm thanh nghe bất an. Uống đi, cho tỉnh trí. Nguyễn Văn Xê
nghe lời, dù mãi hoang mang, hắn cố kềm giữ, không muốn để gã kia nhìn thấy năm
ngón tay run. Có lần Ngọc ngồi làm mẫu đã gióng câu hỏi: Điều gì khiến anh sợ
nhất? Hắn nheo mắt ngắm bầu ngực trần của cô gái tuổi 17: Anh sợ bị thương tật
ở đôi bàn tay.
Cà phê rất tệ dù được uống trong hoàn cảnh này. Chẳng biết khi pha chế,
người ta có hoà thêm “một thứ gì đó” vào trong chất nước đen đã mất mùi. Cán bộ
sửa giọng, nhập đề buổi lấy cung: Bức tranh “Xuân Thì” là vẽ theo ngẫu hứng hay
có chủ đích? Nguyễn Văn Xê khảy đất bám dưới móng tay: Xin lỗi, tôi không hiểu
hết ý của anh… Người trong tranh rất giống một nhân vật ngoài đời… Ồ, cô ấy đồng
ý làm người mẫu. Làm không công hay sao? Theo hợp đồng thì số tiền tôi phải chi
trả là một triệu. Trả hết chưa? Cũng theo thoả thuận tôi đưa trước một nửa, số
còn lại sẽ thanh toán sau khi đóng cửa phòng tranh. Chỉ mới hai hôm, tôi chẳng
hiểu vì sao… Được, có hai chuyện vướng mắc nên đả thông: Thứ nhất, trên đánh
giá là số tranh trưng bày đa phần đều mang tư tưởng ám tối gợi dục. Thứ hai, do
đơn thưa kiện của bà Trần Thị Hoàn cáo buộc hoạ sĩ đã cưỡng bức và xâm phạm xác
thân gái vị thành niên tên Phan Thị Ngọc, con bà đồng thời cũng là người mẫu
trong bức “Xuân Thì”.
Sao ngồi nín khe vậy? Có phản biện không? Hay câm lặng là thú nhận lỗi lầm?
Xê ngó xuống mặt gỗ trầy trụa trên mặt bàn, hắn từng vẽ chi ly, gọt tỉa sống
động một cái bàn học thời niên thiếu hoen ố đầy vết mực đổ, ghim đầy nét khắc
các mẫu tự cặp đôi nằm trong trái tim nham nhở. Và bức tranh tĩnh vật sống động
ấy đã lọt vào mắt xanh một Việt kiều rinh về Mỹ quốc. Một ngàn đô la, hắn đã
mời hai mẹ con đi vào nhà hàng cao cấp ăn mừng, đã mua quà theo sự vòi vĩnh của
Ngọc. Hắn đã sống với những ngày êm đẹp ngắn ngủi gần như hoang tưởng, tận
hưởng và phung phí…
Phóng lớn một tấm ảnh, chuyển qua tranh thì mất bao lâu? Nguyễn Văn Xê nhìn
vào đôi mắt người quyền lực. Thú thật là tôi không hành nghề như thợ vẽ truyền
thần, thứ công việc chuyên sao chép cho thật giống so với bản chánh. Đâu ai ra
điều kiện khó khăn thế? Chỉ cần nhìn thoáng thôi là đủ phát hiện… kiểu như ngắm
bức “Xuân Thì” thì biết ngay đấy là dung mạo cô Phan Thị Ngọc. Cũng tuỳ anh ạ, việc
vẽ vời tôi chưa bao giờ tự ép mình vào một khung thời gian nhất định. Kẻ kia
nhún vai: Ba hôm, giả dụ thế, là hoàn tất chứ gì?
Trước mặt Xê, vừa nằm trên vuông giấy vở là tấm ảnh cỡ 5×7 thu giữ một khuôn
mặt đầy đặn của người thiếu nữ. Cứ gật đầu chu toàn cái hợp đồng nầy thì tự
khắc cánh cửa kia sẽ mở rộng, tha hồ mà dầm mưa trở về nhà thu vén dọn dẹp
phòng tranh. Nghe êm không? Có nghĩa là ngoài việc vẽ lại chân dung từ tấm ảnh
này ra tôi không phải làm thêm thứ gì khác? Có đấy cậu ạ. Theo thủ tục cậu cứ
viết cho xong tờ khai kia, những rắc rối tình cảm liên quan tới hai mẹ con ấy
thì phải chính cậu tự giải quyết lấy, bồi thường tiền bạc gì đấy, chuyện đâu có
gì phải náo loạn kiện tụng tới chốn pháp đình. An tâm đi, nhớ tập trung đầu óc
vào việc được trao gửi. Người trong ảnh là vợ mới cưới của sếp cơ quan đấy chứ
không đùa đâu nhé.
Qua trung gian một người bạn tôi gặp được Nguyễn Văn Xê, thực ra giờ này hắn
đã đổi chữ ký, dưới góc tấm tranh thôi còn chữ X màu đỏ như trước đây, điền thế
bằng chữ Dịch màu vàng. Hắn trú trong xóm nhỏ, cuối đường, tiếp cận với một
nghĩa địa trồng lắm mộ bia và chân nhang và hoa héo. Hỏi Xê không ai biết, Dịch
thì may ra có đôi ba người chỉ lối giúp. Dịch tóc húi cua, ngắn thật ngắn. Ngắn
như tóc vừa mọc dài trên đầu kẻ vừa hoàn tục. Khi biết tôi có ý định in một tập
truyện, hắn hứa sẽ minh hoạ giúp tôi cái bìa. Hắn hỏi viết thể loại gì? Ờ, mình
viết chuyên tình. Vậy thì thay tranh tĩnh vật hoặc phong cảnh bằng môi hôn,
bằng vòng tay ôm giữ, bằng thiếu nữ khoả thân, bằng cuống quýt xác thân nam nữ…
Tôi mời Xê hay Dịch đi ra đầu đường uống cà phê. Hắn mang theo xấp giấy nằm
trong bìa cứng. Khi bày cả ba bức tranh màu nước cho tôi chọn, chúng làm khó
tôi bởi cả ba đều đẹp hết chỗ chê, phải băn khoăn nhờ tác giả cho ý kiến. Tôi nghe
lời hắn: Bức này có nhiều khoảng trống, sẽ dễ sắp xếp những con chữ nằm vào mà
chẳng phá hỏng bố cục. Nhan truyện nên dùng màu nâu, những chữ khác màu cam,
nét thật mảnh kiểu chân phương, như vậy nó “ăn” với màu sắc đường nét của bức
tranh. Không nén được, tôi hỏi: Vì sao chữ ký lại là Dịch mà thôi còn Xê? Đơn
giản vì hôm nay không còn như hôm qua. Hắn cười với tay xoa đầu. Mình xuống tóc
cũng là cách cố quên đi ngày cũ.
… Khi bước vào phòng, sau khi đóng lại cánh cửa bằng lưng, N. đưa tay gạt
xuống công-tắc đèn. Loay hoay một đỗi, N. xua đuổi bóng tối bằng những ngọn nến
cô vừa đốt sáng lên. N. quay mặt với hai tay đang mang lại chiếc bánh kem,
những đốm lửa nhảy múa, một gương mặt nửa sáng nửa tối và đôi mắt sâu, thu giữ
một hân hoan long lanh. Luôn luôn, bầu khí quyển trong căn phòng này phải bị
hoán đổi khi N. xuất hiện. Mãi hoài N. vẫn là người muốn xáo trộn cái trật tự
mà tôi chẳng biết cách sắp xếp chúng. Nếu đó là sự bừa bộn thì một khi đã bị
giăng bủa chẳng ai phải khó chịu cả. Và tôi, tôi vui vẻ thuận lòng đón nhận lấy
dù đôi lúc N. tới, bắt tôi phải ngưng ngay công việc. Những mảng màu thôi tấp
vào mặt bố, những đường viền phải chịu đứt ngang. Chúc mừng sinh nhật. N. nói.
N. nhắc về một con số, một ngày tháng mà lý ra tôi buộc phải nhớ hơn ai cả. Tôi
chùi đôi bàn tay vào cái khăn lau mặt cũ. Tôi ôm lấy N. khi cô vừa đặt bánh
xuống mặt bàn. Có thể khi mua bánh cô đã nhón lấy một thỏi chocolat. Môi N. còn
vị ngọt đắng, như thể nó vừa tan trên lưỡi nóng, như thể nó còn vướng víu ở kẽ
răng chờ tôi dọn sạch. Bao giờ thì đến ngày sinh nhật của em? Tôi hỏi khi mũi
mình đang đánh cắp hơi thở N. rối loạn. Hôm nay, em nghĩ vậy. Chính xác là ngày
nào thì chẳng một ai còn nhớ, nhà bị cơn hoả hoạn đốt sạch, khi làm lại giấy
khai sinh, ba em lấy ngày thành hôn cùng má để điền thế, bảo cho dễ nhớ, cho dù
mai sau có bị thêm khổ nạn thì thứ tháng ngày kia sẽ không phản bội, mãi lưu
vào đầu óc. Trong đống tranh nằm úp mặt kia, có bức nào anh đặt tên là “Vết
Sẹo”? Hoặc “Thương Tích”? Vụ cháy nhà đã làm em phỏng nặng, khi nhìn thấy dấu
tích nhăn nhúm đó, liệu anh còn thương em?
Không một ai bỏ công thổi đi những đốm lửa run rẩy trên đầu các cây nến nhỏ
cắm xiêu vẹo trên mặt bánh. Chúng sẽ thầm lặng đi tới hết đường để rồi tắt
ngúm, nhưng khi chúng hấp hối, chúng còn đủ lực để soi cho tôi thấy vết bỏng
cháy đã thành sẹo sau mông N. Nó làm da thịt ở đó co rúm lại để phá bớt một
hình thế vốn tròn trịa. Trước, tôi chỉ vẽ bán thân N. trong động tác đang cởi
áo. Giờ đây thì N. thôi ngượng ngùng dấu che. Hãy cùng nhau ăn mừng sinh nhật,
nghe anh. Chúng tôi nằm xuống giường và chính tay N. đã thiện nguyện mặc chiếc
áo mưa cho xác thân tôi đợi cơn giông lũ đổ về…
Tôi xoá bỏ truyện ngắn này, không nằm trong mục lục cuốn sách sẽ mang đi in.
Người bạn hỏi thăm rằng tôi đã gặp tay hoạ sĩ ấy để xin cái mẫu bìa chưa? Rồi,
anh ta dễ chịu hơn tôi tưởng, chỉ cho mà không nhận một đền đáp nào cả. Ừ, tay
ấy chơi được. Hắn từng nếm trải hương vị dịu mát cũng như sóng gió bức bối ở
cuộc sống này. Hắn là nạn nhân giữa một cuộc tình tay ba. Hai mẹ con cùng yêu
mù quáng riêng hắn. Một tình duyên đầy thương tật. Mình còn giữ một bức tranh
thuở đầu đời của hắn, dùng toàn gam màu lạnh, vẽ một con mèo co thân dưới chân
giường trông lên con chim bất động ở trong lồng. Bức tranh thần sầu ở chỗ, là
khi nhìn ngắm bạn sẽ bắt gặp ở đó nguyên vẹn nỗi bất an, ngầm thông báo một tai
ương sẽ xẩy tới. Đó là thời gian mà hắn ký tên X. Toàn bộ bức tranh chỉ duy có
mẫu tự ấy là màu đỏ.
Tôi còn một ít tiền, tôi nghĩ nên mời Xê hoặc Dịch tới một quán ăn, thế lời
cảm ơn về những gì hắn trao cho. Cuối đường vẫn là nghĩa trang cô quạnh thiếu
kẻ viếng thăm vọng tưởng khấn nguyện. Cửa đóng, gõ không nghe hồi đáp. Tiếc
công, tôi chưa muốn về vội, linh cảm là hắn quanh quất đâu đó, không xa. Tôi
thả bộ đi men ngoài hàng rào phân định ra vuông lãnh địa, bóng chiều bắt đầu
bôi xoá những hình thể, chỉ có những tấm bia mộ màu trắng là biết phát quang.
Và rồi tôi trông thấy hắn. Đối mặt là tảng xi-măng khắc ghi tên tuổi tháng ngày
sinh tử của kẻ bất hạnh. Là ai đã bỏ cuộc chơi? Là người tình 17 bé nhỏ, hay
phần mộ má người yêu? Những cây nhang được thắp, được cắm trước bia có gió thổi
qua làm chớp đỏ từng hồi, yếu mệt. Tôi nhớ có lần nói với hắn, khi tập truyện
hoàn thành, bản đầu tiên tôi dùng để mồi lửa nguyên hai trăm trang chữ. Tôi
muốn người ở cõi âm chứng giám trước. Lần đó hắn nhìn tôi không nháy mắt, có
tin không, hắn nói, hiện tại mình chẳng còn giữ được một bức tranh nào cả. Mình
khánh kiệt trước cuộc đời này. Xê rồi Dịch, cứ loay hoay mà làm gì nhỉ?
Hồ Đình Nghiêm