Phải chân thành mà nói rằng Mợ rất rộng lượng. Thấy tôi bịnh, mợ mua dược
thảo cho uống. Nào có rẻ cho đành, 800 đô một hộp uống được một tháng, nhưng Mợ
vui vẻ cho rằng nên uống. Quí Mợ nên người quen bè bạn của Mợ cũng thương lây
đến tôi, ngày lễ họ lũ lượt ghé thăm quà cáp. Nhưng trời cao đất dầy, tôi chịu
không nổi tiếng động và những xúc chạm. Nào phải họ ồn ào cho cam, họ chỉ rì
rầm nhỏ to rất lịch sự, chỉ phải tội, những tiếng rì rầm ấy như bầy ong chích
vào lỗ tai tôi. Tệ nhất là khi họ đi lại trong nhà, mỗi làn gió phớt qua đều
như kim châm dao cắt vào thịt da tôi. Tôi biết nào ai muốn vậy, nhưng đầu óc
tôi đã rối loạn vì những điều bất ưng bất lực. Tôi ngồi một góc nghiến răng
chịu đựng cho đến một lúc chịu hết nổi tôi vùng gào to “Trời ơi!!!” Trời không
nghe đã đành, họ cũng dường như điếc, hay tại tôi quá yếu đuối nên tiếng thét
không đủ một âm vang?
Tôi vùng ra cửa. Phải đi một vòng cho khuây. Tháng 12 trời hơi lạnh và có
sương, sương giăng mờ khắp nẻo, nhưng tôi ở đây đã bao năm trường đâu sợ quên
lối. Tôi dấn vào màn sương. Hơi lạnh làm tôi tỉnh táo và thêm sinh lực, tôi
thấy mình đi rất nhanh, tới đỗi chỉ qua vài phút đã thấy mình lạc vào một chốn
xám xịt.
Xám, từ cột đèn đến lòng đường đến nhà cửa đến cỏ cây. Tôi bắt đầu thấy hoang
mang, thị lực tôi đã kém nhiều theo sức khỏe mong manh. Nhưng không khí mát
lạnh giúp tôi thấy bình tĩnh, tôi nghĩ mình nên đi thêm một đỗi cho hoàn toàn
thư giãn rồi hãy về. Có lẽ Mợ bận rộn khách khứa sẽ không nhận ra sự vắng mặt
của tôi. Lại thêm một con phố xám xa lạ. Bất chợt, từ một góc đường một cái
bóng xám lù lù bước ra làm tôi suýt bật ngửa. Ủa, chú Huy! Chú đi đâu giờ này
khuya khoắt? Một thoáng ngơ ngác, nhưng rồi chú nhận ra tôi nhưng chẳng nói gì
chỉ nhìn tôi với ánh mắt ái ngại u buồn. Tôi cười thầm. Tuổi già trong bóng đêm
của chú mới cần phải ái ngại, nhưng tôi không dám nói. Tôi thầm lo chú sẽ hỏi
tại sao và tôi sẽ phải trả lời dằng dai nhăng cuội, nhưng chú chỉ lẳng lặng đi
bên tôi. Bao lâu rồi vậy, tôi cảm thấy thời gian đứng lại cho dù đã đi rất xa.
Mà xa là bao xa tôi cũng không rõ.
Lại thêm một con đường xám trong không gian xám, tôi bắt đầu chán và thấm
lạnh, lòng muốn quay về. Bên đường chợt hiện một vừng sáng ấm rực rỡ đủ mầu đỏ
xanh cam tím. Tôi kéo tay chú đòi qua xem. Chú hững hờ không ý kiến. Tôi xông
tới đẩy một cánh cửa rồi bật ngược lại. Nhạc loạn cuồng, những âm thanh chát
chúa như chẻ thịt lóc xương tôi. Tôi đã phải chạy ra đường vì ớn âm thanh,
không được đâu. Tôi quay lại tính nói với chú như vậy, nhưng ổng đã đứng bên
kia đường. À, tuy là nhà văn đã có 30 tác phẩm xuất bản (có lần chú đã nói với
tôi), nhưng tôi biết chú là người nghiêm chỉnh. Tôi dợm bước qua đường, nhưng
chú không chờ tôi đã bắt đầu cất bước. Hm, ngon, chú đi nhanh đấy chứ. Tôi cắm
đầu chạy theo nhưng lại chạy quá đà, bỏ xa chú một quãng. Thì quành lại. Chú
nhìn tôi, chả hiểu ánh mắt ấy trách phiền hay cười tôi nhăng nhố. Tôi rủ chú
quẹo phải. Thêm hai lần quẹo phải thì về lại chỗ của mình thôi. Chú không trả
lời hai tay khum khum bộ dạng như đang mồi điếu thuốc, chỉ là tôi thấy hai tay
chú trống trơn. Cụ ơi, cụ về thôi, cụ lẫn như vầy mà cảnh sát vồ được thì các
con sẽ mang tội bỏ bê mẹ cha khổ cho chúng nó!
Tôi lại quẹo phải thêm lần nữa, rồi lại bị lôi cuốn bởi một vừng sáng ấm
vàng cam. Gì đây. Thơm, thơm nức mùi xào nấu chiên hấp. Tôi dợm mửa. Từ lúc sức
khỏe yếu kém Mợ khuyên bớt ăn thịt cá, dần dà tôi đã quen không còn muốn ăn
mặn, nhưng giờ đây mùi thức ăn trong cái vừng ấm vàng cam ấy xông vào mũi tôi
mới nhận ra, không chỉ thính giác xúc giác mà cả khứu giác tôi cũng đã trở nên
quá mẫn cảm đến nỗi không chịu được dù chỉ chút mùi thoáng qua trong gió. Về,
về. Tôi quả quyết quay lại định níu tay nhưng chú Huy đã biến mất. Thôi chết,
ổng lạc vào ngõ nào rồi đây. Nhưng sao tôi nóng ruột muốn quay về quá. Mặc, chú
có con chú lo, rồi chúng sẽ tìm thấy chú, nếu không thì mấy ông cảnh sát cũng
sẽ đưa về. Mà, sương xám ngoẹt như vầy biết họ có thấy đường- bởi mãi mà có
chiếc xe nào chạy ngang đâu. Thôi nhá, tôi phải về. Tôi quanh quẩn mà không mò
ra được con ngõ, bởi cái gì cũng xám chả biết được đâu là đâu. Tôi bắt đầu
hoang mang lo sợ, và chợt thấy lạnh run. Tôi đứng yên thật yên, mong lấy lại
đầu óc bình tĩnh mà nhận ra phương hướng, nhưng chả có phương hướng nào để nhận
vì trời xám như vầy thì có phân biệt được gì đâu. Nhưng nhờ đứng yên mà tôi
nghe được âm thanh trong gió. Tôi lần về hường ầm ì tiếng động ấy. A ha, cánh
cửa quen thuộc. Tôi xông vào. Nhà vẫn đông, mọi người như không mỏi mệt với
cuộc vui đêm Giáng Sinh. Một vóc người cao cao quen thuộc đập vào mắt, ủa,
thằng Tâm đã về kịp từ chuyến công tác bên Iraq. Tôi mừng rỡ chạy tới khều vai
nó, nhưng nó chỉ khẽ quay đầu nhìn phớt qua vai, chưa kịp bắt ánh mắt của tôi
thì đã quay lại chăm chú cùng Mợ. Bực, tôi xen vào giữa hai người. Mợ đang nói
lẩm bẩm một điều gì đó. Đến bây giờ tôi mới chú ý thấy không khí có phần chìm
đọng nặng nề. Tôi vểnh tai hóng mà lạ sao thính như vậy tôi vẫn không nghe được
Mợ nói gì. Tiếng rì rầm bắt đầu râm ran, nhưng như đã được thư thái trong màn
sương, tôi không còn thấy khó chịu. Cái âm thanh trầm trầm buồn buồn bắt đầu rõ
dần, chỉ là tôi không thấy được người cất tiếng.
A Di Đà Phật. Tiếng sư thầy, nhưng ông đứng ở đâu? Tôi dáo dác nhìn quanh.
Đây, đây, lẫn trong đám lố nhố mịt mờ hình ảnh sư thầy trong tấm áo vàng từ từ
rõ. Tôi tò mò chăm chú.
A Di Đà Phật. Nguyễn thị Thanh Thủy, mất ngày 24 tháng 12 năm 2017 lúc 7 giờ
15. Ớ, Thanh Thủy? Tôi chợt thấy gan bàn chân mình trào ra một mạch nước trong
xanh như ngọc bích, phút chốc đôi bàn chân không còn là thịt xương mà chỉ là
đôi bàn chân nước. Dâng cao, dâng cao. Nước dâng lên ống quyển thì bàn chân
cũng lại hóa thành lụa mềm. Dâng cao, dâng cao. Lụa dâng đẩy nước, cơ thể tôi
dần biến hóa. Đến cổ, chân tôi giờ hóa thành sương trắng mong mỏng phất phơ
tiếp cái trò dâng cao dần đuổi lụa và nước. Trời đất, tôi thấy được đỉnh đầu
của mình và tôi đã hoàn toàn hóa sương. Tôi òa khóc, tiếng vô âm. Giọng sư thầy
vang lên. A Di Đà Phật , cốc, cốc, cốc, A Di Đà Phật… Thọ Tưởng Hành Thức diệc
phục như thị…
Tôi tan vào đầm nước trong.
Lưu Na
24.12.2017