Để hành xử một nghề tự do, chuyện xin phép một thẩm quyền nào đó là một
điều đáng nực cười vì nó đã đánh mất quyền tự do của người này. (Nguyễn
Mạnh Tường)
Thấy nhiều người ghi danh dưới bản “Tuyên Bố Phản Đối Việc Xoá Tên L.S Võ An Đôn” nên
tôi cũng làm theo (cho nó thêm phần rôm rả) dù không tin rằng đây là
điều cần thiết. Tôi cũng không nghĩ rằng chuyện bỏ phiếu để loại bỏ
đồng nghiệp (theo chỉ đạo) của mấy ông thuộc Ban Chủ Nhiệm Luật Sư
Đoàn Phú Yên là “quyết định tai hại … có thể hủy hoại cả sự nghiệp và đời
sống của một con người” – theo như quan niệm của blogger Phạm Lê Vương Các.
Chế độ hiện hành ở VN không đủ quyền uy hay quyền năng để “có thể
huỷ hoại sự nghiệp và đời sống” của bất cứ ai, nếu nạn nhân nhất
định không khuất phục. Tôi biết khá nhiều nhân vật như vậy. Xin đan cử
một trường hợp.
Hơn sáu mươi năm trước, vào hôm 30 tháng 10 năm 1956, L.S. Nguyễn Mạnh
Tường đã đọc một bài diễn văn nẩy lửa (“Qua
Những Sai Lầm Trong Cải Cách Ruộng Đất – Xây Dựng Quan Điểm Lãnh Đạo”)
trong một phiên họp của Mặt trận Tổ quốc. Cái giá mà ông phải trả cho
việc (“xây dựng lãnh đạo”) này, tất nhiên, không rẻ.
“Thảm cảnh đầu tiên mà tôi và gia đình phải chịu: đó là cái đói.
Cả mấy tháng qua, buộc phải mua thực phẩm và những thứ nhu yếu trên chợ
đen vì tôi không còn được phát tem phiếu kể từ khi tôi bị loại, mặc dù với tất
cả dành dụm có được, số tiền dự trữ ngày càng thu hẹp. Ngay từ lúc đầu, với
viễn tượng những ngày khó khăn trước mắt, với dự trữ ít oi, chúng tôi bắt đầu
một giai đoạn hạn chế, tiết kiệm.
Trước tiên, loại bỏ ngay buổi ăn sáng, một thói quen xa hoa của những
người tư sản. Tiếp đến, cá thịt từ từ biến mất trong những buổi ăn trưa và tối.
Khẩu phần cơm và rau mỗi ngày một ít đi. Và đến lúc mỗi ngày chúng tôi chỉ có
một bát cháo để ăn. Vợ và con gái tôi ốm đi trông thấy. Bao nhiêu sáng láng đã
biến mất trên khuôn mặt dài ra vì ốm đói. Họ tự hỏi tại làm sao mà các bà tự
nhịn ăn để có một thân hình thon thả?
Nghĩ đến chuyện vay mượn bạn bè là điều vô ích vì chính bản thân họ cũng
đang cùng số phận, đang trong cảnh chỉ đủ cầm hơi khỏi bị chết đói. Vợ tôi đã
nghĩ đến chuyện bán thuốc lá bên lề đường để kiếm sống, nhưng làm sao có được
mớ vốn ban đầu và có chút tiền để bôi trơn móng vuốt làm khó của những tên công
an hay cán bộ thuế, để chúng để yên cho chúng tôi khó khăn kiếm sống?
…
Chúng tôi có một con chó do bạn bè cho. Nó rất khôn và chúng tôi yêu nó
lắm. Nhưng nó đã già và chúng tôi không còn khả năng mua cho nó thịt và những
thức ăn tăng sức, nó không còn sức đứng lên trong chuồng, ngẩng đầu nhìn tất cả
chúng tôi, với một ánh mắt tin yêu của loài vật, chắc chắn với những dòng nước
mắt và một nỗi buồn sâu thẳm vì đã đến lúc phải rời chủ. Chúng tôi bật khóc khi
nó nấc những hơi thở cuối cùng…” (Nguyễn Mạnh Tường, Un
Excommunié – Hanoi, 1954 -1991: Procès d’un intellectuel. Trans Nguyễn
Quốc Vĩ – Kẻ Bị Mất Phép Thông Công Hà Nội, 1954-1991: Bản Án Cho
Một Trí Thức).
Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1909. Khi “bật khóc” vì phải rời bỏ con
thú thân yêu là thời điểm mà ông sắp bước vào tuổi ngũ tuần, và
“thân thể đã tiều tụy lắm rồi.” Tuy thế, ông không bị knockout
như dự đoán (và mong chờ) của nhà đương cuộc Hà Nội.
Ngày 22 tháng 11 năm 2017 vừa qua, trang Bauxite Việt Nam có đăng lại
bài phỏng vấn (“Ba Giờ Với Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường”) do Khánh Hoà
thực hiện. Xin đọc chơi, đôi đoạn:
Lâu nay, tôi cứ đinh ninh là Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã mất. Sau vụ
Nhân văn Giai phẩm, tên tuổi của ông bặt đi. Có tin đồn là ông đã chết đâu đó ở
một góc khuất tối tăm nào ở Hà nội.
Thế rồi, bỗng dưng tôi lại nghe là ông vẫn còn sống, hơn nữa, đang có
mặt tại Paris: ông được phép sang Pháp ba tháng để thăm viếng một số bạn bè cũ
của ông.
Được sự giới thiệu của một người quen, tôi và một anh bạn đã được Luật
sư Nguyễn Mạnh Tường tiếp trọn cả buổi chiều ngày thứ hai 27.11.1989.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường năm nay đúng 80 tuổi. Dáng người tầm thước,
lưng hơi gù, da dẻ nhăn nheo, nhưng sức khoẻ khá tốt, đi đứng vững vàng, đặc
biệt trí tuệ còn rất minh mẫn. Suốt hơn ba tiếng đồng hồ chuyện trò, chúng tôi
không hề bắt gặp ở ông một dấu hiệu nào của sự đãng trí vốn thường xuất hiện ở
người cao niên. Ông nói năng lưu loát, đôi khi hùng hồn. Ông nhớ chính xác chi
tiết những sự kiện cũ hoặc mới. Cách lý luận rành mạch.
Điều chúng tôi thích nhất ở ông là sự thành thật. Ở vào hoàn cảnh của
ông, thành thật cũng có nghĩa là can đảm. Hơn ba chục năm bị đày đoạ, luôn luôn
sống trong tâm trạng phập phồng chờ đón những thảm kịch thảm khốc nhất, ông
không khiếp sợ đến nổi phải tự biến mình thành một con vẹt chỉ biết lải nhải
lặp lại những câu nói đã thành khẩu hiệu của chế độ hoặc co rút lại trong câm
lặng …
Chúng tôi xin phép ghi âm buổi nói chuyện với một sự thiếu tự tin rõ
rệt. Chúng tôi nghĩ là ông sẽ từ chối. Nhưng, không. Ông đã vui vẻ chấp nhận.
Để bảo đảm sự trung thực, những chi tiết dưới đây, chúng tôi đều dựa vào bản
ghi âm này…
Lâu nay, Luật sư có viết lách gì không?
– Có. Mấy chục năm qua, tôi hoàn thành được bốn công trình nghiên cứu.
Môt là “Lý luận giáo dục” (ở châu Âu từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18); hai là
“Eschylle và bi kịch cổ đại Hy Lạp”; ba là “Virgile và anh hùng ca latin”; bốn
là dịch vở kịch của Eschylle.
Trong tác phẩm Nhân
Văn Giai Phẩm & Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc (Tiếng Quê Hương:
Virginia, 2012) nhà phê bình văn học Thụy Khuê cho biết thêm:
“Chuyến đi Pháp dường như là động cơ thúc đẩy ông viết, bởi khi về nước, chỉ
trong vòng bốn năm (từ 1990 đến 1994), ông đã hoàn tất một lượng sách đáng kể
bằng Pháp Ngữ:
– Larmes et sourires d’une vieillesse – Nụ cười và nước mắt tuổi già,
tự truyện, ba cuốn, chưa in.
– Triptyque – tạm dịch: Bức họa ba tấm, chưa in.
– Un excommunié – Kẻ bị khai trừ, Quê Mẹ, Paris, 1992.
– Malgré lui, malgré elle – Mặc hắn, mặc nàng (l’amour conjugal
sous le régime communiste – tình yêu vợ chồng dưới chế độ cộng sản). Chưa in.
– Partir, est ce mourir?- Đi là chết? (Tragédie de l’émigration –
Bi kịch di dân). Chưa in.
– Une voix dans la nuit – Roman sur le Việt Nam 1950-1990 –
Tiếng vọng trong đêm – Tiểu thuyết về Việt Nam từ 1950 đến 1990. Chưa in.
– Palinodies – Phủ nhận. Chưa in.
Trừ bản dịch Orestia, thì đúng Nguyễn Mạnh Tường đã viết 18 cuốn sách, kể cả
các luận án tiến sĩ.”
Chế độ Cộng Sản Việt Nam, rõ ràng, không đủ quyền lực hay quyền
năng để “có thể hủy hoại cả sự nghiệp và đời sống” của Nguyễn Mạnh Tường.
Chúng ta, do thế, chả phải bận tâm gì cho tương lai của Võ An Đôn.
Thời gian, thời thế, và cả thời đại đều đang đứng về phía vị luật
sư trẻ tuổi này.
Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam không có cửa cho Nguyễn Văn Đài, Lê Công
Định, Võ An Đôn, Huỳnh Văn Đông, Lê Trần Luật, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc
Quân … không phải vì khung cửa hẹp mà vì cái tâm (cũng như cái tầm)
của họ quá rộng và quá cao so với rất nhiều “đồng nghiệp” thuộc tổ
chức này. Họ đều thuộc loại ngoại khổ nên chiều kích của họ
e không vừa với cái tổ chức có tên là Luật Sư Đoàn – thuộc Mặt Trận
Tổ Quốc Việt Nam!
Tưởng Năng Tiến