19 December 2017

ĐÔI BẠN - Ngô Du Trung

Tao không biết làm gì, thịt con gà nuôi bấy lâu đãi mày một bữa nhậu, gọi là mừng mầy đã sớm giác ngộ, lao động tốt, học tập tốt, nên được “Cách mạng” khoan hồng cho về đoàn tụ với gia đình.
Nghe cái giọng đúng bài bản của bạn, Kha nổi cáu văng tục:
– Đù má, giác cái con khỉ. Mày học ở đâu mà nói năng đúng điệu một thằng răng đen mã tấu thế?
Thân mĩm cười nhìn thoáng qua Thương rồi trả lời Kha:
– Đùa chơi vậy thôi, đừng có nóng. Tao cũng không tin cái trò cải tạo tư tưởng của chúng.
Giọng Kha vẫn còn bực dọc:

– Tao biết tụi mầy ngại, nhưng cái quân cộng sản đó chẳng cải tạo được ai. Mà cải tạo gì? Nó bịp cả thế giới bằng trò chơi chữ. Học tập cải tạo! Mẹ kiếp! Tao cam đoan là thằng nào được hân hạnh đi “học tập” một lần rồi thì cả đời hễ nghe nói tới hai tiếng học tập là xanh mặt.
Thương tự nãy giờ ngồi im lặng, đưa tay đẩy ly rượu đế đến trước mặt Kha:

– Thôi uống cái đã. Rượu bây giờ họ pha loạn xạ đủ thứ, chắc không ngon, nhưng có còn hơn không.
Kha nâng ly lên hớp một ngụm, nhăn mặt vì mùi alcohol nồng quá. Anh đặt ly rượu xuống bàn trợn mắt nhìn Thân ngữa cổ tu một hơi hết phần rượu trong ly rồi khà một tiếng lớn y như một bợm nhậu thứ thiệt.
– Mày cũng biết uống rượu nữa à? Sao “tiến bộ” thế?
Thương cười hô hố:
– Nhà tu hành của chúng ta kỳ này phá giới, trà rượu, thuốc lá đủ cả, chỉ thiếu cái món kia thôi.
Thân giã lã:
– Thì cũng đại khái cho biết với đời. Thôi ăn đi, ăn rồi kể cho tụi tao nghe mày “học” cái giống gì trong đó.
Kha cầm đũa gắp một miếng thịt gà đưa lên miệng. Mùi thịt gà bóp lá chanh thơm nồng nàn nơi đầu lưỡi. Đã lâu lắm Kha mới được ăn thịt. Nhớ lại những cơn đói triền miên trong tù, mỗi bữa ăn chỉ vỏn vẹn một chén cơm lưng với nửa lon guigoz canh lỏng bỏng mấy cọng rau muống già, thành thử anh tù nào cũng cho thật nhiều muối vào để ăn xong còn uống được vài lon nước. Sau mỗi bữa cơm, bước đi bụng cứ kêu lịch bịch.
Nuốt xong miếng thịt gà, tu một ngụm rượu, đặt ly xuống bàn Kha nói với bạn:
– Học cái gì? Đầu tiên là học…đói. Đói triền miên. Đói đến độ thấy cái gì cũng muốn cho vào miệng, đầu óc lúc nào cũng loay hoay với cái ăn. Mẹ! Ai muốn nói gì thì nói, phê bình thế nào thì phê, nhưng cứ thử ăn đói vài năm đi rồi biết. Tụi mầy thấy tao to con như vầy mà mỗi bữa chỉ có lưng chén cơm với chút canh rau muống thì chịu sao thấu, mà ăn xong còn phải đi lao động chứ không phải nằm duỗi cẳng ra đó đâu. Hồi đầu mới vô, đói quá tụi tao hái rau sam, rau lang, cải trời luộc ăn phụ thêm. Bọn quản giáo thấy được, nó tịch thu tất cả mọi dụng cụ nấu nướng, rồi tập trung tù lại xỉ vả, chửi bới đủ điều. Nó bảo tụi tao làm như vậy là bêu xấu Cách Mạng. Nó nói Cách Mạng không phải là không có đủ gạo, nhưng cho tù ăn thiếu một chút là để tù thấy được giá trị của lao động, của của cải. Rồi nó bảo tụi tao quen thói làm tay sai, bóc lột nhân dân, giờ mới đói một chút mà đã quýnh quáng lên rồi. Tiên sư, nó chửi bới mà cũng có đường lối chính sách nữa…
Thương nói chen vào:
– Mà ăn đói trường kỳ như vậy bao tử có quen đi không mày?
– Quen? Chẳng có bao tử nào mà quen với cái đói được hết, lần đói nào cũng xót như nhau.
Thân hỏi:
– Mày lao động gì trong đó?
– Cuốc đất trồng mì, lên rừng lấy gỗ về đốt than, chặt cây, cắt tranh về lợp nhà. Hầm bà lằng đủ thứ hết. Vừa ăn đói vừa lao động khổ sai như vậy thì cực thật nhưng việc hành hạ thể xác đó chưa khiếp bằng cái khủng bố tinh thần. Nói bất cứ chuyện trên trời dưới đất gì rồi cuối cùng nó cũng kết luận rằng tụi tao là những thằng bán nước, tay sai đế quốc, có nợ máu với nhân dân.
Kha dừng lại, hai tay mân mê ly rượu đế trước mặt. Hai người bạn ngồi im lặng. Kha uống cạn ly rượu rồi tiếp:
– Còn cái trò làm nhục tù nữa. Tụi mày biết không, hôm nào đau không thể đi lao động bên ngoài được, khai bệnh ở nhà thì nó bắt đi hốt phân pha nước tưới rau…
Thân hỏi:
– Phân gì?
– Còn phân gì nữa. Phân người! Nó cho như vậy là làm việc nhẹ. Tụi mày thử tưởng tượng coi, đau mà phải chui xuống mấy cái nhà cầu dã chiến hốt mớ phân còn …tươi rói đi pha với nước tưới cho hết mấy chục luống rau chung quanh trại thì nội cái mùi thúi không thôi cũng đủ chết người rồi. Đã vậy khi rau cải lên tươi tốt, tù xin được thu hoạch, nó không cho, đợi đến khi rau ngồng, già úa rồi nó bắt hái đem vô nấu canh. Cái thứ rau đó đem cho heo ăn, heo nó còn chê.
Ngừng lại đốt điếu thuốc, hít một hơi dài, Kha nói tiếp:
– Tao ớn nhất là màn học tập chính trị dù trong thời gian đó không phải lao động gì cả. Sáng sáng tụ tập ở hội trường nghe thằng cán bộ ba hoa về một đề tài, đại khái như: “Xã hội chủ nghĩa tiên tiến ưu việt”, “Ngụy quân, Ngụy quyền: công cụ của đế quốc”…vv… Rồi nó ra bốn năm câu hỏi tuỳ đề tài dài hay ngắn đem về nhà thảo luận. Thường một câu hỏi phải thảo luận ít nhất là một buổi. Mỗi nhà có một thằng cán bộ quản giáo phụ trách. Nó ngồi chình ình giữa nhà theo dõi từng ly từng tý, săm soi từng cử động nhỏ, từng cái nghiêng người, cái cười mĩm, bắt bẻ từng lời từng chữ khi tù phát biểu ý kiến. Tao nhớ có lần một anh tù phởn chí sao đó mà dở giọng văn hoa, gọi Nha Trang miền Thuỳ dương cát trắng.
Thằng cán bộ quản giáo sưng mặt lên xỉa xói: “Anh nói xấu Cách mạng hả? Anh nói Cách Mạng về biến Nha Trang thành một vùng cát trắng không trồng tỉa được gì hả? ”
Mà nếu mày sợ bị hố không nói năng gì cả, chỉ ngồi ỳ ra đó chờ hết giờ cũng không được. Nó sẽ bảo mày còn tư tưởng phản động, chống đối ngầm, không thành khẩn thú nhận tội lỗi…v…v… Mà hễ nó “phát hiện” ra một cái lỗi của mày y như là có vô số những tội tày đình khác kèm theo…
Thương mĩm cười:
– Thì cũng phát biểu nhưng phát biểu đại khái thôi, kiểu con voi có cái vòi…
– Nó sẽ bảo mày phát biểu chung chung, không có chất lượng, không chịu đào sâu, như vậy cũng là chưa thành khẩn, còn có tư tưởng chống đối, còn muốn bám theo chân đế quốc…
– Thương nhăn mặt:
– Mẹ kiếp! Sao mà khó thế.
– Đại khái việc học tập cải tạo như vậy đó, vừa hành hạ thể xác, vừa khủng bố tinh thần. Thôi để tao kể cho nghe một chuyện vui. Trong trại tao có một thằng chính trị viên mà tao gọi là thằng nhuốm máu nhân dân.
– Thân cắt ngang:
– Thằng nhuốm máu nhân dân?
– Ừ! Vì mỗi lần tập hợp tù lại, câu đầu tiên của nó luôn luôn là: “Các anh là những người có tội, bàn tay các anh đã từng nhuốm máu nhân dân”.
Thương vỗ đùi khoái trá:
– Mày đúng là tên phản động. Nhưng nhậu tiếp đi, lâu lâu mới có một bữa thịt gà, đừng…e lệ.
– Thân phụ họa:
– Ừ! Ăn mạnh đi mày.
Kha vui vẻ đáp:
– E lệ khỉ gì, có lẽ tại chúng “cải tạo” tao kỹ quá, giờ thấy miếng ăn đâm ra dè xẻng, sợ hết. Mà tụi mày cũng ăn đi chứ. Rồi xoay qua Thân, Kha tiếp:
– Lâu nay mày làm cái nghề ngỗng gì?
– Tao đăng ký làm công nhân đường sắt, được vài tháng nó khám phá ra ông già tao là ngụy quyền bèn đuổi cổ tao về. Giờ đang thất nghiệp.
– Còn mày? Kha hỏi Thương.
Thương vừa nhai thịt gà vừa trả lời, giọng diễu cợt:
– Còn làm gì nữa? Không công nhân viên tiên tiến thì cũng nông dân…hậu tiến. Tao phụ ông già làm ruộng.
– Mày vậy là mồ yên mã đẹp rồi. Còn thằng Thân này, ông anh tao còn phát được một miếng rẫy kha khá, mày muốn tao chia cho một nửa.
Thân nâng ly lên mời bạn:
– Muốn đứt đuôi con nòng nọc đi chứ. Thôi mình cạn ly rồi thanh toán cho hết mấy miếng thịt này.
Thân theo Kha làm rẫy từ đó. Sáng sáng họ vác cuốc, vác rựa, mang theo một lon guigoz cơm lên rừng cuốc đất. Khu rẫy đã được khai thác từ năm ngoái nên họ cũng đỡ vất vả phần nào.
Kha đã trãi qua một thời gian ở tù, quen với công việc nặng nhọc thì không nói làm gì, nhưng Thân vốn là “thư sinh mặt trắng”, Kha không ngờ bạn mình làm việc rất siêng năng mà sức chịu đựng lại dẻo dai vô cùng.
Bên cạnh rẫy có con sông nhỏ, mỗi trưa Kha và Thân thường ra rửa ráy, trốn nắng và ăn trưa. Kha lại sắm một chiếc cần câu, hôm nào khỏe Kha đào mớ trùng làm mồi câu cá trắng. Nhưng thời buổi khó khăn cá dường như cũng hiếm, họa hoằn lắm Kha mới câu được vài con nho nhỏ. Một buổi trưa Thân nằm nghỉ trên một nhánh ba nhô ra sát mặt sông, hai chân thòng xuống nước, thỉnh thoảng buông chân đạp mạnh làm nước văng tung toé. Kha đang ngồi câu bên cạnh la chói lói:
– Mầy đạp ầm ầm lên như vậy tao câu làm sao được, thằng ông nội.
Thân cười:
– Thôi dẹp đi, nghỉ cho khỏe chút còn có sức mà cuốc.
Kha quăng cần tìm một thân cây nằm nghỉ. Gió sông thổi mát lạnh. Kha nằm ngữa lên nhìn vòm cây lá trên cao. Những tia nắng mặt trời lấp lánh qua khe lá. Mấy con chim nhỏ đang đuổi bắt nhau kêu ríu rít. Một chú sóc dọ dẫm bò từ ngọn cây xuống. Đến một chảng ba, nó dừng lại dí mũi vào thân cây linh cảm một hiểm nguy đang rình rập, rồi bất chợt xoay mình phóng ngược trở lên. Kha nằm lẳng lặng theo dõi con sóc chạy tới chạy lui lăng quăng, mơ màng nhớ lại những ngày thơ ấu theo lũ bạn ra đồng đào bắt những con chuột mập ú đem thui, mỡ chảy đầm đìa. Những đêm trăng bát ngát mấy anh em Kha nô đùa đuổi bắt nhau quanh mấy đụn rơm, hay nằm dưới gốc cây sung già nhìn trăng lên và hít thở cái không khí thoang thoảng mùi thơm của hoa chanh hoa bưởi. Những buổi sáng thả trâu ra đồng cho thợ cày rồi nằm dài trên đám cỏ non còn đẫm ướt sương đêm, nhìn bầu trời chỉ còn lác đác mấy vì sao mà mơ về một phương trời nào xa lạ. Và căn nhà nhỏ với cái cổng có cây duối thật to uốn công thành hình vòng cung trông thật đẹp mắt. Khu vườn trũng thấp, vào mùa đông nước đọng lại như một cái ao nhỏ, đêm đêm nằm nghe tiếng ễnh ương kêu buồn bã lạ thường…
Kha bùi ngùi nhớ đến dự tính ra đi của mình. Bất chợt Kha hỏi bạn:
– Ê! Thân, mày đi không?
Bị hỏi bất ngờ, Thân ngơ ngác:
– Đi đâu?
– Vượt biên!
Thân ngồi ngay người dậy ngó bạn:
– Mày tính đi à?
– Ừ, bạn ông anh tao có tàu. Hai anh em tao lo phần bãi, dầu, thức ăn. Thằng Thương sẽ đi với tao. Nếu mày muốn, tao kéo đi luôn. Tao định nói với mày lâu rồi nhưng chưa có dịp.
Thân không nói gì, trở lại thế nằm cũ, hai chân đong đưa trong giòng nước mát lạnh. Hồi lâu Thân nói:
– Chắc tao không đi được. Gia đình tao…Thân ngập ngừng rồi đổi hướng…ra ngoài đó được cái có tự do nhưng lại mất quê hương.
Kha ngậm ngùi:
– Tao thật tình cũng không muốn đi. Tao chỉ muốn lên rừng đánh tiếp. Nhưng mấy năm nay ông anh tao lội nát hết mấy dãy núi này tìm kháng chiến mà có thấy quái gì đâu. Còn cứ sống mãi như thế này thật là bi đát. Tao không nói đến chuyện khổ cực. Gia đình tao vốn nghèo, tao đã quen với những chuyện nặng nhọc như vầy từ nhỏ. Vả lại đất nước nào sau chiến tranh mà lại không có những khó khăn, nhân dân phải thắt lưng buộc bụng để tái thiết lại quốc gia là chuyện dĩ nhiên. Tao biết vậy chứ, nhưng họ không muốn vậy. Mày thấy không, mỗi ngày tao đều phải trình diện công an xã, không được đi đâu xa. Vắng tao một ngày là tụi nó cho người lãng vãng chung quanh nhà dòm ngó…
Kha dừng lại, ngồi dậy chạy đi lục túi áo móc trên một cành cây gần bờ sông tìm gói thuốc. Đốt một điếu cho mình, trao gói thuốc cho bạn xong trở về chỗ nằm.
– Mẹ, nó canh tao như canh…một con vợ lăng loàn. Độ rày bà già tao lại thúc tao lấy vợ. Ui chao, một thân tao lo còn chưa xong lo gì đến vợ. Nhưng chuyện này làm tao suy nghĩ. Tao có lấy vợ, có con thì con tao cũng là thằng con ngụy. Rồi cả đời chúng nó cũng chẳng ngóc đầu lên được, mẹ kiếp, hồi ở trong tù suốt ngày nó ra rả chửi bọn tao là những thằng có tội với tổ quốc với nhân dân. Tao có tội gì với tổ quốc với nhân dân? Nếu có tội thì tao chỉ có tội với đảng Cộng Sản thôi. Mà như vậy thì nó trả thù tao được rồi, sao lại trả thù đến con cháu tao.
Thân nằm im lặng, hai chân vẫn thòng xuống nước. Buổi trưa bên bờ sông vắng, không gian thật êm đềm. Một cơn gió nhẹ thổi qua làm mấy cành khô rơi xuống mặt sông, rồi lừ đừ trôi xuôi theo giòng nước.
Một lát sau Thân nhỏm người dậy, ném điếu thuốc hút dở xuống sông rồi nói với bạn:
– Tao có lạ gì. Tao không được làm công nhân tiên tiến cũng vì ông già tao là “ngụy quyền”. Chừng nào mày đi?
– Chưa biết chắc được, chưa đủ dầu.
Thân nhắc bạn:
– Sắp đến mùa biển động. Tao nghe nói vùng biển giữa mình với Phi mùa mưa nguy hiểm lắm. Mày phải coi chừng.
Kha đáp:
– Tao biết. Cũng nhờ vậy mà tụi nó lơ là chuyện canh gác. Ông anh tao mấy tuần nay vớ đâu được cuốn Exodus đọc xong chàng bắt chước kiểu Do Thái qua mặt lính gác Anh, tối tối bỏ mấy thùng dầu vô bao bố chở phây phây ngang qua đồn công an, coi ớn thấy mẹ.
Thân cười:
– Có khi chơi liều như vậy mà lại an toàn. Thôi hôm nay mình nghỉ sớm một bữa, về rủ thằng Thương đi kiếm cái gì nhậu.
Kha đứng dậy với tay lấy chiếc áo khoác vào người rồi hỏi bạn:
– Mày vẫn nhất định không đi?
Thân trầm ngâm một chút rồi đáp gọn:
– Không!
Nửa năm sau, một đêm trời tối đen và mưa bay bay, Kha đến gọi cửa nhà Thân. Cánh cửa hé mở, Thân thò đầu ra nhìn. Kha thì thầm:
– Tao đây, ra ngoài này.
Thân lách mình bước ra ngoài. Như đã đoán được chuyện gì, Thân hỏi bạn, giọng xúc động:
– Đi phải không?
Kha đáp:
– Ừ!
Hai người đứng nép dưới hiên nhà, im lặng nhìn vào trời đêm âm u. Những giọt mưa rơi trên lá mấy cây mãng cầu trồng quanh nhà kêu lách tách, đều đặn. Có tiếng chó sủa vu vơ nơi đầu xóm. Hồi lâu Kha đưa tay cầm chặc tay bạn, nói nhỏ:
– Thôi tao đi, ở lại cẩn thận.
Giọng Thân lẫn vào cơn mưa:
– Chúc mày may mắn. Vĩnh biệt.
Kha buông tay bạn ra rồi xoay người bước đi. Mưa vẫn còn rơi. Đi được một quãng, Kha quay đầu nhìn lại. Ánh đèn nhà bạn vẫn còn le lói hắt một vệt sáng run rẩy qua làn mưa mỏng. Kha ngước mắt nhìn lên trời đêm tối đen mênh mông. Nước mắt anh pha với nước mưa chảy vào môi anh mằn mặn. Kha nén tiếng thở dài rồi lầm lủi bước đi dưới cơn mưa đang bắt đầu nặng hạt.

Ngô Du Trung
Trích VĂN Số 81, tháng 03-1989