02 December 2017

HÓA RA HUẾ - Hồ Đình Nghiêm

Chừng như đã hơn tháng, dai dẳng, trong các bức điện thư, bạn mình bên đó vẫn gửi qua hình ảnh những cơn mưa. Mưa không ướt dầm lá hẹ nữa mà thịnh nộ nào đã tràn ngập vào màn hình chốn đây. Úng thuỷ, nước đục màu. Thượng nguồn, phố phường, hạ nguồn, ngõ ngách… đều lai láng buông xuôi mặc cho sông Hương làm đày làm láo nhảy lên bờ, xớn xác bôi xoá đi một địa phận.

Địa phận ấy, thuở xa xưa mang tên Châu Ô và Châu Lý (có nơi kêu là Rí). Tương truyền năm 1306, vua Trần Nhân Tông đã làm một cuộc trao đổi với vua Chiêm là Chế Mân: Con ta, Huyền Trân công chúa sẽ khăn gói vượt biên sang làm vợ ngươi, ngược lại ngươi cắt đất giao cho ta hai châu Ô và Lý. Nghe có thuận tai chăng? Chế Mân gật đầu và người sở hữu dung nhan hoa nhường nguyệt thẹn vì tròn chữ hiếu đã gạt lệ sang ngang. Trên đường làm phận bèo giạt hoa trôi, Huyền Trân đã ghi ra tâm sự, viết theo điệu Nam Bình:

Nước non ngàn dặm ra đi
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Lý
Xót thay vì
Đương độ xuân thì
Số lao đao hay là nợ duyên gì?

Vua cha có nghe thấu? Haizz… thi phú ích gì cho buổi ấy! Phận ngươi hèn nhỏ trong khi đất đai kia thì mênh mông. Con qua sông thì công nọ cũng xem như góp phần mở mang bờ cõi. Hãy vui duyên mới nơi xứ lạ quê người, có nhớ đến lầu son gác tía chốn cũ thì chỉ việc lặng lẽ “chiều chiều ra đứng ngõ sau”. Dễ như ăn ớt vậy!

Nghe đâu “nàng” làm dâu nhà người chỉ đúng năm thì “chàng” đột tử. Nghe đâu sau này nàng xuống tóc quy y gửi thân vào cõi Phật, mà chẳng nghe nàng có mần thêm bài thơ nào nữa chăng? Phàm những kẻ bỏ quê hương sống đời xa xứ thường hay tức cảnh sinh tình, mượn văn chương để ký gửi bao tâm sự muối xát gừng thoa. Bên này biên giới có đứa đau lòng giùm nàng mà rằng: “thương thay cây quế giữa đường, để cho thằng mán thằng mường nó leo”.
Trang sử khép vội. Đúng năm sau, 1307, Trần Nhân Tông đổi lại địa danh: Ô thành Thuận mà Lý thành ra Hoá. Ghép hai ô lại gọi là Thuận Hoá. Riêng chữ Hoá, có giả thuyết cho là vua Lê Thánh Tông về sau đổi ra thành Huế. Ông vua này có giỏi thơ văn không nhỉ? Bởi đọc lên chữ Huế, nghe nó ra làm sao ấy, nhỉ? Nhưng thử gọi thành phố Hoá, e cũng hơi bị lạ tai! Dù Hoá là tượng trưng cho những đổi thay, hôm nay yên vui ngày mai lại hoá ra khổ luỵ. Trước đây Huế mô có lụt lội liên miên như ri, chừ lại hoá ra cảnh thần sầu quỷ khóc. Dân mền cực lắm eng ơi! Ngóc đầu không nổi. Răng rứa không biết!
Có người viết lời cảm thán nghe giễu cợt: “Sau 4.000 năm thi đua truyền giống, con cháu của Thuỷ Tinh tên là Thuỷ Điện đã đánh bại con cháu Sơn Tinh mang tên Sơn Trạch, dân gian gọi là Sạch Trơn”. Mô phải đợi tới bi chừ, sạch từ hồi Bảy Lăm lận. Hồi mà người ta reo vang: Đất nước ta đã sạch bóng quân xâm lược. Theo đó, cũng sạch luôn văn hoá phẩm “đồi truỵ”. Thức bỏ bụng không có mà ngay món ăn tinh thần cũng sạch sành sanh. Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng từng có thơ:

tôi muốn có một người tri kỷ
nhưng dòng đời như rứa biết mần răng!
tôi muốn kêu muốn gọi thưa rằng:
chờ tôi với, a, cười, chi lạ rứa?

Đất Thuận Hoá, hay chốn Thần Kinh, hay tóm gọn là cố đô Huế có không biết cơ man nào là người rinh răng ri rứa vô văn chương. Thứ văn chương trước tròn sau méo y như dáng núi Ngự Bình. Thiên tai, bão lụt, áp bức, nhân tai chẳng có ai lên giọng răng ri rứa cả? Huế hoá ra hiền khô, cứ mãi quen sống với lũ, cam chịu cúi đầu nỏ nói năng chi! Huế đi vào thơ cứ mãi nghèo nàn xào tới đảo lui chiếc nón lá chiếc áo dài tím núi Ngự sông Hương cùng chiếc cầu Trường Tiền. Họ mặc nhiên quên Huế từng gồng mình hứng chịu trận cưỡng chiếm dài cả tháng trời vào Tết Mậu Thân đầy tử khí, họ chẳng buồn quan hoài do đâu Đồng Khánh lại hoá ra Hai bà, họ chẳng gợn lòng chớ cơn lụt lịch sử nào đã cuốn phăng một đám người cố đô đi tha phương cầu thực tận bên kia nửa quả địa cầu. Không thốt được lời như Bùi Giáng: “Em về có hỏi răng ri rứa, nhắm mắt đưa chân có bận liều”. Họ chẳng liều, dường như họ nghĩ văn chương phải nằm ở vị trí cao, khô ráo. Bộc bạch chuyện phẫn uất đau thương nước nhà đang gánh chịu thì sợ đụng chạm tới chính chị chính em, như rứa thì hơi thấp kém e nước đến chân sợ nhảy không kịp? Vô tình, họ hoà thuận với bao điều ác, hoặc họ đã ngập vào vũng lầy vô cảm. Nếu thoát ra khỏi vòng cương toả, thì bấy chầy hến vẫn quen ngậm miệng. Cồn Hến bây chừ ngập lụt, khổ lắm khúc ruột ngàn dặm ơi!
Hoá biến thành Huế. Đất ấy vốn của người Chiêm, không chừng tà khí oan hồn vẫn còn dây dưa, chưa siêu thoát? Nói thế lại hoá ra “lạc hậu”. 1968 biết bao cơ man những hồn oan lạc lối vất vưởng? Sau 1975 biết bao những nấm mồ bị đào xới, san bằng nhường đất cho đại gia? Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp, chừng như chưa một ai qua kịp, phải không? Hoạn nạn vẫn là hố sâu chưa lấp được giữa hai bờ. Đau răng mà chết? Dạ đau răng cấm hay răng cửa chi đó. Dạ tại vì mềnh sưng mỏ, mọc răng khôn nên nó hành. Dạ bị em có tới hai cái răng dại lận. Cấm cửa hay khôn dại cũng đều là răng. Đau thì buộc phải chết thôi. Mạ cuốn em trong tấm chiếu lát, nước mắt lưng tròng mạ than: Tổ cha mi, chết lúc ni thiệt nghiệt, bới mô ra tiền để lo hậu sự cho mi đây! Mạ khóc có hai hàng lệ mà nước từ mô tràn về, nghe ngói Thương Bạc vô Đại Nội, sóng sánh Đập Đá cho chí Bao Vinh. Mấy ôn cấp côi bàn chuyện khoa học biện chứng: Ta xả lũ đúng quy trình, chẳng qua biến đổi khí hậu khiến mưa rơi cực đoan. Quy trình với cực đoan, mạ chỉ biết ngậm mà nghe, một tiếng “tổ cha bây” cũng không nói nên lời! Đừng răng ri rứa làm chi cho rách việc. Con cứ chịu khó nằm yên như rứa, đợi mưa thuận gió hoà mạ kiếm cách tha con đi chôn.
“Núi không vòng thì đường phải uốn. Đường không uốn thì người phải đổi. Người không đổi thì tâm phải chuyển”. Câu này ngày xưa mạ từng đọc cho con nghe, nhưng thời bây giờ con người áp dụng, thực hành bằng cách khác. Trăm phương nghìn cách uốn lượn chuyển đổi để đạt lợi danh. Đau răng mà chết? Dạ tại phong bì có hơi nhẹ, lót tay không êm nên bị tó, nhập kho ba bữa thì nhác chơi lăn đùng ra chiếu, đang sống chuyển sang từ trần chứ mô có chết vì đau răng. Ảnh bị uýnh rụng răng lâu rồi, từ hồi nẵm lận mờ! Trong đồn họ bảo: Thương cho roi cho vọt, nhỡ mày có bị gì thì nên hiểu là tao thương mày không bút mực nào tả xiết.
Mưa bão dù lì lợm cách mấy rồi có khi cũng oải. Huế hú ba hồn bảy vía lộn lui gạch đá sụt lở bùn lầy nước đọng tanh tưởi. Có đứa hàm hồ: Coai dư là Sơn Tinh đã thu được cuộc thắng lợi vẻ vang thần kỳ rồi đó nợ! Hết đi đò, chừ mềnh có quyền chạy xe tay ga rồi đó hỉ? Khôn phải noái trạng chớ Việt kiều họ thích thú, ưa về lội lụt lắm nghe. Hiểu không thông, mụ cô ba cái đứa trửng mỡ ưa bày đặt hết chuyện chơi ngó gai con mắt. Cho hắn ở đây dầm dề, thu giữ hộ chiếu lại để biết thế nào là lễ độ, hết đường vượt biên.
Email bạn tường trình đặt dấu chấm ngang đó. Bạn biết tính mình nên không một lời rủ rê về thăm cố quận. “Người về ta chẳng cho về, ta nắm vạt áo ta đề câu thơ”. Câu thơ đó gói chặt một hình ảnh thơ mộng ngày cũ, mà nếu giũ áo ra đi cũng đồng nghĩa là giáp mặt với hiện thực khổ đau. Bạn chưa một lần răng ri rứa và mình xin cảm ơn sự hiểu mà bạn thầm trao. Mới hay ra cũng tuỳ vào hoàn cảnh, chẳng nên bạ mô cũng lôi tiếng địa phương ra áp đặt vào. Với mình Huế đã thôi Huế mộng Huế mơ dù mình rất đỗi thương yêu, sắt son hoài huỷ cái mỹ danh rạng ngời Huyền Trân Công Chúa. Chẳng rõ mai hậu có kẻ quyền lực nào trong triều đình quyết đem con gái ra dụ khị với đại gia phương Bắc không? “Mưa bên chồng có làm con khóc? Nín đi con, chí ít là nhờ con mà người anh em kia thôi nổi giận đòi xâm chiếm biển đảo của ta.” Và như thế, giấc mơ hoà bình bánh ú trao đi há cảo trao lại sẽ làm êm sự cố mà bọn dư luận viên ngứa miệng cứ ưa nói xấu chế độ. Và như vậy, biết đâu chừng tên trường Đồng Khánh lại đổi thay thêm lần nữa, điền thế vào tên nhi nữ oanh liệt đã khinh thường chốn ngoạ hổ tàng long, coi nhẹ chữ trinh đáng giá ngàn vàng để mong cứu nguy cho nhà nước qua cơn bỉ cực tới hồi thái lai.
Nàng Kiều đương đại ấy có còn nhớ thi hào Nguyễn Du cổ xưa:

tiếc thay nước đã đánh phèn
mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần
lỡ từ lạc bước bước ra
cái thân liệu những từ nhà liệu đi
đầu xanh đã tội tình gì?
má hồng đền quá nửa thì chưa thôi
biết thân chạy chẳng khỏi trời
cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.

Ngày xanh chắc nàng có qua học đôi bài của Bà huyện Thanh Quan:

tạo hoá gây chi cuộc hý trường
…..
nước còn chau mặt với tang thương
nghìn năm gương cũ soi kim cổ
cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Và gian đoạn kim tiền này, trong hoang tưởng, mình tin chắc một điều, đã là con một đại thần quen đi sứ sang Tàu, nàng ta không phải là dân mắm ruốc đâu. Lý lịch nàng đỏ thắm chốn Thăng Long ngàn năm văn vật. Khi ấy, với nàng “răng ri rứa” tựa như thứ ngoại ngữ nghe lạ tai, người đàng ngoài sẽ làm màn giao lưu với kẻ đàng trong: Phải đằng ấy nói tiếng Chiêm không? Đích thị bồ tèo mang tên Chế Thị Sến, nhỉ? Kẻ ở phía Nam chân đèo Ngang giả bộ mặt tươi như hoa chen lá, chẳng lấy đó làm điều: Bé cái nhầm rồi, mình tên Công Huyền Tôn Nữ Boléro chứ nào phải Chế Lấy Sến Sịa. Miệng thì đon đả thế chứ trong bụng kẻ hoàng phái lại sôi lời mắng mỏ: Tổ cha mi. Con cái nhà ai mà mất dạy rứa bây!
Rứa đó. Nước có lên cao tới mái nhà, nước có rút đi cho khô hạn mùa màng, hai địa phận vẫn khó tìm gặp cảm thông. Ẻm đi đường ẻm tui đường tui, tình nghĩa đôi ta rùi thí thui. Hoa thành Huê mà Hoá ra Huế. Còn ai nhớ nước đau lòng con quốc quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia? Tên đường Bà Huyện Thanh Quan cũng vừa bị nhấn chìm.

Gác mái, ngư ông về viễn phố
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn, chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa, khách bước dồn
Kẻ chốn chương đài người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?

Dạ thưa, có lúc người ngồi đó mà ngỡ như ta kể riêng cho đầu gối nghe thôi. Người buổi này điếc đặc thế mới bày ra cảnh hý trường. Mới nhớ người xưa mà soi lại cổ kính để chau mặt bợn lòng tiếc thương. Sông Hương sạt lở kinh hoàng, cuốn trôi đường sá đồ đoàn của dân. Mình xuôi ra biển đêm nào, bao thế kỷ Huế vẫn trào nỗi đau.

Hồ Đình Nghiêm
Montréal, thứ 6 đen có tuyết trắng về 2017