21 December 2017

CHIỀU CUỐI NĂM - Hoàng Nga

Tên thật Hoàng Nga. Sinh ngày 28 tháng 3 năm 1959 tại Quảng Nam. Sang Úc năm 1988. Định cư tại Đức, từ 1993

Tác phẩm đã xuất bản:
  • Tháng Giêng, Tháng Bảy Buồn Như Nhau (truyện, Làng Văn 1997)
  • Như Một Vết Chim Bay (truyện, Làng Văn 1999)
  • Bay Đi Cánh Chim Biển (Văn Mới)
  • Kẻ Không Chiến Tuyến (Nhân Ảnh, 2017)
Buổi chiều sân trường thật vắng lặng. Trời xuống thấp. Từ chỗ tôi ngồi trong lớp mỗi ngày, nhìn xuống phía dưới như thể nhìn xuống một rừng cây nhiệt đới. Đó đây những nhánh lá dương xỉ xanh ngăn ngắt, hàng phượng tím ngã dài trên mái ngói cành lá ướt sũng hạt mưa chiều, và xa xa hơn, bãi cỏ nghiêng nghiêng những đóa bồ công anh nhỏ nhoi tội nghiệp.

Mưa, trời buồn.

Không gian chung quanh cũng buồn.

Ngôi trường, tự bản thân nó, càng buồn hơn thế nữa. Từ ngoài cổng nhìn vào dường như chỉ nhìn thấy một khoảng không gian thật tối và thật xám, gợi lên những hình ảnh và dấu tích u ám của thời các tù nhân khổ sai bị đày đến châu lục này. Ngày xưa nơi đây là bịnh viện. Đằng sau cánh cổng sắt, hai căn nhà xác nhỏ vẫn còn hiu hắt buồn nằm ngó lên tường vôi trắng -những bờ tường nối liền các phòng ốc lại với nhau xuyên qua dăm ba dãy hành lang sâu hun hút được xây bởi các viên gạch thủ công làm bằng tay không thẳng thớm, cùng những vết vôi trát vụng về, chỗ lồi chỗ lõm. Trên những bức tường ấy, thỉnh thoảng lại hiện ra một viên gạch xếp ngược đầu, khắc vài ba nét chữ. Nguệch ngoạc dăm con số, đôi tên người.

Những con số, những nét chữ đậm nhạt, lớn bé không đều tay, ngả nghiêng xiêu vẹo trên mớ gạch xếp ngược đầu không biết do ai khắc, thoạt nhìn, có thể hiểu lầm là do một trò đùa nghịch ngợm nào đó. Nếu không để ý kỹ, hay không có ai nói hoặc kể ra, thật khó lòng để mà có thể tưởng tượng rằng đó là những bia mộ tưởng niệm người đã qua đời trong thời gian bị lưu đày và làm việc tại nơi này.

Ngôi trường, những tháng năm dài chinh chiến, tài liệu thư viện ghi lại, binh sĩ bị thương thường được đưa thẳng từ chiến trường về. Đâu đó, màu dâu bể, tang tóc chừng vẫn chưa biến mất qua những nét kiến trúc hình hộp của các gian phòng lớn dẫu đã được sửa chữa thành lớp học, hoặc thành nơi thực tập của phân khoa y. Và càng rõ hơn, trên đôi mái ngói thấp, khung cửa sổ bé tí tẹo cùng những khung sắt dọc ngang chắn phía bên ngoài không theo thứ tự của hai căn nhà xác cũ sau cổng trường.
Chiến tranh, buồn. Chiến tranh xảy ra ở đâu cũng buồn.

Gần như lần nào ngang qua đó, cố ý hay không, tôi vẫn không tránh được cái ngẩn ngơ khi loáng thoáng thấy màu mái ngói nâu sậm là đà đôi nhánh khuynh diệp. Có những điều, không định hình, không rõ ràng nhưng lại làm trái tim tôi trĩu xuống, xót xa. Đâu đó, tôi lại chạnh lòng nhớ đến các chuyến xe convoy chở những quan tài phủ cờ vàng chạy qua con đường trước mặt thời thơ ấu. Và cần không phải mường tượng, không cần phải đưa trí ngược về thời đã sống, nhưng hình ảnh những tháng năm chiến tranh đầy đạn bom ấy vẫn quay về, hiện ra rõ mồn một như chỉ vừa mới xảy ra hôm qua, hôm kia.

Đã nhiều lần tôi tự hỏi, những tháng năm thật cũ kỹ ấy, dễ chừng đã trôi đi hơn hai phần ba đoạn đời sống trên đất của mình, hoàn toàn không còn dính dấp gì đến đời sống hằng ngày này, và chính bản thân tôi vốn chẳng là người từng đổ nước mắt đổ máu xuống cho quê hương, vậy mà chỉ cần một thoáng lao chao, một gợi nhớ rất mỏng manh như cơn gió thoảng qua thôi, là tất cả các hồi ức xưa lại hiện ra. Một mái ngói, một vòm cửa sổ, một gian phòng dành cho binh sĩ bị thương từ chiến trường về ở ngôi trường này, có liên quan gì đâu đến phần đời xa xưa ấy, cũng chẳng hề dính dáng đến một con người vốn rất thờ ơ, rất lãnh đạm trước cuộc chiến năm nào là tôi, mà lòng cứ nhoi nhói, cứ quặn lên cái đau đớn, như thể một đầu gai nhọn nằm ẩn đâu đó dưới lằn da, chỉ chờ có cơ hội là trở mình, ung mủ.

oOo


“Chỉ còn hai giờ đồng hồ nữa là năm sẽ hết.
Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi
Anh đi ra phố uống rượu một tí rồi sẽ về viết tiếp cho Ánh. Ánh nghe. tất cả những gì thiêng liêng nhất anh đã kết tụ lại để nghĩ về Ánh cho một ngày một đêm một giờ cuối cùng của một năm…” (*)

oOo

“Chỉ còn hai giờ đồng hồ nữa là năm sẽ hết…”

Từ chỗ tôi ngồi, bước xuống sân trường, qua hai dãy hành lang dài, qua những bậc thang cao đôi chỗ không thẳng thớm, bước ra đến sân, ngửa mặt nhìn lên bầu trời lất phất mưa, và hoa phượng rơi lác đác tím, không xa, nhưng không vội mưa sẽ ướt tóc, ướt hai vai. Vậy mà bước chân vừa rớt lên bậc thềm, tôi bỗng chững lại giữa cơn mưa bởi giọng nói thật mềm, thật ấm áp ấy vang lên phía sau lưng. Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi… Cái giọng nói, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ trong buổi chiều mưa nhạt nhòa trên sân trường nơi xứ người, vang lên như đong đưa trên màu phượng buồn hiu hắt tím khiến tôi sững người. Cái giọng nói với ngữ điệu mượt mà như tiếng ru, êm ấm như bàn tay giữ hương mùa đông, mà ngay cả khi đang đi ở Sàigòn, cũng có thể làm tôi giật mình ngoảnh lại.

Chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa, năm sẽ trôi qua. Cái giọng nói cùng câu nói khiến tôi sững sờ. Bàn tay tôi buông thõng xuống, mặt ngửa nhìn lên trời, tôi có cảm giác gần như mình đã hoàn toàn không còn có thể cử động được nữa. Những hạt mưa lắt lay trong không, hắt những giọt lành lạnh xuống mặt. Cái giọng nói mềm, nghe quen quá, gần quá. Cái ngữ điệu nghe thân thiết quá. Như thể nửa vòng lục địa, như bên kia chân đèo, như Trường Tiền, Gia Hội, Thiên Mụ, Kim Long..., vẫn còn quanh quẩn ở đâu đây.

Tôi không thể nào bước. Tôi không thể nào đi. Mà đứng thật lặng. Thật yên không hề nhúc nhích. Vậy mà cơ hồ tôi nghe như mình vừa dẫm lên một mớ đinh nhọn, cơ hồ lòng bàn chân mình nhức buốt, nhói đau.
“Nhỏ ơi”.

Vùng ký ức tôi quẫy lên hai tiếng gọi “nhỏ ơi” thật gần.

“Nhỏ ơi, đưa tay cho anh cầm”.

“Nhỏ ơi, đừng khóc”.

“Nhỏ ơi, anh đang ở đây”.

Nhỏ ơi. Nhỏ ơi.

Những tiếng gọi như dỗ dành, như câu kinh chiều chạy dài trên sống lưng. Những tiếng gọi như tiếng nước giòng sông trôi hiền hòa thời thơ ấu. Tôi rùng mình. Nhắm chặt hai mắt lại với nhau. Tôi vùng vẫy xua đi hình ảnh của những ngày, những giờ náo nức ngồi chờ đợi tiếng điện thoại reo vang, chờ đợi một giọng nói mềm, chờ đợi một cổ tích, chờ đợi một ân cần. Và chờ đợi những câu chuyện kể về đời binh nghiệp, những tháng năm tôi có mặt thuở đất nước còn binh lửa nhưng chỉ đứng nhìn như một người khách lạ.

oOo

Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi…

Tôi không quay lưng nhưng chợt nhận ra tiếng nói phát ra từ một chiếc máy hát tân tiến nào đó của đám học sinh đồng hương đang ngồi tụm năm tụm bảy dưới mái hiên phòng ăn. Trời mưa.

Tôi nghe tiếng gọi. Nhỏ ơi! Ngậm ngùi. Tôi mở bừng hai mắt, ngước mặt nhìn mảnh tường vôi trắng phía trên cao. Mảnh tường trắng. Hai bên vòm cửa dẫn vào thư viện trường. Thêm vài bước, đâu đó trên nền gạch không thẳng thớm sẽ hiện ra đôi giòng chữ nguệch ngoạc, vài con số, dăm cái tên người.

Bên tai tôi giọng nói mềm à ơi.

“Anh đã tự hứa với lòng, khi thoát chết từ chiến trường về, thì anh sẽ sống tử tế, phải sống tử tế bởi vì có những con người đi trước, đã ngã xuống vì anh, chết cho anh. Bao năm qua, anh vẫn cố sống cho dẫu có những lúc tưởng như mình không còn có thể sống được. Đồng đội anh, bè bạn anh, những người không quen biết nhưng đứng cùng chiến tuyến với anh, đã nằm lại trên những triền đồi xơ xác đạn bom, đã vùi thân giữa rừng thiêng nước độc, đã vĩnh viễn ra đi để cho anh được trở về, để cho anh được sống còn trên mặt đất. Anh đã tự hứa và anh đã tự thề. Rằng anh sẽ không bao giờ phản bội bất cứ một người nào ở chung quanh đời sống anh, chỉ vì có những người đã hy sinh để anh còn được sống…”

Từ chỗ tôi đang đứng, ngước mặt dưới trời mưa, bước lên thêm một vài đoạn là đến những dãy tường gạch nung bằng tay. Tôi nhớ rõ như in bao giờ ngang qua đó, tôi cũng nao lòng nhớ đến những lời đã được nghe. Những tự tình đã được nói. “Nhỏ ơi, khi anh có nhỏ, anh thật không bao giờ có thể tưởng tượng mình hạnh phúc đến vậy. Buổi sáng bàn tay anh run cầm tách cà phê khi nghĩ đến nhỏ. Buổi trưa trái tim anh đập khi hình ảnh nhỏ đong đầy. Buổi tối mắt anh rưng rưng khi ngó ánh trăng vàng với bóng dáng nhỏ. Trong cõi riêng anh, có ánh mắt hơi thở nụ cười và tiếng khóc của nhỏ. Có những tiếng gọi nhỏ ơi trong bình minh và trong thăm thẳm tối… Anh gọi đây là tình yêu. Một tình yêu rất muộn màng, và anh đã không cưỡng lại được tình yêu của anh dành cho nhỏ, cũng không thể nào cưỡng được nói ra lời nói yêu thương nhỏ, dẫu anh biết rằng sẽ khiến nhỏ buồn, khiến đời nhỏ long đong thêm, và chính đời anh sẽ đớn đau hơn. Bởi nhỏ ơi, đó là sự phản bội, không phải chỉ với người đang có ràng buộc với anh, nhưng còn với những điều anh thường trăn trở, với những người đã nằm xuống, đã hy sinh mạng sống mình để anh được sống còn.”

“Những người đã cùng anh dựa lưng với cái chết, đã không bỏ anh lại sau trận đánh bị giam chân mười ngày đói và lạnh cùng cơn sốt rét chết người. Đang đi, anh đã gục và lăn xuống tận cuối đồi, vậy mà khi tỉnh lại, anh thấy mình không phải ở địa ngục, không phải ở âm ty, mà là trong trạm cứu thương. Đồng đội cũng đói như anh, rã rời như anh, nhưng vẫn cố choài theo, vực anh dậy, và mang anh về  nơi ấy… Là những người mà anh nghĩ khi hết chiến tranh nếu làm điều gì đó sai trái với lương tâm, chính là anh đã phản bội họ.”

Đêm đã qua rất đắng trong tôi. Buổi tối ấy trời bỗng dưng trở nên rất lạnh. Những con đường chúng tôi đi qua se sắt gió. Đêm đen ngoài đường và đêm đen trong mắt tôi. Lần đầu tiên cái cảm giác xé lòng khi nghĩ đến những đoạn đường mình sẽ bỏ lại khiến tôi đau nhức đến cùng tận.

Giữa những dằn co, tôi đã khóc nghẹn ngào khi biết sẽ không còn lời ân cần, không còn được nghe những tiếng ủi an, vỗ về nếu tôi rời xa. Nước mắt tôi tràn trên má nhớ tới bài hát, “Những hẹn hò từ đây khép lại. Thân nhẹ nhàng như mây. Chút nắng vàng giờ đây cũng vội. Khép lại từng đêm vui...”. Bên tai tôi lúc ấy cũng mềm giọng nói. “Nhỏ ơi, hãy nhớ nếu nhỏ khổ, thì anh ân hận nhiều mà chết sớm.”
Lòng tôi ngổn ngang không biết nên làm gì, dẫu tôi hiểu rõ hơn ai hết mình nên quyết định điều gì. Và tôi biết mình phải sống cho đúng dù rằng lòng tôi sẽ rất đắng, tim tôi sẽ rất đau.

Tôi đã đứng mãi trong cơn nghẹn ngào. Cuối cùng tôi nhận ra tôi không thể trở thành là nguyên do, định mệnh, hay phần đời nào đó của một người, mà khiến lời hứa nguyện rằng sẽ sống tử tế, sống có trách nhiệm với người chung quanh sau khi tàn chinh chiến của người ấy sẽ bị hủy hoại…
Cuối cùng thì tôi cũng rời được thành phố ấy. Tôi nhủ lòng sẽ đi riêng tây trên con đường còn lại.
Tháng hai tháng ba. Tháng tư tháng năm. Tháng bảy tháng tám. Tháng chín, tháng mười, tháng mười một, tháng mười hai. Tháng năm ngoái, tháng năm nay. Tháng đầu tháng cuối. Tháng Chạp tháng Giêng. Tất cả đã đến rồi đi. Những tháng ngày sau đó của tôi hoàn toàn không còn nghe giọng nói mềm và ngữ điệu tha thiết xưa.
Tôi buông bàn tay ra khỏi những hẹn hò.
oOo
Tôi đứng lặng yên. Giang bàn tay ra giữa trời mưa. Nhỏ ơi. Nhỏ ơi. Tiếng gọi như đang đưa về trong cái tịch mịch của buổi chiều cuối năm. Tiếng gọi như xé lòng tôi. Nhỏ ơi. Nhỏ ơi. Những giọt nước lăn xuống cổ, tràn vào ngực áo. Không biết là nước mưa, hay là những giọt lệ chiều. Nhưng làm tôi nhớ tới những giọt nước mắt nóng ran trên vùng da mặt mình đêm giã từ. Dường như đó là lần đầu tiên trong đời tôi khóc nhiều đến vậy.

Tôi đã trở lại với bầu trời nơi tôi sống. Trở lại với con đường đến trường mây bay, mưa nắng.
Như ngày hôm qua.
Như chiều hôm nay, mưa không dứt hạt. Từ thềm thư viện ra cổng mưa lạnh trong không. Mưa rớt rơi bên đường. Rớt rơi trong lòng tôi.
Bây giờ là những ngày cuối cùng của một năm. Tôi trở về nhà với cơn mưa chiều rơi nghiêng ấy. Thành phố lấp lánh ánh điện vàng. Những hạt nước trong veo lấp lánh ngoài khung cửa kiếng. Tôi tự hỏi không biết dun rủi nào lại phải nghe cái giọng nói đầy âm hao ngày cũ trong một buổi chiều cuối năm buồn tủi khiến tôi nhớ đến bài thơ tôi được nghe à ơi ngày ấy. Nhớ đến buổi sáng sớm lúp xúp chạy tìm chuyến shuttle cho kịp giờ bay - cái giờ bay định mệnh đưa tôi rời thành phố đầy mây trắng, trả lại cho người trở về với lời hứa của mình.
Tôi cố không rơi nước mắt.
Trời vẫn mưa. Tôi úp mặt vào thành cửa kính.
Rồi tôi vòng hai tay lên đầu.
Ảo giác tôi vọng lên hai tiếng.
Nhỏ ơi.
Thật ngậm ngùi.

Hoàng Nga
 
(*) thơ Trịnh Công Sơn gửi Ngô Vũ Dao Ánh