Trong cái đám đông ồn ào ấy, người thiếu nữ cũng chen vào. Nàng hơi choáng
váng vì mùi xú uế của đống rác gần đó xộc lên. Nó gợi cho nàng cái cơn buồn nôn
chờn vờn mãi từ ngày hôm qua chưa chấm dứt, mặc dầu nàng đã nén nó xuống từ nãy
bằng một viên kẹo bột.
Vị đường ngọt lịm vẫm còn dính đâu đó ở kẽ răng, nhưng viên kẹo thì đã tan
hết. Nàng có thể cất giọng nói to mà không bị bướng víu cái gì ở trong
miệng.Trước hết nàng cất tiếng chào một bà cụ ngồi bán thuốc lá cuộn, bó thành
từng bó, bày trên chiếc mẹt ở ngay mé vỉa hè. Bà cụ đáp lại bằng những tiếng gì
nghe không rõ vì đám đông ồn quá. Bên tai thiếu nữ, nàng chỉ nghe thấy những
tiếng chào mời om xòm của mấy người đứng bên cạnh, và nhất là tiếng cười nói
tục tĩu vang lại từ mấy thanh niên ở gần đó. Trên tay của họ là những xấp quần
tây dài. Ðủ loại vải. Ðủ loại màu. Nhiều nhất là màu ka-ki bộ đội. Có anh cầm
trên tay tới ba, bốn cái, bên tay kia còn giơ cao thêm một cái nữa. Một vài
người đi qua, đứng lại ngắm nghía, lật bên này, giở bên kia, xem cho có rồi bỏ
đi. Từ sáng, chưa thấy ai bán được món nào, mặc dầu tất cả đã phải bỏ chạy ba
bốn lần vì công an kiểm soát chợ đi rảo nhiều lần.
Ðây là khu đất hẹp ngay đàng sau lưng của chợ Ðồng Xuân, một vùng đất hạn hẹp,
phụ thuộc nhưng đầy vẻ mâu thuẫn so với cả một khu vực đã đi vào nền nếp từ bao
nhiêu năm nay. Nhưng cũng chính vì tính chất phụ thuộc ấy mà nó trở nên hỗn
độn, phức tạp hơn nhiều so với cái quang cảnh vắng hoe ở ngay trong lồng chợ.
Vào trong đó thì cái gì cũng sạch, cái gì cũng ngăn nắp, chỉ phải mỗi tội là
hầu hết đều phải mua bằng tem phiếu. Nhiều món hấp dẫn khác lại chỉ được bày
cho có, với mảnh giấy ghi rõ là “hàng mẫu”. Như thế chẳng trách gì nhân viên
phục vụ đông đảo hơn khách mua hàng.
Rút cục, chẳng cần xua đuổi, mọi người cũng đã tự động rút ra sinh hoạt ở mé
ngoài, tạo thành một xã hội bên lề của xã hội. Tất cả đều lam lũ như nhau, cùng
chen lấn, hỗn độn, chìm ngập trong những mớ gồng gánh, thúng mủng giăng la liệt
ở khắp các lối đi. Vào những hôm mưa, con đường trở nên lầy bùn, dẫm chân lên
thấy lép nhép. Rác rưởi quăng bừa bãi, người chen nhau trên từng khoảng đất nhỏ
vừa đủ để đặt chân tới.Thỉnh thoảng gặp một cái xe đạp thồ nghênh ngang đi vào
thì cả đám đông đều bị nghẽn ứ lại. Tiếng chửi rủa cất lên. Tiếng cãi lại còn
to giọng hơn nữa. Ðủ loại danh từ tục tằn được văng ra. Không nói được ở cơ
quan, không văng được ở các buổi hội họp, không được phát biểu tự do cho nó đã
cái miệng, thì sự dồn nén ấy được sì ra hết ở đây.
Bọn thanh niên phải kể là đã văng tục nhiều nhất. Từ nãy đến giờ, người
thiếu nữ đã nghe đến hàng chục lần câu nói tục tĩu từ anh chàng trai trẻ đứng ở
chỗ gần nàng nhất. Nàng không bực mình vì những từ ngữ hắn dùng, nhưng cái tội
của hắn là đã la to quá. Tiếng nói của hắn xoáy vào màng tai của nàng nghe như
những tiếng búa đập lên đe, vừa gọn vừa sắc. Nó làm cho cơn khó chịu của nàng
tăng lên và lại bắt đầu thấy lợm giọng. Nàng định móc túi lấy thêm ra một viên
kẹo nữa thì sực nhớ đến nhiệm vụ của mình. Nàng bỏ ý nghĩ lấy kẹo ra ăn và giơ
cao chiếc áo đang cầm trên tay, cất giọng chào mời một đám khách hàng vừa đi
qua đó.
Cái áo gây được sự chú ý của mọi người. Nó là một cái áo tây bằng vải ka-ki
màu vàng, đã cũ rích cũ mèm, nhưng chính vì nó quá xưa cũ mà cái kiểu áo còn
mang một vẻ rất “tây”. Tay áo dài và rộng, ráp lên hai bờ vai thật khéo không
một vết nhăn nhúm. Cái kiểu cổ bẻ, hở xuống tới ngực rồi chạy tiếp hai hàng nút
áo, mỗi bên có ba chiếc khuy bằng đồng chạm trổ, đem lại một vẻ phong lưu mà
xuất xứ của nó, hẳn phải là của một tay chơi sành từ hai ba chục năm về trước.
Tuy lâu đời là vậy, nhưng là vải hàng ngoại, lại được giữ gìn, nên mặt áo trông
vẫn còn tươm. Thiếu nữ giơ cao cái áo lên quá đầu của mình.
Nàng nói với một người đang đi tới:
“Áo này mặc vừa, mua đi anh giai!”
Người khách ngừng lại, nhìn hững hờ. Biết anh ta chỉ tò mò thôi, nhưng nàng
vẫn nói thêm:
“Ba chục thôi, mùa đông này mặc ra ngoài áo len, ấm phải biết.”
Người khách toan thò tay ra ướm, bỗng nghe thấy cái giá “ba chục” bèn rút
ngay lại. Ông ta nhìn thiếu nữ với ánh mắt cười cười. Thiếu nữ cảm thông ngay
rằng, những hạng như của này thì chỉ nên mua cái đồ giẻ rách đáng giá ba đồng.
Rồi một đợt khách nữa đi qua, thiếu nữ lại mời chào. Sự đón đợi của nàng cứ
giảm dần đi. Nàng bắt đầu trở lại cái cảm giác khó chịu như buồn nôn vẫn chờn
vờn ở cổ. Nàng thò tayvào túi nhón một viên kẹo bột khác bỏ vào miệng. Bây giờ
nàng thì khám phá ra cái nguồn gốc của cơn khó chịu này vốn đã ám ảnh
nàng từ suố ngày hôm qua. Nó không phải vì nàng đã ăn bát mì vữa mà đứa em của
nàng bỏ đó từ chiều hôm trước. Nó cũng không phải vì nàng đã nhiễm lạnh sau khi
phơi mình giữa làn sương đêm. Nàng nhớ ra rằng, trong lúc sử dụng cây cuốc,
nàng đã cuốc nhằm giữa lưng một con cóc. Con vật không kịp kêu lên một tiếng
thì đã bị dẹp lép sau một tiếng “bụp” khô khan. Nàng có cảm giác như những mảnh
xương gẫy của nó truyền được cái âm thanh khô khan đó dồn qua cán cuốc để vào
được đôi bàn tay chai cứng của mình. Từ cái phút ấy nàng bắt đầu thấy rờn rợn ở
trong đầu, rồi càng nghĩ tới nàng càng cảm thấy lợm giọng thêm. Con cóc là một
sự sống. Chính nàng đã đập giập sự sống ấy để biến nó thành một đống bầy nhầy.
Bây giờ cơn ám ảnh đó vẫn còn, và còn gia tăng hơn nữa vì cái mùi xú uế bốc
lên từ những đống rác ở ven chợ. Nàng lại lợm giọng, và nàng thèm được ọe ra
một lần cho nó nhẹ nhõm trong người, mặc dù từ sáng, nàng chưa ăn gì ngoài mấy
viên kẹo bột.
Vừa đúng lúc nàng vắt cái áo tây vàng lên vai định rời chợ thì có một người
khách ngừng lại ở ngay trước mặt. Không phải là một người đàn ông, mà lại là
một người đàn bà. Bà ta ngó sững cái áo tây vàng như bị thu hút bởi một sức lực
kỳ lạ, rồi thiếu nữ thấy mặt của bà hơi tái đi. Bà ta xòe tay ra nắm lấy cái áo
trong khi hai mắt của bà bỗng nhìn xoáy vào mắt thiếu nữ bằng những tia dữ dội.
Nàng không ưa cái cung cách có ai nhìn thẳng vào mắt mình như thế. Nàng càng
không ưa cái vẻ mặt xanh tái với nước da màu chì trên khuôn mặt dữ dằn của
thiếu phụ đứng trước.
Bà ta trạc khoảng năm mươi, nhưng nếu nhìn thật kỹ để thấy cái nét tươi trẻ
phảng phất ở vành môi và vầng trán phẳng thì tuổi của bà chỉ đến bốn mươi là
cùng. Thiếu nữ cố gợi lại trong óc của mình để tìm xem bà ta có gì liên hệ đến
mình, nhưng trong một vài giây ngắn ngủi, nàng chỉ thấy như mình bị xao động
bởi cái nhìn của người đối diện, với đôi mắt đục lờ hơi sếch lên, ẩn dưới đôi
lông mày khá đậm.
Bây giờ thì người đàn bà đã gỡ được cái áo trên tay của thiếu nữ. Bà ta rũ
tung nó ra và giơ áo lên bằng cả hai tay. Thiếu nữ có cảm giác ngay rằng bà ta
không xem xét như thể để hỏi mua. Nàng muốn giằng cái áo lại để lui đi, nhưng
người đàn bà đã nắm chắc lấy nó bằng hai bàn tay xương xẩu, đầy gân xanh của
mình. Bà ta cất giọng hỏi hách dịch:
“Cô lấy cái áo này ở đâu?”
Thiếu nữ thấy lành lạnh ở sống lưng. Nàng ngó sững lại người đàn bà. Vẻ hung
hăng của bà ta đem lại cho nàng một thoáng bối rối. Nhưng rồi nàng đã biết mình
phải làm gì cho qua cơn xui xẻo này. Nàng đáp bằng giọng thản nhiên:
“Tôi mua đi bán lại!”
Vừa nói, thiếu nữ vừa xông tới, giật cái áo ở trên tay người đàn bà. Nàng
hoàn toàn thất bại trong công việc đó và chẳng những nàng không cầm được chiếc
áo trên tay mà còn bị người đàn bà túm ngay lấy cánh tay của mình nữa. Thiếu nữ
cảm thấy những móng sắc của bà ta bấu cứng lấy da thịt mình. Ngay khi đó thì
nàng biết mình vừa làm một chuyện sai lầm. Nàng đã tiếc cái áo một cách dại dột
nên thay vì bỏ chạy đi, nàng đã xông tới.
Bây giờ thì đã quá muộn. Thiếu phụ đã đeo cứng lấy nàng bằng những móng vuốt
của bà ta. Nàng có cảm giác như bà ta đã chất chứa bên trong tấm thân gầy gò ấy
một sức khỏe lạ lùng. Nàng đã thử vùng lên chạy, nhưng những móng sắc càng bám
sâu thêm vào làn da, làm thiếu nữ đau đớn. Nàng hơi nhăn mặt, và cất giọng cau
có:
“Ô hay! Làm cái gì thế này?”
Người đàn bà tác sác:
“Tao hỏi mày, mày lấy cáo áo này ở đâu ra?”
“Tôi mua đi bán lại!”
“Ðồ điêu! Mày ra công an với tao, xem mày còn điêu ngoa được như thế mãi hay
không?”
Thiếu nữ giằng lại. Bà ta lôi đi. Cuộc giằng co làm náo loạn cả một góc chợ.
Mọi người xúm lại. Có cả trăm câu hỏi cùng một lúc nhao nhao lên:
“Ăn cắp hả?”
“Ăn cắp hả?”
“Ðánh bỏ mẹ nó đi. Không chịu lao động, chỉ ngồi không ăn bám!”
Sự ồn ào ấy trong khoảnh khắc đã thu hút mấy đồng chí an ninh ở quanh chợ.
Một người xông tới, phụ với người đàn bà giữ cứng thêm một cánh tay nữa của
thiếu nữ. Tóc của nàng bây giờ xổ tung. Hai chiếc khuy áo trên ngực cũng bị
banh ra. Nhưng thiếu nữ không nhìn thấy gì, không phân biệt được gì trước khung
cảnh hỗn độn ồn ào trước mắt. Nàng nghĩ đến hai em đang còn ở nhà. Nàng nghĩ
đến cặp mắt dữ dội của thiếu phụ. Nàng nghĩ đến cái áo tây vàng và hình ảnh của
con cóc dẹp lép bầy nhầy. Tất cả ùa đến thật nhanh, choáng ngộp hết đầu óc nàng
và nàng để mặc cho mọi người lôi mình đi như lôi một con vật.
Tới đồn công an, người đàn bà trung niên khai rành rọt:
“Thưa các đồng chí, tôi vừa chôn chồng được đúng năm ngày.Tất cả giấy tờ
khai báo, thủ tục tôi còn giữ đầy đủ cả ở đây. Trong lúc khâm liệm cho chồng,
tôi có để cho ông ấy một chiếc áo tây vàng. Chiếc áo này đây. Nó quen thuộc với
gia đình tôi từ mấy chục năm nay. Tôi có thể chỉ ra rất nhiều dấu vết mà tôi đã
thuộc nằm lòng. Vậy mà hôm nay đi chợ, tôi thấy cô này đứng bán đúng cái áo đã
chôn theo chồng tôi. Nhờ các đồng chí điều tra hộ, cái áo ở đâu ra? Làm sao cô
ta có được cái áo đó?”
Tất cả mọi người trong phòng đều sửng sốt. Mấy đồng chí công tác ở bàn kế
bên cũng bỏ cả việc, mở to mắt ra nhìn. Trong cả trăm ngàn vụ rắc rối về đời
sống ở đây, chưa bao giờ lại có chuyện xảy ra lạ lùng đến thế. Mọi con mắt đều
dồn về phía thiếu nữ. Nàng có vẻ còn mệt mỏi sau một cuộc lôi kéo ồn ào giữa
đám đông, nhưng bây giờ nàng đã lấy lại được vẻ bình thản hằng ngày, và nói cho
đúng hơn, thật khó có thể đoán ra được tâm trạng của nàng sau vẻ mặt lầm lì và
ánh mắt sắc sảo lạnh lùng. Nàng đã biểu lộ một thái độ không nao núng, mà cũng
chẳng sợ hãi, đúng là một thái độ của một kẻ đã bị dồn đến đường cùng và sẵn
sàng đương đầu với tất cả.
Chính thái độ ấy đã khiến cho anh chàng công an trẻ, mới khởi đầu giở giọng
nạt nộ nhưng rồi sau cũng phải dịu xuống. Nàng không để cho ai mắng mỏ mình.
Với thiếu phụ trung niên, nàng nói:
“Ờ thì cái áo ấy của ông chồng bà. Bà không cần phải la lối om xòm.”
Thiếu phụ cũng chỉ cần nàng xác nhận có thế. Bà ta giơ hai tay ra trước mặt,
về phía đám công an lố nhố ở trong phòng như để phân vua: “Thế đấy! Thế đấy!
Tôi có vu oan giá họa cho ai!”
Rồi bà ta ngồi xuống ghế, thở dốc. Sau một hồi cố gắng, kể từ lúc túm đứa
con gái to gan này ở ngoài chợ cho đến lúc nó phải xác nhận rằng cái áo tây đó
là của bà, bà ta đã hoàn toàn đạt được những thắng lợi mà mình mong muốn. Sau
đó là phần của nhà nước. Nhà nước sẽ xử lý vụ này, sẽ phải làm cho ra nhẽ. Nếu
cần, bà sẽ thưa lên tới thành ủy. Nhưng sự sốt sắng của các đồng chí công an
trong vụ này làm bà hài lòng. Bà thấy mình nên đóng vai trò hiền lành, chân chỉ
thì sẽ có lợi hơn, vì đằng nào sự thể cũng đã hai năm rõ mười. Nghĩ như thế bà
dịu hẳn vẻ mặt của mình xuống và chẳng mấy chốc, mọi người nghe thấy tiếng của
bà ta khóc sụt sịt. Bàn tay của bà quơ lấy dải khăn tang dài lên lau mặt một
cách cố ý để cho mọi người nhìn thấy.
Ðiều này có kết quả ngay vì đồng chí công an ngồi ở bàn giấy giữa đã an ủi
bà bằng một giọng dịu dàng rồi quay qua thiếu nữ, cất giọng nạt nộ:
“Biết điều thì khai hết đi, nếu không thì tù mọt gông!”
Thiếu nữ hơi nhếch cặp mắt lên, ánh mắt vẫn đầy vẻ lạnh lẽo, và nàng cất
tiếng hỏi lại:
“Chế độ ta cũng còn có “gông” hả đồng chí?”
Bị hỏi móc họng, đồng chí công an tái ngay mặt lại rồi sau đó vụt đỏ bừng
lên. Ðồng chí ấy tác sác để xí xóa câu nói hớ hênh của mình:
“Ðừng có đánh trống lảng. Cái áo mày lấy ở đâu. Khai ra đi!”
“Việc gì tôi phải đánh trống lảng. Việc gì tôi phải chối cãi. Nhưng tôi yêu
cầu đồng chí bỏ cái giọng “mày tao” ấy đi. Tôi là nhân dân. Ðồng chí phục vụ
nhân dân, đồng chí không có quyền nói năng với tôi như thế.”
Bị hai đòn phủ đầu liên tiếp, anh chàng công an đột nhiên sững sờ hẳn lại.
Anh ta nhìn người con gái ngồi ngay trước mặt với một vẻ vừa ngạc nhiên, vừa tò
mò. Kinh nghiệm cho thấy những loại cứng cỏi như thế hẳn gốc gác của nó phải có
gì đáng gờm. Vậy thì không ai dại gì mà húc bừa vào những “của” mà tông tích
chưa rõ ràng. Thế là anh ta nhỉnh ngay nét mặt, và xuống giọng ôn hòa:
“Ðược rồi! Tôi rút lại cách xưng hô đó. Nhưng tôi nói trước cho cô biết,
muốn xưng hô cách nào thì xưng hô, cô phải khai cho hết. Cái áo đó cô lấy ở
đâu?”
Thiếu nữ buông sõng một câu:
“Ðào mả!”
Giọng nói của nàng sắc, gọn, lạnh lùng, thản nhiên, không một chút xúc động.
Ðiều đó làm cho mọi người cùng sửng sốt lên một lượt. Ðến ngay thiếu phụ đang
ngồi sụt sùi cũng vội ngưng ngay tiếng khóc để giương to mắt lên nhìn.
Ðào mả thì dĩ nhiên rồi, nhưng bà ta không thể tin được rằng câu chuyện động
trời ấy lại được thực hiện bằng chính ngay thiếu nữ mảnh mai ngồi ở phía trước
mặt. Bà ta chợt nhớ đến hành động của mình trong vòng nửa giờ trước đó. Giât
lấy cái áo trong tay nó rồi túm nó ở giữa chợ. Ðiều nó đi qua một dẫy phố
để tới đồn công an. Vậy mà quân trời đánh thánh vật này không xỉa cho bà một
dao thì quả là bà vừa thoát khỏi một tai nạn tầy trời. Nghĩ như thế, bà ta thấy
rúm người lại, nếu ở quanh đó không đầy rẫy những bóng dáng công an áo vàng thì
bà ta đã vùng lên, bỏ chạy đi rồi.
Bây giờ thì bầu không khí trong phòng có vẻ nghiêm trang hơn lên. Ðây không
còn là một vụ ăn cắp, ăn trộm hay mua đi bán lại nữa. Nó đã trở thành một vụ
đào mả. Một vụ động trời. Một vụ hi hữu mà từ xưa đến nay chưa bao giờ ở đây xử
lý tới cả.
Mọi thủ tục bây giờ được chuẩn bị lại hết. Người ta trình báo vào văn phòng
của đồng chí trưởng phòng. Người ta sắp xếp lại hồ sơ ngổn ngang trên mặt
bàn.Người ta tăng cường thêm một xấp giấy trắng để đặc biệt ghi cung. Người ta
cũng thay thế luôn cả đồng chí ngồi ở giữa bàn lúc nãy bằng một người chắc ở
chức vụ cao hơn.
Cuộc thẩm vấn thiếu nữ kéo dài suốt ngày hôm đó. Nàng trả lời hết. Nàng thú
nhận hết. Nàng mô tả hết. Ðến độ trong hồ sơ khai trình của nàng có cả sự việc
con cóc bị một nhát cuốc chém dẹp lép trở thành một đống bầy nhầy. Người thư ký
quều quào ghi chép cũng đã xài gần hết một thếp giấy đôi.
Bây giờ thì người ta biết được rằng nàng đã sinh sống bằng cái nghề đào mả
từ trước đó hai năm. Bố nàng thuộc diện ngụy quyền đã bị đi an trí và bỏ xác
trong trại cải tạo từ những năm của thập niên 60. Mẹ nàng bỏ đi lấy chồng khác,
rồi cũng chết sau đó vài năm. Nàng còn hai em nhỏ. Nàng đã làm đủ mọi nghề để
có thể nuôi cho hai em ăn học. Nhưng nghề nào cũng chỉ đủ nuôi một thân một
mình nàng, trừ cái việc đi đào mả người chết lấy đồ dùng đem ra bán ở ngoài chợ
trời. Nàng đã khai như thế. Và nàng tỏ ra thản nhiên khi nói lên những sự thực
chết người như thế.
Thể theo lời yêu cầu của gia chủ đã có thân nhân bị đào tung mả lên, nàng bị
giam giữ để cho tòa xét xử.
oOo
Nhưng một tháng sau đó, người ta lại thấy nàng xuất hiện ở khu vực chợ trời.
Người nàng xanh rớt. Thân hình tiều tụy. Sức khỏe của nàng sút giảm hẳn đi.
Nàng ngồi thu mình ở một góc vỉa hè như một con mèo ốm, trước mặt nàng loe ngoe
mấy hộp sữa và vài bịch đường. Nghĩa là nàng chẳng bị tù tội gì hết. Nàng
vẫn còn là một công dân của nhà nước xã Hội chủ nghĩa. Lý lịch của nàng vẫn còn
trắng tinh.
Bởi vì khi đứng trước tòa, nàng đã rành mạch khẳng định:
“Xã hội của chúng ta là xã hội chủ nghĩa, chủ trương duy vật mà đả phá
duy tâm. Chỉ những kẻ còn đầu óc duy tâm mới quan niệm rằng đào
mả lên tức là xâm phạm đến linh hồn người chết.
Tôi sống bằng lao động của chính tôi. Tôi không ăn bám một ai. Tôi chỉ
lấy đi những đồ dùng chôn dưới mả là những thứ mà xã hội bỏ đi, đã phế thải.
Hơn thế nữa, tôi lại dùng lợi tức của những thứ phê thải ấy để nuôi các
em tôi ăn học, tức là bằng thứ lao động hợp pháp đó, tôi đã
nuôi dưỡng được những mầm non của đất nước!
Vì thế, tôi là người hoàn toàn vô tội!”
Santa Ana, tháng 4-1981
Nhật Tiến