09 December 2017

TỨ THƠ VÀ CHIẾN TRANH: CHIẾN-SỰ DÙ NHỎ, CŨNG ĐÃ LƯU-DẤU TRONG THƠ - Trần Văn Nam

Ở thế kỷ 20, hai cuộc chiến tranh Việt Nam quá dài, từ 1945 đến1975. Vậy những ai được sinh ra trong thời-gian bắt đầu hiện-diện vào đời năm 1920 và năm 1950 (xin lấy hai con sổ chẵn này cho dễ phân-biệt khi cuộc chiến tranh đầu kết-thúc năm 1954 và cuộc chiến thứ hai kết thúc năm 1975), thì những người đó đều đã ở vào tuổi 24 và 25, có nghĩa là họ đã hoàn toàn nằm trong cuộc chiến, đã hoàn toàn trưởng thành trong cuộc chiến, dù họ chiến sĩ hay thường dân thì cũng đều chung mang thế hệ khói lửa ngút trời.
Nếu họ đã từng sáng tác thơ văn thì thế nào cũng lưu dấu vết chiến tranh, cho dù với chủ-trương vị-nghệ-thuật hay thuần-túy thơ tình. Ví dụ bài thơ “Núi Đôi” của Vũ Cao làm trong cuộc chiến 1945-1954 và bài thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” của Kiên Giang trong cuộc chiến 1954-1975, đều là thơ tình nhưng giống nhau ở chi-tiết một trong hai người trong cuộc đều chết vì chiến tranh; một người thì chết vì là nữ du kích (trong thơ Vũ Cao ); còn người nam (trong thơ Kiên Giang) chết vì cố-thủ phòng-tuyến tại một nhà thờ; và nàng hay tin, dù đã có chồng, đến cài hoa trắng trên áo quan người chiến sĩ, cũng là người trước đây rất yêu nàng. Theo như trong sách biên-khảo “Thơ và Nguồn Thơ” (từ trang 225 đến trang 237) của tác-giả Trần Ngọc Hưởng, do “Nhà Xuất Bản Tống Hợp Đồng Nai” ấn hành năm 2004: Kiên Giang đã sửa lại bài thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Ảo Tím” thành phiên-bản thứ hai. Trong phiên bản thứ hai này thì người nữ mất khi lên xe hoa ba năm sau, vì lý do nào đó có lẽ do bệnh tật, và cũng loại hoa trắng ngày trước cài trên áo tím mà nay người ta cài trên áo quan của nàng. Phiên bản thứ hai ấy đã phổ thành ca-khúc được ưa chuộng trước năm 1975. Hai ví dụ trên xen kẽ tình và thời cuộc, nêu ra làm điển-hình mà thôi, vì còn thật nhiều thơ văn xuất sắc của “hai thế-hệ khói lửa ngút trời” sáng tác cùng khuynh hướng chung mang này. Riêng những nhà thơ văn trực tiếp tham dự hành quân tác chiến thì thơ văn của họ dĩ nhiên nặng phần chiến sự, hoặc mang tính chiến đấu hoặc mang tính phản chiến, trong đó tình đồng đội phong phú; tình trai gái đôi khi hiện diện đôi khi không có mặt. Ví dụ trong tác phẩm văn xuôi “Tháng Ba Gãy Súng” của Cao Xuân Huy, tình đồng đội ở khắp nơi trong các trang sách, những khuôn mặt phụ nữ chỉ được nhắc nhở trong vài lần.



Người viết bài này sinh năm1939, kể như ở vào tuổi thiếu-niên trong cuộc chiến 1945-1954, vì vậy cũng đã có thấy vài dấu vết chiến tranh thời Đệ Nhị Thế Chiến giữa Nhật và Mỹ Pháp tại Đông Dương; hoặc đã chứng kiến vài chiến-sự nhỏ giữa Việt-Minh và Pháp. Vài dấu vểt chiến tranh thời Đệ Nhị Thế Chiến như đèn pha của tàu chiến Nhật trên sông Cửu Long soi thành những luồng xanh chiếu lên bầu trời (từ Bến Tre nhìn qua Mỹ Tho), đồng thời còi báo động hú lên, khi có máy bay Mỹ vào không phận. Rồi lúc theo mẹ ra Nha Trang, qua các nhà ga Mường Mán, ga Tháp Chàm, ga Nha Trang, tôi đều thấy tường vách và mái những “Dépot xe lửa” (nơi sửa chửa đầu máy và toa tàu), tất cả được sơn ngoằn ngoèo màu cỏ cây (như vải lính Nhảy Dù) cốt ngụy trang đánh lừa trinh sát của máy bay Mỹ (chứng tỏ thời ấy máy bay Mỹ cũng chưa trang bị radar tinh vi hay dụng-cụ điện-tử tối tân). Và những hố bom Mỹ dọc dài đường xe lửa Xuyên Việt. Lại thấy ven bờ biển Cà Ná gần Phan Rang có vài tàu Nhật bị đánh chìm chưa được trục vớt, giơ lên nhấp nhô những ống khói tàu… Đến thời kỳ Việt Minh chống Pháp, khoảng năm 1949, tôi trú ngụ tại thành phố Nha Trang, sát bên nhà là một Nhà Xác thuộc khu Bệnh Viện lớn của Pháp (bệnh viện này về sau, thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đã là nơi cố-thủ chống tham nhũng của Bác sĩ Hà Thúc Nhơn; kết-thúc với cái chết của ông khi quân đội tấn công vào). Cha kế của tôi là công chức cấp cao của Sở Hỏa Xa nên được trú ngụ ở một biệt thự xây kiểu Pháp, nhưng quá riêng biệt vắng vẻ, lại ở kế bên Nhà Xác Bệnh Viện. Thỉnh thoảng thấy có quan tài lính commando hoặc lính Lê-dương phủ cờ Pháp, lúc ấy nhà xác bật đèn nhỏ vàng mờ trước cửa, và có lính Pháp luân phiên đứng gác... Trước nhà là một bãi rộng đất pha cát, chỉ mọc nhiều những bụi cây hoang lùn thấp gọi là cây ma-dương, trái nhỏ khi chín cũng ăn được, nhưng chỉ để cho lũ trẻ ăn chơi mà thôi. Bãi đất rộng ấy rất lâu về sau (không biết năm nào) là nơi tọa lạc Trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang, tuy vậy vẫn còn rộng thênh thang (và bây giờ thì không biết nơi đây còn trống trải hay không)... Ngày nọ, chắc trong năm 1949, một chiến-hạm Pháp đậu gần bờ bị cán bộ Việt Minh giả dạng công nhân đặt bom phá nổ dữ dội. Lính thủy Pháp chết rất nhiều, và quan tài của họ đặt khắp nơi trong và ngoài nhà xác ở gần nhà như đã nói ở trên. Dấu vết chiến tranh thời tôi mới 9 hay 10 tuổi khi ấy, đã có lưu dấu trong thơ (nhưng thơ này chỉ là sáng tác hồi-tưởng):

HAI SẮC MÀU ĐỒNG HIỆN


Đâu khoảng năm bốn chín
Tôi đến ở Nha Trang
Trước nhà, bãi hoang vắng
Bệnh viện, cùng dãy ngang.

Mùa tuổi thơ bắt dế
Theo tiếng gáy vệ đường
Rồi rảo khắp bờ bụi
Tìm hái trái ma-dương.

Cuối đường vui, thoáng hiện
Khu nhà xác chơ vơ
Những khi quàn tử sĩ
Mới có bóng điện mờ.

Commando tử trận
Từ đâu những chiến trường
Người lính Pháp đứng gác
Thật buồn, những đêm sương.

Nhắc đây, đâu nào kể
Phản chiến hay chiến công
Mà chỉ vì tâm trí
Thường nhớ những bất đồng.

Tuổi thơ, màu trong sáng
Nhớ cùng bạn vui chơi
Lại ám ảnh bệnh viện
Người lính trận bỏ đời.

Hai sắc màu cùng hiện
Khi nhớ lại điều gì
Nền trời càng xa rộng
Càng đủ nét khắc ghi.
 (City of Walnut, California, sáng tác trong tháng 10.2011)

Nói riêng về chiến sự Miền Nam Việt Nam trước 1975 mà người viết bài này đã có trong cuộc, ở vào lứa tuổi quân-dịch, nên biết được một số quy định thuộc về động-viên vào quân-đội dành cho giáo-chức. Những biệt lệ thuộc các ngành khác thì người viết không rành lắm; như biệt-lệ gia-đình chỉ có một đứa con thì hoãn-dịch trong bao lâu; như người có khuyết tật thì ở mức độ nào mới không bị động viên; như người đang làm việc hành-chánh thì có quy-chế ra sao... 

Vậy khá rành về giáo-chức thì như sau: Ngay sau Tết Mậu Thân 1968, giáo-chức phải đi thụ-huấn 9 tuần lễ quân-sự tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung ở gần Sài Gòn. Khóa đầu tiên huấn luyện quân sự cho nam-giáo-chức này rất đông đảo, vì bao nhiêu người đang hành nghề dạy học trong hạn tuổi quân-dịch được dồn vào cùng một đợt. Và đợt này sau 9 tuần thì về lại nhiệm sở, được gọi là Giáo-chức Biệt-phái. Những đợt huấn luyện giáo-chức càng về sau càng được điều-chỉnh lại từ Bộ Quốc Phòng, từ từ càng khó khăn do tình hình chiến sự khốc liệt. Hoặc phải được huấn luyện quân sự trong một thời-gian dài ở tại Trung Tâm Huấn Luyện Thủ Đức để trở thành Chuẩn Úy, rồi cũng được biệt phái về dạy học (như nhà thơ Nguyên Sa, ông khá lớn tuổi mà đi huấn luyện quân sự đợt sau chẳc là do đang làm Hiệu Trưởng một trường Trung Học Tư Thục?). Hoặc những đợt sau nữa thì phải đi tác-chiến một thời-gian 2 hoặc 3 năm mới được biệt-phái; và đã có những giáo-chức tử-trận hay thành phể-binh... Khi đã được biệt-phái thì ban ngày họ dạy học, ban đêm chia nhau luân-phiên đi canh gác trường học, gọi là làm công tác Nhân Dân Tự Vệ. Khóa đầu tiên huấn luyện 9 tuần quân sự vào dịp hè trong năm 1968, nghĩa là sau hai đợt tấn công của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vào các thành phố, trong đó có thành phố Vĩnh Long...Từ nhiệm sở Trung học quận Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Long, tôi dự định đến Sài Gòn ăn Tết vào ngày Mùng Hai, còn ngày Mùng Một thì dự định hưởng Tết tại Thị xã Vĩnh Long. Tối 30 rạng sáng ngày Mùng Một, tôi ở trong một Hotel gần chợ Vĩnh Long, không ngờ nơi ấy là một trong vài địa-điểm xâm nhập và biến thành chiến địa. Trước khi máy bay trực thăng Mỹ đến oanh tạc, chúng tôi chạy thoát khỏi khu vực, chạy đến lánh nạn ở Nhà Thờ chính của thành phố Vĩnh Long (vốn là trú sở trước 1963 của Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục). Nghe nói vào đợt tấn công lần thứ hai trong tháng 5/1968, nhà thờ này lại là khu xâm nhập của quân Mặt Trận do tướng Trần Văn Trà chỉ huy và nhà thờ cũng thành nơi chiến địa. 

Chiến sự gần như ở khắp nơi, nhiều người chểt, chính tôi đã có thấy vài người trúng đạn nằm im lìm trên đường phổ Vĩnh Long, và trên trời xanh ở vùng kinh rạch không lúc nào vắng những con chim ó bay lượn do chúng đánh hơi được mùi tử-thi... Không đến Sài Gòn được, nên tôi phải quay về Cần Thơ, để từ Cần Thơ đi tàu đò trở lại nhiệm sở Trung Học Trà Ôn. Thời gian Tết ấy, quốc-lộ hay tỉnh-lộ đều khó thông suốt hoặc bị cắt hẳn. Về lại Trà Ôn, chẳng bao lâu, cũng còn trong thời gian Tháng Giêng Mậu Thân, tôi lại chứng kiến cảnh máy bay phản lực Mỹ từ Phi Trường Trà-Nóc Cần Thơ oanh tạc bắn phá khu vực Mộ Ông Hàm kiên cố tại Xã Thiện-Mỹ Trà Ôn. Ông Hàm người Hoa-kiều, ngoài ngôi mộ đồ sộ còn 12 cổng Địa Ngục, nên toàn vùng rất bề thế vững chắc. Quân Mặt Trận cố thủ ở đó định bao vây Trà Ôn. Khi  họ rút đi, tôi có đến coi, thấy ngôi mộ cao lớn bằng đá sa-thạch màu trắng xám, mái bị hỏa-tiễn bắn trúng nhưng chỉ sứt mẻ một mảng nhỏ, toàn vùng mộ trống trải quang đãng. Trở lại thăm cảnh cũ sau 48 năm (ngày 14/11/ 2016); tôi thấy lại cảnh quang có vẻ khác hẳn, xưa bề-thế trống-trải còn nay thì sầm-uất vườn tược. Dấu vết chiến-sự Tết Mậu Thân rất lớn ở các thành phố, nhưng rải rác ở quận huyện, đã đi vào thơ của tôi trong hồi-tưởng:

BIẾT RỒI, ĐIỀU TRỪU TƯỢNG


Trời không mây, xanh thẳm
Có hai con ó đen
Bay vòng rồi đảo lại
Cảnh này, dường thấy quen.

Nhớ rồi, mùa xuân ấy
Quận huyện, lửa chiến tranh
Người chết bờ kinh vắng
Trên trời, ó quẩn quanh.

Bóng ó thời tao loạn
Là hình ảnh tóc tang
Bây giờ chúng bay đẹp
Một đường bay thênh thang.

Biết rồi, điều trừu tượng
Vượt ngoại diện, sắc màu
Thấy gì trong tương phản
Con ó thời trước, sau?

Ở trên xấu và đẹp
Là nguyên lý tồn sinh
Loài tìm ăn xác chết
Thuần khiết lúc thanh bình.

Mùa đông đã sắp hết
Đường xác lá, sương mù
Cũng thấy rồi, trừu tượng
Xoay vần là thiên thu.
(Sáng tác trong tháng 11 năm 2010)
Chỉ dạy học ở nhiệm sở Trung học Trà Ôn một niên-học 1967-1968; qua niên-học 1968-1969 thì tôi làm đơn xin đổi đến dạy ở Trung Học Đức Tôn thuộc Quận Đức Tôn tỉnh Sa Đéc (nay là Huyện Cái-Tàu-Hạ thuộc tỉnh Đồng Tháp). Tôi không trú ngụ trong quận Đức Tôn mà cư-trú tại Bến phà Mỹ Thuận, tuy thuộc tỉnh Vĩnh Long, nhưng chỉ cách Trung học Đức Tôn (thuộc tỉnh Sa Đéc) khoảng 4 hay 5 cây số, thường ngày ngồi xe lam đi dạy học. Tôi ở tại Bến phà Mỹ Thuận trong ba niên-học 1968-1969, 1969-1970, 1970-1971. Khoảng thời-gian này, phố xá gẩn như cháy rụi tại bến phà Mỹ Thuận, và đang được xây dựng lại, vì nơi đây cũng là một bãi chiến trường trong Tết Mậu Thân 1968. Khi sắp sửa di chuyển đến dạy học tại Thị xã Vĩnh Long, tôi thấy một Sỉêu Thị đã khai trương tại phố xá bến phà. Cầu Mỹ Thuận đã cho thông xe 17 năm rồi, bắt đầu từ năm 2000, ở địa-điểm khá xa phố xá bến phà thuở xưa. Tôi đã có một bài thơ hồi-tưởng thời gian hồi-sinh phố xá đó với tường vách mới dựng, cột kèo tua tủa. 

Bài thơ hồi-tưởng liền sau chiến sự, với hy vọng tạo nên tính hội họa trong thơ, “lấy mẫu họa-tính” trong bài thơ “Cánh Đồng, Con Ngựa, Chuyến Tàu” của Tô Thùy Yên đăng trong “Tạp-chí Sáng Tạo” năm 1956, qua các câu do từ-ngữ tạo hình đậm nét: “Trên cánh đồng hoang thuần màu... Tàu chạy mau mà qua rất lâu... Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu... Ngựa thở hào hển, thở hào hển... Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn... Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết... Ngựa ngã lăn, mình ướt như cỏ/ Chấm giữa nền nhung một vết nâu”. Bài thơ này của Tô Thùy Yên, ngoài họa-tính còn rất sáng tạo ở nhạc-tính. Bài thơ của tôi chỉ lấy mẫu ở họa-tính, ngoài ra tác-giả cũng mong muốn có chút ít màu sắc hậu-chiến-sự:


VỌNG THANH VÀ ẢO GIÁC


Tôi ở Bắc Mỹ-Thuận
Hai năm, sau Mậu Thân
Nơi đây từng chiến địa
Bến phà hồi sinh dần.

Những lầu xây dang dở
Cột kèo, tường xi-măng
Sân thượng, sắt tua tủa
Như phế-tích thềm trăng.

Tiếng mèo gào, nghe rợn
Loài thú hoang mái nhà
Một bóng đen góc tối
Có thanh sắt đâm qua.

Đó chỉ do ảo giác
Bởi cột kèo dở dang
Mèo nằm phía dưới trụ
Như một suốt xuyên ngang.

Có đáng là chất liệu?
Cho họa sĩ khắc hình
Cho nhạc sĩ ghi tiếng
Không đành để lặng thinh.

Một chút nhớ xưa cũ
Nơi bến phà khuya xanh
Nổi chìm mảng ký ức
Ảo-giác và vọng-thanh!
(Sáng tác trong tháng 11/2011)

Xin trở lại nói về công tác Nhân Dân Tự Vệ: Nhân dân Tự Vệ tại một trường học lớn như ỏ Thị xã thì gồm đủ thành phần: Giáo-chức 9 tuần thụ huấn quân sự, giáo-chức sĩ quan các cấp từ Chuẩn Úy đến Đại Úy biệt phái; cấp cao quân đội hơn nữa chắc không có hoặc rất hiếm. Nếu tình-thế căng thẳng về chiến sự thì Đại Úy biệt phái dĩ nhiên chỉ huy nhóm Nhân Dân Tự Vệ ở một nhà trường. Khi tôi đổi nhiệm sở từ trường Trung Học Quận Đức Tôn tỉnh Sa Đéc (nay là Huyện Cái-Tàu-Hạ tỉnh Đồng Tháp) đến Trung Học Thủ Khoa Huân thuộc Thị xã Vĩnh Long vào năm 1972 (đây là nhiệm sở thứ ba trong đời dạy học của tôi). Tôi dạy Việt Văn, nhưng bắt đầu dạy Triết ở đó vào năm 1973, thay thế Giáo sư Võ Minh Thế có lệnh gọi nhập ngũ. Đến tháng 3 năm 1975 thì tình hình chiến sự rất căng thẳng, có những tin tức phao đồn phía bên Mặt Trận sẽ triệt hạ Đồn Pháo Binh ở sát gần và cùng một phía với Trung học Thủ Khoa Huân. Cả hai nằm bên “Quốc lộ 4” (bây giờ là “Quốc lộ A1”) nối liền Vĩnh Long- Cần Thơ. Tin phao đồn ngày càng đáng sợ, như phía bên kia đã dự-trù đóng sẵn vài trăm quan-tài dành cho chiến-sĩ tử-trận của họ. Như vậy là trận đánh sẽ rất lớn. Lúc ấy thật lo sợ, sau này nghĩ lại thì chắc đây là tin-tức thuộc “chiến-tranh cân-não”. 

Căn nhà nhỏ của tôi thì lại ở gần và đối-diện trường học, bên một rạch nước khá sâu ghe lớn có thể thông thương. Dãy nhà dọc dài con rạch này làm sao chịu nổi nếu khu vực quanh đồn pháo binh thành bãi chiến trường, vì nhà nhà đều cất bên rạch nước sâu thì đâu nơi nào có hầm trú ẩn. Giải pháp cho bớt lo sợ là mua những tấm gỗ dầy chêm thêm trên sàn nhà, có nguy biến bom đạn pháo-kích thì cả gia-đình chun xuống dưới sàn nhà phía còn tiếp-xúc với mé lộ. Còn phía tiếp xúc với rạch nước thì đành chịu, vì nhìn ra thật trống trải khi nước ròng (do nhịp thủy triều lên xuống từ sông Tiền Giang). Lo sợ thì vẫn lo sơ, thời gian này tôi lại bận rộn dạy học ở 3 trường, ngoài trường Thủ Khoa Huân, còn vài giờ mỗi tuần dạy thêm tại nhiệm sở cũ và ở một trường Trung-học Tư-thục, cho đến ngày 30 tháng 4  năm 1975. Dấu vết nghề-nghiệp trong thời-cuộc không mấy bình yên đã được hồi-ức qua thơ:


TỪ MỘT NƠI ĐẾN ĐƯỢC HAI DÒNG SÔNG LỚN


Thời chiến tranh lan khắp
Tôi dạy học bên sông
Lần lượt đổi nhiệm sở
Ven hai dòng mênh mông.

Đều là vùng bất ổn
Đơn xin đến, dễ dàng
Năm tháng, vui trường lớp
Đi cho biết mênh mang.

Lần hồi, về thị xã
May, vẫn gần hai nơi
Mỗi trường mỗi năm lớn
Lớp Mười Hai gọi mời.

Buổi sáng, nhiệm sở chính
Chiều, thời biểu chia hai
Mấy giờ xe chuyển vận
Ba địa điểm hòa hài.

So đũa, mùa nào trắng
Dừa nước vạn niên xanh
Thấy hoài thành vô cảm
Sau, tiếc thời qua nhanh.

Vì bảy lăm, năm cuối
Môn dạy xưa, hết cần
Nhớ những đồng nghiệp cũ
Những Hiệu Trưởng tình thân.

Mãi sau, thường lơ đãng
Tưởng còn đi trong mơ
Trên hành trình nối kết
Những trường lớp ven bờ.
(Sáng tác trong tháng 5 năm 2008)

TRẦN VĂN NAM
(City of Walnut, California, tháng 5 năm 2017)