02 December 2017

KHI ĐƯỢC QUYỀN CHỌN LỰA, CON NGƯỜI SẼ CHỌN TỰ DO - Lâm Bình Duy Nhiên

Trong những ngày qua, dư luận quốc tế không khỏi bàng hoàng khi xem đoạn phim ngắn tái dựng lại toàn cảnh một người lính Bắc Triều Tiên bỏ trốn, chạy băng qua Khu vực Phi quân sự (DMZ: Demilitarized Zone) tại Bàn Môn Điếm.
Anh đã bỏ chạy về phía Nam Hàn tại Khu vực An ninh chung (JSA: Joint Security Area). Ngay lập tức anh bị những đồng đội của mình truy sát. Có lúc khoảng cách giữa anh và những người lính Bắc Triều Tiên chỉ còn độ vài mét. Hơn 40 phát súng đã được bắn về phía anh và dẫu bị trúng thương nhưng anh vẫn cố gắng bò về vùng kiểm soát của Nam Hàn.


Thoạt đầu, ta có cảm giác như đang xem những thước phim hành động nhưng sự chân thật, khốc liệt và trần trụi của hình ảnh đã nhanh chóng đưa chúng ta về với hiện thực. Hiện thực của cuộc chiến tranh Lạnh, một cuộc chiến ý thức hệ tưởng chừng đã lùi vào dĩ vãng nhưng vẫn còn là một chủ đề thời sự nóng bỏng, đau thương tại bán đảo Triều Tiên.

Hình ảnh người lính trẻ Bắc Triều Tiên bỏ chạy để thoát khỏi một chế độ độc tài khắc nghiệt bậc nhất thế giới khiến chúng ta liên tưởng đến bức ảnh của Peter Leibing ghi lại cú nhảy vượt hàng rào kẽm gai của anh cảnh sát trẻ Conrad Schumann tại thành phố Berlin trong cuộc chiến tranh Lạnh.

Trong đêm 12 rạng sáng 13 tháng tám 1961, phía Đông Đức tuyên bố ngăn chặn tất cả các đường và hệ thống xe lửa đi về phía Tây Berlin. Ngày 13 tháng tám, biên giới hoàn toàn bị đóng. Quân đội và cảnh sát Đông Đức giăng hàng rào dây kẽm gai và khởi đầu cho việc xây dựng bức tường chia đôi thành phố Berlin. Một bức tường ô nhục, biểu tượng cho sự điên rồ và bệnh hoạn của con người trong thế kỷ 20 đầy biến động.
Trong số những người cảnh sát được điều động đến nhằm kiểm soát biên giới và ngăn chặn tất cả những ai muốn bỏ trốn về phía Tây Berlin có Conrard Schumann, 19 tuổi, chỉ mới phục vụ trong hàng ngũ Cảnh sát nhân dân được hơn năm tháng.
Ngày 15 tháng tám, Conrad Schumann có mặt tại Bernauerstraße, con đường nổi tiếng ngăn cách hai khu vực kiểm soát bởi Liên Xô và Pháp. Những hàng rào kẽm gai chia đôi thành phố Berlin và qua đó là cả hai thế giới đang quan sát nhau. Phía Đông, lực lượng cảnh sát đang kiểm soát và ngăn chặn tất cả những ai muốn bỏ trốn. Phía Tây, nhiều người dân tò mò và cánh nhà báo đang tụ tập để đưa tin trực tiếp về những diễn biến đang xảy ra. Conrad Schumann tỏ vẻ mỏi mệt sau hai ngày làm việc. Dáng dấp của anh có vẻ bất thường, ngập ngừng khi cứ liên tục hút thuốc và nhìn về phía Tây. Nhiều nhà báo không ngừng động viên anh trốn qua biên giới Tây Berlin. Và chỉ trong phút chốc, Conrad Schuman bỏ chạy, nhảy qua hàng rào kẽm gai, vượt qua những nhà báo và leo lên một chiếc xe của cảnh sát Tây Đức. Vốn quen chụp hình thể thao, nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Peter Leibing đã không bỏ lỡ cơ hội muôn thuở, trong chớp mắt, để ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ : Conrard Schumann với một chân co lại, chân kia duỗi thẳng về phía trước, cơ thể gần hoàn toàn cân đối, như có vẻ đang bay lên trên đường ranh giới, bay lên trên sự chia cắt. Một bố cục hết sức hoàn hảo đã lưu lại một hình ảnh tuyệt vời và tức khắc nó trở thành biểu tượng tượng trưng cho cuộc chiến tranh Lạnh và quan trọng hơn cả cho Tự do đối đầu với sự độc tài tàn bạo.
Conrad Schumann và anh lính trẻ Bắc Triều Tiên có cùng chung một mẫu số đó chính là khát vọng được sống trong tự do. Đất nước của họ là những ngục tù khổng lồ giam cầm sức sống. Nếu như bức tường Berlin đã bị sụp đổ từ 28 năm qua và nước Đức nay đã được thống nhất thì bán đảo Triều Tiên vẫn còn bị chia đôi và chiến tranh hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chế độ độc tài tại Bắc Triều Tiên là một hiểm họa cho chính người dân nước này. Sự leo thang, chạy đua về vũ khí hạt nhân và quân sự trong khi người dân bị thiếu ăn trầm trọng bộc lộ sự bệnh hoạn, hoang tưởng của những kẻ đang lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Trong một bầu không khí tù túng như thế thì sự trốn chạy cũng là lẽ thường tình nếu người dân có quyền chọn lựa.
Sau biến cố 30/4/1975, hàng triệu người Việt Nam đã liều mình, bất chấp cái chết đe dọa để bỏ đất nước ra đi tìm tự do. Gần nửa triệu người đã bỏ mình nơi đáy sâu đại dương và để lại những vết thương đau nhói chưa thể hàn gắn trong tâm thức của cả dân tộc từ 42 năm qua.

Thuyền nhân Việt Nam – Ảnh tư liệu

Biết bao bức ảnh ghi lại những khuôn mặt vô hồn, như vừa trở về từ cõi chết sau bao tháng ngày lênh đênh trên biển cả hay những ánh mắt đượm buồn qua những song cửa sắt tại những trại tị nạn của những kẻ đang chờ đợi một phép màu huyền nhiệm… Tất cả tạo nên một bức ảnh ghép khổng lồ của một cuộc ra đi đầy bi kịch trong lịch sử Việt Nam và nhân loại.
Conrad Schumann, thảm kịch làn sóng thuyền nhân Việt Nam, người lính Bắc Triều Tiên, những người Syria hay Hồi giáo Rohinya… là những minh chứng sống động cho sự khao khát Tự do của con người khi bị dồn vào bước đường cùng. Chỉ có Tự do mới là động lực mãnh liệt, thôi thúc con người ta bất chấp muôn vàn hiểm nguy để giành lại giá trị vô giá của sự sống.
« Khi con người được quyền chọn lựa, họ sẽ chọn Tự do ».
Đơn giản thế thôi!

Lâm Bình Duy Nhiên
25/11/2017