02 December 2017

TẠI SAO BỨC XÚC VÌ CHỮ BỨC XÚC? - Ngô Nhân Dụng

Một tờ báo trong nước loan tin: “Bức xúc vì bí thư, trưởng thôn trao quà hỗ trợ lũ lụt cho vợ.” Đọc tựa đề này, tôi cảm thấy có gì thiêu thiếu! Tôi cảm thấy viết tiếng Việt Nam như vậy không ổn. Có lẽ vì không đọc hàng ngày báo xuất bản trong nước nên tôi không quen với lối nói mới, viết mới này.

Lúc đầu, tôi nghĩ cảm giác “lạ lạ” của mình là do chữ “bức xúc.” Hai tiếng này người miền Nam mới làm quen từ 40 năm qua. Nghe riết rồi cũng quen; nhưng cho tới nay quả thật tôi vẫn chưa hiểu hai chữ này nghĩa đích xác là gì. Đó là một cảm tưởng bực bội, bứt rứt, khó chịu, tức giận? Cảm giác nhẹ hay mạnh, ở mức nào thì nói là “bức xúc?” Nhưng có lẽ hai chữ này cũng không thể gây cho tôi cảm giác “thiêu thiếu,” khó chịu, “bức xúc” khi đọc câu trên.
Mấy ngày sau, đọc lại cái tựa đó vài lần nữa tôi mới nghĩ ra lý do khiến mình khó chịu. Lý do là: Câu trên không có chủ từ.
Nhà báo nào đó viết “Bức xúc vì…” nói trống không; người đọc không biết ai bức xúc. Vì thế khi đọc lần đầu tôi cảm thấy “bất ổn.” Nó thiêu thiếu cái gì đó mà chưa nghĩ ra ngay. Té ra, vì câu đó thiếu chủ từ.
Tìm ra nguyên nhân rồi, tôi lại ngạc nhiên sửng sốt! Lý do giản dị như thế, tại sao khi đọc lần đầu mình không thấy?
Đã làm nghề dạy học và viết tiếng Việt hơn nửa thế kỷ, khi đọc một câu không có chủ từ, mình phải nhận ra ngay chớ? Trước đây 50 năm khi tôi dạy học ở Sài Gòn, nếu một học sinh viết câu như vậy chắc tôi đã vạch đỏ lèm và phê: Thiếu chủ từ! Mà có lẽ thời 1960, 70 các học sinh của tôi cũng không ai viết một câu thiếu chủ từ như thế. Tại sao bây giờ tôi lại chỉ cảm thấy “bứt rứt khó chịu” cảm thấy có “cái gì thiêu thiếu?” Giống như nhai miếng cơm có hạt sạn mà không biết vì sao, chỉ thấy răng mình hơi khó chịu. Vì cao tuổi nên đầu óc tôi đã kém bén nhậy hay chăng?
Cũng phải nghĩ ngợi giây lâu tôi mới khám phá ra rằng không phải tại mình già. Lý do chính là báo chí trong nước bây giờ hay viết tiếng Việt không có chủ từ; đọc riết mình cũng quen, không nghĩ tới nữa.
Một cái tựa trên báo khác viết thế này: “Quảng Ngãi: Xôn xao nghi vấn gạo giả hỗ trợ người nghèo.” Chủ từ của câu này là cái gì? Cái nghi vấn nó xôn xao? Hay người dân xôn xao với nghi vấn? Trước năm 1975 khi làm báo ở Sài Gòn nếu bắt được tin tức này, chắc các anh Chu Tử, Lê Xuyên đã đặt tựa: Ai phát gạo giả cho nạn nhân lụt Quảng Ngãi? Đặt một cái tựa như vậy ai cũng biết đó là một nghi vấn, và nó đủ làm dư luận xôn xao.
Không hiểu sao các đồng nghiệp của tôi bây giờ không thích đặt câu hỏi thẳng như vậy? Tại sao họ lại viết: “Xôn xao nghi vấn…?”
Có lẽ vì họ đang được “đảng lãnh đạo.” Câu không có chủ từ là mặt nổi, bên dưới là một xã hội mà người ta không ai nhận trách nhiệm, đặc biệt là giới cầm quyền. Lỗi tại ai? Chúng ta! Tức là không có ai cụ thể! Ai bức xúc? Cũng không có ai cụ thể! Chẳng lẽ viết “nhân dân bức xúc?” Viết vậy là tuyên truyền chống đảng rồi!
Trong gọng kìm kẹp mồm kẹp miệng của đảng Cộng Sản, nhà báo không được phép đặt những câu hỏi thẳng thắn, cụ thể. Đặt câu hỏi tức là “có ý đồ” chống chế độ, có thể bị kết tội âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân! Anh Nguyễn Văn Hóa, mới bị đưa ra tòa án ở tỉnh Hà Tĩnh xử bảy năm tù chỉ vì cho bạn bè coi video tố cáo tội ác của Formosa. Bản cáo trạng viết anh Hóa “…lập tài khoản cá nhân trên facebook để kết bạn, trao đổi thông tin với một số đối tượng xấu;… bài viết, video, hình ảnh có nội dung tiêu cực, kích động, xuyên tạc sự thật, tuyên truyền các luận điệu phản động trái với đường lối, chính sách của đảng và nhà nước.”
Anh Nguyễn Văn Hóa mới 22 tuổi, điếc không sợ súng. Còn các nhà báo của chúng ta, nhiều người đã lão thành, không ai dại dột đặt câu hỏi “Ai bức xúc?” vì hỏi tức là muốn nhà nước và đảng phải trả lời, rõ ràng “trái với đường lối, chính sách của đảng và nhà nước.”
Dưới gông cùm tuyên giáo, các nhà báo không dám đặt câu hỏi, và cũng không dám nêu lên những chuyện cụ thể. Lại nói chuyện gạo giả ở Quảng ngãi, một tờ báo trong nước loan tin với tựa đề “Người nghèo Quảng Ngãi nhận gạo cứu trợ có biểu hiện lạ.”
Đọc câu trên, nếu còn giữ thói quen suy nghĩ, chúng ta phải bật cười. Ông/Bà nhà báo này viết như một triết gia hay một nhà nghiên cứu triết học. “Biểu hiện” là ngôn ngữ triết học, ai đọc các triết gia hiện sinh chắc đã nghe quen. Người bình thường thì sẽ viết một cách cụ thể: Gạo nấu cơm biến thành than! Ai cũng biết là ăn không được, nuốt không vô. Nhưng trước mắt các triết gia, gạo nấu thành than chỉ là một “biểu hiện lạ.” Họ viết chữ “lạ” mà không cần đánh dấu tán thán, “lạ!” Viết như thế là mất cái vẻ trầm tư mặc tưởng của một triết nhân.
Nhà báo học chữ “biểu hiện lạ” ở đâu ra vậy? Họ không học Martin Heidegger hay Jean Paul Sartre mà học các triết gia Tuyên Giáo. Các ngài đã sáng tạo ra chữ “tàu lạ.” Biết mà không dám nói nó là tàu của ai, tàu nước nào, các đỉnh cao trí tuệ làm mới ngôn ngữ Việt Nam với hai tiếng “tàu lạ.” Đám quần chúng nhân dân người trần mắt thịt không dám phạm húy nên cứ thế viết theo. Lúc nào bí thì bất cứ cái gì xấu xa, bẩn thỉu cứ gọi là “biểu hiện lạ!” Đỡ mất công suy nghĩ. Tránh bị tù như chú Nguyễn Văn Hóa!
Một biểu hiện lạ trong nghề báo ở nước ta bây giờ là chúng ta quen viết, quen nói như thế rồi, 50 hay 70 năm sau không ai cảm thấy bức xúc khi viết và đọc báo nữa! Đầu óc con người nó cũng tập thói quen giống như thân thể. Đọc “tàu lạ,” và “biểu hiện lạ” riết rồi không ai cảm thấy nó “lạ” nữa. Ai cũng quen với lối suy nghĩ trừu tượng, nói năng trừu tượng. Người viết và cả người đọc không ai bức xúc nữa. Cả nước biến thành triết gia lúc nào không ai biết!
Bài trước trong mục này viết, “thói quen trừu tượng hóa, trốn tránh sự thật, khiến các quan chức trốn trách nhiệm, cả chế độ cũng trốn trách nhiệm… Một đứa trẻ ăn vụng miếng bánh gọi là sai phạm, ông thủ tướng ôm cả tỷ đô la của các hãng thầu nước ngoài cũng gọi là sai phạm!” Diễn tả theo lối các triết gia hiện sinh trong nước hiện nay, phải gọi đó là một “lỗi hệ thống!” Mấy chữ “lỗi hệ thống” chính là một thứ ngôn ngữ trừu tượng!
Nhưng tại sao những nhà trí thức phê bình chế độ lại dùng những chữ “lỗi hệ thống” trong khi người bình dân chúng tôi thích nói “nhà giột từ nóc giột xuống” hoặc “rỗng (tối) từ trong ruột ruỗng (thối) ra?”
Có lẽ đây cũng là một thứ kết quả của thí nghiệm Pavlov. Người ta quen nói như thế rồi, nghe tiếng kẻng là nhễu nước miếng.
Do đó, mới có chữ “bức xúc.” Nhiều độc giả báo Người Việt coi “bức xúc” là “tiếng Việt Cộng;” Nếu hiểu Việt Cộng là viết tắt những chữ Cộng Sản Việt Nam, giống như Trung Cộng là Cộng Sản Trung Quốc, thì tôi thấy gắn nhã hiệu Việt Cộng cho hai chữ “bức xúc” là lầm.
Phải nói lại “bức xúc” là “tiếng Chống Việt Cộng.” Không biết chữ này được dùng trong văn chương, báo chí miền Bắc Việt Nam từ năm nào, nhưng chúng ta có thể đoán nhà văn đầu tiên dùng các chữ đó muốn diễn tả một điều mà đảng cấm, ban Tuyên Huấn cấm. Thay vì diễn tả một tâm trạng của người dân hay của mình bằng những chữ “tức giận,” hay “nổi giận” hoặc “phẫn nộ,” nhà báo phải tìm một chữ mới hoàn toàn, một chữ nằm ngoài danh sách các chữ bị cấm. Thế là bật ra hai tiếng “bức xúc!”
Các ông bà Tuyên Huấn đọc hai chữ đó, không thấy ông Lê Duẩn hay ông Trường Chinh cấm, cứ cho nó xuất hiện. Thế rồi người ta nghe quen tai. Cả nước không ai dám nói mình “giận dữ” hoặc “chịu không thấu” nữa. Ai cũng bức xúc. Người người bức xúc, ngành ngành bức xúc. Bởi vì từ mới này không có nghĩa chính xác như khi nói “bực tức” hoặc “uất hận” cho nên nó được sống sót sau bao lần chỉnh huấn! Đồng bào miền Bắc được dùng hai tiếng bức xúc tự do, khi các quan cán bộ hỏi: “Bố anh bị giết oan, anh có oán đảng không?” “Dạ không ạ, chỉ bức xúc thôi ạ!” Các quan trên hài lòng. Dân nhìn nhau, cũng hài lòng, vì họ hiểu hai chữ bức xúc theo nghĩa của họ! Các quan Tuyên Huấn bắt dân “trừu tượng hóa” thì dân chúng tôi tìm cách “cụ thể hóa!”
Cho nên tôi đoán người sáng tạo ra hai tiếng “bức xúc” chủ tâm né tránh, đã tìm cách “chơi” đảng, “chơi” Ban Tuyên Huấn! Cũng giống như nhà trí thức né tránh khi viết “Lỗi Hệ Thống.” Ông hay bà này “đánh du kích” trong mặt trận ngôn ngữ. Thế rồi người dân thấy hai tiếng đó diễn tả đúng tâm trạng mình, cũng đua nhau dùng, khi cần nói một điều cụ thể trong lòng mà đảng không cho dùng những tiếng cũ. Bức Xúc trở thành tiếng nói của người dân không được phép nói. Phải coi đó là “tiếng chống Cộng” chứ không phải tiếng Việt Cộng!
Sau năm 1975, đồng bào miền Nam mới nghe chữ bức xúc, nghe lạ tai, khó chịu, lại thấy nó hài hước vì ý nghĩa không rõ ràng. Dân miền Nam đã dùng chữ bức xúc theo nghĩa nhạo báng, bị bồ bỏ rơi bèn “bức xúc,” khi bị đảng cướp sạch tài sản bằng cách đổi tiền, cũng bức xúc. Bây giờ quý vị thử tìm trên Facebook sẽ thấy nhiều tiếng mới như vậy, con cháu của Bức Xúc! Xin quý vị độc giả đừng phổ biến bài này, bọn Tuyên Huấn chúng nó lại cấm các nhà báo, những bạn đồng nghiệp của tôi, không cho ai dùng hai tiếng Bức Xúc nữa!

Ngô Nhân Dụng