Đ.. mẹ nhân tình đã biết rồi
Lạt như nước ốc bạc như vôi
Thân mẫu của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cụ bà Nguyễn Thị Hường,
vừa từ trần vào ngày 1 tháng 12 năm 2017. Tang ma, ngó bộ, không được
đình đám gì cho lắm nên dư luận (xem ra) có đôi chút lăn tăn.
– Bác sĩ Hoàng Lan:
“Sẽ không có gì phải nói, nếu như không có những chuyện im lặng đến ‘khó
hiểu’ từ truyền thông lề phải. Bà là vợ một liệt sĩ, mẹ của nguyên Thủ tướng
(người đương nhiên được tổ chức Quốc tang khi qua đời).
Bà là bà nội của Bí thư tỉnh uỷ, và của Trưởng một ban của TW Đoàn. Lẽ
thường, bà là người phụ nữ đáng được nhắc tên để tôn vinh.
Vậy mà, trên các cơ quan truyền thông báo chí của Đảng, tuyệt nhiên không
thấy một dòng chia buồn hay phân ưu.
Tình đồng chí đẹp đến thế sao?
Hay họ đang để dành báo Đảng để chia buồn sang Cu Ba, Triều Tiên, Trung
Quốc..?”
– Nhà báo Thiền Lâm:
“Hiện tượng báo đảng nói riêng và và báo chí nhà nước nói chung im bặt
trước đám tang của mẹ cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể được xem là một chỉ
dấu đặc biệt, không chỉ về thói vô cảm chính trị trong chính trường Việt thời
nay, mà còn như một biểu trưng cho thói ‘ăn cháo đá bát’ hết sức bạc bẽo của
giới quan chức …”
Những nhận xét thượng dẫn, tất nhiên, không có gì sai trật. Tuy
thế, nhắc chuyện tình nghĩa (ơn nghĩa, nhân nghĩa, lễ nghĩa, đạo
nghĩa …) giữa lúc nền tảng luân lý của cả xã hội đã lung lay đến
tận gốc (nghe) sao thấy hơi lạc lõng.
Đã thế, bạc bẽo vốn là một thuộc tính của loài người chứ không
riêng chi của giới truyền thông hay quan chức hiện nay. Họ cũng không
phải là thủ phạm đã đẩy sự vô cảm, bạc ác đến độ vượt ngưỡng như
hiện cảnh. Cái thói vô ơn và bạc bẽo đã ló dạng ngay từ khi những
người cộng sản Việt Nam vừa nắm được quyền bính, ở nửa phần đất
nước này.
Xin đan cử vài trường hợp:
– Năm 1945, Nguyễn Hữu Đang được đưa vào gặp bác Hồ. Ông hồi tưởng:
Cụ Hồ nhìn tôi một lúc với cặp mắt rất sáng, cặp mắt mà về sau này nhân
dân cả nước đồn rằng có bốn con ngươi – như muốn cân nhắc, đánh giá người mà Cụ
quyết định giao trọng trách. Cụ hỏi tôi với giọng Nghệ pha, rất giống giọng cụ
Phan Bội Châu mà có lần tôi đã được nghe:“Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ
ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày mồng hai tháng chín. Chú có đảm đương được
việc tổ chức buổi lễ không?”
Tôi tính rất nhanh trong đầu: tháng 8 có 31 ngày, như vậy là chỉ còn 4
ngày nữa thôi… Tôi suy nghĩ cân nhắc trong từng phút. Hình dung ra tất cả những
khó khăn như núi mà tôi phải vượt qua… để tổ chức được một ngày đại lễ như vậy,
trong khi mình chỉ có hai bàn tay trắng. Tôi nói với Cụ Hồ: “Thưa Cụ, việc cụ
giao là quá khó vì gấp quá rồi”. Cụ Hồ nói ngay: “Có khó thì mới giao cho chú
chứ!” (Phùng Quán. “Ngày Cuối Năm Tìm Thăm Người Dựng Lễ Ðài Tuyên Ngôn
Ðộc Lập.” Ba Phút Sự Thực, 2nd ed. Văn Nghệ: Sài Gòn,
2007).
– Năm 1946, Nguyễn Mạnh Tường cũng được mời gặp bác Hồ. Trong một
cuộc phỏng vấn (Ba Giờ Với Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường) dành cho nhà
báo Khánh Hoà, ông kể lại:
Cụ nói: “Như Ngài đã biết, chính phủ vừa ký kết với Pháp một bản tạm
ước. Theo bản tạm ước ấy, sắp tới giữa ta và Pháp sẽ có một hội nghị quan
trọng. Xin Ngài giúp soạn giùm cho một bản lập trường của chính phủ (thèse
gouvernementale) để sử dụng như một cương lĩnh chỉ đạo cuộc hội nghị”.
Tôi đáp: “Công việc này quan trọng quá, xin cụ nhờ một người nào giỏi và
có kinh nghiệm hơn tôi”. Cụ Hồ nói: “Tôi đã hỏi ý kiến nhiều người và ai cũng
bảo là chỉ có Ngài mới có thể làm được thôi”. Cuối cùng, tôi nhận lời, về nhà,
đóng cửa văn phòng luật sư, vận dụng tất cả kiến thức về luật pháp quốc tế cũng
như những điều khoản căn bản của tạm ước để soạn bản lập trường. Đến khi đem
trình, được Cụ Hồ chấp thuận và do đó, buộc tôi phải tham dự Hội Nghị Đà Lạt.
(…)
Thế nhưng, về Hà Nội bỗng dưng lại có tin đồn là Nguyễn Mạnh Tường thông
đồng với giặc, là Nguyễn Mạnh Tường bán nước.
– Luật sư có biết tin đồn đó phát xuất từ đâu không?
– Thì cũng phải có người phát thì nó mới động chứ. Tin đồn đó là cả một
chiến dịch được tổ chức hẳn hoi.
Chung cuộc, Nguyễn Mạnh Tường trở thành Kẻ Bị Khai Trừ. Còn Nguyễn Hữu Đang
thì lãnh án 15 năm tù (với tội danh gián điệp) và 5 năm quản chế.
– Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành “cải tạo xã hội chủ
nghĩa” trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ
sở kinh doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu gọi “làm gương”, đưa
xưởng dệt của bà vào “công tư hợp doanh”. Bà Bô cùng các nhà tư sản được cho
học tập để nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc lột, bây giờ Chính phủ nhân
đạo cho làm phó giám đốc trong các nhà máy, xí nghiệp của mình. Không chỉ riêng
bà Bô, các nhà tư sản từng nuôi Việt Minh như chủ hãng nước mắm Cát Hải, chủ
hãng dệt Cự Doanh cũng chấp nhận hợp doanh và làm phó.
Cho dù được ghi nhận công lao, trong lý lịch các con của ông Trịnh Văn
Bô vẫn phải ghi thành phần giai cấp là “tư sản dân tộc”, và rất ít khi hai chữ
“dân tộc” được nhắc tới. Con trai ông Trịnh Văn Bô, ông Trịnh Kiến Quốc kể: “Ở
trường, các thầy giáo, nhất là giáo viên chính trị, nhìn chị em tôi như những
công dân hạng ba…”
Cả gia đình ông Trịnh Văn Bô, sau khi về Hà Nội đã phải ở nhà thuê. Năm
1954, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái có làm giấy mượn căn nhà số 34 Hoàng Diệu của
ông với thời hạn 2 năm. Nhưng cho đến khi ông Trịnh Văn Bô qua đời, gia đình
ông vẫn không đòi lại được. (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA:
2013).
Bà Trịnh Văn Bô từ trần vào ngày 5 tháng 11 năm 2017. Ba hôm sau, nhà
báo Hà Phan
lên tiếng:
“Tại sao người ta có thể đối xử như thế với gia đình từng hiến 5,147
lượng vàng cho cách mạng và cả ngôi nhà 48 Hàng Ngang, trị giá hàng trăm tỷ
đồng theo thời giá bây giờ, để làm nhà lưu niệm? Đến khi cụ bà qua đời, trên
giấy tờ nhà vẫn chưa phải của gia đình họ, chẳng hề có sổ hồng, sổ đỏ gì như
người ta.”
Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, ông bà Trịnh Văn Bô đều được
Chủ Tịch Hồ Chí Minh tin cậy và nhờ cậy. Hệ quả (hay hậu quả) họ
đều trở thành nạn nhân của chính quyền cách mạng trong khi ông Hồ
vẫn còn tại thế, và tại chức.
Bao giờ chế độ hiện hành còn tồn tại, ban Tuyên Giáo còn ra rả kêu gọi mọi người “học tập
làm theo tư tưởng, phong cách bác Hồ” thì “ăn cháo đá bát” vẫn còn
là chuyện hoàn toàn theo đúng qui trình và truyền thống.
Mà Nguyễn Tấn Dũng, nói nào ngay, có hy sinh hay đóng góp gì đâu.
Đã thế, ông còn được mô tả là người đứng đầu một chính phủ “đầy tỳ vết tham nhũng” và “phá chưa từng có trong
lịch sử của đảng CSVN.” Vậy mà tang lễ của cụ bà Nguyễn Thị
Hường vẫn diễn ra một cách êm đềm và lặng lẽ, tư thất vẫn không
(hoặc chưa) bị nhà nước … mượn luôn. Tưởng như vậy là cũng “tử tế”
lắm rồi. Còn thắc mắc, khiếu nại, hay đòi hỏi gì nữa – cha nội?
Tưởng Năng Tiến