14 December 2017

THƯ CỦA CÁC NHÀ VĂN - Nguyễn Hưng Quốc

Mới đây, trong lúc lục đống giấy tờ cũ để tìm tài liệu cho một bài viết mới, tôi tình cờ đọc lại mấy bức thư của nhà văn Mai Thảo (1927-1998) gửi cho tôi. Mai Thảo mất chưa tới mười năm. Vậy mà những bức thư ấy, dù được giữ gìn khá cẩn thận, giấy đã bắt đầu ố và một số nét chữ đã bắt đầu bị phai hay nhoè đi rồi.

Cầm những bức thư của Mai Thảo, quên bẵng cái đề tài mình đang định tìm tòi, tôi cứ tần ngần nghĩ ngợi mông lung.

Về Mai Thảo.

Về một số nhà văn và nhà thơ khác mà tôi quen biết.
Và về thư như một thể loại văn học.



*

Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, được gợi hứng từ lời tuyên bố “Thượng đế đã chết” của Nietszche, nhiều nhà phê bình và lý thuyết văn học trên thế giới thường hay nói đến những cái chết trong văn học: thoạt đầu, cái chết của tiểu thuyết, sau, cái chết của thơ; và đâu đó, ở khoảng giữa, cái chết của tác giả. Cho đến nay, hình như không lời báo tang nào thành sự thực. Tiểu thuyết vẫn còn. Thơ vẫn còn. Tác giả vẫn còn là một quyền lực lớn lao đằng sau các văn bản. Chỉ có một thể loại hình như có nguy cơ chết thật, chết một cách lặng lẽ: thư.

Trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, thư bị tấn công dồn dập: thoạt đầu, với sự ra đời của điện thoại, sau, của điện thoại di động, và, quan trọng nhất, của điện thư (email) và các hình thức chuyện trò qua internet. Hiện nay, dĩ nhiên vẫn còn khá nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới tiếp tục viết thư cho nhau. Nhưng, không còn hoài nghi gì nữa, số lượng những người duy trì được thói quen viết thư như thế càng ngày càng hiếm; tuổi tác của họ cũng càng ngày càng cao: một lúc nào đó, có lẽ không lâu lắm nữa đâu, thư chỉ còn là một hoài niệm.

Ở Việt Nam, thậm chí thư không tồn tại được như một hoài niệm. Bởi nó chưa từng hiện hữu một cách công khai, đàng hoàng, chính thức; hoặc nếu hiện hữu, sự hiện hữu ấy cũng quá mờ nhạt, không hình thành hẳn một thể loại riêng. Những chiếu, biểu, tấu, sớ, hay ngay cả những Quân trung từ mệnh, những Hải ngoại huyết thư, những Thư thất điều... tuy lừng lẫy một thời, vẫn nặng tính chất chính trị. Giá trị của chúng rõ ràng là lệch về phía lịch sử hơn là phía văn học.

Những bức thư, thực sự là thư, của các nhà văn và nhà thơ, được xuất bản rất ít. Phần lớn chỉ là những trích đoạn. Và những trích đoạn ấy cũng khá hoạ hoằn. Lâu, lâu lắm mới bắt gặp một vài trích đoạn ngắn trên báo chí. Chỉ gần đây, tôi mới thấy một tuyển tập thư đầu tiên bằng tiếng Việt được in: tập Hồi ức tình yêu của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam và nhà báo Thanh Hương (nxb Lao Động, Hà Nội, 2001). Tiếc, đó không phải là tập thư hay. Không hay ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, cả Vũ Tú Nam lẫn Thanh Hương đều không phải là những văn tài lớn. Thư họ không có cái đẹp lấp lánh ở ngôn ngữ. Thứ hai, thời gian họ viết thư cho nhau, kéo dài cả nửa thế kỷ, là thời gian chiến tranh khốc liệt, ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa Stalin đè bẹp ý thức cá nhân: thư của cặp tình nhân và cặp vợ chồng ấy biến thành thư của hai cán bộ tận tuỵ, đầy “tính đảng,” và cũng do đó, rất nhạt nhẽo.

Điều tôi cảm thấy thú vị nhất không nằm ở bản thân tập thư mà ở hoàn cảnh ra đời của nó: mặc dù Vũ Tú Nam và Thanh Hương nâng niu gìn giữ hơn 500 bức thư của họ trong cả nửa thế kỷ, thế nhưng, như lời giới thiệu ở đầu sách, người đầu tiên nhận ra ý nghĩa và khuyến khích xuất bản những bức thư ấy lại là một nhà văn nữ người Mỹ từng sống lâu năm ở Việt Nam: Lady Borton. Chính Lady Borton là người đầu tiên phát hiện ra giá trị của những bức thư tình riêng tư và cũ kỹ ấy, đã khuyến khích Vũ Tú Nam và Thanh Hương chọn lọc và xuất bản, cuối cùng, đã đứng ra viết lời giới thiệu cho tập thư tình ấy. Ngoài Lady Borton, người thứ hai động viên việc xuất bản các bức thư ấy cũng lại là một người Mỹ, ông Edwin Stephenson, tác giả cuốn Journey of the Wild Geese vốn tập hợp những bức thư mà ông và vợ ông gửi cho nhau trong thời gian hoạt động từ thiện ở châu Âu sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Vũ Tú Nam và Thanh Hương kể: “Khi được Lady kể về cái ‘kho’ thư từ của chúng tôi, Edwin gửi tặng ngay cuốn sách mới in chưa ráo mực, nhằm động viên chúng tôi nên soạn các bức thư và cho công bố.” (1)

Có thể nói lời giới thiệu của Lady Borton và sự động viên của Edwin Stephenson không phải là lời giới thiệu và động viên của một, hai cá nhân mà còn là, nếu không muốn nói trước hết là, lời giới thiệu và động viên của một nền văn hoá, cái nền văn hoá, ở đó, người ta có thể dễ dàng thấy được ý nghĩa sử liệu, văn hoá, và cả văn học ở những bức thư ngỡ như riêng tư và thầm kín nhất.

*
Vâng, quả là dễ dàng. Ở Tây phương, chỉ cần bước vào thư viện hay các tiệm sách, người ta có thể nhận ra vô số các tuyển tập thư được xuất bản một cách trân trọng. Mà đó không phải là hiện tượng mới. Phần lớn các triết gia cổ đại của Hy Lạp, từ Plato đến Aristotle, Isocrates, Demosthenes và Epicurus đều viết khá nhiều thư, trong đó, trừ Aristotle, một số thư của những người khác vẫn còn lưu truyền đến tận ngày nay. Thời bành trướng của đế quốc La Mã, thư từ lại càng phát triển vượt bậc, không phải chỉ là một phương tiện truyền thông mà còn là một thể loại văn học có những thành tựu rực rỡ với tên tuổi lớn như Marcus Tullius Cicero (106 B.C.-43 B.C.), Gaius Plinius Caecilius Secundus (thường được gọi là Pliny trẻ, 62 — 113 A.D.), Lucius Annaeus Seneca (thường được gọi là Seneca hoặc Seneca trẻ, 4B.C. — 65 A.D.), thánh Paul, và Quintus Aurelius Symmachus (thường được gọi là Eusebius, 345-402?). Thư của họ còn lại rất nhiều: riêng Cicero còn 774 bức (2) và Symmachus còn lại khoảng 900 bức (3). Đề tài của thư vô cùng đa dạng: trong khi thư của Paul tập trung vào các vấn đề tôn giáo và thư của Seneca vào các vấn đề triết học, thư của Cicero, Pliny và Symmachus viết về đủ loại, từ triết học, chính trị, khoa học, xã hội đến cả những chuyện tình cảm riêng tư với bạn bè và vợ con. Những bức thư này được đánh giá rất cao: thư của thánh Paul trở thành một bộ phận quan trọng, và dưới mắt một số nhà nghiên cứu lịch sử, tôn giáo và văn hoá, bộ phận thú vị nhất trong Tân Ước; thư của Seneca được xem là những tài liệu kinh điển về chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicism), còn thư của Symmachus, Pliny và đặc biệt, của Cicero được xuất bản thành tập ngay từ một, hai thế kỷ trước và sau của công nguyên, và được xem là mẫu mực của nghệ thuật viết thư trong cả hai ngàn năm nay.

Nếu ở thời cổ đại, thư từ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển siêu hình học và truyền bá đức tin Thiên Chúa giáo, ở thế kỷ 17 và 18, thư từ lại cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành và vận hành của cái gọi là nền Cộng Hoà Văn Học (Respublica literaria) ở châu Âu (4). Những đặc điểm nổi bật nhất của thời kỳ này là sự đăng quang của lý trí, sự bùng nổ của kiến thức, từ đó, sự nở rộ của triết học và sự phát triển vượt bậc của khoa học và kỹ thuật. Động cơ thúc đẩy những sự thay đổi đột biến này là những hình thức tương tác mới giữa giới trí thức thời bấy giờ: các hội chuyên môn, các tập san và đặc biệt, thư từ giữa các cá nhân với nhau. Các hội hay câu lạc bộ chuyên môn chỉ giới hạn phạm vi hoạt động trong một không gian nhất định, còn các tập san chuyên môn chỉ ra đời từ giữa thế kỷ 17 và chỉ thực sự trở thành phổ biến từ đầu thế kỷ 18, như vậy, trước đó, thư từ là hình thức tương tác có quy mô rộng rãi nhất. Không phải ngẫu nhiên mà hầu như tất cả các câu lạc bộ khoa học đều khuyến khích, thậm chí ghi thành điều lệ buộc các thành viên, bằng mọi cách, phải mở rộng quan hệ thư từ với các học giả ở khắp nơi để kịp thời nắm bắt mọi phát minh mới cũng như mọi dự định xuất bản mà giới trí thức đang ấp ủ. Họ xem đó như một cách tốt nhất để cập nhật kiến thức, để thiết lập và duy trì những “đại học vô hình” (invisible colleges) giữa các học giả (5).

Nhiều tên tuổi lớn còn lại trong lịch sử khoa học không phải nhờ các công trình đã xuất bản mà chủ yếu là qua các thư từ họ đã viết ra. Nicolas Claude Fabri de Peiresc (1580-1637) là một ví dụ khá điển hình: trong khoảng hơn 40 năm, ông viết hơn mười ngàn bức thư. Những bức thư ấy, cũng như vô số các bức thư khác, trở thành một trong những nguồn tài liệu quan trọng và đáng tin cậy nhất trong việc tái hiện diện mạo quá khứ và những chặng đường phát triển của khoa học và tư tưởng nhân loại. Dù trên thực tế, phần lớn thư từ đều được nhiều người đọc, nhưng trên nguyên tắc, thư vẫn mang tính riêng tư, do đó, thoát được mọi hình thức kiểm duyệt nghiệt ngã thời xưa, và cũng do đó, phản ánh được những ý nghĩ trung thực của người viết. Galileo, ngay cả sau khi bị giáo hội La Mã lên án gay gắt, vẫn tiếp tục theo đuổi và khai triển các khám phá riêng của ông qua các thư gửi những người ái mộ ông ở Pháp như Elia Diodati và cả Nicolas Claude Fabri de Pieresc (6).

Nhờ việc trao đổi thư từ như thế, giới làm khoa học và triết học ở các nơi kết tập thành một mạng lưới chặt chẽ; kiến thức nhanh chóng được tích luỹ và lưu truyền, để trên cơ sở đó, khoa học có thể thực hiện được những bước nhảy vọt kỳ diệu, đôi khi mang tính đột biến, làm thay đổi hẳn lịch sử. Có thể nói, thư từ chính là tiền thân của hình thức báo cáo khoa học và tiểu luận triết học sẽ gắn liền với môi trường đại học sau này. Theo Daniel Roche, thói quen trao đổi thư từ cho nhau giữa các học giả là một trong những truyền thống đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xác lập nên chính khái niệm “Cộng Hoà Văn Học” (7); theo Maarten Ultee, vai trò ấy quan trọng đến độ thư từ trở thành tâm điểm của nền Cộng Hoà Văn Học (8).

Truyền thống trao đổi thư từ ấy kéo dài mãi về sau. Ở vô số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, bên cạnh đam mê sáng tác còn có đam mê viết thư.

Nghĩ đến những người viết thư nhiều ở Tây phương, trong trí nhớ tôi hiện ra ngay một số tên tuổi, như: bà de Sévigné, tác giả của hơn một ngàn bức thư gửi cho con gái; Patrick White, nhà văn Úc, tác giả của khoảng hơn ba ngàn bức thư, chưa kể mấy trăm bức thư khác gửi cho mẹ và cho bạn bị ông thu hồi và đốt hết; Rainer Maria Rilke, tác giả của khoảng mười ngàn bức thư gửi cho nhiều người khác nhau. Henry James để lại hơn mười lăm ngàn bức thư; Voltaire để lại hơn hai chục ngàn bức thư (9); đặc biệt Lewis Carrol, tác giả cuốn Alice in Wonderland, trong vòng 37 năm, viết cả thảy gần một trăm ngàn bức thư! Theo Mary V. Dearborn, trong cuốn The Happiest Man Alive, mỗi ngày nhà văn Henry Miller bỏ ra khoảng hai hay ba tiếng đồng hồ để viết thư. Ngoài 70 tuổi, Miller yêu một cô gái Trung Hoa tên Lisa Lu, lúc ấy mới khoảng 30 tuổi: trong vòng chín tháng, Miller viết cho cô 224 bức thư. Liên quan đến thư tình, Graham Greene viết còn nhiều hơn cả Henry Miller: trong vòng khoảng 30 tháng, ông viết cho Vivien, người yêu của ông, hai ngàn bức thư. Có ngày ông viết tới ba bức! (10)

Không phải chỉ viết thư riêng cho nhau, nhiều người trong giới cầm bút Tây phương còn chọn cách trình bày các luận điểm của mình dưới hình thức những bức thư ngỏ gửi công khai cho ai đó: ở đây, thư được dùng như một thủ pháp nhằm phát huy giọng điệu tâm tình hầu thuyết phục người đọc không phải ở phương diện nhận thức mà còn cả ở phương diện tình cảm (11). Cũng có một số nhà văn đã sử dụng thư như một hình thức chính để dẫn dắt câu chuyện và phân tích nội tâm nhân vật trong các tác phẩm tự sự của mình. Ovid, sinh năm 43 trước công nguyên và mất năm 18 sau công nguyên, tức lớn tuổi hơn hai Bà Trưng ở ta đã viết cuốn Epistulae Heroidum (hay Heroides), dưới hình thức mười tám bức thư của những phụ nữ nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp gửi cho những người chồng hay những người yêu xa vắng của họ, và ba bức thư hồi đáp của chồng hay người yêu họ (12). Hình thức tương tự cũng xuất hiện lại trong tác phẩm của Jean-Jacques Rousseau: La nouvelle Heloise, của Alphonse Daudet trong cuốn Lettres de mon Moulin, của Samuel Richardson trong cuốn Pamela, của Laclos trong cuốn Les liaisons dangereuses. Cuốn tiểu thuyết Lady Susan của Jane Austen (1775-1817) được cấu trúc bằng 41 bức thư và một lời kết luận ngắn. Jane Austen còn có một cuốn tiểu thuyết khác, cuốn Elinor and Marianne, tiền thân của cuốn Sense and Sensibility, cũng được viết dưới hình thức những bức thư.

Việc dùng thư như hình thức diễn tả chính trong các tác phẩm tự sự như vậy bây giờ vẫn còn khá phổ biến, đặc biệt từ các cây bút nữ: từ India, Ruth Prawer Jhabvala có cuốn Heat and Dust (1975); từ Senegal, Mariama Ba có cuốn So Long a Letter (1980); từ Argentina, Sylvia Molloy có cuốn Certificate of Absence (1981); từ Mỹ, Alice Walker có cuốn The Color Purple (1982); từ Úc, Elizabeth Jolley có cuốn Miss Peabody’s Inheritance (1983); từ Brazil, Helena Parente Cunha có cuốn Woman Between Mirrors (1983); từ Canada, Magaret Atwood có cuốn The Handmaid’s Tale (1986); v.v... Sự xuất hiện ào ạt của các cây bút nữ trong thể tiểu thuyết bằng thư (epistolary novels, theo nghĩa truyền thống cũng như cách tân) này khiến giới nghiên cứu giật mình nhận ra hình như có mối quan hệ nào đó giữa phụ nữ và thư từ. Nhìn lại lịch sử, thấy, hình như đúng như thế. Hai thời kỳ tiểu thuyết bằng thư nở rộ nhất là vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên (ở La Mã) và thế kỷ 17-18 (ở Pháp và Anh): đó cũng là hai thời kỳ có những thay đổi lớn trong thân phận của người phụ nữ và trong nhận thức về bản sắc văn hoá của cá nhân cũng như dân tộc (13).

Tất cả những hiện tượng kể trên, từ việc viết thư để thông tin, để thuyết phục và để tâm tình, cũng như việc sử dụng thư như một hình thức tự sự chính, đã nói lên ý nghĩa quan trọng của thư từ trong nền văn học và văn hoá Tây phương. Về phương diện sử học, chúng là những tư liệu quý báu, không những soi sáng nhiều vẻ đẹp vốn dễ bị xem là bí ẩn trong tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ mà còn khai mở nhiều góc cạnh khuất khúc trong cuộc đời của các nhà văn, nhà thơ ấy cũng như, với những mức độ khác nhau, cả cái thời đại mà họ sống và sáng tác. Một phần nhờ những bức thư như thế, ở Tây phương, tài liệu có tính văn học sử bao giờ cũng giàu có đến độ khiến chúng ta phải thèm thuồng, thậm chí, ghen tị. Về phương diện nghệ thuật, thư từ là một thủ pháp đắc dụng để bộc lộ những gì u uẩn trong nội tâm và dễ dàng khơi động sự đồng cảm ở người đọc. Có thể nói, một cách tổng quát, thư từ là một thể loại văn học với một lịch sử riêng và những đặc trưng nghệ thuật và mỹ học riêng, ở đó, chúng ta được hưởng những cảm giác thích thú theo những hơi văn dìu dặt hay những triều tư tưởng dào dạt từ những cây bút không những tài hoa trong diễn đạt mà còn cực kỳ thông minh và tinh tế trong cách nhìn văn học cũng như nhìn cuộc đời.

*

Đó là chuyện ở Tây phương.

Còn ở Việt Nam? Thư, với tư cách một thủ pháp nghệ thuật và một hình thức tự sự, cũng đã được sử dụng; không nhiều, nhưng có, từ Nhất Linh, trong truyện ngắn “Mười năm qua” đến Toàn Phong trong cuốn Đời phi công (1960) và một số nhà văn khác, trong đó có Võ Phiến với những “Thư nhà” (1962), Thư gửi bạn (1976) và Lại thư gửi bạn (1979), v.v... (14). Nhưng liên quan đến thư, với tư cách một hình thức trao đổi riêng tư giữa giới cầm bút với nhau, có ba sự kiện không thể phủ nhận được: viết thư chưa phải là một thói quen của đa số người cầm bút; việc sưu tập và bảo quản thư từ của giới cầm bút chưa phải là một thói quen của xã hội, kể cả ở giới trí thức; và việc xuất bản những bức thư ấy chưa phải là một thói quen trong sinh hoạt văn học.

“Chưa”, trong trường hợp này, cũng có nghĩa là không, không bao giờ: với sự phổ cập của các phương tiện truyền thông hiện đại, thói quen viết thư cho nhau lại càng không có cơ hội để nẩy nở. Bởi vậy, những nhà văn và nhà thơ được xem là viết thư nhiều nhất từ đầu thế kỷ 20 đến nay cũng dễ dàng trở thành những người viết thư nhiều nhất trong cả lịch sử văn học Việt Nam nói chung: họ là những thế hệ đầu tiên và đồng thời, có lẽ, cũng là những thế hệ cuối cùng được nuôi dưỡng trong văn hoá thư từ. Họ mới xuất hiện chưa bao lâu đã đối diện ngay với nguy cơ tuyệt chủng. Cũng bởi vậy, những bức thư của các thế hệ này chắc chắn là những di sản cực kỳ quý báu, chỉ xuất hiện một lần. Rồi thôi. Trước: không có. Từ nay về sau: càng không thể có.

Nhưng ai là những nhà văn và nhà thơ viết thư nhiều nhất lâu nay? Tôi không biết. Khi thư từ của giới cầm bút chưa được sưu tập và bảo quản, chúng ta sẽ không có cơ sở nào để biết được câu trả lời chính xác cả. Tôi chỉ biết chắc một điều: những bức thư ấy, dù do bất cứ nhà văn và nhà thơ nào viết ra, cũng đang tản mát khắp nơi và phần lớn đang đối diện với nguy cơ bị mục nát theo thời gian.

Trong số những bức thư đang dần dần biến mất ấy chắc chắn sẽ có những bức thư chứa đựng những tài liệu vô giá liên quan đến những cây bút tài hoa nhất và những vấn đề quan trọng nhất của văn học Việt Nam đương đại. Mất chúng, nhiều bí ẩn sẽ vĩnh viễn là những bí ẩn. Vĩnh viễn.

Đối diện với tình trạng ấy, chúng ta có thể làm được gì chăng?

Nhớ, đâu khoảng đầu năm 2002, một người bạn cầm bút nổi tiếng hiện sống tại Mỹ gửi cho tôi một bức thư, kèm theo bức thư ấy là bản sao bức thư của một nhà văn khác, tạm gọi là nhà văn X. Người bạn ấy viết: “Lá thư của X này, đọc thú vị quá, mình ‘cầm lòng không đặng,’ phải chia sẻ mặc dù không có thói quen tiết lộ những thư riêng, chuyện riêng...” Rồi, bất ngờ, cuối thư, anh đề nghị: “Mình (tụi mình) một ngày sẽ in một tập thư X chơi nhé!? Nước mình chưa đọc thư (letters) đâu!”

Từ khi đọc những lời rủ rê của anh bạn ấy, nhất là câu “Nước mình chưa đọc thư (letters) đâu,” tôi cứ đâm ra nghĩ ngợi mãi.

Đến tận bây giờ.

Càng nghĩ ngợi hơn nữa khi nhớ, cách đây mấy chục năm, nhà văn Tam Ích từng có lần đề nghị với nhà văn Vũ Bằng là hai người sẽ viết và in chung một tập thư, dự định lấy nhan đề là Thư giữa Vũ Bằng và Tam Ích (15). Tập thư ấy vĩnh viễn không bao giờ ra đời, thậm chí có lẽ chưa kịp bắt đầu, vì chỉ mấy tháng sau đó Tam Ích đã tự tử. Để đưa đầu vào được sợi dây thòng lọng lơ lửng từ trần nhà, ông đã đứng lên trên một chồng sách thật cao.

Tôi lại càng nghĩ ngợi miên man khi cầm trên tay những bức thư của Mai Thảo tình cờ nhìn thấy trong đống hồ sơ cũ. Mai Thảo mất vào tháng giêng năm 1998. Đến bây giờ, mới được chín năm. Mà giấy đã bắt đầu vàng và chữ cũng đã bắt đầu phai rồi.

Nhanh vậy sao?

18.11.2006
Nguyễn Hưng Quốc

Chú thích
1.Vũ Tú Nam – Thanh Hương (2001), Hồi ức tình yêu qua những lá thư riêng (1950-1968), Hà Nội: Nxb Lao Động, tr. 8.
2. Finley Hooper & Matthew Schwartz (1991), Roman Letters, History from a Personal Point of View, Detroit: Wayne State Unisersity Press, tr. 18.
3. E.J. Kenney và W.V. Clausen (biên tập) (1982), The Cambridge History of Classical Literature, vol. 2, tr. 759.
4. Dena Goodman (1994) The Republic of Letters, a Cultural History of the French Enlightenment, Ithaca & London: Cornell University Press, tr. 17.
5. David A. Kronick, “The Commerce of Letters: Networks and ‘Invisible Colleges’ in Seventeenth- and Eighteenth-Century Europe”, Library Quarterly, January 2001.
6. Như trên.
7. Dena Goodman (1994), sđd, tr. 17.
8. Như trên, tr. 18.
9. Robert Niklaus (1970), A Literary History of France, the Eighteenth Century, 1715-1789, London: Ernest Benn Limited, tr. 184.
10. Xem thêm chi tiết trong Nguyễn Hưng Quốc (2000), Văn Học Việt Nam Từ Điểm Nhìn H(ậu H)iện Đại, California: Văn Nghệ, tr. 268-270.
11. Cách thức này được sử dụng một cách đặc biệt rộng rãi ở châu Âu, đặc biệt tại Pháp, trong thế kỷ 17 và 18, lúc Pascal có Lettres provinciales (1656), Furetière có Lettres portugaises (1669) Boileau có Lettres à Perrault (1700), Montesquieu có Lettres persanes (1721), Voltaire có Lettres philosophiques (1734), tác phẩm được đánh giá là kiệt tác đầu tiên trong cuộc đời cầm bút của ông, Diderot có Lettre sur les aveugles (1749), Lettre sur les sourdes et muets (1751), Grimm có Correspondance littéraire (1754-90) (lần đầu tiên được xuất bản thành 16 tập trong hai năm 1812-13), Rivarol có Lettres à M. Necker (1788); Dom Deschamps có Lettres sur l’esprit du siècle (1769); Rousseau có khá nhiều: Lettres sur la Providence (1756), Lettre à M. d’Alember (thường được gọi là Lettre sur les spectacles) (1758), Lettre à Christophe de Beaumont (1764), Lettres écrites de la montagne (1764), Lettres à Buttafucco sur la leégislation (1764-65), Lettres sur la botanique (1771), v.v...
12. Xem Ovid’s Heroides do Harold  C. Cannon dịch sang tiếng Anh, Unwin Books xuất bản tại Lodon năm 1972.
13. Đây là một đề tài thú vị, tuy nhiên, nó vượt ra ngoài khuôn khổ của bài viết này.
14. Chưa kể những bài báo được viết dưới hình thức thư, trong đó, ở hải ngoại, có lẽ nổi tiếng nhất là loạt bài Thư gửi bạn ta của Bùi Bảo Trúc (đã xuất bản thành sách gồm ba tập).
15. Vũ Bằng, “Những bức thư cuối cùng của Tam Ích gửi cho tôi”, tạp chí Văn Học (Sài Gòn) số 145 (1 tháng 4, 1972), tr. 69.